Trang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Năm Tuần 19 TN2


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 19 TN2
Bài đọc: Eze 12:1-2; Mt 18:21-19
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:

Tha thứ như đã được tha thứ

Đọc lịch sử của Cựu Ước, một người có thể thấy rõ tiến trình: tội lỗi -> sửa trị -> ăn năn -> tha thứ, trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con cái Israel. Tội lỗi là điều không tránh khỏi khi con người còn mang trong mình tính xác thịt. Khi có tội, con người phải được sửa trị để nhận ra tội lỗi của mình trước khi có thể ăn năn thống hối. Mục đích của việc sửa trị không phải là để hành hạ con người, nhưng là để làm cho họ trở nên tốt đẹp hơn. Khi con người đã biết ăn năn, Thiên Chúa sẽ tha thứ, Ngài sẽ quên mọi tội lỗi, phục hồi quyền làm con, và nối lại tình nghĩa với họ. Nhưng nếu con người cứ ngoan cố trong tội lỗi của mình và không chịu ăn năn quay về, tha thứ sẽ không thể xảy ra.

Các bài đọc hôm nay xoay quanh tiến trình: tội lỗi -> sửa trị -> ăn năn -> tha thứ. Trong bài đọc I, con cái Israel đã phạm tội lỗi nghĩa với Đức Chúa. Ngài đã gởi ngôn sứ Ezekiel đến để tố cáo tội lỗi của họ, và đe dọa chiến tranh và lưu đày sẽ xảy ra bằng việc đóng kịch; nhưng họ vẫn không ăn năn sám hối. Đức Chúa gọi họ là giống nòi phản loạn, có mắt không nhìn, có tai không nghe; vì thế họ sẽ bị tiêu diệt bởi chiến tranh và đói khát. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết tha thứ cho tha nhân bao lâu họ còn biết ăn năn quay về. Nếu người nào không chịu tha thứ cho anh em khi họ đã ăn năn sám hối, Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho người không biết thứ tha.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chỉ với hai câu rất ngắn, Chúa cho tiên tri Ezekiel thấy sự cứng lòng của dân Do-thái, không chịu ăn năn trở lại để được tha thứ.

Để hiểu rõ nghĩa hơn, chúng ta cần đọc thêm những câu kế tiếp. Vì tuy họ có tai nhưng đã không chịu nghe những lời dạy bảo của Thiên Chúa nói qua các tiên tri, nên Chúa truyền cho tiên tri làm những hành động như đang diễn kịch đi lưu đày với hy vọng cho họ nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra mà ăn năn trở lại. Ông mang hành lý đi lưu đày ra giữa ban ngày cho dân xem thấy rồi xếp lại vào bao; chiều đến ông lấy tay khóet vách đi ra, đầu trùm kín, vác hành lý lưu đày trên vai… Nếu dân tò mò hỏi tại sao làm những điều kỳ dị như thế, ông sẽ cắt nghĩa cho họ biết những gì cũng sẽ xảy ra tương tự như vậy cho họ nếu họ không biết ăn năn hối cải.

Dẫu đã nghe và đã nhìn, nhưng dân vẫn ngoan cố không chịu ăn năn để được tha thứ nên Chúa đã nói với tiên tri những lời như sau: “Hỡi con người, ngươi đang sống giữa một nòi phản loạn, giữa những kẻ có mắt để nhìn mà không thấy, những kẻ có tai để nghe mà không nghe, vì chúng là một nòi phản loạn.” Tuy thế, Đức Chúa vẫn mở đường cho dân đang sống trong nơi lưu đày: Ai biết hối cải quay về, Ngài sẽ cho hồi hương và tái thiết đất nước.

2/ Phúc Âm: Vấn nạn tha thứ. 

2.1/ Phải tha thứ bao nhiêu lần?

Chúng ta phải biết ơn sự mau miệng và tính thành thật của Phêrô, vì nhờ thánh nhân mà chúng ta có được sự giảng giải rõ ràng của Chúa Giêsu về một vấn đề hết sức tế nhị và rất khó thi hành. Phải tha thứ bao nhiêu lần? Tục ngữ Việt-nam có câu “quá tang ba bận,” và phong tục của người Do-thái cũng thế “tối đa là 7 lần.” Phêrô lặp laại truyền thống lần khi hỏi Chúa: “Có phải là 7 lần chăng?” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và chúng ta giật mình: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Các nhà chú giải thường tranh luận “bảy mươi lần bảy là bao nhiêu lần?” Có người cho là 70*7= 490 lần; người khác cho là 707 hay 777, một con số rất to lớn. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha. Nhiều người đã lắc đầu và cho rằng: Nếu thánh trên bàn thờ còn phải nhảy xuống để can thiệp thì làm sao con người có thể tha thứ mãi, nhất là với những người cứ tái đi tái lại? Nhưng nếu chúng ta biết trở nên tốt là một tiến trình tập luyện lâu dài thì việc phải kiên nhẫn tha thứ là chuyện tất nhiên phải làm.

2.2/ Tại sao phải tha thứ?

Thay vì đưa ra câu trả lời, Chúa kể một ví dụ rất rõ ràng và có thể giải quyết nhiều vấn nạn khác chung quanh vấn đề tha thứ. Người nói: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”

Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (tálanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khỏang 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha. Chúng ta hãy xem cách xử của anh với người bạn nợ: Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

Tại sao anh làm như thế? Vì anh nghĩ rằng sẽ không ai biết cách cư xử của anh, nhất là vị vua đã tha nợ cho anh. Nhưng tất cả những gì anh làm đã không giấu được các bạn của anh vì những người này có thể cũng là bạn với con nợ của anh. Họ buồn lắm và đến thuật lại cùng vị vua tất cả mọi điều xảy ra. Chúng ta thử tưởng tượng xem phản ứng của nhà vua sẽ ra sao khi biết được tin này: Vua đòi đầy tớ đến mà phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia! Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin Ta; tại sao ngươi không thương xót đồng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?” Chủ nội giận, trao anh cho kẻ giữ ngục cho đến khi anh trả xong hết nợ.

Cũng vậy, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa: Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Một trong những lý do chính đưa đến ly dị và đổ vỡ trong gia đình hiện nay là rất nhiều người đã không thể tha thứ cho nhau. Tha thứ giúp chúng ta hàn gắn đổ vỡ và giúp gia đình được sống bình an.

- Để có thể tha thứ, chúng ta cần thường xuyên nhìn lại quá khứ và xét mình để nhận biết yếu đuối và tội lỗi của mình. Nếu mình không hoàn toàn, tại sao bắt người khác phải hoàn toàn? Vì thế, thường xuyên lãnh nhận bí-tích Hòa Giải trong gia đình là điều tối cần để giữ hạnh phúc của gia đình.

- Nếu không năng xét mình, con người dễ rơi vào chỗ kiêu ngạo, tự cho mình là công chính. Một khi họ cảm thấy bản thân tốt lành, họ sẽ dễ dàng xét tội và buộc tội tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét