Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC KINH THÁNH : ĐI TÌM Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC KINH THÁNH : ĐI TÌM Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN

Áp dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc để tìm ý nghĩa một đoạn văn Kinh Thánh

Thời sự Thần học - Số 54 - Tháng 11/2011, tr. 27-64

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.


Dàn bài 


Dẫn nhập
I. Những định hướng căn bản (1. Phân biệt lịch sử với các tình tiết trong bản văn; 2. Phân biệt nhân vật lịch sử và nhân vật bản văn; 3. Phân biệt “tác giả – độc giả” thực sự và tiềm ẩn)
II. Các bước chuẩn bị phân tích đoạn văn (1. Phân đoạn; 2. Bối cảnh văn chương; 3. Cấu trúc đoạn văn [a. Cấu trúc đồng tâm; b. Cấu trúc song song; c. Cấu trúc theo tiểu đoạn]; 4. Quan sát nhân vật, thời gian và không gian [a. Nhân vật; b. Thời gian; c. Không gian]
III. Phân tích đoạn văn (1. Ga 6,1-71; 2. Ga 11,1-54; 3. Ga 18,28–19,16a)
Kết luận

Dẫn nhập


Tài liệu của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng về Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, năm 1993,[1] đã trình bày tổng quát về các phương pháp đọc Kinh Thánh, đồng thời cho biết những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của mỗi phương pháp. Cuốn sách Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội nói đến 12 lối giải thích Kinh Thánh như sau: (1) Phương pháp phê bình lịch sử (historico-critique). (2) Phân tích tu từ học (analyse rhétorique). (3) Phân tích thuật chuyện (analyse narrative). (4) Phân tích ký hiệu (analyse sémiotique). (5) Lối tiếp cận thư qui (approche canonique). (6) Lối tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của Do-thái (approche par le recours aux traditions juives d’interprétation). (7) Lối tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn (approche par l’histoire des effets du texte). (8) Lối tiếp cận theo xã hội học (approche sociologique). (9) Lối tiếp cận qua khoa nhân học văn hóa (approche par l’anthropologie culturelle). (10) Lối tiếp cận tâm lý và phân tâm (approche psychanalytique). (11) Lối tiếp cận giải phóng (approche libérationiste). (12) Lối tiếp cận đề cao quyền phụ nữ (approche féministe).

Như thế, có nhiều phương pháp đọc Kinh Thánh, trong đó Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng dành cho “Phương pháp phê bình lịch sử” một vị trí quan trọng, bởi vì phương pháp này được trình bày đầu tiên và chi tiết hơn các lối tiếp cận khác. Kế đến là “Các phương pháp mới để phân tích văn chương”.[2] Đây là hai cách tiếp cận bản văn quan trọng. Hai phương pháp này có những lựa chọn khác nhau liên quan đến mục đích và cách thức tiếp cận một bản văn.

Nói chung, có thể xếp tất cả các phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh được thành hai loại: Tiếp cận lịch đại (approche diachronique) và tiếp cận đồng đại (approche synchronique).[3] Tiếp cận lịch đại đứng đầu với phương pháp phê bình lịch sử. Phương pháp này cố gắng tìm hiểu những gợi ý lịch sử trong bản văn, hay đưa ra những giả thuyết về các giai đoạn hình thành bản văn. Nhờ đó, hiểu được phần nào bản văn nói về điều gì. Tiếp cận đồng đại được áp dụng trong các phương pháp phân tích văn chương, gồm có các loại phân tích sau: (1) Phân tích tu từ học (analyse rhétorique). (2) Phân tích thuật chuyện (analyse narrative). (3) Phân tích cấu trúc (analyse structurelle). (4) Phân tích ký hiệu (analyse sémiotique). Những phân tích này đều là phân tích bản văn theo hướng đồng đại với những điểm nhấn khác nhau so với tiếp cận lịch đại. Thay vì chú trọng tìm hiểu xem “Bản văn nói về ĐIỀU GÌ” (CE DONT il parle) như trong phương pháp phê bình lịch sử (tiếp cận lịch đại), các lối phân tích văn chương (tiếp cận đồng đại) chú trọng tìm hiểu xem “Bản văn NÓI GÌ” (CE QU’il dit) và “NÓI NHƯ THẾ NÀO” (COMMENT il le dit).

Phương pháp phê bình lịch sử đạt tới thời hoàng kim vào những thập niên 1960 và 1970. Nhưng hiện nay, phương pháp này đang gặp không ít khó khăn vì ba lý do: (1) Những kết luận mang tính lịch sử do phương pháp này đưa ra thường dựa trên giả thuyết, vì thế thường gây tranh luận và không đạt được sự đồng thuận trong giới nghiên cứu Kinh Thánh. (2) Những nghiên cứu dựa trên phương pháp phê bình lịch sử quá phức tạp, đòi hỏi kiến thức trong nhiều lãnh vực khác nhau, nên phương pháp này thường chỉ dành cho các nhà chuyên môn chứ không dành cho đại chúng. (3) Những kết luận do phương pháp phê bình lịch sử đưa ra thường không đem lại ích lợi thiết thực cho ý nghĩa cuộc sống của độc giả.[4]

Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã nêu lên những khó khăn hiện nay của phương pháp phê bình lịch sử như sau: “Đúng vào lúc phương pháp khoa học phổ biến nhất, tức là phương pháp ‘phê bình lịch sử’, đang được áp dụng trong khoa chú giải, kể cả chú giải công giáo, thì phương pháp này lại bị đem ra đặt vấn đề, một mặt trong chính giới khoa học, vì có nhiều phương pháp và nhiều cách tiếp cận khác xuất hiện; mặt khác, vì có nhiều Kitô hữu chỉ trích phương pháp này bởi thấy phương pháp này có phần khiếm khuyết về quan điểm đức tin.”[5]

Đứng trước sự hạn chế của phương pháp phê bình lịch sử theo hướng lịch đại (diachronie) như trên, ngày nay giới nghiên cứu Kinh Thánh lựa chọn áp dụng các phương pháp phân tích văn chương theo hướng đồng đại (synchronie). Hai lối tiếp cận bản văn được sử dụng phổ biến hiện nay là (1) Phân tích thuật chuyện (analyse narrative)[6] và (2) Phân tích cấu trúc (analyse structurelle).

Những phương pháp phân tích văn chương này có nhiều lợi điểm. Có thể nêu lên một số điểm tích cực: (1) Phân tích thuật chuyện và cấu trúc dựa trên bản văn. Độc giả có thể dựa vào bản văn để kiểm chứng xem phân tích có sức thuyết phục hay không. (2) Phân tích thuật chuyện và cấu trúc nhắm đến ý nghĩa của bản văn, đi tìm thông điệp của bản văn dành cho độc giả. Thông điệp này có thể là một lời khích lệ, động viên độc giả, có thể là một lời mời gọi hay là lời chấn vấn chấn dành cho độc giả. Như thế, ý nghĩa của bản văn tác động đến cuộc sống của độc giả. Nghĩa là bản văn có khả năng mang lại sức sống cho độc giả, có khả năng làm cho cuộc đời độc giả có ý nghĩa và thú vị hơn. (3) Dữ liệu để phân tích là chính bản văn, vì thế phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vừa tầm tay của mọi người. Chỉ cần đọc kỹ bản văn Kinh Thánh và áp dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc là có thể đọc ra được ý nghĩa của bản văn. Ý nghĩa này liên quan thiết thực đến cuộc sống của độc giả.

Bài viết này sẽ trình bày sơ lược về phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc qua ba mục: (I) Những định hướng (lựa chọn) căn bản của phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc. (II) Các bước chuẩn bị: Phân đoạn, bối cảnh, cấu trúc, quan sát các yếu tố: nhân vật, thời gian, không gian. (III) Phân tích bản văn.[7]

I. Những định hướng căn bản


Phân tích thuật chuyện và cấu trúc sử dụng lối tiếp cận đồng đại (approche synchronique) nên lấy bản văn làm trọng tâm và xem bản văn như một tổng thể có ý nghĩa. Khi áp dụng phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào Tin Mừng Gio-an, tác giả G. S. Sloyan viết: “Chúng ta có thể thoáng thấy lịch sử của cộng đoàn Gio-an qua cửa sổ Tin Mừng, nhưng mục đích của tác giả sách Tin Mừng trước tiên không phải là lịch sử mà là một câu chuyện tường thuật.”[8] P. Létourneau khẳng định: “Một khi đã được viết ra, bản văn tự nó tồn tại và trở thành ‘nơi có ý nghĩa’ một cách độc lập.”[9] Phương pháp thuật chuyện và cấu trúc lấy bản văn làm dữ liệu để phân tích và xem bản văn như một bức tranh để chiêm ngắm hay một toà nhà để thăm viếng. Nhờ đó, độc giả có thể quan sát chính bức tranh hay toàn nhà văn chương để tìm ra ý nghĩa của các chi tiết trong bức tranh hay trong toà nhà ấy.

Để áp dụng hiệu quả phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc, độc giả cần phân biệt giữa “sự thật lịch sử” và “sự thật bản văn”. Sự thật lịch sử phức tạp và huyền nhiệm. Sự thật này vượt ra khỏi tầm tay của độc giả, bởi vì độc giả chỉ có trong tay bản văn mà thôi. Cho dù bản văn có thể phản ánh một vài chi tiết lịch sử, nhưng bản văn và lịch sử là hai thực tại khác nhau, không trùng khớp với nhau. Mục đích của phân tích thuật chuyện và cấu trúc là đi tìm ý nghĩa của bản văn chứ không đi tìm lịch sử. Tìm hiểu lịch sử là việc làm của các nhà sử học. Phân biệt “sự thật lịch sử” và “sự thật bản văn” giúp độc giả không dẫm chân lên lãnh vực sử học và chú tâm vào việc tìm hiểu ý nghĩa của bản văn. Phần trình bày sau đây sẽ (1) Phân biệt thực tế lịch sử với tình tiết trong bản văn; (2) Phân biệt nhân vật lịch sử và nhân vật trong bản văn; (3) Phân biệt “tác giả – độc giả” thực sự với “tác giả – độc giả” tiềm ẩn. Đây là những đóng góp độc đáo của lối phân tích thuật chuyện và cấu trúc.

1. Phân biệt lịch sử với các tình tiết trong bản văn


Phân biệt thực tế lịch sử với những gì được thuật lại trong bản văn là điều quan trọng. Đây là hai thực tại có liên hệ với nhau, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau. Sự phân biệt này giúp độc giả trách được những bối rối, khi thấy cùng một sự kiện nhưng các sách Tin Mừng thuật lại với những chi tiết khác nhau, tậm chí mâu thuẫn và trái ngược nhau. Chẳng hạn, các sách Tin Mừng đều nói về phép lạ hay dấu lạ Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều.[10] Có nhiều chi tiết khác nhau trong các trình thuật. Khi so sánh trình thuật “Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều” trong Tin Mừng Mác-cô và trong Tin Mừng Gio-an, độc giả sẽ thấy nhiều chi tiết khác nhau. Trong đó, có điểm khác biệt đáng chú ý: Theo trình thuật Mc 6,30-44, sau khi Đức Giêsu làm phép lạ bánh hoá nhiều, Người trao cho các môn đệ và các môn đệ cho phân phát cho dân chúng ăn. Ý tưởng này được nhấn mạnh, vì trước khi làm phép lạ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Người thuật chuyện cho độc giả biết: Đức Giêsu thực hiện lời nói trên (Mc 6,41) khi kể rằng: “Người [Đức Giêsu] cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời chúc tụng bẻ bánh ra và trao cho môn đệ [của Người] để các ông dọn ra cho họ.”[11] Khác với Tin Mừng Mác-cô, theo trình thuật dấu lạ bánh hoá nhiều trong Tin Mừng Gio-an thì chính Đức Giêsu phân phát cho đám đông ăn. Tin Mừng Gio-an kể: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, trao cho những người ngồi đó. Cá, Người cũng làm như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ ý” (Ga 6,11).

Nếu không phân biệt thực tế lịch sử với bản văn, độc giả sẽ bối rối vì không biết trình thuật của Tin Mừng Mác-cô hay của Tin Mừng Gio-an đúng với thực tế lịch sử. Trước đây, các nhà Kinh Thánh đã đưa ra những giả thuyết để trả lời cho câu hỏi này, nhưng không đạt được sự đồng thuận vì thiếu những bằng chứng có sức thuyết phục để khẳng định Tin Mừng nào (Mác-cô hay Gio-an) đúng với thực tế lịch sử hơn. Hơn nữa, giả như biết được Tin Mừng nào đúng với thực tế lịch sử hơn thì cũng không ích lợi bao nhiêu cho việc tìm hiểu ý nghĩa của bản văn.

Tìm hiểu Kinh Thánh theo hướng này có nguy cơ làm nghèo sự phong phú của bản văn và có thể dẫn đến việc coi trọng bản văn này hơn bản văn khác, vì nghĩ rằng bản văn này phản ánh đúng lịch sử hơn bản văn kia. Phân biệt thực tế lịch sử với sự thật trong bản văn giải thoát độc giả khỏi những khó khăn trên đây và nhận ra được giá trị mặc khải của tất cả các bản văn Kinh Thánh. Độc giả sẽ thấy rằng: Cả hai trình thuật Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (trong Tin Mừng Mác-cô và trong Tin Mừng Gio-an) đều quan trọng. Mỗi trình thuật trình bày một khía cạnh mặc khải về vai trò của Đức Giêsu và vài trò của các môn đệ.

Khi viết sách Tin Mừng, các tác giả đã dựa vào những gì Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời công khai. Về mặt lịch sử, có thể khẳng định Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều. Nhưng các chi tiết lịch sử của biến cố này vượt khỏi sự mắn bắt của độc giả, bởi vì các tác giả sách Tin Mừng không thuật lại biến cố như báo chí tường thuật sự kiện. Mục đích của các tác giả sách Tin Mừng khi kể lại câu chuyện là nhằm chuyển tải cho một cộng đoàn cụ thể (cộng đoàn Mác-cô, cộng đoàn Gio-an...) những thông điệp chứa đựng trong bản văn, để giúp động đoàn hiểu giáo huấn của Đức Giêsu và sống niềm tin của họ.

Mục đích của phân tích thuật chuyện và cấu trúc là đi tìm những thông điệp chứa đựng trong bản văn, chứ không đi tìm thực tế lịch sử đằng sau câu chuyện. Lựa chọn này giúp độc giả nhận ra sự phong phú của bản văn qua những khía cạnh mặc khải khác nhau trong từng bản văn. Chẳng hạn, trình thuật bánh hoá nhiều trong Tin Mừng Mác-cô nhấn mạnh đề tài: “Sự cộng tác của các môn đệ vào sứ vụ của Đức Giêsu” qua việc các ông phân phát bánh cho dân chúng. Còn Tin Mừng Gio-an lại nhấn mạnh đến vai trò của Đức Giêsu qua việc chính Đức Giêsu cho dân chúng ăn. Đức Giêsu của Tin Mừng Gio-an cho dân chúng ăn, vì chính Người là bánh từ trời xuống và chính Người ban sự sống cho thế gian. Trong phần diễn từ bánh sự sống, Đức Giêsu khẳng định với đám đông đã chứng kiến dấu lạ bánh hoá nhiều: “32A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Không phải Mô-sê đã cho các ông bánh bởi trời, nhưng chính Cha của Tôi cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực, 33vì bánh của Thiên Chúa là bánh xuống từ trời, và ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,32-33).[12] Tóm lại, phân biệt thực tế lịch sử với bản văn, và đi tìm ý nghĩa của bản văn chứ không tìm thực tế lịch sử, cho phép độc giả đọc ra được những điểm thần học quan trọng trong cả hai trình thuật bánh hoá nhiều trong Tin Mừng Mác-cô và trong Tin Mừng Gio-an.

2. Phân biệt nhân vật lịch sử và nhân vật bản văn


Từ phân biệt thực tế lịch sử với các tình tiết được thuật lại trong bản văn như trên, dẫn đến phân biệt các nhân vật lịch sử với các nhân vật trong bản văn. Cũng tương tự như sự rộng lớn và huyền nhiệm của thực tế lịch sử so với các chi tiết trong bản văn, sự thật về các nhân vật lịch sử cũng rộng lớn, huyền nhiệm và bí ẩn hơn những gì được thuật lại trong bản văn. Chẳng hạn, nhân vật Giu-đa thuật lại trong bốn sách Tin Mừng cho độc giả biết một số chi tiết về con người Giu-đa lịch sử. Nhưng vẫn còn đó một khoảng cách lớn lao giữa nhân vật lịch sử và nhân vật trong bản văn. Nhân vật lịch sử có những chuyển biến nội tâm trong từng khoảng khắc, nên vượt ra khỏi sự nắm bắt của độc giả. Bởi vì, cái độc giả có trong tay là một số chi tiết về nhân vật trong bản văn chứ không phải là nhân vật lịch sử. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc giới hạn lãnh vực nghiên cứu trong bản văn. Nói cách khác, phân tích thuật chuyện và cấu trúc không có thẩm quyền nói về lịch sử. Hãy để các nhà sử học nghiên cứu nhân vật lịch sử, còn nhiệm vụ của phân tích thuật chuyện và cấu trúc là tìm hiểu nhân vật văn chương, đó là nhân vật được thuật lại trong bản văn.

Mỗi đoạn văn trình bày các nhân vật với những đường nét khác nhau. Có thể lấy nhân vật Giu-đa làm ví dụ. Mỗi sách Tin Mừng vẽ lên khuôn mặt nhân vật Giu-đa với những đường nét khác nhau. Chẳng hạn, sau khi nộp Đức Giêsu và thấy Người bị kết án thì Giu-đa hối hận đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục. Chi tiết này chỉ được thuật lại trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 27,3). Trong Tin Mừng Gio-an, nhân vật Giu-đa được trình bày với nhiều nét đặc trưng khác so với Tin Mừng Nhất Lãm.

Có thể kể năm đặc điểm của nhân vật Giu-đa trong Tin Mừng Gio-an: (1) Nhân vật Giu-đa trong bản văn Gio-an thường được gọi là “người sẽ nộp Đức Giêsu”. Kiểu nói này mở đầu (Ga 6,60-71) và kết thúc câu chuyện về Giu-đa (Ga 13,1-32). (2) Nhân vật Giu-đa được được đề cao: “Một người trong Nhóm Mười Hai”, nhưng lại có liên hệ với quỷ và Xa-tan (Ga 6,70-71; 13,2.27). (3) Sự hiện diện cũng như sự vắng mặt của Giu-đa trong nhóm các môn đệ là dấu hiệu sự khủng hoảng trong nội bộ nhóm các môn đệ về lòng trung tín đối với Thầy. (4) Trong đoạn văn Ga 13,1-32, Giu-đa là một nhân vật không có cảm xúc, không nói một lời nào, Ga 13,1-32 mở đầu bằng chi tiết: “Quỷ gieo vào lòng Giu-đa ý định nộp Đức Giêsu” (Ga 13,2) và kết thúc câu chuyện với việc “Xa-tan nhập vào Giu-đa (Ga 13,27). Những chi tiết này cho thấy chính quỷ và Xa-tan đứng sau việc Giu-đa nộp Thầy. (5) Cuối cùng Giu-đa rời khỏi bửa ăn, đi ra ngoài, lúc đó trời đã tối (Ga 13,30). Giu-đa đi vào “đêm tối” để thực hiện ý định “đen tối” của thế lực “bóng tối”.

Các chi tiết riêng của Tin Mừng Gio-an về nhân vật Giu-đa trên đây, tạo nên những ẩn ý sâu xa về thần học. Trong đoạn văn Ga 13,1-32, nhân vật Giu-đa không bày tỏ cảm xúc, không nói lời nào, nhưng mau nắm hành động: “Sau khi nhận lấy miếng bánh, ông ấy [Giu-đa] đi ra ngay lập tức. Lúc đó, trời đã tối” (13,30). Nhưng chi tiết trên làm cho nhân vật Giu-đa trong bản văn trở thành công cụ của quỷ, công cụ của Xa-tan. Nếu như khi những người Do Thái tìm giết Đức Giêsu là họ đang làm công việc của quỷ (Ga 8,44) thì khi Giu-đa nộp Đức Giêsu, ông ấy cũng đang thực hiện công việc của quỷ và là người thuộc về quỷ.

Đây là nét đặc trưng của nhân vật Giu-đa trong Tin Mừng Gio-an. Nhân vật Giu-đa được thuật lại như trên là có ý nghĩa đối với độc giả. Bản văn gợi đến hoàn cảnh của cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I và qua đó là cộng đoàn người tin qua mọi thời đại. Trong hoàn cảnh cộng đoàn bị bách hại, có thể đã xuất hiện những thành viên trong cộng đoàn nộp Thầy, nộp anh em mình. Như Giu-đa là “một trong Nhóm Mười Hai”, có thể một số môn đệ Đức Giêsu đã trở thành công cụ của quỷ và làm công việc của quỷ. Như thế, nhân vật Giu-đa trở thành lời cảnh báo cho từng thành viên trong cộng đoàn, đồng thời mời gọi độc giả đừng trở thành công cụ của quỷ, nhưng hãy lắng và thực hành giáo huấn của Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh bị thử thách, hãy xác tín vào tình yêu Đức Giêsu dành cho mình (Ga 13,1), hãy xác tín Đức Giêsu đã chiến thắng thế lực đen tối (Ga 16,33), nhờ đó người môn đệ có thể trung tín với Thầy đến hơi thở cuối cùng.[13]

3. Phân biệt “tác giả – độc giả” thực sự và tiềm ẩn.


Trong chiều hướng phân biệt thực tế lịch sử với bản văn, phân tích thuật chuyện và cấu trúc phân biệt “tác giả và độc giả thực sự” và “tác giả và độc giả tiềm ẩn”.[14]

Thông thường một tác phẩn xuất hiện là do một hay nhiều tác giả viết ra cho một nhóm độc giả nào đó. Tác giả viết ra tác phẩm là những con người cụ thể trong lịch sử, nên gọi là “tác giả thực sự”. Độc giả mà “tác giả thực sự” nhắm đến, gọi là “độc giả thực sự”. Chẳng hạn, bốn sách Tin Mừng được biết ra bởi các tác giả được linh hứng. Các tác giả đã sống vào thế kỷ I, là các “tác giả thực sự” đã viết các sách Tin Mừng cho “những độc giả thực sự”. Họ là cộng đoàn Mát-thêu, cộng đoàn Mác-cô, cộng đoàn Lu-ca và cộng đoàn Gio-an. Đây là những cộng đoàn đã cưu mang và đón nhận sách Tin Mừng được viết cho họ. Họ là những “độc giả thực sự” của sách Tin Mừng.

Phân tích thuật chuyện và cấu trúc không tìm hiểu “tác giả thực sự” và “độc giả thực sự” mà chú trọng tìm hiểu “tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn”. Đây là những thuật ngữ được dùng để nói đến hình ảnh “tác giả” và “độc giả” được xây dựng lên nhờ các chi tiết trong bản văn. Bởi vì “tác giả thực sự” và “độc giả thực sự” là đối tượng nghiên cứu của ngành sử học. Cuộc đời của “tác giả thực sự” và “độc giả thực sự” này rộng lớn và phong phú hơn rất nhiều so với những chi tiết thuật lại trong bản văn. Để giới hạn lãnh vực và phạm vị nghiên cứu, phân tích thuật chuyện và cấu trúc lấy bản văn làm đối tượng để tìm hiểu, nên các lối phân tích văn chương này chỉ có thể nói tới “tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn”.

“Tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn” là những khái niệm giúp hiểu bản văn. “Tác giả tiềm ẩn” là hình ảnh tác giả được độc giả xây dựng lên bằng những chi tiết và những đặc điểm trong bản văn. Chẳng hạn, tác giả tiềm ẩn của Tin Mừng Gio-an là người thích kiểu hành văn “hiểu lầm” và “châm biến”. Tác giả sử dụng một số từ ngữ đặc thù, chẳng hạn, trong Tin Mừng Gio-an, tác giả chỉ dùng từ “dấu lạ” mà không dùng từ “phép lạ”, tác gải chỉ dùng từ “môn đệ” chứ không dùng từ “tông đồ”, tác giả thích dùng ngôn ngữ biểu tượng như “ánh sáng”, “bóng tối”, “ở lại trong ai đó”…, tác giả thích dùng các diễn từ sau các dấu lại v.v… Tất cả những đặc tính này được rút ra từ bản văn và có thể kiểm chứng trong bản văn. Càng đọc kỹ Tin Mừng độc giả càng biết rõ khuôn mặt của “tác giả tiềm ẩn”.

“Độc giả tiềm ẩn” là độc giả được giả thiết là hiểu được những gì “tác giả tiềm ẩn” muốn nói qua bản văn. Vì thế, càng đọc bản văn độc giả càng xích lại gần với “độc giả tiềm ẩn”, nhờ dần dần hiểu được những ẩn ý mà “tác giả tiềm ẩn” muốn nói. Độc giả qua mọi thời đại, chưa phải là “độc giả tiềm ẩn” mà đang cố gắng đứng vào vị trí của “độc giả tiềm ẩn” nhờ phân tích và tìm hiểu ý nghĩa bản văn.

Sự phân biệt giữa lịch sử và bản văn như trên là yếu tố nền tảng trong cách phân tích thuật chuyện và cấu trúc. Tôn trọng lãnh vực nghiên cứu sử học và khai thác bản văn như một bức tranh, một toà nhà để tìm hiểu ý nghĩa của nó là đóng góp độc đáo của phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào việc học hỏi và tìm hiểu Kinh Thánh hiện nay. Phần sau sẽ trình bày cụ thể các bước chuẩn bị để có thể tìm ra ý nghĩa một đoạn văn.

II. Các bước chuẩn bị phân tích đoạn văn


Để bắt đầu phân tích một đoạn văn, điều quan trọng cần làm trước là đọc kỹ và quan sát bản văn. Giai đoạn chuẩn bị này gồm các bước: (1) Phân đoạn đoạn văn được chọn để phân tích; (2) Đặt đoạn văn vào bối cảnh văn chương của nó. (3) Tìm hiểu cấu trúc của đoạn văn. (4) Quan sát các yếu tố: Nhân vật, thời gian và không gian trong bản văn. Trong quá trình thực hiện các bước trên cần ghi nhận những điểm lạ lùng, khó hiểu và bất hợp lý trong câu chuyện nếu có. Những quan sát này sẽ giúp phân tích bản văn cách hiệu quả, hầu tìm ra thông điệp của bản văn dành cho độc giả.

1. Phân đoạn


Sau khi chọn một đoạn văn để phân tích, bước chuẩn bị thứ nhất là lý giải phân đoạn của đoạn văn ấy. Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại bắt đầu đọc đoạn văn ở câu này và kết thúc ở câu kia? Tại sao không chọn đoạn văn ngắn hơn hay dài hơn để đọc? Những dấu hiệu nào trong bản văn cho phép nói rằng: Đoạn văn được chọn để đọc là một đơn vị văn chương tương đối độc lập và có ý nghĩa?

Phân đoạn một đoạn văn là quan trọng, vì nó có thể làm thay đổi ý nghĩa của đoạn văn, hay làm cho đoạn văn trở nên khó hiểu vì chưa đầy đủ các yếu tố để phân tích. Chẳng hạn, nếu chọn dụ ngôn “nói và làm của hai người con” trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 21,28-32) là một đoạn văn độc lập để phân tích là chưa hợp lý. Bởi vì đoạn văn này bắt đầu như sau: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho’…” (Mt 21,28). Khi bắt đầu đoạn văn như thế, Độc giả sẽ không biết ai đang nói và nói với ai. Cần mở rộng đoạn văn này về phía trước mới có thể biết tại sao lại có dụ ngôn này. Như thế, dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (Mt 21,28-32) là một tiểu đoạn của một đoạn văn lớn hơn (Mt 21,23-46).[15]

Về trình thuật Ni-cô-đê-mô trong Tin Mừng Gio-an, Độc giả cũng không thể bắt đầu câu chuyện Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giêsu ban đêm ở Ga 3,1. Thực vậy, khi đọc Ga 3,1-2a: “1Có một người trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của những người Do Thái. 2aÔng này đến gặp Người ban đêm và nói với Người:…”, độc giả sẽ không biết Ni-cô-đê-mô đến gặp ai và nói với ai, bởi vì 3,2a dùng đại từ ngôi thứ ba số ít “Người”. Cần đọc lên phía trước để biết nhân vật này là ai. Đoạn văn trước Ga 3,1 là Ga 2,23-25 sẽ cho độc giả biết nhân vật ấy là Đức Giêsu. Người thuật chuyện kể ở Ga 23-25: “23Trong lúc Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24Nhưng Đức Giêsu, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.” Đoạn văn này cho biết tên của Đức Giêsu (2,24), đồng thời dẫn vào đề tài “biết” (2,24-25) trong đoạn văn tiếp theo (3,1-12). Đề tài “biết – không biết” sẽ được triển khai trong trình thuật Ni-cô-đê-mô trao đổi với Đức Giêsu (3,1-12). Như thế, cần đọc trình thuật Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giêsu từ câu 2,24 thì mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu chuyện.

Trong một đoạn văn, lại có nhiều đơn vị văn chương nhỏ hơn. Có thể chọn phân tích một vài đơn vị văn chương trong một đoạn văn. Nhưng vẫn cần tìm ra giới hạn của một đoạn văn tương đối độc lập và có ý nghĩa trước khi tìm hiểu các đơn vị văn chương nhỏ hơn. Bước tiếp theo là đặt đoạn văn vào bối cảnh văn chương của đoạn văn ấy.

2. Bối cảnh văn chương


Sau khi lý giải việc phân đoạn, độc giả đã có một đoạn văn tương đối độc lập để phân tích. Bước tiếp theo là quan sát bối cảnh văn chương của đoạn văn ấy. Nghĩa là tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trước đoạn văn được chọn và điều gì tiếp diễn sau đoạn văn ấy. Có thể trả lời các câu hỏi: Đoạn văn đứng trước và đoạn văn kế sau có liên hệ gì với đoạn văn được chọn hay không? Đoạn văn được chọn để phân tích thuộc phần nào của sách Tin Mừng và đề tài chính của phần này là gì?

Cần phân biệt bối cảnh văn chương với bối cảnh lịch sử. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc không bàn đến bối cảnh lịch sử, vì dữ liệu lịch sử vượt ra khỏi giới hạn của bản văn. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc chú trọng đến bối cảnh văn chương của đoạn văn. Nghĩa là bối cảnh của câu chuyện qua những tình tiết được kể trong bản văn.

Việc đặt một đoạn văn vào bối cảnh văn chương của nó đã định hướng phần nào cách hiểu đoạn văn ấy. Tìm hiểu bối cảnh văn chương, góp phần làm cho những kết luận độc giả rút ra sau khi phân tích sẽ không xa lạ với mạch văn. Sau khi đặt đoạn văn sẽ phân tích vào bối cảnh văn chương rộng lớn hơn, bước tiếp theo là quan sát chính bản văn đã chọn để xem đoạn văn ấy được cấu trúc như thế nào.

3. Cấu trúc đoạn văn


Cấu trúc đoạn văn là bước quan trọng để xem các ý trưởng trong đoạn văn được sắp xếp và cấu trúc như thế nào. Trong đoạn văn được chọn để phân tích, điều gì nói trước, điều gì nói sau, và các ý tưởng tiến triển theo thứ tự nào. Chú ý xem có các ý tưởng song song hay có các từ ngữ lặp đi lặp lại không. Bất cứ đoạn văn nào cũng có thể xếp vào ba loại cấu trúc tổng quát như sau: (a) Cấu trúc đồng tâm; (b) Cấu trúc song song; (c) Cấu trúc theo tiểu đoạn. Mục đích của việc tìm hiểu cấu trúc là để biết đoạn văn được xây dựng như thế nào, có bao nhiêu ý, đề tài nào được nhấn mạnh v.v…

a. Cấu trúc đồng tâm

Một đoạn văn có cấu trúc đồng tâm sẽ có các tiểu đoạn trong đoạn văn ấy được sắp sếp theo kiểu đồng tâm. Trong cấu trúc đồng tâm, nếu có yếu tố trung tâm, các tiểu đoạn sẽ được sắp sếp theo thứ tự: A, B, C, B’, A’. Nếu cấu trúc đồng tâm không có yếu tố trung tâm, các tiểu đoạn được sắp sếp theo thứ tự: A, B, C, C’, B’, A’. Cấu trúc đồng tâm có các tiểu đoạn song song: A // A’, B // B’, C // C’… Cấu trúc đồng tâm có thể được xây dựng trong một đoạn văn dài gồm nhiều trình thuật nối tiếp nhau, hay đồng tâm chỉ trong một câu. Sau đây là ví dụ hai hình thức cấu trúc đồng tâm này.

Mc 2,1–3,6 là một đoạn văn dài gồm năm trình thuật nối tiếp nhau, được cấu trúc theo dạng đồng tâm như sau [16]:
Năm trình thuật Tin Mừng Mác-cô trên đây có cấu trúc đồng tâm với yếu tố trung tâm (C): A, B, C, B’ A’. Trong đó A // A’ vì đều là trình thuật chữa lành. B // B’ vì có chung đề tài ăn uống. Yếu tố trọng tâm C: Ăn chay. Trong tiểu đoạn trung tâm này, Đức Giêsu nói đến đề tài quan trọng: “Cũ” (Cựu Ước) và “mới” (Tân Ước). Tất cả những đoạn văn song song: A // A’ và B // B’ soi sáng cho đề tài “cũ” và “mới” này. Đó là cũ và mới giữa Cựu Ước và Tân Ước, cũ và mới giữa trước khi Đức Giêsu xuất hiện và sau khi Đức Giêsu xuất hiện. Cũ và mới liên quan đến quyền tha tội của Đức Giêsu và việc giữ ngày sa-bát… Bảng cấu trúc trên cho thấy mỗi trình thuật vừa nối kết, vừa soi sáng cho các trình thuật khác, nhờ đó độc giả có thể đọc ra được ý nghĩa của chúng trong mạch văn.

Có trường hợp cấu trúc đồng tâm xuất hiện chỉ trong một câu như ở Mc 4,13. Sau khi kể dụ ngôn hạt giống (Mc 4,1-9), Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu biết dụ ngôn này sao? Vậy làm sao anh em hiểu biết được tất cả các dụ ngôn? (Mc 4,13). Câu này cấu trúc đồng tâm:
Mc 4,13 có cấu trúc đồng tâm không có yếu tố trung tâm: A, B, C, C’, A’, B’. A: “Không hiểu biết” // A’: “Làm sao biết?”. B: “Dụ ngôn” (số ít) // B’: “Các dụ ngôn” (số nhiều). C: (Dụ ngôn) “này” // C’: “Tất cả” (các dụ ngôn). Cấu trúc này đề cao hai ý tưởng: (1) Dụ ngôn hạt giống giúp hiểu ý nghĩa các dụ ngôn khác. (2) Sự tương phản giữa số ít (A, B, C) và số nhiều (C’, A’, B’) làm cho dụ ngôn hạt giống được kể trước đó (Mc 4,1-9) trở thành dụ ngôn quan trọng. Nếu không hiểu dụ ngôn hạt giống thì cũng không hiểu tất cả các dụ ngôn khác. Cấu trúc đồng tâm Mc 4,13 mời gọi độc giả dành thời gian để tìm hiểu kỹ hai đoạn văn liên quan đến dụ ngôn hạt giống: “Dụ ngôn” (Mc 4,3-9) và “Áp dụng dụ ngôn” (4,13-20).

b. Cấu trúc song song

Một đoạn văn có cấu trúc song song, khi các ý tưởng được sắp xếp theo dạng song song: A, B, C, A’, B’, C’. Trong đó, A // A’, B // B’, C // C’. Cấu trúc song song cũng có thể tìm thấy trong một vài câu hay trong nhiều đoạn văn.

Chẳng hạn, lời rao giảng của Đức Giêsu ở Mc 1,15: “Thời gian đã viên mãn, và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và hãy tin vào Tin Mừng” có cấu trúc song song A, B, A’, B’ như sau:
Yếu tố A: “Thời kỳ đã mãn” // A’: Lời mời gọi “sám hối”. B: “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần” // B’: Lời mời gọi “tin vào Tin Mừng”. Cấu trúc trên làm rõ hai lời mời gọi tương ứng với hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “sám hối” quay lưng lại với những gì đã cũ. Giai đoạn thứ hai là “tin vào Tin Mừng” vì “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần”. Mc 1,15 thuộc lời tựa sách Tin Mừng Mác-cô (Mc 1,1-15), là phần nói về mục đích sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tất cả những gì thuật lại trong Tin Mừng Mác-cô nhằm mục đích dẫn độc giả đến hành động “sám hối” và “tin vào Tin Mừng”. Nếu đọc hết sách Tin Mừng mà độc giả chưa bước vào tiến trình “sám hối” và “tin vào Tin Mừng” thì vẫn chưa đáp trả trọn vẹn lời mời gọi của sách Tin Mừng Mác-cô.

Đoạn văn dài trong Tin Mừng Gio-an (Ga 10,1-21) dùng hai hình ảnh “cửa ràn chiên” và “mục tử” có cấu trúc song song: A, B, C, A’, B’, C’. Dụ ngôn cửa ràn chiên và mục tử tốt (Ga 10,1-21) có cấu trúc song song với hai phần: (I) Đức Giêsu kể dụ ngôn. (II) Đức Giêsu giải thích dụ ngôn. Đoạn văn Ga 10,1-21 được cấu trúc như sau:
Phần I: “Dụ ngôn” (Đức Giêsu dùng đại từ ngôi thứ ba) song song với Phần II: “Giải thích dụ ngôn” (Đức Giêsu dùng đại từ ngôi thứ nhất). Mỗi phần gồm ba yếu tố, vừa song song, vừa soi sáng lẫn nhau. Nếu như trong yếu tố A, Đức Giêsu nói về cửa ràn chiên thì trong yếu tố A’ Đức Giêsu cho biết cửa đó là chính Người. Nếu như trong yếu tố B Đức Giêsu nói về mục tử và người lạ thì trong yếu tố B’ Đức Giêsu cho biết chính Người là Mục tử tốt. Nếu như trong yếu tố C người thuật chuyện cho độc giả biết “những người Pha-ri-sêu không hiểu” thì trong yếu tố C’ người thuật chuyện cho biết: “Những người Do Thái chia rẽ”, nghĩa là có những người Do Thái đón nhận Đức Giêsu và có những người Do Thái không đón nhận Người.

c. Cấu trúc theo tiểu đoạn

Trong trường hợp không có các yếu tố đồng tâm hay song song trong đoạn văn, độc giả có thể xây dựng cấu trúc theo các đề tài. Chẳng hạn, bốn trình thuật khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu trong Mác-cô (Mc 1,21-45) có cấu trúc: 
Sau khi chọn bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20), Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai qua bốn đoạn văn như trong bảng cấu trúc trên. Cấu trúc này làm lộ ra những hoạt động chính trong sứ vụ Đức Giêsu: “giảng dạy”, “trừ quỷ”, “chữa lành” và “cầu nguyện”.

Ở cuối hai tiểu đoạn 1, 2 (1,32-33) và cuối hai tiểu đoạn 3, 4 (1,45), bản văn nói đến sự thành công của Đức Giêsu. Thành công giai đoạn 1 (1,32-33) xảy ra ở Ca-pha-na-um, cụ thể là mọi người tụ tập trước cửa nhà ông Si-môn. Thành công giai đoạn 2 (1,39.45) xảy ra khi dân chúng khắp vùng Ga-li-lê đến với Người. Sự thành công ngày càng lan rộng theo hướng: Capha-naum à Ga-li-lê à Vùng lân cận. Cấu trúc trên cho thấy tiến triển thần học Tin Mừng Mác-cô: Giới thiệu căn tính của Đức Giêsu và niềm vui lớn lao của dân chúng được gặp gỡ Người. Liệu độc giả có hăm hở tìm đến với Đức Giêsu để được nghe Người giảng, được Người chữa lành và được ở với Người như dân chúng khắp vùng Ga-li-lê không?

Tin Mừng Gio-an, chương 17 cũng có cấu trúc theo các đề tài như sau:
Cấu trúc Ga 17
17,1-8:      Dẫn nhập, sứ vụ của Đức Giêsu
17,9-19:    Đức Giêsu can thiệp với Cha cho các môn đệ
17,20:       Can thiệp cho người sẽ tin nhờ lời các môn đệ
17,21-23:  Xin cho “tất cả” (đã tin, sẽ tin) hiệp nhất
17,24-26:  Kết luận, ước muốn cuối cùng của Đức Giêsu
Ga 17 được chia thành năm tiểu đoạn với những đề tài cụ thể cho từng tiểu đoạn. Qua cấu trúc trên, độc giả nhận ra ý tưởng chính của Ga 17 không phải là “Lời nguyện hiến tế” như người ta gán cho Ga 17 mà dựa vào nội dung, Ga 17 là “Lời nguyện sứ vụ”. Trong Ga 17, Đức Giêsu trình bày với Cha về sứ vụ của Người. Người đã hoàn thành sứ vụ Cha giao phó (Ga 17,4). Tiếp đến, Đức Giêsu ngỏ lời với Cha về sứ vụ của các môn đệ trong thế gian. Người xin cho các môn đệ qua mọi thời đại được hiệp nhất nên một (Ga 17,21-23). Sự hiệp nhất giữa các môn đệ là lời chứng sống động có khả năng làm cho thế gian “nhận biết” Đức Giêsu là ai và “tin” vào Người (Ga 17,21.23).

Tóm lại, mục đích của việc tìm hiểu cấu trúc bản văn là để biết câu chuyện được xây dựng như thế nào. Phần cấu trúc đoạn văn thường được trình bày trong một bảng đóng khung gồm các tiểu đoạn theo trình tự câu chuyện (không đảo lộn thứ tự các câu văn). Tiếp đến là lý giải cấu trúc bằng cách trả lời các câu hỏi: Bản văn được chia làm mấy phần? Tại sao chia các tiểu đoạn như thế? Đề tài chính của mỗi tiểu đoạn là gì? Các đề tài được diễn tả bằng từ ngữ nào? Các ý tưởng tiến triển và liên kết với nhau ra sao? Vấn đề đặt ra ở đầu trình thuật được giải quyết như thể nào ở cuối trình thuật?

Trong quá trình phân tích bản văn có thể dẫn đến chỉnh sửa cấu trúc, nhằm làm cho phần cấu trúc có sức thuyết phục hơn và rõ ràng hơn. Như thế, trong tinh thần tôn trọng bản văn, các bước chuẩn bị giúp độc giả phân tích bản văn và ngược lại, những phân tích giúp những quan sát trong các bước chuẩn bị được tốt hơn.

4. Quan sát nhân vật, thời gian và không gian


Sau khi tìm hiểu cấu trúc đoạn văn, bước tiếp theo là quan sát các yếu tố trong trình thuật liên quan đến “nhân vật”, “thời gian” và “nơi chốn”. Phần sau sẽ phân tích các yếu tố này trong đoạn văn Ga 13,1-32. Có thể cấu trúc đoạn văn này như sau: 
Trong đoạn văn 13,1-32, có A // A’, vì câu dẫn nhập: “Giờ đã đến” (13,1) song song với câu kết: “Giờ (lúc) tôn vinh” (13,31-32). Yếu tố B (13,2) giới thiệu khung cảnh trình thuật: “Trong bữa ăn” cùng với ý tưởng “quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Người”. Việc Giu-đa nộp Đức Giêsu sẽ được trình bày chi tiết trong tiểu đoạn song song: B’ (13,27-30). Như thế, B: “Quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa...” // B’: “Xa-tan liền nhập vào ông ấy”. Tiểu đoạn C trình bày hành động rửa chân và ý nghĩa của hành động này, song song với tiểu đoạn C’ là thông báo và thắc mắc về kẻ sẽ nộp Đức Giêsu. Các ý tưởng song song giữa C và C’ liên quan đến đề tài “không biết” của các nhân vật: Phê-rô, các môn đệ và Giu-đa. Phần sau sẽ quan sát các yếu tố “nhân vật”, “thời gian” và “nơi chốn” trong đoạn văn Ga 13,1-32.[17]

a. Nhân vật

Đoạn văn Ga 31,1-32 trình bày các nhân vật rất độc đáo. Các nhân vật được nói đến trong đoạn văn này là Chúa Cha, Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Người, quỷ, Xa-tan, các môn đệ, Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giêsu yêu mến. Các nhân vật này có thể chia thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất gồm có Chúa Cha, Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Người (chỉ Đức Giêsu). Nhóm thứ hai là thế lực chống đối Đức Giêsu: Quỷ, Xa-tan. Nhóm thứ ba được gọi là “Những kẻ thuộc về Đức Giêsu” gồm có: Các môn đệ, Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giêsu yêu mến.

Khi kể lại những gì liên quan đến nhóm nhân vật thứ nhất trong bản văn, người thuật chuyện cho độc giả biết hai mối tương quan: 1) Tương quan giữa Đức Giêsu và Cha của Người trong bối cảnh “Giờ đã đến”. 2) Tương quan giữa Đức Giêsu và “những kẻ thuộc về Người” khi “Giờ đã đến”. Đây là Giờ Đức Giêsu bị trao nộp, Giờ Người sẽ chết trên thập giá. Đó là Giờ Đức Giêsu “ra khỏi thế gian mà về với Cha” (13,1), Giờ Thiên Chúa và Đức Giêsu được tôn vinh (13,31-32). Đức Giêsu biết rõ điều đó vì người thuật chuyện kể: “Người [Đức Giêsu] biết rằng: Cha đã trao ban mọi sự trong tay Người và Người bởi Thiên Chúa mà đến và Người đi về cùng Thiên Chúa...” (13,3). “Giờ đã đến” cũng là Giờ Đức Giêsu bày tỏ tình yêu của Người dành cho những kẻ thuộc về mình. Đó là “tình yêu đến cùng” về thời gian (yêu cho đến chết) và “tình yêu đến cùng” về mức độ (một tình yêu cao cả).

Nhóm nhân vật thứ hai là quỷ và Xa-tan, xuất hiện ở đầu (13,2: Quỷ) và ở gần cuối đoạn văn (13,27: Xa-tan). Trong cả hai lần xuất hiện trên đây, đều liên hệ đến nhân vật Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Mở đầu trình thuật, người thuật chuyện cho độc giả biết: “Quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa ý định nộp Người” (13,2). Kết thúc câu chuyện, người thuật chuyện kể: “Xa-tan liền nhập vào ông ấy [Giu-đa]” (13,27). Tương quan giữa quỷ, Xa-tan với Giu-đa cho thấy nguyên nhân sâu xa trong hành động Giu-đa nộp Thầy là do quỷ xúi dục và do Xa-tan hành động, đây mới thực sự là kẻ chống đối Đức Giêsu. Giu-đa là một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, đã để cho mình thuộc về quỷ, và khi quyết định nộp Đức Giêsu, Giu-đa đang làm công việc của quỷ.

Nhóm nhân vật thứ ba là “những kẻ thuộc về Đức Giêsu”, gồm có các môn đệ, Si-môn Phê-rô, môn đệ Đức Giêsu yêu mến và kể cả Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. “Những kẻ thuộc về Đức Giêsu” là những kẻ được Người yêu thương cho đến cùng, nhưng nhóm này đã làm gì và ứng xử như thế nào? Đề tài nổi bật liên quan đến nhóm các môn đệ là “không hiểu” và “không biết”. Phê-rô đã không hiểu hành động Đức Giêsu làm và không hiểu lời Đức Giêsu nói. Phê-rô không để Đức Giêsu rửa chân là không hiểu ý nghĩa của việc Đức Giêsu làm (13,6-8a). Khi Đức Giêsu nói với Phê-rô: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng có phần với Thầy” (13,8b), Phê-rô đã không hiểu Đức Giêsu khi trả lời: “Thưa Thầy, không chỉ rửa chân con, nhưng cả tay và đầu” (13,9). Phê-rô cùng với các môn đệ khác, không ai biết kẻ sẽ nộp Đức Giêsu là ai. Khi Đức Giêsu nói: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (13,21) thì “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (13,22). Đến khi Đức Giêsu “chấm miếng bánh [cầm lấy và] trao cho Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt” (13,26) thì “không ai trong những người đang dùng bữa biết” (13,28) tại sao Đức Giêsu lại nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (13,27b). Các môn đệ đã đi từ không biết này đến không viết khác. Trước hết, các môn đệ không biết ai là kẻ sẽ nộp Đức Giêsu, khi đã biết thì lại rơi vào tình trạng không biết Giu-đa đi ra để làm gì.

Các môn đệ “không biết”, “không hiểu” về những sự kiện đang xảy ra. Còn nhân vật Giu-đa, ông ấy không nói lời nào trong trình thuật, nhận vật này không bày tỏ cảm xúc, không phân vân, không thắc mắc. Giu-đa hành động như thể đã được “cài đặt” trước. Thực vậy, Giu-đa đã để cho quỷ gieo vào lòng mình ý định nội Đức Giêsu (13,2) và đã để Xa-tan vào trong mình (13,27). Nhân vật Giu-đa đã thuộc về quỷ và làm công việc của quỷ. Cách trình bày nhân vật Giu-đa trong bản văn như trên đã làm cho nhân vật này trở thành công cụ của quỷ. Tuy vậy, khi đặt nhân vật Giu-đa vào bối cảnh đoạn văn, độc giả nhận ra rằng: Cũng như Phê-rô và các môn đệ khác, khi quyết định nộp Thầy, Giu-đa đã thực sự không biết Đức Giêsu là ai. Nhóm các môn đệ đang ở trong tình trạng khủng khoảng vì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, đi nộp Thầy, Phê-rô sẽ chối Thầy (13,38), còn các môn đệ khác không hiểu hiểu những gì Đức Giêsu làm. Tất cà họ đều chưa thực sự biết Đức Giêsu là ai. Thực ra, căn tính của Đức Giêsu chỉ hoàn toàn tỏ lộ sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Chỉ sau khi Đức Giêsu về với Cha và Đấng Pa-rác-lê đến với các môn đệ thì họ mới thực sự biết Đức Giêsu là ai và có thể đi theo Người như Phê-rô, ông đã hy sinh mạng sống mình để tôn vinh Thiên Chúa (21,19).

Đề tài các môn đệ “không hiểu”, “không biết” tương phản mạnh mẽ với đề tài “biết” của Đức Giêsu. Người biết Giờ của Người đã đến (13,1), Người biết Cha đã trao mọi sự trong tay Người... (13,3). Đức Giêsu biết ai là kẻ sẽ nộp Người (13,26). Đức Giêsu biết Giờ sắp xảy đến là Giờ Người được tôn vinh và là Giờ Người tôn vinh Thiên Chúa (13,31-32). Sự tương phản giữa “biết” (Đức Giêsu) và “không biết” (các môn đệ kể cả Giu-đa) làm cho Đức Giêsu trở thành Đấng mặc khải cho các môn đệ, Đức Giêsu thực sự là “Đấng làm cho biết”. Bản văn mời gọi độc giả nhận ra mình cũng “không biết”, “chưa biết”, để từ đó lắng nghe Đức Giêsu để “biết” Người thực sự là ai, và “biết” ý nghĩa của những biến cố đang xảy ra trong cuộc đời độc giả.

Trong bối cảnh các môn đệ đi từ không biết này (không biết ai sẽ nộp Đức Giêsu) đến không biết khác (không biết Giu-đa đi ra để làm gì), nhân vật “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” (13,23-25) xuất hiện trong bản văn. Người thuật chuyện cho biết vị trí đặc biệt của người môn đệ này trong bữa ăn: “tựa vào lòng Đức Giêsu” (13,23). Câu hỏi của người môn đệ này (13,25) đã được Đức Giêsu trả lời (13,26). Những chi tiết trên cho thấy người môn đệ này thân tình với Đức Giêsu và hiểu Đức Giêsu hơn các môn đệ khác, đúng như tên gọi của môn đệ này: “Người Đức Giêsu yêu mến”. Những lần xuất hiện tiếp theo trong Tin Mừng Gio-an làm rõ phẩm chất của người môn đệ này trong tương quan với Đức Giêsu trong nhiều phương diện: “lòng mến” (13,23), “lòng tin” (20,8), “lòng trung tín” (19,26-27), “sự nhận biết Đức Giêsu” (21,7) và “lời chứng” (19,35; 21,24).

Các tình tiết liên quan đến các nhân vật trong đoạn văn Ga 13,1-32 phong phú đa dạng. Cách trình bày các nhân vật như phân tích trên là lời mời gọi để độc giả nhận ra mình cũng chưa biết đủ về Đức Giêsu. Vì thế, cần chú ý lắng nghe lời Đức Giêsu và nỗ lực xây dựng tương quan tình yêu với Người qua khuôn mẫu người môn đệ Đức Giêsu yêu mến. Những gì xảy ra liên quan đến các nhân vật, được đặt trong bối cảnh thời gian và không gian sẽ được phân tích vắn tắt sau đây.

b. Thời gian

Yếu tố thời gian trong đoạn văn Ga 13,1-32 có nhiều gợi ý thần học. Trước hết Ga 13 mở đầu bằng hai từ: “Lễ Vượt Qua” và “Giờ”. Người thuật chuyện kể: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến” (13,1a). Bản văn nối kết Lễ Vượt qua với Giờ của Đức Giêsu. Theo Tin Mừng Gio-an, Đức Giêsu chết trên thập giá vào ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua (18,28; 19,31). Yếu tố thời gian ở Ga 13,1-32, được tính bằng “giờ” và “Giờ của Đức Giêsu” được định nghĩa rõ ràng. Đó là Giờ Đức Giêsu đi về với Cha (13,b), đó là Giờ Đức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình cho đến cùng (13,1c), đó là Giờ Đức Giêsu tôn vinh Thiên Chúa và là Giờ Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu (13,31-32).

Đồng thời, Ga 13,1-32 cũng cho biết đó là giờ, là lúc, Giu-đa quyết định nộp Đức Giêsu, đó là giờ Giu-đa tách rời khỏi nhóm các môn đệ, ông ra đi để làm công việc của Xa-tan (13,27). Bản văn cho biết thời điểm lúc Giu-đa đi ra: “Lúc đó, trời đã tối” (13,30b). Giu-đa đi vào bóng tối, gợi đến hành động đen tối và giờ của thế lực bóng tối. Cụ thể là giờ hành động của quỷ và Xa-tan nơi nhân vật Giu-đa. Yếu tố thời gian tương phản nhau trong Ga 13,1-32 làm lộ ra thần học của bản văn. Yếu tố thời gian trong Ga 31,1-32 đan xen giữa “sáng” (giờ yêu thương, giờ tôn vinh) và “tối” (giờ của thế lực bóng tối, giờ Đức Giêsu bị trao nộp). Trên bình hiện lịch sử, “Giờ đã đến” là giờ Đức Giêsu bước vào cuộc Thương Khó, giờ Người sẽ chết trên thập giá; nhưng trên bình diện mặc khải, “Giờ đã đến” là Giờ Đức Giêsu sắp về với Cha, Giờ Người được tôn vinh, Giờ Người bày tỏ tình yêu của Người dành cho các môn đệ. Như thế, theo thần học Tin Mừng Gio-an, Giờ chết của Đức Giêsu trên thập giá cũng là Giờ Người chiến thắng thế gian (16,33), Giờ thủ lãnh thế gian bị xét xử (16,11). Bản văn Ga 13,1-32 đã chuyển tải được những ý nghĩa mặc khải quan trọng này nhờ yếu tố thời gian trong trình thuật.

c. Không gian

Trình thuật Gio-an 13,1-32 được xây dựng trong một không gian rất đặc biệt với nhiều nét tương phản. Trước hết, không gian của trình thuật là một bữa ăn: “Trong bữa ăn,...” (13,2a), nhưng bản văn không nói nhiều về bữa ăn mà nói về những gì xảy ra xung quanh bữa ăn ấy. Bữa ăn tự nó là nơi chia sẻ, nơi gặp gỡ, nơi bày tỏ tâm tình của những người có tương quan thân thiết với nhau. Cụ thể trong bản văn Ga 13,1-32, đây là bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giêsu và các môn đệ của Người. Điều tương phản trong khung cảnh bữa ăn ấy là Phê-rô không hiểu Đức Giêsu. Cũng trong khung cảnh bữa ăn mà Đức Giêsu nói về kẻ sẽ nộp Người và chỉ ra kẻ ấy là ai. Sự tương phản ấy làm cho bữa ăn trong Ga 13,1-32 đan xem giữa “ánh sáng” (không gian bày tỏ tình yêu) và “bóng tối” (không gian làm lộ ra ý định đen tối: nộp Thầy).

Không gian như trên làm cho khung cảnh bữa ăn chia làm hai phần: “Bữa ăn có Giu-đa” (13,1-30) và tiếp theo là “bữa ăn không có Giu-đa” (kể từ 13,32). Khung cảnh bữa ăn này tiếp diễn cho đến cuối chương 14 (14,31). Nhưng “có Giu-đa” hay “không có Giu-đa”, nhóm các môn đệ vẫn ở trong tình trạng khủng khoảng. Đức Giêsu báo trước Phê-rô sẽ chối Người ba lần (13,36). Các môn đệ đang xao xuyến sợ hãi (14,1). Phân tích yếu tố không gian giúp độc giả đọc ra ý nghĩa của trình thuật trong liên hệ với hoàn cảnh độc giả đang sống.

III. Phân tích đoạn văn


Sau khi đã dành thời gian thích hợp để quan sát kỹ bản văn qua các bước như trên: (1) Giới hạn đoạn văn, (2) Bối cảnh văn chương, (3) Cấu trúc, (4) Quan sát các yếu tố: nhân vật, thời gian và không gian, độc giả có thể phân tích các đề tài và ý tưởng gợi ra trong bản văn. Nhờ các bước chuẩn bị, độc giả đã có thể trả lời được những câu hỏi: Câu chuyện nói về đề tài gì? Các ý tưởng được trình bày như thế nào? Các chi tiết được sắp xếp ra sao? Bản văn sử dụng từ ngữ nào? Đâu là ý tưởng được nhấn mạnh? Điều gì bản văn nói tới và điều gì bản văn không nói tới?

Dựa vào các bước chuẩn bị, độc giả có thể chọn phân tích những ý tưởng ưa thích trong bản văn. Khi dành thời gian để quan sát kỹ bản văn qua những bước chuẩn bị trên đây, độc giả có thể khám phá ra những điều mới mẻ và thú vị trong bản văn, nhất là độc giả có thể nhận ra thông điệp của bản văn dành cho độc giả. Điều bản văn muốn trao cho độc giả có thể là một lời động viên trong hoàn cảnh khó khăn, một lời khích lệ, hay một lời mời gọi sám hối và tin vững vàng vào Đức Giêsu. Như thế, câu chuyện thuật lại trong Kinh Thánh không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà câu chuyện ấy có khả năng biến đổi cuộc đời độc giả và làm cho độc giả tìm được của ăn đích thực. Đọc Kinh Thánh với tinh thần tôn trọng bản văn và để Lời Chúa nói với mình, độc giả sẽ tìm được lương thực không như nát: “Lời sự sống”, “bánh sự sống” và “nước sự sống”.

Những mục trên đây của bài viết đã không phân tích hoàn chỉnh một đoạn văn mà chỉ đưa ra những giải thích và ví dụ ở nhiều đoạn văn khác nhau để trình bày phương pháp đọc Kinh Thánh. Độc giả có thể tham khảo ba đoạn văn được phân tích khá hoàn chỉnh theo các bước trên: (1) Ga 6,1-71; (2) Ga 11,1-54; (3) Ga 18,28–19,16a trong tập sách: Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, tr. 109-220. Những kết quả đạt được nhờ phân tích thuật chuyện và cấu trúc ba đoạn văn trên được tóm tắt dưới đây.

1. Ga 6,1-71


Ga 6 là một chương rất đặc thù theo kiểu trình bày thần học Tin Mừng Gio-an.[18] Hai dấu lạ (Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều và đi trên mặt Biển Hồ) kèm theo một diễn từ, vừa để giải thích dấu lạ, vừa triển khai thần học liên quan đến nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giêsu. Ga 6 không chỉ gợi ý về bí tích Thánh Thể, điều quan trọng là Ga 6 nhấn mạnh ba đề tài tranh luận vào thời Đức Giêsu, gợi đến tranh luận vào thời cộng đoàn Gio-an cuối thể kỷ I và vẫn tiếp diễn ngày nay. Ba câu hỏi tranh luận: (1) Ai có khả năng ban bánh bởi trời (6,30-36)? (2) Tại sao Đức Giêsu là con ông Giu-se mà lại là Đấng từ trời xuống (6,41-42)? Làm thế nào Đức Giêsu có thể ban sự sống bằng thịt và máu của Người, nghĩa là bằng sự chết của Người? Đây là những tranh luận qua mọi thời đại đối với những người chưa tin, cũng như đối với những người đã tin. Cụ thể là sau khi thấy dấu lạ và nghe diễn từ nhiều môn đệ đã thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” (6,60) và họ đã bỏ đi không làm môn đệ Đức Giêsu nữa (6,66). Độc giả trả lời thế nào về ba câu hỏi trên?

2. Ga 11,1-54


Đoạn văn Ga 11,1-54 thường có tựa đề là “Anh La-da-rô sống lại”, nhưng việc La-da-rô sống lại chỉ được kể lại trong mấy câu (11,41-44), phần còn lại của đoạn văn nói về hai cái chết: Cái chết của La-da-rô (11,1-40) và cái chết của Đức Giêsu. Thượng Hội Đồng Do Thái quyết định giết Đức Giêsu (11,46-54). Hơn nữa, La-da-rô được Đức Giêsu làm cho sống lại ở 11,43, để rồi anh ấy lại phải đối diện với cái chết ở ngay chương sau đó (12,10-11): “10Các thượng tế quyết định giết cả La-da-rô, 11vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ đi và tin vào Đức Giêsu” (12,10-11).

Như thế, việc La-da-rô sống lại có ý nghĩa gì? Tại sao Đấng có quyền làm cho La-da-rô sống lại từ cõi chết lại không thể làm cho mình khỏi chết? Tại sao Đức Giêsu làm cho La-ra-rô sống lại mà không làm cho các môn đệ của Người hay làm cho người tin được sống lại thể lý? Khi phân tích bản văn Ga 11,1-54 theo phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc,[19] độc giả nhận ra rằng: Việc La-da-rô bị bệnh, chết rồi được sống lại là một dấu lạ (dấu chỉ). Đức Giêsu thực hiện dấu lạ đó để nói về sự chết và sự sống lại của chính Người, đồng thời nói về sự chết và sự sống của người tin qua mọi thời đại. Niềm tin và niềm hy vọng lớn lao dành cho độc giả liên quan đến sự sống và sự chết được Đức Giêsu mặc khải cho biết ở 11,25-26: “25Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.” Độc giả có dám tin và sống lời này không? Như thế, tựa đề đầy đủ của đoạn văn Ga 11,1-54 liên quan đến ba nhân vật: Chết và sống của La-da-rô, chết và sống của Đức Giêsu, chết và sống của người tin.

3. Ga 18,28–19,16a


Đoạn văn Ga 18,28–19,16a độc đáo và thú vị trong cách diễn tả đề tài thần học: Vương quyền của Đức Giêsu. Người ta thường đặt tựa đề cho đoạn văn này là “Đức Giêsu bị kết án tử hình” hay “Phi-la-tô xét xử Đức Giêsu”. Nhưng tựa đề này ngược với điều bản văn muốn diễn tả. Không chỗ nào trong bản văn nói về lời tuyên án của Phi-la-tô dành cho Đức Giêsu. Ngược lại, chính Đức Giêsu kết tội những kẻ chống đối và kết tội Phi-la-tô. Đức Giêsu nói với Phi-la-tô: “Ông không có quyền gì đối với Tôi, nếu nó không được ban cho ông từ trên, vì điều này, kẻ nộp Tôi cho ông có tội lớn hơn” (19,11). Những kẻ nộp Đức Giêsu và Phi-la-tô đều có tội, nhưng tội của những kẻ chống đối thì lớn hơn. Thực ra, đoạn văn Ga 18,28–19,16a trình bày cho độc giả ba sự thật: (1) sự thật về những kẻ chống đối Đức Giêsu. (2) Sự thật về Phi-la-tô. (3) Sự thật về Đức Giêsu.[20]

Ba sự thật này được xây dựng trên đề tài trọng tâm: “Vương quyền của Đức Giêsu”. Người là Vua và Người đang thi hành quyền xét xử trong lúc Người không có một chút quyền hành trần thế nào. Có thể tóm kết đề tài sự thật trong bản văn như sau: (1) Sự thật về những kẻ chống đối (những người Do Thái, các thượng tế và các thuộc hạ) là họ tìm mọi cách để giết Đức Giêsu. Họ đã đạt được mục đích nhưng phải trả giá bằng chính niềm tin của họ. Họ đã tuyên xưng Xê-da là vua của họ thay vì Thiên Chúa (19,15). (2) Sự thật về Phi-la-tô là ông ấy không dám đối diện với sự thật, không dám làm công việc xét xử theo sự thật. Phi-la-tô không thuộc về sự thật và không thi hành quyền theo sự thật. Phi-la-tô đã không xét xử Đức Giêsu mà trao Đức Giêsu cho họ để họ đóng đinh Đức Giêsu, vì ông ấy sợ thất sủng với Xê-da (19,12). (3) Sự thật về Đức Giêsu là Người là Vua, vương quốc của Người không thuộc về thế gian này, nhưng Người thi hành quyền phán quyết trong thế gian này. Người đã tuyên bố ai là kẻ có tội (19,11). Người được đặt ngồi trên toà, nơi vị thẩm phán tuyên bố lời xét xử.

Đoạn văn Ga 18,28–19,16a bắt đầu lúc tờ mờ sáng (18,28) và kết thúc vào giờ thứ sáu (19,14) tức là 12 giờ trưa. Giữa thanh thiên bạch nhật mọi sự thật trong lòng con người được bản văn làm lộ ra. Câu chuyện mời gọi độc giả đón nhận vương quyền của Đức Giêsu, đứng về phía sự thật để lắng nghe giáo huấn của Người, từ đó dám sống theo sự thật và làm theo sự thật.

Kết luận


Đọc phần trình bày trên đây, độc giả có thể nghĩ phương pháp đọc Kinh Thánh này phức tạp và mất nhiều thời gian. Thực ra, đây là cách đọc đơn giản, giúp độc giả hiểu ý nghĩa của bản văn. Đơn giản vì ý nghĩa của bản văn ở ngay trong bản văn, chỉ cần biết cách tìm ra ý nghĩa ấy. Bước đầu áp dụng phương pháp sẽ thấy xa lạ và khó hiểu, nhưng với thời gian, độc giả sẽ thấy phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc là cách đọc có khả năng làm cho độc giả được nuôi dưỡng, được biến đổi và được sống nhờ Lời sự sống. Tất cả đều dựa trên bản văn, độc giả không cần có kiến thức cao siêu về Kinh Thánh hay về lịch sử. Chỉ cần biết cách quan sát và phân tích sẽ thấy mỗi đoạn văn là một viên ngọc quý được chôn dấu trong lớp vỏ bên ngoài là câu chuyện. Sách Kinh Thánh thực sự là một kho tàng đang chờ độc giả khám phá. Nhờ kho tàng ấy, cuộc đời của độc giả thêm phong phú và ý nghĩa.

Khi áp dụng phương pháp độc giả có thể thấy phức tạp, nhưng nếu độc giả nhìn nhận rằng: Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa mặc khải cho con người, Lời này vừa bí ẩn, vừa hấp dẫn, vừa lôi cuốn, thì độc giả đã có bước khởi đầu đúng hướng. Với thời gian, đôc giả sẽ biết cách áp dụng phương pháp cách uyển chuyển và sáng tạo để khám phá những nét hay nét đẹp của bản văn. Không nên nghĩ là đã hiểu được bản văn và không cần tìm hiểu gì thêm nữa. Thay vào đó, hãy đọc kỹ bản văn với tinh thần tôn trọng bản văn. Thực ra, điều thú vị nhất trong việc đọc Kinh Thánh không phải là để biết, để hiểu, mà là để sống với Lời mặc khải. Biết cách đọc bản văn Kinh Thánh, bản văn sẽ làm cho người đọc “được sống”, đồng thời, người đọc cũng thổi sinh khí vào bản văn và làm cho bản văn “được sống động”.

Tài liệu tham khảo


GOURGUES, M., “Cinquante ans de recherche johannique: de Bultmann à la narratologie”, in M. GOURGUES; L. LABERGE, (éd.), “De bien des manières”: La recherche biblique aux abords du XXIe siècle, (Lectio Divina 163), Montréal – Paris, Fides – Le Cerf, 1995, p. 229-306.

LÊ MINH THÔNG, G., Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011, 332 tr.

LÊ MINH THÔNG, G., Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, 2010, 316 tr.

LÊ MINH THÔNG, G., Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, Nxb. Phương Đông, 2010, 228 tr.

LÊ MINH THÔNG, G., Tin Mừng Gio-an, http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/

Marguerat, d.; BOURQUIN, Y., Pour lire les récits bibliques, Initiation à l’analyse narrative, Paris – Genève, Le Cerf – Labor et Fides, 2004, 243 p.

RESSEGUIE, J. L., L’exégèse narrative du Nouveau Teatement, Une introduction, (Traduit de l’anglais par Odile Flchy et Jacques Weisshaupt), (Le livre et le rouleau, 36), Bruxelles, Lessius, 2009, 352 p. (Origine: Narrative Criticism of the New Testament: An Introduction, Grand Rapids (MI), Baker Academic, 2005, 288 p.

Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, Học Viện Đa Minh, 2004, 156 tr.
_______
[1] Bản dịch tiếng Việt: Ủy Ban Kinh ThÁnh GiÁo HoÀng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, Học Viện Đa Minh, 2004, 156 tr.
[2] X. Ủy Ban Kinh ThÁnh GiÁo HoÀng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, tr. 35-53.
[3] X. Mục “Tiếp cận lịch đại và tiếp cận đồng đại” trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, Nxb. Phương Đông, 2010, tr.14-16. Các trích dẫn tiếp theo viết gọn: Phân tích thuật chuyện và cấu trúc.
[4] X. Mục “Tiếp cận lịch đại và những hạn chế” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 17-28.
[5] Ủy Ban Kinh ThÁNH GiÁo HoÀng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, tr. 31.
[6] Có thể xếp phân tích tu từ học (analyse rhétorique) chung với phân tích thuật chuyện (analyse narrative). Xem giải thích trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 30-31.
[7] Xem các chi tiết khác về lý thuyết các phương pháp này trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 29-108.
[8] g. s. SLOYAN, What are They Saying about John?, New York, Mahwah, Paulist Press, 1991, p. 5.
[9] P. LÉtourneau, Jésus, Fils de l’homme et Fils de Dieu, Jean 2,23–3,36 et la double christologie johannique, (Rech.NS 27), Montréal – Paris, Bellarmin – Le Cerf, 1993, p. 14-15.
[10] Trình thuật “Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều” được thuật lại trong các sách Tin Mừng ở Mc 6,30-44; 8,1-19; Mt 14,13-21; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13.
[11] Bản dịch lấy trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt, Nxb. Phương Đông, 2011.
[12] Bản dịch lấy theo Giu-se LÊ MINH THÔNG, Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011. Xem giải thích ý nghĩa kiểu nói: “A-men, a-men...” ở tr. 28-29 của Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ.
[13] Xem phân tích nhân vật Giu-đa trong bối cảnh khủng hoảng của các môn đệ, trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, 2010, tr. 80-91.
[14] Xem các khái niệm về “tác giả” – “độc giả” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 37-41.
[15] Xem bài viết: “Phương pháp đọc Kinh Thánh: Bối cảnh và cấu trúc Mt 21,28-32” tại địa chỉ: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/
09/phuong-phap-oc-kinh-thanh-boi-canh-va.html.
[16] X. C. FOCANT, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, p. 104-106.
[17] Xem phân tích “Cấu trúc Ga 13,1-32” trong Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, tr. 48-60.
[18] X. “Ga 6,22-71: ‘Thánh Thể’, lý trí và đức tin” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 110-146.
[19] X. “Ga 11,1-54: ‘Chết’ và ‘sống’” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 147-185.
[20] X. “Ga 18,28–19,16a: Đức Giêsu và Phi-la-tô” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 187-220.

https://tsthdm.blogspot.com/2018/04/phuong-phap-oc-kinh-thanh-i-tim-y-nghia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét