VÀI QUAN ĐIỂM THẦN HỌC NỔI BẬT CỦA SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Thời sự Thần học - Số 58, tháng 11/2012, tr. 127-151
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo và 5 năm ban hành văn kiện Kim Chỉ Nam về Huấn giáo (Direttorio generale per la Catechesi), Bộ Giáo sĩ cùng với Bộ Giáo lý đức tin đã tổ chức một Hội nghị quốc tế về Huấn giáo (Congresso Catechistico Internazionale) tại Rôma vào các ngày 8-11/10/2002. Nhân dịp này, Hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo lý đức tin, đã đọc bài thuyết trình sau đây với tựa đề “sự thích thời đạo lý của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo sau 10 năm xuất bản” (Attualità dottrinale del Catechismo della Chiesa Cattolica, dopo 10 anni dalla sua pubblicazione), trình bày vài quan điểm thần học nổi bật của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Tuy rằng bản chất của Sách Giáo lý khác một công trình nghiên cứu thần học, nhưng tác giả cho thấy những đóng góp cho sự tiến triển thần học cách riêng về việc giải thích Kinh Thánh (phần thứ I), thần học về phụng vụ và bí tích, về Chúa Thánh Linh (phần thứ II), thần học luân lý (phần thứ III). Bài được đăng trên trang mạng của Bộ Giáo lý đức tin: www.doctrinafidei.va. Bản dịch của Tu sĩ Nguyễn Văn Phương, O.P. và Phạm Duy Khánh, O.P.
Dàn bài:
- Giá trị và những giới hạn của Sách Giáo lý
- Việc sử dụng cứ liệu Kinh Thánh trong Sách Giáo lý
- Chiều kích lịch sử
- Kinh Thánh xét như quy điển
- Bốn ý nghĩa của Kinh Thánh
- Kinh Thánh, Thánh truyền và Giáo hội
- Giáo lý về các Bí tích trong Sách Giáo lý
- Giáo huấn Công đồng Vatican II về phụng vụ
- Làm thế nào đạt được sự duy nhất trong sự đa dạng của các nghi điển
- Thánh linh học
- Hội nhập văn hoá: phụng tự, văn hoá
- Giáo huấn luân lý Kitô giáo trong Sách Giáo lý
- Đối thoại và giao ước
- Kitô luận và luật tự nhiên
Hồng y Joseph Ratzinger
Với Tông hiến “Kho Tàng Đức Tin” (Fidei Depositum), Đức Gioan Phaolô II đã trao cho toàn thể Dân Chúa Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Một đàng quyển sách đáp ứng sự mong mỏi của mọi thành phần trong Giáo hội, nhưng mặt khác nó đã đụng phải thái độ hoài nghi thậm chí là khước từ nơi nhiều giới trí thức công giáo bên Tây phương. Sau bước ngoặt của Công đồng Vatican II, những công cụ huấn giáo vốn sử dụng thời trước trở thành khiếm khuyết, không theo kịp với cảm thức đức tin đã được Công đồng diễn tả. Từ đó nảy ra vô số những áp dụng thử nghiệm, cũng tương tự như trong lãnh vực Phụng vụ. Mặc dầu nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng vẫn thiếu một cái nhìn tổng quát. Vấn đề đặt ra sau khúc ngoặt là những yếu tố nào vẫn còn giá trị. Vì thế các vị mục tử và tín hữu đang mong chờ một bản văn quy chiếu mới, định hướng cho việc huấn giáo, cung cấp một tổng hợp đạo lý công giáo phù hợp với hướng đi của Công đồng. Một nhóm các nhà thần học và các chuyên viên giáo lý chống lại đề nghị đó, do ước nguyện dễ hiểu là họ muốn được hưởng một khoảng tự do trong suy tư của mình. Sự chắc chắn của đức tin xem ra trái ngược với sự tự do và sự suy tư luôn luôn tiến triển. Tuy nhiên, đức tin đâu phải là chất liệu cho những thử nghiệm của lý trí; đúng ra đức tin phải là nền tảng vững chắc, hypostasis như đã viết trong thư Hípri (11,1), để dựa trên đó chúng ta có thể sống và chết. Cũng như khoa học không bị bế tắc vì đã đạt được những điều chắc chắn, và chính những điều chắc chắn đã đạt được là điều kiện cho sự phát triển của khoa học. Cũng thế, những sự chắc chắn mà đức tin mang lại sẽ đưa chúng ta vươn tới những chân trời mới, đang khi những suy tư thí nghiệm luẩn quẩn sẽ chóng đưa đến nhàm chán.
Trong bối cảnh ấy, một đàng nhiều người tỏ lòng biết ơn sách Giáo lý, đã được soạn ra với sự đóng góp của mọi thành phần Hội thánh, các giám mục, linh mục và giáo dân; đàng khác cuốn sách cũng gặp một sự chống đối, với nhiều lý do được đưa ra. Người ta chỉ trích cách thức biên soạn mang tính trung ương tập quyền, nhưng điều này rõ ràng là không đúng với sự thực. Nội dung của nó bị phê bình là ù lì, giáo điều, tiền công đồng. Người ta còn nói rằng Sách Giáo lý không đếm xỉa gì đến sự tiến triển thần học, cách riêng về khoa chú giải Kinh Thánh trong thế kỷ vừa qua; nó thiếu tinh thần đại kết, thiếu đối thoại mà chỉ áp đặt. Vì thế không thể nói là nó hợp thời về thần học, cách đây mười năm, và ngày nay lại càng tệ hơn nữa.
Giá trị và những giới hạn của Sách Giáo lý
Chúng ta nghĩ gì về những ý kiến vừa rồi? Để có thể đặt đúng chỗ và đối thoại với họ, thì trước hết ta cần suy nghĩ thấu đáo xem Sách Giáo lý là gì và chúng thuộc thể loại văn học nào. Sách Giáo lý không phải là một cuốn sách thần học, nhưng là một cuốn sách của đức tin, nghĩa là bản văn đạo lý đức tin. Nhiều nhà thần học thường không ý thức sự khác biệt quan trọng ấy. Thần học không sáng chế những điều phải tin hoặc buộc phải tin dựa theo phương pháp suy tư của mình; nếu như vậy thì đức tin Kitô giáo hoàn toàn là sản phẩm của tư tưởng và chẳng có gì khác với triết học về tôn giáo. Thần học, nếu hiểu đúng nghĩa, phải là nỗ lực để hiểu biết ân huệ của một chân lý đi trước nó. Về điểm này, Sách Giáo lý trích dẫn câu nói của thánh Âutinh, một câu nói cổ điển, tóm tắt bản chất của công tác thần học: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin vững vàng hơn” (158; Sermo 43, 7, 9). Mối tương quan giữa quà tặng (điều mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đức tin của Giáo hội) với nỗ lực thủ đắc quà tặng đó nhờ việc tìm hiểu bằng lý trí, làm nên yếu tố cấu thành của thần học. Mục đích của Sách Giáo lý chính là trình bày quà tặng có trước chúng ta, sự phát biểu đạo lý đức tin được phát triển trong Giáo hội; Sách Giáo lý là một lời loan báo đức tin, chứ không phải là thần học, mặc dầu nó cũng nằm trong kế hoạch trình bày đạo lý đức tin của Hội thánh kèm theo một suy tư, và vì thế nó cũng mở ra cho sự hiểu biết thần học. Dù vậy, không thể nào xóa bỏ sự khác biệt giữa một bên là sự loan báo nghĩa là chứng tá, và bên kia là suy tư thần học.
Nói như thế là tôi đã phác họa thể văn của Sách Giáo lý, bắt nguồn từ nhiệm vụ của nó. Thể văn của nó không thuộc loại tranh biện (quaestio disputata) giống như thể văn cổ điển của thần học. Đúng ra thể văn của nó là chứng tá, loan báo điều bắt nguồn từ sự xác tín của đức tin. Ở đây cũng cần thiết phải phân biệt cho rõ: lời chứng tá này hướng đến người khác, và do đó có liên quan đến quan điểm của thính giả; lời chứng tá diễn tả lời được đón nhận một cách dễ hiểu, dù vậy nó vẫn khác với ngôn ngữ của lý trí dùng trong cuộc khảo cứu khoa học. Trong trường hợp của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, cần thêm một yếu tố khác nữa: các độc giả của cuốn sách này vừa nhiều vừa đa dạng, và đây là điểm phải lưu ý khi tìm những hình thức diễn tả. Trong điểm số bốn của Tông hiến Fidei Depositum, Đức thánh cha đã đề cập đến những người mà Sách Giáo lý hướng tới: đó là những mục tử và những tín hữu, trong số đó nhắm cách riêng đến những phần tử của Hội thánh đang dấn thân trong việc giảng dạy giáo lý, sau đó là “tất cả mọi tín hữu”, và nghĩa là cũng bao hàm lãnh vực đại kết; cuối cùng, như lời Đức thánh cha, sách này “được trao cho tất cả những ai thắc mắc về niềm hy vọng có nơi chúng ta (x.1Pr 3,15) và muốn biết Hội thánh Công giáo tin gì.” Nếu như cuốn sách này hướng đến những người thuộc các trình độ khác nhau, và sống ở các lục địa và các hoàn cảnh văn hoá khác nhau, thì hẳn nhiên là nó không thể chọn một ngôn ngữ môi giới đã hoàn thành nhưng còn phải bỏ ngỏ cho các ngôn ngữ môi giới sát với từng hoàn cảnh khác biệt nữa. Giả như nó muốn mang tính chất “đối thoại” với một hoàn cảnh đặc thù, ví dụ như giới trí thức Tây phương, và sử dụng ngôn ngữ của họ, thì nó sẽ trở thành xa lạ đối với các khu vực khác. Vì thế, điệu văn của nó cách nào đó phải vượt trên mọi bối cảnh văn hoá cụ thể và hướng đến con người xét như là con người, rồi để cho các Giáo hội địa phương tìm cách diễn đạt ra ngôn ngữ văn hóa riêng. Trên thực tế, Sách Giáo lý đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều vùng, nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau; điều này chứng tỏ rằng việc cố gắng giải thích vượt lên các trình độ và các nền văn hóa khác biệt đã đạt được kết quả lạ thường. Không nên đặt vấn đề: liệu có thể diễn tả điều chúng ta tin bằng một ngôn ngữ chung cho hết mọi người, và có thể soạn một cuốn sách theo hướng đó hay không. Chúng tôi nghĩ rằng có thể được, bởi vì nếu không như thế, thì còn gì là một Hội thánh, một đức tin, một nhân loại nữa.
Gác qua một bên những chuyện hình thức, bây giờ chúng ta phải nói gì về nội dung đạo lý của Sách Giáo lý? Đâu là tính thích thời của nó? Nếu muốn trả lời thoả đáng, chúng ta phải rảo qua hết mọi chương từ đầu đến cuối cuốn sách. Người ta sẽ khám phá thấy bao điều giá trị, và có thể nhìn thấy Sách Giáo lý đã được nhào nặn bởi những gợi hứng do Công đồng Vatican II, cũng như lối trình bày vắn tắt về những điểm thần học chuyên môn của nó gợi lên nhiều hướng đi mới cho công tác thần học. Một cuộc khảo sát các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như về đại kết, về mối tương quan giữa Israel và Giáo hội, về mối tương quan giữa đức tin và các tín ngưỡng khác, giữa niềm tin và sáng tạo, giữa biểu tượng và dấu hiệu… Không thể bàn hết tất cả những chuyện đó lúc này. Tôi xin giới hạn vào vài khía cạnh đã gợi lên nhiều tranh luận.
Việc sử dụng cứ liệu Kinh Thánh trong sách Giáo lý
Những phản đối khá mạnh mẽ nhắm vào việc sử dụng Kinh Thánh trong Sách Giáo lý: họ nói rằng nó chẳng đếm xỉa gì đến những thành tựu chú giải Kinh Thánh của cả một thế kỷ; chẳng hạn như thật là ngây thơ khi phác họa chân dung lịch sử Đức Giêsu mà lại trưng dẫn các đoạn văn Tin Mừng Gioan; như vậy là dựa theo một lòng tin theo nghĩa chữ đen của Kinh Thánh và rơi vào chủ nghĩa bảo căn (fundamentalist). Nhân tiện cũng nên trở lại vấn đề liên quan đến nhiệm vụ đặc thù của Sách Giáo lý: quyển sách này phải sử dụng phương pháp chú giải phê bình lịch sử như thế nào?
Đối với một tác phẩm phải trình bày đức tin – chứ không phải là những giả thuyết – và phải trở thành một “bản quy chiếu chắc chắn và chính thức cho việc giảng dạy đức tin công giáo” (như lời Đức thánh cha đã nói trong Tông hiến, mục 3), thì cần ghi nhận rằng những giả thuyết của khoa chú giải thay đổi mau lẹ, và có nhiều bất đồng giữa các học giả cận đại về nhiều vấn đề. Vì thế Sách Giáo lý đã dành một mục đặc biệt (các số 101 – 104), để suy nghĩ về việc sử dụng đúng đắn Kinh Thánh như là chứng tá của đức tin. Mục này được các nhà chú giải có uy tín đánh giá như là tổng hợp phương pháp luận thành đạt, bởi vì đề cập không những là bản chất lịch sử và còn bản chất thần học của khoa chú giải Kinh Thánh.
Chiều kích lịch sử
Nhân tiện, cần thiết phải trả lời câu hỏi: Sách Thánh đích thực là gì? Cái gì làm cho hợp tuyển những bản văn rời rạc, được thành hình trong thời gian khoảng một ngàn năm, trở thành một cuốn sách duy nhất, một Sách Thánh duy nhất, và cần được giải thích theo chiều hướng như vậy? Nếu xét kỹ câu hỏi này, chúng ta sẽ nhận ra nét đặc trưng riêng của niềm tin Kitô giáo và của quan niệm về mặc khải. Tiên vàn nét đặc thù của niềm tin Kitô giáo nằm ở chỗ nó quy chiếu vào những biến cố lịch sử, hoặc chính xác hơn là quy chiếu vào một lịch sử đồng bộ, thực sự đã diễn ra như là lịch sử. Theo nghĩa này, câu hỏi về sự kiện thực tế, về thực tại của biến cố là một chuyện cốt yếu, và do đó phải dựa vào phương pháp lịch sử. Thế nhưng những biến cố lịch sử chỉ mang ý nghĩa cho đức tin khi chắc chắn rằng chính Thiên Chúa đã hành động qua đó, và những biến cố ấy hàm chứa cái gì đó vượt quá một sự kiện thuần túy lịch sử, một cái gì đến từ bên ngoài và khoác cho sự kiện lịch sử một ý nghĩa cho hết mọi thời gian và hết mọi người. Yếu tố phi thường ấy không được tách lìa khỏi những sự kiện, chúng cũng không phải là yếu tố được thêm vào, nhưng nó thực sự hiện hữu ở trong các sự kiện tuy vẫn vượt quá sự kiện đơn thuần.
Tầm quan trọng của toàn bộ lịch sử Kinh Thánh nằm ở chỗ là yếu tố siêu việt được hàm chứa trong chính sự kiện. Cấu trúc đặc trưng của lịch sử Kinh Thánh được phản ánh trong những cuốn Sách Thánh: một mặt, những sách này diễn tả kinh nghiệm lịch sử của một dân tộc; nhưng bởi vì lịch sử ấy trong thực tế là một cái gì đó vượt trên mọi hành động và ước muốn của dân, nên trong những sách này, không chỉ có tiếng nói của dân mà thôi, nhưng còn là Thiên Chúa đã hành động trong dân và qua dân. Ý tưởng “tác giả” của Sách Thánh, yếu tố rất quan trọng trong cuộc nghiên cứu lịch sử, được hiểu qua ba cấp độ ăn khớp với nhau: thực vậy, tác giả cá nhân được hỗ trợ bởi dân nói chung. Điều này được thấy rõ ràng ở những lần thêm bớt và sửa đổi cho những cuốn sách. Về điểm này khoa phê bình các nguồn liệu (mặc dầu có những thái quá hoặc giả thuyết khó chấp nhận) đã mang lại nhiều khám phá quý báu. Cuối cùng, không chỉ là một tác giả cá nhân nói, mà các bản văn tăng trưởng trong một tiến trình tư duy, văn hóa, hiểu biết mới mẻ, vượt lên mỗi tác giả đơn độc. Nhưng chính trong tiến trình vươn lên liên tục, khiến cho các tác giả cá nhân trở thành tương đối, mà diễn ra một công cuộc siêu việt thẳm sâu: trong tiến trình của những cuộc vươn lên, thanh lọc, tăng trưởng mà Thần Khí linh hứng tác động: Người hướng dẫn các sự kiện và biến cố bằng lời, rồi Người lại đẩy mạnh các biến cố và các sự kiện đến lời.
Kinh Thánh xét như quy điển
Phàm ai suy nghĩ đến tiến trình biến đổi từ sách viết đến lời Kinh Thánh vừa phác thảo, thì hẳn nhiên sẽ thấy rằng việc chú giải Kinh Thánh, dù không đả động gì đến đức tin đi nữa, quả thật là phức tạp. Tuy nhiên ai sống trong niềm tin của dân và đặt mình ở trong tiến trình này, thì khi làm việc chú giải họ phải quan tâm đến cấp độ cuối cùng mà họ biết là đang tác động trong đó. Khi ấy mới có thể nói đến việc chú giải thần học, nó không gạt bỏ sự chú giải lịch sử nhưng mở rộng thêm một chiều kích mới. Dựa trên những tiền đề ấy, Sách Giáo lý đã mô tả hai chiều kích của việc giải thích Kinh Thánh đúng đắn, trong đó một bên là những phương pháp đặc trưng của khoa chú giải lịch sử; nhưng, nếu ta nhận rằng đây không chỉ là một cuốn sách mà là một cuốn Sách Thánh, thì phải thêm những dạng thức phương pháp luận khác nữa. Trong những số 109 và 110, được tham chiếu vào số 12 của Hiến chế Dei verbum, Sách Giáo lý vạch ra những yêu sách cơ bản của việc giải thích lịch sử: lưu tâm đến ý định của các tác giả, đến các điều kiện về thời đại và văn hoá của họ, đến cách cảm nghĩ, nói năng và tường thuật, thường được dùng vào thời đại của các tác giả (số 110). Nhưng cũng cần thêm những yếu tố của phương pháp luận bắt nguồn từ chỗ nhìn nhận rằng những cuốn Sách Thánh được kết tập thành một cuốn duy nhất và cuốn sách này làm nền tảng của đời sống của Dân Thiên Chúa thời Cựu Ước và Tân Ước: chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn thể Sách Thánh; đọc Thánh kinh trong truyền thống sống động của Giáo hội, và chú ý đến tính “tương hợp của đức tin” (analogia fidei: số 112-114). Tôi xin trích dẫn một đoạn văn tuyệt đẹp của thánh Tôma mà Sách Giáo lý đã sử dụng để nói về sự độc đáo trong tính duy nhất của Kinh Thánh: “Mặc dù gồm bởi nhiều cuốn sách khác nhau, Thánh kinh vẫn là một bởi vì chỉ có một kế hoạch của Thiên Chúa, mà Đức Kitô Giêsu là trung tâm và trái tim, được mở ra sau cuộc Phục sinh.‘Trái tim Đức Kitô’ ám chỉ Kinh Thánh, vì Kinh Thánh bộc lộ trái tim của Người. Trước cuộc khổ nạn, trái tim này còn đóng kín, bởi vì Kinh Thánh còn tối nghĩa. Nhưng sau cuộc khổ nạn, Kinh Thánh đã được mở ra, ngõ hầu những ai hiểu Kinh Thánh sẽ biết suy xét và hiểu biết rằng các lời tiên tri phải được giải thích như thế nào” (St Thomas Aquinas, Expos. in Ps 21, 11)" (số 112).
Bốn ý nghĩa của Kinh Thánh
Do bản chất phức tạp của thể loại văn chương “Kinh Thánh” ta có thể rút ra hệ luận là không thể nào ấn định ý nghĩa của mỗi bản văn bằng tìm hiểu ý định lịch sử của tác giả đầu tiên – cách riêng khi mà tác giả ấy chỉ có tính cách phỏng đoán. Trên thực tế, tất cả các bản văn đều ở trong một tiến trình chép đi chép lại liên tục, trong đó, ý nghĩa phong phú tiềm tàng của các bản văn mỗi lúc mỗi được biểu lộ đầy đủ hơn, và vì thế, không bản văn nào hoàn toàn thuộc về một tác giả lịch sử duy nhất. Xét vì chính bản văn mang đặc tính tiến triển, cho nên, ngay cả khi dựa trên thể loại văn chương, không được phép giới hạn bản văn vào một khoảnh khắc lịch sử cố định và cứ đóng khung ở đó; làm như vậy là bản văn đã bị dừng lại ở quá khứ, đang khi đó, đọc Kinh Thánh như là Kinh Thánh có nghĩa là hiện tại được tìm thấy ở trong lời lịch sử và mở ra một tương lai. Đạo lý về nhiều ý nghĩa Kinh Thánh đã được khai triển do các Giáo phụ và được hệ thống hóa vào thời Trung cổ, ngày nay được nhìn nhận là đúng theo tiêu chuẩn khoa học, khi dựa trên sự hình thành bản văn. Vì thế, Sách Giáo lý đã minh họa vắn tắt quan niệm cổ truyền về bốn ý nghĩa của Kinh Thánh – hay nói đúng hơn: bốn chiều kích ý nghĩa của bản văn. Đầu tiên là nghĩa văn chương (sensus litteralis), tức là ý nghĩa văn chương-lịch sử, mà nhà chú giải tìm cách tái diễn vào thời điểm bản văn được viết. Thứ đến là nghĩa “ám dụ” (sensus allegoricus), tiếc thay, hạn từ mang tính tiêu cực này đã cản trở chúng ta nắm bắt chính xác điều muốn nói: qua một từ ngữ xa xưa, người ta muốn diễn tả một hành trình đức tin được gắn vào bản văn cũng như vào toàn thể Kinh Thánh, và vượt qua thời gian ấy nó hướng dẫn mọi thời khởi đi từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Tiếp đến là chiều kích luân lý (sensus moralis) - Lời Thiên Chúa luôn đem lại sự hướng dẫn cho cuộc hành trình. Cuối cùng là chiều kích cánh chung, vươn lên tới chung thẩm, mà truyền thống gọi là “ý nghĩa thần bí” (sensus anagogicus).
Kinh Thánh, Thánh truyền và Giáo hội
Cái nhìn năng động về Kinh Thánh trong bối cảnh lịch sử tiếp diễn và sống động của Dân Thiên Chúa cũng dẫn đến sự thấu hiểu quan trọng hơn về bản chất của Kitô giáo. Sách Giáo lý, số 108, nói ngắn gọn rằng: “Đức tin Kitô giáo không phải là ‘đạo thờ Sách’”. Đây là lời khẳng định cực kỳ quan trọng. Đức tin không quy chiếu thuần túy vào một cuốn sách, được coi như là thẩm quyền duy nhất và tối thượng cho người tín hữu. Trọng tâm niềm tin Kitô giáo không phải là một cuốn sách, nhưng là một nhân vật - Đức Giêsu Kitô, chính Người là Lời hằng sống của Thiên Chúa và nói được rằng Người là Đấng được giới thiệu qua những lời của Kinh Thánh. Vì thế, những lời của Kinh Thánh chỉ có thể hiểu được một cách đúng đắn nhờ sống với Người, trong mối liên hệ sống động với Người. Và bởi vì Đức Kitô đã và đang xây dựng Giáo hội, là Dân Thiên Chúa, là một cơ thể sống động của Người, ‘thân thể của Người”, cho nên mối liên hệ với Người tự bản chất hướng tới việc tham gia vào dân lữ hành, là chính tác giả con người mà Kinh Thánh đã được trao phó làm gia tài như đã nói trên đây. Nếu Đức Kitô hằng sống là chuẩn mực chân chính và thích đáng cho việc giải thích Kinh Thánh, thì điều này có nghĩa rằng chúng ta hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh trong sự hiểu biết chung, hiểu biết trong niềm tin, trong lịch đại và đồng đại của toàn thể Giáo hội. Loại trừ ngữ cảnh sinh động này, Kinh Thánh chỉ còn là một bộ sưu tập văn chương hỗn tạp hơn kém, chứ không còn là biển chỉ đường cho cuộc hành trình đời sống của chúng ta. Kinh Thánh và Thánh Truyền không thể tách rời nhau. Thần học gia nổi tiếng của Tubingen, Johann Adam Möhler, đã minh hoạ cách tuyệt vời mối liên quan mật thiết ấy trong tác phẩm cổ điển: "Die Einheit in der Kirche" (Sự hiệp nhất trong Giáo hội) rất đáng khuyến khích phải đọc. Sách Giáo lý nhấn mạnh đến mối liên quan ấy, bao hàm cả quyền giải thích của Giáo hội, như Thư thứ hai của thánh Phêrô đã nói rõ: “Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1,20).
Thật đáng mừng bởi vì Sách Giáo lý, với cái nhìn như thế về việc giải thích Kinh Thánh, đã biết hòa hợp với những xu hướng uy tín của ngành chú giải gần đây. Phương pháp chú giải quy điển (canonical interpretation) nhấn mạnh đến sự duy nhất của Kinh Thánh như nguyên tắc để giải thích. Bên cạnh đó, lối giải thích đồng đại và lịch đại càng ngày càng được đón nhận như là ngang hàng với nhau. Sự liên quan thiết yếu của Kinh Thánh và Thánh Truyền đã được nhấn mạnh bởi các nhà chú giải nổi tiếng thuộc tất cả mọi giáo phái. Điều này cho thấy rõ ràng rằng môn chú giải tách khỏi đời sống của Giáo hội và tách khỏi các kinh nghiệm lịch sử của Giáo hội thì không thể vượt qua phạm trù của những giả thuyết, và sẽ bị xét lại bất cứ lúc nào do những lý thuyết mới đề ra. Vì thế, có đủ lý do để trả lời cho những lời phê bình rằng Sách Giáo lý đi theo một lối giải thích mộc mạc về Kinh Thánh; cũng như có đủ lý do để vui mừng không chút mặc cảm vì Sách Giáo lý đã đọc Kinh Thánh như là lời hiện tại và như vậy có thể để cho Kinh Thánh thâm nhập vào hết tất cả mọi phần như là một nguồn mạch sinh động.
Giáo lý về các Bí tích trong Sách Giáo lý
Bây giờ, cho phép tôi nói đôi lời về tính thích thời của đạo lý của phần thứ hai và thứ ba của Sách Giáo lý. Sự mới mẻ của phần thứ hai dành cho các bí tích, hoàn toàn đi theo Vatican II, có thể thấy ngay trong tiêu đề: “Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo”. Điều này có nghĩa rằng, một đàng các Bí tích đã được quan niệm trong bối cảnh lịch sử cứu độ, khởi đi từ Mầu nhiệm Vượt Qua - đời sống và công cuộc của Đức Kitô xoay quanh cuộc vượt qua - bằng việc làm cho Mầu nhiệm Vượt Qua trở thành hiện thực để cho chúng ta cũng được tham gia. Đàng khác, nó có nghĩa rằng các bí tích được giải thích khởi đi từ việc cử hành cụ thể. Về điểm này sách Giáo lý đã tiến thêm một bước quan trọng so với đạo lý cổ truyền của tân Kinh viện về các bí tích. Trước đó, thần học kinh viện Trung cổ đã tách biệt sự suy tư thần học về các bí tích ra khỏi việc cử hành phụng vụ, và bỏ qua khía cạnh cử hành để chỉ chú trọng vào các ý tưởng sự thiết lập, dấu chỉ, công hiệu, thừa tác viên và người lãnh nhận; như vậy, việc cử hành chỉ được nhắc đến khi bàn đến dấu chỉ. Mặt khác, dấu chỉ không được xem xét trong hình thái phụng vụ sống động và cụ thể, mà chỉ được phân tích dựa theo các phạm trù triết học về chất thể và mô thể. Như thế, phụng vụ và thần học càng bị tách rời hơn nữa. Tín lý không giải thích phụng vụ nhưng là những nội dung thần học trừu tượng, và như thế phụng vụ được coi như là một mớ các nghi lễ bao phủ điều thiết yếu - chất thể và mô thể - và do đó có thể thay đổi. Đối lại, “Phụng vụ học” (trong tầm mức được nhìn nhận như là khoa học) đã trở thành một lớp dạy các quy tắc phụng vụ hiện hành, và gần trở thành một loại thuyết pháp luật thực nghiệm. Phong trào phụng vụ của thập niên 20 (thế kỷ trước) đã cố gắng vượt qua sự tách biệt nguy hiểm này, và cố gắng nhận ra bản chất của các bí tích khởi đi từ hình thái phụng vụ; để quan niệm phụng vụ không chỉ như một tổng hợp các nghi thức nhưng như là sự bộc lộ của bí tích qua việc cử hành, được tiến triển từ trong nội tại của nó.
Giáo huấn Công đồng Vatican II về phụng vụ
Hiến chế Công đồng Vatican II về Phụng vụ đã làm nổi bật một tổng hợp tuyệt vời tuy vắn tắt, và dựa trên mối liên quan này, đã trao cho thần học và huấn giáo một trọng trách phải hiểu biết phụng vụ của Giáo hội và các bí tích một cách mới mẻ và sâu sắc hơn. Tiếc thay, cho đến nay, trọng trách này đã không được nhận thức đầy đủ. Khoa phụng vụ một lần nữa lại tách phụng vụ ra khỏi tín lý và biến phụng vụ thành một thứ kỹ thuật của việc cử hành. Đối lại, thần học tín lý đã không thâu nhận chiều kích phụng vụ một cách xác tín. Lòng hăng say cải cách phụng vụ vẫn tiếp tục xem phụng vụ như là một mớ các nghi thức mà ta có thể thay thế bằng những “sáng chế” khác. Dựa trên sự hiểu biết sâu xa về phụng vụ, Sách Giáo lý đã có những lời vàng ngọc như sau: “Vì thế, các thừa tác viên hay cộng đoàn không được tùy tiện sửa đổi hay thêm bớt nghi thức bí tích nào. Ngay cả quyền tối thượng trong Hội Thánh cũng không thể tùy tiện thay đổi Phụng Vụ, mà chỉ có thể thay đổi tuân theo đức tin và lòng tôn kính mầu nhiệm Phụng Vụ”(số 1125). Trong khảo luận về phụng vụ, giới thiệu và dẫn vào phần bí tích, Sách Giáo lý đã đi một bước dài, và đón nhận nhiều lời khen ngợi của các chuyên viên về phụng vụ có uy tín, chẳng hạn như học giả Balthasar Fischer.
Làm thế nào đạt được sự duy nhất trong sự đa dạng của các nghi điển
Không đi sâu vào chi tiết, tôi chỉ muốn trưng ra vài khía cạnh của đạo lý về các bí tích của Sách Giáo lý về các bí tích, nhằm cho thấy sự mới mẻ. Dự án muốn trình bày mỗi bí tích dựa trên hình thức cử hành phụng vụ, lúc đầu đã phải đối diện với sự khó khăn là phụng vụ của Giáo hội bao gồm nhiều nghi điển, vì thế không có một hình thức duy nhất cho toàn thể Giáo hội. Vấn đề không được đặt ra cho một cuốn Sách Giáo lý dành riêng cho Giáo hội Tây phương (Latinh) hay cho một Giáo hội đặc thù. Nhưng một cuốn Sách Giáo lý, như là Sách Giáo lý của chúng ta, muốn là “Công giáo” theo một ý nghĩa mạnh nhất, và do đó, sách này hướng tới Giáo hội duy nhất với sự đa dạng của các nghi điển chứ không dành ưu tiên cho một nghi điển nào. Phải làm thế nào đây? Trước hết sách Giáo lý đã trích dẫn một bản văn cổ nhất diễn tả một buổi cử hành Thánh lễ Kitô giáo, mà thánh Giustinô Tử Đạo đã phác hoạ trong cuốn Hộ giáo trình lên Hoàng đế ngoại giáo Antoninus Pius (138-161), khoảng năm 155. Từ bản văn truyền thống nền tảng này, có trước việc các nghi điển đặc thù, người ta có thể xác định cấu trúc căn bản của việc cử hành bí tích Thánh Thể chung cho tất cả mọi nghi điển, Thánh lễ của hết mọi thế kỷ. Nhờ vào bản văn này mà người ta hiểu biết hơn về từng nghi thức, khám phá cấu trúc chung của bí tích, trọng tâm Kitô giáo, cuối cùng trở về thời các Tông đồ và trở lên đến thời Chúa thiết lập. Giải pháp được tìm thấy ở đây cho thấy quan điểm toàn thể của Sách Giáo lý, không chỉ cho Giáo hội Tây phương, và không chỉ cho nghi điển Byzantine, điều mà các Giáo hội Đông phương lưu ý, nhưng phải rộng mở đến toàn thể truyền thống. Trong những khía cạnh quý báu của sách Giáo lý phải kể đến việc xen vào nhiều bản văn của các Giáo phụ và của các chứng nhân đức tin – nam và nữ - thuộc mọi thế kỷ. Lướt qua mục lục các danh tánh, ta thấy có nhiều chỗ dành cho các Giáo phụ Đông phương và Tây phương, cũng như dành chỗ cho tiếng nói của những phụ nữ thánh thiện, từ Jeanne d’Arc, Giuliana Norwich, Catarina Siena, đến Rosa Lima, Thérèse Lisieux, và Teresa Avila. Chỉ riêng kho tàng của những câu trích dẫn này đã đem lại cho Sách Giáo lý một giá trị riêng cho việc suy niệm cá nhân cũng như cho sứ vụ giảng thuyết.
Thánh linh học
Nét tiêu biểu trong thần học về phụng tự của Sách Giáo lý mà tôi muốn nêu bật chiều kích Thánh linh của phụng vụ, và chính Thánh linh học – đạo lý về Chúa Thánh Linh - là một chủ đề mà cần phải đọc xuyên suốt thì mới nhận ra khuôn mặt của nó. Đoạn văn nền tảng về Chúa Thánh Thần nằm phần tuyên xưng đức tin (các số 683-747). Cuốn sách nhấn mạnh trước hết đến sự nối kết sâu xa giữa Kitô học và Thánh Linh học, như đã được thấy, chẳng hạn như khi bàn đến danh xưng Đấng Mêsia - Đấng Kitô - Đấng được xức dầu; trong thực tế, việc “xức dầu” theo truyền thống các Giáo phụ có nghĩa là Đức Kitô được đầy tràn Thánh Thần, là Đấng “xức dầu” sống động. Tôi thấy tầm quan trọng và hữu ích đặc biệt của mục Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần (các số 694-701). Đoạn này cho thấy khía cạnh đặc thù của Sách Giáo lý: chú ý đến các hình ảnh và biểu tượng. Nó không chỉ suy tư dựa theo những khái niệm trừu tượng, nhưng còn nêu bật các biểu tượng. Các khái niệm và biểu tượng ấy cho chúng ta cái nhìn ẩn kín bên trong, cho thấy vũ trụ phản chiếu mầu nhiệm của Thiên Chúa, đồng thời mở ra mối tương quan với thế giới các tôn giáo. Với việc nhấn mạnh đến hình ảnh và biểu tượng lại đưa chúng ta trở về lãnh vực thần học phụng vụ, bởi vì cử hành phụng vụ thực chất là sống trong các biểu tượng.
Chủ đề về Chúa Thánh Thần sẽ trở lại một lần nữa trong giáo huấn về Giáo hội (các số 797-810) - ở đây, xét như là lối nhìn về Giáo hội theo chiều hướng Tam vị. Rồi chúng ta lại thấy chủ đề Thánh Linh được khai triển trong phần các bí tích (các số 1091-1112), ở đây cũng nằm trong việc nhìn phụng vụ trong chiều hướng Tam vị. Cái nhìn Thánh Linh của phụng vụ còn giúp cho chúng ta có được sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh – công trình của Chúa Thánh Thần. Trong năm phụng vụ, Giáo hội đi qua toàn bộ lịch sử cứu độ, và - đọc Kinh Thánh theo tinh thần dựa trên tác giả được linh hứng và Đấng linh hứng, Chúa Thánh Thần – Đấng là Hôm nay của lịch sử này. Cũng từ đó, từ nguồn cội của toàn bộ Kinh Thánh bởi một Thánh Linh – ta có thể hiểu được sự đồng nhất nội bộ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Đối với Sách Giáo lý, đây là một điều rất quan trọng để minh chứng cho sự nối tiếp sâu xa giữa phụng vụ Do Thái và Kitô giáo (số 1096). Xin mở dấu ngoặc, đề tài về liên quan giữa Giáo hội và dân Israel được trình bày xuyên suốt trong toàn thể tác phẩm, và không thể chỉ đánh giá dựa trên một đoạn văn. Việc đề cao Thánh Linh học trong Sách Giáo lý làm xích lại gần với các Giáo hội Đông phương mà ta không cần phải nêu bật ở đây.
Hội nhập văn hoá : phụng tự, văn hoá[1]
Sau cùng, Sách Giáo lý cũng dành một đoạn cho phụng tự và văn hoá. Thực ra, Sách Giáo lý chỉ bàn đến văn hóa khi có liên quan đến phụng tự. Và một cuộc gặp gỡ văn hóa chỉ có thể mang một ý nghĩa nào khác hơn là một lớp sơn bên ngoài nếu trong những hình thức nghi lễ của phụng tự Kitô giáo có chứa đựng một mối dây liên kết nội tại với những cách thức phụng tự và những mô hình văn hoá khác. Cho nên, Sách Giáo lý đã làm nổi bật chiều kích vũ hoàn của phụng vụ Kitô giáo, là điều thiết yếu cho việc chọn lựa và giải thích các biểu tượng của phụng vụ. Sách Giáo lý viết như sau: “ Các tôn giáo lớn đều cho thấy rõ các nghi lễ tôn giáo có một ý nghĩa vũ hoàn và biểu tượng. Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng, của cuộc tạo dựng mới trong Đức Kitô (số 1149). Tiếc thay, trong vài khu vực nào đó của Giáo hội, việc cải cách phụng vụ được quan niệm theo một cách thức duy lý - như là một hình thức đào tạo tôn giáo - và lại còn nghèo nàn về phương diện văn hoá, cả trong lãnh vực hình ảnh, âm nhạc cũng như về không gian và cách cử hành phụng vụ. Sự giải thích một chiều nhắm tới cộng đoàn, tập trung vào những nhu cầu của những người hiện diện, đã làm suy giảm chiều kích vũ hoàn của phụng vụ cùng với tính năng động và sâu sắc của nó. Chống lại những lệch lạc ấy, Sách Giáo lý đã cung cấp những công cụ cần thiết mà thế hệ mới đang đợi chờ.
Giáo huấn luân lý Kitô giáo trong Sách Giáo lý
Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào phần thứ ba của Sách Giáo lý, “Đời sống trong Đức Kitô”, bàn về luân lý Kitô giáo. Trong việc soạn thảo cuốn sách, chắc chắn đây là phần khó nhất, một đàng, vì sự khác biệt liên quan tới những nguyên tắc cấu trúc của luân lý Kitô giáo; đàng khác, vì có những vấn đề khó khăn trong các lãnh vực luân lý chính trị, luân lý xã hội và luân lý sinh học đang trong quá trình tiến triển không ngừng, rồi trong lãnh vực nhân học, bởi vì cuộc tranh luận về hôn nhân và gia đình, luân lý tính dục đang còn sôi nổi. Sách Giáo lý không có tham vọng trình bày một hình thức thần học luân lý duy nhất hoặc tuyệt nhất, bởi vì điều này không phải là nhiệm vụ của Sách Giáo lý. Sách Giáo lý vạch ra những đường hướng căn bản của nhân học và thần học làm những yếu tố cấu thành của hành động luân lý. Sách Giáo lý nhận thấy điểm khởi đầu trong việc trình bày phẩm giá của con người, một điểm vừa là giá trị cao quý vừa là động lực cho bổn phận luân lý của con người. Tiếp đến, nó cho thấy rằng khát vọng hạnh phúc là sự thúc đẩy bên trong và là dụng cụ để phân định hành vi luân lý. Xung năng ban sơ của con người, mà không ai có thể phủ nhận hay phản đối, là khát vọng hạnh phúc, sống mãn nguyện, hoàn thành. Đối với Sách Giáo lý, tiếp nối các Giáo phụ, đặc biệt với thánh Âu Tinh, luân lý là đạo lý về đời sống hạnh phúc - có thể nói đó là sự chỉ dẫn của những quy luật để đạt hạnh phúc. Cuốn sách này liên kết xu hướng bẩm sinh của con người với Bát Phúc của Đức Giêsu, Người vốn giải thoát khái niệm hạnh phúc khỏi tất cả những gì tầm thường, đưa đến khái niệm sâu sắc đích thực và do đó biểu lộ sự liên kết giữa sự tốt lành tuyệt đối, Đấng tốt lành - Thiên Chúa - và hạnh phúc.
Tiếp đó sách Giáo lý giải thích những thành tố của hành động luân lý - tự do, đối tượng và ý hướng hành động, những đam mê, lương tâm, các nhân đức, những lệch lạc là tội lỗi, đặc tính xã hội của con người, cuối cùng là liên hệ giữa lề luật và ân sủng. Thần học luân lý Kitô giáo không bao giờ đơn giản chỉ là luân lý của lề luật, nó cũng vượt phạm vi luân lý nhân đức: thần học là một luân lý có tính đối thoại, bởi vì hành động luân lý của con người tiến triển từ cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, do đó, nó không phải là một hành động độc lập và tự chủ, thuần túy về phía con người, nhưng là sự đáp lại quà tặng của tình yêu, và như vậy được thu hút vào sự năng động của tình yêu - của chính Thiên Chúa - Đấng khởi nguồn giải phóng đích thực con người và đem lại cho con người phẩm giá cao quý đích thực. Hành động luân lý không bao giờ là thành tựu tự thân của con người, nhưng cũng không phải là điều gì đó được ghép vào từ bên ngoài. Hành động luân lý đích thực hoàn toàn là một món quà, và dẫu sao cũng là hành động riêng của ta, bởi cái riêng tư chỉ được bộc lộ trong quà tặng của tình yêu, và đàng khác, quà tặng không tước mất quyền của con người nhưng đem con người trở lại với chính mình.
Theo tôi nghĩ, thật là quan trọng khi Sách Giáo lý đã đặt đạo lý về việc công chính hoá vào trọng tâm của luân lý, bởi vì như thế sẽ dễ hiểu hơn sự đan kết giữa ân sủng và tự do trở thành có thể hiểu được, khởi đi từ người khác để hiểu bản thân như là sống cho mình và cho người khác. Trong cuộc thảo luận giữa Công giáo và Tin lành liên quan đến việc công chính hoá, vấn đề luôn được nêu ra là giáo lý về sự công chính hoá có thể được lĩnh hội và mang ý nghĩa gì cho con người thời nay. Tôi tin rằng, Sách Giáo lý, với việc trình bày chủ đề trong khuôn khổ của vấn đề nhân sinh liên quan đến hành động đúng đắn của con người, đã làm một bước tiến lớn giúp cho sự lĩnh hội vừa nói. Để cho thấy khảo luận về việc công chính hóa đã được Sách Giáo lý đề cập với tinh thần như thế nào, tôi muốn trích ba đoạn được lấy đến truyền thống cao quý của các Giáo phụ và các thánh. Thánh Augustinô cho rằng, “Việc làm cho kẻ bất chính trở nên công chính là một công trình lớn lao hơn việc tạo dựng trời đất”, bởi vì,“trời đất sẽ qua đi nhưng ơn cứu độ và ơn nên công chính của các kẻ được tuyển chọn vẫn tồn tại” (x. n Joh. 72,3). Thánh nhân còn cho rằng “làm cho kẻ có tội được công chính thì lớn hơn công trình tạo dựng các thiên thần trong sự công chính, bởi vì biểu lộ rõ hơn lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa” (số 1944). Lời trích dẫn nữa của thánh Âu Tinh dưới hình thức của lời cầu nguyện với Thiên Chúa: “Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình rất tốt đẹp của Chúa… chính là để tiên báo cho lời sấm trong Sách Thánh rằng: sau khi hoàn tất công trình rất tốt đẹp của chúng con nhờ hồng ân Chúa ban, thì đến lượt chúng con, chúng con cũng hưởng ngày hưu lễ của cuộc sống trường sinh và nghỉ ngơi trong Chúa (Tự thuật 13,36.51)” (số 2002). Và sau đây cũng là đoạn tuyệt diệu của thánh Têrêxa Hài Đồng: “Vào lúc xế chiều của cuộc đời, con sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng; thực vậy, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc làm của con. Tất cả những sự công chính của con không thể không có tì vết trước mặt Chúa. Vì thế con muốn được khoác lấy sự Công chính của Chúa và nhận lấy sự chiếm hữu chính Chúa bởi Tình thương của Chúa (số 2011). Đoạn bàn về việc công chính hoá là một đóng góp quan trọng của Sách Giáo lý cho cuộc đại kết. Điều này cho thấy rằng không thể khám phá chiều kích đại kết của cuốn sách nếu chỉ giới hạn vào việc tìm kiếm những lời trích dẫn các văn kiện đại kết hoặc nếu chỉ tìm những từ quen thuộc ở trong bản mục lục đề tài; nhưng cần phải đọc nó cách toàn diện và như thế sẽ thấy rằng nó được soạn thảo trong tình thần tìm kiếm điều kết hợp các Giáo hội.
Đối thoại và giao ước
Sách Giáo lý đề cập đến nội dung của luân lý dựa trên Thập điều: Sách Giáo lý giải thích Thập điều - cũng giống như trong Kinh Thánh – theo cách đối thoại, nghĩa là trong bối cảnh của giao ước. Cùng với ông Origen, Sách Giáo lý nhấn mạnh rằng lời đầu tiên của Thập điều là tự do - sự tự do trở nên biến cố, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (số 2061). Do đó, hành động luân lý xuất hiện như là một “sự đáp trả sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa” (số 2062). Cùng với thánh Irenêô, Thập điều được giải thích như là một sự chuẩn bị cho tình bạn với Thiên Chúa và sự hòa thuận với tha nhân (số 2063). Mặt khác, nếu một đàng Thập điều được nhìn trong bối cảnh của giao ước và lịch sử cứu độ, như là một biến cố của lời hứa và sự đáp trả, thì đồng thời nó cũng được biểu lộ như một luân lý theo lý trí, như là lời nhắc nhở điều mà lý trí có thể lĩnh hội thực sự. Một lần nữa thánh Irênêô lại được trích dẫn:“Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã ghi sâu trong lòng con người các giới luật tự nhiên. Sau đó Người chỉ cần nhắc lại các điều luật ấy cho họ. Đó chính là Thập điều (Thánh Irênêô - Chống lạc giáo 4, 15, 1)” (số 2070). Đây là đặc điểm quan trọng trong luân lý của Sách Giáo lý: nó nhắm tới lý trí và khả năng lĩnh hội của nó. Luân lý được khai triển từ Thập điều là luân lý của lý trí, được duy trì nhờ sự nâng đỡ của lý trí mà Chúa ban cho ta, và đồng thời, Thiên Chúa dùng lời của Người mà nhắc nhở chúng ta về điều đã ghi sâu trong tâm khảm của tất cả chúng ta.
Kitô luận và luật tự nhiên
Có lẽ người ta ngạc nhiên vì vai trò khiêm tốn của Kitô luận trong phần luân lý của Sách Giáo lý. Trong các sách giáo trình tiền Công đồng, xu hướng chung là dựa trên luật tự nhiên. Phong trào canh tân trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đem thần học vào luân lý và đề nghị lấy nguyên tắc cấu trúc là đi theo Đức Kitô, hay thậm chí là tình yêu, như là bao hàm tất cả hành động luân lý. Hiến chế Công đồng về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) đã ủng hộ việc rời bỏ tư tưởng luật tự nhiên và nhấn mạnh đến việc lấy Kitô luận, đặc biệt là Mầu nhiệm Vượt Qua, làm trung tâm của nền luân lý Kitô giáo. Cuối cùng cần phải phát triển một nền luân lý dựa trên Kinh Thánh - đây là mệnh lệnh rút ra từ Công đồng, mặc dù Hiến chế vừa nói đã sử dụng rộng rãi luận cứ dựa trên lý trí khi bàn về các đề tài cụ thể, chứ không có ý định tự ràng buộc vào luân lý thuần túy dựa trên mặc khải – bởi vì Công đồng muốn đối thoại với thế giới hiện đại ngoài Kitô giáo về tất cả những giá trị thiết yếu phổ quát. Nếu như những phác thảo căn bản của Công đồng có thể được coi như hướng đến một luân lý dựa theo Kinh Thánh, quy Kitô, thì chẳng mấy chốc trong giai đoạn hậu Công đồng, tình hình bị đảo ngược. Kinh Thánh không thể nào truyền đạt một giáo huấn luân lý “phạm trù”[2]; các nội dung của luân lý luôn luôn cần phải dựa trên những môi giới của lý trí. Tầm quan trọng của Kinh Thánh nằm ở động cơ thúc đẩy, chứ không phải nội dung. Do đó, xét về phía nội dung, thì Kinh Thánh cũng như Kitô học biến khỏi thần học luân lý còn triệt để hơn trước đây. So với giai đoạn tiền Công đồng thì điểm khác biệt ở chỗ là ngày nay người ta bỏ luôn cả tư tưởng về luật tự nhiên và luật luân lý tự nhiên, mà trước đây vốn luôn luôn duy trì đức tin vào việc tạo dựng như là nền tảng cho thần học luân lý. Thay vào đó, người ta quay sang một thứ luân lý của sự tính toán, mà rốt cuộc chỉ lấy tiêu chuẩn là những hiệu quả mà hành động có thể gây ra, và vì thế người ta mở rộng nguyên tắc cân nhắc các sự thiện vào trong toàn bộ hành động luân lý. Trong hoàn cảnh khó khăn này, Thông điệp Veritatis Splendor đã đưa ra những giải thích căn bản về đặc trưng của giáo huấn luân lý Kitô giáo cũng như tương quan đúng đắn giữa đức tin và lý trí khi thiết lập các nguyên tắc luân lý. Sách Giáo lý – dù không chủ trương trình bày các hệ thống - đã chuẩn bị cho các quyết định ấy. Nguyên tắc Kitô-luận hiện diện ngay từ chủ yếu trên chủ đề hạnh phúc (Bát Phúc), cũng như trong chủ đề nhân học, lề luật và ân sủng, và kể cả ở Thập điều, theo nghĩa là khái niệm về Giao Ước chứa đựng sự biểu hiện cụ thể của Giao Ước ở nơi Lời nhập thể và sự giải thích mới mẻ của Người về Thập điều. Nhưng Sách Giáo lý không có ý định thảo ra một hệ thống khép kín. Khi tìm kiếm một nền luân lý được khởi hứng bởi Kitô luận thì cũng cần nhớ lại rằng Đức Kitô là Logos (Lời) nhập thể, và Người mong muốn đánh thức lý trí chúng ta đến với Người. Chức năng nguyên thuỷ của Thập điều – nhắc nhớ chúng ta chiều sâu căn bản của lý trí – đã không bị huỷ bỏ bởi sự gặp gỡ với Đức Kitô, mà chỉ được dẫn tới sự viên mãn. Một nền luân lý lắng nghe mặc khải thì cũng mong muốn thực sự hợp với lý trí, và bằng cách ấy nó đáp trả cuộc gặp gỡ Đức Kitô, là điều mà Giáo Ước mới trao tặng cho chúng ta.
Những ai tìm kiếm một hệ thống thần học mới trong Sách Giáo lý, hoặc những giả thuyết cực kỳ mới thì sẽ bị thất vọng. Sách Giáo lý không bận tâm đến chuyện ấy. Múc lấy từ Kinh Thánh và từ sự phong phú phức hợp của truyền thống đa dạng, cũng như được khơi gợi bởi Công đồng Vatican II, Sách Giáo lý cung cấp một cái nhìn có tính hệ thống về toàn bộ đức tin Công giáo, một đức tin tốt đẹp trong toàn thể - với một vẻ đẹp mà trong đó tỏa rạng vẻ huy hoàng của chân lý. Sự thích thời của Sách Giáo lý là sự thích thời của chân lý được phát biểu và suy nghĩ cách mới mẻ. Sự thích thời sẽ vẫn tồn tại bất chấp những lẩm bẩm chỉ trích./.
____________
[1] Trong tiếng Latinh và trong tiếng Ý, phụng tự và văn hóa đều cùng chung một gốc: cultus, cultura (Chú thích của người dịch).
[2] Phạm trù: “categoriale”, một từ ngữ dùng để đối lại với “transcendentale”, tương tự như sự đối nghịch giữa phổ quát và cá biệt.
https://tsthdm.blogspot.com/2019/02/vai-quan-iem-than-hoc-noi-bat-cua-sach.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét