Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Cả đời tôi, tôi chơi nhiều loại thể thao khác nhau, nhưng kinh nghiệm đầu tiên với bộ môn leo tường là năm 1996. Tôi vừa 30 tuổi. Như các linh mục trẻ khác, giám mục giao cho tôi làm việc trong ban tuyên úy với giới trẻ. Hai bạn cùng làm việc trong ban là cặp vợ chồng Anne và Denis. Một ngày nọ, anh Denis tập cho tôi leo vách đá. Chúng tôi đến Buis-les-Baronnies trên bức tường dựng đứng nổi tiếng. Anh bắt đầu leo. Bức vách có trang bị các đinh khuy cắm vào đá. Khi lên cao, Denis cuộn dây vào vòng đinh khuy nhờ lò xo. Trong trường hợp bị rơi thì anh sẽ được giữ lại ở móc cắm cuối. Khi lên đến đỉnh anh quấn dây ở móc cắm cuối và xuống dần dần. Và bây giờ đến lượt tôi leo. Denis bình thản ngồi dưới chân vách và khuyến khích tôi. Tôi bắt đầu leo. Mới đầu tôi leo rất hăng say nhưng không đến mười mét thì tôi mệt. Và nhất là tôi sợ khoảng trống dưới chân tôi. Càng lúc tôi càng khó leo lên. Tôi để ý đến mốc cắm sắp tới để níu, nó rất gần mà cũng rất xa. Tôi đưa tay níu, nó chỉ cách 2 xăng-ti-mét. Tôi tìm cách cắm nhiều lần nhưng không được. Tôi nhìn khoảng trống dưới chân, tôi bắt đầu hoảng. Đầu gối bên mặt của tôi bắt đầu đập đập vào vách một cách kỳ lạ, tôi không tài nào kiểm soát được. Tôi nhìn lên đỉnh và nghĩ mình chẳng bao giờ lên đó được. Tôi cố kiểm soát nhưng đầu gối tôi ngày càng run. Tôi cố gắng thêm một lần nữa, tôi với tay đến mốc nắm, tôi hụt tay và tôi… rơi xuống! Trong tíc tắc tôi nghĩ tôi chết bẹp dí như con gián ở hốc đá. Nhưng thay vào đó, tôi được níu lại nhờ sợi dây anh Denis nắm. Tôi quá ngạc nhiên, tôi chỉ té vài giây và nó nhẹ nhàng ngừng lại. Tôi thấy tôi ở lơ lửng trong khoảng trống không, ngồi yên trong vòng dây đệm, ngạc nhiên, thở phào. Các sợi dây leo vách có độ co giản giúp giảm nhẹ khi mình té. Tôi nhìn Denis ở dưới. Anh nói: “Alê hấp, tiếp tục!” Bây giờ được bảo đảm, tôi không còn sợ và leo lại. Đầu gối tôi không còn lập cập. Khoảng trống không còn làm tôi sợ. Tôi cảm thấy an toàn. Tôi không còn sợ khi buông tay xa hơn để níu lấy mốc và tôi lên tới đỉnh mà không bị té.
Dụ ngôn leo vách đá
Trong truyền thống Giáo hội, đời sống thiêng liêng thường được ví như cuộc leo núi. Núi là đỉnh cao để hiệp thông với Chúa. Ông Mosê nhận Bia Đá trên núi Sinai. Chúa đến với tiên tri Êlia qua ngọn gió thoảng trên núi Horeb và Chúa Giêsu thường lui về miền núi để cầu nguyện (Mt 6, 46) và Ngài biến hình trên núi Tabo trước mặt các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Vì thế tôi xin đưa ra dụ ngôn leo vách đá để so sánh với sự tăng trưởng của chúng ta trong đời sống thiêng liêng: đỉnh, hướng dẫn, dây và móc cắm.
Đỉnh
Tôi đã có dịp leo núi Trắng một lần. Trong các lần nghỉ lấy sức, tôi nhìn thung lũng xa dần khuất tầm mắt. Thung lũng vùng Chamonix với xe cộ và mọi sinh hoạt của nó. Đa số người dân tuy sống trong thung lũng này nhưng họ lại không leo lên các đỉnh núi của vùng. Phải có quyết tâm, phải tập luyện, phải chuẩn bị. Nhưng khi leo lên được đỉnh núi thì một cảm xúc không tả được! Ở trên cao mình thấy những gì người khác không thấy.
Tương tự như vậy, nhiều người không thấy lợi ích lớn dần trong đời sống thiêng liêng. Đa số gần như quên đích đến, họ chọn “đi xe-đi làm-đi ngủ” của đời sống ở thung lũng và không biết mình có thể leo lên các đỉnh phi thường trong đời sống thiêng liêng.
Họ không nhận ra đời sống dưới thế này không phải là cùng đích của mình, và điểm đến của chúng ta là ở nơi khác: “Vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. (1 Ga 2,17).
Và việc thăng tiến thiêng liêng kéo dài trọn cả đời. Không phải như việc leo lên đỉnh núi mà chúng ta tự hào đã một lần leo lên. Đây là một thăng tiến liên tục. Chúng ta phải có những lựa chọn trong đời sống và đặt các ưu tiên để tăng tiến không ngừng. Rất nhiều tín hữu không dứt khoát được, thỉnh thoảng họ tăng tiến một chút, sau đó thì họ ngủ yên hàng tháng dưới thung lũng. Họ đi trọn cuộc đời theo kiểu “yo-yo thiêng liêng!” Vậy mà Chúa Giêsu thì rõ ràng:
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).
Chúng ta không được hãi sợ với lời này nhưng nó giúp chúng ta quyết định đi theo Ngài. Như thế chúng ta tự hỏi, tất cả các chọn lựa trong đời sống của mình có thuận với đỉnh đặc biệt: đời sống vĩnh cửu của chúng ta không?
Người xưa
Để chuẩn bị cho việc leo vách đá nho nhỏ của chúng tôi, anh Denis đã nghiên cứu các sơ đồ-chỉ dẫn mô tả các con đường, các mức độ khó khăn. Leo càng cao thì phải theo kinh nghiệm của những người đi trước. Thật vô lý nếu leo ngọn núi Everest mà không chuẩn bị kỹ lưỡng, không đọc tài liệu của các nhà leo núi đã lên được đỉnh núi cao ngất này.
Cũng vậy, nếu chúng ta muốn lên được các đỉnh núi thiêng liêng thì chúng ta phải đọc đời sống các thánh. Một vài thánh như Thánh Gioan Thánh giá, chuyên gia ‘leo núi cao’ mô tả hành trình này trong tiến trình leo núi Camêlô. Thường xuyên đọc hạnh các thánh là một cách để tăng tiến thiêng liêng. Việc đọc hạnh các thánh không phải là một lựa chọn tùy hứng đơn thuần trong đời sống thiêng liêng, nhưng chúng ta phải ý thức việc đọc này là thiết yếu để chúng ta đạt được mục đích của mình.
Có một sự phá sản lớn của văn hóa đọc trong xã hội hiện nay. Nhiều bạn trẻ bỏ rất nhiều thì giờ trên máy tính, trên trò chơi video, xem phim đủ loại… Và khi các bạn trẻ đọc, thì họ chỉ đọc các “đoạn ngắt quãng” như đọc báo, đọc tạp chí. Trong khi từ hàng thế kỷ nay, đọc các sách cảm hóa luôn là một yếu tố để xây dựng đời sống thiêng liêng.
Tâm hồn càng muốn nâng cao thì nhất thiết phải được nuôi dưỡng bằng hạnh các thánh. Đương nhiên Thánh Kinh là quyển sách đầu tiên, nhưng chỉ một mình Thánh Kinh thì chưa đủ. Như trong âm nhạc, đọc Thánh Kinh là đọc bản dàn bè, nhưng đọc hạnh các thánh là bản dàn bè này đã được tiết tấu!
Hướng dẫn
Nếu kinh nghiệm lần đầu leo vách đá của tôi được dễ dàng là nhờ anh Denis đã chơi loại thể thao này khi anh còn nhỏ. Tôi hưởng được kinh nghiệm, hưởng được cách làm của anh.
Để đi trên con đường thiêng liêng, chúng ta phải tìm người hướng dẫn rành đường. Không phải chỉ là người đọc nhiều sách nhưng là người đã hành đạo! Những người tự cho mình không cần người hướng dẫn thì sẽ dậm chân tại chỗ.
Không phải dễ để tìm ra người tháp tùng mình, nhưng lại càng khó hơn để tuần phục họ. Phải quên mình, phải loại bỏ cái tôi mà chúng ta thì thích kiểm soát mọi sự. Con số lần gặp có thể thay đổi tùy theo thời gian, mới đầu thì thường xuyên, tối thiểu mỗi tháng một lần, sau đó thì thưa hơn nhưng phải giữ tiếp xúc liên tục.
Rất nhiều người cho biết, khi được tháp tùng thiêng liêng họ được tiến bộ đến như thế nào, nhưng lạ kỳ thay, ít người duy trì được sự theo dõi sau đó. Khi đi bác sĩ, nha sĩ, chúng ta không quên lấy hẹn cho lần hẹn kế, nhưng họ chờ khi gặp khó khăn mới liên lạc với người hướng dẫn mình. Và nếu người hướng dẫn thay đổi địa chỉ hay không liên lạc được thì họ không cố gắng tìm cách liên lạc lại. Nhưng nếu bác sĩ của họ thay đổi chỗ làm việc, họ sẽ đi tìm một bác sĩ khác thay thế. Chúng ta không hành động như vậy với đời sống thiêng liêng.
Như thế, chúng ta phải xem lại các ưu tiên và nhận thức của mình: có thể chúng ta không đặt cùng tầm quan trọng về sức khỏe tâm hồn như tầm quan trọng của thể xác chăng?
Sợi dây
Một yếu tố chủ yếu khác trong việc leo vách đá là chất lượng sợi dây, nó vừa phải rất chắc chắn vừa phải rất mềm, một loại dây đàn hồi để giảm nhẹ cho các vụ té. Cũng vậy trong giao tiếp của chúng ta với người hướng dẫn thiêng liêng. Sợi dây phải rất mạnh, cự được với tất cả các hình thức của e sợ, được củng cố bởi một lòng tin tưởng hoàn toàn. Không có gì được giấu họ.
Cùng một lúc sợi dây nối này cũng phải cực kỳ mềm dẻo. Ngày nay danh từ “giám đốc thiêng liêng” không còn được dùng, thay vào đó người ta thích dùng chữ “tháp tùng thiêng liêng” hơn. Trên thực tế, đây không phải là lệnh bắt chúng ta phải làm hay không phải làm điều này điều kia, nhưng đúng hơn là giúp chúng ta để chúng ta phân định, sau đó chính chúng ta là người quyết định.
Người hướng dẫn leo vách đá sẽ chọn cho chúng ta con đường tùy theo sức khỏe của chúng ta. Nếu chúng ta không phải là người mạnh, thì người hướng dẫn sẽ lựa con đường ở mức độ thấp chẳng hạn. Thánh Têrêxa Avila dạy, giai đoạn đầu tiên trong đời sống thiêng liêng là giai đoạn tự biết mình. Cần rất nhiều thời gian để tự biết mình, thêm nữa chúng ta tiến triển theo các giai đoạn trong đời sống của mình.
Thường chúng ta có khuynh hướng hiểu các điểm yếu của mình hơn là các khả năng của mình. Các điểm yếu đè nặng chúng ta. Và chúng ta thường đánh giá thấp các khả năng của mình.
Trong việc leo vách đá, người hướng dẫn dạy chúng ta phải bám vào các mốc nhỏ ở vách đá để dần dần leo lên cao. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, việc tháp tùng giúp chúng ta thấy các thử thách trong đời sống hàng ngày là dịp để chúng ta tăng trưởng. Các thử thách là một phần trong việc đào tạo đời sống thiêng liêng: Chúa nhìn chúng ta, Ngài thử chúng ta trong các chi tiết nhỏ này, cách thế nào để xử lý các bất ngờ, quan hệ của chúng ta với tiền bạc: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10).
Các móc cắm
Denis leo trước tôi, anh dùng các móc cắm ở vách đá để được an toàn khi leo và nhờ đó, tôi cũng được an toàn. Anh cũng nhờ những người đi trước đã mở đường.
Các móc cắm trong đời sống thiêng liêng là những móc cắm cần thiết để tăng trưởng: đọc Thánh Kinh hàng ngày, cầu nguyện riêng, đi xem lễ, xưng tội, quan tâm đến người khác… Cũng như sợi dây không được bỏ một móc cắm thì chúng ta cũng không được bỏ qua bất cứ một phương tiện thiêng liêng căn bản nào.
Rất nhiều người áp dụng lời khuyên này lời khuyên kia mà phớt lờ các lời khuyên khác, để rồi cuối cùng khi tuột xuống thì họ tuột xuống một dốc rất thấp.
Dần dần, người hướng dẫn sẽ dạy chúng ta đi ra khỏi các con đường đã vạch sẵn để mở ra con đường cho riêng mình. Mỗi cuộc sống đều khác nhau, mỗi tăng trưởng thiêng liêng là duy nhất. Mỗi cuộc sống đều đặc biệt, điều quan trọng cho người này không nhất thiết phải quan trọng với người khác. Chẳng hạn, tôi được thuyết phục, theo Đức Gioan-Phaolô II, rằng lần hạt đặc biệt thích hợp cho đời sống bận rộn nhiều stress của các bạn trẻ trong xã hội chúng ta. Đức Gioan-Phaolô II đã giải thích cho các bạn trẻ ở Ngày Thế giới Trẻ 8 tháng 3-2003 trong sứ điệp “Đây là Mẹ của anh” mà chúng ta có thể đọc tài liệu này trên Internet.
Nhưng trước khi cầu nguyện với tràng hạt, người trẻ phải khám phá các yếu tố khác của đời sống thiêng liêng như dự thánh lễ chúa nhật. Phải khám phá đâu là móc cắm chủ yếu cho đời sống hàng ngày, chấp nhận những gì chủ yếu đối với mình, không nhất thiết chủ yếu với người bên cạnh.
Một phương pháp rất tốt để nắm các móc cắm, đó là viết nhật ký thiêng liêng ghi lại những việc đánh động chúng ta, một bài giảng, một lời trong Thánh Kinh, một cuộc gặp gỡ. Đây không phải là viết nhật ký ghi lại những câu chuyện lòng nho nhỏ của mình, nhưng ghi lại những chuyện đánh động chúng ta trong đời sống thiêng liêng. Trong một sứ điệp nhân Mùa Vọng, bài giảng ngày 28 tháng 11-2009, Đức Bênêđictô XVI khuyến khích chúng ta viết loại nhật ký này:
“Có đúng là chúng ta đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để mua vui, để giải trí với đủ các loại giải trí không? Đôi khi các chuyện này “nhận chìm” chúng ta. Bao nhiêu lần Chúa đã cho chúng ta thấy dấu hiệu tình yêu của Ngài! Viết “nhật ký nội tâm” của tình yêu này sẽ là một bổn phận tốt đẹp và cứu rỗi cho đời sống chúng ta!”
Khi tôi ở trong giai đoạn khô héo, tôi đọc lại những gì tôi đã viết vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, nó làm cho tôi thêm can đảm tránh cho tôi khỏi bị xuống tinh thần quá!
Thánh Phaolô, vận động viên thể thao trong công việc truyền giáo đã viết:
“Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Co 9, 24).
Chương trình của Chúa là tất cả chúng ta phải được cứu rỗi và chúng ta phải lên tới đỉnh. Tất cả những ai lên đến đỉnh đều đã nếm niềm vui này: Tôi đã thực hiện được! Tôi đã đến! khi chúng ta lên đến đỉnh của đời sống mình, chúng ta sẽ hưởng một niềm vui còn lớn hơn, rất sâu đậm và vĩnh cửu!
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2019/01/28/%EF%BB%BFdu-ngon-leo-vach-da-hay-lam-sao-thang-tien-trong-doi-song-thieng-lieng/
http://phanxico.vn/2019/01/28/%EF%BB%BFdu-ngon-leo-vach-da-hay-lam-sao-thang-tien-trong-doi-song-thieng-lieng/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét