Suy niệm chú giải Chúa nhật XXV mùa thường niên
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này xoay quanh một chủ đề: lòng từ bi, nhân hậu ...
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này xoay quanh một chủ đề: lòng từ bi, nhân hậu, rộng lượng và hay tha thứ của Chúa đối với muôn loài mà Ngài đã dựng nên, nhất là con người.
Is 55: 6-9
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị loan báo cuộc giải thoát sắp đến và kêu mời những người lưu đày ở Ba-by-lon thật lòng hoán cải ngỏ hầu được Thiên Chúa thứ tha và cứu thoát, vì tư tưởng của Thiên Chúa không là tư tưởng của phàm nhân, đường lối của Thiên Chúa không là đường lối của con người.
Tv 145 (144): 2-3, 8-9, 17-18
Trong đoạn trích Thánh Vịnh này, tác giả ca ngợi tấm lòng từ bi nhân hậu của Chúa đối với muôn loài Ngài đã dựng nên, nhất là những ai thành tâm cầu khẩn Ngài.
Pl 1: 20-24, 27
Trong đoạn trích thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đang sống trong cảnh giam cầm, bị giằng co giữa đôi ngã: hoặc bị tuyên án tử, như thế được ra đi để được ở với Chúa; hay được phóng thích để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Thánh nhân phó thác số phận của mình vào lòng nhân hậu của Chúa.
Mt 20: 1-16
Qua dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, Đức Giê-su viện dẫn tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa vượt quá sự công bằng giao hoán mà con người đòi hỏi. Một lần nữa, Tin Mừng nhấn mạnh rằng tư tưởng của Thiên Chúa không là tư tưởng của phàm nhân, đường lối của Chúa không là đường lối của con người.
BÀI ĐỌC I (Is 55: 6-9)
Đoạn trích dẫn nầy là một trong những sứ điệp sau cùng mà ngôn sứ I-sai-a đệ nhị gởi đến cho những tù nhân ở Ba-by-lon mong chờ ơn giải thoát, nhưng vài người nghi ngờ và nhụt chí vào khoảng những năm 545-540 trước Công Nguyên. Trong bối cảnh như vậy, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, tác phẩm của ông được gọi “Sách An Ủi” (ch. 40-55), khẩn thiết loan báo những chủ đề hy vọng; ông nhấn mạnh niềm tin vào một vị Thiên Chúa rộng lòng tha thứ, một vị Thiên Chúa toàn năng, Ngài có thể làm bất cứ điều gì mà Ngài muốn.
1. Thiên Chúa rộng lòng tha thứ:
Thời gian cứu độ sắp tới phải là thời gian của cầu nguyện và hoán cải: “Hãy tìm Chúa, khi Người còn cho gặp, kêu cầu đi, lúc Người ở gần bên”. Phải chăng Thiên Chúa vẫn hiện diện bên cạnh dân Ngài trong cảnh lưu đày còn gần gũi hơn khi Ngài còn ngự trị giữa họ trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem? Năm mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc phát lưu đầu tiên vào lúc mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết cho những người lưu đày hầu như theo cùng một cách diễn tả: “Các ngươi sẽ tìm Ta, và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp. Ta sẽ đổi vận mạng của các ngươi và sẽ thu họp các ngươi về từ khắp các dân, từ mọi nơi Ta đã xua các ngươi đến” (Gr 29: 13-14).
Hoán cải không gì khác hơn là tránh xa khỏi điều gian ác: “Kẻ bất lương, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người gian ác, hãy bỏ tư tưởng mình đang có”. Lời kêu gọi thay lòng đổi dạ là sứ điệp thường hằng của truyền thống ngôn sứ. Đối với ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, cuộc trở về Giê-ru-sa-lem phải cùng chung nhịp bước với cuộc trở về với Thiên Chúa. “Hãy trở về với Chúa, với Thiên Chúa chúng ta, Người sẽ xót thương vì rộng lòng tha thứ”. Động từ “tha thứ” nầy “được dùng trong Cựu Ước chỉ với Thiên Chúa là chủ từ”, vì sự tha thứ nầy không có cùng mức độ nào với sự tha thứ của con người.
Động lực tột cùng của niềm tin tưởng nầy mà những người lưu đày phải thấm nhuần đó là “Trời cao hơn đất thấp chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”. Tư tưởng của Thiên Chúa cao vời trên cõi trời cao thẳm, trong khi tư tưởng của con người ở dưới tận chốn đất thấp. Đường lối của Ngài cao vời khôn ví làm thế nào đầu óc nhỏ bé của phàm nhân có thể hiểu được. Bởi vậy, mỗi khi con người nghĩ rằng tội lỗi của mình quá nặng nề không thể nào được tha thứ, thì Thiên Chúa mặc khải cho họ biết rằng Ngài vô cùng độ lượng, rộng lòng tha thứ và sẵn sàng đón nhận những kẻ tội lỗi khi họ cất bước trở về với Ngài, cũng như Ngài sẵn sàng trả công bội hậu cho con người vượt quá công sức của họ.
2. Thiên Chúa siêu việt và toàn năng.
Ngôn sứ I-sai-a kết thúc sứ điệp của mình bằng cách nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Đấng siêu việt và toàn năng. Vị ngôn sứ kết nối sự cao cả của Thiên Chúa với lượng hải hà tha thứ của Ngài. Con người nhỏ bé và mỏng dòn, bởi vì tất cả chúng ta là những tội nhân, còn Thiên Chúa thì cao vời khôn ví, bởi vì Ngài ôm ấp trong lòng những tư tưởng cứu độ. Các tác giả thánh vịnh cũng đã sử dụng hình ảnh về “trời cao đất thấp” để đánh dấu khoảng cách vô tận giữa con người và Thiên Chúa, như Tv 145 (144) mà Phụng Vụ mời gọi chúng ta cất cao lời chúc tụng Đức Chúa hôm nay: “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời chúc tụng, Người cao cả khôn dò khôn thấu” (Tv 145: 3). Đây là ý tưởng truyền thống mà Đức Giê-su dạy cho chúng ta trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
THÁNH VỊNH 145 (144): 2-3, 8-9, 17-18
Đây là một thánh vịnh cá nhân theo mẫu tự có nhiều điểm nối kết với Tv 111 cũng theo mẫu tự (so sánh 111: 2-4 và 145: 5-8). Thánh vịnh này ca tụng Đức Chúa là vua oai phong vinh hiển (cc. 4-13a), thành tín và nhân hậu (cc. 13b-20). Đoạn trích dẫn của Tv 145 (144) được cấu trúc như sau:
A.Tác giả ước nguyện ca tụng Thiên Chúa suốt cuộc đời mình (cc. 2-3):
2. “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa. Và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời”: Theo cùng ý tưởng với Tv 146: 2: “Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa, sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời”. 3. “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu”: Thánh vịnh 96: 4 cũng đưa ra một mời gọi như vậy: “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời chúc tụng, khả tôn khả úy hơn các chư thần”.
Tác giả nêu lên lý do tại sao, bởi vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu với hết mọi loài Ngài đã dựng nên (cc. 8-9) và vì Ngài thân cận với những ai thành khẩn kêu cầu Ngài (cc. 17-18). Đây là hai phẩm tính nổi bật của Thiên Chúa mà tác giả đã nghiệm thấy trong lịch sử của dân Ngài và trong cuộc đời của chính tác giả.
B.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu đối với mọi loài Ngài đã dựng nên (cc. 8-9):
8. “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương”: Ám chỉ đến kinh nghiệm của ông Mô-sê sau những năm tháng được thân cận với Thiên Chúa: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu từ và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34: 6). 9. “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”: Tác giả sách Khôn Ngoan cho chúng ta một giải thích thật cảm động về tấm lòng nhân hậu giàu lòng xót thương của Chúa như sau: “Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát dính bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lối loài người, để họ còn ăn năn sám hối. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với hết mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11: 22-26).
C.Chúa đặc biệt ở gần bên những ai thành tâm cầu khẩn Ngài (cc. 17-18).
17a. “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa”: Sách Đệ Nhị Luật đã diễn tả sự công minh của Thiên Chúa: “Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh” (Đnl 32: 4). 17b. “Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm”: Mọi công việc Chúa làm: công trình tạo dựng và công trình cứu độ, đều chan chứa tình yêu thương của Ngài. 18a. “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa”: Ông Mô-sê đã quả quyết với dân Thiên Chúa: “Phải, thử hỏi có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4: 7). Trong bài đọc I, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị cũng lên tiếng kêu mời dân lưu đày: “Hãy tìm kiếm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở gần bên” (Is 55: 6), bởi vì “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm hồn thất vọng ê chề” (Tv 34: 19). 18b. “Mọi kẻ thành tâm cầu khẩn”: Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng dạy một chân lý như thế: “Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta” (Gr 29: 13) và còn đưa ra một hiệu quả tốt đẹp như sau: “Nếu ngươi kêu: ‘Đức Chúa hằng sống’ mà thề cách trung thực, ngay thẳng và công chính, thì chư dân cũng lấy danh Người mà cầu phúc cho nhau; và nơi Người, chư dân cũng sẽ hãnh diện” (Gr 14: 2).
BÀI ĐỌC II (Pl 1: 20-24, 27)
Thành Phi-líp-phê thuộc miền Ma-kê-đô-ni-a là thành phố Châu Âu đầu tiên đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phao-lô đã mạo hiểm loan báo Tin Mừng trên lục địa nầy. Ở đây, các cộng đoàn Do thái thì thưa thớt, vì thế một đám thính giả đông đảo lắng nghe thánh nhân chắc hẳn đa số là lương dân. Vào năm 49 hay 50, kể từ khi đặt chân đến thành Phi-líp-phê, thánh nhân luôn luôn dành cho các tín hữu này một ân tình tròn đầy. Như chúng ta biết thánh nhân không muốn đón nhận sự trợ giúp của bất kỳ cộng đoàn tín hữu nào ngỏ hầu Tin Mừng mà thánh nhân rao giảng là một ân ban nhưng không. Tuy nhiên, thánh Phao-lô chỉ đón nhận sự giúp đỡ của các tín hữu Phi-líp-phê, vì thánh nhân muốn bày tỏ lòng ưu ái của Ngài danh cho họ.
1.Hoàn cảnh của thánh Phao-lô khi viết thư gởi tín hữu Phi-líp-phê:
Thư gởi tín hữu Phi-líp-phê – chúng ta sẽ tiếp tục đọc nhiều trích dẫn bức thư nầy trong nhiều Chúa Nhật kế tiếp – chứa đựng một chứng liệu đặc biệt. Hơn bất kỳ thư nào khác, thư gởi tín hữu Phi-líp-phê nầy vén mở cho chúng ta con người nội tâm của thánh Phao-lô, những đức tính và trọn một cuộc đời gắn bó vào Đức Ki-tô. Vốn tính khí bộc trực, ấy vậy những lời khuyên bảo của thánh nhân lại nồng nàn chan chứa những niềm tin tưởng vô bờ.
Khi thánh Phao-lô viết bức thư nầy, ngài đang sống trong cảnh giam cầm, có thể ở Ê-phê-sô, vào năm 55 hay 56. Thánh nhân không biết số phận đang chờ đợi ngài: hoặc bị kết án tử và như thế được ở với Đức Kitô, hay được phóng thích và lại tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng của ngài, thánh nhân chỉ còn biết nguyện ước. Sự giằng co đôi đàng, mà thánh nhân trình bày trong đoạn văn nầy, không là thế đôi ngã mà thánh nhân có quyền chọn lựa nhưng là thuận theo thánh ý của Thiên Chúa. Rõ ràng thánh nhân nhắm đến thế đôi ngã nầy ở nơi lời kết luận ngay từ đầu đoạn thư trích dẫn: “Đức Giê-su sẽ bày tỏ quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống, hay tôi chết”.
2. Chết là một mối lợi.
Bị giằng co giữa hai giải pháp khả dĩ: chịu chết hay được phóng thích, hiển nhiên thánh nhân thích được chết hơn: “Đối với tôi chết là một mối lợi…ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều nầy tốt hơn bội phần”. Thánh nhân đã xác định rồi mục đích của cuộc đời mình: “sống là Đức Kitô”. Ở bên kia cái chết, thánh nhân được nên một với Đức Kitô cách trọn vẹn hơn.
Nếu thư gởi tín hữu Phi-líp-phê nầy được viết giữa hai bức thư gởi tín hữu Cô-rin-tô, như ngày nay người ta có khuynh hướng nghĩ như vậy, thì thánh Phao-lô hoàn thành tư tưởng của mình trong thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác nầy là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa…Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5: 6-8).
Trong đoạn trích thư Cô-rin-tô nầy, tư tưởng của thánh Phao-lô rõ ràng nhuốm màu sắc “Nhị Nguyên thuyết” của tư tưởng Hy lạp; tuy nhiên, tất cả các thư khác của thánh nhân đều làm chứng rằng thánh nhân không hoàn toàn chấp nhận khía cạnh tiêu cực của triết lý Hy lạp này, tức là khinh bỉ thân xác. Trái lại, Vị Tông Đồ dân ngoại ca ngợi thân xác nầy là “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” và sẽ được sống lại vào ngày sau hết. Thánh nhân luôn luôn nhắm đến một sự hiệp nhất trọn vẹn với Đức Kitô sau khi chết; tuy thế, thánh nhân cũng không ngừng nói rằng sự hiệp nhất nầy vốn đã khởi sự ngay từ cõi thế nầy rồi. Cuộc sống của người Kitô hữu vốn là đã được Đức Kitô sở hữu rồi, là nơi Chúa Thánh cư ngụ cùng với chúng ta. Thần Học của Giáo Hội tiếp nối thần học của thánh nhân trên lộ trình nầy. Cái chết không tạo nên một sự đứt đoạn cuộc sống của chúng ta trong Đức Kitô.
3. Niềm say mê loan báo Tin Mừng.
Nhưng thánh nhân bị giằng co đôi ngã. Dầu rằng thánh nhân mong ước được ra đi để được ở với Đức Kitô, tuy nhiên thánh nhân nói với các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài: “Ở lại đời nầy thì cần thiết hơn, vì anh em”. Vả lại, thánh nhân luôn luôn mang trong lòng mình niềm say mê loan báo Tin Mừng đến mức thánh nhân xem việc loan báo Tin Mừng như một trách nhiệm mà mình buộc phải chu toàn:“Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. Vì thế, lời căn dặn đầy tâm huyết sau cùng của thánh nhân gởi đến họ: “Anh em hãy ăn ở xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô”.
TIN MỪNG (Mt 20: 1-16)
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nầy khép lại một loạt những dụ ngôn về Nước Trời trong giáo huấn của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê. Một lần nữa Đức Giê-su cố gắng làm cho hiểu rằng điều xảy ra trong Nước Trời không giống chút nào với cách hành xử của con người. Đức Giê-su có chủ ý chọn những ví dụ cực đoan để gây chú ý ngõ hầu truyền đạt một sứ điệp khó khăn. Các dụ ngôn rất thuận tiện cho việc sử dụng lối ngoa ngữ, nhưng luôn luôn được sắp xếp hướng theo chủ điểm của dụ ngôn, để rồi từ đó rút ra một bài học.
Ở đây, điều thú vị của câu chuyện hệ tại ở nơi sự công phẩn của những người thợ được mướn từ sáng sớm. Mới đọc thoáng qua, dụ ngôn nầy như muốn loan báo: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” như lời Đức Chúa phán qua vị ngôn sứ của Ngài trong Bài Đọc I.
1. Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc ban phát ân lộc của Ngài.
Vì thế, thật là vô lý nếu dụ ngôn nầy được tiếp cận theo nhãn quang trần thế, vì Đức Giê-su rõ ràng dạy rằng Nước Trời không là tiền thù lao, nhưng là ân ban, Thiên Chúa hoàn toàn tự do định liệu, nhưng không là một kẻ chuyên quyền độc đoán; đây là một sự tự do được điều khiển bởi tình yêu. Lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt quá sự công bằng giao hoán.
Tuy nhiên, trước tiên chúng ta nên khảo sát cách hành xử của con người với con người trong giao tiếp xã hội. Dụ ngôn nầy làm thương tổn đặc biệt đến độ nhạy bén của con người hiện đại, rất gai góc đối với vấn đề công bằng giao hoán. Tuy nhiên, dụ ngôn nầy xem ra rất gần gũi hơn với thế giới của chúng ta trong thời khủng hoảng công ăn việc làm, một thế giới đang quần quại sống trong nỗi đau của đa số người đang cố bám víu vào bất kỳ một công việc nào để sống cho qua ngày đoạn tháng. Suốt ngày, họ đứng đó mong chờ bất kỳ ai thuê họ bất cứ công việc nào để đổi mồ hôi lấy bát cơm cho gia đình. Ông chủ trong Tin Mừng năm lần bảy lượt ra ngoài phố chợ để mướn thợ vào làm vườn nho của mình, thậm chí cho đến lúc ngày sắp tàn. Đọc đoạn Tin Mừng nầy, chúng ta cảm thấy một sự đắc ý nào đó khi ghi nhận rằng những người thợ bất đắc dĩ được mướn sau cùng đã nhận được đầy đủ tiền công nhật để có thể nuôi sống gia đình trong một ngày nhờ vào tấm lòng rộng lượng nhân ái của ông chủ vườn nho. Tiền công nhật được thỏa thuận là một đồng, đó là giá trị phải chăng để nuôi sống gia đình trong một ngày.
2. Sống trong tư thế sẵn sàng:
“Chủ điểm” của dụ ngôn nầy được định vị ở nơi tư thế sẵn sàng của những người thợ giờ sau chót nầy. Họ chờ đợi suốt ngày trong tâm trạng nôn nao thấp thỏm và chỉ vào lúc xế chiều mới được mướn vào làm vườn nho. Nếu được thuê mướn sớm hơn, chắc chắn họ cũng đã làm việc cho ông trọn ngày như bao nhiêu người khác. Biết bao câu chuyện Tin Mừng theo cùng một hướng nầy: Đức Giê-su tìm kiếm những tấm lòng sẵn sàng nầy. Ngài tỏ mình ra cho người phụ nữ xứ Sa-ma-ri: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4: 26), không vì công trạng của chị, nhưng vì Ngài đã phát hiện ở nơi chị một tư thế sẵn sàng đón nhận Mặc Khải của Ngài.
3. Nổi bất bình của những thợ đầu tiên.
Những người thợ làm việc ngay từ tảng sáng sớm ngạc nhiên trước tiền công mà ông chủ trả: ông trả công cho những người thợ sau chót chỉ làm có một giờ vào lúc khí trời mát mẽ cũng bằng với những người thợ đã làm việc nặng nhọc suốt ngày trong cái nắng như thiêu như đốt! Dụ ngôn có nhiều điểm tương tự với dụ ngôn của người con hoang đàng trong đó người con cả công phẩn trước cách cư xử của cha anh đối với người con út, kẻ lang bạt vừa mới chân ướt chân ráo trở về nhà cha, sau khi đã sống cho đến tận bùn nhơ của cuộc đời. Người con cả không hiểu cách cư xử của cha anh, bởi vì anh thiếu tấm lòng khoan dung rộng lượng của tình phụ tử.
Ông chủ trả lời với một trong những người bất bình: “Nầy bạn”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su nhẹ nhàng quở trách Giu-đa, kẻ phản bội Thầy cũng một cách như thế: “Nầy bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm!” (Mt 26: 50). Vị vua cũng quở trách một trong những khách vào dự tiệc cưới theo cùng một cách như vậy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22: 12).
4. Công bình và nhân ái:
Những người thợ được thuê từ sáng sớm bị quở trách vì thiếu tấm lòng nhân ái: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghét tức?”. Không loại trừ rằng dụ ngôn có một hậu cảnh bút chiến nhắm đến nhóm Biệt Phái. Những người nầy tự hào tự phụ là mình được gọi làm vườn nho cho Thiên Chúa trước tiên. Họ đã vất vã nhiều trong việc tuân giữ Lề Luật một cách nghiêm nhặt đến từng chấm từng phết nên khỉnh bỉ những kẻ thu thuế và phường tội lỗi, những người mà Đức Giê-su quan tâm đặc biệt. Văn hào Barnanos đã viết: “Nhân loại tự tách mình ra thành hai loại khác biệt tùy theo quan niệm mà người ta có về công bình. Đối với những người nầy, công bình là một thế cân bằng, một sự thỏa hiệp. Còn những người khác, nó như một sự thăng hoa, một sự đăng quang vinh hiển của lòng nhân ái”.
Dụ ngôn nầy cũng đề cao mầu nhiệm Giáo Hội: Kitô hữu gốc lương dân là những người đến sau lại được gọi gia nhập Nước Trời và được hưởng vô vàn những ân lộc mà Thiên Chúa đã hứa với dân Do thái. Vì thế, dụ ngôn này đem đến một niềm hy vọng tuyệt vời cho những Ki-tô hữu gốc lương dân, những người đã đón nhận lời mời gọi của tôn chủ chỉ sau một thời gian dài dân Ít-ra-en được tuyển chọn.
Nhưng đây cũng là một niềm hy vọng tuyệt vời cho những ai khám phá Thiên Chúa chỉ ở vào những giờ phút cuối cuộc đời mình. Ví dụ cảm động nhất không phải là ví dụ của tên gian phi sám hối đấy sao? Cả một đời gian ác nhưng chỉ một lời nói đầy cảm thương của anh vào giây phút cuối đời đã đem lại cho anh một lời hứa ngay tức khắc của Đức Giê-su: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Nước Trời” (Lc 23: 43).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét