CAN ĐẢM NÓI LỜI CHÚA
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ
diễn ra tại Madrid (16–21/8/2011), 200 bạn trẻ đại diện cho các giáo phận, các
cộng đoàn và các phong trào trong Giáo hội đã nhóm họp, từ 29/8–1/9/2010 tại
Taizé (Saône-et-Loire), để dành thời gian trao đổi và dự khoá huấn luyện. Cha
Timothy Radcliffe, tu sĩ Đa Minh người Anh, đã thuyết trình nhân sự kiện này để
mời các bạn trẻ trở nên chứng nhân của Đức Kitô bằng tất cả con người của mình
trong tiến trình này.
Xin cảm ơn đã mời tôi chia sẻ với các bạn đôi ba suy tư về
sứ vụ cho các bạn trẻ của nước Pháp, ngày hôm nay. Vì tôi không phải là người
Pháp, cũng chẳng còn trẻ, nên tôi cảm thấy không xứng đáng. Nhưng tôi giữ trong
lòng câu chuyện về một người anh em của tôi. Người anh em ấy một hôm đi thuyết
trình ở Chicago, khi anh trở về chỗ sau bài thuyết trình thì tiếng vỗ tay không
được nhiệt tình cho lắm. Người bên cạnh, mà anh thổ lộ: “Tôi hy vọng bài thuyết
trình không tệ chứ!”, trả lời anh: “Tôi không thích anh và bài thuyết trình của
anh! Tôi chỉ đơn giản muốn biết ai đã mời anh tới thuyết trình!”. Nếu các bạn
có điều chi không bằng lòng xin đến gặp ban tổ chức!
Chắc chắn trong số các bạn đây đều đầy nhiệt huyết với ý
tưởng rao giảng Tin Mừng. Có những người mất kiên nhẫn để chia sẻ Tin Mừng của
Đức Giêsu. Một số khác hình như có vẻ hơn không chắc chắn. Nói gì đây? Tôi tin
cái gì? Tôi biết quá ít!? Xin để tôi nói cho các bạn 2 điều.
Thứ nhất, nhà giảng thuyết hay nhất thường ngần ngại và ít
bảo đảm. Ngôn sứ Giêrêmia đã ngập ngừng trước khi được sai đi. Ngài nói với Đức
Chúa: “Tôi không biết nói thế nào, tôi chỉ là một đứa trẻ” (Gr 1,6). Khi các
Tông đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế gian sau Lễ Ngũ Tuần, họ đã
bắt đầu bằng việc ở trong nhà của họ. Họ không muốn rời bỏ cái tổ của mình.
Phải có cuộc bách hại để làm cho họ di chuyển. Vì thế, nếu các bạn trải qua thử
thách của những sự ngần ngại, bạn đừng lo: các Tông đồ cũng từng như các bạn!
Thứ hai, để giảng Tin Mừng, câu hỏi đặt ra trước tiên là bạn
là ai, bạn làm gì, bạn là ai trước mặt Đức Kitô. Bạn được “bén rễ và xây dựng
nơi Đức Kitô, được củng cố trong đức tin”. Bạn sống trong Đức Kitô. Bạn là thân
thể của ngài. Thánh Têrêsa Avila nói: “Đức Kitô không có thân xác nào khác trên
trái đất này ngoài thân xác của các bạn, cũng không có bàn tay nào khác ngoài
bàn tay các bạn, không có bàn chân nào khác ngoài các bạn. Chính bởi đôi mắt
các bạn mà lòng cảm thông của Đức Kitô được diễn tả cho thế giới; bởi đôi chân
của bạn mà ngài đi làm những điều tốt lành; bởi đôi bàn tay của bạn mà ngài ban
phước lành cho nhân loại”.
Chúng ta hãy xem xét cách thức mà các bạn được sai đi để làm
hiện diện giữa giới trẻ của nước Pháp dung nhan của Đức Kitô, đôi tai, cái
miệng và đôi tay của ngài.
Khuôn mặt
Chúng ta hay bắt đầu bằng khuôn mặt. Khi bạn yêu ai, điều
đáng kể nhất, đó là người ấy cười với bạn. Tôi còn nhớ khi tôi ở tuổi vị thành
niên nhút nhát, tôi đã theo đuổi cách vô vọng cô gái mà tôi say mê, chỉ với mỗi
hy vọng rằng nàng chú ý đến sự hiện hữu của tôi và nở nụ cười với tôi. Nếu nàng
nhìn về phía tôi mà không thấy tôi, thì tôi có cảm giác như mình không tồn tại.
Và nếu nàng ra vẻ thản nhiên và dửng dưng, thì tôi như bị chôn sống vậy. Rồi
nàng yêu một người lính và tôi đi vào dòng Đa Minh!
Israel cũng đã từng như vậy với Đức Chúa. Israel thích một
cách đơn giản là Đức Chúa cười với họ: “Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời; để
chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80,4). Đôi khi ta thấy ơn cứu độ như sự việc được
thấy tránh khỏi sự trừng phạt, được thấy tha thứ khỏi tội lỗi. Nhưng trong Cựu
Ước, thực tế này còn nhân bản hơn nhiều: chính Đức Chúa nhìn chúng ta với tình
yêu. Dấu vết của Kinh Thánh cổ xưa nhất mà chúng ta có được là một miếng da
mang những dòng chữ sau: “Nguyện Ðức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện
Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện Ðức
Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!” (Ds 6,24-26). Nếu ai đó nhìn
chúng ta với tình yêu, thì chúng ta có thể tin tưởng vào nụ cười này.
Khuôn mặt của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm nơi dung mạo của
Đức Giê-su. Ngài lưu ý đến tất cả những ai cần đến nụ cười. Ngài nhìn thấy anh
lùn Gia-kêu trên cây và cười với anh. Ngài thấy Lê-vi, người thu thuế, ở bàn
làm việc, và đã gọi anh. Hàng triệu người cảm thấy vô hình và đơn giản cần đến
ai đó nhìn thấy mình. Simone Weil nói: “Tình yêu nhìn thấy vô hình”.
Cười với ai, đó chỉ cho thấy giá trị của người ấy với mọi
người. Raimond Gaita là một triết gia người Úc. Ở tuồi 17, ông làm điều dưỡng
trong một bệnh viện tâm thần. Những bệnh nhân này không còn tỏ ra bất cứ dấu
hiệu nào của trí khôn hay phẩm giá con người. Nhiều bác sĩ và y tá là những
người chuyên nghiệp, những con người đáng kính nói về phẩm giá không thể tước
bỏ của các bệnh nhân. Một hôm, một nữ tu đến thăm họ. R. Gaita đã sững sờ vì cách
mà người nữ tu này nói chuyện với các bệnh nhân. Nụ cười và lời nói của vị nữ
tu này thật kỳ lạ “bởi khả năng tỏ lộ toàn bộ nhân tính của những con người mà
những đau khổ của họ đã làm cho nhân tính trở nên vô hình. Từ “tình yêu” chỉ ra
cách thức hiện hữu này”. R. Gaita xác nhận rằng những người gác tù thấy các tù
nhân khác đi sau khi những người yêu thương họ viếng thăm.
Tình yêu hy vọng rằng nụ cười này sẽ đền đáp. Đó là vẻ đẹp
và đồng thời là nguy cơ của sứ vụ này. Phải chăng sẽ có, cách này hay cách khác,
một nụ cười đáp trả? Ở Oxford nơi tôi đang sống, có rất nhiều người ăn xin. Họ
cố gắng thu hút cái nhìn của chúng tôi. Liệu chúng ta có trao đổi cái nhìn này?
Một ngày nọ, tôi được đưa đi ra bên ngoài Kingston, Jamaica, để xem một đống
rác khổng lồ nơi những người nghèo nhất trú ngụ. Tôi để ý đến một cái chòi lớn,
gần như là một chiếc thùng các-tông lớn. Khi đến gần hơn, một người mẹ và đứa
con trai nhỏ của bà chui ra khỏi đó. Họ mời tôi vào nhà, và mời tôi uống coca
mà họ đã tìm thấy trong đống rác thải. Đứa bé đề nghị tôi đổi áo cho nhau. Tôi
vô cùng xúc động. Tôi còn giữ mãi chiếc áo T-shirt này. Tôi phải thu mình lại
và tôi không còn đạt đến việc trốn chạy. Không chỉ chính tôi đã nhìn thấy họ
nhưng họ đã nhìn thấy tôi. Tôi hiện hữu trong mắt họ, tôi đã được mời vào nhà
họ. Ngay cả khi chỉ thoáng qua, họ mời tội trở thành người anh em của họ.
Đây là nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta: đưa ra cái nhìn tình
yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa vui thú nơi những con người, ngài tìm thấy niềm
vui nơi họ. Chính bởi điều đó mà con người hiện hữu. Chúng ta nên họ là khuôn
mặt của Thiên Chúa đấng vui thú với con người, nhất là với những ai gặp thấy bị
khinh rẻ hay trở nên vô hình. Bây giờ hãy xem làm sao nghe bằng đôi tai của Đức
Giêsu. Chúng ta phải là những đôi tai của Ngài ngày hôm nay.
Đôi tai
Ta thường nghĩ đến những nhà giảng thuyết như những con
người nói hay. Họ đứng trên toà giảng và giải nghĩa cho người ta điều phải tin.
Nhưng vô ích để giảng Tin Mừng trước khi lắng nghe. Khi người ta đến với Đức
Giêsu, người thường để cho họ nói trước tiên. Người không chỉ muốn nhồi nhét
cho họ Tin Mừng, nhưng người muốn khám phá ra sự chờ đợi của họ. Khi anh mù
Bartimée đến với ngài, Đức Giêsu hỏi anh: “Anh muốn ta làm gì cho anh?”. Ta có
thể tin rằng điều đó đi từ con người. Con người này không nhìn thấy. Nhanh
chóng, một phép lạ! Nào, mau lên! Nhưng không! Đức Giêsu muốn rằng người này
nói với chính ngài điều anh muốn. Đức Giêsu lắng nghe; ngài đáp trả những mong
muốn của anh.
Chúng ta không phải là những người bán hàng đưa ra đề nghị
với Chúa như câu trả lời cho tất cả. Chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ là nơi người
ta ở và từ điều người ta muốn. Đó có thể đơn giản là một chút đồng hành hay ai
đó đi chợ khi người ta đau bệnh hay ai đó cầm lấy tay họ. Nhưng nếu chúng ta
đáp ứng lại sự chờ đợi của họ, có thể họ khám phá ra dần dần niềm ham muốn sâu
xa hơn của họ, mà chúng quay chiều về Thiên Chúa. Hãy để cho họ thời gian.
Lắng nghe người ta là một trong những nghệ thuật vĩ đại nhất
thế giới. Có thể chúng ta sợ lắng nghe người khác bởi vì họ nói điều làm phiền
chúng ta. Hay nữa, bởi vì chúng ta chẳng có bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi
của họ. Khi tôi còn là vị tuyên uý trẻ không có kinh nghiệm, một sinh viên trẻ
và đẹp đến hỏi tôi những chuyện rất riêng tư. Phần lớn liên quan đến đời sống
tình dục của cô, đúng hơn cuộc sống phóng túng. Tôi còn là ông thầy trẻ ngây
thơ và nghĩ rằng tôi đang đi đúng đường. Nhưng tôi sợ đến nỗi điều tôi có thể
nói ra hay nhất khi cô ngưng nói là tôi hầu như ngưng lại để lắng nghe cô. Và
trong trường hợp này, khi cô ngừng nói, quả thực là tôi chẳng còn gì để nói
nữa! Nếu chúng ta thực sự lắng nghe, với tất cả trí tưởng tượng của mình, tất
cả sự mở rộng của tinh thần và con tim, thì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta điều
gì đó để nói.
Xin tha lỗi cho tôi nếu tôi còn bá láp với những mối quan hệ
riêng tư của mình. Tôi không cưỡng lại điều này! Để đón tiếp Đức Gioan Phaolô
II tại một trong những trường đại học của chúng tôi, tôi đã phải học thuộc lòng
một ít tiếng Ba Lan. Khi tôi dừng nói, ngài đã bổ xung câu nói của tôi. Tôi đã
nói với ngài bằng tiếng Ý: “Con hy vọng rằng tiếng Ba Lan của con thì hơn tiếng
Ý của con”. Và ngài trả lời tôi, nhanh như tia chớp: “Nếu trái tim mở rộng, thì
thần trí sẽ hiểu thôi”. Chúng ta nên lắng nghe với trái tim rộng mở: mở ra cho
thấy điều người ta sống, cho niềm tin, cho những vấn đề của con người.
Nếu chúng ta thấm đẫm chính mình, thì chúng ta sẽ không nghe
được điều người khác nói. Một hôm, nhà biên kịch người Anh Noël Coward gặp một
người bạn mà họ không gặp nhau sau nhiều năm và ông nói với bạn: “Chúng ta
không có thời gian để nói về hai chúng ta, nào, hãy nói về tôi”. Lắng nghe là
một kỷ luật của đời sống tâm linh. Dominique Pire là một tu sĩ Đa Minh người Bỉ
đã nhận giải Nobel sau Thế chiến II vì đã đóng góp cho hoà bình. Ông có thói
quen nói: “Phải sẵn sàng để cho người khác làm đầy”. Saint-Exupéry, phi công
người Pháp đã viết Hoàng Tử Bé, nói: “Nếu tôi khác anh… tôi làm anh tăng giá
trị”. Điều này có thể làm cho chúng ta sợ hãi. Phải chăng tôi có dám nghe người
mà họ nghĩ khác về tôi?
Phải chăng tôi có dám nghe người mà họ có sự hiểu biết về
đức tin rất khác với đức tin của chúng ta? Giáo Hội rất chia rẽ giữa những
người theo truyền thống và những người cấp tiến. Thường xảy ra là họ chẳng nghe
nhau. Chúng ta có dám lắng nghe như Đức Giêsu người không bao giờ sợ lắng nghe
bất cứ ai?
Cho tới đây, chúng ta đã cười và đã nghe; và bây giờ chúng
ta sẵn sàng nói. Chúng ta là cái miệng của Thiên Chúa.
Cái miệng
Chính đây là nơi mà nhiều người trong chúng ta gặp thử thách
lo ngại. Tôi sẽ nói cái gì đây? Khi tôi là tập sinh, tôi bất ngờ khi những anh
em cùng lớp với tôi thiếu nhẫn nại để bắt đầu giảng thuyết. Phần mình, tôi nghi
ngờ thời điểm đó. Tôi có cảm tưởng chẳng biết gì hết; tôi thấy mình đã bị tê
liệt vì căng thẳng. Tôi có biết bao là câu hỏi và nghi ngờ! Có thể bạn tự nhủ
mình thật là dại khi vào Dòng Anh Em Giảng Thuyết! Như người ta nói trong tiếng
Anh: Điều làm nghĩ đến con gà tây khi nó có ý kiến, đó là Noel đến rồi! Rồi tôi
chắc chắn không phải là đơn độc khi có nhiều sợ hãi, xem xét chúng từng nỗi sợ
một.
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lời Chúa trước tiên
không ở trong những sự kiện để truyền thông. Thiên Chúa nói một Lời và mọi sự
xảy đến. Thiên Chúa nói: “Hãy có ánh sáng”, và ánh sáng liền xuất hiện. “Anh
Aloïs hãy xuất hiện”, “Hãy có ốc sên để người Pháp ăn”, và tôi cũng ăn ốc sên
nữa. Đức Giêsu, người là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nói với người ta những lời
chữa lành, tiếp đón, làm đứng dậy và đôi khi, đặt cho người ta những câu hỏi.
Mỗi khoảnh khắc, chúng ta trò chuyện, đùa vui, gởi tin nhắn;
chúng ta viết blog, chúng ta chia sẻ tin tức, chúng ta than vãn về nhà hùng
biện chán ngán, chúng ta ‘tám’… Lời nói là hoạt động quan trọng nhất của con
người. Và thách đố đạo đức quan trọng nhất là điều này: lời nói của chúng ta
phải chăng là những lời nói của sự sống mà nó tạo nên giá trị cho người ta, xây
dựng và nuôi dưỡng con người? Hay chúng chỉ là những từ ngữ độc ác, lên án và
gièm pha người ta? Liệu chúng ta có đưa ra Lời Chúa mang tính tạo dựng? Hay lời
của Satan, chuyên phá huỷ và gây xáo trộn? Liệu chúng ta có làm ô danh người ta
không?
Đây là câu chuyện về một thầy rabbi, phẫn nộ trước một người
phụ nữ trong đền thờ mà bà này không ngớt đặt điều nói xấu hết mọi người và làm
phát tán đi những chuyện lăng nhăng. Một hôm, thầy đưa bà này lên đỉnh của toà
tháp cao và bảo bà rũ bỏ đi những gì chứa trong chiếc gối đầu: những chiếc lông
vũ bay vung vãi khắp thành phố. Thầy bảo người phụ nữ: “Bây giờ, bà đi lượm lại
hết những chiếc lông vũ này”. Bà trả lời: “Thưa thầy, không thể được; chúng bay
khắp nơi”. Và chính thầy, đến lượt mình, đã trả lời: “Đó cũng chính là những
lời nói xấu xa của con đó”.
Những phương tiên truyền thông thường cung cấp cho chúng ta
những thông tin có tính phá huỷ và nghi ngờ. Một ngày nào đó, có những người
được thổi lên tận mây xanh, rồi ít lâu sau, cũng những người này bị dìm xuống
bùn đen. Các chính khách, những vận động viên, các cầu thủ của nước Pháp phải
chịu gánh nặng của những sai lầm của họ. Thế giới của chúng ta đầy những lời
nói cứng rắn gây thương tích cho con người và đem lại cho họ tổn hại.
Vì thế, nếu chúng ta muốn trở thành cái miệng của Đức Giêsu
ngày hôm nay, thì chúng ta trước tiên phải thích ứng với một ngôn ngữ mà nó
nuôi dưỡng và tôn trọng con người, và đặc biệt những người bị đối xử như những
người thấp kém nhất, những người cảm thấy bị gạt sang bên lề và bị khinh bỉ, vì
chính họ là những người bạn của Thiên Chúa.
Nhưng phải chăng đó là những nghi vấn và những vấn đề của
tôi? Hình như tôi có cảm tưởng là không biết nhiều về đức tin của tôi; có thể
tôi tự hỏi nếu tôi tin tất cả điều đó thì cuối cùng là gì? Làm sao tôi có thể
ra đi rao giảng Tin Mừng, với biết bao là sự không chắc chắn này? Tôi phải rũ
bỏ đi những nghi ngại của tôi?
Khi Đức Giêsu sai các môn đệ của ngài đi loan báo Tin Mừng
đến tận cùng trái đất, ở cuối Tin mừng Matthêu, ngài viết rằng “một số còn nghi
ngại”. Tôi rất thích đoạn văn này. Họ ở đó, trên ngọn núi, trước mặt Chúa Phục
Sinh, và một số vẫn còn nghi ngại. Nhưng Đức Giêsu đã sai họ đi dù thế nào!
Trong Tin Mừng Gioan, người đầu tiên giảng, đó là một phụ nữ gặp bên bờ giếng.
Đó là người phụ nữ mang tiếng xấu. Cô đã sống với năm người đàn ông. Người ta
chắc chắn xem cô thuộc hàng đĩ điếm. Và cô phải ở vào hoàn cảnh nghi ngờ và đầy
nghi vấn trước người đàn ông xa lạ là Đức Giêsu. Nhưng chính cô, nhà thuyết
giáo đầu tiên. Và người đầu tiên tuyên xưng Thiên tính của Đức Giêsu, chính là
Tôma, người hồ nghi. Ông từ chối tin vào sự Phục sinh. Ông muốn có bằng chứng.
Ông muốn đặt bàn tay vào cạnh xườn của Đức Giêsu. Nhưng con người này, kẻ đã
nghi ngờ và đặt ra những câu hỏi lại là người đầu tiên nói với Đức Giêsu: “Lạy
Chúa và Lạy Thiên Chúa”.
Như thế, vào lúc nói lên đức tin của họ, một số trong chúng
ta có sự không chắc chắn, những nghi vấn, những câu hỏi không có giải đáp. Và
rất là tốt! Vì những người nhận ra rằng là người Công giáo không có nghĩa là có
tất cả mọi lời giải đáp. Đức Hồng y Kasper, từ Vatican, nói rằng Giáo Hội đã có
nhiều uy quyền hơn nếu thường xuyên nói: “Tôi không biết”.
Bậc thầy lỗi lạc nhất của Kitô giáo là tu sĩ dòng Đa Minh,
Thánh Tôma Aquinô. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn vô tư! Ngài rất thích đoạn nói rằng:
“Đừng gọi ai là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy duy nhất, Đấng ngự trên trời”.
Khi tôi là Bề trên Tổng quyền của Dòng, tôi ghi nhận rằng anh em có vẻ đặc biệt
thích bản văn này. Nó xuất hiện thường xuyên cách bất ngờ trong các bài đọc.
Không ai trong chúng ta là thầy. Chúng ta cùng đồng hành với những người cùng
đi cùng một con đường với chúng ta, chia sẻ những vấn đề và những ưu tư của họ.
Chúng ta tiến bước với nhau, cùng suy nghĩ chung. Chúng ta không nên sợ lý luận
khi tìm kiếm. Chúng ta tin rằng lý trí của chúng ta là ân huệ của Thiên Chúa và
nó dẫn chúng ta đến với Chúa vào lúc cần thiết.
Tôi nhớ đến một người anh em của tôi, Herbert McCabe. Người
ta kể rằng khi anh lên 6 tuổi, mẹ anh đã quở trách anh vì một việc làm xấu. Bà
nói với anh: “Con rất hư. Rất hư đến nỗi con mắc tội trọng đấy”. Và xảy ra là
cậu bé Herbert đã trả lời: “Mẹ ơi, không thể được. Con không thể phạm tội trọng
trước khi có trí khôn. Mà, theo Giáo Hội, người ta chưa khôn khi được 6 tuổi.
Lý lẽ của mẹ thế là sai rồi”.
Nhưng hãy cho tôi có một lời về giáo thuyết. Trong xã hội
chúng ta, có một thành kiến rất lớn với giáo điều chống lại giáo điều. Những
giáo thuyết ngăn cản suy tư: trẻ con chấp nhận giáo điều; người lớn, họ lại
nghĩ bởi chính họ. Những tín điều được đặt ra để làm cho người ta không khoan
dung với những tín ngưỡng khác. Đó là những xung đột về mặt giáo điều mà nó dẫn
đến việc những con người có tôn giáo giết nhau ở Israel, ở Irac và ở Pakistan.
Nhiều người nói: “Hãy để tín điều qua một bên và hãy tiến lên với điều gì tốt
đẹp và nhiệt tình như linh đạo!”.
Giáo thuyết đích thực không bao giờ nhốt Thánh Thần lại. Nó
luôn đưa tới gần hơn mầu nhiệm. Giáo thuyết đích thực là một cuộc phiêu lưu
không ngừng trong mầu nhiệm Thiên Chúa. G.K. Chesterton nói về cuộc phiêu lưu
của Chính thống. Chúng ta được rửa tội trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm, nhưng chính mầu nhiệm này giải
thích tất cả. Đối với chúng ta, sống thực sự, đó là chia sẻ sự sống của Ba Ngôi
Thiên Chúa trong đó chúng ta đã được rửa tội. Tuy nhiên, ngày xưa, có một vị tu
sĩ Đa Minh đáng kính người Ai Len, Đức Hồng y Michael Brown. Ngài là Bề trên
Tổng quyền của Dòng và nhà thần học của giáo hoàng. Hồi nhỏ, ngài được rửa tội
nguy tử bởi một nữ tu. Ngài đã trở về thăm vị nữ tu này để cảm ơn. Bà nói với
ngài: “Đức Hồng y kính mến, thật là niềm vinh hạnh cho con đã rửa tội cho ngài
nhân danh Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse”. Đột nhiên ngài tự nhủ: “Nếu tôi
chưa bao giờ được rửa tội đúng, thì tôi không thể được chịu chức linh mục và
ngay cả tôi không phải là Hồng y!”.
Những tín điều về Chúa Ba Ngôi, về thiên tính của Đức Kitô và
về sự Phục sinh thật là hấp dẫn. Trong những năm 1960 khi mà mọi sự có vẻ như
đang tan rã, nếu tôi - tu sĩ Đa Minh trẻ - tôi còn ở lại, chính là bởi những
anh em của tôi cho tôi thấy hương vị, sự chói lọi và lộng lẫy của giáo lý này.
Việc rao giảng Tin Mừng ở châu Âu hiện đại phụ thuộc, theo tôi, vào sự tái khám
phá vẻ đẹp của học thuyết đích thực này và sự giải phóng về mặt trí thức mà nó
mang lại. Tất cả chúng ta không có ơn gọi để giảng dạy giáo lý này. Một số
trong chúng ta sẽ là cái miệng của Đức Giêsu bằng những phương cách khác, có
thể căn bản hơn, khi nói những lời chữa lành và làm cho sống. Nhưng chúng ta
thực sự cần những con người dành những năm tháng cho thần học để những học
thuyết cao siêu này vẫn sống mãi.
Tôi nghĩ rằng thách đố lớn nhất của ngày hôm nay đến từ cách
thức chúng ta đụng chạm đến điều tưởng tượng của giới trẻ. Logic chưa đủ. Điều
có nghĩa là chúng ta phải hiểu những bộ phim mà giới thể yêu thích, những bài
hát mà các bạn hát, những cuốn sách mà các bạn đọc… Nếu chúng ta đam mê vì cái
làm mê hoặc những người trẻ ngày hôm nay, trong khi chúng ta nói một lời nhập
thể trong thế giới của các bạn. Chính vì điều này, khi tôi nói chuyện với các
bạn trẻ, ở Anh, tôi thường bắt đầu bằng một bộ phim mà họ đã phải xem.
Trong chuyến bay đến Sydney, mùa hè vừa qua, tôi đã xem bộ
phim hay tuyệt vời, Những đứa con của sự thinh lặng, câu chuyện về một người
đàn ông dạy học trong một trường khiếm thính và yêu sâu nặng một cô gái đẹp,
nổi loạn và bị giam trong sự thinh lặng. Vào lúc cần thiết, cô nói bằng ngôn
ngữ cử chỉ: “Nếu anh không thể để tôi là ‘tôi’ như chính anh là một ‘cái tôi’,
thì tôi không thể để anh bước vào trong sự thinh lặng của tôi để biết tôi”. tôi
tự nhủ: “Đúng. Thật là trực giác của tình yêu! Đó là sự nhập thể!”. Và tôi vội
vã đi xuống cuối lối đi, với khuôn mặt đầy nước mắt, để xin cô tiếp viên khăn
giấy, và cũng để ghi nhận. Cô đã phải tự nhủ: “Lại một tên gàn uống quá hớp!”.
Chúng ta đã thấy làm sao chúng ta có thể làm khuôn mặt, đôi
tai và cái miệng của Thiên Chúa. Bây giờ chúng ta đi đến giác quan quan trọng
và con người nhất của tất cả giác quan: xúc giác.
Xúc giác
Đức Giêsu chạm đến những con người mà ngài gặp gỡ. Ngài đụng
đến những thân thể của các bệnh nhân. Ngài chạm đến những người phong hủi. Ngài
đụng đến ngay cả những xác chết, điều làm cho ngài trở nên ô uế theo nghi lễ.
Bị đụng chạm đến không gây cho ngài vấn đề. Bạn nhớ lại rằng người phụ nữ này
chắc chắn là là cô gái làng chơi. Ngài đã để cho cô rửa chân cho ngài và lau
khô bằng những sợi tóc của cô. Ý tưởng mà một ai đó có lau khô chân tôi bằng
những sợi tóc ra như rất lạ lùng và kinh hãi. Nhưng Đức Giêsu lại thoải mái
trong thân xác của mình và đối diện với thân xác của người khác. Tại sao sự
quan trọng này chấp nhận cho xúc giác?
Thánh Tôma Aquinô, bậc thầy lỗi lạc của chúng tôi, nói rằng
đó là con người nhất về mọi phương diện. Những con ó thấy rõ hơn chúng ta. So
với những con chó, khứu giác của chúng ta chẳng là gì. Những con dơi nhận ra âm
thanh mà chúng ta không nghe được. Nhưng xúc giác thực sự là giác quan riêng
của con người: khi ta thực sự yêu ai, điều mong muốn đầu tiên là chạm đến người
ấy.
Tại sao xúc giác lại có chỗ như vậy trong tình yêu? Vì khi
ta yêu nhau, xúc giác luôn ở gần nhau. Khi ta đụng đến người mà ta yêu, người
ấy cũng đụng đến bạn luôn. Ta có thể thấy hay nghe mà không cần bị nhìn thấy
hay được nghe. Ta có thể cảm thấy không cảm thấy chính mình, ít là bởi những
con người. Nhưng ta không thể đụng đến ai mà không bị đụng tới. Trong sự Nhập
Thể, Thiên Chúa đụng tới chúng ta và chúng ta đụng tới Thiên Chúa. Đó là sự
hoàn thành của tinh yêu lẫn nhau của chúng ta.
Chính đó là lý do mà sự lạm dụng xúc giác, hay sự đụng chạm
không tình yêu, thì thật là ghê sợ, vì nó phá huỷ bản chất chính của xúc giác
là tính tương thân. Gandhi từ chối người ta cử những thành viên của đẳng cấp
thấp trong xã hội Hindu, những “người không thể đụng tới”. Điều này có nghĩa là
những người khác từ chối đụng đến họ. Lòng thương cảm cho chúng ta trái tim
bằng thịt. Nói khác đi, chúng ta muốn vươn cánh tay để đụng đến những người mà
kẻ khác loại trừ.
Năm ngoái, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm cộng đoàn
Blackfriars của tôi, để tham dự vào cuộc tranh luận về sự chiêm niệm trong
những truyền thống khác nhau của chúng ta. Paul Murray, tu sĩ Đa Minh người Ai
Len, đã có bài thuyết trình tuyệt vời, cũng như bài của một tu sĩ Dòng Camêlô.
Và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đáp từ. Chúng tôi đã không có giải pháp nào cho sự
khác biệt, nhưng chúng tôi lắng nghe nhau với đôi tai nhân từ. Nhưng không phải
những lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma làm chúng tôi vượt qua những sự chia rẽ, mà
chính những hành động của ngài. Một người bạn của cộng đoàn ở đó, trên chiếc xe
lăn. Cô hoàn toàn tê liệt sau cơn đột quỵ. Và khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào,
ngài dừng lại bên cạnh chiếc xe lăn, và áp má của ngài vào má của cô trong
thinh lặng. Ngài đã trải qua thời gian với cô nhiều hơn với bất cứ ai. Đó là sự
nhập thể của lòng đồng cảm.
Khi tôi bắt đầu dấn thân một chút trong công việc với những
bệnh nhân SIDA, vào những năm 1980, tôi khám phá ra tầm quan trọng của xúc
giác. Cộng đoàn của tôi đã tổ chức một buổi thuyết trình về Giáo Hội và bệnh
SIDA, và tầm quan trọng của câu trả lời đã vượt quá sự chờ đợi của chúng tôi.
Các thầy thuốc, y tá, những người làm tuyên uý, những người nhiễm SIDA và một
số bạn bè của họ, mọi người đều muốn đến. Người ta ở đó lúc bắt đầu. Phần lớn
trong chúng tôi chưa bao giờ gặp người nào mắc bệnh SIDA. Chúng tôi sợ lây
nhiễm cho nhau. Nhưng khi thanh lễ khai mạc kết thúc, một thanh niên tên là
Benedict, bị SIDA, đã đi về phía tôi để hôn chúc bình an. Khi ôm hôn anh, tôi
tự nhủ: “Chính thân thể của Đức Kitô cần được người ta ôm chặt lấy ngày hôm
nay”. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã đến và đụng chạm đến chúng ta. Thiên Chúa
chính ngày hôm nay đụng đến chúng ta. Chúng ta cũng phải chia sẻ sự đụng chạm
này.
Xã hội chúng ta có nỗi sợ hãi những nguy cơ, và ta sợ những
vụ lạm dụng tình dục đến nỗi ta sợ bị đụng chạm đến. Những nỗi sợ hãi này chắc
chắn là chính đáng. Nhiều cái đụng chạm lạm dụng và triệt hạ đã gây ra biết bao
là đau khổ cho người ta. Nhưng chúng ta phải chữa lành khi tìm thấy khả năng là
Thân thể của Đức Kitô theo cách này, con người nhất và đồng thời Kitô giáo
nhất. Chúng ta tước đoạt cách sâu sắc của nhau, và đưa nhau đi ngược lại sự
Nhập Thể nếu chúng ta không ngừng giữ khoảng cách, trong khi Thiên Chúa đến rất
gần. Phải chăng đó là thách đố cho những người Kitô hữu chúng ta? Làm sao chúng
ta có thể nhập thể theo cách thức mà Đức Kitô đã ôm lấy người khác?
Hy vọng của tôi, đó là các bạn mặc lấy Đức Kitô ngày hôm
nay. Các bạn được kêu gọi trở nên khuôn mặt, đôi tai, cái miệng và xúc giác của
Ngài. Điều này tạo ra sự can đảm. Một mặt, lòng can đảm để các bạn nhìn bởi
người khác, để các bạn cười với họ, để các bạn là chính mình; rồi lòng can đảm
để lắng nghe, đặc biệt những con người mà với họ các bạn không đồng ý, với sự
chắc chắn mà nếu các bạn mở rộng tinh thần và con tim, Chúa sẽ cho bạn một lời
cho họ; và lòng can đảm nói Lời Chúa. Điều này có được nhất là phản ứng lại
trước thái độ vô liêm sỉ của xã hội chúng ta, xã hội mà nó nghi ngờ tất cả,
nhất là với Giáo Hội. Và cuối cùng, chúng ta chứng tỏ lòng can đảm khi vươn
cánh tay để đụng đến những người khác với lòng đồng cảm của Đức Kitô và để được
đụng đến bởi kẻ khác. Chúc can đảm!
Dịch từ bản tiếng Pháp đăng trên La Documentation
Catholique, n° 2471, 3-7-2011
Hoàng Dũng
Nguồn: Đaminh VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét