Trang

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

39. PHÂN TÍCH MỘT CÂU KINH THÁNH

39. PHÂN TÍCH MỘT CÂU KINH THÁNH


LM. JM. Mười Một, CSsR

Có một chàng thợ săn trẻ kia đi lạc trong rừng nhiều lần, vì vậy bạn bè liền mua cho anh ta một cái la bàn, nhưng anh ta vẫn đi lạc. Lần kia, sau khi tìm được anh ta đang đi lạc trong rừng, bạn bè liền hỏi anh ta có mang theo la bàn không, anh nói có. “Vậy tại sao không sử dụng?” Bạn bè hỏi. Anh đáp: “Tôi không dám sử dụng la bàn, vì khi tôi muốn đi về phía Nam thì kim la bàn không hoạt động, nó luôn luôn lắc lư rồi sau cùng luôn luôn chỉ về phía Bắc.”

Một số Kitô hữu cũng vậy, luôn muốn Kinh Thánh phải chỉ theo hướng mà họ muốn chứ không muốn theo hướng Kinh Thánh chỉ. Vì vậy, ít người thích học Kinh Thánh.


Martin Luther so sánh cách ông học Kinh Thánh tương tự một người đi lượm táo: Trước hết, ông rung cả cây táo (=học tổng quát toàn bộ Kinh Thánh), để các trái chín rụng trước. Sau đó, ông leo lên cây và rung từng cành (=học từng quyển trong Kinh Thánh - bài 37), rồi sau đó, tiếp tục rung từng nhánh cây (=học từng chương - bài 38), và tiếp đến là cành con (=học từng đoạn, từng câu - bài 39 hôm nay). Rồi cuối cùng ông lật từng chiếc lá để tìm các quả còn lại (=học từng từ - bài 35).

Trong tác phẩm của mình, sau phương pháp tìm hiểu một chương Kinh Thánh, Rick Warren có phương pháp tổng hợp nhắm tổng hợp những khám phá bạn tìm được trong hai phương pháp liền trước đó, đó là phân tích một quyển và phân tích một chương Kinh Thánh. Phương pháp tổng hợp Kinh Thánh giống câu truyện Cây tre trăm đốt của chúng ta: Sau khi hô “Khắc xuất!” (phân tích) thì hô “Khắc nhập!” (tổng hợp) để có cây tre trăm đốt thần kỳ (xin cũng xem bài 19). Nếu thiếu một trong hai thì việc học Kinh Thánh vô ích, tương tự có trăm đốt tre cũng chẳng lấy được vợ! 

Sau đây xin giới thiệu bài cuối cùng trong tác phẩm của Rick Warren.[1]

Định nghĩa

Phương pháp phân tích một câu Kinh Thánh nhắm tìm hiểu chi tiết câu đó bằng cách đặt những câu hỏi rồi trả lời, tìm các câu đối chiếu, rút ra ý tưởng và sau cùng áp dụng vào đời sống. 

Các bước phân tích một câu Kinh Thánh và áp dụng

Bạn có thể trình bày theo 6 cột trên một tờ giấy như sau:

1. Cột 1 - Chọn câu: Hãy chọn một câu Kinh Thánh bạn thích và ghi ra. 

Ví dụ: Thư 1Tm 

1,1: Phaolô, Tông đồ của Đức Kitô Yêsu, theo thánh chỉ của Thiên Chúa, Cứu-chúa của ta, và Đức Kitô Yêsu, hy vọng của ta. 

1,2a: Gửi Timôthê, người con chính tông trong đức tin (NTT).   

2. Cột 2 - Ghi lại đoạn: Câu Kinh Thánh nằm trong đoạn Kinh Thánh nào. Hãy đọc kỹ đoạn Kinh Thánh rồi ghi lại ý theo cách của bạn. Đặc biệt chú ý câu mà bạn muốn phân tích. Nên ghi lại ngắn gọn nhất có thể. Đừng dài hơn đoạn Kinh Thánh gốc.

3. Cột 3 - Đặt câu hỏi, trả lời và quan sát: Đây là ba thao tác quan trọng. 

- Câu hỏi: c. 1. “Tông đồ” nghĩa là gì?, c. 2a. “Timôthê” nghĩa là gì?

- Trả lời: c. 1. Trong tiếng Hy Lạp, “Tông đồ” nghĩa là “được sai đi”, c. 2a. “Timôthê” nghĩa là “ông ấy tôn vinh Thiên Chúa”

- Quan sát: c.1. Chúa Cha được gọi là “Cứu-chúa”, chứ không phải Chúa Giêsu.

4. Cột 4 - Đối chiếu: Hãy sử dụng các sách công cụ, hoặc bản dịch Kinh Thánh của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR và CGKPV, để tìm các câu có liên hệ tương ứng (ở bên lề sách). 

- “Tông đồ”: Rm 1,4; 2Cr 1,1
- “Thiên Chúa, Đấng cứu độ”: Lc 1,47; Tt 1,3
- “Đức Kitô”: Co 1,27
- “Đức Kitô Giêsu”: 1Tm 1,15

5. Cột 5 - Ý tưởng: Hãy ghi ra các ý tưởng bạn rút ra được.

- Tên của thánh Phaolô, từ tiếng La-tinh Paulus, có nghĩa là “nhỏ bé”
- Tên của ông Timôthê có nghĩa “ông ấy tôn vinh Thiên Chúa”
- Thánh Phaolô thấy cần phải nói cho Timôthê biết rằng ngài là Tông đồ, vì vậy, có lẽ thư này có ý cho những người khác cùng đọc.
- Danh xưng “Đức Kitô” tiếng gốc Hípri là “Messiah” và tiếng Hy Lạp là “Christo” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”
- Danh xưng “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu”.

6. Cột 6 - Áp dụng: Bước quan trọng để Lời Chúa trở thành thần lương đời đời.

Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết.”

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con thực hành Lời Chúa hôm nay và suốt đời.






[1] Xin xem các bài từ 28-39. Rick Warren, Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 221-227. Rick Warren cũng là tác giả của tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét