Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Cùng với các bạn trẻ ở trường CapMissio, mỗi năm chúng tôi đi Lộ Đức vài ngày. Để chuẩn bị chuyến đi, tất cả chúng tôi cùng xem một phim rất hay về Thánh Bernadette của nhà đạo diễn Jean Delannoy thực hiện. Trong phim có một cảnh tuyệt vời mà tôi xem đi xem lại nhiều lần không chán. Khi đó Bernadette mới 13 tuổi và cô đến Bartrès, làng của bà vú nuôi. Cảnh xảy ra vài tháng trước khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ở Lộ Đức. Bernadette học giáo lý do cha xứ dạy ở nhà thờ cùng với các em bé khác. Cha mặc áo chùng và hỏi các em:
– Chúng con cho cha biết có bao nhiêu ngôi trong Chúa Ba Ngôi?
Nhiều em bé giơ tay lên trả lời:
– Ba.
Cha xứ rất vui và phát hình cho các em. Cha hỏi một câu hỏi khác:
– Và các ngôi này là ai?
Nhiều em bé trả lời:
– Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần!
Hãnh diện vì các em học giỏi. Cha phát thêm hình. Cha đặt câu hỏi cuối cùng:
– Như thế có bao nhiêu Chúa?
Tất cả các trẻ em đều trả lời:
– Ba!!!
Tức giận cha thâu hình lại và nói:
– Trả lại hình cho cha, trả lại hình cho cha…
Không phải dễ để giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi kể cả cho trẻ em cũng như cho người lớn. Đó là một trong các mầu nhiệm lớn của đức tin chúng ta. Là mầu nhiệm, sự thật đức tin này vẫn là mầu nhiệm. Nhưng một trong các giáo sư thần học của tôi thường hay lặp lại câu của triết gia Pháp Jacques Maritain về chuyện này:
– Một mầu nhiệm, không phải là cái gì trong đó không có gì có thể hiểu được, nhưng là cái gì có nhiều chuyện để hiểu trong đó. Chúa là một mầu nhiệm mà thực tế vượt quá khả năng trí tuệ của chúng ta vô cùng.
Suốt quá trình Lịch sử, các người đi giảng đều cố gắng mang đến các hình ảnh đơn giản để giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Một số người dùng hình ảnh của nước H20: nước dưới thể lỏng: nước là Chúa Cha; nước có thể dưới thể rắn: đá là Chúa Con; nước có thể dưới thể hơi: hơi là Thần Khí.
Vào thế kỷ thứ 4, trong khảo luận Về Chúa Ba Ngôi, Thánh Âugutinô đưa ra khái niệm “Chúa là Tình yêu” để giải thích đặc thù của ba nhân vật:
– Chúa Cha là “người yêu”, Đấng là gốc của tình yêu.
– Chúa Con là “người được yêu”, Đấng nhận tình yêu;
– Chúa Thánh Thần là “Tình yêu”, sợi dây nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Một hình ảnh rất đẹp đưa chúng ta vào trọng tâm của Mầu nhiệm và khái niệm này được Thánh Tôma Aquinô và đa số các nhà thần học khác chấp nhận.
Dụ ngôn Mặt trời
Thánh phó tế Êphrem người Syria sống ở thế kỷ thứ 4 đã dùng một hình ảnh khác để giải thích Chúa Ba Ngôi: “Mặt trời là Chúa Cha, tia sáng mặt trời là Chúa Con, ánh sáng và sức nóng là Chúa Thánh Thần.” Đó là hình ảnh tôi yêu thích nhất.
Mặt trời
Mặt trời là Chúa Cha. Đấng không ai có thể thấy, ngay cả không thể hình dung được. Bạn có bao giờ nhìn được mặt trời trước mặt? Bạn không thể nhìn được nếu không mang kiếng chống nắng, như thế không ai có thể thấy Chúa, ngay cả giới thiệu Ngài. “Thiên Chúa, chưa bao giờ ai thấy cả” (Ga 1,18).
Tia sáng
Tia sáng mặt trời là Chúa Con. Chúng ta có thể dễ dàng thấy tia sáng mặt trời khi nó đi ngang qua căn phòng, nhất là khi căn phòng chưa dọn sạch sẽ. Khi tia nắng lướt qua, chúng ta thấy bụi. Bụi là nhân loại chúng ta: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Chúa Giêsu đã xuống thế làm người và qua Ngài, chúng ta mới có thể hiểu Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
Nhưng, như tia sáng, sau một lúc nó sẽ biến mất trong căn phòng, cũng vậy Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha.
Ánh sáng và sức nóng
Và Thần Khí. Đó là ánh sáng và sức nóng. Dù giữa mùa đông lạnh giá, khi chúng ta có cảm tưởng như Mặt trời đã biến mất từ nhiều tháng nay, nhưng ánh sáng và sức nóng của nó vẫn xuyên qua bóng mây để đến với chúng ta, nếu không Quả đất chúng ta sẽ biến thành khối đá mênh mông! Cũng vậy, khi chúng ta cảm thấy Chúa ở rất xa, vượt tầm mây thì Thần Khí vẫn tiếp tục sưởi ấm và soi sáng chúng ta qua sự hiện diện thầm kín của Ngài.
Ba khía cạnh của Mặt trời
Như thế chúng ta có thể phân biệt được mặt trời, tia sáng, ánh sáng và sức nóng và biết cả ba là một thực thể. Vậy chúng ta có thể phân biệt được ba ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và biết cả ba là một Chúa.
Từ dụ ngôn mặt trời, chúng ta có thể giải thích được một cái gì về vai trò đặc biệt của Mẹ Maria và các thánh.
Mặt Trăng
Một truyền thống xưa cho rằng “Đức Mẹ là mặt trăng trên bước đường đi của chúng ta.” Đặc thù của Mặt trăng là chính nó không tự chiếu sáng được, Mặt trăng là phản ảnh ánh sáng của Mặt trời. Tuy vậy Mặt trăng có một vai trò chính cho con người, để soi sáng chúng ta trong đêm tối khi Mặt trời đi ngủ. Và đó là vai trò của Đức Mẹ. Mẹ không phải là Chúa, và những gì Mẹ cho chúng ta, Mẹ nhận từ Chúa. Nhưng trong cuộc sống trần thế của chúng ta, Mẹ hướng dẫn chúng ta như một người mẹ nhân lành trong đêm tối đức tin.
Các tấm kiếng ghép màu
Còn về các thánh, một cha xứ đưa trẻ em đi viếng nhà thờ của cha nhân ngày Lễ Các Thánh. Cha giải thích cho các em nghe tích sự của từng tấm kiếng, mỗi tấm kiếng là cuộc đời của một thánh. Ngày hôm đó mặt trời chiếu sáng, các tấm kiếng tỏa đủ màu sáng ngời. Cuối chuyến thăm, cha hỏi các em:
– Vậy theo các con, các thánh là ai? Một em bé giơ tay lên trả lời:
– Các thánh là những người để ánh sáng đi ngang qua!
Đúng, chúng ta hãy lấp đầy cho mình ánh sáng của Chúa Ba Ngôi để đến lượt chúng ta, chúng ta trở nên “ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,14).
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2019/01/30/du-ngon-mat-troi-hay-lam-the-nao-de-giai-thich-chua-ba-ngoi/
http://phanxico.vn/2019/01/30/du-ngon-mat-troi-hay-lam-the-nao-de-giai-thich-chua-ba-ngoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét