LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ TRONG DÒNG LỊCH SỬ DO THÁI
LINH MỤC ANPHONG TRẦN
ĐỨC PHƯƠNG
Sách Phúc Âm theo Thánh Matthêu khởi đầu bằng bản tường
thuật Gia Phả của Chúa Giêsu (Matthêu 1: 1-17) và bắt đầu từ tổ phụ Abraham. Có
thể nói, lịch sử Ơn Cứu Độ bắt đầu từ Abraham trong dòng lịch sử Do Thái và Do
Thái Giáo.
Theo Sách Khởi Nguyên, cuốn sách đầu của Thánh Kinh, thì ông
Abraham (Thế kỷ XIX trước Chúa giáng sinh) có cha tên là Terah, người gốc thành
Ur , sắc tộc Chaldeans, vùng đất Mesopotamia, gần vịnh Ba Tư. Gia đình đã di
chuyển (du mục) lên miền Haram. Từ Haram, Thiên Chúa đã dẫn đưa Abraham xuống
phía tây nam đến miền Canaan và cuối
cùng định cư tại giải đất Palestine ,
sát bờ biển Địa Trung Hải. Abraham lúc đầu có tên là Abram, nhưng đã được Thiên
Chúa đổi tên là Abraham (Khởi Nguyên 17: 5) khi Thiên Chúa ký Giao Ước với ông.
Ông Abraham và bà vợ là Sarah đã sinh ra Isaac. Từ Isaac và
bà vợ là Rebecca sinh ra Giacop. Ông Giacop sau được đổi tên là Israel
(Khởi Nguyên 32: 29). Giacop sinh được 12 người con là tổ phụ của 12 chi họ Israel . Do đó,
khi tái lập quốc gia (vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, sau gần 2 ngàn năm mất
nước), người Do Thái đã đặt tên nước mình là Israel. Mười hai người con trai
của Giacop là: Reuben (đầu lòng) Simeon, Levi, Giuda, Issachar, Zebulun (Mẹ là
Leah) Giuse, Benjamin (Mẹ là Rachel), Dan, Neptali (Mẹ là Bilhah), Gad, Asher
(Mẹ là Zilpah) (Khởi Nguyên 35: 23-26).
Vào khoảng năm 1630 (trước Chúa giáng sinh), vì nạn đói xảy
ra tại vùng đất Canaan, nên cả gia đình Giacop đã sang sinh sống tại Ai Cập
khỏang 400 năm, và phát triển thành một dân đông đảo. Mãi đến khoảng năm 1230
(trước Chúa giáng sinh), vì bị người Ai Cập áp bức bắt làm nô lệ, nên Moisê đã
được Thiên Chúa chọn làm người lãnh đạo để đưa cả dân tộc thóat khỏi cảnh nô lệ
Ai Cập, vượt qua sa mạc Sinai trong 40 năm để trở về lại quê hương là “đất Chúa
đã hứa” ban cho tổ phụ Abraham (Xin xem Sách Xuất Hành). Chính đại tướng Joshua
đã thay thế Moise lãnh đạo dân chiếm lại phần đất cũ của quê hương và chia cho
12 chi tộc.
Theo bản Gia phả, thì Chúa Giêsu thuộc chi tộc Giuda và từ
đó tiếp theo xuống là hai vị vua rất nổi tiếng của người Do Thái là vua David
(khoảng 1015-975) và vua Salomon (khoảng 970-931). Từ đó cứ tiếp nối theo thời
gian cùng với nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt là cuộc lưu đày tại Babylon
(khoảng 587-533 trước Chúa giáng sinh) rồi lại trở về quê hương Palestine, và
tiếp nối cho tới thời “viên mãn” Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem. Từ đó, lịch
sử Ơn Cúu Độ được chia ra làm hai thời kỳ: Cụu Ước (trước Chúa giáng sinh), và
Tân Ước (sau Chúa giáng sinh). Lịch sử nhân loại cũng được đánh dấu hai thời
kỳ: Trước Chúa giáng sinh (trước Công Nguyên; B.C. hoặc B.C.E.) và sau Chúa
giáng sinh (sau Công Nguyên; A.D.).
Theo đúng lịch sử, thì Chúa Giêsu sinh vào năm 7 hoặc 6
trước Công Nguyên (vì người làm lịch lúc đầu đã tính lầm thời gian (Xin xem bài
“Nhân Mùa Giáng Sinh…”). Chúa Giêsu đã lớn lên tại Nagiaret (thuộc vùng
Galilêa, phía Bắc Do Thái) và đã đi rao giảng Phúc Âm tình thương trong 3 năm,
rồi chịu khổ hình và chịu chết trên Thánh Giá vào tháng 4 năm 30. Ngài đã sống
lại và lên trời để mở đường cứu độ cho nhân loại. Ai tin theo và sống theo Phúc
Âm tình thương của Ngài thì được hưởng nhờ ơn cứu độ (Matcô 16: 16).
Trong thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã gọi và huấn luyện
12 Tông Đồ (Matthêu 10:1-4) để sai đi rao giảng về Nước Chúa và thành lập Giáo
Hội Chúa. Mười hai Tông Đồ là: Phêrô (Simon) và người anh là Anrê, Giacobê, và
em là Gioan (con ông Giêbêđê), Philiphê, Batôlômêô, Tôma, Matthêu (người thu
thuế), Giacobê (con ông Anphê, anh em họ của Chúa Giêsu), Giuđa Tađêô, Simon,
và Giuđa Iscariô (sau này Matthias đã được chọn thay thế Giuđa (Công Vụ Tông Đồ
1: 15-26). Phaolô đã được Chúa gọi (vào năm 36) làm Tông Đồ trong một biến cố
đặc biệt khi ông đang đi trên đường đến Đamas để lùng bắt các môn đệ của Chúa (Công Vụ Tông Đồ 9: 1-21).
Thánh Phêrô đã được đặt làm thủ lãnh các Tông Đồ (Matthêu
16: 13-19) và là vị Giáo Hoàng đấu tiên của Giáo Hội Chúa (Gioan 21: 15-17).
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ, Phúc Âm của Chúa đã được rao giảng
khắp nơi, trong và ngoài nước Do Thái
(Luca 24: 47), cho đến mọi quốc gia ngày nay trên thế giới. Ai tin và sống theo
Phúc Âm tình thương của Chúa thì được ơn cứu độ Ngài ban.
Mỗi Mùa Giáng Sinh trở về, lại là dịp cho chúng ta ôn lại
lịch sử ơn cứu độ qua từ lời hứa của Thiên Chúa (Khởi Nguyên 2: 15; Roma 5: 12-19)
sẽ cho Đấng Cứu Độ đến để chuộc tội của con cháu Adong và Evà. Lời hứa đó đã
được lưu truyền qua bao thế hệ của dòng lịch sử của dân tộc Do Thái là dân
riêng Chúa đã chọn từ giao ước với Abraham, Moisê. Cho đến thời Chúa Giêsu thì
chấm dứt thời “Cựu Ước” để mở đầu “một
Tân Ước vĩnh củu” và ơn cứu độ không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Do Thái,
nhưng đã được mở rộng cho mọi dân tộc (Luca 24:47). Mọi người đều được mời gọi
gia nhập Giáo Hội Chúa để được giáo huấn và sống theo tinh thần Phúc Âm Chúa đã
giảng dạy để được hưởng ơn cứu độ.
Từ hơn hai ngàn năm nay, Chúa Giêsu vẫn chăn dắt đoàn chiên
của Chúa qua Giáo Hội. Giáo Hội chính là một “Israel mới” của Tân Ước. Chúa
Giêsu vẫn ở cùng Giáo Hội và chăn dắt đoàn chiên của Chúa như lời Chúa đã hứa
trước khi về cùng Chúa Cha: “Thày vẫn ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận
thế” (Matthêu 28: 20). Qua dòng thời gian, Chúa vẫn gọi và chọn một số người
làm tông đồ đặc biệt và sai đi khắp nơi để rao giảng Phúc Âm tình thương của
Chúa. Nhưng chính mỗi tín hữu chúng ta cũng là những “Tông Đồ Giáo Dân”. Bằng
cách này hay bằng cách khác, mỗi tín hữu đều có bổn phận làm việc tông đồ để
đưa Chúa đến cho mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc hàng ngày, trong gia đình,
ở sở làm, xưởng thợ, trường học, trong mọi môi trường sống hàng ngày của chúng
ta. Chính đời sống đức tin gương mẫu của chúng ta để “làm chứng nhân cho Chúa” (Luca 24: 48) là
cách thể hiện công việc tông đồ hữu hiệu nhất.
Nguồn: liendoanconggiaovn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét