Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

LỜI CHÚA MỖI NGÀY CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN năm B




Bánh ban sự sống
(Yôsua 24,1-2a.15-17.18b; Thư Êphêsô 5,21-32; Tin Mừng Yoan 6,60-69)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B
Yôsua 24,1-2a.15-17.18b; Thư Êphêsô 5,21-32; Tin Mừng Yoan 6,60-69
Ðể sống tình cảm và đời sống gia đình, trong thực tế có nhiều khó khăn. Không giải quyết và lướt thắng được, trái tim con người sẽ luôn bất an và buồn chán. Cuộc đời của họ có thể như xây nhà trên cát, vì con sâu buồn bực, hận thù hay thất vọng ở trong ruột gan họ sẽ đục khoét mọi công trình xây cất do bàn tay và trí óc họ làm ra. Các bài Kinh Thánh đọc trong thánh lễ hôm nay không đề ra hết mọi lời khuyên để giải quyết; nhưng nếu thực hành được những lời đạo đức này có lẽ con người sẽ tìm ra lẽ sống cho cuộc đời nhiều khi khó khăn.

1. Hãy Tin Vào Quá Khứ
Bài sách Yôsua cho chúng ta được chứng kiến cuộc họp mặt cuối cùng giữa nhà lãnh đạo quần chúng và đại biểu con cái nhà Israel. Yôsua bấy giờ đã già. Ông biết giờ chết đã gần. Nhìn vào dân tộc mà ông đã vất vả lãnh đạo đánh chiếm Hứa địa và định cư ở đó, ông không khỏi đau xót và lo lắng. Các chi họ Israel chưa hoàn toàn đoàn kết. Tương quan giữa họ và thổ dân chưa hoàn toàn tốt đẹp. Nhất là yếu tố xây dựng một dân tộc duy nhất là "lòng kính sợ Yavê", chưa được củng cố vững vàng. Con cái nhà Israel đang còn thích nhìn sang các tượng thần của dân bản xứ và của dân ngoại. Và nếu họ chạy theo các ngẫu tượng này thì thôi, sẽ mất tất cả.
Yôsua nhận thấy nguy cơ thật trầm trọng... Ông cố gắng một lần cuối cùng. Thu góp sức lực của tuổi già lại, ông triệu tập một cuộc họp đông đủ các đại biểu con cái nhà Israel. Ông chọn Sikem làm địa điểm nhóm họp. Ðây là nơi tổ phụ Abraham đã dựng bàn thờ đầu tiên để dâng đất Canaan này cho Thiên Chúa (Kn 12,6). Yacob và con cái ông đã để lại nhiều kỷ niệm ở chốn này (Kn 33,35). Chính Yôsua trong thời hoạt động nhất cũng chọn Sikem làm nơi tuyên bố luật pháp để đoàn kết các chi họ Israel trong một lý tưởng chung (Yos 8). Nay ông có lý để chọn nơi này làm chỗ tập họp nung nấu lại tình thương yêu ruột thịt.
Có lẽ đây không phải là một cuộc họp cử hành Phụng vụ, mặc dù sách viết: họ đứng chầu trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của hàng tư tế. Và sau khi họp bàn xong, họ đã ra về mà không làm một lễ dân nào. Câu viết kia chỉ có nghĩa là họ ý thức đang đứng trước mặt Yavê, đang ở nơi thánh địa của Người, đang làm việc dưới con mắt vô hình của Ðấng Thiên Chúa toàn năng.
Yôsua khai mạc phiên họp bằng cách nhắc lại quá khứ, để tất cả cùng nhờ Thiên Chúa đã hướng dẫn, bảo hộ, săn sóc dân như thế nào. Rồi ông kết luận: "Bây giờ các ngươi không bằng lòng phụng thờ Yavê thì cứ chọn lấy ai mà thờ, hoặc là các thần của tổ tiên trước khi họ đặt chân đến xứ này, hoặc là các ngẫu tượng của dân bản xứ mà Yavê đã giúp các ngươi đánh đuổi. Phần ta và cả nhà ta, sẽ phụng thờ Yavê".
Nói thực ra, sau những lời này, dân không còn chọn lựa nào khác là cùng nhất trí với Yôsua. Họ vừa nớ lại công ơn của Thiên Chúa. Họ thấy rõ nhờ Người mà họ được như ngày hôm nay. Quá khứ của họ được xây dựng nhờ sự hướng dẫn bảo hộ của Người. Toàn dân mủi lòng nghĩ đến sự vô tâm của họ trước đây đối với Yavê... Họ đồng thanh trả lời với Yôsua: "Quái gỡ thay nếu chúng tôi bỏ Yavê để phụng thờ những thần khác... Vậy cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng sẽ phụng thờ Yavê vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi".
Dĩ nhiên, đọc câu truyện trên đây cho chúng ta nghe hôm nay, phụng vụ chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nghĩ lại quá khứ đã ràng buộc chúng ta lại với Thiên Chúa để chúng ta suy nghĩ lại về lòng trung thành của mình đối với Người... Nhưng chẳng có gì cấm chúng ta áp dụng những điều này vào trong đời sống tình cảm và đời sống gia đình của chúng ta. Việc nhớ lại mối tình đầu và những chặng đường đã cùng nhau sát cánh qua bao nhiêu đắng cay ngọt bùi, không có sức giúp chúng ta lướt thắng những trục trặc và khó khăn hiện tại trong tương quan đối với bạn hữu và người thương của mình sao? Nhưng không phải chỉ có quá khứ, còn tương lai nữa. Và điều này chúng ta có thể nhận ra từ bài Tin Mừng Yoan.

2. Hãy Hy Vọng Ở Tương Lai
Ðoạn văn này kết thúc diễn từ của Ðức Yêsu về bánh ban sự sống. Chúng ta hẳn còn nhớ những lời cuối của Người đã nói: Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống... ai không ăn và không uống Thịt Máu này sẽ không được sống. Còn ai ăn và uống sẽ lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.
Ðó là những lời "sống sượng". Chắc chắn quần chúng đã không chấp nhận. Nhưng lạ kỳ thay: Thánh Yoan không để ý đến phản ứng của quần chúng. Người nhìn vào hàng môn đồ của Ðức Yêsu. Ðây không phải chỉ là nhóm 12. Có nhiều người khác nữa vẫn đi theo Người. Họ đã ở trong đám đông hay ở gần Người trong suốt bài diễn từ. Nhưng tác giả Yoan đã không chú ý đến họ. Nói đúng hơn trong chương 6 của sách Tin Mừng này, ông có lối trình bày kỳ cục. Lúc Ðức Yêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều thì có mặt các môn đệ ở giữa quần chúng (6,1-15); sau đó chỉ nguyên có môn đồ trên thuyền gặp sóng gió (6,15-21). Khi đã vào bờ an toàn và gặp đông đủ quần chúng, họ lại có mặt trong khi Ðức Yêsu giảng (6,22-59). Lúc Người giảng xong, trở lại chỉ còn có mình họ mà thôi (6,60-66). Và lần này sự việc cũng xảy ra một cách buồn thảm như khi gặp sóng gió.
Tại sao tác giả Yoan lại bố cục bài trình bày như vậy?
Phải chăng người muốn nói rằng sứ điệp của Ðức Yêsu gồm cả việc làm và lời nói, tuy diễn ra ở trước mặt toàn dân, nhưng cuối cùng sẽ có ảnh hưởng trên một số ít người, những kẻ thân cận với Người hơn cả, để bó buộc người ta phải lựa chọn và sự lựa chọn này sẽ quyết định tương lai của Tin Mừng ở giữa loài người? Chúng ta cứ nghĩ lại mà xem. Sau khi Ðức Yêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều rồi lẫn trốn lên núi để tránh bị lôi vào phong trào muốn có một vị cứu tinh trần tục, tác giả Yoan đã thuật truyện thuyền các môn đồ gặp biển động và cuồng phong. Có thể nói người đưa sự ngỡ ngàng và thắc mắc của tất cả quần chúng trước thái độ ly kỳ của Ðức Yêsu vào trong tâm hồn các môn đồ để nó tụ lại ở đây và làm sóng, làm gió thử thách đức tin của những kẻ đi theo Chúa. Cũng vậy, sau khi Ðức Yêsu đã nói những lời khó nghe về thịt và máu Người là của ăn và của uống, Yoan đã đem tất cả phản ứng của quần chúng vào trong tâm hồn các môn đồ để làm nổi bật tính cách cam go của cuộc phấn đấu mà đức tin đang gặp phải. Những năm sau Công đồng Vatican II không có một hiện tượng như vậy sao? Cuộc khủng hoảng ở trong dân chúng đã làm mưa to gió lớn trong đời sống tu trì và tông đồ.
Vậy phản ứng của môn đồ thật ra là của tất cả mọi người kết tinh lại để đi đến một thái độ phải dứt khoát trong lựa chọn� Họ lấy làm gai chướng về các lời của Ðức Yêsu. Người thương họ và muốn cứu giúp họ như trong trường hợp thuyền họ gặp sóng gió. Hôm ấy, Người đã hiện ra với họ, tỏ mình ra cho họ và lập tức thuyền họ đã cập bến bình an. Hôm nay lẽ ra họ còn phải nhớ câu truyện ấy. Quá khứ lẽ ra phải củng cố niềm tin của họ. Nhưng dường như không phải như vậy. Ðức Yêsu còn gợi lại hình ảnh trước; nhưng Người còn mạc khải cả tương lai nữa để họ biết chấp nhận hiện tại.
Người nói: "nếu các ngươi trông thấy Con Người lên nơi Ngài đã có trước...?" Những chữ "trông thấy" có thể gợi lên cảnh tượng trên mặt hồ sóng gió lúc Người hiện đến với họ. Nhưng lập tức những chữ ấy đã đưa về tương lai, ám chỉ việc Ðức Yêsu sẽ phục sinh, lên trời và hiện đến trong vinh quang. Người muốn ám chỉ rằng nếu lần thấy Người trong quá khứ đã có thể đem bình an lại cho họ, thì huống nữa là những điều họ sẽ thấy trong tương lai!
Tuy nhiên những lời như vậy chỉ có giá trị cho những tâm hồn có một chút thái độ tin tưởng và phó thác. Chứ đối với những con người xác thịt, chỉ muốn nắm ngay những gì ăn chắc, thì những lời đó không có ảnh hưởng gì cả. Thành ra nhiều môn đồ đã rút lui, không còn đi theo Ðức Yêsu nữa.
Nhìn vào đám 12 còn lại, mà từ nay sẽ trở thành Tông đồ, Ðức Yêsu muốn họ xác định lập trường. Simon Phêrô thay mặt anh em nói lên những lời tỏ rõ niềm tin như các sách Tin Mừng khác đã thuật lại khi các ngài đối thoại ở Cêsarê: Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Ngài có những lời đem lại sự sống đời đời. Chúng tôi sẽ bỏ Ngài đi theo ai?
Thế là từ nay Ðức Yêsu có một số ít đi theo Người. Còn đại đa số đã rút lui. Người sẽ đi với số ít này lên Núi Sọ dẫn đến vinh quang phục sinh, đang khi đại đa số sẽ dùng tay bọn quá khích và tên môn đồ phản bội để giết Người. Bọn này đã không nhớ lại việc làm và lời nói của Người ở trong quá khứ; và cũng chẳng có tinh thần vươn về tương lai mà nhiều lần Người đã gợi ra cho họ.
Nhiều người nơi chúng ta trong đời sống đối với Chúa và Hội Thánh cũng như đối với tha nhân bạn hữu và các người trong gia đình, không lướt thắng nổi các khó khăn, khủng hoảng, cũng chỉ vì đã hết quý hóa mọi tương quan thắm thiết trong quá khứ, và không có đủ sức mạnh tinh thần để tin tưởng vào tương lai. Nhiều cuộc ly dị hôn nhân đã xảy ra vì vậy. Nhiều sự cộng tác gãy gánh cũng thế. Và tất cả như vậy, cuối cùng, chỉ vì những suy nghĩ về quá khứ và tương lai không đủ mạnh đối với bộ mặt cam go của thực tế trong hiện tại. Lời Chúa hôm nay dùng bài Thánh Thư để giúp đỡ chúng ta về điểm này.

3. Hãy Hiểu Biết Hiện Tại
Thánh Phaolô bắt đầu khuyên tín hữu về các tương giao và tương quan xã hội trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Và trước hết người đề cập tới tương quan phu phụ.
Người không có những lý do cụ thể đặc biệt nào để đề cập vấn đề này đâu. Thư Êphêsô ít có tính cách cụ thể hơn cả, theo nghĩa đã không do hoàn cảnh cụ thể nào thôi thúc tác giả viết ra. Có thể nói nó không phải là thư trao đổi tin tức, hay muốn giải quyết vấn đề gì. Nó là một "luân thư", mượn hình thức thư từ để trình bày giáo lý.
Ở đây tác giả ca tụng mầu nhiệm cứu thế của Ðức Kitô đã đem đến cho chúng ta một sự sống mới. Ơn của Người phải phát huy ra trong đời sống, và trong các tương quan xã hội, mà gia đình là một môi trường. Tình yêu phu phụ giữ vai trò trọng yếu. Nó cũng phải được thấm nhuần mầu nhiệm Ðức Kitô.
Vậy nhìn tương quan phu phụ trong mầu nhiệm này, thánh Phaolô một đàng không thể quên hình ảnh Yavê là hôn phu của dân Người; và do đó Ðức Kitô là hôn phu của Hội Thánh. Ðàng khác, ở những trang đầu tiên trong bộ Thánh Kinh (Kn 2,24) người ta đọc thấy: "Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khăng khít với vợ mình và hai chúng sẽ nên một thân xác". Có lẽ câu Kinh Thánh này đã bị nhiều người lợi dụng và cắt nghĩa không chỉnh. Phaolô đem đọc dưới ánh sáng của mầu nhiệm Ðức Kitô và thấy ngay câu ấy viết về sự mật thiết của Ðức Kitô và Hội Thánh. Cả hai là một đến nỗi không thể rời nhau được nữa.
Nhưng không phải là không có thứ tự. Ðức Kitô đã yêu thương trước và đã phó nộp mình để làm ra Hội Thánh trong sạch không một vết nhơ. Người trở thành đầu của Hội Thánh, có uy quyền trên Hội Thánh, nhưng đó là thứ uy quyền của tình yêu, phục vụ.
Và Phaolô kết luận, chồng hãy cư xử với vợ mình như thế; và vợ hãy đối với chồng mình như Hội Thánh đối với Ðức Kitô.
Chắc chắn đây là những tư tưởng rất cao cả mà Phaolô gọi là mầu nhiệm lớn. Chấp nhận như vậy thì mọi vấn đề cụ thể khác dù có to cũng trở thành nhỏ, có khó cũng trở nên dễ. Bởi vì mọi thực tại trần gian đã được cuốn vào đà thăng tiến của mầu nhiệm Ðức Kitô. Và từ nay người có đức tin Kitô giáo có thể nhờ lòng tin cậy mến để chấp nhận và thăng tiến mọi sự kiện và tương quan ở đời.
Do đó không cần những cái nhìn về quá khứ hay về tương lai cho bằng cần có cái nhìn đức tin về hiện tại, là chúng ta có thể tìm ra lẽ sống tốt đẹp và phong phú ở trong hết mọi hoàn cảnh. Nói đúng hơn, quá khứ và tương lai chỉ cần để xây dựng niềm tin hiện tại. Cũng như giờ đây chúng ta cũng cần biết lịch sử thánh gồm cả quá khư và tương lai để tuyên xưng đức tin trong hiện tại hầu cử hành mầu nhiệm thánh. Chính đức tin hiện tại khiến chúng ta công nhận bánh rượu này sẽ là Thịt Máu Chúa Kitô để ban cho ai lãnh nhận với đức tin được sự sống mới, hầu sống cách mới mẻ mọi thực tại và tương quan ở đời.
Như vậy, chính niềm tin sẽ đánh giá thái độ của chúng ta trong giờ phút này và trong khắp đời sống. Chúng ta hãy sốt sắng xin cho mình được niềm tin ấy trong bản tuyên xưng đức tin đọc bây giờ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 LỜI CHÚA MỖI NGÀY
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN năm B
Bài đọc: Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Phải biết làm các quyết định khôn ngoan trong cuộc đời.
Con người phải thường xuyên làm rất nhiều quyết định trong cuộc đời: có những quyết định không quan trọng cho lắm như ăn gì, uống gì, mặc gì; nhưng cũng có những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cả cuộc đời như chọn nghề nghiệp, chọn người để kết hôn, chọn tôn giáo để tin. Khi con người làm quyết định, con người phải chịu trách nhiệm và lãnh nhận mọi hệ quả sẽ xảy ra; vì thế, con người phải biết quyết định cách khôn ngoan. Để biết quyết định cách khôn ngoan, con người cần học hỏi và suy xét để biết trước những hệ quả có thể xảy ra.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người phải quyết định cách khôn ngoan. Trong Bài Đọc I, Thủ Lãnh Joshua triệu tập đại hội tại Shechem, để buộc con cái Israel phải biết quyết định dứt khoát: thờ phượng một Thiên Chúa hay thờ phượng các thần ngoại bang.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa ra hình ảnh lý tưởng của sự kết hiệp giữa Đức Kitô và Hội Thánh để làm gương cho vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời. Để có thể trung thành suốt đời, vợ cần phải vâng lời chồng, và chồng cần phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể của mình. Trong Phúc Âm, sau khi đã làm hai phép lạ cả thể, dạy dỗ và mặc khải cho dân chúng về mầu nhiệm Thánh Thể, có hai phản ứng trái ngược nhau xảy ra: Một số các môn đệ chọn bỏ Chúa Giêsu vì không thể chấp nhận "ăn thịt và uống máu" Ngài để được sống. Nhưng Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai chọn ở lại và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi chọn phụng thờ Đức Chúa.

1.1/ Anh em có quyền lựa chọn thần nào thích để thờ: Sau khi đã dẹp tan các dân bản xứ và định cư con cái Israel trong Đất Hứa, ông Joshua biết mình đã hoàn tất nhiệm vụ Chúa trao và sẵn sàng về  yên nghỉ với cha ông; nên ông truyền quy tụ ở Shechem mọi chi tộc Israel, tất cả các kỳ mục của Israel, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa.
Rồi ông Joshua nói với toàn dân: "Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: "Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Terah là cha của Abraham và của Nahor, đã phụng thờ các thần khác. Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Amorites mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa."
1.2/ Chúng tôi chọn thờ Đức Chúa: Dân đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua."
2/ Bài đọc II: Trung thành trong ơn gọi gia đình.
Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cả hai vợ chồng đều phải quyết định làm những gì cần thiết; một người quyết định không đủ để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thánh Phaolô dùng một mối liên hệ bao quát và thâm sâu hơn để diễn tả mối liên hệ vợ chồng.
2.1/ Bổn phận của người vợ: "Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,
vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy." Mục đích của sự vâng lời là cho sự hiệp nhất trong gia đình và Giáo Hội. Nếu thân xác con người không thể có hai đầu, gia đình và Giáo Hội cũng không thể có hai nhà lãnh đạo hay hai Chúa.
2.2/ Bổn phận của người chồng: "Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh." Ba điều Đức Kitô làm để tỏ tình yêu thương với Hội Thánh:
(1) Hiến mình vì Hội Thánh: Không có tình yêu nào thâm sâu và cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người yêu. Đức Kitô hiến mình chuộc tội để Hội Thánh khỏi phải chết và được sống.
(2) Thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống: Vì muốn có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền; Đức Kitô đã dùng nước để rửa Hội Thánh sạch mọi tội, dùng Lời để chỉ dẫn điều hay lẽ phải, và dùng ơn thánh qua các Bí-tích để thánh hóa mọi phần tử của Hội Thánh.
(3) Nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh: như chăm sóc thân thể của chính mình: Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.

3/ Phúc Âm: Lời dạy của Đức Kitô về Thánh Thể dẫn tới hai quyết định trái ngược nhau.
3.1/ Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa: Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho."
Tại sao các môn đệ không tin, rút lui, và không còn đi theo Chúa nữa?
(1) Họ không nhận ra Chúa Giêsu là ai: Nếu họ nhận ra, họ đã không bỏ đi. Họ không nghĩ Chúa Giêsu là giải pháp độc nhất cho cuộc đời của họ. Chúa Giêsu nhận ra đây là sứ vụ quan trọng nhất trong sứ vụ của Ngài, nên Ngài làm mọi sự có thể để khơi dậy niềm tin nơi con người.
(2) Họ không hiểu các mặc khải và những lời dạy dỗ khôn ngoan của Chúa Giêsu: Trước tiên, họ không hiểu về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Thứ đến, họ không hiểu về mục đích của cuộc đời và làm sao để đạt mục đích đó. Sau cùng, họ không hiểu tại sao phải ăn thịt và uống máu Chúa để có sự sống và đạt được cuộc sống đời đời.
(3) Họ cậy dựa hoàn toàn vào lý luận của con người và không biết giới hạn của con người: Họ nghĩ họ chỉ tin những gì có thể hiểu được và từ chối không tin những gì vượt quá sự hiểu biết của họ. Chúa Giêsu nói rõ đức tin và mầu nhiệm Thánh Thể vượt quá sự hiểu biết của con người, họ chỉ có thể hiểu được với ơn thánh của Thiên Chúa (6:37, 44, 65).
(4) Họ không biết, không hiểu, và hiểu sai Kinh Thánh: Chúa Giêsu sửa sai họ: "Không phải ông Moses đã cho họ ăn manna, mà là Thiên Chúa" (6:32); và đây là hình bóng của những gì Ngài đang nói với họ về Bí-tích Thánh Thể. Ngài làm hoàn hảo lời các ngôn sứ (Isa 54:13, Jer 31:33-34) khi ngồi giữa họ để dạy họ hiểu biết những gì về Thiên Chúa.
3.2/ Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."
+ Tin Mừng Gioan không tường thuật biến cố tuyên xưng đức tin của Phêrô tại Caersarea Philippi; nhưng thay thế bằng lời tuyên xưng đức tin của Phêrô hôm nay.
+ "Đấng Thánh của Thiên Chúa:" có thể so sánh với "Đấng Thiên Sai" hay "Đấng được xức dầu" trong Tin Mừng Nhất Lãm. Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha (17:11), Chúa Giêsu (6:69), và Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì Ba Ngôi tự bản chất là thánh, nên họ có thể thánh hóa con người.
Chúng ta hãy suy xét những lý do Phêrô có thể dùng để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu:
(1) Phêrô đã chứng kiến ít nhất hai phép lạ từ đầu chương 6: Bánh hóa nhiều để nuôi 5,000 người ăn và Chúa Giêsu làm cho sóng gió phải yên lặng. Mục đích của phép lạ là để khơi dậy niềm tin. Chứng kiến hai phép lạ to lớn này, Phêrô nhận ra Chúa Giêsu sở hữu quyền lực của Thiên Chúa.
(2) Phêrô đã lắng nghe những lời mặc khải và dạy dỗ khôn ngoan của Chúa Giêsu; nhất là lời mặc khải về mục đích của cuộc đời (Jn 6:39-40). Con người sống trên đời này là cho một mục đích: để về hưởng hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa. Để đạt mục đích này, con người cần tin vào Đức Kitô.
(3) Phêrô đã lắng nghe Chúa Giêsu giải nghĩa Kinh Thánh: Nhiều người cũng đọc Kinh Thánh, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu Kinh Thánh. Chúa Giêsu cắt nghĩa về manna và sự nối kết cần thiết với mầu nhiệm Thánh Thể; và về lời sấm "mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo" của tiên tri Isaiah và Jeremiah. Ngài vạch ra cho mọi người thấy Ngài đến để làm trọn những lời tiên tri này khi ngồi giữa để dạy dỗ họ về những mầu nhiệm của Thiên Chúa.
(4) Phêrô đã lắng nghe những cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do-thái: Những cuộc đối thoại này cần thiết để nhận ra chân lý từ những sai lầm. Những sai lầm của người Do-thái được sửa chữa bằng những lý luận khôn ngoan và vững chắc của Đức Kitô.
(5) Phêrô biết Thiên Chúa, biết mình, và biết giới hạn của con người: Phêrô thú nhận một sự thật: Chỉ có Thiên Chúa mới có những Lời mang lại sự sống đời đời. Con người không phát minh sự thật, nhưng học hỏi sự thật từ Thiên Chúa. Khi con người không hiểu sự thật, không có nghĩa là sự thật không có; nhưng vì khả năng hiểu biết con người quá hạn hẹp và yếu kém.
(6) Phêrô biết tổng hợp tất cả những điều trên để đi đến kết luận là tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải dành nhiều thời giờ để học hỏi thì mới biết quyết định cách khôn ngoan. Nếu không chịu học hỏi, chúng ta sẽ dễ dàng quyết định cách không chín chắn hoặc sai lầm.
- Sai một ly đi một dặm. Quyết định sai lầm sẽ dẫn chúng ta đến thiệt hại to lớn, và ngăn cản chúng ta đạt được mục đích của cuộc đời.
- Bí-tích Thánh Thể vô cùng quan trọng cho cuộc đời. Hiểu sai về Bí-tích này sẽ gây rất nhiều thiệt hại trong cuộc sống, và ngăn cản chúng ta không đạt được cuộc sống đời sau.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét