Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

GLPÂ CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM A

CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(phần II)

GLPÂ CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM A
Sách Tiên Tri Êzêkien 33,7-9;  Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 3,8-10
và Phúc Âm Thánh Matthêô 18, 15-20

I. Giáo Huấn P.Â.:  
Sửa lỗi nhau, không là lời khuyên nhưng là bổn phận của người theo Chúa phải thi hành.
Sửa lỗi để được người anh em tốt hơn.  Đồng tâm hiệp nhất sẽ làm cho lời cầu nguyện được Chúa lắng nghe.

II. Vấn nạn P.Â.    
Ý nghĩa bài đọc I, trích sách tiên tri Ezêkien 33,7-9 nói lên bổn phận phải xây dựng người gian ác có ý hoán cải họ.
                                                                                                         
Theo bách Khoa tự điển, tiên tri Ezêkien cùng bị lưu đày Babylon với dân Do Thái. Năm 592 trước công nguyên, lúc Ông được 30 tuổi, ông được Chúa gọi làm tiên tri cho dân Do Thái. Sứ mạng tiên tri của Ông gặp nhiều khó khăn không thua gì Giêrêmia, vì phải nói cho dân những điều họ không muốn nghe như việc đền thờ bị phá huỷ và dân chúng bị lưu đày.
                                                                                                         
Trong Bài đọc I, Êzêkien được Chúa bảo phải xây dựng kẻ gian ác. Nếu người gian ác được cảnh cáo và nghe lời xây dựng để cải tà qui chánh thì sẽ không bị phạt và tiên tri cũng không bị trách cứ. Nếu kẻ gian ác không được nghe lời cảnh cáo từ tiên tri thì tiên tri cũng sẽ bị phạt vì không tròn bổn phận sửa lỗi người khác. Liên kết với bài Phúc Âm: Phải sửa lỗi anh chị em mình bằng nhiều lần và nhiều cách.  Không được nghĩ rẳng “bó tay!:” hay “vô phương!” nhưng phải làm hết cách để giúp anh chị em mình hoán cải.
                                                                                                          
Nếu người anh em của ngươi trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó” tại sao lại “phải” sửa lỗi anh chị em mình?
                                                                                                         
Đơn giản: Tất cả là anh chị em trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Anh chị em phải thương yêu nhau và sửa lỗi cho nhau? Biết rồi! Nhưng Chúa như Cha mẹ, tại sao không sửa lỗi con cái mình mà phải nhờ anh chị em của nó? Phúc Âm không nói đến việc Thiên Chúa là Cha, phải sửa lỗi con cái mình, nhưng nói đến bổn phận con cái và bổn phận anh chị em với nhau. Bình thường trong một gia đình, Cha mẹ để cho anh chị em chỉ bào nhau trước. Sau cùng, khi họ “bó tay” thì Cha mẹ mới ra tay. Hơn nữa, cùng là con người với nnhau, cùng hoàn cảnh sinh sống, cùng kinh nghiệm về những khó khăn cuộc sống, anh chị em dễ thông cảm và sửa lỗi cho nhau hơn.
                                                                                                         
Sửa lỗi nhau nhiều lần và bằng nhiều cách: riêng tư giữa hai người – với vài người và sau cùng với cộng đoàn Dân Chúa.
                                                                                                         
Sửa lỗi nhiều lần vì người có lỗi thường không nhận ra lỗi mình ngay đâu. Bằng nhiều cách, từ riêng tư cho đến cộng đoàn, vì người có lỗi nhiều khi ngoan cố, không chấp nhận ý kiến cá nhân. Nhiều người cùng chung ý kiến sẽ dễ thuyết phục người có lỗi hơn.
                                                                                                         
Tại sao hai ba người hợp nhau cầu nguyện thì dễ được lắng nghe hơn?
                                                                                                         
Thiên Chúa là một Chúa với ba ngôi vị khác nhau. Tính duy nhất nơi Thiên Chúa hoàn hảo đến nỗi phân biệt nhưng không dị biệt hay đối chọi. Người ta thường dùng hình tam giác đều để diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa: không thể thiếu và cũng không thể hơn nhau.
                                                                                                         
Lời cầu nguyện chung nói lên tình yêu thương hiệp nhất.
                                                                                                         
Lời cầu nguyện chung nói lên tính cách chính đáng của lời cầu xin.
                                                                                                         
Nghĩ thế nào về lời cầu nguyện chung không được nhậm lời? Đang khi  Chúa hứa “Hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”
                                                                                                         
Chắc chắn Chúa không lừa dối chúng ta. Tuy nhiên lý do tại sao lời cầu nguyện chính đáng của cả cộng đoàn tha thiết dâng lên mà không được nhậm lời. Thí dụ cả giáo xứ cầu cho người kia khỏi bệnh… Trong thực tế có nhiều thắc mắc liên quan đến lời cầu xin không được nhậm lời. Không có một giải thích nào thoả đáp cho mọi người dù Giáo Hoàng hay Giám Mục. Sau cùng thì ai cũng khuyên là “chấp nhận thánh ý Chúa!”  Tôi xin được chia sẻ như thế nầy: Đâu phải tất cả mọi yêu cầu chính đáng của con cái đều buộc Cha Mẹ phải chìu theo. Chúa là Cha chúng ta! Chúa sẽ ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Tuy nhiên Chúa cũng có chương trình của Chúa cho chúng ta, mà vì chương trình nầy, lời yêu cầu không được lắng nghe. Thí dụ: Cả gia đình cầu xin cho con mình thi đậu đại học, nhưng nếu gia đình khá giả và sống không tốt thì có nên cho gia đình một thử thách hay một thất bại để hồi tâm chăng?
III. Thực hành P.Â.:
Nhắm mắt làm ngơ
                                                                                                         
Bên nầy cảnh sát thấy khó điều tra những tội phạm về phía người Việt Nam. Vì ai cũng trả lời là: tôi không biết! hay Tôi không thấy. Càng dễ giả mù sa mưa khi nói rằng: tôi không biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi không hiểu ông nói gì. Cảnh sát bó tay!
                                                                                                         
Người Việt Nam hay sống theo kiểu: Cha chung chết không ai khóc hay đèn nhà ai nhà ấy rạng. Dính vô chuyện của người thêm rắc rối. Kết quả xấu: tội phạm vẫn được bao che. Thái độ nầy phải gọi là vô trách nhiệm, vì tội phạm trong xã hội gây đau khổ cho nhiều người. Không khai báo hay ém nhẹm thông tin là gây hại cho việc chung. Khi báo cho cơ quan công quyền về những tội phạm nầy, không là tố cáo nhưng vẫn nằm trong cách sửa lỗi của bài Phúc Âm hôm nay. Người ăn trộm, ăn cướp hay hút xì ke ma tuý không thể áp dụng chuyện khuyên răn nhỏ nhẹ giữa hai người, vì họ sẽ không để người có thiện chí sửa lỗi theo kiểu huynh đệ nầy an toàn. Nên phải đưa ra công quyền để tránh mọi hậu quả tai hại cho cá nhân.
                                                                                                         
Người Việt Nam lén lút gây tội phạm như trồng cỏ hay mua bán cần sa là vì lối sống “đèn nhà ai nhà ấy rạng” nầy. Xin tìm cách thông báo, không vì ghét họ, nhưng vì thương nhiều người khác.

                                                                                                         
Cả nể
                                                                                                         
Thường ai cũng thích được khen. Thường ai cũng không thích được người khác xây dựng.
                                                                                                         
Những người đi tu lại càng thích được khen: Cha trẻ, cha giảng hay quá, soeur có duyên quá, soeur hát hay quá…. Nhiều khi đó là thật, nhưng nhiều khi cũng chỉ để lấy lòng. Biết người ta nói xạo để lấy lòng nhưng vẫn thích.
                                                                                                         
Hiện tại có nhiều bà có chút ít tiền bên nầy thì thích về Việt Nam mua danh, nhất là danh bảo trợ Đức Cha nầy, Cha nọ hay nuôi Thầy nầy, thầy nọ. Bà đã tám mươi tuổi nhưng vẫn được Đức Cha khen là đẹp và chỉ chừng 50 tuổi là cùng… Đức Cha nói nịnh để được lòng người và nhất là để được ít trăm xin lễ béo. Chuyện có thật! Nói ra mích lòng! Nhưng xin một điều là: Nói thật! Chứ đừng nói nịnh hay nói để cầu lợi, cầu tài. Tính cả nể làm hại nhau: Anh em linh mục kia giảng không hay vì không bao giờ soạn bài giảng hay suy niệm Lời Chúa. Biết vậy chúng ta nên sửa lỗi riêng tư, chứ đừng nên khen điều không nên khen.
                                                                                                         
Có Cha kia rất được lòng giáo dân, không vì Cha có nhiệt tâm tông đồ hay yêu thương phục vụ giáo dân nhưng Cha “khéo nói!” Thí dụ: Đầu lễ cha đứng cuối nhà thờ, chào hỏi và khen hết bà nầy đẹp tới cô kia duyên dáng. Cha còn nói rằng: Không có chị nhà thờ mất màu tươi trẻ hẳn! Nói thật: Cha nói khéo nhưng nói xạo quá!
 Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


Vẽ chân dung 
Lời Chúa hôm nay dạy các môn đệ của Ngài, dạy cho dân chúng cũng như dạy cho tất cả chúng ta một việc rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, đó là tinh thần bác ái trong việc xét đoán, phê bình người khác. Chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý tưởng qua bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu (x. Mt 18,15-20).
Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, hẳn mỗi người chúng ta đều bật cười và lẩm bẩm rằng: Chúa Giêsu dạy thật có lý, vì rõ ràng đức bác ái dạy rất phù hợp với đạo tự nhiên của con người, bằng chứng là lúc chưa được may mắn nghe Tin Mừng của Chúa, mọi người chúng ta đã từng dạy con cháu trong đạo xử thế: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lặp lại cùng một tư tưởng đó nhưng với kiểu văn châm biếm: "Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước đã thì ngươi sẽ thấy rõ để lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em ngươi". Qua đó chúng ta nhận thấy rằng, trong cái triết lý đời sống nơi trần gian này cũng như của đời sống vĩnh cửu, chúng ta phải tôn trọng vì theo nguyên tắc: "Muốn cho đi thì phải có trước đã, vì không ai có thể cho cái mình không có bao giờ". Cũng như muốn làm việc gì, chúng ta phải biết mình có khả năng hay không. Và trong lời dạy của Chúa Giêsu bao giờ cũng tiềm tàng đức bác ái và tinh thần khiêm nhượng trong đó. Trong việc giúp đỡ người khác là anh em thì tôi phải kính trọng họ, tôi phải nhận thấy rõ chính tôi cũng là người tội lỗi yếu đuối như bao người khác trước mặt Thiên Chúa chí tôn chí thánh.
Trong đời sống thực hành hằng ngày, cụ thể qua việc sửa sai cho nhau, phải thực sự là một việc giúp đỡ chứ không phải là cuộc xét xử, chỉ trích, lên án nhau. Để được như thế, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng, con người được Chúa dựng nên không phải để xét xử, chỉ trích, lên án anh chị em mình, nhưng để sống đời sống làm con Thiên Chúa và để giúp đỡ anh chị em khác trở thành con Chúa và cùng chung sống đời sống gia đình mà có Thiên Chúa là Cha. Đó chính là đức bác ái Công Giáo mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng.
Hôm nay trong tinh thần bác ái của Chúa dạy, chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì những lời phê bình, kết án, xét đoán, chỉ trích, thiếu bác ái. Xin Chúa giúp chúng con biết sống tinh thần tha thứ cho anh em trong cùng một Cha trên trời là Đấng luôn ban cho người công chính cũng như cho những kẻ lầm đường lạc lối. Chính vì thế mà trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi tất cả con cái của Giáo Hội hãy làm một cuộc tự vấn lương tâm và sám hối về những lầm lỗi của mình trong quá khứ. Giáo Hội đã nhận ra rằng, trong quá khứ con cái của mình đã có những hành động thiếu khoan nhượng trong khi loan báo Tin Mừng. Chúng ta không thể quên được những cuộc thập tự viễn chinh để triệt hạ người Hồi Giáo, các tòa điều tra để thiêu sống những người bị xem là lạc giáo trong thời Trung Cổ, những cuộc chiến tranh giữa Công Giáo và Tin Lành hồi thế kỷ XVII. Chúng ta cũng khó quên được những hoạt động truyền giáo, vì nhiệt tình loan báo Chúa Kitô, các tín hữu đã không ngần ngại dùng võ lực và nhiều sức ép khác để bóp nghẹt niềm tin và tư tưởng của người khác.
Lịch sử đã sang trang, ngày nay Giáo Hội thấy cần phải sám hối và quay trở lại gần với Tin Mừng của Chúa hơn. Tin Mừng của Chúa thiết yếu là chính con người của Chúa Giêsu, Đấng đã đồng bàn ngồi với những người bị xã hội gạt ra bên lề, cảm thông tha thứ không ngừng cho những người tội lỗi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cư xử như Ngài. Từ sáng chói nhất mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay phải là hai chữ "Anh Em". Khi người anh em lỗi phạm thì ngươi hãy đến với nó, chuyện vãn với nó, khuyến dụ nó, dù tội lỗi đốn mạt xấu xa đến đâu thì tha nhân vẫn là người anh em của chúng ta. Chúa dạy ta hãy đến với người anh em không phải với thái độ miệt thị, loại trừ, mà bằng sự cảm thông tha thứ.
Tựu trung đi bước trước để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, cảm thông tha thứ, đó là cách cư xử giữa những người anh em con cùng một Cha trên trời. Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta đến gặp gỡ trong tình anh em ấy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu ngươi đến dâng của lễ nơi Bàn Thờ mà chợt nhớ có điều bất bình với người anh em, hãy bỏ của lễ mà đi làm hòa với người anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ" (Mt 5,23-24).
Nguyện xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức cho chúng ta, để mỗi ngày Chúa Nhật, sau khi ra khỏi nhà thờ chúng ta cảm thấy được bổ sức hơn, hầu sống và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa một cách tốt đẹp hơn.
Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 7 Tháng 9, 2014

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự  thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 18:15-16:  Sửa lỗi các anh chị em và tái-lập sự hiệp nhất
Mt 18:17:  Những kẻ không nghe cộng đoàn thì tự mình tách rời khỏi cộng đoàn
Mt 18:18:  Những quyết định ở dưới đất được chấp nhận ở trên trời
Mt 18:19:  Cầu nguyện chung cho những người đã rời bỏ cộng đoàn
Mt 18:20:  Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn  

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
-  Tin Mừng của thánh Mátthêu sắp xếp Lời Chúa Giêsu vào trong năm Bài Giảng tuyệt vời.  Điều này cho thấy rằng vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời điểm của sách Tin Mừng Mátthêu được hoàn tất, các cộng đoàn Kitô hữu đã thực hiện các hình thức giáo lý cụ thể.  Năm Bài Giảng là năm dấu tuyệt vời cho thấy phương cách trên cuộc hành trình.  Các Bài Giảng này đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để dạy cho mọi người và giúp họ giải quyết các vấn nạn.  Lấy ví dụ, bài Giảng về Giáo Hội (Mt 18:1-35) đưa ra những lời chỉ dẫn cho các thành viên của cộng đoàn nên sống với nhau như thế nào để cộng đoàn có thể là một sự mặc khải của Nước Chúa.
- Ngày Chúa Nhật thứ 23 thường niên tuần này, chúng ta sẽ đọc và suy niệm về phần thứ hai của Bài Giảng về Giáo Hội và chúng ta sẽ thấy rõ hai khía cạnh:  sự sửa lỗi trong tình anh em, làm thế nào tiếp tục tiến tới trong trường hợp có sự xích mích giữa các thành viên của cộng đoàn (18:15-18), và sự cầu nguyện chung:  làm thế nào để chăm sóc những người đã rời bỏ cộng đoàn (18:19-20).
c)  Phúc Âm:  
15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi.  Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em.  16 Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng.  17 Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn.  Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo hoặc như người thu thuế.  18 Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.  19 Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.  20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất?  Tại sao? 
b)  Chúa Giêsu cho chúng ta lời khuyên nào để giúp người ta giải quyết những vấn nạn của cộng đoàn và hòa giải giữa các thành viên với nhau?            
c)  Đòi hỏi căn bản từ lời khuyên của Chúa Giêsu là gì? 
d)  Theo Mt 16:19, quyền tha tội được trao cho ông Phêrô; trong sách Gioan câu 20:23, cùng một quyền này lại được trao cho các môn đệ.  Còn ở đây, quyền tha tội được trao cho cộng đoàn.  Cộng đoàn chúng ta sẽ xử dụng quyền tha thứ được trao cho chúng ta bởi Chúa Giêsu như thế nào?
e)  Chúa Giêsu nói:  “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.  Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh của đoạn Phúc Âm chúng ta trong Tin Mừng Mátthêu:

Trong việc sắp xếp Lời Chúa Giêsu vào trong năm bài giảng tuyệt vời, Phúc Âm Mátthêu bắt chước năm cuốn sách Ngũ Kinh và trình bày Tin Mừng Nước Trời như một bộ Lề Luật Mới.  Phần Phụng Vụ của Chúa Nhật tuần này thách thức chúng ta với Lề Luật Mới dạy cho chúng ta cách sửa lỗi anh em trong cộng đoàn và thái độ của chúng ta đối với những kẻ tự tách rời khỏi cộng đoàn.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mt 18:15-16:  Sửa lỗi các anh chị em và tái-lập sự hiệp nhất
Chúa Giêsu ban ra các tiêu chuẩn đơn giản và cụ thể để nói cho chúng ta biết cách tiếp tục tiến tới trong trường hợp có sự xích mích trong cộng đoàn.  Nếu một người anh chị em phạm lỗi, đó là, hành động trái với đời sống của cộng đoàn, bạn không được tố cáo anh ấy hay chị ấy trước cộng đoàn.  Trước hết, bạn phải nói chuyện riêng với người ấy.  Hãy cố gắng tìm hiểu tại sao anh ấy/chị ấy lại hành động như vậy. Nếu bạn thấy không có kết quả, thì hãy gọi thêm hai hoặc ba người nữa của cộng đoàn để may ra có thể giải quyết được việc.
Mátthêu viết Tin Mừng của ông vào những năm của thập niên 80 và 90, gần như vào cuối thế kỷ thứ nhất, cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo từ miền Galilê và Syria.  Nếu ông nhớ rành mạch những lời này của Chúa Giêsu, đó là bởi vì trên thực tế, trong những cộng đoàn ấy đã có những sự chia rẽ trầm trọng liên quan đến việc chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.  Nhiều gia đình đã bị chia rẽ và bị bách hại bởi chính cha mẹ họ là những người đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia (Mt 10:21, 35-36).    

Mt 18:17:  Những kẻ không nghe lời cộng đoàn thì hãy kể nó như là người ngoại giáo
Trong những trường hợp đặc biệt và sau khi đã cố gắng bằng mọi cách, người anh/chị em không vâng lời phải được đưa ra trước cộng đoàn.  Và nếu người ấy không chịu nghe theo lời khuyên bảo của cộng đoàn, thì người ấy phải bị xem như là “người ngoại giáo hoặc như người thu thuế”, nghĩa là người đó không thuộc về cộng đoàn và người ấy không còn muốn là một thành viên của cộng đoàn.  Vì thế, bạn không loại trừ bất cứ ai, nhưng chính người ấy tự loại trừ mình ra khỏi đời sống chung của cộng đoàn.   
  
   
Mt 18:18:  Quyết định ở dưới đất được chấp nhận ở trên trời
Theo câu Mt 16:19, quyền tha tội được trao cho Phêrô; còn câu Ga 20:23, quyền này được trao cho các môn đệ.  Giờ đây, trong đoạn Tin Mừng này, quyền tha tội được trao cho cộng đoàn:  “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ”.  Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hòa giải và trách nhiệm lớn lao của cộng đoàn trong việc cư xử với các thành viên.  Cộng đoàn không rút phép thông công một người, nhưng chỉ đơn giản phê chuẩn sự loại trừ rằng người ấy đã công khai thừa nhận bằng cách rời khỏi cộng đoàn.

Mt 18:19:  Cầu nguyện chung cho những anh chị em đã rời khỏi cộng đoàn
Việc loại trừ một người không có nghĩa là người ấy bị bỏ mặc cho số phận của họ.  Nói đúng hơn, người ấy có thể đã tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng sẽ không bị tách rời khỏi Thiên Chúa.  Vì thế, nếu việc trình với cộng đoàn đã không mang lại kết quả và nếu kẻ ấy không còn muốn là một phần tử của cuộc sống cộng đoàn, chúng ta vẫn có nhiệm vụ cùng nhau cầu nguyện với Chúa Cha để đạt được sự hòa giải. Và Chúa Giêsu cam đoan rằng Chúa Cha sẽ nhậm lời.

Mt 18:20:  Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn
Lý do cho sự bảo đảm rằng được lắng nghe là lời hứa của Đức Giêsu:  “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy!”  Chúa Giêsu nói rằng Người là trung tâm, cái trục của cộng đoàn, và như thế, cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện với Chúa Cha thì Người có thể ban cho ơn trở lại của người anh chị em đã rời khỏi cộng đoàn.

c)  Đào sâu hơn:

-  Cộng đoàn như là nơi chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ:

Xã hội tân cấp tiến ngày nay, được đánh dấu bằng chủ nghĩa tiêu thụ, thì hà khắc và nhẫn tâm.  Nó không ngó ngàng đến người nghèo, những kẻ bé mọn, ngoại kiều và dân lánh nạn.  Tiền của không có chỗ cho lòng thương xót.  Xã hội của Đế quốc La-mã cũng khắc nghiệt và nhẫn tâm, không có chỗ cho những kẻ bé mọn.  Họ đã đi tìm một chỗ trú cho trái tim của họ nhưng hoài công.  Các hội đường thì quá đòi hỏi và không cho họ một chỗ nghỉ ngơi.  Trong các cộng đoàn Kitô hữu, có những người muốn giới thiệu sự khắt khe của những người Biệt Phái vào trong việc tuân giữ Lề luật.  Họ đã đem vào tình huynh đệ các tiêu chuẩn bất công của xã hội và hội đường.  Vì thế, trong các cộng đoàn có phát sinh những sự chia rẽ như trong xã hội và trong hội đường giữa những người Do Thái và không Do Thái, người giàu và kẻ nghèo, người cai trị và kẻ bị trị, kẻ lắm lời và người im lặng, đàn ông và phụ nữ, chủng tộc và tôn giáo. Và thay vì làm cho cộng đoàn là nơi tiếp đãi ân cần, nó đã trở nên nơi phán xét.  Nhắc lại những Lời của Chúa Giêsu trong Bài Giảng về Giáo Hội, Mátthêu muốn làm sáng tỏ cuộc hành trình của người Kitô hữu để cộng đoàn có thể là nơi chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ.  Nó phải là Tin Mừng cho người nghèo.  

-  Vạ tuyệt thông và loại trừ khỏi đời sống huynh đệ:

Chúa Giêsu không muốn nhắc đến sự loại trừ.  Đúng ra, Người muốn khuyến khích việc thâu gọp lại. Chúa đã làm tất cả các điều này trong đời của Người:  Chúa đã chào đón và tái hòa nhập với những người, vì lợi dụng sai danh nghĩa Thiên Chúa, đã bị loại trừ khỏi cộng đoàn.  Nhưng Người không thể ngăn ngừa được kẻ không đồng ý với Tin Mừng Nước Trời rồi sẽ từ chối không gia nhập cộng đoàn và tự tách rời mình khỏi cộng đoàn.  Đây là những gì mà một số người Biệt Phái và luật sĩ đã làm.  Thậm chí sau đó, cộng đoàn phải cư xử giống như Người Cha trong dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng.  Cộng đoàn phải luôn nghĩ đến anh chị em ấy và cầu nguyện cho họ để những người ấy có thể thay đổi ý nghĩ và quay về với cộng đoàn.

6.  Thánh Vịnh 32                                                                                                                      
Kẻ lỗi lầm được tha thứ
Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.

Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.

Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.

Chúa rằng: "Này đây Ta răn dạy,
chỉ cho con biết đường lối phải theo,
để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ.
Đừng bắt chước lừa ngựa, giống vô tri,
phải chế ngự bằng dây cương hàm thiếc,
nếu không, nó chẳng chịu đến gần."

Bao đau khổ sẵn chờ kẻ dữ,
còn ai tin cậy CHÚA, luôn được Người ấp ủ thương yêu.
Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét