PHÁN XÉT CUỐI CÙNG (Mátthêu 25,31-46 – CN XXXIV TN - A)
Trong bài nói về phán xét cuối cùng, Đức Giêsu nhấn mạnh đến
việc trao tặng nhưng-không, tỏ bày lòng từ bi thương xót và sự tốt lành cho
người anh em.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh
Có những người gọi đây là “dụ ngôn về cuộc phán xét thế
gian”. Tuy nhiên, nếu muốn đúng nghĩa dụ ngôn, chúng ta chỉ có cc. 32b-33, được
coi như một dụ ngôn ngắn. Phần lớn của bản văn được tạo nên bởi hai mẩu “đối
thoại phán xét” chính (cc. 34-40.41-45). Có thể gọi đây là một bức họa về phán
xét. Đây không phải là một bản văn khải huyền, vì không có thị kiến, cũng không
phải là một bài huấn giáo về phán xét, vì không có một lần nào bản văn ngỏ lời
trực tiếp với các độc giả.
Qua bản văn hôm nay, chúng ta gặp được niềm hy vọng của Hội
Thánh vào Đức Kitô quang vinh (“Chúa” [Kyrios]: cc. 37.44; Đức Vua: cc. 34.40
// “mục tử”: c. 32). Hẳn là tác giả đã lấy cảm hứng từ các bản văn ngôn sứ như
Tv 2,7; 110,1-3; Đn 7,14. Tuy nhiên, ngoại trừ quang cảnh hùng vĩ đó, sứ điệp
trọng tâm của bản văn vẫn không khác sứ điệp của những bản văn đi trước: Người
đầy tớ trung tín (24,45-51), Các trinh nữ (25,1-13), Ba người tôi tớ (25,14-30)
trong đó ta thấy cuộc gặp gỡ với ông chủ, cũng được gọi là kyrios, kết thúc với
phần thưởng hoặc hình phạt.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Quang cảnh Phán xét cuối cùng (25,31-33);
2) Xét xử những người bên phải (25,34-40);
3) Xét xử những người bên trái (25,41-45);
4) Kết luận (25,46).
3.- Vài điểm chú giải
- muôn dân (32): Theo S. Hre Kio (“Understanding and
Translating “Nations” in Mt 28,19”, dans The Bible Translator 41 (1990) 236),
trong số 16 lần từ ngữ ethnê được dùng trong Mt, chỉ có ba lần liên hệ với cuộc
phán xét thế gian (24,7; 24,14; 25,32), thì rất có thể từ ngữ phải được hiểu
theo nghĩa tổng quát, không giới hạn (= Do Thái + Dân ngoại); trong những
trường hợp khác, từ này được hiểu là “Dân ngoại” (4,15; 5,47; 6,7; 6,32; 10,5;
10,18; 12,18; 12,21; 18,17; 20,19; 20,25; 21,43; 24,9).
- tập hợp trước mặt Người (32): Cựu Ước cũng đã nói đến cuộc
quy tụ hoành tráng các dân trên thế giới lại để chịu Thiên Chúa phán xét (Ge
4,2; Is 66,18; Gr 25,31; v.v.). Ở đây chúng ta cũng gặp lại viễn tượng ấy: đây
không còn phải là cử chỉ từ bi thương xót của người mục tử cánh chung quy tụ
những người được chọn (Mk 4,6; Xp 3,19; Ed 34,12-13) hoặc quy tụ cả Do Thái lẫn
Dân ngọai vào một đoàn duy nhất (Gr 3,17), nhưng là hành vi uy quyền triệu tập
loài người ra trước tòa Thiên Chúa.
- tách biệt chiên với dê (32): Chính xác thì đây là chiên và
dê con. Ban ngày chúng có thể đi chung, nhưng về đêm người ta phải tách dê con
ra để giữ cho chúng ấm. Vì chiên thì có giá trị hơn dê con, ta hiểu tại sao
chiên được đặt về bên phải vị Thẩm phán cánh chung, vì chỗ bên phải là chỗ danh
dự.
- Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn
(37): Không phải là những người lành quên, nhưng họ không biết là khi giúp đỡ
những người túng cực là họ đã làm cho chính Con Người. Ý nghĩa tròn đầy của các
hành vi của họ chỉ được vén mở vào giờ cuối cùng. Điều này hoàn toàn phù hợp
với nền luân lý của Mt (“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả
lại cho anh”, Mt 6,4).
- những anh em bé nhỏ nhất (40): Từ ngữ “bé nhỏ” (nêpios và
mikros) được dùng nhiều lần trong Mt để gọi những thành viên yếu hơn hoặc có
nhu cầu hơn trong cộng đoàn (11,25; 26,16: nêpios; 10,42; 13,32; 18,6;
26,39.73: mikros), còn từ elakistos, “bé nhỏ nhất” để gọi con người thì chỉ
xuất hiện trong bản văn ở đây mà thôi. Dường như từ này không đồng nghĩa với
hai từ trên, mà lại có nghĩa xã hội nhiều hơn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn của chúng ta là bản văn cuối cùng trước khi truyện
Thương Kho bắt đầu, đồng thời, là giáo huấn cuối cùng Đức Giêsu ban cho các môn
đệ.
* Quang cảnh Phán xét cuối cùng (31-33)
Bản văn mở ra với một quang cảnh hùng vĩ: Con Người “đến
trong vinh quang”: Người vẫn là mục tử “tách biệt chiên với dê”, nhưng cũng là
Đức Vua uy phong chủ trì cuộc xét xử chung cuộc. Chúng ta mường tượng ra khung
cảnh được nói đến trong dụ ngôn Cỏ lùng (13,41-43), với cùng những nhân vật
(một bên: Con Người, các thiên thần, Chúa Cha, những người công chính, những
người làm việc tốt; bên kia: ma quỷ, các thiên thần của ma quỷ, những kẻ xấu,
những kẻ bị chúc dữ), nhưng được triển khai rộng ra. Đức Giêsu xuất hiện trong
vinh quang của Người, chung quanh có các thiên thần, ngự trên một cái ngai vinh
quang (c. 31). Tất cả những yếu tố mô tả đây là biểu tượng của sự hiện diện và
quyền lực của Thiên Chúa. Vinh quang là sự hiển lộ rạng rỡ, chói ngời của Thiên
Chúa. Các thiên thần đứng trước nhan Người
làm chứng về sự hiện diện của Người. Cái ngai tượng trưng uy quyền của
Người, từ đó Người điều khiển cách chắc
chắn.
* Xét xử những người bên phải và bên trái (34-45)
Đã có quyền lực và sự uy hùng của Thiên Chúa, Đức Giêsu thực
hiện việc xét xử. Lời tuyên án có tính vĩnh viễn, không thể hồi tố. Đức Giêsu
đã đến như “Con Người”, Đấng đã được Thiên Chúa trao cho quyền chúa tể, vương
vị và vương quyền (x. Đn 7,14). Người tuyên án như “Đức Vua” đang thi hành
quyền chúa tể vô song (25,34.40). Người hành động như là “Con Thiên Chúa” đang
lên tiếng nhân danh Chúa Cha (x. 25,34) và đứng về phía những người túng quẫn,
được coi như là anh em Người và con Thiên Chúa (c. 40). Người được mọi người có
mặt nhận biết như là “Chúa tể” (cc. 37.44). Trong cuộc xét xử, địa vị và uy
quyền của Đức Giêsu cũng như trọng lượng lời Người và hành động của Người được
tỏ bày.
Mọi dân tộc, tất cả mọi người không ngoại lệ, phải trả lẽ về
mình trước nhan Người. Tức khắc có một chi tiết khiến chúng ta ngạc nhiên: Đây
không phải là những người Israel
(23,37–24,31) hoặc các Kitô hữu (24,45–25,30) mà là “muôn dân” (panta ta ethnê)
(c. 32). Cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, “các dân tộc” (ta ethnê) dường như là
một tên chuyên được dùng để gọi các Dân ngoại. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể
hiểu theo nghĩa bao quát: dân Chúa và Dân ngoại. Tác giả Mt viết cho một giáo
đoàn hỗn hợp, gồm các Kitô hữu gốc Do Thái và Dân ngoại, để giáo huấn họ về
việc đưa Lời Chúa ra áp dụng (24,45–25,30; x. Rm 2,13). Đến ngày tận thế, mọi
người, dân Do Thái cũng như người ngoại, đều được triệu tập đến trước mặt vị
Thẩm phán tối cao. Không ai có thể coi như không có Người. Mỗi người sẽ bị xét
xử theo tiêu chuẩn chính Người quy định và Người xác định số phận đời đời cho
từng người. Bất kể địa vị, giai cấp xã hội, phái tính, giống nòi hoặc tuổi tác,
mọi người đều bị xét xử theo một tiêu chuẩn như nhau.
Khi đó, tất cả sẽ bị xét xử, không phải tùy theo những công
trạng đã đạt hoặc những lỗi đã phạm đối với các khoản luật lệ nào, nhưng là
những lỗi phạm đến anh chị em đồng loại. Bản văn không nêu ra những việc như là
một cuộc trả thù chống lại các thẩm phán bất công và các bạo chúa đã áp bức Israel hoặc dân
mới của Thiên Chúa, nhưng nêu ra những việc đã không làm cho hạng người cùng
rốt trong bậc thang xã hội. Đây là những việc làm cho con người (“những anh
em”), trong tư cách là con người, chứ không phải là trong tư cách là người Israel hay là
Kitô hữu. Cũng không có nét gì là chuyên biệt tôn giáo trong các công việc này.
Đức Giêsu đã gọi những ai thi hành ý muốn của Cha Người là “anh em” Người
(12,48-50). Nhưng ở đây trong tư cách vị thẩm phán, Người lại nói đến “những
anh em bé nhỏ nhất”, tức là những người cùng chia sẻ thân phận nghèo khó và
khiêm tốn như Người (x. 11,28-30). Đức Giêsu thích tự đồng hóa với những người
bé nhỏ, bởi vì đức tính tapeinôsis, “sự khiêm nhường”, là nhân đức căn bản của
Người (x. 11,28-36) và những người yếu đuối là đối tượng Người ưu ái chăm sóc.
Tất cả mọi người đều là “anh em” Người (x. Rm 8,29; Dt 2,11.17), nhưng những
người túng quẫn hơn và xấu số mới là “anh em” Người cách gần gũi nhất.
Lời tuyên án được công bố vào cuối một cuộc đời hoặc cuối
một kinh nghiệm, nhưng án xử thì được thực hiện dọc theo dòng lịch sử. Có thể
nói mỗi người xây dựng chính hạnh phúc hay bất hạnh vĩnh cửu ngày qua ngày.
Loài người sẽ bị xét xử không phải về những gì đã nghĩ hoặc đã nói, nhưng về
những gì đã làm cho chính anh em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu,
nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp được Người, đó là nẻo đường “các
việc từ bi thương xót”; đó chính là các việc Người đã làm. Ta gặp lại giáo huấn
của Đức Giêsu: không phải là nói như Đức Kitô, nhưng là hành động như Người,
mới được chiếu cố. Khi săn sóc những người “nhỏ bé nhất”, những người túng
quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những người trần truồng, những
người ngồi tù (cc. 35-36), ta vừa làm giống như Đức Kitô vừa săn sóc chính Đức
Kitô. Ta giúp đỡ Đấng một ngày kia sẽ là thẩm phán.
Khi nhắc đến một vài nhu cầu sơ đẳng, như thiếu thức ăn,
thức uống, nơi ở, quần áo, và cả tình trạng bệnh tật và tù đày, Đức Giêsu không
muốn cung cấp một danh sách rốt ráo. Người không yếu cầu điều không thể làm
được, nhưng việc tặng ban và giúp đỡ vừa sức chúng ta.
Những ai đã dấn thân làm việc tốt, Đức Giêsu gọi họ là
“những kẻ Cha Ta chúc phúc” và ban cho họ Vương quốc vĩnh cửu (c. 34). Thiên
Chúa trong tư cách là Cha của Đức Giêsu đã chúc phúc cho họ.
* Kết luận (46)
Như một mặt trời, lòng tốt của Đức Giêsu và tình yêu của
Người rọi tới họ, làm cho họ tươi nở trong niềm vui và hạnh phúc, và ban cho họ
sự sống viên mãn (c. 46). Những gì họ đã trao tặng cho người thân cận với sức
yếu đuối nay nhận được đầy tràn do Thiên Chúa ban: tình yêu, sự hiệp thông, sự
sống và niềm vui.
Còn những người khác thì bị loại khỏi nhan Thiên Chúa. Lửa
tượng trưng sự dày vò và đau đớn giáng xuống trên tất cả những ai bị loại không
được nhạn sự chúc phúc và sự sống của Thiên Chúa. Họ không được sống trong sự
nhân lành chói chan của Chúa Cha và trong cộng đoàn những người có sự tốt lành
này. Số phận của họ là cộng đoàn những kẻ ích kỷ và thất bại, là sự thù ghét
căm hờn.
+ Kết luận
Bài diễn từ đầu tiên của Đức Giêsu bắt đầu bằng phúc lành
(5,3-12), bài cuối cùng kết thúc bằng cảnh phán xét cuối cùng. Toàn thể giáo
huấn của Đức Giêsu được gom lại giữa hai giáo huấn quan trọng này, là những
giáo huấn nói về những gì chúng ta có thể chờ đợi từ nơi Thiên Chúa và những gì
chính chúng ta phải làm. Trong bài nói về phán xét cuối cùng, Đức Giêsu nhấn
mạnh đến việc trao tặng nhưng-không, tỏ bày lòng từ bi thương xót và sự tốt
lành cho người anh em. Đấy là yếu tố chính, lãnh vực chuyên biệt để chúng ta
hành động. Tuy nhiên, cũng không được quên những giáo huấn khác của Đức Giêsu.
Nhận biết uy quyền của Người và quyền lực của Chúa Cha làm cho chúng ta có khả
năng và thúc đẩy chúng ta hành động theo các tiêu chuẩn của Chúa Cha cũng là
của Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tất cả những gì chúng ta là và có đều là của cải được ký
thác. Chúng ta không được phung phí theo ngẫu hứng, nhưng phải sử dụng theo ý
muốn của Thiên Chúa và nhằm phục vụ Ngài (25,14-30). Bài Tin Mừng hôm nay cho
biết ý muốn của Thiên Chúa là gì và việc phục vụ được yêu cầu hệ tại điều gì:
giúp cho một người ở trong tình cảnh quẫn bách là giúp chính Đức Giêsu. Việc
giúp đỡ ấy khiến chúng ta được chấp nhận trong ngày phán xét để được đi vào
cuộc sống vĩnh cửu. Từ khước hoặc bỏ qua không giúp đỡ người khác sẽ khiến
chúng ta bị kết án vào ngày phán xét và đưa chúng ta đến hình phạt đời đời.
2. Những người nghèo khó túng cực tự họ không thể tự đồng
hóa với Đức Giêsu, nhưng chính Người tự đồng hóa với họ. Do đó, mỗi việc giúp
đỡ dành cho những người nhỏ bé có một giá trị bền vững. Đàng sau mỗi người, và
nhất là đàng sau mỗi người nhỏ bé, yếu đuối, bị thử thách, có Đức Giêsu đang
hiện diện; trong con người này, Đức Giêsu gặp chúng ta và xin chúng ta giúp đỡ.
Do Đức Giêsu, mỗi người nhận được một phẩm giá thường hằng, và hành động được
thực hiện vì Người sẽ nhận được một giá trị vô song và quyết định đối với số
phận của mình.
3. Đức Giêsu không nói: Ta đã bị bệnh và các ngươi đã chữa
ta lành, Ta đã bị tù và các ngươi đã giải thoát Ta. Chữa lành bệnh tật và giải
phóng thường vượt quá khả năng chúng ta. Tuy nhiên, để chia sẻ thì không cần
nhiều của cải hoặc những tài năng đặc biệt, nhưng cần một trái tim rộng mở và
có lòng thương cảm. Bởi vì có rất nhiều nhu cầu khác nhau, về thể lý, tâm lý
hoặc tinh thần. Điều đầu tiên là phải có con mắt, trái tim và sự nhạy cảm; nhất
là phải nhận ra nhu cầu của người anh chị em.
4. Bài học của đoạn Tin Mừng này đã rõ: Đến cuối đời, chúng
ta sẽ bị phán xét về tình yêu. Những người công chính là những người đã chu
toàn Luật Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã diễn tả qua điều răn lớn nhất. Một
lần nữa, ở đây, Người lại đồng hóa tình yêu đối với tha nhân với tình yêu đối
với Thiên Chúa. Để những việc ta làm cho anh chị em được gọi là “tốt”, ta hãy
làm việc ấy cho chính Thiên Chúa.
5. Tác giả Mt tin rằng Hội Thánh Kitô giáo không có một vị
trí đặc biệt nào tại cuộc phán xét. Các Kitô hữu cũng bị xét xử bởi Con Người,
Đức Chúa của họ, chỉ dựa trên các hành vi yêu thương họ đã làm, y như bất cứ
người nào khác. Chính vì thế, họ chẳng có gì để tự mãn.
Nguồn: kinhthanh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét