LOGOS O1 - ĐÀO TẠO KITÔ HỮU HIỆP THÔNG VỚI MỌI NGƯỜI
Đào tạo các Kitô hữu biết sống hiệp thông với mọi người có lẽ là một đề tài xa lạ với quan niệm cổ truyền về việc dạy giáo lý, nhưng thực ra đó lại là một chiều kích không thể thiếu. Qua nhiều thế hệ, việc dạy giáo lý được quan niệm như là hoạt động dạy cho tín hữu biết những điều phải “tin-giữ-xin-chịu”: tin vào Chúa, giữ các giới răn, cầu xin, chịu các bí tích. Ngày nay, việc dạy giáo lý được hiểu là công cuộc đào tạo những con người Kitô hữu sống mầu nhiệm hiệp thông: “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017, 39).
Dạy giáo lý là một hình thức đặc biệt của sứ vụ loan báo Tin Mừng; mà sứ vụ Phúc Âm hóa lại bắt nguồn từ sự hiệp thông và hướng đến sự hiệp thông: “Hiệp thông và sứ vụ là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói «hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông»” (Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, 24).
I. Tinh thần hiệp thông
Nói một cách chính xác, sự hiệp thông (communio) là sự kết hợp cá vị của từng Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa; sự kết hợp ấy khởi đầu với đức tin và bí tích Rửa tội, nhờ đó họ được trở nên chi thể trong Nhiệm Thể Hội Thánh và thông phần sự sống của Ba Ngôi, và sự kết hợp ấy đạt cao điểm nơi bí tích Thánh Thể.
Vì thế, ngoài sự hiệp thông với các Giáo Hội Kitô khác, sự hiệp thông với mọi người được bàn ở đây được hiểu theo nghĩa thông thường như là sự hợp nhất. Cũng như tất cả các sinh hoạt khác của Hội Thánh, việc dạy giáo lý không thể đi ra ngoài căn tính của Hội Thánh như là bí tích cứu độ, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện của sự hợp nhất của loài người với Thiên Chúa và của loài người với nhau (x. Hiến chế Ánh sáng muôn dân, 1). Sự hiệp thông với mọi người là hoa trái của sự hiệp thông với Ba Ngôi và hiệp thông trong Hội Thánh.
Bản Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017 số 56 đưa ra những chỉ dẫn liên quan đến việc kiến tạo hiệp thông với mọi người :
“Việc dạy giáo lý phải vượt ra khỏi khuôn khổ của một «lớp học», vươn ra các vấn đề xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng. Để thực hiện điều đó, Giáo lý viên giúp học viên giáo lý:
- Quan tâm nhiều hơn đến những chuyển biến của xã hội, biết đọc các dấu chỉ của thời đại để khám phá ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, lắng nghe lời mời gọi của Ngài trong các hoàn cảnh khác nhau;
- Có khả năng diễn tả niềm xác tín của mình khi học giáo lý, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chứng tá về một cuộc sống tốt đẹp, cả về thể lý lẫn tinh thần, nhờ sống theo các giá trị Tin Mừng;
- Có khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa ngay trong cuộc sống, bằng cách dấn thân xây dựng và bảo vệ môi trường, quan tâm đến người nghèo, đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần, đồng thời hợp tác với mọi thành phần trong xã hội phục vụ cho công ích và cho sự sống của con người”.
Nói một cách cụ thể, các tín hữu Công giáo cần kiến tạo sự hợp nhất với các Kitô hữu khác, với các tôn giáo và các nền văn hóa, với tất cả mọi người trong xã hội, bằng đối thoại, cầu nguyện, cộng tác, dấn thân phục vụ…
Để có được sự hiệp thông với mọi người, cần có tâm thế hiệp thông, với một số thái độ cơ bản nơi chủ thể.
1. Cái nhìn tích cực về nhau
Tinh thần hiệp thông khởi đầu bằng nhãn quan tích cực, thiện cảm và yêu thương.
Năm 1054 Chính Thống giáo đã tách rời khỏi Hội Thánh Công giáo Rôma và hai bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Phải chờ đến ngày 6-01-1964, ĐTC Phaolô VI mới có thể tạo ra bước ngoặt khi gặp gỡ và ôm hôn Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusalem. Người ta gọi đó là cái hôn lịch sử, vì từ cái hôn đó, vào ngày 7-12-1965, sát ngày bế mạc Công đồng Vaticano II, ĐTC Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras của Constantinopolis đã cùng một lúc xóa bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau.
Ngày 31-10-1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức. Cuộc Cải cách của Martin Luther mở đầu cho sự xuất hiện của Tin Lành. Ngày 31-10-2016, ĐTC Phanxicô đã đến thành phố Lund, Thụy Điển, để cùng với Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther. Liên hiệp này hiện qui tụ 145 Giáo Hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín hữu. Lễ tưởng niệm có chủ đề là “Từ xung khắc đến hiệp thông - Liên kết trong hy vọng” đã diễn ra tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund. Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu mà hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin Chúa tha thứ.
ĐGH Bênêđictô 16 phát biểu trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi, 27-10-2011:
“Chúng ta thấy tôn giáo như nguyên nhân gây ra bạo lực ngay cả khi bạo lực được những người bênh vực tôn giáo dùng để chống lại những người khác. Những người đại diện của các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ Assisi năm 1986 đã muốn nói lên – và chúng ta mạnh mẽ lặp lại điều này một cách quả quyết – rằng: đó không phải là thực chất của tôn giáo. Trái lại đó là sự ngụy tạo tôn giáo và nó góp phần tiêu diệt tôn giáo… Là Kitô hữu, tôi muốn đề cập đến sự việc này: phải, trong lịch sử, bạo lực đã được sử dụng nhân danh đức tin Kitô giáo. Chúng tôi thật hổ thẹn khi nhìn nhận điều đó. Nhưng rõ ràng rằng đức tin Kitô giáo đã bị lạm dụng, trái ngược hoàn toàn với bản chất thực sự của niềm tin này.”
Muốn kiến tạo hiệp thông, cần có cái nhìn tích cực: không những không lên án nhau, mà còn nhìn nhận những điều tốt điều đúng nơi người khác, đồng thời nhìn nhận lỗi lầm riêng của mình. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ xây dựng được sự hợp nhất.
2. Đối thoại
Đối thoại (dia-logue) là lời nói qua nói lại, lời của hai người nói với nhau, là lời từ trái tim đến trái tim, nhằm hiểu biết lẫn nhau xuyên qua lời nói và cùng nhau phục vụ hạnh phúc của con người.
“Đối thoại không phải chỉ là một chiến thuật để sống chung hoà bình giữa các dân tộc, nhưng đó là một phần thiết yếu trong sứ mạng Hội Thánh, vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương của Chúa Cha với nhân loại thông qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Hội Thánh chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình theo một cách giống như cách Thiên Chúa đã làm trong Đức Giêsu Kitô: Ngài trở thành con người, chia sẻ cuộc sống con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Sự đối thoại mà Hội Thánh đề xuất được xây dựng dựa trên nền tảng là lôgíc của sự Nhập Thể. Bởi đó, không phải vì điều gì khác hơn là do liên đới một cách nhiệt tình, vô vị lợi, mà Hội Thánh đã mở cuộc đối thoại với những con người Á châu đang tìm kiếm sự thật trong tình thương.” (Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, 29)
Để có thể đối thoại, cần đi ra khỏi mình và biết lắng nghe. Không thể đối thoại nếu không biết nghe. Đôi lúc ta như hai người điếc, không nghe hoặc nghe mà không hiểu mà vẫn cứ muốn nói, nên rốt cuộc là mỗi người nói một điều và không bao giờ gặp nhau như hai đường thẳng song song; hoặc cùng nói một điều nhưng lại cãi nhau.
Tin Lành và Công giáo xa cách nhau 500 năm vì mỗi người hiểu “công chính hóa” theo kiểu của mình. Nhưng từ sau Công đồng Vaticanô II, nhờ đối thoại, Giáo Hội Tin lành Luther và Công giáo đã ký kết Tuyên bố chung về học thuyết công chính hóa, vào ngày 31-10-1999 tại Augsbourg. Sau đó, ngày 17-6-2013, trước mặt Hội đồng Hiệp hội các Giáo Hội Luther thế giới (FLM) tại Thụy Sĩ, Ðức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, đã giới thiệu Bản Tuyên ngôn chung của hai Giáo Hội Luther và Công giáo: "Từ xung đột đến hiệp thông: kỷ niệm chung của Luther-Công giáo trong năm 2017".
3. Cùng nhau hành động vì thiện ích chung
Tinh thần hiệp thông thúc đẩy các Kitô hữu ra khỏi mình để dấn thân phục vụ tha nhân. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 27-3-2013, ĐTC Phanxicô mời gọi: “Theo Chúa Giêsu có nghĩa là học cách ra khỏi chính mình, để đi gặp tha nhân, nhất là những người bị lãng quên, những người đang cần được cảm thông hơn cả, cần an ủi, giúp đỡ. Theo Chúa Kitô, đòi ta phải «ra khỏi» chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi chỉ theo thói quen, ra khỏi cám dỗ co cụm trong những khuôn khổ của mình, và rốt cuộc khép kín chân trời hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa ra khỏi mình để đến ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta lòng từ bi của Thiên Chúa, thì bản thân chúng ta cũng phải trở nên giống Ngài như vậy.”
Sự phục vụ cũng phải phát xuất từ tinh thần hiệp thông, vượt trên mọi e dè nghi ngại vì khép kín co cụm. Tin Mừng là động lực của hợp tác để kiến tạo hòa bình và phát triển, chứ không thể là cớ để ngăn cách phe nhóm.
Tin Mừng Marcô kể: “Ông Gioan nói với Đức Giêsu: «Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta». Đức Giêsu bảo: «Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta».” (Mc 9, 38-40).
ĐTC Bênêđictô XVI nói trong Sứ điệp truyền giáo 2010: “Trong một xã hội đa chủng tộc ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức cô đơn và lãnh đạm, người Kitô hữu phải học biết trao ban những dấu hiệu của niềm hy vọng và trở thành anh chị em của mọi người, khi vun trồng các lý tưởng lớn nhằm biến đổi lịch sử, và, không chút ảo tưởng hay lo sợ viển vông, biết dấn thân làm cho hành tinh này trở thành ngôi nhà của mọi dân tộc… Tin Mừng là men của tự do và phát triển, là nguồn mạch của tình huynh đệ, sự khiêm nhường và hoà bình”.
II. Hiệp thông với mọi người
1. Hiệp thông với các Giáo Hội Kitô
Với Sắc lệnh về đại kết, Công đồng Vaticanô II cho thấy giữa Giáo Hội Công giáo và các Giáo Hội Kitô khác đã có sự hiệp thông theo nghĩa hẹp rồi, hiệp thông thực sự dù chưa trọn vẹn. Sự hiệp thông này đặt nền tảng trên lòng tin vào Đức Kitô và bí tích Rửa tội. Các cộng đoàn Kitô khác cũng được gọi là Giáo Hội hoặc cộng đoàn Giáo Hội, vì họ cũng chứa đựng nhiều yếu tố cấu thành Hội Thánh, tuy không đầy đủ.
Từ đó, Hội Thánh Công giáo không còn gọi các Giáo Hội Kitô khác là ly khai, nhưng là anh chị em. Từ nay tất cả các Giáo Hội, Công giáo cũng như các Giáo Hội Kitô khác, không được lên án nhau, mà cùng nhau tìm về hợp nhất như ước muốn của Đức Kitô. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là gương xấu rất lớn cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng. Công cuộc kiến tạo hợp nhất giữa các Giáo Hội được gọi là “đại kết”.
“Muốn cho công cuộc đại kết được trung thực và sinh kết quả, phía người Công giáo cần phải có một số thái độ căn bản: trước hết là bác ái, biểu lộ qua sự nhân hậu và lòng khao khát cộng tác mỗi khi có thể với tín hữu các Giáo Hội và các Cộng đồng khác; thứ đến là trung thành đối với Giáo Hội Công giáo của mình, dù vẫn không làm ngơ hay phủ nhận những khuyết điểm của một số thành phần trong Giáo Hội; ba là phải có óc phân định để biết đánh giá tất cả những gì là tốt đẹp và đáng khen. Sau cùng là chân thành ước ao được thanh tẩy và được đổi mới.” (Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, 30)
Công cuộc đại kết có thể được thực hiện trên nhiều bình diện:
- Đại kết về tinh thần: tha thứ cho nhau, sống thánh thiện, cầu nguyện;
- Đại kết về thần học: nghiên cứu đạo lý, tìm ra những tương đồng và dị biệt, điều chính điều phụ, nội dung cốt lõi và cách diễn tả;
- Đại kết trong hành động: cộng tác với nhau trong các công tác bác ái nhằm phục vụ nhân loại.
Trong thực tế tại Việt Nam, ngoài các tín hữu Công giáo, dường như chỉ có anh chị em Tin Lành là Kitô hữu, với khoảng 400.000 vào năm 1999 và tăng lên 1.200.000 vào năm 2005.
Trước năm 1975, một số chuyên viên Kinh Thánh của Công giáo và Tin Lành đã làm việc chung với nhau để dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Việt.
Các tín hữu Công giáo có thể học hỏi nơi anh chị em Tin Lành lòng hăng say học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa, nhiệt thành loan báo Chúa Giêsu bằng nhiều cách.
Phê bình nói xấu hoặc cạnh tranh là cám dỗ cho các Kitô hữu từ hai Giáo Hội. Cần đi theo hướng dẫn của Hội Thánh để nhìn nhận giá trị tích cực của nhau, hướng tới một cuộc đối thoại để cùng làm chứng cho Tin Mừng chứ không tìm củng cố vị thế của mình.
Trong hoạt động dạy giáo lý, cần củng cố đức tin cho học viên. Có những vấn nạn động chạm đến những điều cốt yếu của đức tin Công giáo. Có thể các học viên đã nhiều lần đối diện với những câu hỏi ấy, nên cần được hướng dẫn để có thể “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3,15-16).
2. Đối thoại với các tôn giáo
Sự hiệp thông với các tôn giáo được hiểu như là tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác.
Tuyên ngôn Vào thời đại chúng ta (28-10-1965) của Công đồng Vaticanô II và tông huấn Giáo Hội tại châu Á số 31 (6-11-1999) của ĐTC Gioan-Phaolô II đã chỉ ra các nguyên tắc cho việc đối thoại với các với các tôn giáo.
Đối thoại liên tôn giáo không phải chỉ là một cách để giúp các bên hiểu biết nhau và làm giàu cho nhau, mà còn là một phần trong chính sứ mạng Phúc Âm hoá.
Hội Thánh nhìn nhận bất cứ điều gì chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo, tuy nhiên không phải vì thế mà Hội Thánh quên đi sứ mạng của mình là minh nhiên tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là "đường đi, sự thật và sự sống".
Trong quá trình đối thoại, "không được bỏ qua những nguyên tắc hay theo chủ nghĩa thỏa hiệp giả tạo, trái lại, cả hai bên đều phải đưa ra và tiếp nhận được những bằng chứng giúp nhau tiến tới trên con đường tìm tòi và sống kinh nghiệm tôn giáo, cũng như loại trừ những thành kiến, thái độ bất khoan nhượng và những ngộ nhận về nhau. Chỉ những ai có đức tin Kitô giáo trưởng thành và sâu sắc mới đủ tư cách tham gia việc đối thoại liên tôn chính hiệu.” (Giáo Hội tại châu Á, 31).
Cuộc đối thoại cần được thực hiện bằng cuộc sống và bằng tình yêu, với con tim dịu dàng khiêm tốn, cởi mở, có thiện chí lắng nghe nhau, tôn trọng và cảm thông với người khác trong sự dị biệt của họ.
Đó là điều kiện cơ bản để từ đó có thể gặp gỡ, cộng tác, hòa hợp và làm giàu cho nhau, qua những hoạt động cụ thể như trao đổi mang tính hàn lâm giữa các chuyên gia về các truyền thống tôn giáo, cùng nhau hoạt động cho sự phát triển con người toàn diện, bảo vệ các giá trị nhân bản và tôn giáo.
Cuộc gặp gỡ giữa Hội Thánh Công giáo và đại biểu các tôn giáo khác trên thế giới tại Assisi ngày 27-10-1986 cho thấy mọi người có tôn giáo không cần phải từ bỏ truyền thống của mình, vẫn có thể tham gia cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình và thiện ích của nhân loại.
Tại Việt Nam, có tín đồ của Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, Ba Ha’i, Balamon… Trong lịch sử, sự căng thẳng giữa một số Kitô hữu Công giáo và tín đồ Phật giáo không phải là không có, và đôi khi phát xuất từ nhiều động cơ.
Cuộc đối thoại liên tôn mới chỉ được thực hiện ở tầm mức cá nhân hay tập thể nhỏ, qua một vài cuộc gặp gỡ, mừng lễ, giao lưu hữu nghị hoặc hợp tác trong hoạt động từ thiện. Tại Học viện Mục vụ của TGP Sài Gòn, đã có các khóa học về mục vụ đối thoại liên tôn để học hỏi về các tôn giáo, giáo huấn của Hội Thánh về đối thoại liên tôn và kỹ năng thực hành đối thoại liên tôn.
Khá nhiều tín hữu Công giáo còn e dè trong việc gặp gỡ và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo, thậm chí không ít người vẫn còn giữ cái nhìn tiêu cực hoặc kết án các tôn giáo khác. Hơn ai hết, Giáo lý viên cần học hỏi giáo huấn của Hội Thánh để sống tinh thần hiệp thông và gieo rắc tinh thần hiệp thông ấy cho các thế hệ Kitô hữu trẻ.
“Chúng ta, những người Phật tử và Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một thế giới thường quá bị xâu xé bởi sự áp bức, thói ích kỷ, chế độ bộ tộc, những đối lập sắc tộc, trào lưu thủ cựu tôn giáo và bạo lực; một thế giới trong đó ‘tha nhân’ bị coi và đối xử như là một hữu thể hạ đẳng không phải là người hay như một ai đó phải sợ hãi và, nếu có thể, phải loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi, trong tinh thần hợp tác với tất cả các người hành hương thiện chí, tôn trọng và bảo vệ nhân tính của chúng ta trong sự đa dạng xã hội-kinh tế, chính trị và tôn giáo. Bén rễ trong những xác tín tôn giáo khác nhau, chúng ta được mời gọi công khai tố giác mọi sự xấu xa trong xã hội vốn làm hại đến tình huynh đệ; chữa lành người khác khỏi những gì ngăn cản họ lớn lên trong sự quảng đại vô vị lợi, trở nên những người hòa giải phá đổ các bức tường chia rẽ trong xã hội, và thăng tiến một tình huynh đệ đích thực giữa các cá nhân và các nhóm người.” (Thư chúc mừng của Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, dịp lễ Vesakh 2014).
3. Đối thoại với mọi người trong xã hội
Theo thống kê 2005, Việt Nam có khoảng 81% dân số được ghi là những người không theo tôn giáo nào. Trong thực tế, đại đa số sống theo tín ngưỡng dân gian, như niềm tin vào Ông Trời, tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, đời sống tâm linh và nhân sinh quan mang đậm dấu ấn của Tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo). Tín ngưỡng dân gian này ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người dân Việt và trở thành một nền văn hóa tâm linh, nên ngay cả nhiều người tự nhận là vô thần (không theo tôn giáo nào) cũng sống theo nhân sinh quan của tín ngưỡng dân gian này.
Cần phải “tập trung chú ý tới hoạt động vừa nhiều vừa đa dạng của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết lý của họ. Nói thế có nghĩa là những tôn giáo, văn hóa và triết lý ấy có thể giúp con người, cá nhân lẫn tập thể, chống lại sự dữ và phục vụ sự sống cũng như tất cả những gì tốt đẹp. Lực lượng tử thần luôn luôn tìm cách cô lập con người, xã hội và các cộng đồng tôn giáo với nhau, gieo rắc nghi ngờ và cạnh tranh, đưa người ta tới chỗ xung đột với nhau. Ngược lại, Thánh Thần luôn nâng đỡ con người đi tìm sự hiểu biết và đón nhận nhau. Thế nên, Thượng Hội Đồng đã có lý khi xem Thánh Thần Thiên Chúa là tác nhân chính yếu của việc đối thoại giữa Hội Thánh với mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo.” (Giáo Hội tại châu Á, 15).
Để đối thoại với mọi người trong cộng đồng dân tộc, các tín hữu Công giáo Việt Nam cần nhìn nhận và sống những giá trị tích cực trong văn hóa của dân tộc mình. “Người Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, luôn đề cao các giá trị tinh thần và đạo đức như uống nước nhớ nguồn, thờ cha kính mẹ, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôn sư trọng đạo, trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân thành, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đoàn kết hào hùng chống ngoại xâm.” (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017, 10)
Hiện nay trong đời sống xã hội, ở một số các lễ hội dân gian và nhiều phong trào vẫn tin vào phong thủy, ngoại cảm, đang tạo nên một loại văn hóa tâm linh, thậm chí các tôn giáo đúng nghĩa nhiều khi cũng bị giản lược thành văn hóa tâm linh. Điều xem ra nghịch lý là trong một thế giới khoa học kỹ thuật, tuyên xưng vô thần, nhiều người lại tin vào một quyền lực huyền bí nào đó, vu vơ, mơ hồ, với mong ước được thuận lợi trong đời sống hằng ngày, nhất là về vật chất. Hiện tượng mê tín dị đoan cũng phát xuất từ đó.
Nhiều tín hữu Công giáo cũng chịu sự tác động của văn hóa thời đại này. Không ít Kitô hữu cũng đi nước đôi trong đời sống tôn giáo: một đàng vẫn thực hành những việc đạo đức, nhưng đồng thời lại làm những việc mê tín dị đoan không phù hợp với đức tin Công giáo.
Để có thể đối thoại với mọi người trong xã hội, việc dạy giáo lý phải giúp cho tín hữu Công giáo hiểu niềm tin của mình, xác tín về tính đặc thù của đức tin Công giáo, chứ không phải theo quan niệm đánh đồng “đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành” và cầu xin thần thánh trợ giúp.
Ngoài ra, đạo hiếu là một nhịp cầu hết sức cần thiết và hữu hiệu liên kết các Kitô hữu và mọi người dân Việt. Từ ngày lập quốc đến nay, đạo hiếu đã luôn là rường cột trong nền luân lý của dân tộc Việt Nam. Tinh thần hiếu thảo được thể hiện không những đối với cha mẹ là Hạ Phụ, mà còn đối với Thiên Chúa là Thượng Phụ, với Quân Vương là Trung Phụ.
Việc dạy giáo lý cần cổ võ đặc biệt lòng tôn kính tổ tiên. Trong hàng trăm năm, người Công giáo bị hiểu lầm là theo văn hóa ngoại lai nên từ bỏ ông bà cha mẹ, đặc biệt trong việc cúng giỗ. “Những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, chưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thư của Bộ Truyền Giáo về việc tôn kính Tổ Tiên, ngày 20-10-1964).
Trong đời sống gia đình, lòng tôn kính tổ tiên và hiếu thảo cũng chính là chứng từ có tính thuyết phục góp phần rất lớn vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Trong các khóa giáo lý hôn nhân, cần giúp các bạn trẻ kết hôn với người bên lương (không được rửa tội hoặc có rửa tội) lưu tâm tới tầm quan trọng của điều này.
Cũng thế, các khóa giáo lý cần giúp cho người Công giáo sau khi kết hôn về sống giữa gia đình bên lương, phải trở thành một Kitô hữu thật tốt để làm tỏa sáng vẻ hấp dẫn của đức tin Công giáo. Một bạn trẻ Công giáo kết hôn với người bên lương càng cần xác tín và sống đức tin của mình gấp nhiều lần hơn bình thường.
Việc đối thoại với mọi người trong xã hội cũng đòi các Kitô hữu mở rộng trái tim và đôi tay để hợp tác với mọi người thiện chí trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hiện nay hiện tượng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội là rất đáng lo ngại. Bất công, gian dối, bạo lực, tàn ác, ngày càng lan rộng và trầm trọng. Môi trường sống bị hủy hoại, người nghèo bị bỏ rơi, người yếu thế bị áp bức và loại trừ…
Trước thực trạng đó, phải cấp bách đưa học thuyết xã hội của Giáo Hội vào chương trình giáo lý, nhất là cho người trưởng thành. Giáo lý không còn chỉ là dạy “giữ-tin-xin-chịu”, nhưng còn là dạy “làm”, hành động để thăng tiến phẩm giá con người cách toàn diện. Kế hoạch của loan báo Tin Mừng là Phúc Âm hóa con người toàn diện, gồm cả hồn lẫn xác, cả cá nhân và xã hội, cả con người và vũ trụ vật chất.
Để kết
Trong sứ điệp gửi Đại hội giáo lý quốc tế tại Buenos Aires (từ 11 đến 14-7-2017), ĐTC Phanxicô khích lệ các Giáo lý viên chu toàn sứ mệnh phục vụ Hội Thánh bằng cách sống mật thiết với Chúa Giêsu và dùng mọi phương thế để loan báo Ngài, trước hết bằng chứng tá cuộc sống.
Mở đầu sứ điệp, ĐTC trích câu của thánh Phanxicô Assisi trả lời các tu sĩ xin thánh nhân dạy cho các vị biết giảng dạy: “Hỡi anh em, khi chúng ta thăm viếng các người đau yếu, giúp đỡ trẻ em và cho người nghèo ăn là chúng ta đã giảng dạy rồi”. ĐTC nói: “Câu trả lời hay, đẹp này tóm gọn ơn gọi và nhiệm vụ của Giáo lý viên. Giáo lý viên không phải là một công việc hay một nhiệm vụ bên ngoài con người của mình, nhưng là một ơn gọi phục vụ Hội Thánh, đã nhận được từ Chúa và phải thông truyền trong suốt cuộc đời. Giáo lý viên phải luôn luôn quy hướng về lời loan báo ban đầu tiên là ơn thay đổi cuộc sống. Việc loan báo này phải đi kèm đức tin đã hiện diện trong tâm tình tôn giáo của dân tộc chúng ta. Cần phát triển tiềm năng lòng đạo đức và tình yêu thương nằm trong tâm tình tôn giáo bình dân để thông truyền các nội dung đức tin và tạo ra một trường đào tạo giúp vun trồng ơn đã nhận lãnh.
Để được như thế, Giáo lý viên phải là người bước đi từ Chúa Kitô và với Chúa Kitô, chứ không phải khởi hành từ các tư tưởng và sở thích của riêng mình. Càng biết lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm, Giáo lý viên càng ra khỏi chính mình và gần gũi tha nhân, theo gương Chúa Giêsu sống thân tình với Thiên Chúa Cha rồi gặp gỡ các người đói khát, chữa lành họ và cứu vớt họ.”
Khi được hỏi về nét đặc thù giữa ba vị Giáo hoàng vĩ đại gần đây, ĐHY Blase Joseph Cupich, tổng giám mục Chicago, nói: ĐTC Gioan-Phaolô II dạy cho chúng ta biết ta phải làm gì (What we should do?), ĐTC Bênêđictô XVI dạy cho ta biết tại sao ta phải làm điều đó (Why we should do ?), còn ĐTC Phanxicô bảo ta làm đi (Do!), và ngài đã làm trước.
Dạy giáo lý cần phải là tổng hợp của cả ba điều đó.
Tác giả: Gm. Giuse Nguyễn Năng
http://www.giaolyductin.net/logos-o.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét