Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

NHỮNG SUY TƯ VỀ TƯƠNG LAI THẦN HỌC VỀ NGƯỜI GIÁO DÂN CỦA FABC

NHỮNG SUY TƯ VỀ TƯƠNG LAI THẦN HỌC VỀ NGƯỜI GIÁO DÂN CỦA FABC


Thời sự Thần học - Số 58, tháng 11/2012, tr. 182-207

Trong số vừa rồi, Thời sự Thần học đã có một bài về “Thần học về đời sống thánh hiến 50 năm qua.” Lần này, trong khung cảnh kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng và 40 năm Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Văn Hải về Thần học về người giáo dân của FABC. Nguyên văn "Reflections on the Future of the F ABC's Theology of the Laity" đăng East Asian Pastoral Review 49 (2012) 107-132.

Tham chiếu của bài viết khá dài. Trong quá trình chuyển ngữ, chúng tôi chỉ giữ lại một số tiêu biểu. Như thế, số thứ tự tham chiếu của bản gốc và bản dịch tiếng Việt sẽ không trùng nhau. Bản dịch của Tu sĩ Giuse Nguyễn Hoàng Vinh, O.P._________


Dàn bài

I. Thần học FABC về người giáo dân trong bối cảnh toàn cầu
II. Những hướng đi khả thi cho thần học FABC về người giáo dân
  - Bốn tiêu điểm thần học
  - Bốn dự án mục vụ
III. Hướng đến một thay đổi mẫu thức của thần học FABC về người giáo dân
_____Peter N.V. Hai_____

Dẫn nhập


Một trong những đóng góp quan trọng của khoa thần học giáo dân của FABC chính là khía cạnh bối cảnh (contextual) và chiều kích phổ quát của nó. Khẳng định này dựa trên việc chúng tôi quan sát thấy rằng thần học của các giám mục Á Châu mang cả hai chiều kích địa phương và toàn cầu. Là thần học bối cảnh, thần học FABC khởi đầu với bối cảnh địa phương và đạt tới một tư tưởng vững chắc về người giáo dân như Kitô hữu Á Châu. Việc trình bày căn tính người giáo dân phục hồi ý tưởng nguyên thủy về những người theo Đức Giêsu như là “làm môn đệ”, một khái niệm đã hiện hữu ngay từ thời Tân Ước và Giáo hội trong hai thế kỷ đầu, khi đó không có sự phân biệt giáo dân và giáo sĩ. Nó cũng mang lại một điều chỉnh táo bạo về các chiều kích lịch sử, thực tế và hiện sinh của đời sống Kitô hữu tại Á Châu, và cho thấy rằng ơn gọi và sứ vụ của họ xét về căn bản cũng tương tự như ơn gọi và sứ vụ của toàn thể Giáo hội tại Á Châu.

Mặt khác, thần học FABC mang chiều kích phổ quát bởi vì những vấn nạn mà nó nêu lên và những câu trả lời mà nó đề nghị đều liên quan đến những vấn nạn đương thời mà toàn Giáo hội đang phải đối diện. Thực ra, thần học của FABC với ba chiều hướng đối thoại đã mang lại những ý tưởng mới mẻ liên quan đến ít là ba xu hướng toàn cầu hiện tại trong xã hội. Đó là: cuộc cách mạng kỹ nghệ thông tin làm mờ nhạt các nền văn hóa và thúc bách các cộng đoàn địa phương tìm kiếm căn tính văn hóa đặc thù của mình; những mâu thuẫn không ngừng gia tăng giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau làm nổi bật nhu cầu khẩn thiết của việc đối thoại liên tôn; và cuối cùng, sự tiến triển ào ạt của hiện tượng toàn cầu hóa, mà hậu quả theo sau là sự nghèo đói, khổ não của đám đông, và những lời kêu gọi dấn thân phục vụ sự thăng tiến của con người, ưu tiên chọn phục vụ người nghèo, và thúc đẩy sự hài hòa của xã hội. Bằng việc áp dụng phương pháp hội nhập vào việc loan báo, chứng tá cuộc sống, và đối thoại tam phương[1], thần học về giáo dân của FABC, lấy Vương Quốc Thiên Chúa làm trọng tâm đời sống và sứ vụ của Giáo hội, mang lại những trực kiến sáng tạo có thể giúp các Giáo hội địa phương ở những vùng khác trên thế giới trong nỗ lực giải quyết những vấn nạn mà họ đang phải đối diện trong thiên niên kỷ thứ ba.

Trong bài viết này chúng ta sẽ đặt thần học về người giáo dân trong bối cảnh toàn cầu của xã hội trong suốt bốn mươi năm qua, làm nổi bật những biến chuyển trong các bối cảnh truyền giáo mà cả Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội tại Á Châu đang phải đối diện. Thứ hai, chúng tôi sẽ đưa ra những đề nghị như là những hướng dẫn khả thi của khoa thần học này. Sau cùng, chúng tôi sẽ xem lại lối nghĩ đang chi phối hầu hết não trạng hiện nay về vấn đề giáo dân, và đề nghị một thay đổi mẫu thức (paradigm shift) cần thiết để giải quyết căng thẳng đang tiềm ẩn giữa vai trò giáo sĩ và thăng tiến giáo dân tại các Giáo hội Á Châu.

I. Thần học FABC về người giáo dân trong bối cảnh toàn cầu


Nhìn lại quá khứ, ai cũng nhận rằng trong suốt thời gian qua, do kết quả của sự tương tác dai dẳng với những khung cảnh địa phương, và một phần để đáp lại những nền thần học phổ quát, bên Tây phương không nhận ra những vấn đề cấp bách nhất đối với hoàn cảnh văn hóa, tôn giáo và xã hội của Á Châu, các giám mục Á Châu đã phát triển một khoa thần học riêng cho mình, bao gồm cả thần học về người giáo dân, để nói lên những vần đề liên quan đến căn tính và sứ vụ của Giáo hội Á Châu, một lục địa nổi tiếng về sự đa dạng văn hóa, nhiều tôn giáo lớn, và phần lớn dân chúng sống trong cảnh nghèo đói. Cũng như bất kỳ khoa thần học địa phương nào khác, thần học về người giáo dân của FABC cũng mang dấu cột mốc trong thời gian tiến triển. Liên quan đến những khoảng thời gian, xem ra nó chồng chéo với hai giai đoạn cuối trong lý thuyết của Robert Schreiter đưa ra về ba giai đoạn của các hoạt động truyền giáo[2].

Hình ảnh nổi trội về xã hội trong giai đoạn hai, từ những năm 1945-1898, là sự tăng trưởng và phát triển. Đó là thời chiến tranh lạnh của thế giới phân làm hai phe, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, với đại đa số dân nghèo do dự giữa hai bên, và những đáp ứng thần học của Giáo hội là chính sứ vụ xây dựng tình đoàn kết, được hiểu như đối thoại, hội nhập văn hóa và giải phóng – là ba hình thức của tình liên đới. Giai đoạn thứ ba, bắt đầu với sự sụp đổ của Bức Tường Berlin năm 1989, được đánh dấu bằng những ý niệm điển hình về chủ nghĩa tư bản toàn cầu và truyền thông, cũng như đòi hỏi phải canh tân và mở rộng ý niệm về Công giáo”, hiểu như là sự mở rộng của Giáo hội trên khắp thế giới, sự tròn đầy của đức tin, cũng như trao đổi và giao lưu, như là một câu trả lời thần học của Giáo hội đứng trước thách đố của toàn cầu hóa. Schreiter cho rằng hình thức truyền giáo trong giai đoạn này là việc hình thành một thứ hành động, xoay quanh những chủ đề như “nhân loại mới, hòa bình đích thực và sự hòa giải như một tạo dựng mới”[3].

Ở bình diện lịch sử Giáo hội, bốn mươi năm phát triển thần học của FABC về người giáo dân quả là một giai đoạn ngắn ngủi. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng FABC cũng đã đặt một nền móng thần học vững chắc, và khoa thần học này đang trong giai đoạn phát triển mới, một khoa thần học đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm một ý nghĩa mạnh mẽ hơn về căn tính Công giáo trong thế giới Á Châu. Một số xu hướng toàn cầu đã ảnh hưởng lên Giáo hội Á Châu và sẽ còn đẩy khoa thần học phát triển này xa hơn, đó là tình trạng gia tăng dân số, sự trùng hợp giữa các tôn giáo và bạo lực, sự tục hóa của xã hội, tăng trưởng của Hồi giáo, và sự ô nhiễm môi sinh. Bên cạnh những vấn đề này có lẽ chúng ta còn phải đề cập đến cuộc cách mạng kỹ nghệ sinh học và sự bành trướng thế giới vô tuyến. Những thay đổi toàn diện trong các bối cảnh truyền giáo, cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, sự sụp đổ của những trình thuật lớn (meta-narratives) vốn đã từng nối kết các nền văn hóa, các tôn giáo và các quốc gia, sẽ đẩy thần học của FABC, cụ thể là khoa thần học về giáo dân của FABC vào vùng nước mông lung. Trong khi chẳng ai có thể đoán được chính xác hướng đi mênh mông và không ngừng phát triển của chủ đề này, một dự án đầy tham vọng vượt xa phạm vi của bài luận này, chúng tôi mong muốn đưa ra đây một vài gợi ý như để dọn đường cho tương lai.

II. Những hướng đi khả thi cho thần học FABC về người giáo dân


Một hướng đi khả thi cho FABC là dám chấp nhận thực hiện một phân tích mới mẻ và toàn diện về những xu hướng toàn cầu cũng như lượng giá những tác động của chúng lên các Giáo hội địa phương ở Á Châu. Việc phân tích này tương ứng với giai đoạn “xem”, giai đoạn đầu tiên của phương pháp thần học bối cảnh của các giám mục Á Châu. Đây là một nỗ lực toàn diện để đưa bối cảnh vào trong xã hội toàn cầu, và cũng là một đòi hỏi tiên quyết để xây đắp lên một khoa thần học xứng đáng hơn của giáo dân và cho giáo dân Á Châu. Như thế, nó có thể đòi một phát biểu rõ ràng về vai trò của Giáo hội và giáo dân trong thế giới hậu hiện đại của Á Châu.

Bốn tiêu điểm thần học


Trong giai đoạn “xét”, giai đoạn thứ hai trong phương pháp thần học của các giám mục Á Châu, chúng tôi đưa ra bốn chủ đề liên hệ mà các ngài có thể khai triển hơn nữa để làm phong phú khoa thần học về người giáo dân. Những đề tài này bao gồm việc nhấn mạnh vào chủ đề missio Dei (sứ vụ của Chúa), việc triển khai một nhận thức về Giáo hội như một hiệp thông (communio) có cơ cấu và có trật tự, việc lưu tâm đến những chức năng của người giáo dân cũng như những phản ứng của họ trước tác động của “những thừa tác viên có chức thánh”, và việc đào sâu hơn khoa thần học giáo dân vốn được gắn chặt với bí tích rửa tội. Những lãnh vực suy tư thần học này cần được làm sáng tỏ.

Trước hết, chúng ta bắt đầu với chủ đề missio Dei, đây là một khái niệm thần học phong phú và uyên thâm nhưng chưa được các giám mục Á Châu quan tâm đúng mức[4]. Tuy ý niệm “sứ vụ của Chúa ” đã được đề cập rõ ràng trong những thảo luận về chiều kích Ba Ngôi của sứ mạng Giáo hội tại Á Châu[5], nhưng thuật ngữ missio Dei hay “sứ vụ của Chúa” lại không được liệt vào trong bảng danh mục trong ba tập đầu của những văn bản FABC. Ý niệm “sứ vụ của Chúa ” cho thấy việc truyền giáo tiên vàn không phải là hoạt động của Giáo hội, nhưng trước hết và trên hết đó là công trình của Ba Ngôi, Đấng khởi xướng cuộc sai đi. Việc sai đi thuộc về bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng yêu thương thế gian, và Giáo hội chỉ đơn thuần được mời gọi tham dự vào cuộc “sai đi” ấy. Thiên Chúa sai đi bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Là dân Thiên Chúa, Giáo hội cũng mang bản chất là “được sai đi”. Theo nghĩa này, sứ mạng mở rộng vương quốc Thiên Chúa ở trần gian là lý do hiện hữu (raison d’être) và là bổn phận quan trọng nhất của toàn thể Giáo hội, gồm cả giáo dân trong đó nữa.

Vì thế, sẽ thật hữu ích nếu các giám mục Á Châu phục hồi ý nghĩa nguyên thủy của khái niệm thần học này, hơn nữa có thể khai thác ý nghĩa cũng như những áp dụng cho Giáo hội tại Á Châu. Tái khám phá này có thể giúp tránh được nguy cơ quan niệm việc truyền giáo như là một loạt các chức năng và hoạt động; thay vào đó, nó sẽ khuyến khích mọi tín hữu chấp nhận thái độ khiêm hạ cánh chung của một Giáo hội lữ hành cũng như đặt tin tưởng hơn nữa vào ân sủng Thiên Chúa trong việc mở rộng Nước Thiên Chúa tại Á Châu. Nó cũng giúp chống lại cám dỗ dai dẳng muốn đánh giá việc truyền giáo đơn thuần dựa theo kiểu những thành công trước mắt, những kết quả, và những con số. Ở Á Châu, nơi mà Kitô hữu dường như vẫn chỉ là thiểu số trong thời gian tới, thì việc tập trung vào missio Dei sẽ là lời nhắc nhở không ngừng cho toàn thể Giáo hội, nhất là cho giáo dân, rằng chính Thiên Chúa Ba Ngôi mới là tác giả và tác nhân chính của sứ vụ, và họ chỉ là những người thợ bất xứng trong vườn nho của Thiên Chúa. Cũng như thánh Phaolô và ông Apôllô, Giáo hội có thể gieo hạt và tưới cây, nhưng chính Thiên Chúa mới cho mọc lên (x. 1Cr 3,6).

Điểm quan tâm thứ hai mà chúng tôi đề nghị liên quan đến đề tài Giáo hội như một hiệp thông cơ cấu (structured communio), hay như một hiệp thông có trật tự (ordered communion). Khái niệm này đã không được FABC bàn tới. Như Walter Kasper giải thích, thuật ngữ communio bao hàm năm ý nghĩa[6]. Theo ông, hiệp thông với Thiên Chúa diễn tả khía cạnh cơ bản nhất của communio, một khái niệm có thể hiểu là sự thông dự vào sự sống của Thiên Chúa qua Lời và bí tích, như là một sự hợp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông, như là sự hiệp thông của các tín hữu được diễn tả qua việc mọi người đồng tham gia và chia sẻ trách nhiệm, và sau hết như là sự hiệp thông của Giáo hội như bí tích cho thế giới. Quan niệm về Giáo hội như là hiệp thông cơ cấu bao hàm ý nghĩa của thuật ngữ hiệp thông phẩm trật (communio hierarchia), một cụm từ của Giáo hội học được các Nghị phụ Công Đồng Vatican II đề ra để giữ thế căng thẳng giữa Giáo hoàng và các giám mục, và nhắm làm nổi bật sự diễn tả hữu cơ của cấu trúc cốt yếu của Giáo hội, sự duy nhất trong phổ quát của Giáo hội, và tính phổ quát trong sự duy nhất.

Tuy nhiên, thuật ngữ hiệp thông cơ cấu diễn tả tốt hơn thực tại của sự hiệp thông Giáo hội khi nó duy trì ý định đầy đủ về cụm từ hiệp thông phẩm trật, nhưng tránh nhắc đến thuật ngữ “phẩm trật”, một phạm trù thường có liên quan tới ý niệm “thống trị”. Francis A. Sullivan nhắc nhở chúng ta rằng “quyền bính của hàng giáo phẩm liên quan đến sự hiệp thông Giáo hội như phương tiện để đạt đến mục đích: nó hiện hữu để thúc đẩy và duy trì sự hiệp thông Giáo hội”[7]. Vì thế, sự nhấn mạnh của FABC về Giáo hội như một hiệp thông cơ cấu sẽ giúp tiếp tục khẳng định sự quan trọng của phẩm trật trong việc thúc đẩy và duy trì sự duy nhất của Giáo hội, và đồng thời, nhấn mạnh sự thực rằng phẩm trật và cương vị lãnh đạo được phong phú nhờ vào việc tham gia trọn vẹn của toàn thể dân Chúa bao gồm cả người giáo dân.

Một khoa Giáo hội học dựa trên mô hình của hiệp thông cơ cấu có thể kiếm cách khai thác những hàm ẩn của quan niệm này như một diễn tả cụ thể về bản chất Giáo hội như một mầu nhiệm. Một trong những kết quả của lối tiếp cận Giáo hội học này, và thần học về giáo dân khởi đi từ đó, là bảo đảm sự duy nhất của tất cả các tín hữu cùng với việc tăng cường và cổ vũ sự đa dạng trong duy nhất. Nó cũng khẳng định rằng các giáo sĩ và tu sĩ được định nghĩa trước hết do tương quan của họ với những thành viên khác của Giáo hội chứ không phải do quyền hành hay đặc sủng mà họ nắm giữ. Ý nghĩa thần học của hiệp thông cơ cấu, cùng với quan niệm của Công đồng về Giáo hội như là dân Thiên Chúa, có thể trở thành nền tảng và chất xúc tác cho một sự cải tổ cơ cấu ở bình diện Giáo hội địa phương tại Á Châu để kiện cường và mở rộng vai trò của giáo dân cũng như làm cho họ có thể tham dự cách tích cực hơn nữa vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

Quan niệm về Giáo hội như là hiệp thông cơ cấu liên hệ chặt chẽ đến đề tài các tác viên “có chức thánh”, điểm nhấn thứ ba mà chúng tôi đề nghị là các giám mục Á Châu có thể nên đào sâu để làm phong phú thần học của mình về Giáo hội và người giáo dân. Giống như quan niệm về hiệp thông cơ cấu, mô hình Giáo hội học này bảo tồn sự duy nhất của cộng đoàn, khích lệ những tác vụ khác nhau, và nhấn mạnh rằng cả hai hình thức tác vụ, giáo sĩ và giáo dân, “về cơ bản được bắt nguồn từ bí tích rửa tội và tất cả mọi người đã được rửa tội đều chia sẻ chung một sứ vụ và một căn tính là Christifideles (Kitô hữu) trước khi họ được phân loại dựa vào một bậc sống hay một tác vụ đặc thù”[8]. Trong khuôn thức này, không ai được phép cứu xét tác vụ của giáo sĩ hoặc của giáo dân tách biệt ra khỏi cộng đoàn và tách khỏi nhau.

Đề nghị thứ tư của chúng tôi liên quan đến việc đào sâu thần học về người giáo dân dựa trên các bí tích khai tâm - đặc biệt là bí tích rửa tội – “một bí tích tạo nên sự phân biệt ngay bên trong căn tính và sứ vụ mà tất cả mọi tín hữu có cùng chung với nhau.”[9] Một khoa thần học về giáo dân dựa trên bí tích rửa tội, được rút ra từ quan điểm Giáo hội học của Lumen Gentium, trước hết khẳng định bí tích rửa tội là yếu tố hợp nhất Giáo hội làm thành dân Thiên Chúa. Khoa thần học cũng đặt nền cho cộng đồng Kitô hữu và cho cách trình bày bối cảnh về căn tính, vai trò và lối sống của người giáo dân. Thần học đặt nền trên bí tích rửa tội xác tín rằng bí tích rửa tội là “nguồn mạch của mọi thừa tác vụ của Hội thánh, dù là giáo sĩ hay giáo dân”[10], do đó, tất cả mọi người được rửa tội đều được mời gọi tiến tới cùng một sự thánh thiện, giáo dân và giáo sĩ cùng chia sẻ một sứ vụ của Giáo hội. Thần học này tập trung vào kiểu mẫu Giáo hội học cùng trở nên môn đệ (co-discipleship), theo đó tất cả Kitô hữu dù là giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân, tiên vàn đều là những người được rửa tội, những tín hữu Kitô, và là những môn đệ Đức Kitô. Trong mẫu thức chung này, mọi thành phần Giáo hội chia sẻ trách nhiệm và tham dự vào cùng một missio Dei.

Chúng tôi cho rằng việc suy tư kỹ lưỡng hơn những tiêu điểm thần học được đề xuất này sẽ giúp làm phong phú khoa thần học về người giáo dân của FABC. Từ những tiêu điểm thần học, chúng tôi đề nghị bốn dự án mục vụ cần được các giám mục Á Châu nghiên cứu để khoa thần học giáo dân đạt được nhiều hoa trái thiết thực hơn. Những đề nghị thực hành này tương ứng với giai đoạn “làm” hay chặng thứ ba của phương pháp thần học của FABC.

Bốn dự án mục vụ


Trước hết, các Giám mục của Á Châu nên xét lại tính chính xác và thích hợp của thuật ngữ “đối thoại ba chiều” vẫn thường được nhắc đi nhắc lại trong các văn kiện. Cách diễn tả này đã mang lại cho thần học hoàn cảnh một sự thống nhất, dù rằng ý nghĩa nguyên thuỷ của nó nhắm đến mục vụ và truyền giáo. Trong những văn kiện của FABC, thuật ngữ “đối thoại” (dialogue) vừa có nghĩa là dialogus (đối thoại) và vừa có nghĩa colloquium (hội thảo). Hai hạn từ của công đồng được dịch là “đối thoại” nhưng không nhất thiết cùng một ý nghĩa. Trong Công đồng Vatican II, dialogus được dùng khi Giáo hội bàn về đại kết hay về sứ vụ của mình; colloquium được sử dụng để chỉ một tiến trình trao đổi mang tính chất tương quan liên vị, hay bất cứ những cuộc trao đổi, bàn thảo nào không trực tiếp liên hệ đến phẩm trật Giáo hội.[11]

Trong thực tế, đối với não trạng của Kitô hữu bình dân tại Á châu, thuật ngữ đối thoại gợi lên hình ảnh cuộc trao đổi ý kiến và quan điểm trên bình diện tư tưởng hoặc lý thuyết, hay một cuộc hội thoại được xắp xếp dựa trên những mục tiêu và nguyên tắc đồng thuận. Cách thức đối thoại như thế được xem là vượt quá tầm của đại đa số giáo dân[12]. Thuật ngữ này cũng bị xem là nặng tính lý thuyết và vì thế không hữu ích. Do đó, chúng tôi đề nghị thuật ngữ “đối thoại tam phương” cần được bổ túc và sử dụng hoán đổi với cụm từ “dấn thân tam phương”, một thuật ngữ mà theo chúng tôi, bao hàm và diễn tả rõ hướng đi của thần học FABC. Hạn từ này cũng gợi ý cho các Kitô hữu Á Châu rằng một cuộc đối thoại đích thực không chỉ dừng lại ở bình diện lý thuyết hay tinh thần thuần tuý, nhưng là một sự dấn thân cụ thể, chân thành, và cùng cộng tác với những người khác theo đuổi sứ vụ xây dựng một vương quốc công lý, hòa bình và yêu thương. Lối diễn tả này đi sát với tính bối cảnh và tính liên đới của thần học FABC vì nó nhấn mạnh đến sự dấn thân cụ thể, có tính lịch sử và hiện sinh giữa các tín đồ Kitô và tín đồ các tôn giáo khác.

Các Giám mục Á Châu cũng cần mở rộng ý nghĩa của thuật ngữ “đối thoại tam phương” bằng cách thêm vào chiều kích thứ tư, dấn thân và đối thoại với chính quyền. Liên quan đến bản chất quyền bính của nhiều chính quyền quốc gia Á Châu, FABC cần có những suy tư chuyên sâu hơn về chiều kích đối thoại này để có thể đưa ra cho Giáo hội Á Châu địa phương những chỉ dẫn thần học và mục vụ cần thiết. Sự mở rộng đối thoại này có thể là thích hợp và đáng quan tâm đối với Giáo hội tại Trung Quốc, đồng thời việc thực hành mục vụ của Giáo hội Việt Nam cũng là một đặc thù để nghiên cứu.

Thực vậy, vào ngày 1/5/1980, đúc kết Hội nghị Hội đồng Giám mục của cả hai miền Nam Bắc[13], các Giám mục Việt Nam đã ban hành một Thư Chung đầu tiên cho dân Chúa cả nước.[14] Lá thư mô tả Giáo hội chia sẻ một vận mạng chung của đất nước. Chọn lựa này đòi hỏi một lối suy nghĩ và hành động mới, và nó cũng tiên báo một khởi đầu của một giai đoạn quyết liệt cần có những suy tư, dấn thân, cũng như nỗ lực giải thích các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng. Khởi đi từ giáo huấn của Vatican II, đức giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, các Giám mục Việt Nam đã đưa ra một tầm nhìn mới cho Giáo hội Việt Nam giữa lúc có những tương tác đáng chú ý giữa Giáo hội Công giáo và xã hội Cộng sản, một cuộc đối thoại phức tạp bởi những căng thẳng tiềm tàng giữa hai cái nhìn trái ngược về con người. Một bên dựa trên chủ nghĩa vô thần và duy vật biện chứng, coi quyền tự trị con người là trên hết, còn bên kia cổ võ cho một lối nhìn quy Kitô về sự phát triển toàn thể con người, cũng như đặt phẩm giá con người làm trọng tâm cho những suy tư triết lý.

Điểm nổi bật của Thư Mục tử 1980 là nghị quyết của các Giám mục: xác định sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội Việt Nam là Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Chúng tôi cho rằng định nghĩa và quan điểm xúc tích này – căn bản được lặp lại ở những lá thư sau đó – đã tóm tắt ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân Việt Nam. Đây là điểm thần học chính yếu về người giáo dân theo các Giám mục Việt Nam. Nó cho thấy một sự thay đổi trong suy tư của các giám mục về vai trò của người giáo dân trong một xã hội mới, cũng như tìm kiếm một lối diễn tả sứ vụ của Giáo hội trong bối cảnh của một quốc gia cộng sản.

Thư Mục vụ 1980 đề xuất một mẫu thức biện chứng nền tảng cho đối thoại và tương quan giữa Giáo hội Việt Nam và chính quyền cộng sản. Một mặt, Giáo hội Việt Nam mong muốn một cuộc đối thoại chân thành và cộng tác với chính quyền để đạt đến đích chung là bảo vệ và phát triển đất nước. Mặt khác, Giáo hội cũng khẳng định con người phải là nền tảng cho các cuộc đối thoại với chính quyền.

Khi xem con người là trọng tâm của thần học và chiến lược của Giáo hội, các Giám mục Việt Nam đã chọn lựa một lập trường thần học, rõ ràng cho thấy Giáo hội đòi hỏi một sự rõ nét hơn về tự do tôn giáo, nhân phẩm và quyền con người, và đảm bảo công bằng căn bản cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo. Với hình ảnh Giáo hội phục vụ con người trong những điều kiện cụ thể, hiện sinh và thời cuộc, Thư Mục vụ 1980 đã thiết đặt hướng đi mới cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Kết quả là thư này đã tạo tiền đề cho cuộc canh tân căn tính Công giáo Việt Nam, và cũng tạo ra sự biến chuyển mang tính quyết định từ việc tập trung củng cố sự vững mạnh nội bộ của Giáo hội sang việc thúc đẩy công cuộc truyền giáo bằng đời sống chứng tá và dấn thân vào một xã hội rộng lớn hơn. Vì thế, cho dù chưa thực sự nổi bật, nhưng Thư Mục vụ 1980 và những tuyên bố tóm lược phải được xem như một phương tiện để các Giám mục Việt Nam dùng hướng dẫn các tín hữu hơn là nhằm thu hẹp phạm vi của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thực tế, với tài liệu mang tính lịch sử này, một chương mới của lịch sử Công Giáo Việt Nam bắt đầu, và nội dung của nó cũng được triển khai rõ hơn trong những Thư Mục vụ ban hành vào những thập niên sau đó.

Thứ hai, có thể rất ích lợi cho Giáo hội Á Châu nếu như FABC lưu tâm nhiều hơn nữa đến nền tảng thần học và những áp dụng mục vụ của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, một hình thức độc đáo của Giáo hội địa phương và là chủ thể đầu tiên mang sứ vụ của Giáo hội. Là cộng đoàn cơ bản, những thực thể Giáo hội này đại diện cho sự hiện diện mới mẻ của Giáo hội tại Á Châu, tạo bối cảnh cho việc hội nhập đức tin và cuộc sống, sống chiều kích Kitô giáo và chiều kích công dân. Mô hình này có thể được xem như một hình ảnh thời nay phản chiếu cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi trong sách Tông Đồ Công Vụ. Phát triển rộng hơn cơ cấu mang tính thần học này có thể tạo ra một nền tảng giúp người giáo dân đào sâu đức tin, đánh giá môi trường xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng, và như một chất xúc tác thúc đẩy họ ý thức hơn nữa về vai trò truyền giáo của mình. Hình thức cộng đoàn cơ bản cũng đóng vai trò như lực đẩy đưa người giáo dân bước vào trong thế giới, nơi họ được mời gọi sống thường nhật chức tư tế cộng đồng, và thúc đẩy họ tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

Tại nhiều vùng Á Châu, hình thức hiện diện mới mẻ này của Giáo hội kiến tạo một môi trường vừa nuôi dưỡng đức tin chung cho người giáo dân, nhất là tại những quốc gia các Kitô hữu chịu sự cấm cách, vừa củng cố đức tin của họ thêm mạnh mẽ để đương đầu với những hình thức tôn thờ ngẫu tượng mới, như chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối và vô thần thực tiễn. Nhấn mạnh hơn nữa quan niệm về các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, trong đó giáo dân và giáo sĩ cùng nhau cầu nguyện và trao đổi ý kiến cách bình đẳng với nhau, có thể tạo ra một bước tiến khiêm tốn và cụ thể trong việc thực hiện khởi xướng canh tân cơ cấu Giáo hội, vốn là một ưu tiên đã được FABC nêu ra trong Hội nghị khoáng đại lần thứ tư vào năm 1986. Trong những cộng đoàn Giáo hội căn bản này, “có một sự thay đổi mô hình tương quan giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Chủ nghĩa giáo sĩ lùi lại nhường chỗ cho sức mạnh của giáo dân.”[15] Sự canh tân cơ cấu Giáo hội này, đặt nền trên việc tập trung về Giáo hội như là một cộng đoàn có tổ chức và một lối nhìn có trật tự về các tác vụ, có thể thúc đẩy sự hợp tác thực sự giữa giáo sĩ và giáo dân trong mọi khía cạnh của sứ vụ, và dĩ nhiên với tất cả tài năng và sức lực của họ.

Lộ trình thứ ba các Giám mục Á Châu nên chọn, đó là đi theo chỉ dẫn của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư Ecclesia in Asia, suy tư sâu xa hơn về vai trò của gia đình, người trẻ và phụ nữ, là những tác nhân đầu tiên của việc truyền giảng Tin Mừng. Vai trò của các thành phần này cần được nêu lên trong chủ đề chính của hội nghị khoáng đại. Các vị có lẽ, trước hết, nên khởi đi từ mô hình Giáo hội học về gia đình như là ecclesia domestica (hội thánh tại gia) và sử dụng mô hình này như là nền tảng để suy tư về căn tính và vai trò của gia đình. Thứ hai, Giáo hội có trách nhiệm cung cấp cho người trẻ một nền giáo dục đức tin vững chắc để họ có đủ hành trang trở thành những chứng nhân và người loan báo Tin Mừng cho một thế giới vốn đang chịu chi phối bởi khuynh hướng toàn cầu hóa. Trong xã hội ngày nay, nhiều trường học và đại học ở Á Châu không còn cung cấp cho giới trẻ sự giáo dục tổng thể mà họ cần, thay vào đó là khuynh hướng đơn giản hoá, xem giáo dục như sản phẩm, cạnh tranh và thị trường. Cuối cùng, người phụ nữ, vốn là nguồn nhân lực phong phú, nhưng chưa có cơ hội đóng góp, cần được FABC quan tâm hơn nữa. Thực tế, vai trò của phụ nữ đang thay đổi trong xã hội và có nhiều “phụ nữ đích thực”[16], song họ lại vẫn nhạt nhòa trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

Về điểm này, các Giám mục Á Châu có thể tìm thấy những gợi hứng từ những suy tư của đức Gioan Phaolô II. Vị giáo hoàng này đã nhấn mạnh rằng “sự hiện diện và vai trò của phụ nữ trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội, dù không gắn kết với chức tư tế thừa tác, vẫn hết sức cần thiết và không thể thay thế được.”[17] Cũng theo quan điểm của ngài, “ngày nay vai trò của người phụ nữ hết sức quan trọng, vừa để canh tân và nhân bản hóa xã hội, vừa để tái khám phá khuôn mặt đích thực của Giáo hội.”[18] Thảm cảnh của gia đình, của người trẻ và phụ nữ Á Châu đòi chúng ta phải suy tư về căn tính và vai trò riêng biệt của họ trong Giáo hội. FABC cần đề ra một một hướng đi mới mẻ cho ba hoàn cảnh sống cơ bản của người giáo dân, đó là gia đình, giáo xứ và môi trường làm việc.

Cuối cùng, đề xuất thứ tư của chúng tôi là: FABC cần khởi xướng một chương trình đào tạo dài hạn và toàn diện, nhờ đó người giáo dân có thể đào sâu hơn linh đạo của mình, trở nên những môn đệ và người loan báo Lời tốt hơn, hiểu rõ hơn vị trí chính đáng của mình trong Giáo hội, và nhiệt thành thi hành sứ vụ của mình trong sứ vụ chung của Giáo hội, vốn được hiểu trước hết là missio Dei. Chương trình đào tạo đặt nền trên bí tích Rửa tội, nhấn mạnh đến căn tính và sứ mạng chung của mọi tín hữu, cả giáo dân lẫn giáo sĩ, thành phần này hướng đến thành phần kia trong cùng một Giáo hội. Chương trình cũng cần xác định bí tích Rửa tội không chỉ là một biến cố nhưng là một phần của tiến trình hoán cải không ngừng, của sự hội nhập vào đời sống Đức Kitô và Giáo hội Á Châu, và của việc sống Tin Mừng giữa những hoạt động trần thế.

Các mục tử của Giáo hội Á Châu cần ưu tiên việc đào tạo giáo dân và khuyến khích họ tham dự tích cực và đầy đủ vào đời sống Giáo hội. Đây là điểm đã được Công đồng nhắc đến trong Lumen Gentium: “Phận vụ cao cả của các mục tử là chăn đắt các tín hữu và nhìn nhận sự đóng góp và đặc sủng của họ, để mỗi người theo cách của mình, đồng lòng cộng tác vào công việc chung”[19]. Tuyên bố này của Công đồng khai triển điều mà Đức giáo hoàng Piô XI đã phát biểu trước đó trong buổi yết kiến các linh mục trẻ của Đại học Canada ở Rôma vào năm 1939, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập; đây cũng là ý nguyện và phát biểu của ngài tại buổi tiếp kiến chung cuối cùng. Đức Giáo hoàng khuyên nhủ hàng giáo sĩ hãy khích lệ giáo dân trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô trong thế giới. Giáo huấn của Lumen Gentium cũng thể hiện tư tưởng của Henry Nouwen; vị hồng y này, cả thế kỷ trước đó, đã quan tâm đến việc “đào tạo một đội ngũ giáo dân chủ động, sẵn sàng hoạt động trong Giáo hội và trong thế giới”[20]; ngài mong muốn người giáo dân phải được huấn luyện giáo lý đầy đủ và có khả năng trung tín với lời cam kết của bí tích rửa tội. Vị đan sĩ thánh thiện này cũng lập lại nhiều lần cả trong giáo huấn cũng như trong quản trị mục vụ rằng, Giáo hội sẽ mất ý nghĩa nếu không có đức tin và sự cộng tác của Giáo dân.[21] Tóm lại, chúng tôi cho rằng thần học về người giáo dân của các Giám mục Á Châu sẽ phong phú và khởi sắc hơn nếu các vị đi theo những đề xướng khả thi nói trên: thực hiện một phân tích mới và toàn diện về bối cảnh hiện tại, suy tư sâu rộng hơn các đề tài thần học được đề nghị, đồng thời áp dụng những dự án mục vụ. Tuy nhiên, để có thể tin tưởng đi theo những định hướng này chúng tôi đề nghị cần có sự thay đổi mẫu thức, nghĩa là thay đổi não trạng hoàn toàn, để xây dựng một khoa thần học về người giáo dân có tính cách thiết thực nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của họ đóng góp cho Giáo hội Á Châu trong tương lai.

III. Hướng đến một thay đổi mẫu thức của thần học FABC về người giáo dân


Những mẫu thức là những cách thức phân tích thực tại dựa trên một số những tiền đề căn bản. Thay đổi mẫu thức xảy ra khi một hay nhiều tiền đề bị đặt thành nghi vấn. Rất nhiều phân tích về ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân được rút ra từ những tiền đề chưa được kiểm chứng. Chủ yếu nhất trong số những tiền đề đó là: định nghĩa giáo dân bằng cách quy chiếu vào giáo sĩ; và quan niệm rằng có hai lãnh vực sứ vụ của Giáo hội phù hợp với vai trò của người giáo dân sống đang sống giữa trần thế. Nếu mối căng thẳng hiện tại giữa sự lớn dậy mạnh mẽ của người giáo dân và vai trò của giáo sĩ hơn bao giờ hết cần phải được giải quyết, thì những tiền đề trên cần xem xét lại.

Tiền đề then chốt đầu tiên, giáo dân được định nghĩa bằng cách quy chiếu vào giáo sĩ và tu sĩ. Công đồ Vatican II chưa đưa ra một định nghĩa tích cực về “giáo dân”. Họ được hiểu là “tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức thánh và những người thuộc bậc tu trì được giáo hội công nhận”.[22] Nền tảng cho định nghĩa này là sự khác biệt trên bình diện hữu thể giữa giáo dân và giáo sĩ. Định nghĩa của công đồng thường xuyên được lặp lại trong các văn kiện của Giáo hội đến độ những ảnh hưởng của nó làm lu mờ một thực tế rằng một linh mục cũng đã từng là một giáo dân trước khi được truyền chức và là vẫn là người được rửa tội kể cả sau khi được truyền chức. Điều cần thiết là thay đổi não trạng, định nghĩa giáo dân đơn giản là những kitô hữu. Về điểm này, FABC, trong khi vẫn duy trì một sự phân biệt mặc nhiên giữa giáo sĩ và giáo dân, cũng đã có một bước tiến dài, mô tả – chứ không định nghĩa – giáo dân là những Kitô hữu Á Châu. Khái niệm này nhận mạnh đến cả hai chiều kích đức tin và phẩm chất văn hoá của giáo dân.

Chỉ khi chấp nhận một định nghĩa tích cực người giáo dân là các Kitô hữu, thì chúng ta mới có thể thay đổi được ý kiến cố hữu thứ hai cho rằng, sứ vụ của người giáo dân có hai chiều kích riêng biệt ad intra (hướng nội) và ad extra (hướng ngoại)[23]. Việc viện dẫn nhiều lần những văn bản huấn quyền, cho dù chỉ nhấn mạnh đến sứ vụ duy nhất của Giáo hội, đã tạo cho người ta có cảm tưởng rằng có hai lĩnh vực khác nhau, thánh thiêng và trần tục và có hai loại sứ vụ khác nhau, một ở trong Giáo hội và một ở ngoài thế giới. Sự phân biệt giữa Giáo hội và thế giới, giữa ơn gọi và sứ vụ, được gặp thấy trong hai văn kiện chính của Giáo hội nói về người giáo dân, đó là văn kiện của Hội Nghị Giám Mục Thế Giới 1987 về “ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới”[24] và tài liệu của Hội nghị khoáng đại lần thứ tư của FABC về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo hội và tại Á Châu. Nhiều góc cạnh của nan đề này đã được bàn đến trong nhiều năm qua bao gồm cả những điểm liên quan đến việc phân biệt ranh giới giữa Giáo hội và thế giới, giữa nơi thánh và thương trường, cũng như những trở ngại trong tiến trình hội nhập đời sống Kitô hữu. Sự tách biệt giữa sứ vụ và ơn gọi của người giáo dân dẫn đến sự phân chia căn tính và sứ vụ, giữa siêu nghiệm và thực tiễn, đồng thời tạo ra ấn tượng mạnh mẽ rằng, vai trò của người giáo dân không bắt nguồn từ căn tính: họ là ai và như thế nào. Trong những năm gần đây, việc tham gia của giáo dân vào nhiều sứ vụ Giáo hội, lý do một phần là thiếu linh mục, đã xóa dần đi lằn ranh phân biệt giữa sứ mạng ở trong Giáo hội và ở ngoài thế giới. Thực tế này giúp chúng ta có lý do để sử dụng từ “sứ vụ” mà không cần phân biệt giữa ad intra và ad extra, và tránh được sự phân chia giáo sĩ và giáo dân trong sứ vụ, trong Giáo hội và trên thế giới.

Theo quan điểm của chúng tôi, có một tương tác sâu sắc giữa những sự kiện bên trong Giáo hội và những biến cố bên ngoài thế giới đến nỗi nếu có chuyện gì xảy ra bên này thì tất sẽ có ảnh hưởng đến bên kia. Toàn thể Giáo hội đang hiện diện giữa lòng thế giới, và tất cả các tác vụ chính yếu đều hướng tới sứ vụ của Giáo hội cho thế giới, sứ vụ xây dựng vương quốc Thiên Chúa. Quan điểm này hẳn là phù hợp với Gaudium et spes. Giáo huấn công đồng khẳng định, không chỉ có giáo dân, mà toàn thể Giáo hội mang chiều kích trần thế, trong đó giáo dân có tính cách trần thế đặc thù.[25]

Vì thế, chúng tôi cho rằng đời sống Giáo hội sẽ thăng tiến nếu như người giáo dân có thể được định nghĩa hay mô tả cách đơn giản và chính xác là những Kitô hữu, và sứ vụ của họ cũng không bị diễn giải cách hạn hẹp theo kiểu ad intra và ad extra. Một cách hiểu về người giáo dân như thế, nếu được huấn quyền phổ quát nhìn nhận, sẽ là nền tảng cho một mô hình giáo hội học mới về sự cộng tác giữa giáo sĩ và giáo dân, đồng thời cũng giúp duy trì sự hiệp nhất giữa các giáo dân và cho phép họ tham dự cách chủ động vào những hoạt động đặc thù gắn liền với ơn gọi và đặc sủng riêng. Quan điểm mới này cũng có thể đưa đến một cuộc cách mạng mục vụ tạo điều kiện cho việc thăng tiến giáo dân, thúc đẩy những hoạt động của họ và mang về cho Giáo hội “một mùa xuân không thể ngờ.”[26] Khi lặp lại diễn ngữ đầy hy vọng của Yves Congar, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng “người ta có thể nhận ra mùa xuân Kitô hữu này đang hiện diện qua nhiều dấu chỉ: nhiều giáo dân – những người nam và người nữ, những thanh thiếu niên, những người trưởng thành và những người cao tuổi – chọn lựa triệt để sống đức tin của mình, theo đuổi đời sống thánh thiện đích thực và tinh thần nhiệt tâm tông đồ phi thường.”[27] Theo Đức Thánh cha, với Công đồng Vatican II, giờ của người giáo dân đã điểm, nhiều người giáo dân, nam cũng như nữ, đã hiểu rõ hơn ơn gọi Kitô hữu của mình, tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ. Sứ mạng tông đồ của người giáo dân là cần thiết để Tin Mừng trở nên ánh sáng, là muối, là men của một nhân loại mới. Với tư cách là những chứng nhân của Đức Kitô, người giáo dân được mời gọi mang ánh sáng Tin Mừng đến mọi nơi chốn cơ bản nhất của xã hội. Vì thế, ngài khích lệ giáo dân “một lần nữa hãy cầm trên tay những văn kiện công đồng Vatican II để tái khám phá ra sự phong phú về giáo lý cũng như những mô-típ mục vụ.”[28] Tư tưởng phong phú này cũng được tìm thấy trong Lumen gentium, một kiệt tác thần học làm nổi bật chức năng quan trọng của người giáo dân, cũng như thế giá của chức năng này theo chiều kích Kitô học: “cho đến khi bày tỏ trọn vẹn vinh quang của Người, Đức Giêsu sẽ thực hiện vai trò ngôn sứ, không chỉ qua huấn quyền nhân danh Người và bằng sức mạnh của Người, nhưng còn qua cả giáo dân nữa.[29]

Kết luận


Bài viết này trình bày một vài suy tư khiêm tốn về tương lai thần học FABC liên quan đến người giáo dân. Nhìn trong bối cảnh toàn cầu của xã hội bốn mươi năm qua, bài viết đề nghị một vài định hướng khả thi cho khoa thần học này: (i) cần một lối phân tích mới mẻ, toàn diện về bối cảnh hiện nay, cả trong khu vực lẫn toàn cầu; (ii) nhấn mạnh đến bốn chủ đề thần học: missio Dei, Giáo hội như sự hiệp thông cơ cấu hay trật tự, các chức năng của người giáo dân trước viễn cảnh của “các thừa tác vụ” và thần học về giáo dân đặt nền trên bí tích rửa tội; và (iii) thực hiện bốn sáng kiến mục vụ, bao gồm việc xem xét lại sự thích hợp của thuật ngữ “đối thoại tam phương”, nhấn mạnh và lưu tâm thường xuyên đến ý nghĩa thần học và mục vụ của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, suy tư kỹ lưỡng hơn về vai trò của gia đình, giới trẻ, và phụ nữ như là những tác nhân quan trọng cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng, và sau hết là một chương trình giáo dục dài hạn và liên tục dành cho người giáo dân.

Khi mà những khái quát hóa vội vã luôn làm cho lầm đường, chúng tôi thấy rằng một trong những giá trị bền vững của thần học FABC về người giáo dân là sự tái khám phá truyền thống đích thực vai trò người giáo dân, vai trò mà bao năm qua bị chèn ép trong hệ thống phẩm trật xem giáo dân như công dân hạng hai trong Giáo hội. Điều mà thần học này mang lại là một lối giải thích phong phú và sâu sắc về sứ vụ của người giáo dân, như loan báo Tin Mừng, đời sống chứng tá, dấn thân đối thoại với xã hội, các tôn giáo và các nền văn hóa, và nhờ đó, tìm lại được đặc tính Công giáo đích thực của mình. Tuy nhiên, theo ý kiến khiêm tốn của chúng tôi, khoa thần học này đi chưa đủ xa. Thực sự, nó chưa thoát ra khỏi não trạng thần học đương thời đang còn bị đè nặng bởi định nghĩa về người giáo dân theo cách quy chiếu vào giáo sĩ và sự lặp lại rập khuôn sứ vụ ad intra và ad extra. Cách thức thần học về đối thoại tam phương cũng cần phải được bàn lại, thêm chiều kích thứ tư, như được các Giám mục Việt Nam chủ trương, là đối thoại với chính quyền quốc gia.

Là khoa thần học liên hệ và bối cảnh được xem là xuất sắc, thần học về người giáo dân của FABC đang duy trì được mối tương quan đối thoại và biện chứng với thế giới, gắn bó với hoàn cảnh địa phương để vừa xây dựng nhưng cũng phê phán bối cảnh ấy, cũng như trung tín một cách sáng tạo đối với truyền thống của Giáo hội. Trong khi vẫn là một dự án đang triển khai, và dẫu còn ít tính cách Giáo hội học như đã đề cập ở trên, thần học về người giáo dân của FABC đã đưa ra được những nét đặc trưng về thần học địa phương cũng như hoàn vũ. Khi Giáo hội Á Châu bước vào thế kỷ 21, một vấn nạn chính đang thách thức các giám mục Á Châu, đó là người giáo dân có thể và sẽ phải đóng vai trò gì trong Giáo hội và trong thế giới Á Châu. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, Giáo hội Á Châu sẽ trung thực nhất với căn tính của mình khi mọi thành phần của Giáo hội – giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ – nhìn nhận vị trí đúng đắn và vai trò đặc thù của mình, tham gia tích cực vào sứ vụ do Thánh Thần hướng dẫn để xây dựng thân thể Đức Kitô và Vương quốc Thiên Chúa, và can đảm tuyên xưng biến cố có tính quyết định của lịch sử, hành động độc nhất vô nhị của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
______________

[1] Khảo sát tỉ mỉ liên quan đến chủ đề này, xin coi Peter N. V. Hai, "Lay People in the Asian Church: A Study of John Paul II's Theology of the Laity in Ecclesia in Asia with Reference to the Documents of the Federation of Asian Bishops' Conferences." trong Australian E-Journal of Theology 10 (2007), http://dlibrary.acu.edu.au/ research/ theo­logy/ejournal/ aejt_10/hai.htm (accessed May 30,2007).

[2] Robert J. Schreiter cho rằng "có ba giai đoạn rõ rệt trong năm trăm năm sứ vụ của Giáo hội": giai đoạn bành trướng (1492-1945), Giai đoạn đại kết (1945-1989), và giai đoạn toàn cầu hóa (1989- ). Xem The New Catholicity, 122,123-7; và "The Theological Meaning of a Truly Catholic Church," New Theology Review 7 (November 1994): 10-13.

[3] Ibid., 131. Schreiter cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa, "sự tròn đầy về đức tin mang lại cho một số mục tiêu (teloi) thần học để hướng dẫn con người và xã hội": một là khoa nhân chủng học mới, dựa trên Sáng thế 1:26, nói rằng "phẩm vị tròn đầy của tất cả mọi người trên thế giới dẫn nhiều người đến chỗ bi đát;" thứ hai "khả tính của bản thể học về hòa bình đề chống lại khuynh hướng phan rẽ của toàn cầu hóa;" thứ ba, khởi đi từ lối nhìn hòa giải cũa thánh Phaolô như là " tạo thành mới" (2 Cor 5:17). Xc. ibid., 43,131, and 113.

[4] Xem ra FABC chỉ sử dụng hạn từ có một lần. Xt. "Consultation on Asian Local Churches and Mission Ad Gentes: A New Way of Being Church-in-Mission in Asia," art. 5, PAPA, Vol. 3, 222.

[5] FABC V, arts. 3.1-3.2.4, PAPA, Vol. 1,279-81

[6] Walter Kasper, Theology and Church, London: SCM Press, 1989, 156-61.

[7] Francis A. Sullivan, "Authority in an Ecclesiology of Communion," New Theology Review 10 (1997): 24.

[8] Susan K. Wood, "Conclusion," trong Ordering the Baptismal Priesthood : Theologies of Lay and Ordained Ministry, ed. Susan K. Wood.

[9] Christopher Ruddy, "Ecclesiological Issues behind the Sexual Abuse Crisis," Origins 37, no. 8 (July 5, 2007): 124.

[10] Gerard Austin, "Baptism as the Matrix of Ministry," Louvain Studies 23 (1998): 101

[11] Ann Michele Nolan, A Privileged Moment: "Dialogue" in the Language of the Second Vatican Council 1962-1965, European University Studies, Series 23, Theology, Vol. 829 (New York: Peter Lang, 2006)

[12] x. Peter C. Phan, "Praying to the Buddha: Living amid Religious Pluralism," Commonweal 134, no. 2 (26 January 2007).

[13] Bruce M. Lockhart and William J. Duiker, Historical Dictionary of Vietnam, 3rd edition (Lanham, MD: The Scarecrow Press, 2006), 8,41,104,141,143-4; The New Encyclopaedia Britannica: Volume 12, Micropaedia, 15th edition, s.v. "Vietnam War (1955-75)," 361.

[14] HĐGMVN, “Thu chung 1980 ", trong Giáo hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005, tr. 240-7.

[15] TGM. Orlando B. Quevedo, "Seeds of the Kingdom," The Tablet (30 May 1998): 696.

[16] John Paul II, "A Letter to Women," The Tablet (15/7/1995): 918.

[17] John Paul II, "Ordinatio sacerdotalis," L'Osservatore Romano (1/6/1994): 1.

[18] Sđd.

[19] Lumen Gentium, 30.

[20] Paul Chavass, "Newman and the Laity," trong Newman Today, ed. Stanley L. Jaki (San Francisco: Ignatius Press, 1989), tr. 50.

[21] John Coulson, "Introduction," trong John Henry Newman: On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine (London: Collins, 1986), tr. 18-9.

[22] Lumen Gentium, 31.

[23] Avery Dulles, "Can Laity Properly Be Called 'Ministers'?" Origins 35, no. 44 (20/4/2006): 730).

[24] John L. May, Joseph L. Bernardin, Rembert G. Weakland, and Stanley J. Ott, "What We Have Heard and What We Will Say," America 157, no. 5 (29 August - 5 September 1987): 109; "The Synod of 1985 and the Notion of the Church," Chicago Studies 26, no. 3 (1987): 340.

[25] Gaudium et spes, 40; Lumen Gentium, 38.

[26] Yves M. J. Congar, Lay People in the Church: A Study for a Theology of Laity, rev., ed., trans. Donald Attwater (London: Geoffrey Chap­man, 1965), tr. xviii.

[27] John Paul II, "Message of His Holiness John Paul II," in The Congress of Catholic Laity: Rome 2000, edited by the Pontificium Consilium pro Laicis (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 2002), tr. 8.

[28] John Paul II, "Homily of His Holiness John Paul II on the Occasion of the Jubilee of the Apostolate of the Laity, (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 2002).

[29] Lumen Gentium, 35.

https://tsthdm.blogspot.com/2019/02/nhung-suy-tu-ve-tuong-lai-than-hoc-ve.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét