Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 18 TN2
Bài đọc: Jer 31:1-7; Mt 15:21-28
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lòng thương xót của Thiên Chúa
Để hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể học hỏi trong cách đối xử của con người. Khi một người bị xúc phạm, có kiên nhẫn lắm họ cũng chỉ tha thứ tối đa là ba lần. Khi một người đã có thành kiến với một người, một nhóm, hay một dân tộc, anh sẽ không muốn nhìn mặt hay có bất cứ gì chung với đối phương. Nếu Thiên Chúa đối xử với con người như thế, hỏi còn được mấy người sống trên thế gian này? Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người tất cả chỉ với điều kiện là họ ăn năn trở lại. Ngài ban ơn cho cả người tin lẫn người không tin nơi Ngài.
Các Bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm: mặc dù con cái Israel đã nhiều lần xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ mọi tội nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẵn sàng nối lại nghĩa cũ tình xưa và phục hồi tất cả những gì họ có như thuở ban đầu. Trong Phúc Âm, một người đàn bà dân ngoại xứ Phoenicia đến năn nỉ Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái bị quỉ ám. Sau khi thử thách niềm tin của bà cách trầm trọng và nhận ra lòng tin yêu của Bà, Chúa ban cho Bà như lòng sở nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời.
1.1/ Lý do con cái Israel bị lưu đày.
Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel vì họ đã không chịu nghe lời Ngài: Đền-thờ Jerusalem bị tàn phá, của cải trong Đền-thờ bị lấy đi, và cả vua lẫn dân phải lưu đày bên Babylon. Trong trình thuật hôm nay tiên tri Jeremiah loan báo: Chúa sửa phạt rồi Chúa lại xót thương. Sau một thời gian thanh luyện ở Babylon, Chúa sẽ mang những người còn xót lại trở về Jerusalem và Đền thờ sẽ được tái thiết trở lại.
Điều kiện thiết yếu là số còn sót lại phải nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại. Ngôn sứ Jeremiah so sánh cuộc hồi hương như biến cố Xuất Hành lần thứ hai, họ sẽ được Thiên Chúa dẫn số còn sót “lên đường về chốn nghỉ ngơi.”
1.2/ Tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho dân tộc Israel.
Không giống như thói thường của con người, họ không thể chịu nổi sự bất trung, nhất là lại tái phạm nhiều lần; lòng thương xót của Chúa không bị hủy họai bởi tội lỗi và sự bất trung nhiều lần của Israel. Lý do của sự kiên nhẫn này đã được tiên tri Êzekiel đã loan báo: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối và được sống.”
Tiên tri Jeremiah hôm nay cũng nhắc lại lòng thương xót này: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữIsrael.”
Con cái Israel sẽ nhận ra tình yêu độ lượng của Thiên Chúa qua những gì Ngài phục hồi cho họ: Họ sẽ lại được vào Đất Hứa tràn trề sữa và mật như xưa, họ sẽ thống nhất lãnh thổ chứ đất nước không còn bị chia đôi, họ sẽ xây dựng lại Đền Thờ và lại có những ngày hội vui thủa trước khi tiến lên Đền Thờ tại Jerusalem. Họ sẽ hãnh diện với các dân tộc chung quanh vì "Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!"
2/ Phúc Âm: Đức tin vững mạnh của người đàn bà xứ Canaan.
Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu hầu như không ra ngoài lãnh thổ của Israel. Các Phúc Âm chỉ thuật lại một lần biến cố Chúa qua Tyre và Sidon, hai thành phố thương mại phồn thịnh của vùng Cận Đông ngày xưa,Lebanon ngày nay.
2.1/ Người đàn bà xót thương con gái mình.
Bà thương con khi thấy con bị đau đớn khổ sở! Lòng thương con là động lực thúc đẩy Bà vượt qua mọi trở ngại để đến với Chúa. Bà kêu lên Chúa: “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”
2.2/ Người đàn bà vững lòng tin vào Chúa: Rất nhiều trở ngại bà phải vượt qua, nhưng bà tin chắc chỉ có Chúa mới có thể chữa con bà.
Chúa và các tông đồ là người Do-thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử gia Josephus, người Canaans là kẻ thù của người Do Thái. Đó là lý do tại sao Chúa trả lời cho các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Lòng thương xót con giúp bà gạt bỏ tự ái đến gặp Chúa và khiêm nhường xin Ngài thương bà và chữa lành cho con gái của bà. Đáp lại lời cầu xin của bà, Chúa vẫn thinh lặng và các môn đệ của Ngài gần như xua đuổi bà; dẫu vậy bà vẫn không bỏ cuộc. Bà đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
2.3/ Chúa xót thương và ban cho bà được như sở nguyện.
Đức tin cần được thử thách như lửa thử vàng. Sau khi đã thử thách đức tin của bà, Chúa đã nhìn thấu suốt tâm hồn bà. Ngài đã nhìn thấy một tình thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con bệnh tật, nhất là một đức tin không lay chuyển trước mọi thử thách, nên Chúa nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và lòng thương xót làm cho chúng ta giống Ngài hơn bất cứ đặc tính nào. Chúng ta hãy có lòng thương xót tha nhân.
- Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, Ngài xót thương những kẻ biết thương xót; và không chút thương xót kẻ không biết xót thương. Chúng ta có thể van xin lòng thương xót của Chúa trong khi từ chối không xót thương anh chị em mình?
- Lòng thương xót không có biên giới và thời gian, không chỉ giới hạn trong vòng thân quen cũng chẳng giới hạn bao nhiêu lần; bao nhiêu lần trở lại bấy nhiêu lần thương xót.
- Sống trong một xã hội càng ngày càng mất đi lòng thương xót (ly dị, cha mẹ từ con, con từ cha mẹ, anh chị em không them nhìn nhau…), chúng ta nghĩ sao về lòng thương xót Chúa trong trình thuật hôm nay?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét