Trang

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

40. HAI NGUYÊN TẮC CĂN BẢN ĐỂ ĐỌC KINH THÁNH KHÔNG CHÁN

40. HAI NGUYÊN TẮC CĂN BẢN ĐỂ ĐỌC KINH THÁNH KHÔNG CHÁN


LM. JM. Mười Một, CSsR

Một nhà sư đến gặp một vị linh mục để mượn quyển Kinh Thánh để đọc. Sau một thời gian, nhà sư đến trả lại sách. Vị linh mục hỏi nhà sư thấy Kinh Thánh như thế nào. Nhà sư đáp: Tôi thấy Thiên Chúa của ông nói nhiều quá!

Chúng ta sẽ còn ngạc nhiên hơn vị sư kia khi nhận ra chính các Kitô hữu rất ít khi nghe Lời Chúa cách đúng đắn, hậu quả là việc đọc Kinh Thánh mau chán và vô ích.[1]

Nguyên tắc 1: Nghe cách trung thành

Nghe có vẻ khôi hài, nhưng điều quan trọng nhất khi đọc Kinh Thánh đó là tập trung vào bản văn Kinh Thánh, chứ không phải vào bản thân mình, để khám phá nghĩa của bản văn mà Thiên Chúa đã ban ở đó và ứng đáp lại nghĩa đó. Đừng áp đặt vào bản văn ý nghĩ của mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự tôn trọng giá trị của mạc khải của Thiên Chúa lên trên mọi tư tưởng loài người.

Đáng buồn là có ít Kitô hữu đọc trực tiếp bản văn Kinh Thánh. Họ cần nghe lời thánh Augustinô tha thiết mời gọi: “Tolle et lege” (Hãy cầm lấy và đọc). Đáng buồn hơn nữa là có những Kitô hữu, vì không biết, nên áp đặt ý tưởng của mình vào bản văn Kinh Thánh, ép Kinh Thánh phải có ý đó, ép Chúa Thánh Thần phải nghe theo ý mình. Tội nghiệp Chúa cũng lắm phen bị “lép vế”, bị “bịt miệng”, không được cất lên tiếng nói của mình. Nếu có hôm nay chúng ta cũng cần đấu tranh cho “quyền của Thiên Chúa được nói trong bản văn Kinh Thánh”. Lối giải thích Lời Chúa theo ý riêng của mình như thế thật nguy hiểm, thiếu đạo đức và vô ích. Nguy hiểm vì có thể dẫn đến những sai lạc chết người, hoặc những chia rẽ bè phái lớn nhỏ, thiếu đạo đức vì không tôn trọng ý của tác giả Kinh Thánh (Thiên Chúa và loài người), và sau cùng vô ích vì các tín hữu không bao giờ có thể sửa đổi bản thân nên tốt.

Nhìn chung, lắng nghe Kinh Thánh cách trung thành là tôn trọng Lời Chúa và mở lòng trí ra trước Lời Chúa.

Nguyên tắc 2: Nghe cách tích cực

Tôn trọng Lời Chúa và mở lòng trí ra thôi thì chưa đủ. Các Kitô hữu không thể thụ động ngồi chờ sung rụng. Họ cũng cần phải tích cực đóng góp phần mình để làm cho Lời Chúa không ngừng trở nên mới và sống động trong thế giới hôm nay. Đó là thái độ lắng nghe Lời Chúa cách tích cực, đúng với bản chất của Lời Chúa là lời hằng sống, chứ không phải lời chết trong quá khứ.

Lắng nghe Lời Chúa cách tích cực đòi các tín hữu phải có: óc sáng tạo, sự chọn lựa, tính hài hòa và ý thức sống động về kinh nghiệm sống, những vấn đề, những giả định và khung giải thích.

Có thể so sánh cách lắng nghe Lời Chúa tích cực giống như:

1. Bức tranh: Bức tranh có thể nói “đã chết” khi bàn tay họa sĩ chấm dứt công việc sáng tác, nhưng nó lại sống động trở lại khi được đưa ra triển lãm cho nhiều người đến chiêm ngắm, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ví dụ: Bức họa “Chúa gọi thánh Mátthêu” của Caravaggio trưng ở nhà thờ thánh Lu-y tại Rôma gần đây đã “sống lại” mãnh liệt khi ĐGH Phanxicô chia sẻ cảm nghiệm ơn gọi của ngài dưới ánh sáng của bức tranh đó. Ngài đã giải thích bức tranh của Caravaggio với óc sáng tạo, nhất là ý nghĩa cụ thể cho thế giới và con người tội lỗi đau khổ hôm nay, với sự hài hòa giữa bức họa này với bức tranh chung rộng lớn của mầu nhiệm cứu độ Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, cũng như với sự chọn lựa phù hợp về phương pháp giải thích bức họa. Tương tự, giải thích Kinh Thánh cũng có nhiều phương pháp khác nhau, cần được sử dụng sao cho phù hợp với từng bản văn Kinh Thánh. Sau cùng, cần ý thức rằng những khác biệt của môi trường văn hóa kinh tế xã hội, những mối bận tâm cụ thể cũng như những đối tượng khác nhau sẽ có những ảnh hưởng khác nhau lên ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Nếu coi thường các yếu tố này, người đọc sẽ trở thành thụ động và không thể hấp thụ Lời Chúa.

2. Bản nhạc: Một bản nhạc dù hay mấy cũng vẫn vô ích khi chưa được nghệ sĩ nào trình bày bằng cách chơi nhạc hoặc hát. Bản văn Kinh Thánh cũng vậy, nó vẫn chưa “hoàn bị” nếu nó chưa được cầm lấy để đọc, để học, để ca ngợi cảm tạ và phụng thờ Thiên Chúa. Như bản nhạc, bản văn Kinh Thánh cũng sẽ chỉ “hoàn bị” khi được “sử dụng” để cầu nguyện tại tư gia, để học hỏi tại lớp học Kinh Thánh, để công bố tại các buổi cử hành phụng vụ ở nhà thờ và nhà nguyện, thậm chí ngoài đường phố, tại khách sạn, nhà hàng, chốn vui chơi...

Nói chung, để việc đọc Kinh Thánh đem lại nhiều niềm vui và ích lợi, các tín hữu cần có 4 chữ “T”: Tai để nghe, Trí để tìm hiểu thấu đáo, Tâm để cầu nguyện và Tay để đem Lời Chúa ra thực hành. 

Sau cùng, các bạn có thể nhận ra hai nguyên tắc này phù hợp với bản tính của Kinh Thánh: Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ con người. Nguyên tắc thứ nhất giúp các tín hữu kinh nghiệm bản chất thần linh của Kinh Thánh và nguyên tắc thứ hai đào sâu khía cạnh loài người của Kinh Thánh. Nói cách khác, dù hai nguyên tắc này cần được bổ sung bằng một số nguyên tắc khác, nhưng có thể nói đây là hai nguyên tắc hàng đầu và căn bản giúp cho việc học Kinh Thánh tiến triển và thú vị. Các nguyên tắc khác chỉ triển khai hai nguyên tắc này mà thôi.[2]
 





[1] Nội dung bài dựa trên The Bible for Theology, Ten Principles for the Theological Use of Scripture của Gerald O’Collins, SJ., và Daniel Kendall, SJ. 19-23.
[2] Xin đọc thêm các bài trước đây của chúng tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét