Trang

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012


LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Thánh Gioan Tẩy Giả chết

Bài đọc: 2 Thes 3:6-10, 16-18; Mk 6:17-29.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Kỷ luật cần thiết cho đời sống con người 
Con người khác con vật ở chỗ biết suy nghĩ và tự chủ, chứ không phải muốn làm gì thì làm như con vật. Các bài đọc hôm nay dẫn chứng những loại người không sống theo kỷ luật. Họ trở nên gánh nặng và gây ra nhiều thiệt hại cho người khác; nhưng họ phải gánh trách nhiệm trước tòa phán xét của Thiên Chúa trong Ngày Chung Thẩm. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đời sống kỷ luật
1.1/ Sự cần thiết của đời sống kỷ luật: Thành công hay thất bại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều tùy thuộc vào đời sống kỷ luật, thái độ luôn biết làm chủ con người mình trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Người kỷ luật không bao giờ để cho người khác hay khó khăn chi phối họ; trái lại, họ tìm mọi cách để khắc phục các trở ngại gặp phải. Thánh Phaolô là mẫu người kỷ luật, nhưng ngài cũng biết ảnh hưởng của những người vô kỷ luật trên các tín hữu của ngài, nên ngài nhắc nhở họ: “Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi. Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.” 
1.2/ Sự cần thiết của làm việc: Con người sống cần có của ăn, và để có của ăn con người phải làm việc. Những tư tế của Chúa, vì phải làm việc trong Đền Thờ nên không có giờ để làm việc kiếm của ăn như những người khác, Chúa ban cho họ được quyền hưởng của ăn do giáo dân cung cấp. Điều này công bằng vì họ cũng làm việc để lo lắng phần hồn cho giáo dân; chỉ bất công khi họ không chu toàn trách vụ của mình. Thánh Phaolô được quyền hưởng những gì dành cho các tư tế, nhưng ngài cố gắng hy sinh làm việc để nêu gương sáng cho giáo dân. Ngài nói: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.”
Ngài ra chỉ thị cho họ: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” Điều này thật công bằng cho những người có khả năng làm việc. Nhưng nhiều người lười biếng lý luận “không làm mà cũng có ăn thì tốt hơn” hay “làm ít ăn nhiều thì mới là người khôn ngoan.” Chẳng những đã không làm, họ còn dùng thời giờ rảnh rỗi để phạm tội: nói xấu, xen vào việc của người khác, hưởng thụ những thú vui bất chính… Đúng như lời một thánh nhân đã cảnh cáo: “Ở không là mẹ của các tật xấu.” 
1.3/ Phản ứng của những người siêng năng làm việc: Khi thấy những người khác không làm mà được hưởng, đôi khi còn được hưởng trọn mọi cố gắng của người khác, những người siêng năng làm việc sẽ khó chịu tức tối vì bất công. Một số phản ứng sau đây sẽ xảy ra:
(1) Phản ứng thông thường là sẽ tìm cách cho những người ấy một bài học hay phơi bày họ ra ánh sáng. Phản ứng này sẽ làm con người bất an nếu gặp chống cự và kết quả không theo ý mình muốn.
(2) Một phản ứng khác là sờn lòng nản chí rồi bỏ không tiếp tục làm điều đúng nữa. Phản ứng này không nên làm vì đã để người khác chi phối cuộc đời mình.
(3) Phản ứng của Thánh Phaolô: Hãy khuyên bảo họ; nếu cách đó không kết quả thì hãy tìm sự bình an nơi Chúa vì: “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.” Hơn nữa, chúng ta không lo việc bất công vì chính Ngài sẽ phán xét họ, vì không có gì giấu kín mà không bị tỏ lộ ra. Họ có thể đóng kịch qua mặt hết mọi người nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn họ. 
2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết làm chứng cho sự thật. 
2.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của JerusalemDoris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmonean. Lọan luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện lọan luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của Bà Cleopatra. 
2.2/ Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:
(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy, vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
“Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.”
(2) Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: "Con nên xin gì đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm."
(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa cho vào đời với một sứ vụ; chứ không tình cờ xuất hiện hay chỉ để ăn uống, hưởng thụ. Sứ vụ của chúng ta là làm sao giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Chúng ta đều có bổn phận như Gioan là dọn tâm hồn và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô; chứ không hướng mọi người vào chúng ta, hay vào bất kỳ một nhân vật nào khác.
- Để hoàn thành điều này, chúng ta chắc chắn phải chịu nhiều đau khổ, như Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả đã trải qua.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét