Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Sự Sống Nhìn Từ Cái Chết

Sự Sống Nhìn Từ Cái Chết

Môn Học: Triết Học Con Người
Học viên: Lê Văn Luận, S.J
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J
Bài viết cảm nhận về phim Departures
Trong bộ phim Departures[1], chứng kiến cảnh chia ly nhiều cảm xúc giữa gia đình với người đã khuất nơi các đám tang, nhân vật Daigo thú nhận mình đã từng sống một cuộc đời tầm thường[2]. Thật vậy, kinh nghiệm về cái chết giúp người ta ý thức và trân trọng nhiều hơn sự sống của mình.
Chết là một thực tại mà bất kỳ người nào cũng đều trải qua. Nhiều người cho rằng chết là hết, điều ấy đúng trong nhiều trường hợp. Trước tiên là đối với chính người chết. Một trong những cảm xúc thường thấy của người hấp hối là hối tiếc. Hối tiếc vì mình đã không làm những điều đáng ra phải làm khi còn sống. Hối tiếc vì mình chưa sống thật với chính mình, vì sống quá vội vàng hay chưa quan tâm đủ đến gia đình và những người thân cận. Thật vậy, khi chết, người ta dừng mọi hoạt động – không nhìn, không nghe, không nói. Tới ngày chết, bạn không thể làm được những điều đơn giản nhất mà ngay bây giờ bạn có thể. Sự chết trước tiên dạy người ta sống hết mình với chính quà tặng sự sống mà mình đang có.
Cái chết không chỉ dạy bài học về quý trọng sự sống nhưng còn giúp để cụ thể hoá hướng sống của mỗi người. Chết không chỉ là hết. Chết là sống lại cách bất diệt nơi người khác và nơi cuộc đời. Thực vậy, hiện diện trước thi hài của người quá cố trong giờ phút linh thiêng, người ta nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của người đó. Khi đời sống thể lý mất đi hoàn toàn, đời sống tinh thần lên tiếng mạnh mẽ nhất. Tất cả những gì họ nói, họ làm – cuộc đời của họ – sống lại trong tâm hồn của những người sống. Người chết không mang được vật gì theo mình. Có lẽ chính những gì họ để lại sẽ làm người khác thấy rằng họ vẫn hiện diện. Tất nhiên những giá trị để lại không chỉ đơn thuần được đo bằng thước đo của vật chất nhưng còn chính bằng cách họ ôm ấp cuộc sống của mình. Một trong những điều hối tiếc nhất của người ra đi là họ đã không sống thật với chính mình, không sống đúng với vai trò của mình trong gia đình và xã hội[3]. Có thể bạn chỉ là một người phu quét đường, một bác nông dân, một người bán hàng rong. Tuy vậy, cách bạn sống cuộc sống của mình – hết lòng với cuộc sống và hết lòng với tha nhân – cũng là cách mà bạn sống trong lòng người khác khi mình chết đi.
Thêm một điều thú vị nữa là không ai chọn được ngày giờ chết cho mình. Người ta sinh ra trong định mệnh và cũng chết đi trong định mệnh. Nhiều người đã sợ hãi và cố giành giật mọi thứ khi còn sống vì thấy rằng mình không kiểm soát được cái chết. Ngược lại, có những người sống thanh thản cho đi vì biết rằng chết là chuyện bình thường mà ai cũng phải trải qua. Thêm nữa, cái cho đi là cái còn lại. Chuyến đi cuối cùng của một đời người cũng khó ngờ như việc trúng một tờ vé số. Chỉ có điều trong trò chơi may rủi của cái chết, phần thưởng thanh thản mà bạn nhận được không gom góp từ “tài sản” của những người cùng chơi, nhưng đó chính là tổng “số vốn” mà bạn tích luỹ trong cả cuộc đời – những quyết định và chọn lựa của bạn khi đứng trước hoàn cảnh sống riêng của đời mình.
Cái chết tiếp nối sự sống cách tự nhiên như một dòng chảy. Ví như người ta sống giữa đời trong sự xoay chuyển của thành công và thất bại, của vui mừng và thất vọng; sự sống của bạn cũng ẩn chứa cái chết và cái chết của bạn vẽ lại cuộc sống. Phải chăng ý nghĩa đời người chỉ nằm vỏn vẹn trong 100 năm sống, có điều gì đó tiếp nối cho bạn đằng sau cái chết hay không?
[1] Khởi Hành (Departures) (2008), Daigo Kobayashi (Masahiro Motoki), một nghệ sĩ chơi Cello vừa được nhận vào một dàn nhạc tại Tokyo. Daigo đã quyết định đầu tư cho tương lai và bỏ ra hơn 100 000 yên để mua một cây Cello khi được nhận vào dàn nhạc. Thật không may, buổi biểu diễn đầu tiên của anh với dàn nhạc cũng chính là buổi biểu diễn cuối cùng vì ngay sau buổi diễn đó, dàn nhạc đã bị giải thể. Và bây giờ thì anh mất việc. Daigo cùng vợ mình là Mika (Ryoko Hirosue) trở về quê nhà để bắt đầu một cuộc sống mới. Anh tìm thấy một công việc khá lý tưởng qua tờ báo địa phương – “Giúp cho những chuyến khởi hành”, không cần kinh nghiệm, không giới hạn tuổi tác. Anh quyết định đến công ty đó xin việc. Tuy nhiên, khi tới nơi, anh biết được rằng, công việc lý tưởng đó lại là khâm liệm cho người chết. Không còn lựa chọn nào khác, anh nhận việc và âm thầm làm việc. Nhưng rồi, những tin đồn anh làm công việc khâm liệm cho người chết cũng lan ra khắp thị trấn nhỏ và người vợ của anh bỏ về nhà mẹ đẻ vì anh không từ bỏ công việc này… Bộ phim không chỉ đơn thuần kể về công việc của những người làm nghề khâm liệm cho người chết mà còn truyền tải rất nhiều thông điệp về cuộc sống, tình cảm, và những mối quan hệ trong gia đình khiến cho người xem phải suy nghĩ.
(Trailer tại: http://www1.xemvtv.net/phim-khoi-hanh-14142.html accessed on 21/02/2019)
[2] Cảnh trong phim Departures.
[3] Susie Steiner,  The Guardian“Top five regrets of the dying”,1 February 2012. 3 August 2014.

https://sjjs.edu.vn/blog/2019/02/21/su-song-nhin-tu-cai-chet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét