Trang

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

THÁNH PIÔ X GIÁO HOÀNG




Ngày 21 tháng 8
THÁNH PIÔ X GIÁO HOÀNG
(1835-1914)

Đức Piô X chính tên là Giuse Melchiorê Sartô sinh ngày 2.6.1835 tại làng Riêsê thuộc quận Vênêxi, miền Bắc nước Ý ngày nay, nhưng thời ấy còn thuộc nước Áo.
Gia đình Sartô tuy không đến nỗi bần cùng khốn quẫn, nhưng vào hạng nghèo túng. Cha Sartô là ông Gioan Bacti Sartô, Mẹ là Magarita Sanson. Ông thân làm nghề chạy giấy tại toà xã trưởng.
Ông bà sinh hạ được tất cả mười người con, tám người còn sống, hai con trai là Giuse Melchiorê, tức là Đức Piô X sau này, và Anggêlô con thứ; còn sáu người con gái.
Vì gia đình túng thiếu, bà Magarita vừa lo việc nội trợ, vừa đi khâu thuê kiếm ít tiền đong gạo. Bà rất mực đạo đức, nuôi dạy các con theo đúng tinh thần đạo công giáo. Chính tay bà đã đào tạo nên vị Giáo Hoàng cương quyết và thánh thiện sau này. Người đàn bà nhà quê ấy thật đáng làm gương mẫu với những đức tính nhẫn nại, hy sinh và khiêm nhường. Ngày nay ở trên mộ bà, tại nghĩa trang làng Riêsê, người ta còn đọc thấy những hàng sau đây mà Đức Piô X khi còn đang làm Hồng Y giáo chủ thành Vênisê, truyền ghi khắc vào bia để ghi công đức của bà tư ømẫu: “Magarita Sanson, người đàn bà gương mẫu, người vợ trung thành, người mẹ khôn sánh”.
Ngày 04-5-1852, chồng bà là Gioan Bacti mất, bà ở góa trong những ngày bồn tẻ, đầy nhẫn nại và vui vẻ. Bà đã cương quyết dạy dỗ con cái trong đức tin công giáo.
Ngày 02-02-1894, hưởng thọ 81 tuổi, đã kết liễu một cuội đời lam lũ và hy sinh bằng cái chết lành thánh.
Hồng Y Sartô cùng với các em xin bình an đời đời cho cha mẹ thân yêu. “Ông Gioan Bacti tuy có ít ảnh hưởng trong việc giáo dục con cái, nhưng chính ông cũng rất đạo đức; ông đi dâng lễ hằng ngày và buổi tối hội các con lại cắt nghĩa giáo lý và đọc kinh chung. Giuse Sartô được diễm phúc sống bên cạnh người mẹ đạo đức như thế, nên người ta không lạ gì khi thấy Sartô sau này nên một người hữu ích cho Giáo hội.
Quả thế, ngay từ bé đã có nhiều dấu hiệu báo trước sau này Giuse Sartô sẽ trở thành một vĩ nhân, một bậc thánh. Năm bảy tuổi cậu đã được mặc áo chùng vào hội các em giúp lễ. Lên mười tuổi cậu được cha xứ đặt làm trưởng lễ nghi, đứng đầu điều khiển các trẻ trong hội. Trong khi theo học ở trường làng Riêsê, Giuse Sartô học rất giỏi và luôn luôn được ghi tên vào bảng danh dự.
Theo thói tục bấy giờ, mãi năm 11 tuổi Giuse Sartô mới được chịu lễ lần đầu, mà cậu đã ước ao được phúc ấy từ lâu. Vì thế, sau này lên làm Giáo Hoàng, Ngài đã ban hành những thông điệp rất thời danh khuyến khích việc cho trẻ em rước lễ sớm. Ngày chịu lễ lần đầu, trước tượng Đức Mẹ, cậu đã khấn giữ đức trinh khiết và dâng mình cho Chúa. Đã từ lâu năm, cậu cảm thấy tiếng Chúa gọi trong lòng, nhưng còn ngập ngừng chưa dám ngỏ ý với cha mẹ. Bà thân mẫu biết ý con liền đồng ý ngay khi Sartô ngỏ lời. Riêng cha cậu hơi do dự, vì cảm thấy mình già yếu chỉ trông nhờ một mình Giuse Sartô là lớn hơn cả. Nhưng suy nghĩ lại và biết rằng Chúa đã chọn con mình, chắc chắn Chúa không thiếu lòng rộng rãi. Sau cùng ông thuận cho Giuse Sartô đi tu. Người vui mừng nhất là cha xứ họ Riêsê, vì cha như biết chắc rằng con trẻ đó như có ơn gọi đặc biệt. Cha phó xứ nhận dạy La tinh cho Sartô và ít lâu sau cậu đủ lực theo học trường trung học Castelfranco, một thành phố cách xa Riêsê bảy cây số. Ngày ngày Sartô đi bộ từ Riêsê tới Castelfrancô theo học, rồi buổi chiều lại kéo bộ về. Trên con đường ấy, biết bao nhiêu lần cậu đã đi về, mặc trời mưa nắng, cậu vẫn điềm nhiên vui vẻ vì biết mình đang theo đuổi một lý tưởng đẹp đẽ và làm linh mục sau này, nên dẫu phải hy sinh nhiều, cậu cũng không quản ngại. Để đỡ tốn phí cho gia đình và biết giầy lên giá, nên ra khỏi làng là cậu tụt giày khoác lên vai, đi chân không trên đường sỏi, mãi tới khi tới gần trường, cậu mới xỏ giầy vào chân.
Theo học ở trường tỉnh Castelfrancô bốn năm, năm nào cậu cũng đứng thứ nhất. Cha sở Riêsê và cha phó rất hãnh diện vì cậu. Nhưng có điều, các ngài lo ngại là lấy gì cho cậu theo học ở Đại chủng viện, vì gia đình Sartô nghèo. May thay, cha sở Riêsê xin được cho cậu một học bổng dài hạn để theo học tại Đại chủng viện Pađôva. Từ đây, con đường đưa Giuse tới chức linh mục đã rộng mở. Mùa thu năm 1850, thầy Giuse Sartô tay xách gói hành lý lên xe đi Pađôva để vào Đại chủng viện, năm ấy thầy mới 15 tuổi. Cuối năm thứ nhất, thầy Sartô được toàn ban giáo sư khen ngợi và lấy làm gương khích lệ các chủng sinh.
Ở Riêsê, người ta lấy làm hân hạnh được một người như thầy. Ai cũng biết gia đình Sartô túng bấn, nên mỗi năm có người hảo tâm đi quyên giáo trong họ để giúp Sartô có tiền mua sắm sách vở, quần áo. Năm thứ hai, tại Đại chủng viện Pađôva, ông thân sinh thầy qua đời. Nghĩ đến nông nỗi vất và của mẹ phải làm nuôi bảy em, lòng Sartô như se lại. Thầy là con cả, có nhiệm vụ phải giúp đỡ mẹ. Vì thế, thầy ngỏ ý muốn về nhà gánh đỡ gánh nặng gia đình, nhưng người mẹ nhất quyết không nghe, cứ một niềm dâng con cho Chúa. Mỗi kỳ nghỉ, thầy thường về nghỉ ở gia đình và giúp đỡ người mẹ vất vả đôi việc. Một chiều hè kia, sau khi làm việc vất vả hơn thường, bà mẹ nói nhỏ với con: “Này Sartô, đời sống mới khó khăn làm sao?”. Và thầy trả lời mẹ: “Chính thế mẹ ạ, nếu dễ dàng thì còn đâu là công phúc”. Thật là mẹ nào, con ấy, đáng kính phục biết bao!
Thời gian học tại Đại chủng viện qua đi rất mau. Ngày 11.9.1857, thầy được chịu chức phụ phó tế. Đến 18.9.1858, thầy được chịu chức linh mục với đặc ân toà thánh miễn tuổi cho tám tháng. Hôm sau, vị tân linh mục trở về Riêsê làm lễ mở tay chính ngày lễ Bảy sự Đau Đớn Đức Mẹ. Lễ xong, mọi người đến hôn tay vị linh mục mới, bàn tay từ nay sẽ giơ ra để cứu giúp mọi đau khổ và để chúc phúc tha tội cho nhân loại.
Nhưng rồi ngày tưng bừng ấy cũng qua đi, và vị tân linh mục sửa soạn đi thi hành chức vụ. Đức Giám mục Trevise sai cha Sartô về làm phó xứ Tômbôlô. Tômbôlô là một xứ đạo chừng một ngàn năm trăm giáo hữu. Dân chúng làm nghề canh nông, nhưng lại kiêm nghề lái bò. Vì thế, họ có thói quen hay thề thốt và nói lời thô tục. Cha phó xứ mới về đã cố gắng sửa lại thói xấu ấy. Tất cả các đức tính ngài đã dày công đào luyện tại chủng viện, nay ngài đem thực hiện chu đáo trong chức vụ tông đồ. Đức tính ngài ưa thích hơn hết vẫn là đức bác ái. Chính cha xứ cũng phải công nhận lòng nhiệt thành và đức bác ái của cha Sartô. Ngài đã viết về cha: “Cha phó xứ của tôi là một đấng thánh, không kể những đức tính siêu quần của ngài, tôi đã để ý nhận xét: cha lại có lòng nhiệt thành tông đồ, can đảm không sợ một thử thách nào, và một tấm lòng bác ái lạ lùng. Cha không chia đôi áo cho kẻ nghèo nhưng là cha cho cả áo”.
Với tài đức ấy, hẳn cha Sartô xứng đáng được Đức Giám mục để ý đến và bổ nhiệm làm chính xứ. Quả thế, cha đã được Đức Giám mục địa phận tuyển là chính xứ, và ngày 15 tháng 6, cha Sartô về nhận xứ Salzanô, một xứ hơn hai nghìn giáo hữu, to, rộng vào bậc nhất địa phận. Xưa làm cha phó xứ Tômbôlô thế nào, thì nay coi xứ Salzanô cha cũng thế: lúc nào cũng chỉ là một linh mục quên mình. Đời sống hy sinh của cha làm cho giáo hữu vâng lời sốt sắng hơn sự hùng hồn của bài giảng.
Vì mến tài đức của cha Sartô, Đức Giám mục mời ngài về làm kinh sĩ và làm chưởng ấn toà giám mục, lại kiêm thêm chức linh hướng Đại chủng viện. Với lòng nhiệt thành sẵn có, cha Sartô thi hành các chức vụ bề trên giao phó một cách chu đáo.
Những người sợ chức tước thì chức tước cứ dồn dập tới. Một buổi sáng đầu thu năm 1884, cha Sartô lại nhận được sắc Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đặt ngài làm giám mục Mantua. Ngài run sợ ghé vai gánh vác chức vụ mới. Ngày 18 tháng tư, ngài chính thức về địa phận. Địa phận Mantua lúc này gặp cơn khủng hoảng về tinh thần cũng như vật chất. Đức cha Sartô lo tái lập trật tự, xây dựng tin tưởng, và hô hào đoàn kết trong địa phận. Nhậm chức được ba tháng, ngài loan báo cho giáo sĩ và giáo dân biết ngài sẽ đến thăm từng xứ. Ngài truyền cho giáo hữu đừng tổ chức tiếp rước linh đình sầm uất. Để cuộc kinh lý của ngài khỏi gây gánh nặng cho các cha, ngài truyền lệnh không được thêm món gì cho bữa ăn của ngài, cứ dọn cơm đơn giản như thường lệ. Trái lại, ngài luôn luôn thúc giục mở trường học. Tới xứ nào ngài cũng tập họp các trẻ em và dạy bổn. Một lần, có cha nói với Đức cha Sartô: “Đức cha đi kinh lược nhiều quá, con sợ Đức cha mệt!” Đức cha trả lời: “Linh mục là con người để chịu đựng hy sinh và khó nhọc, linh mục và hy sinh là hai chữ đồng nghĩa”. Ngài lại nói thêm rằng: “Phần tôi, nếu bệnh nặng không cho phép tôi làm đầy đủ bổn phận nữa, thì tôi cầu khẩn Chúa sẽ gọi tôi về với Người”.
Một người như thế sẽ không lấy làm lạ, khi thấy Thiên Chúa sẽ giao cho Ngài một sứ mệnh cao cả, một nhiệm vụ lớn lao và những lo âu nặng nề. Quả thực, sau đó Đức cha Sartô lại phải ghé vai gánh chức giáo chủ Vênitia. Đức Hồng Y Agostini qua đời, Đức Thánh Cha Lêô XIII đặt Đức cha Sartô lên chức Hồng Y giáo chủ Vênitia.
Tuy làm Đức Hồng Y giáo chủ, nhưng ngài vẫn không thay đổi gì về kỷ luật đời sống linh mục của ngài mà ngài đã phác họa lúc mới chịu chức. Bao giờ ngài cũng thức dậy từ 5 giờ sáng, 12 đêm mới ngủ. Dù công việc có bề bộn mấy đi nữa, luôn luôn người ta thấy Đức Hồng Y có mặt trong các giờ thờ phượng. Ai nấy đều thích nghe ngài diễn thuyết, giảng, nói truyện… vì ngài có tâm hồn một người cha, có tinh thần của Chúa. Chẳng bao lâu cả thành phố Vênitia đều biết tiếng và mến phục ngài. Khi đi thăm các cơ sở như nhà thương, trường học, ngài đều đi bộ để có thể hòa mình nói chuyện với dân. Ngài không bao giờ nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến người khác. Tiền của có chỉ để làm phúc cho kẻ nghèo khó, không sắm sửa gì cho mình. Ngay cả chiếc áo choàng của Đức Hồng Y cũng không được may bằng một thức vải, nghĩa là đã vá nhiều chỗ, đây là chiếc áo cũ của vị tiên Hồng Y. Vị giáo chủ đã được lòng mọi giáo hữu trong địa phận. Mỗi khi ngài đi qua nhà dân chúng, thì trong các cửa nhà, họ chay ra tung hô ngài, khi Ngài đi qua phố dân chúng nói với nhau: “Đức Cha Thánh lắm đấy nhé? Ngày nào chúng mình lên thì chắc chắn sẽ được Đức cha ra mở cửa cho”.
Đức Hồng Y giáo chủ là một nhân vật thời danh của thời đại. Chẳng những ngài rất giỏi về giáo lý mà còn rất giầu lòng bác ái. Lòng bác ái của ngài đã cụ thể hóa trong việc làm, trong việc cứu nhân độ thế. Ngài là một người tham bác có khiếu thẩm mỹ, có tài chấp chính và điều khiển. Ta có thể nói được: ngài là một thiên tài lỗi lạc. Và còn hơn thế nữa, ngài còn là bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa vì tâm hồn ngài trong trắng thanh cao và đầy ân điển Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chuẩn bị con người ấy để thế vị Chúa dưới trần gian. Người ta kể lại rằng, lần cuối cùng Đức Sartô vào chầu Đức Thánh Cha Lêô thì Đức Giáo Hoàng có nói: “Cha cảm thấy như Chúa sắp gọi Cha về, có lẽ con sẽ phải về đây thay Cha”.
Thấy Đức Hồng Y bỡ ngỡ và tỏ vẻ buồn sầu khi nghe những lời nói đó thì Đức Giáo Hoàng thêm: “Cha biết con có thể mưu ích nhiều cho Giáo hội”. Quả thực, hai lời tiên tri này đã được thực hiện một cách mau chóng. Sau mấy ngày ngã bệnh, Đức Lêô XIII chịu phép Xức dầu ngày 08 tháng 7 năm 1903, rồi ngày 19 Đức Thánh Cha băng hà.
Các Hồng Y ở khắp thế giới được triệu tập về Rôma. Đức Hồng Y Sartô vì bận nhiều việc nên mãi ngày 26 mới lên đường. Chính trong cuộc hành trình này, ngài không có sẵn tiền để đi tàu, phải chạy vay mấy trăm lia (tiền Ý) mới có tiền đi.
Hội nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng mới đã ấn định khai mạc vào 8 giờ tối ngày 31 tháng 7, và Đức Hồng Y Sartô đã đắc cử với số 50 phiếu (có tất cả 61 Hồng Y tham dự cuộc bầu phiếu). Được tin trúng cử Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Sartô run lên vì sợ hãi, hai gò má lăn tăn những giọt lệ. Một vị Hồng Y tiến lại gần ngài, dùng tiếng Latinh trịnh trọng hỏi: “Chúng tôi đã nhân danh Thiên Chúa tiến cử Ngài làm Giáo Hoàng. Ngài có ưng thuận không? Sau một lúc yên lặng trong cảm động và nước mắt, Đức Hồng Y Sartô nghẹn ngào trả lời: “Ước gì tôi không phải uống chén đắng này, nhưng mong sao thánh ý Chúa được làm trọn”. Thấy câu trả lời không rõ rệt, Đức Hồng Y niên trưởng hỏi lại: “Chúng tôi nhân danh Thiên Chúa tiến cử Ngài làm Giáo Hoàng, Ngài có ưng nhận không?” Đức Hồng y Sartô trả lời: “Tôi xin nhận như nhận một thánh giá”. Ngài muốn nhận tên gì? “Vì tôi phải chịu đau khổ nên tôi nhận tên của những vị đã phải chịu đau khổ. Tôi nhận tên là Piô”. Thế là công việc tiến cử Giáo Hoàng đã xong. Lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng đã cử hành sáng ngày 09 tháng 8 tại đền thánh Phêrô.
Lên ngôi Toà thánh Phêrô, Đức Piô X bắt tay vào việc ngay. Ngài đã tỏ ra là một con người sắc sảo, mẫn tiệp oai nghiêm mà hiền từ, khiến cho mọi người, nhất là các nhà ngoại giao phải ngạc nhiên và thán phục. Ngạc nhiên và thán phục vì trong cách giao thiệp lịch sự của Đức Thánh Cha, họ còn nhìn thấy rõ cả một tấm lòng. Ngài vẫn ăn ở đơn sơ để mọi người dễ đến với ngài, nhưng ai nấy vẫn cảm thấy trong cái đơn sơ ấy phát ra tất cả những gì oai nghi và đáng kính. Càng gặp ngài, càng thấy oai vệ nhưng đầy tình thương yêu hiện trên đôi mắt. Ngài hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa trong mọi việc. Khi có ai xin ngài ấn định một điều gì mà ngài chưa soạn sẵn thì ngài trả lời: “Cha sẽ nghĩ”, rồi ngài chỉ ảnh chuộc tội và thêm: “Đấng kia sẽ định”. Mỗi lần nhỡ ra ngài phải quyết định điều gì gây nỗi khổ cho ai, thì chính ngài cảm thấy đau khổ và suốt đêm đó ngài không ngủ được.

Ít người có dũng cảm như ngài, ngài làm việc đắc lực vì ngài nhìn rõ việc ngài phải làm, và trí ngài hằng cầu nguyện với Chúa để khỏi thất đảm. Ngài nhận thấy nguyện ngắm, cầu kinh đem lại một sức mạnh vô song, và nhờ đó ngài đã làm nổi việc cao cả Chúa giao phó. Nhiều người đã công nhận ngài vừa nhu vừa cương. Thực ra, chính bản tính ngài hiền từ, nhưng một khi chức vụ đòi hỏi, ngài tỏ ra rất cương quyết.
Ngài làm việc không biết mệt. Trong 11 năm trên ngôi Giáo Hoàng, ta thấy biết bao thông điệp, thư chung, diễn văn, tính qua cũng đã hơn 350 bức. Nếu kể cả công thư và đạo dụ về hội đoàn hay luật dòng, kể cả những tài liệu do thư ký Toà thánh phê hành do ý ngài muốn, thì con số lên tới 3332 bài. Vì thế một học giả đã nói: “Đây là một trong những triều Giáo Hoàng xán lạn nhất trong lịch sử Giáo hội”. Ngài có lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể cách riêng. Chính ngài ban phép cho các trẻ em được chịu lễ khi mới có trí khôn, và khuyến khích việc năng chịu lễ và chịu lễ hằng ngày.
Với bao công lao ngài đã thực hiện, và với 80 tuổi đè nặng trên vai ngài một ngày một giảm sút. Mùa hạ năm 1914, Đức Thánh Cha bị sưng màng phổi vì quá lao lực, bệnh càng lúc càng trở nên trầm trọng. Lúc chịu bệnh Ngài than thở: “Xin theo ý Thiên Chúa, con tin là công việc của con đã hoàn tất, con xin tận hiến”. Sáng ngày 18 tháng 8, Đức Thánh Cha xin chịu lễ như của ăn đàng. Ngày 19 tháng 8, chuông lớn đền thờ thánh Phêrô ai oán báo hiệu cho toàn thành Rôma biết tin Đức Thánh Cha hấp hối. Và ngày 20 tháng 8, Đức Thánh Cha phó linh hồn trong tay Chúa. Được tin sét đánh đó, toàn thể thế giới thọ tang ngài. Không một ai không ngậm ngùi thương tiếc. Ngài được phong thánh ngày 29 tháng 5 năm 1954. Ngài khuất đi nhưng đời sống của ngài còn chói lọi với sử xanh, với nhân loại.
Bao kỷ niệm còn đang sống trong tâm can của toàn thể thế giới.
Đức Piô X tạ thế, nhưng tinh thần Piô X vẫn còn mãi mãi.

Nguồn: tinmung.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét