VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 32 TN A
Tin Mừng thánh Mátthêu 25,1-13
Tin Mừng
1 "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm
đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả
vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa
mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi
ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "7 Bấy
giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với
các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em
tắt mất rồi! "9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các
chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua,
thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.
Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi:
"Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12 Nhưng Người đáp:
"Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13 Vậy anh em
hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
1 1"Then 2 the kingdom of heaven will be like ten virgins
who took their lamps and went out to meet the bridegroom.
2 3 Five of them were foolish and five were wise.
3 The foolish ones, when taking their lamps, brought no oil with
them,4 but the wise brought flasks of oil with their lamps.
5 Since the bridegroom was long delayed, they all became drowsy
and fell asleep.
6 At midnight, there was a cry, 'Behold, the bridegroom! Come out
to meet him!'7 Then all those virgins got up and trimmed their lamps.
8 The foolish ones said to the wise, 'Give us some of your oil,
for our lamps are going out.'9 But the wise ones replied, 'No, for there may
not be enough for us and you. Go instead to the merchants and buy some for
yourselves.'10 While they went off to buy it, the bridegroom came and those who
were ready went into the wedding feast with him. Then the door was locked.
11 4 Afterwards the other virgins came and said, 'Lord, Lord,
open the door for us!'12 But he said in reply, 'Amen, I say to you, I do not
know you.'13 Therefore, stay awake, 5 for you know neither the day nor the
hour.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
…
… … … … … … … … … … … …
* Bạn hãy
viết câu TM thánh Mátthêu 25,12
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
II. TRẮC NGHIỆM
01. Có bao nhiêu cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú
rể? (Mt 25,1)
a. 10
b. 7
c. 5
d. 3
02. Những cô trinh nữ cầm đèn đi đón ai? (Mt
25,1)
a. Chú rể.
b. Đức
Vua.
c. Cô dâu.
d. Quản
tiệc.
03. Chú rể đến lúc nào? (Mt 25,6)
a. Nửa
đêm.
b. Giờ thứ
9.
c. Giờ thứ
11.
d. Canh
tư.
04. Những cô dại cầm đèn mà quên mang theo gì?
(Mt 25,8)
a. Dầu.
b. Đèn.
c. Lửa.
d. Lồng để
che.
05. Đây là lời chú rể trả lời những cô dại (Mt
25,12)
a. Tôi bảo
thật các cô, tôi không biết các cô là ai?
b. Tôi bảo
thật các cô, cửa đã đóng rồi.
c. Tôi bảo thật các cô, cửa đã đóng rồi, các cô hãy về đi.
d. Tôi bảo thật các cô, các cô hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Những người này đi đón chú rể, họ là những
ai? (Mt 25,1)
02. Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón ai? (Mt 25,1)
03. Những cô này cầm đèn và mang theo dầu đi đón
chú rể. (Mt 25,1-12)
04. Các cô khôn theo chú rể vào dự việc gì? (Mt
25,10)
05. “Anh em hãy … … … , vì anh em không biết ngày
nào, giờ nào”. (Mt 25,13)
06. Đức Giêsu ví điều gì giống như chuyện Mười
trinh nữ cầm đền ra đón chú rể? (Mt 25,1)
07. Có bao nhiêu trinh nữ đi đón chú rể? (Mt
25,1)
08. "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì
đèn của chúng em tắt mất rồi! " Đây là lời của ai? (Mt 25,8)
Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU
THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Vậy anh
em hãy canh thức,
vì anh em
không biết ngày nào, giờ nào”.
Tin Mừng
thánh Mátthêu 25,13
Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 32 TN A
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề:
Những Cô
Trinh Nữ
* Tin Mừng
thánh Mátthêu 25,12:
"Tôi bảo thật các cô,
tôi không biết các cô là ai
cả!
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01. a. 10
(Mt 25,1)
02. a. Chú
rể (Mt 25,1)
03. a. Nửa
đêm (Mt 25,6)
04. a. Dầu
(Mt 25,8)
05.
a. Tôi bảo thật các cô, tôi không biết
các cô là ai? (Mt 25,12)
III. Lời giải đáp
01. Trinh
nữ (Mt 25,1)
02. Chú rể
(Mt 25,1)
03. Cô
khôn (Mt 25,1-12)
04. Tiệc
cưới (Mt 25,10)
05. Canh
thức (Mt 25,13)
06. Nước
Trời (Mt 25,1)
07. Mười
(Mt 25,1)
08. Cô dại (Mt 25,8)
Hàng dọc : Nước Trời
NGUYỄN
THÁI HÙNG
Chúa Nhật XXXII Thường
Niên A -
Chàng Rể Đến Trễ
Mt
25:1-13: 1 "Bấy giờ về Nước Trời, thì cũng in như mười trinh nữ, ai nấy
cầm đèn của mình đón lang quân. 2 Năm cô trong bọn thì khờ, năm khác lại khôn:
3 Vì bọn khờ cầm đèn mà lại không lấy dầu đem theo mình; 4 còn những người khôn
thì đã lấy dầu trong chóe, them theo với đèn.
5
"Nhưng lang quân đến trễ, làm các cô thiếp đi mà ngủ cả. 6 Nửa đêm, có
tiếng kêu lên: "Kìa, vị lang quân! Ra mà đón!" 7 Bấy giờ các trinh nữ
hết thảy chỗi dậy và soạn sửa lại đèn đóm của họ. 8 Các cô khờ mới nói với các
cô khôn: "Xin cho chúng tôi chút dầu của các chị, vì đèn chúng em tắt
rụi!" 9 Các cô khôn đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các
chị; chi bằng các chị hãy ra hàng buôn mà mua lấy". 10 Họ đổ ra mua, thì
vị lang quân đã đến. Những kẻ sẵn sàng, thì theo vị lang quân vào tiệc, và cửa
đóng lại. 11 Sau cùng, các trinh nữ kia cũng đến mà rằng: "Lạy Ngài, lạy
Ngài, xin mở cho chúng tôi với". 12 Ðáp lại, Ngài nói: "Quả thật, Ta
bảo các ngươi, Ta không biết các ngươi!". 13 Vậy các ngươi hãy tỉnh thức,
vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".
+++
Ngữ cảnh
của đoạn 25:1-13 là Chúa Giêsu kêu gọi hãy luôn luôn tỉnh thức vì không ai biết
ngày Người đến (24:36-25:46). Ý tưởng nầy được lập lại nhiều lần dưới nhiều
dạng khác nhau (24:36.42.50; 25:13). Liên kết với hai dụ ngôn đi trước, đoạn
25:1-13 có chung một số từ ngữ như phronimos, “khôn ngoan” (24:45; 25:2),
kurios, “Chúa”, “chủ” (24:42.45-50; 25:11), chronizō, “đến trễ” (24:48; 25:5),
hetoimos, “sẵn sàng” (24:44; 25:10). Chủ đề của đoạn nầy tiếp tục là sự sẵn
sàng để chờ đón Chúa đến.
Về bố
cục có thể phân chia như sau: 1/ Dẫn nhập. Các trinh nữ và chàng rể (25:1-5);
2/ Hành động của các trinh nữ (25:6-9); 3/ Số phận khác nhau của các trinh nữ
và kết luận (25:10-13). Cách phân chia nầy dựa trên sự xuất hiện và phân bố của
động từ exerchomai (c. 1.6), aperchomai và eiserchomai (c. 10). Tất cả đều diễn
tả hành động “đi” của các trinh nữ. Hai lần đầu (c. 1 và 6) họ cùng chung một
hướng là đi đón chàng rể. Lần cuối cùng (c. 10) họ đã chia tay và đi hai hướng
khác nhau. Năm cô khờ dại ra đi để mua dầu và sẽ đứng ngoài cửa, còn năm cô
khôn ngoan đi vào phòng tiệc cưới với chàng rể.
Dẫn
nhập. Các trinh nữ và hàng rể (cc. 1-5)
Matthêô
lấy dụ ngôn sắp được kể để so sánh với Nước Trời. Đặc biệt ở đây Matthêô dùng
động từ homoioō ở thì tương lai thụ động (x. 18:23; 22:2), “Nước Trời sẽ được
ví như…”. Nước Trời không được so sánh như mười cô trinh nữ, nhưng như những gì
sẽ xảy ra cho các cô ấy vào kết thúc dụ ngôn. Nước Trời sẽ đến một thời điểm
quyết định: những ai sẵn sàng thì được vào, những ai không sẵn sàng thì phải
đứng bên ngoài cửa.
Theo
phong tục, vào ngày cưới chàng rể đi về nhà cha mẹ cô dâu để rước nàng. Rồi các
trinh nữ rước đôi tân hôn về tận nhà chàng rể và ở đó họ tổ chức lễ cưới và
tiệc cưới. Các trinh nữ phải mang theo đèn và dầu khi phải rước vào ban đêm.
Mục đích của việc mang đèn theo là “đi ra đón chàng rể”. Ngoài bản văn nầy,
nymphios, “chàng rể”, chỉ xuất hiện thêm một lần khác ở 9:15, và ám chỉ Chúa
Giêsu.
Mười cô
trinh nữ được chia làm hai nhóm: năm cô khờ dại tương phản với năm cô khôn
ngoan (c. 3). Cặp “khờ dại” (7:26) và “khôn ngoan” (7:24) gặp lần đầu tiên ở dụ
ngôn xây nhà. Và gần hơn Matthêô nói đến người đầy tớ khôn ngoan (24:45). “Khờ
dại” hay “khôn ngoan”, không quy chiếu về các khả năng trí tuệ, nhưng hệ tại sự
thận trọng và quyết định. Sự khôn ngoan hay khờ dại của các cô trinh nữ như là
một tình trạng; động từ “là” ở thì quá khứ chưa hoàn thành (imperfect). Câu
chuyện trong dụ ngôn nầy là một thí dụ điển hình: các cô khờ dại “không mang
theo dầu”, trong khi các cô khôn ngoan “mang theo dầu” (c. 4).
Chàng rể đến chậm, trái với sự mong đợi của
các trinh nữ; “de”, “nhưng” mang tính cách trái ngược (adversative). Không một
lý do nào đưa ra giải thích sự chậm trễ nầy. Sự chậm trễ của chủ/Chúa cũng được
nói đến trong dụ ngôn trước (24:48). Trong khi chàng rể chưa đến, các cô trinh
nữ đều rơi vào tình trạng như nhau là buồn ngủ và ngủ thiếp đi. Không giống với
dụ ngôn trước, người đầy tớ khôn ngoan là người phải thức tỉnh chờ đợi cho đến
khi chủ về và mở cửa cho chủ. Vậy sự khác biệt giữa các cô trinh nữ là mang
theo dầu cho đèn của mình hay không.
Hành
động khác biệt của các trinh nữ (25:6-9)
Phần thứ hai mở đầu bằng tiếng kêu báo chàng
rể đến lúc nửa đêm (c. 6). Đến “nửa đêm” là đến bất ngờ lúc mà các trinh nữ đều
ngủ say. Điều nầy liên hệ đến câu kết là không ai biết “ngày và giờ” của Chúa
đến (c. 13; x. 24:48.50.51). Bởi việc đến bất ngờ nầy mà sự khôn ngoan và khờ
dại của các trinh nữ sẽ được tỏ lộ.
Lần cuối cùng nhắc đến hành động chung của họ
là tất cả các trinh nữ đều “chỗi dậy và sửa soạn đèn của họ” (c. 7). Hai câu kế
tiếp 8 và 9 là cuộc đối thoại giữa hai nhóm, và nội dung liên quan đến đèn và
dầu của họ. Lúc nầy các động từ chuyển sang thì hiện tại diễn tả hành động đang
diễn ra. Đèn của các trinh nữ khờ dại đang bị tắt, và họ xin các trinh nữ khôn
ngoan dầu bằng một mệnh lệnh “Hãy cho chúng tôi dầu” (c. 8). Đáp lại các trinh
nữ khôn ngoan dùng hai mệnh lệnh: “hãy ra đi” và “hãy mua” (c. 9). Bên sau hình
ảnh đèn ngún tắt của các trinh nữ khờ dại là sách Châm ngôn 13:9; Gióp 18:5.
Số phận khác nhau của các trinh nữ và kết
luận (25:10-13)
Sang
phân đoạn cuối nầy các trinh nữ không còn đi chung một hướng và làm chung một
hành động nữa; họ đã cùng đi ra, exerchomai, đón chàng rể (c. 1.6). Trong câu 10,
động từ “đi” được dùng đến 3 lần để diễn tả những gì xảy ra cho các trinh nữ.
Khi các trinh nữ khờ dại ra đi, aperchomai, chàng rể đến, erchomai, và các
trinh nữ khôn ngoan đi vào, eiserchomai, dự tiệc cưới với chàng rể. Lúc nầy các
trinh nữ khôn ngoan được gọi là những người đã chuẩn bị/sẵn sàng, hetoimos. Từ
nầy được dùng trong dụ ngôn trước khi trong lời kêu gọi phải sẵn sàng vì không
biết giờ nào Con Người sẽ đến (24:44). Vậy “khôn ngoan” có thể hiểu là “sẵn
sàng/đã chuẩn bị” cho ngày giờ Chúa đến. Các trinh nữ khôn ngoan đã chuẩn bị
cho việc chàng rể đến trễ. Hình ảnh “cửa đóng lại” nhấn mạnh sự kiện là người
đứng ngoài không thể vào được hơn là những người đã vào dự tiệc cưới bên trong.
Câu 11
và 12 là cuộc đối thoại giữa chàng rể bên trong cửa và các trinh nữ khờ dại
đứng bên ngoài. Một mẫu tương tự như thế tìm thấy trong Lc 13:25. Sự tương phản
giữa các trinh nữ ở đây vẫn còn: trong khi cửa đóng lại với các trinh nữ khôn
ngoan ở bên trong, còn các trinh nữ đứng bên ngoài thì xin mở cửa, “Hãy mở cửa
cho chúng tôi!”. Họ đã bị từ chối. Chàng rể bây giờ được gọi là “Chúa”. Tiếng
kêu của các trinh nữ khờ dại Kurie, kurie,
“Lạy Chúa, lạy Chúa” lúc nầy là áp dụng cụ thể cho lời Chúa Giêsu đã nói
trước về những người không thực hành ý muốn của Chúa (7:20-23). Những ai không
thực hành ý Thiên Chúa thì không được Thiên Chúa nhận biết. Cũng thế, các trinh
nữ khờ dại bị chàng rể tuyên bố là không biết họ, vì họ đã không quan tâm chuẩn
bị cho mình để có thể đón rước chàng rể bất cứ tình huống nào.
Dụ ngôn
kết thúc bằng một huấn dụ “Vậy hãy tỉnh thức…” (c. 13). Liên từ oun, “vậy”, chỉ
huấn dụ nầy rút ra từ dụ ngôn trên. Động từ grēgoreō, “tỉnh thức”, Matthêô chỉ
dùng trong các dụ ngôn nói về việc Chúa đến vào ngày giờ không ai biết
(24:42.43; 25:13) và trong đoạn Chúa Giêsu và các môn đệ trong vườn Cây Dầu
(26:38.40.41). Trong cả hai trường hợp, “tỉnh thức” có nghĩa là “sẵn sàng”, như
chủ nhà phải chuẩn bị nếu như biết kẻ trộm sẽ đào ngạch vào nhà, hay như các
tông đồ phải sẵn sàng để trợ lực Chúa Giêsu khi Người đang “buồn sầu cho đến
chết” (26:38), và để chống lại cám dỗ mà các ông rất dễ sa vào là bỏ rơi Chúa
(c. 26:41). Vậy “tỉnh thức” có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng những gì cần thiết
cho chính mình để có thể vào dự tiệc Nước Trời khi Chúa đến.
Khi viết
dụ ngôn về các cô trinh nữ, Matthêô nhắm đến những người Kitô hữu. Họ như các
trinh nữ đang cầm đèn đi đón Chúa Kitô. Họ có thể là những người khờ dại và
khôn ngoan. Việc vào Nước Thiên Chúa còn tùy vào mỗi người. Khởi đầu ai cũng
giống nhau, nhưng kết thúc có thể hoàn toàn khác. Sự khôn ngoan đích thực là
chuẩn bị cho mình những điều Thiên Chúa mong muốn để có thể đón tiếp Người.
Mặc dù
Chúa Giêsu vẫn mời gọi kiên trì trong việc cầu nguyện và gõ cửa, “ai gõ cửa sẽ
được mở cho” (7:7), cửa sẽ không mở ra cho những ai đã không sẵn sàng.
Linh mục
Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
Sẵn sàng
Cách đây
1900 năm, núi lửa Vesuve đã phun lên ở Ý. Toàn bộ thành phố Rompei đã bị chôn
vùi dưới lớp phún xuất thạch dày tới 6 mét và giữ nguyên dạng như thế cho đến
nay. Khi các nhà khảo cổ khai quật, mọi người đều ngạc nhiên và sửng sốt. Phún
xuất thạch đã làm đông cứng tất cả trong tư thế đang có khi tai hoạ đổ xuống:
Thân xác con người bị huỷ hoại, nhưng trong khi huỷ hoại, chúng đã để lại những
lỗ trống trên lớp tro cứng. Người ta dùng thạch cao đổ vào những lỗ trống ấy và
khôi phục lại được hình dạng của các nạn nhân. Chẳng hạn một người mẹ đang ôm
chắt đứa con trong vòng tay của mình, một người lính Rôma đang đứng thẳng tại
trạm gác với đầy đủ vũ khí, anh ta đã trung thành với bổn phận cho tới giây
phút cuối cùng. Một người đàn ông tay cầm gươm, chân đạp trên đống vàng, rải
rác chung quanh là năm xác chết, có lẽ là những kẻ định cướp số vàng trên.
Tất cả
những hình ảnh này là một bức tranh sống động làm nổi bật chủ đề của thánh lễ
hôm nay. Đó là ngày tận thế, ngày kết thúc vũ trụ vật chất này, ngày Chúa trở
lại trong vinh quang chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng lại xảy ra một cách bất ngờ,
như tên trộm viếng thăm vào ban đêm, như chàng rể đến muộn khi các cô phù dâu
đã thiếp ngủ. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, để chờ
đón không phải chỉ ngày cuối cùng của vũ trụ, mà còn là ngày cuối cùng của đời
mình, lúc chúng ta phải tính sổ với Chúa.
Vào giây
phút trọng đại ấy, liệu chúng ta có sẵn sàng như những cô trinh nữ khôn ngoan,
hay lại chẳng chuẩn bị gì cả như những cô trinh nữ dại khờ, để rồi sẽ phải nghe
lời phán quyết lạnh lùng: Ta không biết các ngươi. Tất cả những ý nghĩ trên
không phải là những điều chúng ta nghe qua rồi để ngoài tai, hay mặc cho nó
chìm vào quên lãng. Trái lại phải trở nên như một tiếng chuông cảnh tỉnh Chúa
gởi đến với mỗi người chúng ta, để thôi thúc và lôi kéo chúng ta ra khỏi một
cuộc sống tội lỗi. Chúng ta là những người thật may mắn và diễm phúc, bởi vì
Chúa còn dành cho chúng ta một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là
lâu hay mau, sáu bảy chục năm hay chỉ đôi ba ngày, chúng ta không được biết,
nhưng khoảng thời gian này cũng đủ để chúng ta ăn năn sám hối, thay đổi nếp
sống, làm lại cuộc và sắm sẵn cho mình những hành trang cần thiết, để bất kỳ
lúc nào Chúa gõ cửa viếng thăm thì chúng ta luôn sẵn sàng thưa lên với Ngài:
Lạy Chúa, này con xin đến.
Vừa mang đèn, vừa mang
dầu
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Chẳng ai
nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết. Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật
của mình. Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Điện Biên Phủ, nhắc cho ta về sự
bất ngờ của cái chết. Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ, lúc 3 giờ sáng
ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật. Chín người chết vì không thể ra khỏi căn
nhà bốc cháy.
Đoạn Tin
Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ, như chú rể đến lúc nửa đêm. Chúng
ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan, hân hoan ra đón chú rể, tay cầm
đèn thắp sáng.
Thật ra
năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự. Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.
Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn. Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu
giữa đêm khuya. Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới. Nhưng muộn
quá!
"Tôi
bảo thật các cô, tôi không biết các cô!"
Chẳng
nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm, khiến đèn của mình hết dầu. Chẳng nên trách móc
các cô khôn ngoan, vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm
khuya. Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng, không mang dầu dự trữ.
Có đèn.
Không đủ! Đèn cần phải sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ. Như thế cũng có nghĩa
là phải luôn luôn sáng.
Mang
danh là Kitô hữu. Không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!
Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Đòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Trong
Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại, có những người đèn đã hết dầu từ
lâu...
Cần chăm
chút cho ngọn đèn đời mình.
Cần nuôi
dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung, của niềm hy vọng vững vàng, của
niềm tin sắt đá.
Cần châm
thêm dầu mỗi ngày...
Hãy tỉnh
thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Tỉnh
thức không phải là không ngủ... Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.
Tỉnh
thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối mình
suốt ngày.
Chẳng ai
biết lúc nào tận thế. Chẳng ai biết giờ chết của mình. Chẳng ai biết hôm nay
Chúa hẹn mình ở đâu, trong biến cố nào, nơi con người nào. Chính vì thế phải
tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.
Người ta
biết mình bắt đầu tỉnh thức, khi nhận ra mình đã mê muội.
Gợi Ý
Chia Sẻ
Nạn ma
tuý đã đi vào trường học và tác hại trên người trẻ. Theo ý bạn, phải làm gì để
ngăn chặn?
Nếu định
nghĩa ma tuý là tất cả những chất gây nghiện, khiến con người có nhu cầu hưởng
thụ ngày càng cao, không thể cưỡng lại được, thì theo ý bạn, đâu là những thứ
ma tuý hiện nay đang mê hoặc giới trẻ? (rượu, cờ bạc, bạo lực, tình dục...)
Cầu
Nguyện
Lạy Chúa
Giêsu,
nếu ngày
mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới
này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của
Chúa.
Chúa đâu
muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho
chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi
người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi
dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả
những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Trinh nữ khôn ngoan
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Đám cưới
là một sinh hoạt bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh hoạt bình
thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này,
Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn
là trinh nữ. Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước
Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến
muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta
mấy chân lý về Nước Trời.
Hạnh
phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa
được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được
ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con
người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với
Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương,
linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.
Con
người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý.
Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần
dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải
vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.
Mọi
người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho
ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh
phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể.
Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả
mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.
Nhưng ai
có đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi
rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị
loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa
nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm
cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới
nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo
dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có
đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo.
Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.
Các con
Thiếu Nhi Thánh Thể thân mến,
Thánh Thể
vốn là một bữa tiệc Chúa Giêsu mời gọi ta vào dự. Được dự tiệc Thánh Thể là
được đồng bàn với Chúa. Thánh Thể là bữa tiệc hạnh phúc vì trong Thánh Thể Chúa
yêu thương hiến mình cho ta. Thánh Thể là bữa tiệc đem lại sự sống đời đời.
Thánh Thể là bữa tiệc cưới trong đời ta được kết hiệp nên một với Chúa. Thật
hạnh phúc cho ta.
Vì yêu
thương, nên Chúa Giêsu cũng đã từ trời xuống thế tìm ta. Để được con người Chúa
đã phải trải qua biết bao vất vả khó nhọc. Nhất là phải chịu nhục nhã và chịu
chết nữa. Hôm nay Chúa vẫn ở trong nhà chầu chờ đợi ta.
Trong
nhà thờ luôn có ngọn đèn chầu. Khi không có ai thờ phượng Chúa, thì có ngọn đèn
chầu lúc nào cũng thắp sáng để thờ phượng Chúa. Thiếu Nhi Thánh Thể nguyện là
những ngọn đèn chầu ơ bên cạnh Chúa. Mỗi khi các con đến viếng Chúa Giêsu Thánh
Thể, các con trở nên những ngọn đèn chầu. Càng có nhiều ngọn đèn chầu và những
ngọn đèn chầu càng sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.
Ngọn đèn
chầu của các con được sáng lâu và sáng mạnh là nhờ các con sống bí tích Thánh
Thể. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống để tuân theo thánh ý Đức Chúa Cha, Thiếu Nhi
Thánh Thể hãy luôn yêu mến và làm theo ý Chúa. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống vì
tha nhân. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết yêu mến mọi người. Như Chúa Giêsu đã quỳ
xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết khiêm tốn phục vụ
mọi người. Như Chúa Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng mọi người. Thiếu Nhi
Thánh Thể hãy biết chia sẻ cơm áo với những người nghèo, viếng thăm an ủi những
người buồn khổ. Thực hành bí tích Thánh Thể là chất dầu giữ cho ngọn đèn tâm
hồn các con luôn cháy sáng. Với ngọn đèn cháy sáng trên tay, các con sẽ an ủi
Chúa Giêsu Thánh Thể và khi Chúa đến, các con sẽ cầm đèn cháy sáng cùng Chúa
vào tham dự hạnh phúc Nước Trời.
GỢI Ý
CHIA SẺ
1- Dụ
ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?
2- Bạn
chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?
3- Chúa
đến bất ngờ. Điều này dạy ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa.
Để tránh việc “quá trễ”
Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương
Thực Ngày Chúa Nhật’)
Dụ ngôn
mười người trinh nữ mặc dầu rất phổ biến cũng là một trong những dụ ngôn khơi
dậy nhiều biện giải thông thái nhất. Ở đây chúng ta giới hạn vào cách giải
thích và vào một trong những suy tư rút từ truyền thống sống động của Giáo hội.
Có phải Chúa dùng một việc thông thường làm căn bản cho dụ ngôn của Ngài hay
không, một lễ cưới người ta có thể thấy luôn? Đúng, nhưng Ngài sắp đặt lại theo
cách riêng để làm nổi bật điểm chính xác trong giáo huấn của Ngài: Mọi chi tiết
trong dụ ngôn không tương ứng hẳn với cách cử hành các lễ người ta có thể thấy
được, nhưng chúng được xếp đặt sao cho nổi bật sự cần thiết phải sẵn sàng để
gặp gỡ Thiên Chúa. Bổn phận phải sẵn sàng có ý nghĩa gì và hậu quả ra sao?
1) Sẵn
sàng có nghĩa là đã chuẩn bị đầy đủ. Nên lưu ý dụ ngôn không trách các cô đã
ngủ, nhưng trách các cô đã không dự trù số dầu cho đủ. Các cô đã không chuẩn bị
kỹ để ứng phó với tình thế. Áp dụng cho cuộc sống Kitô hữu, có thể nói việc chờ
đợi Thiên Chúa (trong các ân huệ hàng ngày, hay khi Ngài đến ngày lâm tử) không
đi đôi với sự chểnh mảng, nửa vời, đãng trí. Thiên Chúa luôn nhập bất thần vào
cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi chúng ta phải giữ lòng ngay luôn sẵn sàng tiếp
đón Ngài. Người ta sẽ thiệt hại rất nhiều nếu thiếp ngủ quên đi 1 thiếu sót về
bác ái, một lầm lỗi của lương tâm, một khiếm khuyết trung thành. Cụ thể điều
này kêu gọi chúng ta hãy sống mỗi giây phút cuộc đời với quyết tâm hết sức chu
toàn tất cả bổn phận.
2) Sẵn
sàng có nghĩa là lãnh trách nhiệm lo toan chứ không cậy dựa vào kẻ khác. Các cô
khờ dại chắc có lẽ đã nghĩ, nếu thiếu dầu sẽ nhờ bạn các giúp. Trên bình diện
Giáo hội, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, vì tình liên đới nối kết chúng ta.
Nhưng có một mức độ cá nhân ở đó chúng ta là những kẻ duy nhất mang trách nhiệm
về mình. Không ai có thể sớt cho chúng ta đức tin, đức cậy và đức mến mà chúng
ta đã lơ là như các cô khôn ngoan ở vào hoàn cảnh không thể chia số dầu đem
theo, không ai ở trong Giáo hội có thể san sẻ tương quan cá nhân riêng với
Thiên Chúa. Sự trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa có thể được nâng đỡ
nhiều trong việc các thánh thông công, nhưng các thánh không thể bổ khuyết
trách nhiệm riêng của chúng ta.
3) Hậu
quả những cố gắng trung thành của chúng ta rất lớn lao. Câu kết luận dụ ngôn
thật đáng sợ: thật Ta nói cho các ngươi hay, Ta không biết các ngươi. Người ta
vui mừng vì các trinh nữ sẵn sàng được vào phòng tiệc bao nhiêu, người ta lại
sợ vì các cô đến chậm bị loại bấy nhiêu. Như thế có một cái “quá trễ” đè nặng
trên định mệnh nhân loại. Nó nằm ở chỗ nào? Đây là một mầu nhiệm bất khả thấu.
Chúng ta biết lòng nhân lành Chúa khôn cùng và dung thứ tự do nhân loại đến
những giai đoạn cuối tận, nhưng có một lúc mọi sự đều chấm dứt. Chuẩn bị cho
giờ phút mà chúng ta không biết, chúng ta cần sắp đặt sẵn sàng để đón tiếp
Thiên Chúa tức thời, nếu Ngài đến tức thời và để chờ đợi Ngài nếu Ngài để chúng
ta chờ đợi. Thiên Chúa đóng cửa không nhận con người sau những thiếu sót có
hiểu biết và cố ý nào, chúng ta không cần phải tưởng tượng ra. Nhưng sự thực
phải khiến chúng ta suy nghĩ. Điều ấy có thực.
Hãy giữ đôi mắt của các
bạn luôn mở rộng.
(Trích trong ‘Mở Ra
Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chúa
Giêsu rất thích những đám cưới, Người đã thực hiện phép lạ đầu tiên ở Cana,
Người đã vui thích ám chỉ đến những bữa tiệc đám cưới như biểu hiệu của thiên
đàng. Một trong những biếm hoạ về đám cưới thế tục là cô dâu đã đến trễ và để
cho mọi người phải chờ đợi cô ta tại nhà thờ, nhưng trong dụ ngôn của Chúa
Giêsu, chú rể là người đến trễ. Có một số điều buồn cười trong việc này, khi
chúng ta thấy chú rể được giới thiệu đây chính là Chúa Giêsu. Chú rể đã đến trễ
làm cho một nửa số cô phù dâu làm hết dầu của họ và chìm vào giấc ngủ. Chúng ta
không biết họ suy nghĩ những gì, nhưng có vẻ là họ đã mất hết kiên nhẫn đối với
chú rể, họ là những kẻ ngu đần. Những cô phù dâu khác thì không chỉ tỉnh thức
mà họ còn mang theo đủ dầu cung cấp cho họ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng họ
sẵn lòng chờ đợi chú rể bao lâu như chú rể muốn, họ là người khôn ngoan.
Bài Phúc
Âm này giống như bao dụ ngôn khác là một bài Phúc Âm phức tạp trong chính ý
nghĩa của nó. Khi chúng ta tiến gần tới cuối năm phụng vụ, sẽ kết thúc trong
hai tuần tới, giải thích theo phụng vụ thì bài Phúc Âm là tận cùng của thời
gian khi Đức Kitô sẽ đến một lần nữa trong vinh quang. Ngày đó không ai biết.
Mọi thế hệ khôn ngoan của Kitô giáo, thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu
thành Thessalonica, đã giới thiệu một sự chờ đợi cuộc trở lại của Chúa Giêsu
cách kiên nhẫn. Chính chúng ta trong mọi Thánh Lễ tuyên xưng sau kinh Lạy Cha
rằng, chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng “việc đến của Đấng cứu độ
chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.
Ngay
trước khi rước lễ chúng ta nghe vị linh mục tuyên bố: “Phúc cho những ai được
gọi đến dự tiệc bữa tối với Người”. Điều này không phải ám chỉ tới bữa tiệc ly
trong quá khứ nhưng là bữa tiệc trên trời trong tương lai. Trích dẫn này được
lấy trong sách Khải huyền đoạn 19 câu 9. Thánh Gioan trong một thị kiến đã thấy
một đám cưới cao cả trên thiên đàng. Một thiên thần đã nói với ngài: “Hãy viết
những điều này: phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Hãy
chờ đợi cách kiên nhẫn bữa tối này, đó là sự khôn ngoan. Chúng ta được gọi là
những người khôn ngoan trong khi chờ đợi việc ngự đến của Chúa. Bởi vì sự tận
cùng của thời gian không còn bao xa. Có lẽ là đúng, có lẽ là không. Nếu Người
không đến sớm, Thiên Chúa sẽ đến trong giờ chết của chúng ta. Đó là một khoảnh
khắc nhìn hướng về phía trước với một niềm hy vọng vui mừng. Từ quan điểm của
một con người và là điều khó để theo, tự nhiên chúng ta sợ sự chết và bám lấy
cái sống và không giống như những cô phù dâu, chúng ta không vội vàng trong
việc đợi chờ Chúa đến. “Thiên đàng có thể chờ đợi”, đó có thể là tâm tình của
chúng ta. Chúng ta hãy chú ý tới điểm này của Phúc Âm đó là: chờ đợi, tỉnh thức
sẵn sàng gặp Chúa khi nào Ngài đến.
Giáo Hội
trong sách phụng vụ các giờ kinh đã khẩn nài chúng ta hãy sửa soạn cho cái chết
vào mỗi đêm trước khi chúng ta đi ngủ. Và ngủ là một biểu tượng của sự chết.
Như khi chúng ta đi ngủ, Giáo Hội đề nghị rằng chúng ta nên có tâm tình Chúa
Giêsu khi Người sắp chết: “Lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Sự hiệp
lễ là một sửa soạn cho sự chết. Một người Công Giáo khi sắp chết được chuẩn bị
và hướng dẫn để lãnh nhận sự rước lễ như “của ăn đàng”, là thực phẩm cho một
hành trình từ đời này đến đời sau. Ngay cả khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể qua
việc hiệp lễ trong Thánh Lễ chúng ta hãy để tâm nghĩ đến sự chết, nhưng luôn
luôn tin vào sự sống lại từ cõi chết của chúng ta. Khi đứng để lãnh nhận Thánh
Thể đó là một dấu hiệu của đức tin. Hành vi đạo đức đó là “hãy giữ đôi mắt các
bạn mở rộng vì các bạn không biết ngày nào, giờ nào”.
Sống ngày cuối đời
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Mới đây,
tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1200 người tại 20 thành
phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt ra là: “Nếu bạn chỉ còn
một ngày cuối cùng để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy:
* 57%
phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 42%
các ông được hỏi cho biết họ cũng muốn sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 32%
các ông các bà đều muốn được sống với gia đình mình trong những giờ phúc cuối
đời.
* chỉ có
12% các bà và 26% các ông thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè trong ngày cuối
cùng của cuộc sống.
Thưa anh
chị em, những con số trên đây có lẽ không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ
của tất cả mọi người. Tuy nhiên, xuyên qua kết quả của cuộc thăm dò này, chúng
ta cũng có thể đọc được một tâm trạng chung của con người khi đứng trước cái
chết; đó là nỗi sợ cô đơn. Cái chết là một cuộc ra đi đơn độc, một chia lìa
vĩnh viễn, nhất là với những người thân yêu của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây
được đặt cho chúng ta trong giờ phút này, chúng ta sẽ làm gì?
Có lẽ
chúng ta còn nhớ câu chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn
bị chết:
Giữa một
đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: “Nếu ngay bây giờ chúng con
biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?”. Một số em bé trả lời: “Con sẽ vào
nhà thờ cầu nguyện”. Một số em khác cho biết: “Con sẽ đi xưng tội để dọn mình
chết lành…”. Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con có
chết, thì giờ này con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Đó là câu trả lời của thánh trẻ
Luy Gonzaga. Và câu trả lời đó đã làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu
giải trí lành mạnh là một bổn phận trong lúc này, thì việc thánh hóa trước tiên
phải nằm trong bổn phận hằng ngày: giờ nào việc nấy.
Nếu
chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ
Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng phút giây…
thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ thân tình này. Người luôn trung
thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại sẽ không phải sợ hãi trong cuộc
gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Vì thế,
thưa anh chị em, qua câu chuyện dụ ngôn 10 cô phù dâu đi đón chàng rể trong Tin
Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng cho
ngày giờ Chúa đến. Vì ngày giờ Chúa đến sẽ bất ngờ, không được báo trước. Dụ
ngôn cho thấy có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Có nhiều người bị trách là
“khôn nhà dại chợ”. “Khôn” những chuyện vặt vãnh mà lại “khờ” những chuyện
trọng đại. “Khôn” những chuyện nhất thời hôm nay để rồi “dại” những chuyện ngàn
đời mai sau. Có lẽ 5 cô khờ dại này đến giờ chót mới khôn ra (khôn đột xuất) và
chạy đi mua “khôn”thì không kịp nữa rồi! Vì thế, chúng ta phải biết khôn ngay
đi! Tin Mừng hôm nay đã cảnh giác chúng ta tỏ tường rồi đấy!
Bài học
về sự khôn ngoan đã được Chúa Giêsu nói đến trong ví dụ về người khôn xây nhà
trên nền đá (Mt 7, 24). Đó là người “nghe và thi hành Lời Chúa”. Khôn là chuẩn
bị sống ngày hôm nay không gì khác hơn là “nghe và thi hành Lời Chúa”. Trung
thành sống điều này là ta đã xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc để có thể
đứng vững trong đêm tối âm u hay trong mưa sa bão táp. Ngược lại, không thi
hành Lời Chúa, ta sẽ bị coi là kẻ khờ dại, vì đã xây nhà đời mình trên nền cát…
Năm cô
khờ dại đã uổng công đi đón và mòn mỏi đợi chờ để rồi cứ phải ở bên ngoài phòng
tiệc cưới. Vì thế, nghe và thi hành Lời Chúa là một thái độ sống khôn ngoan để
dù thức hay ngủ, ta vẫn ở trong tư thế sẵn sàng. Việc Chúa đến sẽ không còn là
chuyện bất ngờ nữa mà là một cuộc hẹn hò gặp gỡ đầy ý nghĩa đã được chờ đợi.
Đừng
chậm trễ nữa, thưa anh em chị em, vì cửa Nước Trời chỉ mở ra cho những người
hôm nay sẵn sàng dự tiệc, cho những người hôm nay mang canh cánh bên lòng nỗi
ưu tư thi hành ý muốn của Chúa, chứ không dành cho những kẻ chỉ biết nói: “Lạy
Chúa, lạy Chúa” ngoài môi miệng, để rồi phải nghe trả lời: “Ta không biết các
ngươi!” câu trả lời này cũng là lời phán quyết của Thẩm Phán tối cao trong ngày
phát xét cuối cùng.
Anh chị
em thân mến, hôm nay vẫn còn thời giờ để chúng ta “khôn”, vẫn còn thời giờ để
chúng ta đổ đầy dầu vào bình mà mang theo, vẫn còn thời giờ để xây dựng đời
mình trên nền tảng thực thi Lời Chúa và Chàng Rể cũng đang đến loan báo niềm
vui hội ngộ. Hãy sẵn sàng ra đón, để cùng Tân Lang vào dự tiệc Nước Trời hưởng
niềm vui vô tận.
Đối với
những ai đã sẵn sàng, đèn Tin-Yêu thắp sáng trong tay, họ sẽ được sung sướng
gặp mặt Chúa: Thánh nữ Têrêxa Avila mấp máy nói lên với Chúa trước khi tắt thở:
“Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”. Trong khi chị Thánh Têrêsa
Giêsu Hài Đồng âu yếm thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, đôi mắt xuất thần
nhìn thẳng vào một điểm trên pho tượng Đức Mẹ, nét mặt tươi tắn, rồi nhắm mắt
lại, ra đi nhẹ nhàng. Đồng hồ chỉ 7 giờ 20 phút, tối ngày 30 tháng 9 năm 1897.
Hai
người trinh nữ khôn ngoan đã cầm đèn thắp sáng Tin Yêu ra đón Chúa và đã được
gặp gỡ “Người Tình Lang” muôn thuở của mình.
Lạy Chúa
Giêsu,
nếu ngày
mai Chúa đến,
chắc
chúng con sẽ vô cùng lúng túng…
Xin nuôi
dưỡng nơi chúng con
niềm tin
vững vàng
và niềm
hy vọng nóng cháy
để tất
cả những gì chúng con làm
đều nhằm
chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
“Ta
không biết các ngươi”
Bữa tiệc
cưới kỳ lạ khởi đầu tốt đẹp: có đến mười cô phù dâu! Chúng ta nghĩ đến những
chiếc áo dài đẹp và những nụ cười, chú rể hơi vụng về, cô dâu xinh xắn.
Có điều
này phá tan sự thơ mộng: năm trong số mười cô này bị coi là “khờ dại”. Người ta
chú ý đến họ và vạch ra sự thiếu lương tri của họ. Đặt ra những câu hỏi về năm
cô “khôn ngoan” từ chối chia sẻ dầu trong đèn của họ là điều vô ích vì đây
không phải là vấn đề. Một dự ngôn vạch ra đường lối của mình mà không quan tâm
tới những yếu tố không phù hợp.
Cho nên
chúng ta hãy thử đi thẳng vào bài học về dầu bị thiếu. Sự thiếu sót nào có nguy
cơ làm cho chúng ta trở thành nhữngkẻ khờ dại?
Người
khờ dại trong dụ ngôn chính là người Kitô hữu đã lên đường nhưng không chuẩn
bị. Người đó tức khắc rơi vào trong một cuộc sống tầm thường, ít có tính cách
Tin Mừng. Năm cô khờ dại biểu thị cho những kẻ ít can đảm, những kẻ bị tước vũ
khí do sự chờ đợi và thời gian. Họ có nguy cơ bị giật mình khi nghe la lên:
“Đây là chàng rể, đây là sự gặp gỡ Chúa!”
Tuy
nhiên chúng ta nghĩ đến sự gặp gỡ cuối cùng. Chúng ta biết rằng để thành công
thì phải gặp được Chúa Giêsu ở dưới thế gian này, trong Kinh nguyện, Thánh thể,
Tin Mừng, bí tích người anh em (Mt 25,40). Nhưng tất cả những điều này phải trả
giá và chúng ta làm chậm kỳ hạn: “Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu”. Chúng ta làm như
thể mình là chủ thời gian vậy!
Thậm chí
khi đang tĩnh tâm, dưới cú sốc của một biến cố hoặc một chứng cứ gây xáo trộn,
chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta cũng không nghe được lời van xin
lo lắng của Ngài, bởi vì Ngài biết rõ chúng ta: “Các con hãy luôn luôn tỉnh
thức, vì các con không biết ngày nào giờ nào”.
Do đó
phải nghĩ đến giờ phút này mà thôi hay sao? Không, sẵn sàng để nghe tiếng gọi
này, chính là sống hết mình điều mà chúng ta đang sống. “Linh đạo hiện tại”, có
nghĩa là sử dụng tốt cuộc sống hằng ngày, trở nên những ứng viên tốt nhất để
gặp gỡ Chúa. Ý nghĩa có tính cách Tin Mừng của thời gian là: hôm nay phải chuẩn
bị dầu cho ngày mai, đồng thời phải luôn luôn can đảm để sống Tin Mừng vào bất
cứ lúc nào trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Nếu
không, sẽ phải đi đến cùng những bữa tiệc cưới buồn này, sẽ phải đứng ngoài cửa
phòng tiệc và nghe những lời nặng nề hơn nữa, xoá tan mọi niềm hy vọng: “Ta
không biết các ngươi”. Vào ngày tận thế Chúa Giêsu sẽ chỉ công nhận “những
người của Ngài”, tức những kẻ đã cố gắng làm ánh sáng Tin Mừng không biết mệt
mỏi bằng cách không ngừng dự trữ dầu.
Nếu câu
nói dễ sợ “Ta không biết các ngươi” đập vào chúng ta như Chúa Giêsu muốn, chúng
ta hãy suy niệm về hai cách xử sự: những cô khôn ngoan, những cô khờ dại. Còn
chúng ta, cái đèn chúng ta ở đâu?
Mười người trinh nữ
(Trích trong ‘Sống Tin
Mừng’ - Radio Veritas Asia)
Tháng
mười một là tháng dành riêng cho các linh hồn, nên chúng ta dừng lại để suy
nghĩ một vài tư tưởng về cái chết. Chắc hẳn Chúa không muốn cho cuộc đời chúng
ta chìm đắm trong một màu tang tóc và từng giây từng phút luôn nơm nớp lo sợ,
nhưng Chúa muốn chúng ta sẵn sàng và nhìn vào cái chết với đôi mắt lạc quan tin
tưởng và hy vọng.
Cái chết
sẽ dạy cho chúng ta biết cuộc đời này tuy ngắn ngủi và chóng qua nhưng lại là
một kho tàng quí giá, bởi vì nhờ nó chúng ta có thể chiếm được Nước Trời, và
một khi nó đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Bởi đó chúng ta hãy biết lợi
dụng những năm tháng hiện tại để chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết,
hầu sẵn sàng lên đường dấn thân vào một cuộc hành trình cô đơn và bi thảm nhất,
đó là cái chết.
Thật là
hạnh phúc và tốt đẹp nếu ta có được một linh hồn luôn chuẩn bị và sẵn sàng,
nhưng cũng thật bẽ bàng và cay đắng nếu ta chết đi trong tình trạng tội lỗi và
thù nghịch cùng Chúa. Lúc đó ta sẽ mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lời, cả đời
này lẫn đời sau, cả thân xác lẫn linh hồn.
Trên bia
mộ của những người thời xưa người ta thường thấy những chữ tuyệt vời trên đó:
"Người này đã nghỉ yêu trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa". Hãy
khử trừ tội lỗi và hãy thực thi bác ái yêu thương để dù Chúa có đến vào ngày
chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết, chúng ta vẫn sẵn sàng và vui
mừng kêu lên: "Lạy Chúa, này con xin đến". Thế nhưng chúng ta đã
chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng này chưa?
Trong
cơn hấp hối người ta hỏi thánh nữ Magarita:
- Có cần
gì nữa chăng?
Thánh nữ
trả lời:
- Không,
tôi đã sẵn sàng.
Nếu như
đêm nay chúng ta phải đến trước tôn nhan Chúa, nếu như chút nữa đây Chúa gọi
chúng ta, liệu chúng ta đã thu xếp xong mọi công việc hay chưa? Liệu chúng ta
đã trả hết món nợ đối với Chúa và đối với anh chị em hay chưa? Liệu chúng ta đã
tẩy xóa hết tội lỗi trong tâm hồn qua Bí Tích Giải Tội hay chưa? Nếu chúng ta
biết chuẩn bị ngay từ bây giờ, nếu như mỗi khi chiều xuống chúng ta ngồi hồi
tâm xét mình và chúng ta chỉ ngủ yên khi tâm hồn mình đã gội rửa tẩy sạch qua
tâm tình sám hối ăn năn. Nếu chúng ta luôn giữ được tấm áo trắng trong ngày
lãnh nhận Phép Rửa Tội, nếu ngọn nến đức tin vẫn còn cháy sáng trong cuộc đời,
thì quả thật chúng ta là người có phúc và cái chết không còn là một giây phút
kinh hoàng và khiếp hãi nữa.
Cuộc đời
là một chuyến viễn du trong đêm tối, nhưng bên kia là bình minh ló hiện. Cuộc
đời chúng ta là một hành trình trên mặt biển đầy sóng, nhưng bên kia là bến bờ
hạnh phúc, ở đó Thiên Chúa đang mở rộng vòng tay để chờ đón chúng ta. Nếu bây
giờ chúng ta đã chuẩn bị và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan, thì khi
Chúa đến chúng ta sẽ không chết nhưng thực sự bắt đầu sống, vì bấy giờ chúng ta
được sinh ra cho cuộc sống mới, cuộc sống muôn đời.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con biết khử trừ tội lỗi trong tâm hồn và chất đầy trên đôi
tay nhỏ bé những công việc sáng chói là những hành động bác ái yêu thương, để
khi Chúa đến chúng con sẽ được Chúa đón nhận vào bàn tiệc Nước Trời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét