Trang

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

THÁNH MAXIMILIANÔ MARIA KOLBÊ,

NGÀY 14-8
THÁNH MAXIMILIANÔ MARIA KOLBÊ,
Linh mục tử đạo; Ed 2, 8-3,4; Mt 18, 1-5.10.12-14.
          LỜI SUY NIỆM: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18, 4).
          Các môn đệ của Chúa Giêsu muốn được biết phải là thế nào mới trở nên là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu đã đưa ra những phầm chất mà người môn đệ cần phải có: Trong đó; trước nhất và trên hết là đức tính khiêm nhường. Chỉ có kẻ nhiêm nhường tự hạ mình như một em nhỏ. Bởi ở nơi một em nhỏ, nó không có một tham vọng cá nhân, không biết tôn mình lên; không biết hạ người khác xuống với những thủ đoạn đen tối và tội lỗi để chiếm lấy địa vị lãnh đạo, thu vén tài sản về cho mình. Chính khi tự hạ mình xuống sẽ giúp cho mình quên đi bản ngã trong lúc dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa; cũng như khi phục vụ tha nhân.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
14 Tháng Tám
Còn Tình Nào Cao Quý Hơn
Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.
Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: "Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi". Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh...
Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp và sâu xa... Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác...
Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.
Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: "Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại...".
Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã...
Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại... Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
"Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu". Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng...
Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình...
Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, người đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 14
Thánh Maximilianô Kolbê, linh muc, tử đạo
Dạo chơi qua đồng lúa vàng, thật là vui thú biết bao khi được thưởng thức tiếng chim muông ca hót. Thường thì ta chẳng thấy chim đâu, còn chim thì cứ mải mê bay lượn thánh thót, không màng chi đến chuyện có người đang lắng nghe. Tiếng chim ca vô tư và liên lỉ ấy gợi cho ta nhiều điều về lời ngợi khen. Thật vậy, lời ngợi khen phải được dâng lên một cách tự phát và chân thành. Lời ngợi khen khác với lời cảm tạ, bời lời cảm tạ phát xuất từ tâm tình tạ ơn vì một hổng ân Chúa ban. Còn lời ngợi khen đúng ra là một tiếng reo thán phục, là một thoáng "run run" của người đang hoan lạc chỉ vì Chúa là Chúa... thế thôi.
 
Lời ngợi khen cũng là kết quả của lòng trung tín. Thật vậy, nó không liên quan gì tới những điều kiện sống ít nhiều làm ta thỏa mãn hay tới việc ta có bằng chứng được sống thân mật với Chúa(qua các lần khấn hứa chẳng hạn)...Có lẽ chính vì vậy mà rất nhiều người không biết dâng lời ngợi khen hay không thể sống tâm tình ngợi khen. Họ quá quen với chuyện cầu và đón nhận, nên khi không đạt được điều mình mong muốn thì đâm ra thất vọng. Lời ngợi khen xuất phát từ con tim chân thành, đó là một chặng quan trọng trên con đường thiêng liêng.
Bernard Ugeux
THÁNH MACXIMILIANÔ MARIA KÔLBÊ, LINH MỤC TỬ ĐẠO
(1894-1941)
Tượng đài Thánh M.Kolbe
tại Chrzanow, Ba-lan.

Đức Hồng Y Karol Wojtyla - sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - Tổng Giám Mục thành Cracovie Ba Lan, đã chủ tọa một cuộc họp báo về Cha Maximilien Kolbe Dòng thánh Phanxicô, sinh quán Ba Lan, được tuyên phong chân phước Chúa nhật 17-10-1971 tại Rôma, do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chủ lễ.
Hơn 30.000 giáo hữu từ khắp thế giới, nhất là từ Ba Lan, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đứng chật Đền Thờ Thánh Phêrô, với sự hiện diện của các nghị phụ thượng Hội Đồng Giám mục thế giới, đã khiến cho nghi lễ phong Chân phước này có một ý nghĩa đặc biệt.
Trong bài giảng của buổi lễ, Đức Phaolô VI đã gọi Đấng Tân Chân phước là một tông đồ, một linh mục và là một của lễ Hy sinh.
Ông Phanxicô Gajowniczek, người đã được chân phước Maximilianô Kolbe thế mạng chết thay cho, cũng có mặt trong buổi lễ và rước lễ sốt sắng.
Đức Hồng y tuyên bố: “Đây không phải là một việc ngẫu nhiên, mà là một dấu chỉ của thời đại”. Cha Kolbe chết năm 1941, trong một ngục hầm của trại tập trung ở Auschwitz, cha được tuyên phong Chân phước giữa khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ III.
Trong một thời đại mà nhiều linh mục tự hỏi và muốn biết thân phận, biết “căn cước” của mình thế nào, thì Kolbe đã phúc đáp minh bạch: “Không phải bằng một bài trình bày thần học, mà bằng đời sống và sự chết của mình”. Cha muốn hình ảnh Thầy Chí Thánh căn cứ vào tình yêu Cha đã kết hợp với Đấng Kittô.
Đức Hồng Y Wojtyla nhấn mạnh: “Trong thế giới hằn thù này, tên “phạm nhân” mang số 19.670 kia đã chiến thắng, một chiến thắng khó khăn. Chiến thắng của tình yêu tha thứ. Chứng từ của cha được phơi bày một cách nóng hổi, ở ngay thời hiện tại này. Thời đại mà tình yêu bị bóp méo, bị giày đạp xuống dưới gót chân, một thời đại chỉ thấy những hằn thù về chủng tộc, về chia rẽ quốc gia”.
Đức Hồng Y kết luận: “Lối tu kín của cha và công cuộc truyền giáo bằng báo chí đã làm cho cha trở nên một trong những vị tu sĩ chiêm niệm thứ nhất của thời đại”.
Việc truyền phong Chân phước cho cha Kolbe là một việc mới lạ trong lịch sử Giáo hội từ 500 năm trở lại đây. Lần đầu tiên, một Đức Giáo Hoàng tuyên phong cho một vị Chân phước mới. Trước đây, công việc đó do Ủy Vụ Trưởng Bộ phong Thánh tuyên bố Đoản sắc công nhận vị Chân phước tại Thánh Đường Thánh Phêrô, rồi đến chiều Đức Giáo Hoàng mới tới Vương Cung Thánh Đường để tôn kính vị Tân Chân phước, Chúa nhật 17-10-1971 vừa qua, chính Đức Phaolô VI đích thân tuyên bố Chân phước cho Cha Maximilianô Kolbe.
Cha Maximilianô Kolbe trước đây đã được công nhận là “Tôi Tớ Chúa”. Việc truyền phong chân phước là một giai đoạn để đưa đến tuyên thánh.
Sắc lệnh về Tụng Khoản Chân Phước do Đức Gioan XXIII ký ngày 16-3-1960, sắc lệnh nhận thức các đức tính anh hùng do Đức Phaolô VI ký ngày 30-1-1969.
Tôn sùng một vị chân phước không được trang trọng như một vị thánh, người ta không thể cung hiến cho vị chân phước một giáo phận, một thánh đường hay một bàn thờ riêng nào. Việc tôn sùng chỉ giới hạn trong một giáo phận, một tỉnh hay một dòng tu nào, muốn mở rộng địa hạt khác, phải có một sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cho phép, và không bao giờ được mở rộng cho toàn thể Hội Thánh.
Để được phong chân phước, phải có hai phép lạ mà Hội Thánh công nhận. Nếu là tử đạo thì không cần phép lạ.
TIỂU SỬ CHÂN PHƯỚC MAXIMILIEN KOLBE.
“Việc như vậy, chúng tôi chưa từng thấy bao giờ”. Đó là lời chứng của các cảnh vệ trại tập trung Auschwitz, khi khai cung về cha Maximilianô Kolbe.
+ “Già rồi chẳng còn ích gì nữa”.
Cuối tháng bảy năm 1941. Một phạm nhân trốn thoát khỏi trại giam. Phạm nhân còn lại bất kỳ là ai phải chết thay. Xô đẩy xuống một hầm để rồi chết vì đói, vì khát, không cho ăn uống gì. Một người trong bọn 10 người là Phanxicô Gajowniszek kêu thất thanh: “Ôi, khổ cho vợ con tôi, tôi không còn bao giờ được thấy nữa!”. Tức thì xảy ra một việc chưa từng thấy bao giờ: trong bọn tù nhân, một tên lách ra khỏi đám, cha Maximilianô Kolbe, đến trước mặt một tên cảnh vệ khát máu: “Tôi muốn chết thay cho một trong bọn 10 người này”. Mọi người kinh ngạc, cha Kolbe nói tiếp: “Tôi già rồi chẳng ích gì cho ai! Còn anh Phanxicô Gajowniszek kia có vợ và nhiều con”. Anh cảnh vệ Fritsch khát máu kia rụng rời kinh hãi. Sau một phút yên lặng, anh chấp thuận đề nghị của cha Kolbe.
Cử chỉ anh hùng ấy đã bắt nguồn từ thuở niên thiếu của Chân phước. Chân phước là con một gia đình thợ dệt nghèo, ở vùng Lods, sinh ngày 7-10-1894, cậu Raymond không có tính nết thuần hóa: nóng nảy, quả đoán, táo bạo. Bà mẹ hết sức nhịn nhục, và một hôm thất vọng thở dài phải kêu lên: “Tội nghiệp cho con, sau này con sẽ làm gì hở con?…”
+ “Con chọn cả hai…”
Phiền sầu thấy mẹ đau khổ vì mình, cậu Raymond 10 tuổi vội vào nhà thờ cầu xin Đức Maria… “Con sẽ làm gì?” Chân phước kể tiếp: Bấy giờ Đức Trinh Nữ hiện ra với tôi, cầm hai vòng hoa, một trắng một đỏ. Đức Mẹ âu yếm nhìn tôi và hỏi tôi chọn cái nào. Vòng trắng chỉ tôi sẽ luôn luôn trong sạch, vòng đỏ bảo tôi sẽ tử đạo. Tôi liền trả lời Đức Trinh Nữ: “Con xin nhận cả hai”. Người mỉm cười và biến đi.
Từ ngày ấy trở đi, con người Raymond thay đổi hẳn. Bà mẹ Kolbe làm chứng điều đó, sau khi bà đã gạn hỏi con để biết bí mật trên: ‘Đức Mẹ hiện ra với Raymond, biến cải Raymond, tạo Raymond nên một trong những Tông đồ nhiệt thành bậc nhất của Giáo hội cận kim, và nên một đồng phẩm với Louis Marie Griginon de Monfort’.
Gia nhập Dòng Anh em hèn mọn Thánh Phanxicô tại Lvnov, Maximilianô Kolbe được gửi đi học tại Rôma về triết và thần học. Ngày 16-10-1917, Maximilianô cùng với sáu bạn thành lập Đoàn “Dân Quân của Đức Vô Nhiễm”, một hội đoàn tận hiến cho Đức Trinh Nữ và rao truyền lòng sùng kính Đức Maria dưới tước hiệu Vô Nhiễm.
Trở về Ba Lan, Maximilianô dạy thần học ở Cracovie trong vài năm. Đến năm 1922, cha truyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ, bằng cách xuất bản tờ nguyệt san “Hiệp sĩ của Đức Vô Nhiễm”. Ban đầu mỗi tháng phát hành 5.000 cuốn và biếu không. Đến năm 1939, tăng lên một triệu số mỗi kỳ. Từ năm 1927, nguyệt san in tại Niepokalonow, là một khu nhà Dòng chuyên lo tôn sùng Đức Mẹ do Cha Kolbe thành lập cách Varsovie, thủ đô Ba Lan, 40 cây số. Cha cũng cho xuất bản một nhật báo Công giáo, một tập san có định kỳ cho trẻ em, và một tạp chí bằng La ngữ riêng cho hàng linh mục trên thế giới truyền bá về Đức Maria.
TẠI NHẬT BẢN
Được tin Đức Thánh Cha Piô XII khuyến khích, cha Kolbe sang Nhật Bản. Tiền bạc không có, ngôn ngữ bản xứ không thông, chỉ có đức tin và lòng trông cậy vững vàng vào Đức Trinh Nữ. Cha Kolbe lập ở gần Nagasaki một trung tâm tôn sùng Đức Mẹ, lấy tên là “Vô Nhiễm Hoa Viên”, cha cho phát hành một tập san về Đức Mẹ có tính cách truyền giáo, và sau này tập san trở nên một trong những tạp chí Công giáo phổ cập nhất tại Nhật Bản.
Cha Maximilianô Kolbe còn trù tính cùng với giáo quyền các xứ Ấn Độ, Cao Ly, Trung Hoa, sẽ thiết lập nhiều cơ sở khác, thế mà chưa thi hành được… Cha mơ ước với báo chí, cha có thể tiếp xúc được hàng tỷ linh hồn…
DƯỚI HẦM TỬ THẦN
Trong ba năm từ 1936-1939, cha Kolbe trở lại hoạt động tại trung tâm Niepokalanow, một nơi chứa 762 tu sĩ, trong đó có bảy vị linh mục, thật là một nhà dòng đông nhất thế giới… Trung tâm chuyên lo truyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ, nên được rất nhiều ơn kêu gọi, hàng năm có tới hàng ngàn người xin ứng tuyển, cha chỉ lựa chọn lấy một số người đích đáng: ba bốn chục người.
Toàn xứ Ba Lan đều biết tiếng cha Kolbe. Khởi đầu đệ II thế chiến, Ba Lan bị Đức quốc xã xâm chiếm. Cha bị đi đày lần thứ nhất vào mùa thu năm 1939. Lần thứ hai ngày 27-2-1941 cha bị bắt và giam ở ngục thất Pawiak, rồi chuyển sang trại tập trung Auschwitz, chết đói, chết khát, hôm áp lễ Mông Triệu trong “Hầm Tử Thần” sau 15 ngày hấp hối. Các cảnh vệ trại tập trung đã minh chứng nhiều việc lạ lùng về cha Kolbe.
Cha đã giúp cho chín bạn tử tù chết bằng yên. Ở ngoài hầm, người ta nghe thấy họ ca hát sung sướng được đi tới đời sống đích thực…
Cha Maximilianô Kolbe được liệt vào hạng các vị Tông đồ đại danh về lòng Tôn sùng Đức Mẹ.
Ngày 17-10-1971, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nâng ngài lên hàng Chân phước, và Đức Gioan Phaolô II đã ghi tên ngài vào sổ bộ hiển thánh.
Thứ Ba 14-8

Thánh Maximilian Mary Kolbe

(1894-1941)
K
hông hiểu tương lai của con sẽ ra sao!" Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, "Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không -- mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, 'Con muốn cả hai.' Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất." Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.
Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.
Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập "Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm" - Niepolalanow -- mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.
Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz. 
Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.
Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. 
"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."
Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.
"Mày là ai?"
"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.
Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.
Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.
Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982.
Ước mơ của Thánh M.Kolbe.

Lời Bàn

Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.

Lời Trích

"Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Ðiều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Ðức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý" (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).

1 nhận xét: