CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Ed 33, 7-9
"Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa phán: "Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: 'Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết'; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng" (x. c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! - Đáp.
2) Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 13, 8-10
"Yêu thương là chu toàn cả lề luật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM: Cộng Ðoàn Cầu Nguyện
Trong Giáo hội nói chung và giáo xứ nói riêng đôi khi có những phần tử mà thái độ khiến nhiều người đàm tiếu. Ðó không phải là những người yếu đuối về xác thịt, hay rượu chè, cờ bạc... Những phần tử này cũng làm rầu Hội Thánh; nhưng đó là những người đáng thương. Ðôi khi có những phần tử khác dường như đáng sợ, vì thái độ của họ có vẻ muốn làm hại cộng đoàn tín hữu. Ðối với những người anh em đó, chúng ta phải có thái độ nào?
Lời Chúa hôm nay muốn soi sáng chúng ta, một cách xa xa từ Cựu Ước và một cách gần hơn qua hai bài đọc Tân Ước. Chúng ta sẽ thấy cả khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực của vấn đề. Và chúng ta sẽ được chỉ dẫn phải cư xử thế nào cho hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
A. Mọi Người Ðều Liên Hệ
Không ai được dửng dưng với vấn đề. Qua lời sách tiên tri Êzêkiel, Thiên Chúa muốn nói với hết mọi người chúng ta, và trước hết với chính cộng đoàn Dân Chúa là giáo xứ và Hội Thánh. Chúa đã đặt Dân Ngài như người lính canh để luôn luôn tỉnh thức báo tin ngày giờ Chúa đến viếng thăm Dân Ngài. Vì thế, trước khi nói đến thái độ của người khác, Ngài muốn mỗi người chúng ta kiểm điểm lại phận sự của mình. Nếu có sự xấu lọt vào trong Dân Chúa, phải chăng chẳng phải vì chúng ta đã sao nhãng phận sự canh gác báo tin ngày giờ Chúa đến viếng thăm? Có những phần tử trong cộng đồng Dân Chúa bây giờ suy nghĩ khác với đức tin, có thể vì Dân Chúa đã không mau lẹ đem ánh sáng đức tin soi sáng những vấn đề mới. Chúa đã đặt Hội Thánh và chúng ta làm lính canh gá, nhưng chúng ta đã không mau lẹ loan báo "thời điểm", đem đức tin, đức mến, đức cậy vào trong các vấn đề của thời đại. Vì nếu đã có lần chúng ta gặp những người lính canh, thay vì đứng ở vọng gác tỉnh táo nhìn ra xa để cấp thời loan tin thì đã bỏ đi chơi hay về thăm nhà lai rai, thì chính Hội Thánh, chính cộng đoàn giáo xứ nhiều khi cũng không làm phận sự của mình là loan báo Tin Mừng cứu độ, một chỉ mải miết lo những công việc nào khác, chiều theo các khuynh hướng dễ dãi ở nơi mình. Thay vì nhìn mau ra những hình thức mới Chúa muốn dùng để ban ơn cứu độ, chúng ta đã chỉ biết bảo thủ lặp đi lặp lại một số những hình vi và theo những cách thức không đem lại tinh thần đạo đức sống động. Mỗi buổi sáng Chúa đến với Dân Người đặc biệt trong cử hành phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, lẽ ra chúng ta đã phải làm cho mọi người thấy ơn cứu độ đến đổi mới mọi sự để đời sống Dân Chúa chỉ có thể cứ đẹp hơn chứ không thể xấu đi; nhưng vì chúng ta không biết loan báo sự mới mẻ đó nên có người đã ra hư hỏng.
Bây giờ chúng ta phải làm gì?
Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel: cứ đóng vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa. Êzêkiel ngày xưa không muốn làm công việc này nữa. Ông thấy dân Israel đã hư đốn không muốn nghe và giữ Luật Chúa nữa. Và tai ương giáng họa trên dân tộc bất trung ấy không thể nào tránh nổi. Nhưng Chúa bảo ông cứ đứng trên vọng gác, cứ loan báo Lời Chúa cho mọi người. Nghe hay không thì tùy họ, nhưng nhà tiên tri sẽ không bị tội. Ông đã làm phận sự của mình.
Thế thì Chúa cũng đòi Hội Thánh và chúng ta không bao giờ được ngừng việc thức tỉnh rao giảng sứ điệp cứu độ cho mọi người. Và trước hết bằng chính đời sống đức tin của mình, chúng ta phải tiếp tục sống đạo và sống đạo đặc biệt hơn để soi sáng người ta đón nhận Lời Chúa mà hối cải. Vì thật sự nội dung Tin Mừng cứu độ là chỉ mong cho người ta được rỗi. Thế nên, cùng với việc rao giảng giáo lý Phúc Âm, chúng ta phải tha thiết cầu xin cho tội nhân được ơn trở lại. Và chúng ta phải sung sướng như Êzêkiel thấy trước rồi đây ơn cứu độ sẽ chan hòa khắp nơi. Nhân loại được đổi mới. Và hạnh phúc triển nở từ trong tâm hồn.
B. Cộng Ðoàn Phải Cầu Nguyện
Lời sách Êzêkiel có lẽ chưa làm nhiều người thỏa mãn. Nhà tiên tri chưa trực tiếp làm gì cho những người hư đốn. Chúa đã chỉ nhấn mạnh đến thái độ của mọi người phải luôn luôn tỉnh thức rao giảng Tin Mừng, tức là công bố giới luật của Chúa để kẻ tội lỗi trở lại đàng lành. Những lời Tin Mừng theo thánh Matthêô hôm nay có vẻ cụ thể hơn. Và chúng ta sẵn sàng thi hành hơn. Nhưng cẩn thận! Ðừng tách rời những lời ấy ra khỏi văn mạch. Nhất là không được đem thi hành mà không có tinh thần giữ những điều kiện đòi buộc.
Trước hết chúng ta phải hiểu những lời kia trong chính văn mạch của chúng. Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêô kể lại câu truyện môn đệ đến hỏi Chúa: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Chúa liền gọi một em nhỏ đến, đặt nó ở giữa mọi người và tuyên bố: Ðấy, ai nên nhỏ như em bé này thì sẽ là người lớn nhất... Ai tiếp nhận em là tiếp nhận Chúa� Ai làm cớ cho một em nhỏ nào như vậy hư đi, sẽ đáng buộc đá vào cổ rồi lăn xuống biển... Thế nên đừng có khinh một em nhỏ nào như thế.
Có lẽ môn đệ chưa kịp hiểu hết ý Chúa, thì Người đã nói tiếp: Ai có một trăm con chiên mà lạc mất một, lại không đi tìm con chiên lạc ấy? Cũng vậy Cha trên trời không muốn để mất một em nhỏ nào. Rồi Chúa lại nói luôn: Nếu anh em con phạm tội, thì con hãy đi tìm và làm như thế này thế này...
Rõ ràng, đọc theo văn mạch, chúng ta thấy Chúa muốn chúng ta coi người anh em phạm tội như con chiên lạc, như em bé nhỏ, một kẻ có thể là lớn nhất trong Nước Trời. Và như vậy biện pháp mà chúng ta sẽ làm cho người anh em phạm tội đã phải phát xuất từ một lòng yêu thương, kính trọng. Người anh em ấy là con chiên lạc mà rõ ràng ý Chúa trên trời không muốn để cho hư đi. Chúa dạy chúng ta phải tìm đến người anh em ấy, không phải với cây roi cầm sẵn trong tay để la rầy, quở mắng, nhưng với tấm lòng của Cha trên trời, của người mục tử đau xót vì trong đàn 100 con chiên nay lạc mất một con. Tự nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Anh ta chỉ diễn tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai chúng ta đến với người anh em phạm tội.
Và Người bảo chúng ta: trước hết phải nói riêng với người anh em đó. Nếu được thì hay quá. Cộng đoàn sẽ không mất người anh em kia. Nhưng nếu không được thì thánh Matthêô theo truyền thống của Cựu Ước bảo hãy kéo thêm hai, ba người nữa đi làm chứng để lời nói có giá trị hơn. Nếu cũng không được thì cả giáo đoàn phải đau đớn công nhận người anh em kia không còn ở trong cộng đoàn nữa.
Chúng ta thường không hiểu rõ biện pháp sau cùng này và nghĩ cộng đoàn phải đưa vụ người anh em kia ra xử công khai và tuyên bố loại trừ, "rút phép thông công" người ấy.
Mạch văn của thánh Matthêô không cho phép nghĩ như vậy. Không những cộng đoàn mà thánh nhân nói đến bấy giờ là các cộng đoàn nhỏ thôi; và vì nhỏ nên có thể đưa việc của người anh em ra nói "nhỏ" với nhau trong tình bác ái; chứ thánh nhân không hề có ý tưởng nghĩ đến một tòa án đông người. Rồi thái độ của cộng đoàn không phải là lên án khai trừ người anh em kia, nhưng là công nhận họ nay thuộc hạng người ngoài tầm tay và khả năng của mình để chỉ còn biết trông cậy ơn Chúa Cứu thế có sức hoán cải lương dân và phường thu thuế. Tức là cộng đoàn vẫn có một thái độ rất khiêm tốn, như người mục tử, như Cha trên trời. Cả đoạn văn đang nói về người lớn nhất trong Nước Trời chính là người trở nên bé nhỏ như các em nhỏ, không cho phép chúng ta được nghĩ cộng đoàn hay bất cứ ai có thể có biện pháp mạnh mẽ, trịch thượng đối với người anh em phạm tội.
Như vậy, cả cộng đoàn cũng chịu "thua" một phần tử xấu xa ư?
Chúng ta không nên nghĩ như vậy. Chúng ta không được có những ý tưởng như thế với người anh em sai lỗi. Họ chỉ là một con chiên lạc, một em nhỏ lỗi lầm. Chúa hỏi chúng ta phải xử như thế nào khi gặp những trường hợp như vậy? Rõ ràng chúng ta phải có tình thương, phải chấp nhận vất vả khổ sở vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Ðối với những tạo vật nhỏ bé và mỏng manh, mạnh tay thì hỏng hết. Nâng niu sẽ hàn gắn được.
Nhưng Chúa không chỉ nói ngần ấy thôi. Người còn nói tiếp. Và Lời của Người an ủi biết bao! Người nói cộng đoàn phải biết giá trị của mình. Chúng con cầm buộc hay cởi mở ở thế nào dưới đất, trên trời cũng làm y như vậy. Làm sao người ta có thể nghĩ cộng đoàn "thua" người anh em bướng bỉnh kia? Không ở trong cộng đoàn nữa, không liên kết và hiệp ý với cộng đoàn, y đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời là cộng đoàn các thánh. Chính y thiệt, chứ cộng đoàn có sao đâu! Thiên Chúa vẫn hiệp nhất với cộng đoàn đến nỗi ai ở trong cộng đoàn là ở trong Thiên Chúa và ai lìa xa cộng đoàn là lìa xa Thiên Chúa. Cộng đoàn cứ sinh hoạt và cầu xin: bao giờ cũng được chấp nhận. Nên dù chỉ là hai ba anh em hợp nhau lại nhân Danh Chúa, thì Người đã hiện diện ở giữa rồi.
Như vậy bài Tin Mừng hôm nay thật phong phú. Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm. Theo ý Người, thánh Matthêô cũng chỉ dẫn cho chúng ta phải biết cư xử thế nào với người anh em kia cho hết tình hết nghĩa. Nhưng mục đích chính của bài Tin Mừng vẫn là dạy bảo chúng ta hãy quý mến nếp sống cộng đoàn tín hữu. Ðó là cộng đoàn có Chúa ở giữa; Người lắng nghe và chấp nhận mọi nguyện vọng của cộng đoàn; nhất là Người muốn cộng đoàn hãy có lòng thương mênh mông và sâu xa của Cha trên trời; và khiêm tốn đơn thật như người mục tử có một đàn chiên nhỏ. Chính những tư cách ấy làm cho Hội Thánh và tất cả chúng ta trở nên như người lính canh tỉnh thức nơi vọng gác để loan tin cứu độ cho mọi người.
Thực tế, chúng ta phải làm gì, thì đó chính là điều thánh Phaolô muốn nói với chúng ta trong bài thư Rôma.
C. Mỗi Người hãy Thi Hành Bác Ái
Lời thánh Tông đồ ngày nay đã trở thành một bài hát: Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, trừ ra tình bác ái. Lời ấy phải hiểu thế nào cho đúng? Chúng ta hãy chú ý đến chữ "mắc nợ". Thánh Tông đồ dạy: chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, tức là phải chu toàn mọi sự công bằng với mọi người. Chúng ta không được thiếu bổn phận công bình với bất cứ ai. Ðiều này nhiều khi đã khó. Dù vậy, cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả xong. Vì sao vậy?
Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn Lề luật. Nhiều người có lẽ chưa thấy rõ chân lý này. Người ta có thể nghĩ chỉ cần giữ những điều Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của người v.v... Nhưng họ quên điều quan trọng: phải giữ những điều ấy để thương yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Dĩ nhiên phải chu toàn mọi phận sự công bình với anh em, nhưng phải chu toàn vì bác ái, bởi lẽ bác ái là mục đích của mọi hành vi công bình. Không có lòng yêu thương anh em thì vẫn chưa chu toàn mọi điều công bình Luật dạy, cho dù đã làm những việc ấy, bởi vì chưa đạt tới mục đích của những việc công bình kia.
Thế nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Áp dụng điều này vào vấn đề anh em lỗi phạm, chúng ta sẽ chấp nhận dễ dàng những điều sách Êzêkiel và Tin Mừng thánh Matthêô đã dạy. Và chỉ những ai có lòng bác ái mới thi hành được những điều hai bài Kinh Thánh trên đã chỉ dẫn. Những thái độ nêu ra trong hai bài đọc kia là những thái độ do Lời Chúa phán dạy và do lòng Chúa nói lên. Không có tâm tình của Chúa làm sao hiểu nổi và thi hành được? Mà có tâm tình của Chúa là gì nếu không phải là có chính sự sống của Chúa, có chính lòng bác ái của Người.
Giờ đây chúng ta đi vào thánh lễ. Không những chúng ta hiện đại hóa hành vi cứu độ của Chúa đối với tội nhân khi Người dâng Thịt Máu Người làm hy tế giao hòa mọi người và đưa hết thảy đi vào tình thương của Người. Người còn muốn đổ chính sự sống và tình thương ấy vào lòng chúng ta, để chúng ta không còn sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thánh Thần của Thiên Chúa. Có sự sống ấy ở nơi mình thì chính tình yêu của Ðức Kitô sẽ thúc đẩy chúng ta. Không những chúng ta sẽ có thái độ đạo đức với những anh em lỗi phạm; mà mọi hành vi cử chỉ của chúng ta đối với những anh em lỗi phạm; mà mọi hành vi cử chỉ của chúng ta đối với anh em sẽ được chính lòng bác ái làm động lực. Chắc chắn chúng ta sẽ phục vụ anh em hơn, góp nhiều công sức vào đời sống tập thể hơn, xây dựng cộng đoàn huynh đệ hơn, để giáo xứ chúng, Hội Thánh chúng ta thật có Chúa ở giữa. Người chấp nhận mọi lời kinh nguyện của chúng ta và đổ thêm tình bác ái của Thánh Thần để chính tình thương xây dựng cuộc đời ấm no hạnh phúc trong đoàn kết, nhất trí và thánh thiện thật. Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này sốt sắng để được nhiều ơn sống cuộc đời bác ái.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 23 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Eze 33:7-9; Rom 13:8-10; Mt 18:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sửa lỗi cho nhau.
Sống chung là có đụng. Khi có đụng thì có người sai người đúng. Làm sao biết được ai sai ai đúng? Sửa lỗi cho nhau là cách để nhận ra. Nhưng sửa lỗi là vấn đề hết sức tế nhị, vì tự ái nên không ai muốn nhận phần sai về mình. Nhiều người nhận thấy việc sửa lỗi hại nhiều hơn lợi nên chọn thái độ dĩ hòa vi quý để gia đình hay cộng đòan được bình an. Nhưng sự bình an này chỉ tạm thời và giả tạo vì những tật xấu cá nhân không kịp thời sửa chữa sẽ dần dần lan ra và tác hại trên cộng đòan.
Thái độ lẩn tránh này cũng bị Thiên Chúa kết tội trong bài đọc I hôm nay vì sự hư mất của một linh hồn nếu không được sửa lỗi. Bài đọc II nhấn mạnh về thái độ phải có khi sửa lỗi: Vì yêu thương chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Bài Phúc Âm đưa ra một tiến trình thứ tự trong việc sửa lỗi hầu bảo đảm được kết quả mong muốn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn phận phải sửa dạy và loan báo nguy hiểm của các tiên tri.
Bài đọc I dùng phân từ “ƒôpeh,” đến từ động từ “ƒ¹pâ”. Động từ này có nghĩa là canh gác để khi có dấu hiệu nguy hiểm thì đánh chuông báo động cho mọi người được biết. Trong Sách Khôn Ngoan, động từ được dùng cho người nội trợ khôn ngoan là người luôn biết thu xếp lo liệu cho mọi nhu cầu có thể xảy ra trong nhà (Prov 31:27). Cũng vậy, Thiên Chúa luôn quan sát những gì xảy ra trên thế giới để xét xử cách công minh cho mọi người (Prov 15:3; cf Psa 66:7). Phân từ “ƒôpeh” có nghĩa người canh gác, người luôn ở nơi cao trên tường thành và chịu trách nhiệm loan báo cho Bộ Chỉ Huy biết mọi nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào (1Sam 14:16; 2 Sam 18:24ff; 2 Kgs 9:17-20). Nếu người canh gác không tỉnh thức chu tòan bổn phận, ông có thể bị tử hình.
Nhiệm vụ của tiên tri đôi khi được mô tả theo ngôn ngữ này như Chúa phán cùng tiên tri Ezekiel: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Eze 3:17; cf Eze 33:7; Jer 6:17; Hab 2:1). Mặc dù Thiên Chúa luôn trung thành trong việc gởi các người canh gác của Ngài là các tiên tri đến sửa dạy dân chúng, nhưng nhiều người đã nhắm mắt làm ngơ trước những lời cảnh giác của họ (Isa 56:10). Sự thất bại của những người canh gác và sự từ khước những sứ giả thật là những lý do chính tại sao Israel bị tàn phá và bị lưu đày. Ngược lại, các tiên tri thật sẽ là những người canh gác đầu tiên ca tụng ơn cứu độ của Thiên Chúa (Isa 52:7-10).
Như người canh gác có thể bị tử hình nếu không chịu loan báo kịp thời những nguy hiểm xảy ra, người có trách nhiệm không chịu sửa lỗi cho những người dưới quyền mình cũng sẽ phải chịu hậu quả như vậy trước mặt Thiên Chúa. Điều này được Ngài tuyên phán rõ ràng hôm nay: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết," mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.”
Bổn phận của người có trách nhiệm là phải nói, bổn phận của người dưới quyền là sửa. Cả hai đều phải chịu phán xét trước tòa Chúa. Nếu người có bổn phận đã nói mà người dưới quyền không chịu sửa, tội về phần người dưới quyền: “Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”
2/ Bài đọc II: Mến Chúa, yêu người. Yêu mến là chu tòan Lề Luật.
2.1/ Sửa dạy vì yêu thương: Lý do chính của việc sửa dạy là yêu thương. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương nên đã khôn ngoan bố trí cho con cái Ngài có rất nhiều người canh gác để canh giữ họ khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác: trong nhà có cha mẹ, anh chị em; nơi học đường có thầy cô; nơi nhà thờ có các cha; giáo hội địa phương có các giám mục; và Giáo Hội hòan vũ có Đức Giáo Hòang và hàng Giáo Phẩm của ngài.
Những người canh gác của Thiên Chúa được đòi hỏi bắt chước Thiên Chúa để hướng dẫn những người Chúa trao như Người Mục Tử Tốt Lành: đi tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, tìm đồng cỏ xanh và suối mát cho chiên ăn uống. Người Mục Tử Tốt Lành sẵn lòng thí mạng sống để bảo vệ chiên mình khỏi nanh vuốt cho sói hay kẻ trộm, khỏi rơi xuống vực thẳm, chứ không để chiên lang thang khắp nơi làm mồi ngon cho mọi nguy hiểm.
Những người dưới quyền cũng được đòi để yêu mến và kính trọng những người canh gác như những đại diện của Chúa, vâng lời họ để họ có thể chu tòan sứ vụ Chúa trao, và nhất là cho chính bản thân mình khỏi mọi nguy hiểm. Người Mục Tử Tốt Lành phải biết chiên của mình, nhưng chiên của ông cũng phải biết ông và nghe tiếng ông; để đừng đi theo tiếng gọi của người lạ và nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của họ.
Nói tóm, tất cả mọi thành phần đều phải có nhân đức yêu thương để làm căn bản cho mọi họat động nhất là việc sửa lỗi, như lời thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.”
2.2/ Sửa dạy vì các lý do khác: Một lý do đầu tiên là sửa dạy để thỏa mãn tính nóng giận. Khi gặp ai làm những gì trái ý, nhất là trong những lúc mệt mỏi và dưới nhiều áp lực, con người thường dễ nổi nóng, la hét, đập phá, chửi rủa… Sửa dạy trong lúc nóng giận như thế chẳng những sẽ không đạt được kết quả mong muốn mà còn gây thêm hận thù, khinh thường, và đổ vỡ trong gia đình. Cách tốt nhất là đừng bao giờ sửa dạy trong lúc nóng giận, hãy đi vào phòng hay tìm chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi, suy nghĩ qua đêm để tìm phương cách thích hợp và những lời lẽ khôn ngoan để cố đạt được kết quả mong muốn. Một lý do khác là sửa dạy để vạch ra những lầm lỗi của đối phương cho người khác nhìn thấy. Khi một người bị sửa dạy vì ý hướng này họ sẽ tìm mọi cách để biện hộ vì tự ái của họ, và như thế cũng không đạt kết quả như ý muốn của việc sửa lỗi. Một lý do nữa là thái độ “vạch lá tìm sâu” như thái độ của các Kinh-sư và Biệt-phái, họ tìm cách làm giảm danh giá của người khác để bảo vệ danh tiếng hay gìn giữ khán giả của họ.
3/ Phúc Âm: Bổn phận và cách sửa dạy.
Chúa Giêsu đưa ra tiến trình của việc sửa lỗi gồm 3 giai đọan phải theo như sau:
(1) Bước đầu tiên là giữa hai người mà thôi: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Con người ai cũng có tự ái dẫu biết mình làm sai, họ không muốn bị sửa sai trước mặt người khác, nhất là trước mặt những người thân tín của họ. Bước này cũng cần thiết để bảo vệ công bằng vì hai bên cần biết tất cả những gì liên quan đến sự việc đã xảy ra hầu xét đóan cho đúng đắn.
(2) Kế tiếp cần hai hoặc ba chứng nhân: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Mục đích của bước này là để chứng thực điều lầm lỗi. Luật lệ người Do-Thái công nhận lời chứng của hai hay ba chứng nhân là sự thật.
(3) Bước cuối cùng là đưa bị can ra trước mặt cộng đòan (ekklêsía): “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa cộng đòan. Nếu cộng đòan mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Mục đích của bước cuối cùng này là để bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng như quyền lợi chung của cộng đòan. Cộng đòan hiện diện là do sự tập hợp của nhiều cá nhân và được bảo vệ bằng các luật lệ và hình phạt mà mọi người đã đồng ý thi hành. Một khi đương sự không chịu tuân giữ các qui luật thì cũng chẳng còn lý do gì để ở trong cộng đòan nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sửa lỗi nhau là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn. May mắn cho chúng ta vì Chúa đã để lại cho chúng ta một cách sửa lỗi sao cho có hiệu quả. Chúng ta cần theo đúng những bước này mỗi khi phải sửa lỗi anh em.
- Hai thái cực cần tránh trong việc sửa lỗi: Thái độ “xin cho hai chữ bình an” không giải quyết được vấn đề vì trước hay sau rồi cũng phải giải quyết. Thái độ này cũng bị luận tội bởi Thiên Chúa vì đã không chu tòan bổn phận của người canh gác. Ngược lại thái độ xét xử người khác từng ly từng tí và mọi nơi mọi lúc cũng không nên làm vì người được sửa sẽ nhàm chán và không muốn nghe.
- Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét