Trang

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

CÁCH HÀNH XỬ ƯU ĐÃI MÀ ĐỨC GIÊSU DÀNH CHO PHỤ NỮ




CÁCH HÀNH XỬ ƯU ĐÃI MÀ ĐỨC GIÊSU DÀNH CHO PHỤ NỮ

“Tôi nghĩ rằng mình chẳng có chỗ nào trong bàn tiệc này cả,” một phụ nữ trẻ đã nói như thế vài năm trước đây. Chị đang bày tỏ cảm xúc của mình dành cho Giáo Hội.
Lời bình luận của chị đã ám ảnh thần học gia Barbara Leonhard. Theo nữ giáo sư Kinh Thánh này, Đức Giêsu của Tin Mừng là Đấng đón nhận phụ nữ vào bàn ăn và vào trong sứ vụ theo cách thế riêng của mình. Lời nói và hành động của Đức Giêsu rất đánh động và độc đáo nếu người ta biết đọc lại nó trong bối cảnh văn hóa Do Thái thuộc miền Trung Đông vào thế kỷ thứ nhất. Sau đây là bài chú giải của Barbara Leonhard, một nữ tu Phan Sinh đang đảm nhận công tác giảng dạy thần học và hướng dẫn đời sống thiêng liêng.
GIA ĐÌNH – VỊ TRÍ CỦA PHỤ NỮ
Văn hóa của người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất mang tính gia trưởng rất nặng nề. Kinh nguyện hằng ngày của người đàn ông Do Thái bao gồm lời tạ ơn này: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã không tạo dựng nên con là phụ nữ”.
Phụ nữ bị giả định là phải ở trong nhà. Phụ nữ có trách nhiệm sinh sản, nuôi dưỡng con cái và xây dựng một ngôi nhà hiếu khách. Đàn ông không được chào hỏi phụ nữ ở nơi công cộng. Một số học giả Do Thái thời Đức Giêsu, như Philo, đã nói rằng phụ nữ không bao giờ được ra khỏi nhà, ngoại trừ đến hội đường.
Một cách chung, phụ nữ hầu như luôn ở dưới sự bảo trợ và quyền hành của một người đàn ông trong việc cưới hỏi như: cha, chồng hoặc người họ hàng của chồng cô ta, nếu đó là một góa phụ.
Điều này khiến phụ nữ ở vị trí dễ bị tổn thương trong môi trường Do Thái giáo. Họ chỉ có chút quyền lợi trong tài sản hoặc của thừa kế, trừ khi có nam nhân thân thích nào đó đứng tên. Bất cứ đồng tiền nào mà người nữ kiếm được thì đều thuộc về chồng cô ta. Về pháp lý, người đàn ông có thể ly dị vợ với bất cứ lý do nào, chỉ cần trao cho cô một tờ giấy ly hôn là đủ. Tuy vậy, người phụ nữ lại không thể ly dị chồng.
Trong nhiều việc đạo đức, phụ nữ bị coi thường. Đàn ông có bổn phận đọc kinh nguyện hằng ngày, còn người phụ nữ thì không cần. Trong khi học hỏi Kinh Thánh được xem là điều vô cùng quan trọng đối với đàn ông, thì phụ nữ lại không được phép học hỏi các bản văn thánh. Người ta ghi nhận rabbi Eliezer, một thầy dạy ở thế kỷ đầu, đã nói rằng: “Thà rằng lời của Torah bị đốt cháy còn hơn là trao chúng cho một phụ nữ”.
Tại Đền thờ Giêrusalem, phụ nữ bị giới hạn ở ngoại vi. Trong hội đường, họ bị chia cắt khỏi người nam và không được phép nói lớn tiếng. Họ không có quyền làm chứng trong tòa án tôn giáo.
Tuy nhiên, Đức Giêsu khước từ tất cả những lối ứng xử với phụ nữ như vậy qua ít nhất là bốn lãnh vực mà chúng ta có thể rút ra nhiều điểm thực hành cụ thể.
1. ĐỨC GIÊSU NÓI CHUYỆN VỚI PHỤ NỮ NƠI CÔNG CỘNG
Đầu tiên, Đức Giêsu từ chối việc đối xử người nữ như là kẻ thấp kém. Ngay cả trong bối cảnh văn hóa phủ nhận vai trò người nữ trong thời đại của mình, các tác giả Tin Mừng vẫn làm chứng về thái độ tôn trọng phụ nữ của Đức Giêsu. Ngài thường hành xử theo cách thức phủ nhận những hủ tục văn hóa của thời đó. Ngài nhìn nhận ước muốn, tài năng và phẩm giá của người nữ.
Chẳng hạn, Đức Giêsu nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng. Ngài tiến về phía đám đông đang cùng than khóc với bà góa thành Nain và đưa người con trai của bà trở lại cuộc sống (Lc 7,11-17). Ngài cứu chữa người phụ nữ còng lưng trong 18 năm, đặt tay lên bà ngay trong Đền thờ và nói: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền” (Lc 13,12). Khi ông trưởng hội đường phẫn nộ vì Đức Giêsu đã chữa bệnh trong ngày Sabbath, thì Ngài nhắc đến tước vị phẩm giá đặc biệt của bà là “con gái của Abraham” (Lc 13,16).
Trong khi cách nói “con trai của Abraham” thường được sử dụng để biểu thị về người đàn ông Do Thái gắn bó với giao ước của Thiên Chúa, thì phụ nữ không bao giờ được gọi là “con gái của Abraham”. Với danh hiệu này, Đức Giêsu nhìn nhận người phụ nữ có giá trị ngang hàng với nam giới. Trong Ga 4,4-42, Đức Giêsu bỏ qua hai khoản luật ứng xử. Ngài khởi đầu bằng việc đối thoại với người ngoại quốc, Samaria. Thêm vào đó, người ngoại quốc này lại là phụ nữ. Câu chuyện cũng nói đến sự ngạc nhiên của người trong cuộc: “Là một người Do Thái, làm thế nào ông lại xin tôi – một phụ nữ Samaria – chút nước uống?” (Ga 4,9).
Đức Giêsu không chỉ nói chuyện với cô ta mà còn kéo dài cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại nhận biết và đề cao niềm khao khát đạo đức của nàng. Một cách tuyệt đối, Ngài mặc khải căn tính Messia. Khi môn đệ trở lại, họ khó chịu ra mặt với Đức Giêsu về thái độ hành xử của Ngài. Gioan ghi lại những câu hỏi mà họ chẳng dám nói thành lời vì quá sợ hãi: “Thầy cần gì vậy? Thầy đang nói chuyện gì với cô ta vậy?” (Ga 4,27).
Mặc dù người Do Thái cho rằng lời chứng của phụ nữ thì không đáng tin cậy nhưng tác giả Tin Mừng đã không do dự khi kết thúc câu chuyện với lời khẳng định: “Nhiều người Samaria ở vùng ấy đã bắt đầu tin vào Người bởi vì những lời mà người phụ nữ này đã làm chứng” nhân danh Người (Ga 4,39). Những lời đầy hứng khởi của người phụ nữ này đã được lắng nghe và khơi dậy các hành động cụ thể.
2. SỰ TÔN TRỌNG VÀ LÒNG TRẮC ẨN
Kế đến, Đức Giêsu từ chối thái độ xem phụ nữ là ô uế hay xứng đáng bị trừng phạt. Phụ nữ đang có kinh nguyệt hay bị băng huyết thì đều bị kể là ô uế về mặt tôn giáo. Trong tình trạng này, người nữ không được tham dự hầu hết các nghi lễ. Bất cứ vật gì hoặc bất cứ ai mà cô ta chạm vào thì đều bị coi là dơ bẩn.
Câu chuyện về người phụ nữ bị băng huyết trong 12 năm trường đầy kịch tính (Lc 8,43-48). Luca làm nổi bật lòng trắc ẩn của Đức Giêsu đối với người phụ nữ bằng cách sắp xếp câu chuyện này ở vị trí đặc biệt trong Tin Mừng của mình.
Chương 8 đề cao Giarô, viên trưởng hội đường đến với Đức Giêsu để van xin Ngài cứu chữa cho con gái của ông. Khi họ đang trên đường đi, thì người đàn bà đau khổ, sợ hãi và cô đơn vì bệnh tật đã chạm vào áo choàng của Ngài. Từ hội đường, Đức Giêsu quay lại nhìn bà. Ngài muốn biết ai là người đã chạm vào gấu áo của mình. Theo tiêu chuẩn tôn giáo thì hành động của người đàn bà này đã làm cho Đức Giêsu bị ô uế, dù chỉ sờ vào chiếc áo choàng.
Trong khi chờ đợi sự tức giận của Ngài thì người đàn bà đã hết sức ngạc nhiên. Ngài không nói với bà lời nào về lễ nghi thanh sạch, nhưng thay vào đó là “người con gái” này đã được niềm tin cứu chữa và có thể ra về trong bình an (Lc 8,48).
Đức Giêsu nhìn nhận phẩm giá phụ nữ trong những trường hợp mà luật lệ đạo đức đòi phải trừng phạt, điển hình như người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm cho Người (Lc 7,36-50) và người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (Ga 8:3-11).
Trong cả hai trường hợp, Ngài xem con người như là đối tượng xứng hợp với lòng thương cảm. Trình thuật Luca kể lại phản ứng thông thường của ông Simon chủ nhà khi thấy Đức Giêsu được chạm đến và được xức dầu bởi một người phụ nữ bị xem là tội lỗi. Vị Pharisêu lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc đã mất hết bình tĩnh mà nói rằng: “Nếu người đàn ông này thật là một ngôn sứ thì hẳn ông phải biết loại người đàn bà đang đụng vào mình là ai và là gì chứ, cô ta là một người tội lỗi” (Lc 8:39).
Đức Giêsu không chỉ nói với phụ nữ này rằng chị đã được thứ tha tội lỗi mà Ngài còn dùng việc làm và tình yêu của chị mà nhắc nhở vị chủ nhà đang bị xúc phạm. Ngài nhấn mạnh: “Anh thấy người phụ nữ này chứ?” (Lc 8,44).
Câu hỏi thôi thúc Simon nhìn xa hơn theo cách mà ông đã từng sống để nhận ra chị như một phụ nữ chân thành, một người đầy yêu thương.
Đức Giêsu dạy cách rõ ràng rằng người tuân giữ tất cả các luật lệ thì không nhất thiết sẽ là người tốt hơn. “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 8,47).
Trình thuật của Gioan về người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình cho thấy cái bẫy đặt ra cho Đức Giêsu (Ga 8,3-11). Các kinh sư và người Pharisêu đem phụ nữ này đến trước mặt Đức Giêsu trong tình thế như vậy – phán xét và trừng phạt. Họ chờ đợi xem liệu Ngài có bác bỏ luật Môsê khi có thiện ý với người phụ nữ này chăng.
Một cách khôn ngoan, Đức Giêsu bỏ qua cuộc tranh cãi thuần túy về pháp luật để đám đông trước sự thật căn bản rằng không ai trong số họ lại không là tội nhân. Khi những người cáo tội lần lượt bỏ đi thì Đức Giêsu nói với người đàn bà đầy cảm thông. Người không đá động gì đến tội của chị. Người không hề buộc tội chị, Người mời chị đi vào khung trời tự do và một hình ảnh mới về chính mình.
3. NHỮNG NGƯỜI NỮ MÔN ĐỆ
Hơn nữa, Đức Giêsu bước qua ranh giới sẵn có giữa người nam và người nữ khi đón nhận phụ nữ như là những môn đệ. Trái với các rabbi trong thời đại của mình, Đức Giêsu đã dạy phụ nữ Kinh Thánh và con đường của tình yêu. Matthêu kể về chuyện thân mẫu và anh em của Đức Giêsu muốn gặp Người. “Người đáp lại… Ai là mẹ tôi? Ai là anh em? Và đã thẳng tay hướng về phía các môn đệ, Người nói: “Đây là mẹ tôi và là anh em tôi” (Mt 12,46-50). Đức Giêsu dùng cả hai hạn từ nam và nữ để cho thấy nhiều môn đệ của Người là nữ giới.
Câu chuyện gia đình của Matta và Maria trong đoạn Lc 10,38-42 nêu bật sự đón nhận và chúc lành cho ước muốn học hỏi của Maria. Cô được miêu tả như là người “ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe Lời Người” (Lc 10,39). Đây là vị trí đặc thù của người môn đệ nam giới. Ngồi dưới chân một rabbi có nghĩa làm môn đệ của ông ta.
Ngược lại, Matta đảm nhận vai trò tiếp khách mà truyền thống dành cho phụ nữ. Có lẽ chính chị nghĩ rằng hành động của Maria không thích hợp khi hành động như một môn đệ. Dù gì đi nữa, Đức Giêsu sẽ không để Maria đánh mất cơ hội này: “Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy khỏi cô ta” (Lc 10,42).
Điều rất đáng chú ý là Đức Giêsu không chỉ giảng dạy cho phụ nữ mà vài chị em đã đồng hành và giúp đỡ Người.
Trong Lc 8,1-3, Đức Giêsu được miêu tả là đang rảo qua khắp các làng mạc để rao giảng và công bố Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có “Nhóm Mười Hai” và vài phụ nữ: “Mari, gọi là Magdalene, người được chữa cho bảy quỉ, Gioanna, vợ của viên bách quản của Hêrôđê, Susanna, và nhiều người khác đã giúp đỡ các ngài”.
Máccô cũng nói về sự hiện diện của các chị em khi Đức Giêsu chịu đóng đinh, “Có những người phụ nữ đã theo Người từ khi Người ở Galile và sứ vụ của Người” (15,41). Bức tranh về những người nữ môn đệ này thật đáng kinh ngạc bởi vì phụ nữ Do Thái thời bấy giờ không được học Kinh Thánh. Thậm chí họ không được phép rời khỏi nhà của mình. Đức Giêsu đã làm điều gì đó thật sự mới lạ.
4. NHẬN LÃNH MẶC KHẢI CỦA ĐỨC GIÊSU
Cuối cùng, Đức Giêsu không chỉ chọn nữ môn đệ nhưng tác giả Tin Mừng còn xác nhận họ là những người lĩnh hội mặc khải của Đức Giêsu một cách tuyệt hảo. Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari bên giếng nước: Ngài là Đấng Mêsia.
Martha, chị của Lazarô, bạn Đức Giêsu, giữa lúc đau buồn, hoang mang về cái chết của em trai đã đấu tranh với chính mình để hiểu ra những điều chị tin nơi Ngài. Và trong lúc họ đứng gần ngôi mộ, Đức Giêsu tỏ lộ ra cho chị: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).
Trong tất cả các sách Tin Mừng, nữ môn đệ là những chứng nhân đầu tiên của biến cố Phục sinh. Maria Magdala thấy Đức Giêsu nhưng chị không tin (Mc 16, 11). Hay trong trình thuật của Gioan (20, 11-18), chị nhận ra Đức Giêsu khi được gọi bằng chính tên của mình. Điều này chứng tỏ họ có mối quan hệ thân thiết với nhau. Ngài bảo chị đi báo tin cho các môn đệ: “Tôi đã gặp thấy Chúa”.
Trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Đức Giêsu hiện ra cho Maria Magdala và một bà khác cũng tên là Maria và sai họ đi báo tin cho môn đệ rằng họ sẽ gặp Người ở Galilê (28,1-10). Trình thuật của Luca cũng có phụ nữ loan báo việc Chúa phục sinh, nhưng câu chuyện còn nói thêm: “Câu chuyện của các bà dường như là vô lý và họ đã không tin các bà” (24,11). Hai môn đệ trên đường về Emmaus dường như cũng nghi ngờ câu chuyện của các bà (Lc 24,22-24).
BÀI HỌC CHO CHÚNG TA
Các sách Tin Mừng chỉ cho thấy vị thế và năng lực của người nữ. Mặc dù sống trong thời đại và văn hoá khác xa thời đại của Đức Giêsu, chúng ta lại có thể học được nhiều điều qua cách thức Ngài đón nhận và ứng xử với phụ nữ.
Ngày nay, nhiều phụ nữ trong Giáo Hội vẫn còn cảm thấy không được lắng nghe và nhìn nhận. Người phụ nữ cho rằng mình không có chổ ngồi trong bàn tiệc Giáo Hội không chất vấn về việc bản thân có được đón nhận trong phụng vụ Thánh Thể hoặc tham dự vào các cuộc hội họp giáo xứ. Ước ao của chị còn đi xa hơn thế. Như những phụ nữ khác trong Giáo Hội hôm nay, chị tự hỏi không biết có sự cởi mở cho lòng khát khao đạo đức và hiểu biết của mình hay không.
Giáo Hội hôm nay có dành cho chị một vị thế như người phụ nữ Samari bên giếng nước và khám phá những vấn đề của chị một cách thẳng thắn mà không sợ bị gán cho cái nhìn tiêu cực, thù nghịch hoặc đòi hỏi hay không? Giáo hội có là nơi mà tiếng nói và kinh nghiệm của nữ giới được coi trọng hay không? Thậm chí, giống như Đức Giêsu, chị mang đến một viễn cảnh mới hoặc thách thức cách hiểu các vấn đề từ trước tới nay. Sau cùng, phụ nữ đã tham gia cầu nguyện cùng với các tông đồ trong suốt khoảng thời gian từ khi Đức Giêsu thăng thiên cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1,13-14).
Có lẽ, một dụ ngôn quen thuộc mà Đức Giêsu nói về người phụ nữ được diễn tả tốt nhất trong đoạn Tin Mừng: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13, 33).
Đức Giêsu nhận ra rằng những phụ nữ đó có những phẩm chất môn đệ và Người không ngần ngại kêu mời họ bước theo. Một số chị em hôm nay cần hiểu rằng Giáo Hội nhìn nhận “khả năng dậy men” của nữ giới và đón nhận tính sáng tạo cũng như linh đạo phụ nữ. Họ có thể trở thành men cho toàn thể khối bột là chính Giáo Hội và thế giới của chúng ta.
Têrêxa Trần Thị Mỹ Hằng, FMM và Isave Trần Thuỵ Minh Thư chuyển ngữ
Lm FX. Phó Đức Giang hiệu đính
(Xem “Jesus' Extraordinary Treatment of Women,” St. Anthony Messenger Magazine, July 2011, pp. 28-32)
http://dongducba.net/node/cach-hanh-xu-uu-dai-ma-duc-giesu-danh-cho-phu-nu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét