Trang

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Mầu nhiệm thinh lặng của Đức Maria

Mầu nhiệm thinh lặng của Đức Maria

Chúng ta đang sống trong thời đại con người luôn luôn đào sâu lý lẽ để tự đề cao mình. Tư tưởng hoài nghi trở thành một chủ nghĩa mang tính hiển nhiên và phổ cập. Con người bỏ rơi những giá trị đạo đức cổ truyền để sống tự do theo tư duy chủ quan của mình. Từ đó con người mất ý thức tội lỗi, và đáng tiếc, mất nhận thức về đời sống tâm linh. Nhưng con người không phải chỉ là một tổng hợp vật chất ngẫu nhiên hiện hữu. Con người có phần Thần Khí thuộc về Thiên Chúa vì con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Do đó con người có khả năng xếp đặt những hỗn loạn trở lại trật tự. Muốn thế con người phải dựa vào một sự thật tuyệt đối làm nền tảng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Plaolô II nói, “Chúng ta không đi theo khuynh hướng tự do, cũng không theo khuynh hướng bảo thủ, chúng chỉ đi theo sự thật” (Redemptor Hominis). Nhưng tìm sự thật ở đâu, sự thật đã biểu lộ ra cho nhân loại qua biến cố “Truyền Tin” cho Đức Maria.
Câu nói của Đức Maria, “Tôi là phận nữ tỳ, xin theo Thánh Ý Chúa”(1), là chìa khóa mở ra một sự thật cho nhân loại, đồng thời chính Đức Maria là chìa khóa mở cửa thiên đường. Thiên Chúa là sự thật tối thượng, nhưng con người không thể đến với Thiên Chúa nếu Đức Maria không trước hết chấp nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa. Qua Đức Maria, Ngôi Lời từ trời xuống thế, để nhờ đó người trần thế có thể lên trời (2).  Ngôi Lời khẳng định rằng, “Ta là sự thật và là sự sống”. Vì vậy Đức Maria đã khai mạch nguồn suối nuôi dưỡng sự sống cho nhân loại. Chúng ta dù cố gắng đến đâu cũng không thể suy niệm trọn vẹn sự sống huyền nhiệm vô tận này.

Sấm Ngôn và Ý Chí Tự Do của Đức Maria

Trước hết chúng ta nên biết rõ vị thế của Đức Maria trong lịch sử. Từ thời sáng thế, Thiên Chúa đã tiền định sẽ có một người nữ sinh ra Đấng Cứu Độ. Khoảng 750 năm trước khi Đức Maria sinh ra, ngôn sứ Isaia nói đến “Một trinh nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai mang tên Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is7:13-14; 9:5). Khoảng năm 700 BC, ngôn sứ Mica nói rõ, Đấng Em-ma-nu-en sẽ sinh ra ở làng Bethlehem xứ Judah (Mc 5:1-2). Tất cả mọi việc đều xảy ra đúng như lời tiên báo. Sự kiện này đã khiến nhiều người thấy rằng Đức Maria chỉ là một nhân vật do định mệnh xếp đặt. Họ lầm lạc xóa bỏ công đức của Đức Maria.
Tuy nhiên không ai biết khi nào lời tiên báo sẽ ứng nghiệm và người thiếu nữ đó là ai. Chính Đức Maria, chỉ sau khi thiên thần Gabriel truyền tin, mới biết mình được chọn. Sự việc xảy ra không mang tính vương giả hay thơ mộng như người ta tưởng. Một thiếu nữ chưa chồng mà có thai là điều không thể chấp nhận trong nền văn hóa thời đó. Cô sẽ bị hình phạt ném đá cho đến chết. Tuy nhiên Đức Maria vẫn chấp nhận mọi điều và tuyệt đối giữ thinh lặng trong đức tin và lòng khiêm nhường. Đức Maria giữ thinh lặng ngay cả với vị hôn phu là Đức Giuse. Nếu thiên thần không giải thích cho Đức Giuse biết thì sự đổ vỡ hôn nhân đã xảy ra (Mt 1:18-25).
Chúng ta hiểu được thái độ im lặng của Đức Maria, bởi vì nếu có giải thích cũng không ai tin nổi. Hơn nữa Đức Maria tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, nên người chấp nhận tất cả những gì có thể xảy ra. Điểm quan trọng ở đây là Đức Maria đã lãnh nhận lời Chúa theo ý chí tự do của mình. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi suy ngẫm bối cảnh xảy ra. Khi đó Đức Maria đang cầu nguyện, thiên thần Gabriel hiện ra không phải để ra lệnh, nhưng để trình bày ý định của Thiên Chúa rồi hỏi ý Đức Maria (Lc 1:26-38). Với lời giải thích từ tốn của thiên thần, chứng tỏ Thiên Chúa tôn trọng Đức Maria là một nhân vị tự do. Thiên Chúa cần sự hợp tác của Đức Maria, nhưng đồng ý hay không là quyền tự do của Đức Maria. Nếu không có tự do thì sự chọn lựa sẽ không có ý nghĩa. Nếu bị cưỡng ép chấp nhận thì không có tình yêu và cũng không có trách nhiệm. Trong tình yêu không có sự sợ hãi vì sợ hãi gắn liền với hình phạt. Ai vâng lời vì sợ hãi thì không có tình yêu trọn vẹn. Đức Maria, một cô gái trẻ nghèo đơn sơ, không lường được tương lai sẽ ra sao, nhưng đã trả lời “Hãy để điều đó xảy ra cho tôi” và chấp nhận tất cả những gì sẽ đến. Điều hiển nhiên nếu Đức Maria có thể chọn lựa giữa “có” và “không” tức là Đức Maria đã có tự do.(3)
Chúng ta nghiệm ra những lời ngôn sứ chỉ là sự quan phòng trong tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải là sự áp chế của định mệnh. Thiên Chúa muốn con người, trong ý chí tự do, cộng tác với Người để hoàn tất công trình sáng tạo (GLCG 307, 311). Do đó sự vĩ đại của Đức Maria không những bởi biến cố sinh ra Đấng Cứu Thế nhưng còn bởi thái độ can đảm vâng theo Ý Chúa với tất cả ý chí tự do và lòng nhiệt tâm của người.

Thái Độ Tuân Theo Ý Chúa của Đức Maria Tỏa Ra Những Mầu Nhiệm Khôn Cùng  

Biến cố “Truyền Tin” là tâm điểm thần học Maria. Tôi xin nhắc lại tâm trạng của Đức Maria và những mệnh đề chủ yếu trong biến cố này. Khi thiên thần hiện ra, Đức Maria sợ hãi vì người chưa hề thấy thiên thần bao giờ. Người không hiểu lý do gì mà thiên thần đến và cũng không hiểu ý nghĩa của lời chào. Thiên thần Gabriel trấn an, “Đừng sợ hãi. Bà làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai tên gọi là Giêsu.” Với phản ứng kinh ngạc tự nhiên, Đức Maria nói, “Việc ấy xảy ra sao được, vì tôi không biết người nam.” Thiên thần giải thích, “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, vì thế Đấng Thánh sinh ra là con Thiên Chúa.” Qua sự quy thuận của lý trí, Đức Maria trả lời, “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi theo như lời ngài nói.” (Lc 1:26-38). Sau đó ít lâu Đức Maria đi thăm bà chị họ Elizabeth, mẹ của thánh Gioan Tẩy Giả, bà chị cất tiếng chào  “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi” (Luc 1:43). Bà Elizabeth là người đầu tiên sáng suốt nhất của nhân loại đã lên tiếng tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Năm 431, Giáo Hội qua Công Đồng Ephesus (Êphêsô) đưa ra tín điều Đức Maria là Đấng Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) kèm theo khẳng định cứng rắn: “Nếu ai không tin Đấng Em-ma-nu-en thật sự là Thiên Chúa, do đó thánh nữ đồng trinh Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ đó bị phạt vạ tuyệt thông”. Tín điều Theotokos được tái khẳng định với những giải thích phong phú thêm ở Công Đồng Chalcedon vào năm 451. Nếu không chấp nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì có khác gì nói Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa.(4)
Đức Maria mang thai không theo luật thiên nhiên, nhưng do quyền năng của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa vẫn gìn giữ tính đồng trinh của Đức Maria. Chiêm niệm mầu nhiệm này, thánh Anathasius đã dùng danh hiệu “trọn đời đồng trinh” (ever virgin) để biểu lộ mạc khải về sự nhập thế của Ngôi Hai. Sau đó danh hiệu Đức Maria là Đấng Trọn Đời Đồng Trinh trở thành tín điều bởi Công Đồng Lateran vào năm 649.(5)
Từ ý thức Em-ma-nu-en dẫn tới ý thức “Mẹ Thiên Chúa” rồi “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội” (xác định bởi Công Đồng Vatican II, 1962-1965), suy ra Đức Maria cũng là mẹ của các tín hữu. Từ đó mầu nhiệm về sự vẹn toàn của Đức Mẹ Maria càng ngày càng được sáng tỏ. Tín hữu gói ghém những trực giác này trong những tước hiệu. Hiện nay đã có khoảng 100 tước hiệu để tuyên xưng Đức Maria. Xin dẫn chứng vài tước hiệu tiêu biểu: Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội… Thêm nữa Đức Mẹ còn có những danh xưng gắn liền với địa danh như Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ La Vang… Ngoài ra còn có rất nhiều chứng nghiệm cá nhân về Đức Mẹ, chẳng hạn thánh Louis de Montfort đã có lời tuyên xưng “Totus Tuus” (Qua Đức Maria để đến với Chúa Giêsu). Công Giáo tôn vinh Đức Mẹ Maria là đấng thánh kính trọng bậc nhất. Mỗi năm Giáo Hội có tới 17 thánh lễ kính Đức Mẹ, trong số đó có 5 lễ trọng.  

Mạc Khải Tâm Linh Trong Thái Độ Thinh Lặng của Đức Maria

Đức Giêsu đã có lần nói về thế hệ của Người, “Tôi phải ví thế hệ này như thế nào? Họ như lũ trẻ ngoài chợ nói với lũ trẻ khác: Tụi tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, các anh không đấm ngực khóc than.” (Mt 11:16). Đó là thế hệ vô cảm và hoài nghi. Đức Maria đã sinh sống trong thế hệ đó mà tinh thần không bị dao động. Đức Mẹ âm thầm đi theo Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến phút cuối cùng trong thinh lặng. Lời nói duy nhất của Đức Mẹ, mà kinh sử ghi nhận được, khi người đi thăm bà Elizabeth, chỉ là lời Ca Ngợi Thiên Chúa (Magnificat – Lc 1:46-55). Trong cuộc sống, Đức Mẹ đã trải qua những lúc kinh ngạc, những lúc cực kỳ lo lắng đau khổ, những lúc vui mừng, nhưng người luôn luôn lãnh nhận trong sự thinh lặng. Thánh Luca ghi chép rằng Đức Mẹ thinh lặng ghi nhớ tất cả mọi sự ở trong tim để suy niệm. Như vậy thái độ thinh lặng của Đức Mẹ chính là hành động cụ thể hóa Ý Chúa trong đời sống. Chúng ta cố gắng suy gẫm những mạc khải qua lối sống thinh lặng của Đức Mẹ.
Thinh lặng là cách Đức Maria tạo một không gian nội tâm để ghi nhớ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thế và những sự kiện trong cuộc đời trần thế của Người. Thinh lặng là trạng thái tĩnh tâm để tâm hồn nối kết với Thiên Chúa trong mối cảm nghiệm vừa thân thiết vừa riêng tư. Đức Mẹ giữ tâm thinh lặng để suy niệm, như vậy thinh lặng là hướng linh đạo của cầu nguyện. Thinh lặng là cách đáp trả duy nhất có thể có khi đối mặt với sự toàn vẹn thánh thiện của Thiên Chúa. Theo thánh Teresa Calcutta, “Mẹ Maria dạy chúng ta cất giấu mọi sự trong tâm hồn để chúng ta biết cầu nguyện trong thinh lặng của con tim.” Chính Đức Giêsu cũng thường tìm chỗ thanh vắng hoặc lên núi hoặc vào sa mạc để thinh lặng cầu nguyện.
Thinh lặng là biểu hiệu của đức khiêm nhường. Khiêm nhường không thể hiểu lầm với tính nhu nhược. Khiêm nhường là có ý thức về những khiếm khuyết và giới hạn của mình nên thấy Thiên Chúa là ý nghĩa của đời mình. Khiêm nhường cũng không thể hiểu lầm là sự mặc cảm thấp hèn nên sống thu mình trong nỗi sợ hãi. Khiêm nhường là có ý chí vững mạnh từ bỏ chính mình để chọn đi con đường hẹp. Người khiêm nhường không thể có những ngôn từ hay lối sống khoe khoang, vì vậy khiêm nhường gắn liền với sự phó thác. Đức Mẹ đã sống đúng với lời minh xác, “Tôi là nữ tỳ của Chúa”. Đức Mẹ dâng hiến trọn vẹn đời sống của Mẹ cho Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu khi giảng đạo, Người cũng luôn luôn dạy dân chúng biết khiêm nhường vì Nước Trời thuộc về những người khiêm nhường (Mt 18:1-5; 20:20-28; Mc 9:33-37; 10:35-45; Lc 9:46-48; 22:24-27).
Thinh lặng của Đức Maria là niềm vui của tâm hồn. Lời chào của thiên thần Gabriel với Đức Maria là lời chúc, “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1:28). Đức Mẹ cũng nói, qua lời xưng tụng Magnificat: thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, Người đoái thương tới thân phận nữ tỳ hèn mọn tôi… Niềm vui của thần trí không thể nào có được khi tâm hồn bị dao động bởi những dục vọng xấu và sự buồn phiền vì thất vọng. Một điều nghịch lý trong những tâm hồn mộ đạo là chỉ có trong thinh lặng, hoàn toàn vô ngôn, mới có thể cảm nhận được niềm vui sống trong vinh quang Thiên Chúa. Bởi vì không phải Thiên Chúa đến chiếm hữu tâm hồn riêng tư của con người, Thiên Chúa chỉ lên tiếng gọi, tự con người hòa tâm hồn mình vào trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, như con thơ an tâm ngồi trong lòng Cha.
Thái độ thinh lặng của Đức Mẹ là biểu hiệu của lòng can đảm. Chúng ta kinh ngạc khi biết Đức Mẹ, một cô gái trẻ dưới 20 tuổi, dám chấp nhận lời gọi mà hậu quả ra sao không thể lường được. Cũng như mọi tín hữu thời đó, Đức Maria biết rõ sự tích bà Eva và lời ngôn sứ sẽ có một người nữ đạp đầu con rắn. Phải thật là can đảm khi Đức Maria dám đặt trên vai mình gáng nặng đạp đầu con rắn, nghĩa là chống lại Satan. Khi ông Simeon nói với Đức Maria “Con trẻ sẽ là dấu hiệu cho người đời chống báng … Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà” (Lc 2: 33-35). Có bà mẹ nào biết mình sẽ bị đau khổ mà vẫn tự nguyện im tiếng chấp nhận. Với lòng can đảm Đức Mẹ Maria đã dùng năng lực chuyển hóa những hỗn loạn mình phải chịu thành trật tự. Mẹ Maria thực hiện được điều này vì Mẹ nối kết với Thiên Chúa trong cõi sâu thẳm của tâm hồn. 
Thinh lặng là biểu hiệu của lòng hy sinh. Đối với những niềm vui, Đức Mẹ thinh lặng tiếp nhận như một ơn phước chứ không nghĩ mình có công. Đối với những đau khổ, dù đau khổ đến mức vượt khỏi sự diễn tả bằng ngôn ngữ, Đức Mẹ thinh lặng chấp nhận không một lời oán trách trong thái độ hy sinh. Người phục vụ trong âm thầm, không bao giờ dành công cho mình. Đức Mẹ quyết tâm chịu đựng mọi sự bất hạnh trong thinh lặng với niềm hy vọng vững chắc trong sự an bài của Chúa. Điều đó có nghĩa Đức Mẹ đón nhận đau khổ nhưng không thấy chúng là ngõ cụt hay là kết quả cuối cùng của cuộc sống. Đức Mẹ không bị khuất phục bởi những trở ngại, nhưng sẵn sàng chịu đựng để phục vụ người khác trong yêu thương.
Sự thinh lặng của Đức Mẹ xuất phát từ trái tim thiện lành của người. Đây là chứng nghiệm của thánh Bernadine thành Siena (1380-1444), sau này được thánh Gioan Phaolô II lập lại. Theo thánh Bernadine, trước khi có biến cố “Xin theo Ý Chúa”, trái tim Đức Mẹ đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Đó là thành quả sùng kính Thiên Chúa từ thuở thơ ấu. “Trái Tim Đức Trinh Nữ Maria, là ngọn lửa Tình Yêu (Flame of Love), bùng lên như ngôn ngữ của tình yêu mãnh liệt.” Do đó, theo thánh Gioan Phaolô II, “Mầu nhiệm Cứu Độ đã thành hình trong trái tim của Đức Trinh Nữ Thành Nazaret để người nói ‘xin theo Ý Chúa’.” (RH #22).(6) Trái tim Đức Mẹ đã được tôn trọng rất lâu kể từ thế kỷ XI. Hai thánh Anselm Canterbury (1033 -1109) và thánh Bernard Clairvaux (1090 – 1153) đã chiêm niệm hai thánh tích: Đức Maria ghi dấu mọi sự trong tim và một lưỡi gươm sẽ đâm tim Bà (Lc 2:19, 35) để khởi xướng phong trào tôn sùng trái tim Mẹ. Trái tim thinh lặng yêu thương tất cả những người con của Mẹ.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người tự ca tụng mình là giác ngộ vì đã giải phóng mọi giá trị đạo đức cổ truyền. Nhưng chủ nghĩa duy vật này không đưa con người tới tiến bộ nhưng dẫn tới nỗi tuyệt vọng về sự vô nghĩa của sự sống. Trong tông thư “Tin Mừng về Sự Sống” (Evangelium Vitae, 1995) thánh Giáo Hoàng Gioan Plaolô II cho đó là nền “văn hóa của sự chết” (culture of death). Tất cả những gì con người giải phóng như tự do phá thai, tự do thờ Satan… đều dẫn đến sự chết. Thời hiện tại tuy hỗn loạn nhưng chúng ta vẫn có Mẹ Maria. Sách Sáng Thế cho biết Satan quyến dụ người phụ nữ phạm tội bội ước. Thiên Chúa đã dùng chính người phụ nữ để trị tội Satan. (Các nhà trừ quỉ đều xác nhận rằng ma quỉ rất sợ Đức Mẹ Maria.)
Để cứu loài người, Thiên Chúa đã tiết lộ ơn cứu độ cho Đức Maria nhưng cũng là tiết lộ với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa biết rõ chân lý của sự sống hơn là con người biết về đời sống của mình. Ý của Thiên Chúa có thể con người không thấu hiểu, vì vậy Thiên Chúa đã tỏ lộ ơn cứu độ với Đức Maria, đề từ phàm nhân Maria, con người có thể dễ tiếp nhận hơn. Trong cuộc sống vô định hướng mà nhiều khi chúng ta không biết phải theo hướng nào, Đức Mẹ Maria là ngôi sao hướng dẫn chúng ta. Gương của Đức Maria nhắc nhở Kitô hữu chúng ta hãy sống thinh lặng trong tâm hồn, hãy sống trong hy sinh, hãy sống trong yêu thương, và hãy đặt hết lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Chúng ta không thể vâng theo Thánh Ý nếu trước hết chúng ta không lắng nghe. Chỉ trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta mới nghe được lời dạy của Chúa.  
nguồn: http://nguoitinhuu.org
***
(1) Nguyên văn lời Đức Maria nói với thiên thần Gabriel được ghi lại bằng tiếng Latin là “Fiat mihi secundum verbum tuum”, nghĩa là “Hãy để điều đó xảy ra cho tôi theo như lời ngài nói.” (Let it be to me according to your word.) Chữ “fiat” không có nghĩa là “xin vâng”, tuy nhiên câu này được giáo hội Công Giáo VN thêm vào chữ “vâng” (Vâng, … xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. – Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ) và thường dùng khóm từ “Đức Mẹ nói xin vâng” để nói về biến cố Truyền Tin. Tôi không có thẩm quyền xét định về cách dùng chữ, nhưng trong bài này, để tôn trọng sự chính xác của sử liệu, tôi tránh dùng chữ “xin vâng”.
(2) Lời của thánh Fulgentius (467- 533), “By Mary, God descended from Heaven into the world, so that by her, men might ascend from earth into Heaven.”
(3) Theo thánh Thomas (Summa III: 30), sự cứu chuộc nhân loại phụ thuộc vào sự đồng ý của Đức Trinh Nữ Maria. Điều này không có nghĩa là kế hoạch của Thiên Chúa bị ràng buộc bởi ý chí tự do của một kẻ thụ tạo, và rằng nếu Đức Mary không đồng ý, nhân loại sẽ không được cứu chuộc. Sự kiện tiên báo về sự đồng ý của Đức Maria chỉ có nghĩa là Thiên Chúa có thể thấy trước từ muôn đời. Do đó Đức Maria được nhận diện là điều thiết yếu trong thiết kế của Thiên Chúa.
(4) Tước vị “Mẹ Thiên Chúa” chỉ liên quan tới Ngôi Hai khi nhận bản tính loài người, mà bản thể nhân tính này xuất xứ từ Đức Maria. Tuy nhiên một bà mẹ đúng nghĩa không phải chỉ là mẹ của thân xác nhưng còn là mẹ của một ngôi vị. Đức Giêsu có hai bản vị, phàm nhân và Thiên Chúa, không thể tách rời. Vì vậy Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa. Xin đọc thêm “Mầu Nhiệm Theotekos”, Đỗ Trân Duy, nguồn: Người Tín Hữu.
(5) Giáo Hội đề cao đức tính đồng trinh không phải vì những giá trị trần thế, nhưng để nhấn mạnh vào nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu.
(6) Nguyên văn: We can say that the mystery of the Redemption took shape beneath the heart of the Virgin of Nazareth when she pronounced her “fiat”. Tông Huấn Redemptor Hominis (4 tháng 3, 1979), John Paul II
http://lamhong.org/mau-nhiem-thinh-lang-cua-duc-maria/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét