Ý nghĩa ''màu sắc, kim loại và đá quý'' trong Sách Khải
Huyền
Kính gửi quý độc giả bài viết của cha G. Lê Minh Thông giúp
tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc, kim loại và đá quý trong Sách Khải Huyền.
Dẫn nhập
Đọc Sách Khải Huyền, độc giả sẽ thấy xuất hiện nhiều màu sắc
(màu trắng, màu đỏ, màu đen…), các loại đá quý và ngọc (cẩm thạch, bích ngọc,
kim châu, ngọc trai…) và các kim loại quý (vàng, bạc…). Có thể cách dùng màu
sắc, vàng bạc và đá quý là một trong những đặc điểm của Sách Khải Huyền, nhưng
chúng có ý nghĩa gì? Khi sử dụng vàng và đá quý để mô tả triều đình Thiên Quốc
và Thành Giê-su-sa-lem mới, người thuật chuyện muốn nói gì với độc giả? Sau khi
đã tìm hiểu các con số trong Sách Khải Huyền và ý nghĩa của chúng, bài viết này
bàn đến ý nghĩa của màu sắc, kim loại và đá quý trong Sách Khải Huyền để phần
nào trả lời những câu hỏi trên.
Bài viết gồm hai phần chính. Phần I sẽ liệt kê các nơi xuất
hiện (1) màu sắc, (2) các loại đá, ngọc và (3) kim loại. Phần II sẽ giải thích
vắn tắt ý nghĩa của màu sắc, đá và kim loại quý. Phần kết luận sẽ nhắc lại bối
cảnh lịch sử của Sách Khải Huyền và nối kết đề tài màu sắc, kim loại và đá quý
với thực tế lịch sử thời đó để tìm ra thông điệp thần học của đề tài này.
I. Các loại màu sắc, đá và kim loại quý
Số lần xuất hiện các từ ngữ trong Sách Khải Huyền đã cho
thấy phần nào tầm quan trọng của đề tài. Từ đó độc giả có thể đọc bản văn và
tìm hiểu đề tài màu sắc, đá và kim loại quý trong bối cảnh văn chương của nó.
Tiếng Hy Lạp dùng tính từ (adjective) hay danh từ (noun) để
nói về cùng một kim loại hay đá quý. Chẳng hạn, kim loại vàng (gold) được dùng
nhiều nhất trong Sách Khải Huyền (22 lần) với ba từ Hy Lạp: (1) Danh từ khrusos
(vàng, gold) xuất hiện 2 lần. (2) Danh từ khrusion (vàng ròng, pure gold) xuất hiện
5 lần. (3) Tính từ khrusous (bằng vàng) xuất hiện 15 lần (xem chi tiết trong
liệt kê dưới đây). Các từ Hy Lạp của các màu sắc, đá, kim loại được trình bày
trong Phụ lục 2 “Một số từ ngữ trong Khải Huyền” ở cuối Sách Khải Huyền Hy Lạp
– Việt. Sau đây sẽ liệt kê tất cả màu sắc, đá quý và kim loại xuất hiện trong
Sách Khải Huyền, các từ ngữ được sắp xếp theo thứ tự a, b, c….
1. Màu sắc
Đen (black), xuất hiện 2 lần: 6,5.12. – Trong đó, ngựa đen,
1 lần (6,5). – Mặt trời tối đen, 1 lần (6,12).
Đỏ như lửa (red as fire), xuất hiện 2 lần: 6,4; 12,3. –
Trong đó, con ngựa đỏ như lửa, 1 lần (6,4). – Con Mãng Xà đỏ như lửa, 1 lần
(12,3).
Đỏ thẫm (red, scarlet), xuất hiện 4 lần: 17,3.4; 18,12.16. –
Trong đó, Con Thú màu đỏ thẫm, 1 lần (17,3). – Người đàn bà mặc áo đỏ thẫm, 1
lần (17,4), và vải đỏ thẫm, 2 lần (18,12.16), người đàn bà này ngồi trên Con
Thú (17,3).
Đỏ tía (purple), xuất hiện 2 lần: 17,4; 18,16. – Trong đó,
áo đỏ tía, 1 lần (17,4). – Vải đỏ tía, 1 lần (18,16).
Màu huỳnh ngọc (hyacinth-colored), xuất hiện 1 lần: 9,17.
Màu lửa (fiery), xuất hiện 1 lần: 9,17. – Ngựa mặc áo giáp
màu lửa.
Tinh khiết, tinh ròng, trong suốt, tinh tuyền, thanh sạch
(clean, pure), xuất hiện 6 lần: 15,6; 19,8.14; 21,18a.18b.21.
Trắng (white), xuất hiện 16 lần: 1,14a.14b; 2,17; 3,4.5.18;
4,4; 6,2.11; 7,9.13; 14,14; 19,11.14a.14b; 20,11. – Trong đó, tóc trắng, 1 lần
(1,14). – Len trắng, 1 lần (1,14). – Sỏi trắng, 1 lần (2,17). – Áo trắng, 7 lần
(3,4.5.18; 4,4; 6,11; 7,9.13). – Ngựa trắng, 3 lần (6,2; 19,11.14). – Mây trắng,
1 lần (14,14). – Vải gai mịn màu trắng, 1 lần (19,14). – Ngai màu trắng, 1 lần
(20,11).
Trong suốt (transparent), xuất hiện 1 lần: 21,21.
Xanh, xanh nhạt (yellowish green, light green), xuất hiện 3
lần: 6,8; 8,7; 9,4. – Trong đó, ngựa màu xanh nhạt, 1 lần (6,8). – Cỏ xanh, 1
lần (8,7). – Mọi loài xanh tươi trên mặt đất, 1 lần (9,4).
2. Các loại đá, ngọc
Bích ngọc (emerald)
- Bích ngọc, bằng
bích ngọc, (tính từ), xuất hiện 1 lần: 4,3.
- Bích ngọc
(emerald), 1 lần: 21,19.
Cẩm thạch (marble), xuất hiện 1 lần: 18,12.
Đá (stone)
- Đá (stone), xuất
hiện 8 lần: 4,3; 17,4; 18,12.16.21; 21,11a.11b.19.
- Đá quý (precious
stone), xuất hiện 5 lần: 17,4; 18,12.16; 21,11; 21,19.
Hoàng ngọc (topaz), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Huỳnh ngọc (jacinth), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Kim châu (chrysolite), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Kim lục (chrysoprase), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Lam ngọc (sapphire), xuất hiện 1 lần: 21,19.
Lục châu (beryl), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Lục ngọc (chalcedony), xuất hiện 1 lần: 21,19.
Mã não (sardonyx), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Ngọc thạch (jasper), xuất hiện 4 lần: 4,3; 21,11.18.19.
Ngọc trai (pearl), xuất hiện 5 lần: 17,4; 18,12.16;
21,21a.21b.
Pha lê (rock crystal), xuất hiện 2 lần: 4,6; 22,1.
Tử ngọc (amethyst), xuất hiện 1 lần: 21,20.
Xích não (carnelian, sardius), xuất hiện 2 lần: 4,3; 21,20.
3. Kim loại
Bạc (silver)
- Bạc, bằng bạc
(tính từ), xuất hiện 1 lần: 9,20
- Bạc (silver),
xuất hiện 1 lần: 18,12
Đồng đỏ (gold ore, bronze), xuất hiện 2 lần: 1,15; 2,18.
Sắt, bằng sắt (tính từ), xuất hiện 4 lần: 2,27; 9,9; 12,5;
19,15.
Vàng (gold)
- Vàng (gold), xuất
hiện 2 lần: 9,7; 18,2.
- Vàng ròng (pure
gold), xuất hiện 5 lần: 3,18; 17,4; 18,16; 21,18.21.
- Vàng, bằng vàng (tính
từ) xuất hiện 15 lần. – Trong đó mô tả: Bàn thờ bằng vàng, 2 lần: 8,3b; 9,13. –
Bình hương bằng vàng, 1 lần: 8,3a. – Cây sậy bằng vàng, 1 lần: 21,15. – Chén
bằng vàng, 3 lần: 5,8; 15,7; 17,4. – Đai bằng vàng, 2 lần: 1,13; 15,6. – Tượng
thần bằng vàng, 1 lần: 19,20. – Triều thiên bằng vàng, 2 lần: 4,4; 14,14; (9,7
danh từ). – Trụ đèn bằng vàng, 3 lần: 1,12.20; 2,1.
II. Ý nghĩa màu sắc
1. Màu trắng
a) Biểu tượng thế giới của Thiên Chúa (tóc trắng, mây trắng,
ngựa trắng, ngai màu trắng).
b) Biểu tượng sự sống lại (đoàn người mặc áo trắng).
c) Biểu tượng sự chiến thắng (sỏi trắng, áo trắng).
2. Trong suốt, tinh khiết
Biểu tượng sự trang nghiêm, lộng lẫy, xứng đáng. Thành
Giê-ru-sa-lem mới bằng vàng ròng, giống như thuỷ tinh trong suốt (21,21). Vị
Hôn Thê mặc áo vải gai mịn, sáng chói, tinh tuyền (19,7-8).
3. Màu đỏ
Gam màu đỏ (đỏ thẫm, đỏ tía, đỏ như lửa, màu lửa, màu huỳnh
ngọc) là màu của máu. Gam màu này ám chỉ chiến tranh, thế lực sự ác và tội lỗi.
Sách Khải Huyền dùng màu đỏ để ám chỉ thế lực của đế quốc Rô Ma với hai khía
cạnh: a) Chiến tranh, bạo lực, bách hại và giết chết.
b) Đời sống xa hoa và sa đọa qua hình ảnh người đàn bà mặc
áo đỏ tía và đỏ thẫm (17,4) ngồi trên Con Thú (17,3).
4. Màu đen
Màu đen biểu tượng những tai hoạ (ngựa đen) và các tai ương
(mặt trời đen).
5. Màu xanh nhạt
Ngựa màu xanh nhạt (6,8) là màu của xác chết, ám chỉ chết
chóc.
6. Các loại ngọc quý và vàng ròng
Màu sắc của các loại đá quý, các loại ngọc được Sách Khải
Huyền sử dụng để mô tả Thành Giê-ru-sa-lem mới. Tác giả kể ở 21,10-11: “10bVị
Thiên sứ chỉ cho tôi Thành Thánh là
Giê-ru-sa-lem xuống từ trời, từ Thiên Chúa, 11có vinh quang của Thiên Chúa, ánh
quang của Thành giống như đá quý, như đá ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.”
Trong đoạn văn 21,18-21, tác giả mô tả vật liệu để xây dựng
Thành Giê-ru-sa-lem mới là vàng ròng và các loại ngọc: “18Vật liệu của tường
Thành là ngọc thạch và Thành bằng vàng ròng giống như thủy tinh trong suốt.
19Các nền móng của tường Thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý: Nền móng thứ
nhất, ngọc thạch, thứ hai, lam ngọc; thứ ba, lục ngọc, thứ tư, bích ngọc; 20thứ
năm, mã não; thứ sáu, xích não; thứ bảy, kim châu; thứ tám, lục châu; thứ chín,
hoàng ngọc; thứ mười, kim lục; thứ mười một, huỳnh ngọc; thứ mười hai, tử ngọc.
21Mười hai cổng là mười hai viên ngọc trai, mỗi một cổng làm từ một viên ngọc
duy nhất. Quảng trường của Thành bằng vàng ròng như thủy tinh trong suốt.”
(21,18-21).
Mười hai loại đá quý và màu sắc của chúng, cùng với mười hai
viên ngọc trai và vàng ròng biểu tượng cho sự vững chắc, huy hoàng, rực rỡ của
“vinh quang Thiên Chúa” (21,11); đồng thời diễn tả sự hoàn hảo, thịnh vượng và
hạnh phúc của thực tại cánh chung.
7. Vàng và vật dụng bằng vàng
Trong các màu sắc, kim loại, đá quý và các loại ngọc được
nói đến trong Sách Khải Huyền, kim loại vàng (gold) xuất hiện nhiều nhất (22
lần), kế đến là màu trắng (16 lần). Trong thế giới thuộc về Thiên Chúa, các vật
dụng được làm bằng vàng: Bàn thờ bằng vàng (8,3b; 9,13), bình hương bằng vàng
(8,3a), trụ đèn bằng vàng (1,12.20; 2,1), triều thiên bằng vàng (4,4; 14,14;
9,7). Vật dụng bằng vàng bày tỏ sự phú quý, lộng lẫy, nhằm diễn tả sự trang
trọng, uy nghi và uy quyền của Thiên Chúa.
Cũng như các vua chúa trần gian sử dụng vàng, bạc, đá quý để
bày tỏ vương quyền và sức mạnh, các thị kiến mô tả triều đình Thiên Quốc cũng
dùng vàng, bạc, đá quý để biểu tượng cho vương quyền và sức mạnh của Thiên Chúa
và của Đức Ki-tô. Trong Sách Khải Huyền, Con Chiên là Đức Ki-tô có tước hiệu:
“Vua các vua, Chúa các chúa” (19,16). Vì thế, sự giàu có, huy hoàng, uy quyền
và sức mạnh của các hoàng đế Rô Ma và của các vua chúa trần gian không thể so
sánh được với Người. Quyền năng và uy lực của Đức Ki-tô vượt trên quyền hành và
sức mạnh của Xa-tan (12,3) và của Con Thú (13,1).
Kết luận
Sách Khải Huyền được viết ra cho bảy Hội Thánh ở Tiểu Á
trong hoàn cảnh bị đế quốc Rô Ma bách hại. Các hoàng đế Rô Ma buộc mọi người
trong đế quốc tôn thờ hoàng đế như một vị thần (xem ý nghĩa mã số 666 hay 616)
qua những nghi thức tôn thờ hoàng đế công khai. Các Ki-tô hữu không chấp nhận
tôn thờ hoàng đế. Họ chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa, nên bị bách hại và bị
giết chết.
Câu hỏi đặt ra là số phận những Ki-tô hữu bị giết chết vì
trung tín với niềm tin vào Đức Ki-tô sẽ ra sao? Trong lúc thế lực sự dữ đang
thi thố sức mạnh trong lịch sử, Thiên Chúa đã làm gì để bảo vệ người tin? Uy
quyền và sức mạnh của Thiên Chúa so sánh như thế nào với sự giàu sang và thế
lực của đế quốc? Ai thực sự là kẻ chiến thắng, khi trong thực tế, các Ki-tô hữu
là những kẻ yếu thế và thất bại, bằng chứng là họ bị bắt và bị giết chết?
Trong bối cảnh này, Sách Khải Huyền dùng đề tài “màu sắc, đá
và kim loại quý” để đặt song song hai thực tại: “Thực tại lịch sử” và “thực tại
mặc khải”. Bản văn hàm ý so sánh triều đình đế quốc Rô Ma với triều đình Thiên
Quốc; so sánh sức mạnh và uy quyền của các hoàng đế Rô Ma với sức mạnh và uy
quyền của Thiên Chúa và của Con Chiên là Đức Ki-tô. Sách Khải Huyền cho thấy:
Không có sự huy hoàng lộng lẫy nào ở trần gian (cụ thể là các cung điện của
hoàng đế Rô Ma) có thể so sánh với sự sang trọng và rực rỡ của Thành
Giê-su-ra-lem mới. Không có sức mạnh nào của các vua chúa trần gian (cụ thể là
các vua chúa trong đế quốc Rô Ma) có thể so sánh với sức mạnh và vương quyền
của Đức Ki-tô. Bởi vì Người là “Vua các vua, Chúa các chúa” (21,16), Người là
“An-pha và Ô-me-ga” (22,13), là “Đấng Đầu Tiên và Cuối Cùng” (1,17; 2,8), “Đấng
là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (22,13). Như thế, Thiên Chúa và Con Chiên bị sát tế
là Đức Ki-tô, mới thực sự là Chúa của lịch sử. Những mặc khải này là nguồn động
viên lớn lao cho các Ki-tô hữu trong hoàn cảnh khó khăn thử thách (xem lời nói
đầu Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt).
Tóm lại, đề tài “màu sắc, đá và kim loại quý” là một đặc
trưng độc đáo của Sách Khải Huyền, nhằm chuyển tải đến độc giả thông điệp thần
học: Người Ki-tô hữu sống trong trần gian có cơ sở để tin tưởng và cậy trông
vào quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Cho dù họ bị giết chết, nhưng họ
thực sự là những kẻ chiến thắng và sống hạnh phúc. Sách Khải Huyền mô tả cuộc
sống của những kẻ trung tín với Đức Ki-tô cho đến cùng, với những lời đầy khích
lệ như sau:
Kh 7,14-17: “14Họ là những người đã đến từ cơn thử thách lớn
lao, họ đã giặt áo của họ và tẩy trắng áo mình trong máu của Con Chiên. 15Vì
điều này, họ ở trước ngai Thiên Chúa, thờ phượng Người ngày và đêm trong Đền
Thờ của Người, và Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người trên họ. 16Họ sẽ
không còn phải đói, không còn phải khát, mặt trời cũng như mọi sức nóng không
còn đổ xuống trên họ nữa. 17Vì Con Chiên ở giữa ngai sẽ chăn dắt họ và dẫn đưa
họ tới nguồn nước sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau mọi giọt lệ trên mắt họ.”
Ước gì, độc giả tìm được nguồn khích lệ và động viên khi đọc
Sách Khải Huyền, để từ đó xác tín, cam đảm và trung kiên khi gặp thử thách
trong cuộc sống. Những lời mặc khải mạnh mẽ trong Sách Khải Huyền làm cho độc
giả nhận ra rằng: Dù hoàn cảnh có bi đát như thế nào đi nữa, người tin vẫn có
lý do để hy vọng và cậy trông. Trong mọi gian nan, thử thách, người tin vẫn có
bình an, thứ bình an đích thực Đức Giê-su ban tặng. Bình an của Đức Giê-su
không làm biến mất những thử thách, nhưng là bình an ngay giữa cơn thử thách.
Đó là thứ bình an có khả năng làm cho người tin đứng vững và vượt qua mọi gian
nan, khốn khó./.
Ngày 06 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/11/y-nghia-mau-sac-kim-loai-va-quy-trong.html
email: josleminhthong@gmail.com
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét