Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XVI : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN







HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XVI : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN

I. Ý CẦU NGUYỆN

1. Xin Mẹ Maria chúc lành - gìn giữ - che chở và chuyển cầu cùng Thiên Chúa ban ơn phúc hồn xác cho tất cả những ai trong thánh Mân Côi này đã có lòng yêu mến và đọc kinh Mân Côi.

+ Xin cho những ý cầu nguyện Dân Chúa dâng lên Mẹ được Chúa nhận lời.

+ Xin cho những người tội lỗi, những người báng bổ vị đại diện Chúa và các chủ chăn, những kẻ dùng miệng lưỡi hay ngòi bút để tiếp tay với Satan phá hoại Giáo Hội, được nhận ra sai lạc mà quay về với Chúa.

II. ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN (KONTUM)

Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen

1. Đôi điều về nguồn gốc tượng đài Đức Mẹ Măng Đen

Theo tư liệu của Toà Giám mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noel năm ấy, Đức cha Phaolô Seitz Kim, Giám mục Kontum, đã tới cử hành Thánh lễ tại đây. Năm 1974, chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Điều đáng nói là pho tượng, vẫn nguyên vẹn, đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng người lương (ông B., tạm đọc là Bá và bà H.: Hằng), nhưng họ chưa quan tâm nhiều và chưa có sự ứng xử cụ thể nào đối với pho tượng.

2. Quá trình hình thành trung tâm hành hương

2.1. Câu chuyện ông Bá phát hiện pho tượng Đức Mẹ bị tàn phế

Câu chuyện ông Bá phát hiện pho tượng Đức Mẹ bị tàn phế, do vợ ông là bà Hằng kể lại cho một tín hữu Công giáo (ông L., tạm đọc là Lành) ngày 9-12-2006. Chính việc ông Lành đi gặp bà Hằng cũng là do một sự tình cờ khá hy hữu. Hôm đó ông Lành ăn trưa trong quán tại thị trấn Kon Plông, và theo thói quen Công giáo, ông làm Dấu Thánh Giá trước bữa ăn, khiến một thanh niên kia tò mò, thấy thế liền tới bắt chuyện. Anh này tự giới thiệu là P. (tạm đọc là Phả), cũng là người Công giáo, nhưng do kế sinh nhai nên đã thôi hành đạo công khai. Anh ta biết bà Hằng và biết rằng bà này đã phát hiện một pho tượng Đức Mẹ gãy tay và đang muốn đem về nhà bà ta. Chính anh Phả này đề nghị với ông Lành: “Hay là anh thỉnh đem (tượng) về đi”. Điều khiến ông Lành ngạc nhiên là nhà bà Hằng ở ngay trước mặt nhà mình, mà ông không hề nghe bà ấy kể chuyện tượng Đức Mẹ. Ông Lành hứng chí, bỏ nghỉ trưa, đi ngay về nhà để gặp bà Hằng. Theo bà này kể, thì vào năm 1987, tức 4 năm sau khi phát hiện tượng đài với pho tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn, chồng của bà đi học tại Quy Nhơn, đã hai lần nằm mơ thấy cái đầu và hai bàn tay của pho tượng bay lơ lửng gần bên pho tượng. Sau lần mơ thứ nhất, ông Bá về Măng Đen kiểm tra thì thấy đúng là pho tượng không còn đầu và tay nữa. Ông vẫn chưa tìm ra cách ứng xử nào. Sau lần nằm mơ thứ hai tại Quy Nhơn, với nội dung giấc chiêm bao giống như lần trước, ông đâm ra bối rối, trở về nhà, đem chuyện kể với mấy người thợ đang lao động trong mỏ đá của ông. Trong số này có một người Công giáo, tuy không phải là nghệ nhân chuyên nghiệp, nhưng vì thương hại sự bối rối của ông chủ bên lương, và cũng có thể do lòng kính mến Đức Mẹ, nên đã theo cảm hứng hồn nhiên dùng xi măng đắp thêm cái đầu vào pho tượng với gương mặt không giống Đức Mẹ Fatima thông thường bao nhiêu, nhưng mang dáng dấp Phật Bà Quan Âm. Nghệ nhân nghiệp dư ấy cũng ráp hai bàn tay mới vào pho tượng (nhưng sau đó cả hai đã rơi xuống, nằm vùi dưới đất gần tượng đài. Nghĩa cử của ông chồng bên lương có đính kèm hành động mang tính tín ngưỡng cao: ông thành kính thắp nhang cầu nguyện trước pho tượng vừa được phục chế. Kết quả là: từ đó ông hết nằm mơ thấy pho tượng trong giấc ngủ, đồng thời kinh tế gia đình ông khấm khá lên hơn trước.

2.2. Câu chuyện chụp hình

Câu chuyện chụp hình do chính ông Lành kể: ngay trưa hôm đó (9-12-2006), ông Lành chở bà Hằng đến tượng đài do bà chỉ đường. Với chiếc máy kỹ thuật số, ông muốn chụp hình bà đứng bên tượng đài làm tư liệu. Bà từ chối vì sợ. Cuối cùng do ông Lành nài nỉ, bà đồng ý chụp. Ông chụp cho bà, sau khi bà đã bấm máy cho ông. Nhưng kỳ lạ thay: những kiểu chụp cho bà Hằng thì không thấy có hình nào cả, còn những kiểu chụp cho ông Lành thì có ảnh rõ nét! Tác giả Phước Nguyên bình luận “đây là một điềm lạ nữa”.

2.3. Câu chuyện anh tài xế xe ủi người lương

Câu chuyện anh tài xế xe ủi người lương do anh Phả kể cho ông Lành trưa hôm 9-12-2006: “Xe ủi đang ủi đường theo mốc phóng mở đường vòng đai thị trấn này (Kon Plông), khi đến gần tượng đài (cách trung tâm thị trấn khỏang 1km) thì bị tắt máy hoặc máy vẫn nổ mà không tiến được. Kêu thợ đến sửa thì thợ bảo máy vẫn tốt. Sau đó người ta mới nhận ra có bức tượng ở phía trước mặt (chắc hẳn là pho tượng đã được phục chế như đề cập trên đây), anh tài xế lại rồ máy và ủi tránh sang một bên - nên con đường giờ đây hơi cong so với dự tính ban đầu của nhà quy họach” - và xe đã chạy ngon lành.

Sau đó (nghĩa là sau cuộc gặp gỡ với anh Phả và bà Hằng), ông tín hữu nhiệt thành ấy lên làm cỏ, trồng cây… và không ai bảo ai, tin loan rất nhanh… Điều đáng nói là trong suốt 23 năm (từ 1983 đến 2006) hoặc lâu hơn thế nữa, 32 năm (từ 1974 đền 2006) không một tín hữu Công giáo nào biết mà đến chăm sóc pho tượng. Ông Lành là người Công giáo đầu tiên đuợc thấy pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay vào ngày 9-12-2006. Chính ông đã trình báo ngay cho Toà Giám mục Kontum. Và ngày 28-12-2006, phái đoàn gồm Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, cùng một số linh mục, tu sĩ đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên. Và ngày 9-12-2007, lần đầu tiên Đức Giám mục Giáo phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Ý là chọn ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 8-12, nhưng Toà Giám mục bận, nên mới dời sang ngày 9-12-2007, trùng với ngày giáp một năm ông giáo dân Lành được bà Hằng bên lương dẫn tới xem pho tượng. Như vậy, hiện tượng “hằng ngày có vài xe đò đến hành hương kính Mẹ (và) dưới chân tượng đài đầy hoa, nến, nhang và vài tấm bảng “Tạ ơn Mẹ” chỉ mới bắt đầu từ mùa Giáng Sinh 2006.

Tôi không bình luận về những điều ly kỳ mà bài viết của Phước Nguyên gọi là “điềm lạ”. Tôi chỉ muốn ghi nhận sự kiện khách quan sau đây: Những người đầu tiên phát hiện pho tượng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay là một đôi vợ chồng bên lương, rồi một anh tài xế xe ủi bên lương. Chính đôi vợ chồng ấy trước tiên chăm sóc pho tượng (với sự tiếp tay của một thợ mỏ đá Công giáo) và bày tỏ lòng tôn kính, tin tưởng đối với pho tượng. Còn anh tài xế xe ủi, vì kính hoặc sợ mà không ủi sập tượng đài nằm ngay trên vạch đường quy họach. Phải chăng đã có một sự can thiệp vô hình và thầm lặng của Đức Mẹ? Sau đó mới đến lượt ông tín hữu Công giáo tới chăm sóc và cầu nguyện nơi tượng đài, mở đường cho những cuộc hành hương ngày càng đông và đa dạng…” nhiều phái đoàn trong và ngoài giáo phận, và cả nước ngoài cũng đã đến đây hành hương viếng Mẹ và nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ”. Bài viết của Phước Nguyên cũng như toàn bộ tư liệu của Toà Giám mục Kontum không hề nói tới một cuộc hiện ra nào của Đức Mẹ (hai lần chiêm bao của ông chồng bên lương không thể coi là sự hiện ra của Đức Mẹ như tại nhiều trung tâm Thánh Mẫu khác), và cũng không ai nhận được một lời mặc khải hoặc một mệnh lệnh nào của Đức Mẹ (có chăng là lương tâm ông Bá, sau hai giấc mơ lạ thường tại Quy Nhơn, đã tự cảm thấy một sự thôi thúc thầm lặng nào đó khiến ông hiểu rằng: cần phải sửa lại pho tượng cho phải phép và xứng đáng…). Những chi tiết này, nhất là vai trò của những người bên lương, làm nên nét riêng biệt của Đức Mẹ Măng Đen. Pho tượng Đức Mẹ Măng Đen tỏ ra “thiêng” và “quyền năng” cách thầm lặng trước tiên với người bên lương, rồi sau đó cũng tỏ ra “thiêng” đối với những người khác, cả giáo lẫn lương - họ đều “nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ”.

Cuối cùng, mấy lời huấn từ ngắn gọn của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, được ghi lại trong bản tin về cuộc hành hương của phái đoàn Liên hiệp Các Bề trên Thượng cấp Việt Nam hôm 29-3-2007, có thể coi như sự xác định mục đích và ý nghĩa của trung tâm hành hương mà ngài muốn lập tại đây: “Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung (2006) của HĐGMVN mời gọi”. Đó là định hướng thừa sai, truyền giáo, đem ơn lành và tinh thần của Đức Mẹ Măng Đen đến cho mọi người chung quanh mình, ưu tiên cho anh chị em dân tộc, và mở rộng tầm nhìn tới những ai bị gạt ra bên lề, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân HIV/AIDS và biết bao người bất hạnh khác. Sự xấu xí của pho tượng cụt tay là yếu tố độc đáo, độc nhất vô nhị, biểu lộ sức thiêng phi thường của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, mà người ta không tìm thấy ở bất cứ Trung tâm Thánh Mẫu nào khác. Vì lẽ đó, tôi thiển nghĩ nên duy trì nguyên trạng pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, với hai bàn tay hữu hình bị cụt, nhưng chúng ta được phép tin là vẫn thiêng với bàn tay hay ngón tay vô hình của Thiên Chúa Toàn Năng là chính Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động trong Mẹ. Việc Đức Mẹ ban nhiều ơn lành cho những khách hành hương đổ về nơi đây, là giáo hay lương, là Kinh hay Thượng, dường như xác nhận ngầm lời huấn dụ của vị chủ chăn sở tại, và cho phép tôi tóm tắt đặc điểm linh đạo – mà tôi thấy đặc biệt sâu sắc - của Trung tâm Hành hương Măng Đen như sau:

- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay thể hiện cách cụ thể và đầy ấn tuợng sự thông dự của Đức Maria, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Thiên Chúa, vào mầu nhiệm tự huỷ tự hạ tột độ của Đức Kitô, Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa Giavê nơi Thập Giá.

- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay biểu lộ cách thiết thực và hữu hiệu sự đồng cảm sâu sắc của Đức Maria với những người đang mang trên thân xác và trong tâm hồn mình dấu vết sự tự huỷ tự hạ ấy của Chúa Cứu Thế nơi Thập Giá.

- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay gửi đi một sứ điệp thống thiết mời gọi mọi khách hành hương hãy cùng với Đức Maria quan tâm tới họ, cầu nguyện cho họ và dấn thân làm một cái gì đó cho họ như một sự hiệp thông và chia sẻ: chia sẻ tình người và tình Chúa. Lm. Gioakim Nguyễn Hòang Sơn, khi trao cho Đức Giám mục và Cha Tổng Đại diện Giáo phận Kontum bàn tay và ngón tay trỏ bị gãy của tượng Đức Mẹ Măng Đen, đã thầm nghĩ: “Có lẽ Mẹ bảo: bàn tay của Mẹ, ngón tay trỏ của Mẹ nay giao lại cho các con, nhờ các con xoa dịu những vết thương lòng, những con người gặp cảnh ngộ đau khổ. Các con tiếp nối bàn tay của Mẹ”.

Đó chính là cùng với Đức Maria thực hiện công cuộc Phúc Âm hoá, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, khởi đi từ đồi núi Măng Đen xa xôi, hẻo lánh, và từ cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên bao la…

(Theo bài viết của Lm. Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm, về Đức Mẹ Măng Đen)

LỜI TẠ ƠN MẸ CỦA CHÚNG CON

Lạy Mẹ Maria, một tháng Mân Côi nữa đang kết thúc.

Chúng con xin đồng ca cảm tạ Chúa,

Vì đã cho chúng ta ngày giờ rộng rãi

để

ca tụng - tôn vinh - bày tỏ tấm lòng hiếu thảo

của chúng con đối với Mẹ.

Suốt cuộc đời này,

cho chúng con biết gắn bó và yêu mến Mẹ

trong cuộc chiến chống lại ma quỷ và hoả ngục,

trong cuộc đời làm chứng nhân cho Chúa Kitô,

trong cuộc sống gia đình, giáo xứ, cộng đoàn

với niềm tin vững vàng rằng:

Mẹ luôn yêu thương và gìn giữ chúng con.

BTGH

Nguồn: truyenthongconggiao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét