Thứ Sáu sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 12-20
"Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.
Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15
Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành! - Ðáp.
2) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.
3) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 8, 1-3
"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sự Bình Ðẳng Của Phụ Nữ
Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".
Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 24 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: I Cor 15:12-20; Lk 8:1-3.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm việc cho một mục đích
Tất cả các hành động có suy nghĩ của con người đều được làm cho một mục đích, ví dụ: học sinh đến trường để trau dồi kiến thức và để chuẩn bị kiếm việc làm mai sau. Tòan bộ cuộc sống của con người cũng thế, họ sống và hành động cho một mục đích. Đối với các tín hữu, mục đích của cuộc đời chính là sự sống lại đời sau. Thánh Phaolô nhấn mạnh mục đích này trong Bài đọc I. Nhóm Mười Hai và một số phụ nữ đi theo Chúa để giúp phần vào việc rao giảng Tin Mừng: nhóm Mười Hai trực tiếp rao giảng trong khi nhóm phụ nữ dùng của cải để giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin Phục Sinh
Có những người không tin chuyện kẻ chết sống lại trong cộng đòan tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô nhắc nhở những người này trọng tâm của Tin Mừng mà ngài rao giảng là sự sống lại. Nếu Chúa Kitô không sống lại thì kẻ chết cũng không sống lại; và nếu kẻ chết không sống lại thì sẽ chẳng có cuộc sống đời sau. Nếu không có cuộc sống đời sau thì các tín hữu cần gì phải tin vào Thiên Chúa và giữ vác lời dạy dỗ của Ngài. Họ cứ việc sống như những Dân Ngọai: ăn uống thả cửa và hưởng thụ tối đa những gì thế gian dâng tặng.
Nhưng Chúa Kitô thực đã Phục Sinh. Thánh Phaolô tuy không được chứng kiến tận mắt “ngôi mộ trống,” hay những lần Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một sau khi Ngài sống lại; nhưng Ngài đã thấy tận mắt Chúa Kitô Phục Sinh khi ngã ngựa trên đường đi Damascus, đã nghe lời cảnh giác “khốn cho ngươi nếu cứ đưa chân đạp mũi nhọn,” và sứ vụ được chính Chúa trao ban làm Tông Đồ Dân Ngọai. Chính biến cố này đã làm thay đổi cả cuộc đời của ngài và là lý do tại sao ngài hăng say hy sinh tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng.
Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của Phaolô và các tín hữu không có nền tảng và phải chịu nhiều hâu quả quan trọng. Hậu quả đầu tiên là con người vẫn còn sống trong tội lỗi của mình: Chúa chết là chết cho tội lỗi con người; nếu Chúa không sống lại thì sự chết vẫn còn thống trị con người. Hậu quả thứ hai là hy vọng của con người vào cuộc sống mai sau là hy vọng hão huyền và không có nền tảng. Hậu quả thứ ba là các tín hữu sẽ là những người dại dột so với Dân Ngọai; tại sao lại phải hy sinh giữ luật Chúa mà không tận hưởng tất cả những thú vui của thế gian dâng tặng nếu chỉ có cuộc sống đời này và chết là hết?
Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, Ngài mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
2/ Phúc Âm: Loan báo Tin Mừng là bổn phận của nhiều người.
Chúa Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài không đơn thân rao giảng, nhưng có hai nhóm cùng đi rao giảng với Ngài.
* Nhóm Mười Hai: là những người môn đệ thân tín và nòng cốt cho sứ vụ rao giảng. Các ông đi theo Chúa để học hỏi, để được Chúa huấn luyện, và để được Chúa sai đi. Các ông cũng sẽ tiếp tục làm những gì Chúa đang làm: chọn các môn đệ để dạy dỗ, để huấn luyện, và để sai đi.
* Nhóm phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh: Đó là (1) Bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (2) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, (3) bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai có khả năng để vừa rao giảng Tin Mừng vừa làm lụng nuôi thân; nhưng nếu làm như thế, họ sẽ còn rất ít thời giờ cho việc rao giảng. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn cho mọi người đều góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng.
Mỗi người đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng tùy theo khả năng của mình: Có người tận hiến cả cuộc đời để học hỏi và rao giảng Tin Mừng như nhóm Mười Hai. Có người tuy sống trong ơn gọi gia đình, nhưng vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng bằng cách giúp đỡ những người rao giảng về phương diện vật chất như nhóm phụ nữ đi theo Chúa hôm nay. Họ muốn Chúa Giêsu và các Tông Đồ có sức khỏe và thời gian để rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trọng tâm của Tin Mừng và mục đích của cuộc đời là sự sống đời sau. Nếu Chúa Kitô đã chết và đã sống lại thì con người hy vọng sẽ cùng được sống lại để chung hưởng hạnh phúc với với Ngài. Mục đích này phải là lý do của mọi hành động của con người.
- Mỗi người đều có bổn phận đóng góp cho việc truyền giảng Tin Mừng theo khả năng Chúa ban cho. Trong thực tế, nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đã chân thành giúp đỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ vì họ muốn các ngài có sứ khỏe để làm việc cho Chúa. Nhiều nhà chuyên môn đã giúp các cha và các giáo xứ tài năng và thời giờ trong việc điều hành giáo xứ. Sau cùng, có rất nhiều các phụ nữ đã góp công của trong việc dọn dẹp, nấu ăn, và cung cấp những phương tiệc cần thiết cho những người rao giảng. Họ cũng là những người cung cấp cho Giáo Hội những nhà rao giảng qua việc sinh và nuôi dưỡng con cái. Tất cả đều mong cho Tin Mừng ngày càng lan rộng; và nếu họ đã đón tiếp những người rao giảng, họ hy vọng cũng sẽ được chung phần với phần thưởng Chúa ban cho những người rao giảng Tin Mừng cả đời này và đời sau như Chúa đã hứa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 24
Lc 8,1-3
A. Hạt giống...
Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng :
- Nhóm 12
- Các phụ nữ : trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu đang rảo khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.
Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo v.v.
2. Chúa muốn chia sẻ sứ mạng loan Tin Mừng cho hết mọi người, trong đó có cả phụ nữ là hạng bị thời đó coi khinh, trong đó có cả tôi.
3. Nam và nữ, mỗi phái đều có những sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng xã hội và Giáo Hội. Sự phong phú đặc biệt của phái nữ là tình yêu, sự dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung….
4. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về việc Chúa dựng nên Ađam Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Ađam. Rồi một cô bé tiếp : “Chúa dựng nên Ađam xong, Ngài đứng ngắm và phán : ‘Ta sẽ làm đẹp hơn’, và Ngài dựng nên Evà.”
5. “Cùng đi với Chúa Giêsu, có mấy người phụ nữ là các bà Maria Mác-đa-la người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioan-na, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,2-3)
Thế giới này không chỉ được xây dựng bởi phái nam mà có cả bàn tay của phái nữ nữa. Dù là nam hay nữ, tôi cũng được Thiên Chúa tạo nên và cho vinh dự góp phần làm nên hạnh phúc của mình. Tôi phải là cánh tay nối dài của Chúa, đem Lời Chúa thấm nhuần mọi lãnh vực. Không chỉ là người nam mới làm nên chuyện, mà người nữ hôm nay cũng đã có mặt trong hầu hết mọi lãnh vực xã hội.
Ước gì các chị em biết phát huy cá tính, biết lấy sự êm ái dịu dàng để xây dựng bình an, biết tha thứ để tạo nên an hòa, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, biết sống âm thầm thanh đạm để cứu vớt bao linh hồn. Hãy tô đẹp cuộc đời bằng vẻ đẹp dịu hiền và làm vẻ vang cho thiên chức làm mẹ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian này. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét