Giới thiệu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hôm 6 tháng 12 năm 2018, Tòa Thánh và Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đồng loạt công bố về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Abu Dhabi từ ngày 3 tháng 2 đến ngày 5 tháng 2 năm 2019. Trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du này của Đức Thánh Cha.
Do đó, chương trình này được dành riêng để xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
1. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng
Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng là thể theo lời mời ngài tham dự “Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại”, do Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi đưa ra trong chuyến viếng thăm Vatican hồi tháng Chín, 2016 . Đồng thời, chuyến viếng thăm này cũng là để đáp lại lời mời của Giáo Hội Công Giáo tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Vì tình trạng đau yếu thường xuyên của phụ hoàng là Quốc Vương Khalifa bin Zayed, Thái tử Al Nahyan là người thực sự nắm quyền tại Abu Dhabi. Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan được coi là động lực của những thay đổi tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông có một cái nhìn cởi mở đối với phương Tây và Kitô Giáo, mà thể hiện cụ thể nhất là Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quốc gia này. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi vào lịch sử như vị Giáo Hoàng đầu tiên đặt chân đến vùng Vịnh sau khi tiên tri Muhammad của Hồi Giáo chinh phục được vùng này.
Chúa Nhật 3 tháng 2
Theo chương trình, sau khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, lúc 1h chiều ngày Chúa Nhật 3 tháng 2 (ngày 29 tháng 12 âm lịch), Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Abu Dhabi.
Ngài sẽ đến nơi vào lúc 10h tối, theo giờ địa phương. Mặc dù khuya như thế, vẫn có lễ nghi chào đón chính thức được diễn ra tại khu vực sân bay dành cho Tổng thống tại Abu Dhabi.
Thứ Hai 4 tháng 2
Sáng thứ Hai, ngày 4 tháng 2, lúc 12 giờ trưa sẽ có lễ nghi chào đón chính thức tại phủ tổng thống. Đức Thánh Cha sẽ có cuộc hội đàm với Thái tử Al Nahyan.
Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các thành viên của Hội đồng trưởng lão Hồi giáo tại Đại Đền Thờ Hồi Giáo Sheikh Zayed.
Lúc 6:10 chiều, Đức Thánh Cha sẽ tham dự “Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại” tại Đài tưởng niệm vị lập quốc.
Thứ Ba 5 tháng 2
Sáng Thứ Ba, ngày 5 tháng 2 (ngày mùng Một Tết Âm Lịch)
Lúc 9:15 sáng, Đức Thánh Cha sẽ kính viếng nhà thờ chánh tòa Thánh Giuse của miền Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập .
Lúc 10:30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại vận động trường Zayed của thủ đô Abu Dhabi.
Lúc 12:40 chiều, lễ từ biệt tại sân bay của Tổng thống.
Lúc 1 giờ chiều, máy bay cất cánh về Rôma.
Dự kiến lúc 5 giờ chiều, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay quân sự Ciampino của Rôma.
2. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thường được gọi vắn tắt là UAE – đó là chữ viết tắt từ tên tiếng Anh United Arab Emirates. UAE là một liên bang quân chủ chuyên chế tại Tây Á. Quốc gia này nằm trên bán đảo Ả Rập và giáp với vịnh Ba Tư, có biên giới trên bộ với Oman về phía đông và với Ả Rập Xê Út về phía nam, có biên giới hàng hải với Qatar về phía tây và với Iran về phía bắc.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc vào năm 2017, dân số nước này được ước tính là 9.4 triệu dân, trong đó 88% là người nhập cư: 38.2% là người Ấn Độ, 10.2% là người Ai Cập, 9.4% là người Pakistan và 6.1% là người Phi Luật Tân. Cũng có một con số đông đảo những người Việt Nam sang lao động tại đây.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một liên bang gồm bảy tiểu vương quốc, được thành lập vào ngày 2 tháng 12 năm 1971. Các tiểu vương quốc cấu thành liên bang này là Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Ras al-Khaimah, Sharjah và Umm al-Quwain. Mỗi tiểu vương quốc do một vị Quốc Vương cai trị. Các vị Quốc Vương hình thành Hội đồng Tối cao Liên bang. Một trong các vị Quốc Vương được chọn làm tổng thống của liên bang. Tổng thống hiện nay là Quốc Vương Khalifa bin Zayed.
Hồi giáo là quốc giáo và tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế tiếng Anh và Ấn Độ là hai ngôn ngữ phổ biến tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
3. Vài nét lịch sử
Vùng đất bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Omar, Bahrain, và Syria trước đây là vùng toàn tòng Kitô Giáo. Sáu vị Giáo Hoàng là những người xuất thân trong vùng này.
Năm 630, Muhammad gửi mật sứ đến thuyết phục những nhà hoạt động chính trị người Omar. Họ được đưa sang Medina, cải đạo sang Hồi giáo và bí mật về nước khởi nghĩa thành công lật đổ vương triều Sassanid. Sau khi lên nắm quyền, họ thực thi chính sách Hồi Giáo hoá bằng bạo lực trong toàn vùng.
Sau khi Muhammad từ trần vào năm 632, Abu Bakr, là cha vợ và là đồng chí của Muhammad lên nắm quyền. Một số tín hữu Hồi Giáo tin rằng Muhammad muốn nhường chức Khalifa (nghĩa là người thừa kế) cho Ali ibn Abi Talib, thường gọi tắt là Ali, là con rể và cũng là người anh em họ, chứ không phải cho Abu Bakr. Những người ủng hộ Ali tách ra thành Hồi Giáo Shiite /ʃiː-aɪt/, còn những người ủng hộ Abu Bakr gọi là Hồi Giáo Sunni. Hai bên đánh giết nhau cho đến nay.
Các cộng đồng Hồi giáo mới thành lập ở phía nam vịnh Ba Tư cũng rơi ngay vào hố chia rẽ này. Khalip Abu Bakr phái một đội quân từ thủ đô Medina đánh chiếm lại vùng này. Họ tái chinh phục được lãnh thổ sau các trận chiến đẫm máu tại Dibba khiến ít nhất 10,000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, có thể nói lịch sử của vùng đất này cho đến tận ngày nay là lịch sử của các cuộc chiến tranh liên tục giữa hai hệ phái Hồi Giáo Shiite và Sunni. Bản đồ của vùng này ngày nay, sau khi được vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cho thấy Iran, Iraq, Bahrain là “toàn tòng” Shiite, trong khi ở các quốc gia khác, người Sunni chiếm đa số mặc dù vẫn có các cộng đồng đáng kể các tín hữu Shiite như tại Yemen, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả tại Ả rập Xê út nơi khét tiếng là thẳng tay với Hồi Giáo Shiite vẫn có sự hiện diện của các cộng đồng Hồi Giáo thuộc hệ phái này.
Chiến tranh triền miên, nạn hải tặc và các mưu toan thực dân hóa vùng này của Nga và Pháp đã khiến các quốc gia trong vùng ký một hiệp ước vào năm 1892 để nhờ Anh bảo hộ.
Tuy nhiên, đến năm 1966, tình hình trở nên rõ ràng rằng chính phủ Anh không còn đủ khả năng cai quản và bảo hộ khu vực này. Ngày 24 tháng Giêng năm 1968, Thủ tướng Anh Harold Wilson công bố quyết định triệt thoái hoàn toàn vào tháng 12, 1971 .
Bahrain độc lập vào tháng 8, và Qatar độc lập vào tháng 9 năm 1971. Bảy nước còn lại hợp thành một liên bang lấy tên Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và tồn tại như thế cho đến nay.
4. Kinh tế
Trữ lượng dầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đứng thứ 7 thế giới, còn trữ lượng khí đốt thiên nhiên của nước này đứng thứ 17 thế giới. Vì thế, thu nhập của quốc gia này chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.
Sheikh Zayed là Quốc Vương của Abu Dhabi và là tổng thống đầu tiên của liên bang. Ông tận dụng các thu nhập từ dầu mỏ để cái cách các lĩnh vực y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Thành phố đông dân nhất liên bang là Dubai cũng là một thành phố toàn cầu quan trọng và là một trung tâm hàng không quốc tế.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được đánh giá là một cường quốc trong khu vực và với những thay đổi cởi mở như hiện nay, quốc gia này sẽ nhanh chóng đóng một vai trò quan trọng trong bàn cờ chính trị của khu vực và thế giới. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha, vì thế, được quan tâm một cách đặc biệt.
5. Hệ thống pháp lý
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thuờng bị chỉ trích do thành tích nhân quyền của họ, cụ thể là việc áp dụng Luật Hồi giáo Sharia trong hệ thống pháp lý. Theo Tổ chức Human Rights Watch, các tòa án hình sự và dân sự tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất áp dụng chặt chẽ các yếu tố trong luật Sharia, được hệ thống hóa trong bộ luật hình sự và luật gia đình, theo cách thức kỳ thị chống lại nữ giới.
Đánh roi và ném đá là các hình phạt phổ biến dành cho các tội ngoại tình, tình dục trước hôn nhân và tiêu thụ các thức uống có cồn. Người phạm tội ngoại tình bị đánh 100 roi nếu chưa lập gia đình và bị ném đá đến chết đối với người đã kết hôn. Phụ nữ phá thai bị đánh 100 roi và có thể phải ngồi tù đến 5 năm.
Bên cạnh các tòa án dân sự, còn có hệ thống các tòa án Sharia, là những tòa có thẩm quyền chuyên biệt đối với các vụ án liên quan đến gia đình và luân lý. Cả người không Hồi Giáo cũng bị chi phối bởi luật Sharia và các tòa án Sharia.
Bội giáo là tội bị tử hình tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Báng bổ tôn giáo là bất hợp pháp. Ngoại kiều dính líu vào việc lăng mạ Hồi giáo nhẹ thì bị trục xuất, nặng thì ngồi tù, thậm chí lãnh án tử hình.
Việc truyền giáo gần như không thể thực hiện được. Một người phụ nữ khi đi ta đường phải có nam giới tháp tùng. Vì thế, trừ phi người nam tháp tùng ấy cũng có ý muốn theo đạo, một người phụ nữ tự mình đi đến nhà thờ là điều khó có thể xảy ra. Việc kết hôn giữa một người phụ nữ Hồi Giáo với một người đàn ông không Hồi Giáo được xem là một hình thức “gian dâm”, và người phụ nữ có thể bị ném đá đến chết như trong trường hợp một người phụ nữ đã có gia đình ngoại tình với người khác. Một người đàn ông Hồi Giáo có thể kết hôn với một người phụ nữ không Hồi Giáo, nhưng con cái bắt buộc phải theo Hồi Giáo.
Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp và là một tội bị tử hình theo luật tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên, trong thực tế những người bị bắt thường bị xử phạt từ 10 năm tù cho đến 15 năm tù. Nhiều người đồng tính bị đánh chết bởi các bạn tù.
Các tòa án Sharia cũng đưa ra các bản án cắt cụt tay chân tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đóng đinh cũng được coi là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại đây.
Trong tháng Ramadan, ăn, uống hoặc hút thuốc công khai từ khi bình minh đến lúc hoàng hôn cũng bị coi là phạm pháp.
6. Truyền thông
Truyền thông tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được phân loại là “không có tự do” theo báo cáo của Freedom House. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng xếp hạng rất thấp trong xếp hạng về tự do báo chí thường niên của Phóng viên không biên giới.
Việc chỉ trích chính phủ là điều không được phép, chỉ trích các quan chức chính phủ và thành viên hoàng tộc cũng không được phép. Án tù giam được tuyên cho các cá nhân “chế nhạo hoặc làm tổn hại” danh tiếng của quốc gia và “thể hiện sự khinh miệt” tôn giáo.
7. Tôn Giáo
Theo Pew Research, Hồi giáo chiếm 77%. Kitô Giáo chiếm 12%. Ấn giáo 4%. Phật giáo 4% và các tôn giáo khác 2%.
Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất và là quốc giáo chính thức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Chính phủ đi theo chính sách khoan dung với các tôn giáo khác và hiếm khi can dự vào hoạt động của những người phi Hồi giáo. Tương tự như vậy, những người phi Hồi giáo được mong đợi tránh can dự vào các vấn đềthuộc Hồi giáo hay giáo dục Hồi giáo.
Tuy nhiên, chính phủ áp đặt các hạn chế về truyền bá các tôn giáo khác dưới bất kỳ phương thức truyền thông nào.
Có khoảng 31 nhà thờ Kitô Giáo giáo trên khắp liên bang, một đền thờ Ấn Độ giáo trong khu vực Bur Dubai, một đền thờ đạo Sikh tại Jebel Ali và cũng có một chùa Phật Giáo tại Al Garhoud.
Trong toàn miền Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập có 13 nhà thờ Công Giáo. Riêng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có 9 nhà thờ. Theo Niên Giám Tòa Thánh năm 2014, tổng dân số trong vùng là 38,185,000, trong đó có 942,000 người Công Giáo. Ước lượng của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018 là 42,948,063 dân trong đó có 1,300,500 người Công Giáo. Tất cả đều là những người lao động nước ngoài thuộc khoảng 150 quốc tịch khác nhau. Bên cạnh đó, còn có 67 linh mục và khoảng 100 nhân viên mục vụ thuộc dòng Capuchin đến từ tỉnh Tuscan, Italia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét