LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
THỨ HAI TUẦN XXI THƯỜNG NIEN năm II
Bài đọc: II Thes 1:1-5, 11-12; Mt 23:13-22
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Một niềm tin, hai lối
sống.
Thủ tướng Ghandi có lần
nhận xét: “Nếu tất cả các Kitô hữu sống đúng những gì Chúa dạy, có lẽ cả thế
giới đã tin vào Ngài.” Thật vậy, các Kitô hữu là những người có chung một niềm
tin nơi Thiên Chúa, nhưng không phải ai cũng thực hành những gì Ngài dạy. Các
bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ cụ thể về hai lối sống của những
người cùng một niềm tin vào Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống tin Chúa yêu
người của tín hữu thành Thessalonica.
Đứng trước thử thách và
đau khổ, những tín hữu sống theo tin yêu sẽ sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm
chứng cho Thiên Chúa, sẽ sẵn sàng hy sinh để người khác được những sự tốt đẹp
hơn mình. Đây là những mẫu người mà Thánh Phaolô đã tìm được nơi các tín hữu
Thessalonica. Ngài khen họ: “Thưa anh em, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên
Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ, vì lòng tin của anh em đang phát triển
mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác
cũng gia tăng. Bởi thế, chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh
của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp
cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được
coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em
chịu đau khổ.”
Lòng tin yêu, nếu không
luôn được tôi luyện, sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng suy nhược, và dần dà sẽ mất
đức tin. Vì thế, Thánh Phaolô luôn cầu nguyện cho những tín hữu mới của ngài
luôn được bền vững trong đức tin mà họ mới lãnh nhận: “Xin Thiên Chúa chúng ta
làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn
thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. Như
vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh
em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của
Chúa Giêsu Kitô.”
2/ Phúc Âm: Lối sống giả hình của
các Kinh-sư và Biệt-phái.
Giả hình (hupokrites) trong tiếng Hy-lạp có nghĩa
“người trả lời.” Vì thế, theo truyền thống Hy-lạp, chữ này có liên quan đặc
biệt đến những người trả lời trong cuộc đối thọai của các vở kịch trên sân
khấu, các diễn viên. Họ là những người đóng kịch, trong lòng đang vui mà phải
giả bộ khóc hay đang buồn mà phải cố cười để mua vui cho thiên hạ. Nói tóm,
người giả hình là người sống không thật với lòng mình, người mà ca dao Việt-nam
mô tả:
Bề ngòai thơn thớt nói
cười,
Mà trong nham hiểm giết
người không dao.
Đứng trước thử thách và
đau khổ, những người theo lối sống giả hình sẽ tìm cách không phải chịu gian
khổ bằng cách nêu lên mọi lý do để biện minh cho hành động nhát đảm sợ sệt của
mình. Họ sẽ cố gắng che đậy sự ích kỷ trong lòng bằng những hành động giả ân
nghĩa bên ngoài.
Chúa Giêsu gọi các
Kinh-sư và Biệt-phái là những hạng người này: "Khốn cho các ngươi, hỡi các
Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ
vào. Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ
vào. Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người nuốt
hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên
các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
Kinh-sư và Biệt-phái
khóa cửa Nước Trời bằng lối sống giả hình. Làm sao họ có thể vào Nước Trời bằng
giữ chi li bao lề luật không cần thiết mà bỏ quên biết bao điều quan trọng của
Luật như công bằng, nhân từ và trung tín? Và nếu dân chúng cũng tin họ và làm
như thế thì cũng chẳng được vào Nước Trời.
Chúa cũng lên án họ về
việc không chịu làm gương sáng cho những người mới theo đạo: "Khốn cho các
người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất
liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại
làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” Thay vì làm gương sáng, họ
làm gương mù và dạy cho những người mới trở lại đạo giả hình của mình. Những
người mới vào đạo thường hăng hái và nhiệt thành hơn những người đã theo đạo
lâu năm; nếu không nhiệt thành về điều tốt, họ sẽ nhiệt thành về những gì xấu
đã được chỉ dạy.
Các Kinh-sư và Biệt-phái
là những người làm luật và thông luật. Họ biết cách phiên dịch luật sao cho
trắng hóa đen, đúng hóa sai, bằng cách thêm bớt hay tìm chỗ sơ hở của lề luật.
Một ví dụ Chúa Giêsu đưa ra hôm nay về việc chỉ Đền Thờ mà thề. Luật dạy khi đã
chỉ Đền Thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện, thì phải giữ lời thề đó bằng bất cứ giá
nào. Nhưng các Kinh-sư và Biệt-phái tìm cách làm cho lời thề đó không phải giữ
bằng cách lý luận loanh quanh. Họ bảo: "Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề
cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng
buộc."
Chúa vạch trần những lý
luận khôi hài của họ: “Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm
cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn nói: "Ai chỉ bàn
thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề,
thì bị ràng buộc." Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho
lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn
thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề.”
Và Chúa kết luận: “Ai
chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà
thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Cùng một niềm tin có
thể dẫn tới hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống dựa trên tin
yêu và một lối sống giả hình hoàn toàn bên ngòai.
- Con người có thể bị
đánh lừa bằng lối sống giả hình bên ngoài, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị
đánh lừa vì Ngài thấu suốt mọi sự trong tâm hồn.
- Chúng ta cần biết sống
đơn sơ thành thật trước mặt Thiên Chúa và con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét