Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

NĂM MƯƠI NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN




NĂM MƯƠI NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ

IMPRIMATUR
Qui Nhơnngày 29-4-2014
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

LỜI GIỚI THIỆU


Năm 1999 Toà Tổng Giám mục Huế đã tổ chức cuộc Hội thảo về Tôn kính Tổ tiên, từ 26 đến 29 tháng 10. Trong lời chia sẻ thánh lễ khai mạc, chúng tôi đã có dịp nhắc lại huấn dụ ngày 10-11-1659 của Bộ Truyền Giáo trao cho hai vị Giám Mục Tiên Khởi Đàng Trong (Đức Cha Lambert de la Motte) và Đàng Ngoài (Đức Cha Francois Pallu), trước lúc các Ngài lên đường nhận nhiệm sở: "Các vị đừng có tìm cách, đừng có tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức của họ, tập tục và phong hoá của họ, trừ ra khi tất cả đó rõ ràng là trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không có gì bất hợp lý bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha hay nước Italia hay một nước Âu Châu nào khác vào Trung Quốc. Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của các vị, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối cũng không làm thương tổn các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào, miễn là tất cả đó không có gì là xấu, mà trái lại, đức tin của chúng ta muốn người ta cứ giữ và bảo vệ các thứ đó. Có thể nói rằng bản chất của con người là qúy trọng, yêu mến và coi tập tục của xứ sở mình là hơn hết. Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và hận thù là tìm cách thay đổi tập tục riêng của một dân tộc, nhất là những tập tục đã có từ lâu đời. Vậy việc gì sẽ xảy ra, nếu các vị xoá bỏ các tập tục đó để thay vào tập tục của xứ sở các vị, đưa từ ngoài vào? Đừng bao giờ đem so sánh tập tục của các dân tộc đó với tập tục của các nước Âu Châu. Trái lại các vị hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó. Hãy chiêm ngắm và ca tụng những gì đáng ca tụng. Những gì không đáng ca ngợi, nếu không nên ca ngợi om sòm như những kẻ nịnh bợ, thì cũng khôn ngoan đừng phê phán hay đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc quá đáng..."
Những lời huấn dụ thật cao quý nhưng lịch sử đã không diễn tiến suôn sẻ. Huấn thị Ex quo singularinăm 1742, chấm dứt cuộc tranh cãi về nghi lễ Trung Hoa, cũng đã chấm dứt việc cúng giỗ Ông Bà theo lối xưa. Thế là đã có những hiểu lầm đáng tiếc. Mãi đến ngày 8 tháng 12 năm 1939, qua huấn thịPlane compertum est, Tòa Thánh mới giải toả lệnh cấm đối với người Công giáo Trung Hoa và 25 năm sau, 1964, do lời thỉnh cầu của các Giám Mục Việt Nam, huấn thị này cũng được áp dụng cho cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam.
Cuộc hội thảo trên đây được tổ chức nhằm kỷ niệm 340 năm những lời huấn dụ 1659 va 35 năm việc áp dụng huấn thị Plane compertum est. "Những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta không vội quy trách nhiệm cho ai nhưng chúng ta cũng không ngần ngại nhìn thẳng vào vấn đề, để cho Tín Lý Công Giáo và Đạo Đức dân tộc được hài hoà, để cho cõi lòng người Công Giáo Việt Nam hoàn toàn rộng mở trong hiệp thông với Thiên Chúa, với Tổ Tiên và với mọi giới đồng bào"l.
Thấm thoát, nay đã đến kỷ niệm 50 năm áp dụng huấn thị này (1964). Chúng tôi rất vui mừng khi đọc loạt bài chia sẻ của cha Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh trong tập sách "Năm mươi năm thờ cúng Tổ tiên". Tác giả không còn ưu tư khắc khoải gì về quá khứ nhưng mạnh dạn bắt tay vào hiện tại và tương lai. Cụ thể như sáng kiến về một quyển Sách Gia lễ Công giáo, về Nghi thức cúng giỗ, về Những ngày truyền thống đồng tộc dưới mái từ đường trăm họ. Không riêng những sáng kiến ấy, mỗi bài chia sẻ trong tập sách  này đều mang theo nhiều gợi ý để cùng suy tư, khám phá và dấn thân.
Trong niềm vui và niềm hy vọng ấy, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu tập sách để cùng nhau suy nghĩ, chia sẻ và nhập cuộc.
                                                                             Huế, ngày 25-01-2014
TGM Têphanô Nguyễn Như Thể

l Trích bài giảng khai mạc cuộc hội thảo

MỘT VÀI KINH NGHIỆM LOAN TIN MỪNG QUA CON ĐƯỜNG ĐẠO HIẾU


Tin mừng đã đến trên quê hương này 480 năm. Một số nhà truyền giáo thuở đầu đã nhìn truyền thống Đạo Hiếu của phương Đông như một cánh cửa rộng mở để đưa mọi người và mọi gia tộc về với Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất (x. Ep 3,15).
Thế nhưng rồi cánh cửa đã khép lại. Sau nhiều tranh luận của các nhà truyền giáo, Tòa Thánh đã quyết định rằng người tín hữu Công giáo phương Đông chỉ được bày tỏ tâm tình thiêng liêng đối với Ông Bà Tổ Tiên theo phụng vụ Rôma, và phải ngưng những biểu lộ bên ngoài theo truyền thống văn hóa địa phương. Suốt hơn 200 năm, người Công giáo đành mang tiếng "theo Đạo là bỏ Ông bỏ Bà" để giữ một đức tin tinh tuyền, chưa kể sự ngộ nhận ấy còn góp phần khiến cơn bách hại thêm khốc liệt.
Năm 1964, Toà Thánh áp dụng cho người Công Giáo Việt Nam huấn thị Plane Compertum est đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa năm 1938, chấp thuận cho người tín hữu Á Đông được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về việc áp dụng huấn thị của Toà Thánh.
Cho tới nay sự giải tỏa đã được gần 50 năm, người Công giáo Việt Nam đã mò mẫm từng bước để hội nhập lại vào một truyền thống bị gián đoạn đã quá lâu đời. Nhiều luận văn của sinh viên Công giáo và nhiều sách báo đề cập vấn đề này cũng như nhiều sáng kiến thực hành đã giúp hóa giải được phần nào ngộ nhận nói trên.
Nhân dịp sắp đến kỷ niệm 50 năm việc áp dụng huấn thị Plane compertum est, tôi cũng muốn được đóng góp cho anh chị em đồng đạo một kinh nghiệm kiếm tìm và một số minh họa, mong phần nào gợi hứng để các bạn trẻ Công giáo dấn thân cho mối liên kết dòng họ bên nội và bên ngoại của chính mình. Sau nữa, tôi cũng mong được chia sẻ với đồng bào ngoài Công giáo những nỗi khó khăn và những xác tín sâu xa của người Công giáo trên đường về với nguồn cội. Chắc hẳn những chia sẻ chân thành cũng ôm theo nhiều vụng về, đôi khi thái quá hoặc bất cập, mong được mọi người rộng lượng cảm thông và góp ý.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là vị thánh gắn liền với giấc mơ Loan báo Tin mừng cho người Việt, và cũng là vị thánh được nâng niu giữa tình gia đình và tình gia tộc. Xin ký thác cho Chị loạt bài này như một phương án mới, một con đường giản dị để đến với anh chị em lương dân và đưa họ đến với Chúa, không còn phải là con đường lẻ loi của từng người hay từng gia đình nhưng là một con đường hành động tập thể: con đường dòng họ, họ Nguyễn cho họ Nguyễn, họ Lê cho họ Lê, họ Trần cho họ Trần, họ nào truyền giáo cho họ nấy.
Một số đoạn trích lại từ quyển "Về Với Cội Nguồn", Nxb PĐ 2012. Độc giả nào muốn, có thể xem toàn văn quyển sách tại:
Mọi góp ý xin gửi về: tinmunggiesu@gmail.com.
Kính chúc quý độc giả và gia đình luôn an vui hạnh phúc trong Chúa.
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

.1

LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

01
VẤN ĐỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM


Tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Đang khi một số tôn giáo Á Đông tin luân hồi, cho rằng con người chết rồi đầu thai hóa kiếp thành loài này loài khác thì Đạo Hiếu dạy rằng linh hồn Ông Bà Tổ Tiên bất tử, linh hiển và gần gũi con cháu. Đạo Hiếu và Đạo Chúa có chung một niềm tin linh hồn bất tử, tiếc thay, đã gặp một sự hiểu lầm suốt mấy thế kỷ.
Hoàn cảnh thế kỷ XVII đã khiến một số nhà truyền giáo ngộ nhận, cho rằng việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tôn giáo, trong đó tổ tiên được coi như những vị thần. Ngộ nhận này một phần là do chưa nghiên cứu cặn kẽ:
- Nhiều vị tưởng rằng khi cúng lễ gia tiên, gia chủ phải đọc những lời thần bí rất tỉ mỉ. Thật ra, gia chủ không tụng kinh (đọc lớn một công thức) cũng không niệm kinh (đọc thầm) mà chỉ nói với tổ tiên của mình như một đứa con nói với người cha hiện đang còn sống, trong ngôn ngữ thông thường.
- Nhiều vị tưởng chữ "lễ" trong lễ gia tiên có cái ý nghĩa nguyên thủy của nó là "các quy tắc của các lễ nghi tôn giáo". Thật ra, chính Đức Khổng Tử đã giải thích chữ "lễ" theo một nghĩa khác. Theo ngài, các "lễ" hoặc các nghi thức chỉ là phương tiện cho người quân tử dùng để xử kỷ tiếp vật trong mỗi tình huống cuộc sống. Chúng nêu rõ cách ứng xử người ta phải có trong nhà, ngoài phố, ở triều đình, ở các lễ hội; chúng bộc lộ ra bên ngoài những tình cảm bên trong mà người ta cảm thấy trong tình huống này hoặc tình huống nọ. Vậy, các nghi thức chỉ là những quy phạm của phép xã giao, các quy tắc phép lịch sự mà mục đích gần nhất là giáo hóa con người. Đó là những quy luật của "lễ phép xã hội", như chính Khổng Tử nói, khiến ngày qua ngày người ta đến gần điều thiện và tránh xa điều ác mà không ngờ. Nghi thức khi cúng gia tiên cũng mang ý nghĩa ấy, chỉ là những lễ phép bày tỏ lòng kính trọng quý mến đối với tổ tiên mình.
- Lý do mạnh nhất đẩy Giáo Hội đến chỗ chấp nhận theo một thái độ ngờ vực đối với sự thờ cúng tổ tiên, chính là vì một số người tin rằng vong hồn của những người chết ở trong các bài vị, và người ta ghi rõ "đây là nơi ở của hồn (ông A, bà B)", cách riêng là ở trong tấm lụa đặt trước bài vị, được gọi là "hồn bạch", thường là tấm lụa đã phủ trên khuôn mặt người hấp hối và được cho là hồn đã nhập vào đó. Tuy nhiên đó chỉ là tin tưởng sai lạc của một số người. Theo những tin tưởng chính thống của người Hoa cũng như người Việt, sau khi chết, con người được coi như đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này để an nghỉ ở cõi "suối vàng". Tại các từ đường, người ta chỉ giữ lại bài vị của năm đời, còn các bài vị của những thế hệ xưa được đem chôn. Nếu thật người ta tin bài vị là nơi hồn nương tựa thì sẽ không chôn như thế, vì không còn bài vị, những hồn ấy sẽ ở đâu? Vả lại, ngày nay, các gia đình dễ dàng thay thế các bài vị bằng những bức chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Nếu hồn không ở trong các bài vị thì vai trò của các bài vị ấy là gì? Dưới con mắt của người Hoa cũng như là người Việt, ít ra là của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

02
MỘT SỐ THỰC HÀNH GÂY ÁI NGẠI

Có những nhà truyền giáo cho rằng việc thờ cúng Ông Bà là một tôn giáo nhưng lại có những nhà truyền giáo khác khẳng định rằng người Việt không bao giờ xem tổ tiên của họ là "những vị thần", cũng không bao giờ xem cha mẹ họ là "những vị thần tương lai" (Chỉ một số nhỏ tiền hiền ở các địa phương được các triều vua phong thần làm "thành hoàng" của làng xã, với cái nhìn tương tự như các thánh bổn mạng trong Kitô giáo chứ không phải là những vị thần đúng nghĩa). Đã đành là có bàn thờ dành cho Tổ tiên và Tổ tiên là đối tượng của một sự phụng tự nhưng phụng tự này chẳng là gì khác hơn một phụng tự tưởng nhớ, khác với sự thờ Trời. Do đó có thể kết luận ngay rằng sự thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo theo nghĩa đen của từ này (Chúng ta vẫn thường được nghe trả lời như sau: "Chúng tôi chỉ thờ cúng ông bà chứ không theo đạo nào cả."). Hơn nữa, khi truyền bá sự thờ cúng này, người xưa (cụ thể như Đức Khổng Tử) nhắm thiết lập những mối liên hệ xác thực giữa những người sống và những người chết, củng cố sự liên đới giữa các thế hệ và phát huy kỷ luật xã hội, tức là chỉ vì những mục tiêu xã hội và chính trị chứ không hề có ý tưởng tôn giáo nào.
Ta cứ giả thiết như việc thờ cúng này bắt đầu có ý nghĩa từ khi có loài người, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai chữ "thờ" ấy. Con cháu thờ ông bà, thế hệ sau thờ thế hệ trước. Còn người đầu tiên của loài người thờ ai? Dĩ nhiên họ chỉ thờ Thiên Chúa. Hai chữ thờ đó khác nhau trời vực. Thờ Thiên Chúa là tâm tình của thụ tạo lệ thuộc Tạo Hoá, tùng phục Ngài một cách tuyệt đối và yêu mến Ngài với trọn tình con. Còn thờ tổ tiên là tưởng nhớ người xưa và cố gắng không làm ô danh người xưa.
Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta đi đến chỗ thờ tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo. Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Không thể thờ bất cứ thụ tạo nào như Thiên Chúa được.
Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế cũng không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo.
Ngoài ra còn có những mê tín khác.
Các nhà truyền giáo đã tranh luận hết sức nghiêm túc qua nhiều năm, một bên cho rằng những sai lạc trên đây có thể điều chỉnh được, một bên cho là khó lòng thay đổi được não trạng của dân chúng. Cuối cùng, để bảo đảm cho niềm tin của tín hữu được tinh ròng, Giáo Hội đã quyết định rằng người Công Giáo chỉ được tôn kính tổ tiên theo cách Giáo Hội quen làm, chứ không được thờ cúng theo hình thức cổ truyền địa phương. Giáo Hội biết đây là một chọn lựa phải trả giá đắt, rất bất lợi cho công cuộc truyền giáo. Trước khi có quyết định ấy, số người hưởng ứng Đạo Chúa tại Việt Nam càng lúc càng đông, cả đến trong triều đình vua Lê cũng có nhiều người theo Đạo. Việc cấm thờ cúng tổ tiên theo lối cũ đã khiến người ta tẩy chay tôn giáo mới, thậm chí đã thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân. Đã hẳn việc cấm thờ cúng nói đây có phần do ngộ nhận nhưng dù sao nó cũng cho thấy đức tin Kitô giáo phải là một chọn lựa quyết liệt đến mức nào.

03
QUAN ĐIỂM MỚI CỦA TÒA THÁNH

Mãi đến thế kỷ 20, khi Đạo Hiếu không còn bị ngộ nhận là một tôn giáo và những tin tưởng sai lạc cũng không còn phải là chuyện chung của quảng đại quần chúng, năm 1964, Toà Thánh đã chấp thuận cho người Công Giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về vấn đề này.
Sau phần đầu nhắc lại mấy nguyên tắc về thái độ của Giáo Hội đối với nền văn hoá và truyền thống của dân tộc, bản thông cáo nói đến thể thức áp dụng Huấn thị "Plane compertum est" đã được Toà Thánh đã đề ra cho Giáo hội tại Trung Hoa ngày 08-12-1939. Nguyên văn thông cáo:

Thông cáo
của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
về việc tôn kính tổ tiên

Ngày 20-10-1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thụ Plane compertum est (8-12-1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam.
Để hiểu rõ tinh thần Giáo Hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong khi áp dụng, Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:

I. Giáo hội Công Giáo đối với nền văn hóa và truyền thống các dân tộc

1) Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng Sáng Lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo Hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội khảm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có vang âm đến toàn diện cuộc đời và trong mỗi khu vực sinh hoạt của con người (Đức Piô XII: Huấn dụ tại Cơ Mật Viện, ngày 20-2-1946).
2) Mặt khác, từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy mà Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc thánh nhân hay các vị tử đạo (Đức Piô XII: Thông điệp Evangeli praecones, 2-6-1951; Đức Gioan XXIII trích dẫn tư tưởng này trong thông điệp Princeps Pastorum, 28-11-1959).
3) Đối với các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (Đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam, 6-8-1964). Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô là “đường đi, là chân lý và là nguồn sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật.
Tuy nhiên Giáo Hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo khác tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính cái chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này (Công đồng Vatican II, khóa III: Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ngày 20-11-1964)
Chính lập trường đó của Giáo Hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo Hoàng và trong đệ nhị Công đồng Vatican, đã giải thích lý do của quyết định Tòa Thánh, khi cho áp dụng huấn thị Plane compertum est tại Việt Nam ngày nay. Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các Giám mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 12, 14-06-1965 đã cho công bố thông cáo này.

II. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est

1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
3) Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công Giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.
Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến Hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.
Làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965
Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492
§1 Người tín hữu không được phép tham dự cách chủ động bằng bất cứ cách nào, hoặc tham dự một phần trong các nghi thức của người không Công giáo.
§2 Có thể chước chuẩn cho người tín hữu hiện diện cách thụ động, hay chỉ có tính cách bề ngoài vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, bởi có lý do quan trọng, trường hợp nghi ngờ đã được Giám mục xác nhận. Trong các lễ an táng người không Công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự, miễn là không có nguy hiểm làm gương mù và sinh lợi. 

QUYẾT NGHỊ VỀ
LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1965).
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
                     Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974
                     Ký tên:
- Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế
- Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho
- Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long
- Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ
- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang
- Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột
- Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Qui Nhơn
http://www.ubmvgiadinh.org/article/n%C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét