Trang

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XIV : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ LA MÃ, BẾN TRE



HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XIV : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ LA MÃ, BẾN TRE và ĐỨC MẸ KẾ SÁCH, SÓC TRĂNG

I. Ý CẦU NGUYỆN

1. Cầu cho Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin cho mọi tín hữu Công giáo Việt Nam biết vâng phục các mục tử và không theo những lời nói, bài viết không xuất phát và hướng về hiệp nhất - yêu thương - an bình.

2. Cầu cho các linh mục triều và dòng Việt Nam. Xin cho các ngài yêu mến và sống nghèo khó vật chất, để không bị dục vọng, hư danh cám dỗ và toàn tâm với nhiệm vụ Chúa Kitô và Giáo Hội trao cho.

3. Cầu cho linh hồn những người thân. Cậy vì lời chuyển cầu của Mẹ Mân Côi, xin cho họ được hưởng phúc vinh trong Chúa.

II.  ĐỨC MẸ LA MÃ (BẾN TRE) VÀ KẾ SÁCH (SÓC TRĂNG)

A. Đức Mẹ hiện hình tại Họ La Mã, Bến Tre

Tại làng Hiệp Hưng, tỉnh Bến Tre, thuộc Giáo phận Vĩnh Long, có một nơi gọi là Bầu Dơi. Nơi đây là một cánh đồng trũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, là nơi dành cho chim cò dơi cú đến tụ họp. Dân chúng vùng này phần đông quây quần tụ họp chung quanh chợ Sơn Đốc, cách Bầu Dơi chừng 2 cây số.

Khoảng năm 1930, Cha sở Cái Bông là Cha Luca Sách ở gần đó, sai một thầy đến giảng đạo và cất một ngôi nhà thờ nhỏ ở gần khu chợ để làm nơi phụng tự và giảng dạy những người tân tòng. Từ năm 1945, chiến tranh làm cho họ Cái Bông và Sơn Đốc không giao thông được với nhau.

Mãi tới năm 1947, chiến tranh lan rộng, dân chúng Sơn Đốc phải tản cư hết, trong số đó có 11 gia đình tản cư lên Bầu Dơi. Thế là nhóm Công giáo này không có linh mục chăm sóc. Mấy năm sau họ mới tiếp xúc được với xứ Cái Sơn do Cha Phêrô Dư cai quản, cách xa tới 20 cây số. Sau đó 1 năm, dân làng Bầu Dơi cất được một ngôi nhà thờ làm nơi thờ phượng.

Ngày 11-11-1949, Đức cha Vĩnh Long về làm phép Thêm Sức tại Cái Sơn, ngài đã thân hành đến thăm Bầu Dơi và đổi tên là họ La Mã, Bến Tre. Từ đó La Mã xuất hiện tại Việt Nam.

Nguyên khi lập Nhà thờ Sơn Đốc năm 1930, Cha Luca Sách, Bổn Sở Cái Bông có tặng nhà thờ này một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lộng khám kiếng. Nhưng năm 1957, khi bổn đạo bỏ nhà cửa, đền thờ, chợ búa đi tản cư khắp nơi, ông già Nguyễn Văn Hạt là trùm trong họ phải rước ảnh Đức Mẹ về nhà mình. Sau ông cho con trai là Nguyễn Văn Thành mượn đem về nhà riêng. (Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Họ đạo La Mã, tỉnh Bến Tre, Giáo phận Vĩnh Long, khác với Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp nguyên gốc DCCT Rôma, là đã xuất hiện thêm vòng triều thiên trên đầu Mẹ).

Ngày mồng 2-2-1957, có cuộc khủng bố Đạo ở vùng này, gia đình anh Thành cũng như bao gia đình khác phải nhiều sự khốn khó, đến bức ảnh cũng bị mất tích, ông trùm Hạt rất là buồn bã.

Một hôm vào thượng tuần tháng 5, người láng giềng của anh Thành tên là Võ Thị Hiền, trong lúc đi xúc cá ven sông, đã vớt được một cái khung ảnh. Anh Thành nhận ra đây chính là khung ảnh Đức Mẹ của gia đình đã bị mất từ mấy tháng trước. Chị Hiền cho lại anh Thành. Anh đem khám ảnh đi rửa nhưng ảnh không còn rõ nữa, ngoài mấy nét mờ mờ như nét viết chì. Nhân ngày ấy, các dì Phước đang trang trí bàn thờ, chị vợ đã đến xin thuốc màu về cho chồng tô lại bức ảnh, nhưng các dì nói là đã hết và bảo về nhà mua ảnh khác chứ vẽ lại sao được.

Ảnh thật sự hư rồi, không còn tôn kính được, thậm chí còn được đem ra che mưa đỡ nắng nơi mái hiên nhà bị dột. Đến tháng 8 dương lịch, vì tình thế chiến tranh, anh Thành phải dọn sang Tam Bình là quê vợ lánh nạn. Ông Hạt đến nhà dọn đồ cho con thấy bức ảnh nhét trong kẹt vách nên đem về đặt trên bàn thờ sáng tối cầu nguyện.

Hai tháng sau, ngày mồng 7-10-1950, chiến sự lại diễn ra ngay trong khu vực Bầu Dơi, lửa đạn bắn ra tơi bời khiến dân làng phải chạy trốn. Ông Trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy phải núp dưới tủ thờ cho qua cơn sóng gió. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị đổ nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông nấp là còn nguyên vẹn. Ông nhìn lên ảnh Đức Mẹ để tạ ơn thì thật lạ lùng xiết bao! Bức ảnh mờ phai mục nát trước kia giờ đã sáng rõ mọi nét, màu sắc tươi mới trở lại từ bao giờ! Ông Trùm cảm động vô cùng. Với tâm hồn đơn sơ và thành tín của một ông già đạo đức nơi thôn dã, ông tin ngay là một phép lạ của Đức Mẹ: Đức Mẹ chẳng những đã cứu thoát hai cha con ông trong lúc cực kỳ nguy khốn, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà xưa nay ông vẫn tôn kính và hết lòng cậy tin.

Hai mắt rướm lệ, ông Trùm Hạt cùng con quỳ xuống tạ ơn Đức Mẹ. Ngay chiều hôm đó, ông Trùm Hạt đi nhà thờ cầu kinh, rồi kể cho hai dì phước nghe biết sự lạ đã xảy ra trên bức ảnh của ông. Hai dì nói: “Ngày mai Chúa Nhật, ông đem bức ảnh đến cho chúng tôi coi”. Sáng hôm sau ông đi lễ mang theo bức ảnh và hai dì nói: “Quả thiệt, hồi vớt bức ảnh lên thì mục nát phai mờ, mà bây giờ ảnh Mẹ lại đẹp đẽ thế này, ấy là Đức Mẹ thương ông lắm”.

Các bổn đạo trong họ cũng đều nhận sự lạ lùng đã xảy ra nơi bức ảnh. Ai nấy đều phấn khởi và hân hoan vì đã thấy sự lạ, nhất là được thấy một bức ảnh đẹp chưa từng có. Sau ông Trùm Hạt đưa ảnh tới Cái Bông cho cha sở cũ của mình là Cha Sách coi. Ngài bảo: “Để bức ảnh lại đây tôi giữ giùm, đợi khi nào La Mã dựng xong nhà thờ sẽ cho rước về”.

Ngày 20-6-1951, họ La Mã khánh thành ngôi nhà thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang rộng rãi hơn trước. Ngày 15-8-1951, nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Mông Triệu lần đầu tiên, kể từ khi Đức Giáo hoàng Piô XII ban sắc lệnh phải tin về tín điều Mẹ Lên Trời cả hồn cả xác này, Cha Phêrô Dự xin họ La Mã cho họ chánh xứ Cái Sơn mượn bức ảnh lạ về tôn kính trong tuần 9 ngày. Chính ngày Lễ Mẹ Mông Triệu, trước giờ hành lễ, người ta rước bức ảnh xung quanh nhà thờ, đến khi sắp đặt bức ảnh lên đài, Cha Phêrô Dự sắp giảng, ngài nhìn lên bức ảnh cầu nguyện thì thật lạ lùng, ngài thấy trong bức ảnh một mũ triều thiên hiện ra thêm trên đầu Đức Mẹ. Ngài nhớ rõ bức ảnh trước đây không có triều thiên. Ngài quay ra chỉ cho bổn đạo thấy sự thay đổi lạ lùng ấy. Hàng ngàn người có mặt ở nhà thờ đều cảm động.

Ngày 12-1-1952, Đức cha Ngô Đình Thục đến viếng họ La Mã. Sau khi ở nhà thờ về, ngài hỏi Cha Dự: “Ủa! Sao trên đầu Đức Mẹ lại có cái triều thiên từ bao giờ? Lần trước tôi có thấy đâu?” Bấy giờ Cha Dự mới kể cho ngài nghe câu chuyện xảy ra hôm 15-8-1951. Hiện nay nhiều người còn giữ được hình chụp bức ảnh trước ngày 15-8-1951, nghĩa là khi chưa có mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ. Đó là bằng chứng rất rõ ràng.

Một điều khác cũng đáng để ý, là khi bức ảnh mới vớt lên, vì ảnh gắn vào với kính, nên khi gỡ ra thủng nhiều chỗ. Bây giờ chẳng những chân dung Mẹ hiện lên rất đẹp, mà những chỗ thủng trước kia cũng biến mất, chỉ còn một lỗ ở phía sau. Tuy vậy, mặt sau bức ảnh và trên cái khung gỗ vẫn còn nhiều dấu vết do sự ngâm lâu dưới bùn và nước.

Từ đó, tin Đức Mẹ hiện hình đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ đông đúc vô ngần. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường... Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:

“Dù Bề trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà ta không cấm bổn đạo đến viếng nhà thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi Thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng giáo sĩ cho đến bổn đạo thường – như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu. Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm Giờ Thánh hay là lần hạt Mai Khôi.

Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồn ào, cợt giỡn vì là nơi Thánh. Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên loè loẹt son phấn.

Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.

Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí tích thì ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa phận mình cũng được giải tội ở La Mã.

Sau hết ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho cha bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay Cha sở La Mã”.

Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Long ngày 11-2-1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức” (Đức cố Phêrô Ngô Đình Thục, nguyên Giám mục Vĩnh Long - Trích dongcong.net)

B. Đức Mẹ hiển linh tại Nhà thờ Kế Sách, Sóc Trăng

Xin kính chào tất cả toàn thể anh chị em trong diễn đàn TCVN, hôm nay mình có vài lời giới thiệu về việc Đức Mẹ Làm Phép Lạ tại Nhà thờ Kế Sách, Sóc Trăng.

- Sự kiện lần đầu tiên xảy ra vào lúc 16g00 ngày 15-6-2008 là ngày chủ nhật, tượng Đức Mẹ chuyển màu hồng, xê dịch, và Đức Mẹ cười, tay khép lại mở ra - Mẹ toả hương thơm.

- Ngày 16-6-2008, lúc 18g00, ở ngoài trời, Đức Mẹ đã hiện ra đủ màu, có hình trái tim, còn tượng trong nhà thờ thì phát ra hương thơm.

- Ngày 22-6-2008, từ lúc 16g00 cho đến 21g00, ánh sáng lạ, Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thiên Thần, Thánh Giá, Triều Thiên hiện ra trên bầu trời, ngoài ra còn có Ngôi Sao Vua hiện ra trên tường, tượng Đức Mẹ trong nhà thờ có hương thơm.

- Ngày 23-6-2008, từ 16g30 đến 21g30, trên tường đã xuất hiện Ánh Mắt Chúa Giêsu và hình cây Thập giá.

- Ngày 24-6-2008, từ lúc 19g00 đến 22g00, hình cây Thập giá đã xuất hiện trên tường.

- Ngày 29-6-2008, từ lúc 19g00 đến 20g00, Đức Mẹ làm phép lạ toả hào quang rực sáng.

- Ngày 30-6-2008, từ lúc 19g00 đến 20g00, Đức Mẹ tiếp tục làm phép lạ toả hào quang.

- Ngày 1-7-2008, từ lúc 16g00, tượng Đức Mẹ trong nhà thờ chỉ toả ánh hào quang 1 lần.

- Ngày 2-7-2008, từ lúc 17g00, tượng Đức Mẹ toả hào quang 2 lần trong nhà thờ.

- Ngày 3-7-2008, từ lúc 17g00, tượng Đức Mẹ toả ánh sáng màu hồng.

- Ngày 4-7-2008, từ lúc 7g00 đến 18g00, tượng Đức Mẹ vỗ tay và trên bầu trời có phát sáng hình mặt nhật.

- Ngày 5-7-2008, tượng Đức Mẹ cười và chuyển màu.

- Ngày 6-7-2008, từ lúc 17g00 đến 18g30, tượng Đức Mẹ phát sáng ra màu xanh trong nhà thờ và trên bầu trời.

- Ngày 7-7-2008, tượng Đức Mẹ tiếp tục phát ra ánh sáng màu xanh.

- Ngày 8-8-2008, từ lúc 16g30, cả tượng Đức Mẹ là màu xanh và Mẹ cười, ngoài trời thì có hình Chúa Giêsu.

- Ngày 9-7-2008, từ lúc 17g00, tượng Đức Mẹ phát ra ánh sáng màu xanh ở ngoài trời.

- Ngày 12-7-2008, từ lúc 18g00 đến 18g45, tượng Đức Mẹ trong nhà thờ đã phát sáng ra áo màu hồng, áo màu xanh, hai cặp mắt đã bắt đầu mở to, miệng mỉm cười.

- Ngày 13-7-2008, từ lúc 17g30 đến 18g30, tượng Đức Mẹ đã phát sáng ra màu hồng, màu xanh, trên bầu trời phát ra ánh hào quang nhiều màu rất đẹp.

Đây mới là những tư liệu tổng hợp ban đầu về chuyện Đức Mẹ Làm Phép Lạ tại Nhà thờ Kế Sách, Sóc Trăng, còn rất nhiều những tư liệu hình ảnh mà Hanh sẽ tổng hợp lại lần nữa và sẽ post lên cho anh chị em trong diễn đàn chiêm ngưỡng vào một ngày gần nhất.

Và cũng xin nói thêm là tượng Đức Mẹ tại nhà thờ hình nguyên thuỷ là màu trắng hoàn toàn, đã được một ân nhân tặng cho nhà thờ, Mẹ đã làm phép lạ ngay từ khi tượng còn bao bọc và cất sau phòng thánh vì cha chánh xứ chưa có tiền để xây đài để đặt tượng, sau khi Mẹ làm phép lạ thì cha chánh xứ mới đem vào trong nhà thờ, hằng ngày đã có rất nhiều người đến để đọc kinh, cầu nguyện, chiêm ngắm những phép lạ của Đức Mẹ, nhưng chỉ được đến 19g00 thì phải ra về vì chính quyền không cho phép.

Kế Sách là một huyện của tỉnh Sóc Trăng, có rất ít đồng bào Công giáo, ngôi nhà thờ này còn rất nhỏ và đơn sơ, đã xuống cấp mà cha chánh xứ chưa có kinh phí để tu sửa.

Đức Mẹ đã làm phép lạ cho nhiều người lương giáo đã được nhìn thấy và cũng có một vài chình quyền địa phương xem thấy.

Đó là tất cả những gì mà Đức Mẹ đã làm cho chúng ta thấy và tạo cho chúng ta một niềm tin mãnh liệt về Mẹ. “PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN”.

TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA

KINH KÍNH MỪNG - CÂU TRUYỆN CỦA CÁ NHÂN

Mỗi một lời Ave Maria gợi lên cuộc hành trình cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện, từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Cuộc hành trình ấy được đánh dấu bằng nhịp sinh học của từng cuộc đời con người. Cuộc hành trình ấy chỉ có 3 giai đoạn mà chúng ta có thể biết chắc chắn tuyệt đối: lúc sinh ra, lúc sống hiện tại và lúc chết. Cuộc hành trình ấy khởi sự với lúc bắt đầu cuộc sống, là lúc hình thai trong lòng mẹ. Cuộc hành trình ấy đặt chúng ta vào hoàn cảnh hiện tại, khi lúc này chúng ta kêu cầu cùng Đức Mẹ. Cuộc hành trình ấy hướng về cái chết, cái chết của chúng ta. Phải nói đó là một lời cầu nguyện có tính sinh học một cách kỳ diệu [2], được đánh dấu bằng tấn kịch tất yếu liên quan đến xác thể con người, được sinh ra rồi phải chết… Cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải đảm nhiệm, trước hết, là cuộc hành trình thể lý, hành trình sinh học, cuộc hành trình đưa chúng ta ra khỏi lòng mẹ để đến nấm mồ. Chính trong thời khoảng sinh học này mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và tìm thấy ơn cứu độ. Và sự đơn giản của kinh Mân Côi giúp chúng ta lên đường.

(Bài nói chuyện tại Lộ Đức, tháng 10-1998 - tại cuộc Hành hương Mân Côi - Lộ Đức lần thứ IX) 

LÒNG TÔN SÙNG ĐỨC TRINH NỮ RẤT THÁNH TRONG GIÁO HỘI

Nhờ ân sủng Chúa ban, với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, được đặt ngồi bên cạnh Con Mẹ và được tôn vinh trên tất cả thiên thần và loài người, Đức Maria can thiệp vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô và được Giáo Hội tôn vinh với lòng tôn sùng đặc biệt. Ngay từ những thời gian đầu, Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã được tôn vinh dưới danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Dưới sự che chở của Người, tín hữu đến ẩn náu trong mọi cơn hiểm nguy và ngặt nghèo. Kể từ sau Thượng Hội đồng Êphêsô, sự tôn sùng của Dân Chúa đối với Đức Maria gia tăng một cách lạ thường trong việc tôn kính và yêu mến, trong cầu khẩn và noi gương bắt chước, theo những lời tiên tri của Mẹ: “Mọi thế hệ sẽ gọi tôi là có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều vĩ đại”. Việc tôn sùng này luôn hiện hữu như thế, cho dù chủ yếu khác với sự thờ phượng dành cho Ngôi Lời Nhập Thể, cũng như dành cho Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.

***

CẦU XIN MẸ MARIA CHO GIA ĐÌNH CHÚNG TA

Lạy Đức Maria Nữ Trinh, Mẹ của chúng con,

xin chuyển cầu cho chúng con.

Chúng con cầu xin Mẹ cho gia đình chúng con.

Cho mọi người trong gia đình chúng con được dồi dào đức tin,

sẵn sàng phục vụ tha nhân.

Chúng con xin Mẹ cầu cùng Chúa Cha tuôn tràn Thánh Linh cho con cái chúng con,

hầu chúng say mê đắm mình suy tư về Chúa Giêsu và bước đi với Người,

và cảm nghiệm đươc niềm vui vì tự do vâng lời và nhiệt tâm

vì đức tin của các anh em đồng đạo.

Chúng con cầu xin Mẹ hướng về Con Mẹ

để xin Người tuôn đổ Thánh Linh trong hết mọi người chúng con,

làm cho chúng con có thể trở nên mạnh mẽ hơn và sáng suốt hơn

trong đấu tranh chống lại chước cám dỗ của thời đại chúng con.

Ước gì chúng con bền đỗ trên đường nhân đức,

chu toàn sứ mệnh của chúng con và đạt được niềm vui hoàn hảo và vĩnh cửu

mà Thiên Chúa chuẩn bị cho những con cái Người yêu thương.

(trích The Lady from Heaven, NXB Téqui 2004)

BTGH

Nguồn: truyenthongconggiao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét