Trang

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Suy Niệm Chúa Nhật XX Thường Niên - năm B (2012)

Suy Niệm Chúa Nhật XX Thường Niên - năm B (2012)


Suy Niệm Chúa Nhật XX Thường Niên - năm B (2012)

Hai chủ đề đan xen vào nhau trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay:

- Lời mời gọi nuôi dưỡng mình bằng thần lương Thiên Chúa thiết đãi (bài đọc I và Tin Mừng).

- Đề tài khôn ngoan ngự trị trong bài đọc I và bài đọc II nhưng xuất hiện trong Tin Mừng như lời thách đố của Thiên Chúa.


Lm Inhaxiô Hồ Thông

Cn 9: 1-6

Trong bài đọc I trích từ sách Châm Ngôn, Đức Khôn Ngoan mời gọi nhân loại và đặc biệt những người túng thiếu, hãy đến mà dùng thần lương mà mình thiết đãi. Bàn tiệc Đức Khôn Ngoan loan báo bàn tiệc Thiên Sai.

Ep 5: 15-20

Trong thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu của mình sống theo sự khôn ngoan độc đáo của Ki-tô giáo.

Ga 6: 51-58

Tin Mừng dâng hiến cho chúng ta phần cuối của diễn từ “Bánh Trường Sinh”, trong đó, bằng những ngôn từ rất hiện thực, Đức Giê-su loan báo ân ban Thánh Thể: thịt và máu của Ngài. Đây là lương thực mà Thiên Chúa thiết đãi muôn dân với sự khôn ngoan cao vời khôn ví của Ngài, nhưng được cho là điên rồ dưới con mắt phàm nhân.

BÀI ĐỌC I (Cn 9: 1-6)

Sách Châm Ngôn là một trong những sách minh triết Cựu Ước, cũng được gọi là các sách huấn giáo (những lời khuyên bảo của các tiền nhân). Trường phái văn chương nầy xuất xứ từ nguồn gốc bình dân và nguồn gốc bác học.

Về nguồn gốc bình dân, sự khôn ngoan là thành quả thường nghiệm được tích lủy qua biết bao đời; nó được diễn tả bằng những câu châm ngôn, thường rất phổ biến. Chúng ta gặp thấy trào lưu nầy khắp bốn phương trời, hình thành nên “túi khôn của loài người”.

Về nguồn gốc bác học, sự khôn ngoan là những suy tư sâu xa về cuộc sống của các bậc trí giả từng trải, thậm chí của vua chúa nữa, như ở Ít-ra-en vua Sa-lô-mon là một bằng chứng điển hình: nhiều châm ngôn được gán cho vị vua được cho là khôn ngoan bậc nhất này (sách Châm Ngôn được đặt dưới quyền bảo trợ của vua Sa-lô-mon). Trong miền Cận Đông cũng vậy, có nhiều tác phẩm giáo huấn ở đó vua (hay một quan đại thần) cho con mình hay người kế nghiệp của mình những lời khuyên bảo khôn ngoan. Su-me, A-khát, Ai-cập đã để lại cho chúng ta nhiều sử liệu thuộc thể loại văn chương nầy.

1. Nét đặc trưng của sách Châm Ngôn:

Sách Châm Ngôn kết hợp hai nguồn nầy. Nét đặc trưng của sách Châm Ngôn đó là, ở giữa những câu châm ngôn rất dị biệt, sách dâng hiến một phân đoạn, có thể được soạn thảo muộn thời, đề tặng cho Đức Khôn Ngoan.

Ở đây, Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa thành một Bà Chủ hiếu khách mở tiệc khoản đãi. Việc nhân cách hóa nầy mang tính chất thi ca. Đức Khôn Ngoan được ca ngợi ở đây cốt yếu là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, tự nó không thể cấu thành một thực thể biệt phân. Độc thần giáo tuyệt đối của dân Ít-ra-en: “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra, không có vị Chúa nào khác”, không thể quan niệm khác đi được. Trong Cựu Ước, sự Khôn Ngoan của Đức Chúa cũng như Thần Khí của Ngài là những quyền năng của Thiên Chúa chứ không là những ngôi vị biệt phân với Thiên Chúa.

2. Bữa tiệc Đức Khôn Ngoan thiết đãi.

Trong đoạn văn được đề nghị cho chúng ta, giáo huấn mà Đức Khôn Ngoan ban cho được sánh ví với một bàn tiệc khoản đãi cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của mình.

“Đức Khôn Ngoan đã dựng xong nhà, đẻo bảy cột”, điều nầy giả sử một nội thất nguy nga lộng lẫy, ở đó các khách mời có thể trò chuyện thân mật. “Bảy” là con số chỉ sự hoàn hảo. Đức Khôn Ngoan đích thân“ hạ thú vật”, tự tay mình “chế rượu” và “dọn bàn”; nghĩa là chủ nhân muốn thiết đãi khách những món ăn thức uống tuyệt hảo.

Đức Khôn Ngoan “sai nữ tỳ lên các nơi cao trong thành phố rao mời”. Câu nầy xem ra không quan trọng lại là câu then chốt của bản văn. Trong Kinh Thánh việc sai phái các tôi tớ của mình đi thi hành sứ vụ quan trọng là cử chỉ của Thiên Chúa; truyền thống sẽ xem cử chỉ nầy thậm chí là cử chỉ của Đấng Thiên Sai. Đó là lý do tại sao các tác giả Tin Mừng thường nhấn mạnh cử chỉ nầy được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su khi “Ngài sai hai môn đệ ra đi” để chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua (Mc 14: 13; Lc 22: 8); trong dụ ngôn Tiệc Cưới, vua sai các gia nhân của mình ra đi mời khách dự tiệc, như Đức Khôn Ngoan đã làm.

3. Lời mời được gởi đến hết mọi người.

Đức Khôn Ngoan đòi hỏi lời mời của mình phải được vang lên cho đến hang cùng ngỏ hẽm ngõ hầu mọi người đều có thể nghe được; lời mời nầy mang tính phổ quát. Đức Khôn Ngoan mời mọi người tham dự bàn tiệc mà mình thiết đãi: Ở bữa tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su mời: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn và uống”.

Tuy nhiên, lời kêu mời trở nên trực tiếp hơn và khẩn thiết hơn được gởi đến cho những ai “ngây ngô”. Đó là những người khao khát sự hiểu biết và muốn được mỗi ngày được sống trong sự hiểu biết, nhưng không là những bậc thông thái tự mãn, đóng kín mình trong sự hiểu biết của riêng mình. Ngôn sứ I-sai-a đã loan báo rằng rồi sẽ đến ngày Đức Chúa sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho dân Ngài: “Bấy giờ sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy sự thất bại, và trí thông minh của những kẻ thông minh sẽ tan thành mây khói” (Is 29: 14).

Chúng ta đang ở ngưỡng cửa Tin Mừng hôm nay. Dự định của Thiên Chúa, được chuẩn bị trong sự khôn ngoan khôn dò của Ngài, xem ra điên rồ dưới con mắt của con người dù họ đã được báo trước đi nữa.

BÀI ĐỌC II (Ep 5: 15-20)

Thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô được trích hôm nay thuộc chương 5, ở đó thánh Phao-lô trình bày cách sống mới mẽ mà người Ki-tô hữu đem lại. Những lời khuyên ở đây hòa điệu tuyệt vời với những lời khuyên của sách Châm Ngôn.

1. Cẩn trọng xem xét cách ăn nếp ở của mình.

Đây không cốt là một lời khuyên mới nhưng lời kêu mời khái quát và có tính nhắc nhở. Cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu phải là cách sống của một người khôn ngoan, đây là sự khôn ngoan đặc thù Ki-tô giáo mà thánh Phao-lô chủ ý mời gọi. Ở môi trường chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp, sự khôn ngoan Hy lạp mà người ta tìm kiếm là một cuộc sống quân bình, điều độ và mực thước, thánh nhân đề cao sự khôn ngoan Ki-tô giáo, sự khôn ngoan cao vời khôn ví, vì nó mở đường đến sự hiểu biết Thiên Chúa và ơn cứu độ đời đời.

2. Hãy biết tận dụng thời buổi hiện tại.

Chúng ta đừng quên rằng thánh nhân viết thư nầy đang khi ngài đang bị giam cầm ở Rô-ma để gởi đến các cộng đoàn Ki-tô hữu hiện đang gặp phải những khó khăn và quấy nhiễu. Lời khuyên của thánh Phao-lô ở đây có thể được quảng diễn như sau: “Anh em được  dịp sống vào thời buổi khó khăn, đó là cơ hội thuận tiện tuyệt vời để anh em hoàn thiện chính mình và sống theo Đức Ki-tô. Hãy tận dụng tận mức cơ hội nầy”.

3. Chớ say sưa rượu chè.

Thánh nhân đưa ra một mẫu gương khác cho thấy cách sống của người khôn ngoan: sống điều độ. Thánh nhân dường như nhắm đến sự lạm dụng xảy ra vào những bữa ăn cộng động Ki-tô hữu. Quả thật, thánh nhân gợi lên những buổi nhóm họp nầy liền ngay sau khi thánh nhân mong ước rằng những buổi họp phải tập trung vào việc cầu nguyện. Thánh nhân đối lập việc thấm nhuần Thần khí với việc rượu chè say sưa: “Hãy thấm nhuần Thần Khí”.

4. Hãy cùng nhau xướng đáp những bài thánh vịnh.

Chúng ta biết rằng những người Ki-tô hữu tiên khởi đã được gợi hứng từ những tập tục hội đường để cấu trúc những buổi hội họp của họ: xướng đáp những bài thánh vịnh, thánh thi, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, vân vân. Sơ đồ của Thánh Lễ làm chứng như vậy.

Nhưng các cộng đoàn Ki tô hữu đã rất sớm sáng tác các bài thánh thi của riêng mình, đọc kinh Lạy Cha và “những lời ca ngợi chúc tụng Chúa” tự phát. Thánh Phao-lô luôn luôn nhấn mạnh tâm tình tạ ơn như yếu tố cốt yếu của lời cầu nguyện.
TIN MỪNG (Ga 6: 51-58).

Với đoạn trích nầy, chúng ta hoàn tất bài diễn từ “Bánh Trường Sinh”.

1. Bàn tiệc Thánh Thể:

Đức Giê-su vừa công bố một lời gây sửng sốt: “Bánh tôi ban tặng, chính thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Lời công bố khó lọt tai này gây phản ứng ngay tức khắc từ phía những người Do thái, vốn trước đây đã nghi ngờ, tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.

Lời công bố của Đức Giê-su ở đây rất gần với lời công bố của Ngài vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể được thuật lại trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, ở đây, thánh Gioan không dùng từ “sôma” (“mình tôi”) như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, mà lại từ “sarsh” (“thịt tôi”). Từ nầy theo tiếng A-ram cũng như tiếng Hy-bá, chỉ toàn bộ con người đang sống, trong khi từ “sôma” chỉ một thân xác đối lập với linh hồn theo thuyết nhị nguyên của Hy-lạp. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng từ “thịt tôi” chính là từ gốc mà Đức Giê-su đã sử dụng khi thiết lập bàn tiệc Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Từ “thịt tôi” đã được thay thế bởi từ “mình tôi” cho phù hợp với công chúng nói ngôn ngữ Hy-lạp. Dù thế nào, với từ “thịt tôi”, thánh Gioan thiết lập mối liên hệ chặc chẽ giữa “Nhập Thể” và “Thánh Thể”. “Ngôi Lời làm người (“sarsh”) trở thành bánh Thánh Thể”.

Đức Giê-su nhận ra thái độ kinh ngạc của những người đối thoại. Ấy vậy, nếu như câu nói này chỉ là biểu tượng, chắc chắn Ngài sẽ đính chính, nhưng không, Ngài lại càng nhấn mạnh hơn nữa: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời”. Lời khẳng định nầy lại còn gây sửng sốt hơn nữa: chẳng những Chúa Giê-su nói đến “thịt của Ngài”, nhưng còn cả “máu của Ngài”. Đây không còn là lời khẳng định không thể tin được nhưng còn gây kỳ chướng nữa. Người Do thái không bao giờ dùng máu; máu là trung tâm sự sống, được dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống. Trong hy lễ, máu hoàn toàn được dâng tiến cho Thiên Chúa.

Chắc chắn trong ngôn ngữ sê-mít, cách nói thông thường “thịt và máu” chỉ “toàn thể con người” như Đức Giê-su nói với Phê-rô sau khi ông tuyên xưng đức tin: “Nầy anh Si-mon con Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải thịt và máu (phàm nhân) mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16: 17). 

Nhưng khi khảo sát theo văn mạch hai từ thịt và máu nối tiếp nhau nầy, chúng ta nhận ra rằng Đức Giê-su gợi lên rằng máu sẽ được đổ ra để mà uống, cũng như thịt sẽ được trao ban để mà ăn. Ngài loan báo rằng bàn tiệc Thánh Thể không thể tách khỏi cuộc Tử Nạn của Ngài trên đồi Can-vê. Ngoài ra để tránh việc hiểu bàn tiệc Thánh Thể quá vật chất, quá phàm trần, Đức Giê-su sử dụng cách nói “ăn thịt và uống máu Con Người”, một nhân vật thần linh đến trên mây trời ở trong sách Đa-ni-en. Như vậy, thịt và máu Ngài ban cho để ăn và uống ngõ hầu có sự sống đời đời, không là thịt và máu của Đức Giê-su thành Na-da-rét, con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, mà là thịt và máu của Đấng đã chết, sống lại và nay đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chính vì thế thịt và máu mà Ngài ban tặng sẽ không bao giờ cạn.

2. Lời hứa ban sự sống:

Toàn thể phần cuối của diễn từ nhấn mạnh lời hứa ban sự sống; lời hứa nầy được lập đi lập lại hầu như ở mỗi câu. Chúa Con xuất thân từ Chúa Cha hằng sống; vì thế, Ngài nắm trong tay mọi nguồn phong phú của sự sống thần linh mà Ngài thông truyền cho nhân loại khi hiến thân mình thành của ăn thức uống, nghĩa là một sự hiệp thông mật thiết đến nỗi không thể nào sánh ví được: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sống mãi trong tôi, và tôi sống mãi trong người ấy”. Như thường hằng trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su nhắc lại mối liên hệ của Ngài với Chúa Cha. Cũng vậy, động từ “ở trong” là một động từ tâm đắc đối với thánh Gioan, qua đó, thánh ký diễn tả tính nội tại của vương quốc Thiên Chúa.

Cuối cùng, Đức Giê-su nhấn mạnh thêm một lần nữa sự sống bất khả hư nát mà Ngài ban, như vậy, Ngài củng cố thêm một lần nữa lời hứa ban sự sống phục sinh của Ngài. Như vậy Ngài mạnh mẽ khẳng định ý nghĩa chung cuộc của “Bánh Trường Sinh”.

Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan đã không tường thuật việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, nhưng trong chương 6 nầy, thánh nhân muốn chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm vĩ đại nầy, còn hơn cả các sách Tin Mừng Nhất Lãm có thể làm trong những bài trình thuật đạm bạc của mình.

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét