LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc:
Eze 34:1-11; Mt 20:1-16.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ :
Mục tử tốt lành.
Bổn phận của những người lãnh đạo là phải lo
cho tất cả mọi người dưới quyền mình, không chỉ những người có tài đức, tốt
lành, trẻ trung, mạnh khỏe; nhưng còn cả những người bất tài, già yếu, bệnh
tật… Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa, người Mục Tử
Tốt Lành với những mục tử giả hiệu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các mục tử giả hiệu
không chịu săn sóc đòan chiên của mình.
Bổn phận của người mục tử là coi sóc đòan
chiên của mình, họ phải chịu trách nhiệm trước mặt chủ vì số phận của đòan
chiên. Nếu đòan chiên tốt lành, mạnh khỏe, họ sẽ được chủ khen ngợi và thưởng
công xứng đáng. Nếu đòan chiên yếu nhược, tan tác, họ sẽ bị chủ nghiêm khắc trị
tội và lấy đi quyền mục tử để trao cho người khác biết cách chăm sóc đòan chiên
tốt hơn. Cũng vậy, những người lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội,
họ có bổn phận coi sóc những người dưới quyền họ, và họ phải chịu trách nhiệm
trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã ban quyền và trao cho họ những người họ phải chăm
sóc.
Người mục tử giả hiệu chỉ biết lo cho bản thân
họ như tiên tri Êzêkiel đã tuyên sấm hôm nay: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en,
những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?
Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn
đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh;
chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không
băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không
chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của
Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn.
Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác
trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
Hậu quả của việc chăn chiên vô trách nhiệm là
họ sẽ bị Thiên Chúa trừng trị xứng đáng. Ngài sẽ tước đọat quyền mục tử bằng
cách lấy đòan chiên lại để trao vào tay người khác: Đây Ta chống lại các mục
tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục
tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng
chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.
Vì không kiếm được những mục tử tốt lành trong
Israel,
nên Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của
Ta và thân hành kiểm điểm.” Người Mục Tử Tốt Lành trong Tân Ước là chính Chúa
Giêsu vì chính Ngài đã tuyên bố: “Ta là Mục Tử Tốt Lành, Ta biết các chiên Ta,
và các chiên Ta biết Ta” (Jn 10:11a). Điểm nổi bật của người Mục Tử Tốt Lành là
ông “dám phó mạng sống mình vì đòan chiên” (Jn 10:11b). Chính Chúa Giêsu đã
thân hành huấn luyện các Tông Đồ để trở thành những người Mục Tử Tốt Lành theo
gương và đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Người Mục Tử Tốt Lành săn sóc tất cả các
con chiên của mình.
Điểm chính trong dụ ngôn hôm nay không phải ở
chỗ công bằng hay bất công xã hội: làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều; nhưng ở
chỗ mọi người đều có của ăn. Người lãnh đạo tài đức là người sắp xếp làm sao
cho mọi người đều có việc và có của ăn xứng với phẩm giá con người. Khởi đầu
bằng lời Chúa Giêsu nói: "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng
sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận
với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.”
Những người đến sau Phúc Âm không cho biết lý
do tại sao; nhưng trong đời sống con người, rất nhiều chuyện không dự tính có
thể xảy ra. Thay vì mất công tìm ra lý do tại sao họ không cùng nhóm với những
thợ từ sáng sớm (ngay cả việc lười biếng cũng là một chứng bệnh), chúng ta có
thể xếp họ vào nhóm không có cơ may (bệnh tật, ít tài, tai nạn…). Nhà lãnh đạo
giỏi có thể khắc phục và tìm ra cách dùng những người không có cơ may. Phúc Âm
tường thuật: Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở
không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào
vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." Họ liền đi. Khoảng giờ
thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
Sau cùng, khoảng giờ mười một, ông trở ra và
thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng
đây suốt ngày không làm gì hết?" Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng
tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" Phúc Âm
ở đây nói rõ hơn lý do tại sao họ không làm việc vì không ai mướn họ. Những
người này chỉ làm có một tiếng mà thôi vì bắt đầu giờ thứ 12 là hết ngày làm
việc.
Công nhật của người Do-Thái trong thời gian
này là một denari một ngày, và ông chủ đã giao kèo với họ từ đầu. Ông chủ không
đối xử bất công với bất cứ nhóm thợ nào nên họ không có lý do nào để khiển
trách ông. Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại
mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào
làm trước nhất." Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và
lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất,
họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một
quan tiền.
Ghen tị là bản chất của con người, họ không
muốn ai bằng họ nhất là lại làm ít giờ hơn họ.
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy
người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với
chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng
nôi thiêu đốt."
Tại sao ông chủ như thế? Câu trả lời của ông
chứng tỏ ông là người Mục Tử Nhân Lành, ông thực thi cả công bằng và nhân từ.
Ông lo cho tất cả mọi người có việc làm và có tiền để sinh sống khi ông chủ trả
lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.
Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà
đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.
Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay
vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa trao cho
một, hai, hay cả đòan chiên để chăm sóc tùy khả năng của mỗi người trong các
chức vụ cha mẹ, thầy cô, cha xứ, lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội.
- Khi trao quyền Chúa cũng trao luôn trách
nhiệm, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa về những người Chúa trao.
- Người Mục Tử Tốt Lành biết khả năng của
chiên mình, và chăn dắt chiên sao cho phù hợp với từng chiên. Ông biết cách
vượt lên trên mọi ghen tị của các chiên khác và luôn tỏ lòng nhân từ cho hết
mọi con chiên.
- Phải bắt chước Chúa để thương đến các anh
chị em không có cơ may như chúng ta.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét