Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

33. TÌM HIỂU CÁC NHÂN VẬT KINH THÁNH

33. TÌM HIỂU CÁC NHÂN VẬT KINH THÁNH


LM. JM. Mười Một, CSsR

Trong một lớp Kinh Thánh nọ, các học viên được hỏi ý kiến xem họ thích bản dịch Kinh Thánh nào nhất. Học viên thứ nhất trả lời: “Tôi thích bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, vì được dịch từ bản văn Hy-lạp, gần gũi với nguyên bản hơn.” Học viên thứ hai nêu ý kiến: “Tôi thích bản dịch của cha Trần Đức Huân vì nó bình dị, dễ hiểu.” Học viên thứ ba nói: “Tôi thích bản dịch của NPD/CGKPV, vì đọc lên xuôi chảy, tôi dễ cầu nguyện với lời văn này.” Cuối cùng một học viên đứng lên phát biểu: “Tôi thích bản dịch của mẹ tôi.” Cả lớp ồ lên kinh ngạc: “Phải chăng mẹ anh là một học giả Kinh Thánh?” Anh giải thích: “Tôi thích bản dịch của mẹ tôi, vì bà không dịch Kinh Thánh bằng chữ viết, nhưng bằng chính cuộc sống của bà; bởi thế nó rất dễ hiểu và tôi có thể sống theo đó cách dễ dàng.”

Trong câu truyện vui Kinh Thánh trên, đời sống người mẹ Kitô hữu đã ảnh hưởng tốt đến đức tin người con. Thiên Chúa cũng dạy đỗ các tín hữu bằng cách ghi lại trong Kinh Thánh những câu truyện về những người nam người nữ cũng như mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên họ theo hình ảnh Người. Học Kinh Thánh bằng cách tìm hiểu đời sống các nhân vật vì thế thật dễ dàng và thú vị. Các tín hữu hôm nay có thể vừa học noi theo các tính tốt của các nhân vật, vừa học biết tránh tính xấu của họ. Thiên Chúa vừa mạc khải cho con người vừa mạc khải qua con người, để họ được thông hiệp sự sống đời đời của Người.[1]  

Định nghĩa

Phương pháp tìm hiểu Kinh Thánh qua đời sống các nhân vật nhắm giúp các tín hữu tập làm quen với một nhân vật nào đó, rồi cố gắng khám phá xem điều gì đã giúp nhân vật thành công hoặc thất bại trong cuộc sống, sau đó cầu xin Chúa giúp suy nghĩ và hành động tốt như nhân vật, nhờ đó, việc học Kinh Thánh sinh hoa trái và giúp các tín hữu thay đổi đời sống, ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn.[2]

Các bước tìm hiểu một nhân vật Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống

1. Chọn và sống với nhân vật: Kinh Thánh có tới hàng ngàn nhân vật lớn nhỏ. Bạn nên chọn nhân vật nào vừa có tính tiêu cực giống bạn vừa có tính tích cực mà bạn muốn có. Không nên chọn nhân vật lớn (như Chúa Giêsu hoặc thánh Phaolô) cho bài đầu tiên. Nên chọn nhân vật nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, hạn như các thánh Barnabas, Andrew, Maria làng Bêthania. Sau đó, hãy đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng, vui buồn của nhân vật. 

2. Liệt kê các đoạn Kinh Thánh nói về nhân vật: Hãy sử dụng các sách công cụ hạn như sách tra mục từ (concordance), các loại từ điển và bách khoa Kinh Thánh,… để tìm các đoạn Kinh Thánh cho bạn những thông tin cần thiết liên quan đến nhân vật, lưu ý đặc biệt các sự kiện chính, thành công hoặc thất bại, cả chuyện sinh tử của nhân vật. 

3. Ấn tượng ban đầu – đọc Kinh Thánh lần I: Hãy đọc các đoạn Kinh Thánh nói về nhân vật, rồi viết ra những thông tin bạn tìm thấy cũng như những ấn tượng ban đầu của bạn về nhân vật. Sau đó, hãy viết ra những thắc mắc và vấn đề bạn thấy nơi nhân vật.

4. Tiểu sử ngắn gọn – đọc Kinh Thánh lần II: Đọc lại lần nữa các đoạn Kinh Thánh rồi viết ra tiểu sử ngắn gọn của nhân vật. Điều này giúp bạn có được cái nhìn tổng quát về dòng chảy các sự kiện chính trong cuộc đời nhân vật. Hãy lưu ý các bước ngoặt hoặc giai đoạn lịch sử làm thay đổi đời sống và tính cách nhân vật. 

Ví dụ: Các bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông Môsê là: 

- 40 năm được nuôi dưỡng trong cung điện của vua Ai-cập để chuẩn bị trở thành một nhân vật nào đó trong tương lai (to be a somebody)

- 40 năm sống trong hoang địa Mađian chẳng ai biết đến (to be a nobody)

- 40 năm trong hoang địa Sinai để học biết có một Thiên Chúa (God is Somebody). 

Phương pháp học hỏi này sẽ giúp bạn nhận ra cách thức Thiên Chúa từng bước dẫn đưa và uốn nắn cuộc đời một con người cũng như mưu mẹo Satan dùng để phá đám. 

5. Chiêm ngắm nhân vật – đọc Kinh Thánh lần III: Đọc lại Kinh Thánh lần nữa và trả lời các câu hỏi sau (dĩ nhiên hãy chọn lựa câu hỏi, có lúc bạn không cần trả lời tất cả):

Danh tiếng: Người khác (Chúa, thân nhân, bạn hữu, kẻ thù,…) nói gì về nhân vật này.

Nhân cách: Nhân vật phản ứng ra sao trước khó khăn, bách hại, thành công, thất bại,…

Nền tảng: Nghề nghiệp, gia đình, dòng tộc, giáo dục, chính trị, xã hội, văn hóa, thời đại,…

Sự kiện chính: Những lần Chúa gọi, những quyết định quan trọng, thành công, khủng hoảng,… Lý do tại sao và ảnh hưởng thế nào? Giữ vai trò nào trong lịch sử cứu độ?

Tương quan sống: Sống và cư xử thế nào với gia đình, bạn bè, kẻ thù, quê hương,…

Tính cách: Theo loại tính tình nào, điểm mạnh, điểm yếu, lỗi phạm, lý do phạm tội, hậu quả, cũng như những cố gắng lướt thắng tội lỗi, đưa đến thành công nào,…

Đời sống thiêng liêng: Những lần gặp gỡ thiết thân với Chúa, lý tưởng sống, sứ điệp rao giảng, được Chúa dạy những gì, đời sống cầu nguyện, làm chứng cho Chúa như thế nào, đời sống đức tin, phục vụ Chúa, sức sống của Chúa Thánh Thần nơi nhân vật,…

6. Chân lý Kinh Thánh trong đời sống nhân vật – đọc Kinh Thánh lần IV: Bạn thấy đời sống nhân vật đã minh họa cho những chân lý Kinh Thánh nào?

Ví dụ: Đời sống và cái chết của thánh Stêphanô (x. Cv 6,3–8,2; 11,19; 22,20) minh họa sống động cho những chân lý Kinh Thánh hạn như: Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và an ủi các tín hữu trong những gian nan thử thách (x. Cv 7,54-55; Hr 13,5-6)[3]; ân sủng của Chúa đủ cho các tín hữu nếu họ luôn bước đi với Người (x. Cv 6,10; 1Cr 1,27-31; 2Cr 12,9)[4]

7. Tóm tắt các bài học chính: Bạn thấy nhân vật dạy bạn những bài học chính nào? Nếu dùng một từ để mô tả nhân vật, bạn sẽ dùng từ nào?

8. Áp dụng sống: Bạn có thể xét xem bản thân mình có nét gì giống và khác nhân vật, những nét yếu kém cũng như nét mạnh, hay cũng như dở. Ấn tượng mạnh nhất nhân vật để lại nơi bạn là gì? Bạn đang khiếm khuyết ở lãnh vực nào và làm sao khắc phục?  

Sau cùng, chúng ta nên cầu nguyện luôn mãi để Lời Chúa an ủi chúng ta.
  









[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 97-110, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếngThe Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
[2] Xin giới thiệu hai quyển sách về đề tài này: 100 Nhân Vật Tiêu Biểu Để Hiểu Kinh Thánh, Nt. Maria Phạm Bích Giang và Lm. Phêrô Trần Văn Huyền chuyển ngữ, Những Nhân Vật Của Phúc Âm của Jerome Bertram, Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thiêm chuyển ngữ.
[3] Cv 7,54-55: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Hr 13,5-6: “Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!, đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?”
[4] Cv 6,10: “Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.”
1Cr 1,27-31: “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.”
2Cr 12,9: “Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.”

http://nhomloichuadcct.blogspot.com/2013/11/33-tim-hieu-cac-nhan-vat-kinh-thanh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét