Trong lịch sử thần học, chức vụ làm cha của thánh
Giuse đã được đặt với nhiều tên gọi khác nhau. Đó là pater putativus – cha giả
định, pater adoptivus – cha nuôi, pater legalis – cha theo pháp lý, pater
spiritualis – linh phụ, v.v. Tuy với nhiều tên gọi khác nhau nhưng chắc rằng
tình nghĩa cha con giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu chỉ là một mà thôi.
Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu mối tình cha con này để từ đó tái khám phá tình cha ở thời đại hôm nay.
1/ Tình cha của thánh Giuse.
Trong hành trình dương thế, nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha; hay có khi dạy các môn đệ rằng “anh em đừng gọi ai dưới thế là cha vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”. Điều này không có ý phủ nhận vai trò làm cha của thánh Giuse, song muốn nêu bật một thứ tự trong liên hệ phụ tử mà đứng đầu là Thiên Chúa Cha vốn là nguồn gốc của mọi thứ phụ hệ. Trong bối cảnh này, vai trò làm cha của thánh Giuse không những không xung khắc với Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, nhưng còn cho thấy thánh Giuse là hình ảnh của Chúa Cha dưới đất qua việc yêu mến, chăm sóc, dưỡng dục Chúa Giêsu.
Thánh Giuse đã yêu mến Chúa Giêsu với tâm tình của một người cha đối với con mình. Tâm tình này đã được thanh luyện và nâng cao vì được chia sẻ vào chính cội nguồn của tình phụ tử là Thiên Chúa Cha. Quả vậy, Tin Mừng cho thấy thánh Giuse đã đem hết tâm tình để phục vụ Chúa Giêsu qua biến cố Nhập thể, trong thời kì sinh hạ, và những công việc dưỡng dục nhân bản trong suốt thời kì Chúa Giêsu sống ẩn dật.
2/ Tình con của Chúa Giêsu.
Thánh Luca thuật lại rằng sau khi lên Đền thờ, Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về Nazarét và “hằng tuân phục các ngài”. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu đã dành cho cha mẹ tất cả tâm tình hiếu thảo của một người con. Người đã hấp thụ nền giáo dục của song thân, đã “tăng trưởng về khôn ngoan và ân nghĩa” (Lc 2,52), đã hấp thụ cả danh phận nghề nghiệp của thánh Giuse, chẳng thế mà Người đã từng được nhìn nhận là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) hay là “thợ mộc” (Mc 6,3).
3/ Tình cha trong thời đại hôm nay.
Tông huấn Redemptoris Custos – Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, số 8 viết: “Trách nhiệm làm cha của thánh Giuse được diễn tả cụ thể trong sự kiện: Người đã biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; đã sử dụng uy quyền pháp lý đối với thánh gia để trao ban bản thân, cuộc sống và công tác; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong nhà mình”.
Từ vai trò làm cha của thánh Giuse, chúng ta thấy rằng trong xã hội ngày nay chức vụ làm cha không chỉ giới hạn vào chuyện sinh con. Người cha còn có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc giáo dục con cái như: truyền thụ gia sản tinh thần (kinh nghiệm bản thân, nghề nghiệp,…); tập cho đứa con tiếp xúc với xã hội; biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống. Chắc chắn rằng, tình thương của người cha được biểu lộ khác với tình thương của người mẹ, thậm chí có đôi khi khó có thể nhận biết. Do đó, người cha cần có một sự gần gũi và quan tâm đến con cái với tất cả tình yêu thương, chứ không phải cứ bù đầu vào chuyện công ăn việc làm để chu cấp vật chất cho con cái như nhiều người vẫn nghĩ.
Kết luận. Bị cuốn vào vòng quay của nền kinh tế thị trường, nhiều bậc cha mẹ không còn dành đủ thời gian cho con cái. Họ tưởng rằng chu cấp cho con cái đầy đủ về vật chất là làm tròn trách nhiệm của mình, còn việc giáo dục thì dành cho nhà thờ, trường học. Với lối suy nghĩ thiển cận như vậy, xã hội chúng ta đã đẩy không ít trẻ em vào trong tình trạng phát triển cách lệch lạc, cả về thể chất lẫn nhân bản.
Ước mong sao, mối tình cha con giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu luôn chiếu sáng trên mỗi gia đình Kitô hữu chúng ta, đặc biệt trong các gia đình trẻ, để từ đó lan tỏa rộng khắp cộng đồng xã hội.
Học viện
Đa Minh
http://daminhvn.net/tim-hieu-kinh-thanh/tinh-cha-con-giua-thanh-giuse-va-chua-giesu-19610.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét