VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 31 TN A
Tin Mừng thánh Mátthêu 23,1-12
Tin Mừng
1 Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân
chúng và các môn đệ Người rằng:2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi
trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm,
hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4
Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không
buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ
đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất
trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi
ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để
ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em
đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh
em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi
mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên,
sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
1Then Jesus spoke to the crowds
and to his disciples,2 saying, "The scribes and the Pharisees have taken
their seat on the chair of Moses.
3 Therefore, do and observe all
things whatsoever they tell you, but do not follow their example. For they
preach but they do not practice.
4 They tie up heavy burdens
(hard to carry) and lay them on people's shoulders, but they will not lift a
finger to move them.
5 All their works are performed
to be seen. They widen their phylacteries and lengthen their tassels.
6 They love places of honor at banquets, seats
of honor in synagogues,7 greetings in marketplaces, and the salutation
'Rabbi.'8 As for you, do not be called
'Rabbi.' You have but one teacher, and you are all brothers.
9 Call no one on earth your
father; you have but one Father in heaven.
10 Do not be called 'Master';
you have but one master, the Messiah.
11 The greatest among you must
be your servant.
12 Whoever exalts himself will
be humbled; but whoever humbles himself will be exalted.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
của hình này là gì?
…
… … … … … … … … … … … …
* Bạn hãy
viết câu TM thánh Mátthêu 23,3a
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
…
… … … … … … … … … … … …
II. TRẮC NGHIỆM
01. Các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên tòa
ai mà giảng dạy? (Mt 23,1)
a. Ông
Môsê.
b. Thiên
Chúa.
c. Các
ngôn sứ.
d. Ông
Giacóp.
02. Những điều các kinh sư và người Pharisêu
giảng dạy, anh em có thái độ gì? (Mt 23,3)
a. Hãy
giữ.
b. Đừng
làm theo.
c. Bắt
chước thái độ của họ.
d. Lắng
nghe.
03. Đây là điều các kinh sư và người Pharisêu ưa
thích : (Mt 23,6)
a. Được
chào hỏi nơi công cộng.
b. Được
thiên hạ gọi là “Ráp bi”.
c. Ngồi cỗ
nhất trong đám tiệc.
d. Cả a, b
và c đúng.
04. Anh em chỉ có 1 vị lãnh đạo, đó là ai? (Mt
23, 10)
a. Đấng Kitô.
b. Ông Môsê.
c. Ngôn sứ
Êlia.
d. Vua Đavít.
05. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm
gì? (Mt 23,11)
a. Làm
người phục vụ anh em.
b. Yêu
thương mọi người.
c. Hòa
giải mọi người.
d. Điểm
tựa của mọi người.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Những kinh sư và người Pharisêu thường đeo
những hộp gì thật lớn? (Mt 23,5)
02. Đức Giêsu nói anh em chỉ có một … … … , còn
tất cả anh em đều là anh em với nhau? (Mt 23,8)
03. Anh em chỉ có 1 vị lãnh đạo, đó là ai? (Mt
23, 10)
04. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ
mình xuống, sẽ được … …” (Mt 23,12)
05. Các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên tòa
ai mà giảng dạy? (Mt 23,1)
06. Những kinh sư và người Pharisêu mang những gì
thật dài? (Mt 23,5)
07. Những kinh sư và người Pharisêu chiếm hàng
ghế đầu ở đâu? (Mt 23,6)
08. Ai thích người ta chào hỏi nơi công cộng và
được thiên hạ gọi là “Ráp bi” ? (Mt 23,7)
Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Anh em
chỉ có một vị lãnh đạo,
là Đức
Kitô”.
Tin Mừng thánh Mátthêu 23,10b
Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 31 TN A
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ đề
Lời dạy
của Chúa Giêsu
* Tin Mừng
thánh Mátthêu 23,3a
Tất cả những gì họ nói,
anh em hãy làm, hãy giữ
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01. a. Ông
Môsê (Mt 23,1)
02. a.
Hãy giữ (Mt 23,3)
03. d. Cả
a, b và c đúng (Mt 23,6)
04. a.
Đấng Kitô (Mt 23,10)
05. a. Làm
người phục vụ anh em (Mt 23,11)
III. Lời giải đáp Ô CHỮ
01. Hộp
kinh (Mt 23,5)
02. Thầy (Mt 23,8)
03. Đấng
Kitô (Mt 23,10).
04.
Tôn lên (Mt 23,12)
05. Ông
Môsê (Mt 23,1)
06. Tua áo
(Mt 23,5)
07. Hội
đường (Mt 23,6)
08. Kinh
sư (Mt 23,7)
Hàng dọc : Khiêm Tốn
NGUYỄN
THÁI HÙNG
Chúa Nhật Thường niên
31 A -
Sống Chân Thành
Chân
thành, nguyên ngữ Latinh là: Sincerus, a, um.
Sincera
có một lịch sử. Ngày xưa, người La mã thấy cột đá cẩm thạch nào không được
nhẵn, có lỗ, sứt mẻ, họ lấy sáp ong nhét vào những lỗ đó, rồi đánh cho thực
trơn láng.
Cũng
giống như phụ nữ lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn. Những cột cẩm
thạch nào không có sáp ong, là dấu tuyền vẹn, và gọi là: Sine cera; Sine:
không, cera: sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này ghép lại thành một là
“sincera”, và có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành thực, chân
thành.
Tình
thương giữa con người với nhau cần phải sincera: không phấn sáp, không giả tạo,
nhưng tự nhiên và chân thành.
Ngày
xưa, Nữ Hoàng Saba nghe biết về sự khôn ngoan của Salomon, nên đã gởi đến Nhà
Vua hai bó hoa để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật
và một bó hoa giả rất giống nhau. Vua đặt hai bó hoa lên bàn và liền mở cửa để
cho bầy ong bướm bay vào. Thế là đàn ong bướm liền sà ngay xuống những bông hoa
thật. Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có hình dáng mà không có sự
sống.
Những kẻ
giả hình nói thì nhiều, mà làm thì chẳng bao nhiêu, thậm chí nói suông mà không
thực hành, dung túng cho mình, nghiêm khắc với kẻ khác.
Tin mừng
hôm nay, Đức Giêsu vạch trần sự giả hình của các Kinh sư, Pharisiêu.
- Giả
hình: vì họ nói mà không làm
- Thích
thống trị: Vì họ bó những gãnh nặng lên vai người khác, còn chính họ thì không
buồn động động ngón tay vào.
- Thích
khoe khoang: Vì họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
- Thích
hám danh: Vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội
đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi.
Nghe Đức
Giêsu mô tả khuôn mặt kẻ giả hình, xét mình, ai cũng thấy dáng dấp của mình
trong đó. Nếu không háo danh thì cũng khoa trương, nếu không kể công thì cũng
thích được trọng vọng, nếu không ích kỷ, cũng nói nhiều làm ít…
Những
người Pharisiêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách
sống đạo. Nhưng Đức Giêsu đã nhìn thấy trong lối sống đạo của họ, có những biểu
hiện lệch lạc, giả hình, làm hoen ố đạo thật. Nhân đó, Người đưa ra mấy chỉ dẫn
thiết thực cho đời sống đạo:
- Chỉ
dẫn 1: Lời nói đi đôi với việc làm:
Giữa lời
nói và việc làm, thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực
hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ, nhưng
làm thì khó, nên người ta để rơi vào thói nói nhiều, làm ít, hoặc chỉ nói suông
mà không làm, hoặc còn tệ hơn, khi việc làm thì mâu thuẫn với lời nói, như
người Pharisiêu “nói mà không làm”. Trong những trường hợp ấy, nói về Đạo, trở
thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận Đạo.
Khi phê
phán thái độ của người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta đừng nói nhiều,
nhưng hãy làm. Chính việc làm minh chứng Đạo thật, việc làm mới có sức thuyết
phục. Lý thuyết, dù có hay đến đâu, nếu không thực hiện được thì cũng vô ích.
Người ta thích câu tục ngữ "Đừng nghe những gì người ta nói, mà hãy nhìn
kỹ những gì người ta làm".
- Chỉ
dẫn 2: Hãy làm một cách khiêm tốn.
Người
Pharisiêu làm gì cũng muốn phô trương, muốn tỏ ra mình đạo đức. Họ đeo lề luật
trên trán, trên tay. Đeo rồi sợ người khác không nhìn thấy, họ phải đeo những
hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài để cho mọi người biết họ yêu mến
lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương biến thành tự phụ, tự mãn, hợm hĩnh.
Cho nên những người Pharisiêu luôn ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, ưa được
chào hỏi nơi công cộng.
Khi phê
phán người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ hãy thực hành đạo trong kín
đáo: Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.
Khi bố thí đừng để tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6,3). Khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha anh em, Đấng hiện diện nơi
kín đáo.(Mt 6,6) (x. Chia sẻ Tin Mừng năm A, ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt).
Âm thầm
làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến chân thực dẫn đến
thái độ khiêm tốn, biết kính trọng ngươi khác, biết luôn phục vụ anh em.
Lời chỉ
dẫn trên đây của Đức Giêsu giúp chúng ta sống chân thành và khiêm tốn. Người
chân thành khiêm tốn chỉ sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họ làm. Người
chân thành khiêm tốn không nói láo, không giả hình, không tự cao cho mình hơn
kẻ khác, không phê bình, không chỉ trích.
Ứng xử
trong các mối quan hệ, phải chân thành. Còn gì thất vọng cho bằng khi thấy
những cử chỉ, thái độ, lời nói có vẻ lịch sự, bác ái, nhưng thực tế lại giả
tạo, xã giao miễn cưỡng, một thứ nguỵ tạo giả hình. Trước mặt niềm nở, sau lưng
nói hành nói xấu, gièm pha. Lối sống của Pharisêu vẫn còn nhiều lắm trong đời
sống thực tế hàng ngày. Sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh
vực tình yêu đến lãnh vực văn hoá, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn
thường dùng cái bên ngoài mà lừa đảo nhau. Vì vậy cần phải sống chân thành, tín
nhiệm, tin tưởng nhau.
Kinh
nghiệm cho thấy một người không chân thành thì khó được tín nhiệm “một lần bất
tín, vạn sự bất tin”.
Trong
bài đọc 1, Tiên tri Malakhi trách mắng nghiêm khắc những tư tế Do Thái làm việc
cẩu thả, biếng nhác và giả dối trong khi thi hành tác vụ của mình. Sau khi đi
lưu đày về, đền thờ đã được tái thiết, nền phụng tự đã được thiết lập lại,
nhưng sự nhiệt thành của những ngày đầu tiên đã bị biến mất. Nhiều tư tế không
còn lưu tâm đến trách nhiệm của mình, bỏ bê công việc tôn vinh danh Chúa, làm
gương mù gương xấu, khiến cho nhiều người đi sai đường lối Chúa và hủy bỏ giao
ước. Họ không còn được dân chúng tín nhiệm vì họ không chân thành trong sứ vụ
hàng ngày của mình.
Thánh
Phaolô trong bài đọc 2 nhắc lại với giáo đoàn Thessalonica tình yêu vô vị lợi,
tình yêu dâng hiến mà ngài đã ân cần dành cho họ, như một người mẹ dành cho con
cái mình. Ngài đã giảng dạy lời Chúa cho họ; họ đã đền đáp ngài cũng tràn đầy
tình yêu. Thánh Phaolô sống chân thành với cộng đoàn, ngài đã không ngần ngại
và vui mừng được trao ban cho họ chính cả mạng sống của mình. Đáp lại, mọi người
đã sống trung thành với Lời Chúa. Lời Chúa đã phát huy tác dụng nơi cộng đoàn
này, đã sinh hoa trái tốt đẹp nơi cuộc sống của mỗi người.
Sứ điệp
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống chân thành với chính mình, với người
khác, với Thiên Chúa. Tư tưởng đi đôi với lời nói. Lời nói đi đôi với việc
làm. Cả ba lãnh vực tư tưởng, lời nói,
việc làm đều phải diễn tả sự trung thực và chân thành. Như bông hoa thật đẹp
đầy màu sắc toả hương thơm, những người chân thành khiêm nhường toả hương thơm
qua việc làm. Những điều mà các vị ngôn sứ vĩ đại đã nói ra, thường hay bị lãng
quên, nhưng những hành động mà các vị Thánh nhân, anh hùng thực hiện, luôn được
hậu thế ghi nhớ mãi. Hãy soi đời mình vào tấm gương Chúa Giêsu, để tìm cho mình
một phong cách sống đẹp chân thành.
Linh mục
Giuse Nguyễn Hữu An
Khiêm nhường
Thầy
Pacifique là một trong số những môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô d’Assie,
ngày kia thầy được Chúa đưa lên thiên đàng và chiêm ngắm những cảnh sắc huy
hoàng. Thầy nhìn thấy một chiếc ngai sáng chói, và Chúa đã nói với Thầy: Chiếc
ngai mà con thán phục đó là chiếc ngai của Lucifer, nhưng vì kiêu ngạo, nó đã
bị bỏ mất, giờ thì nó thuộc về Phanxicô d’Assie, người tôi tớ khiêm nhường của
Ta. Hôm sau trong giờ nghỉ, thầy đã hỏi thánh nhân: Thưa cha, cha nghĩ gì về
mình. Thánh nhân trả lời: Tôi chỉ là một kẻ tội lỗi đáng thương nhất. Thầy dòng
ngạc nhiên: Làm sao mà cha có thể như vậy được. Thánh nhân trả lời: Nếu Chúa
ban cho kẻ khác những ơn hệt như đã ban cho tôi, thì họ đã trở nên tốt lành
thánh thiện hơn tôi rất nhiều. Thầy dòng suy nghĩ, và nhớ tới lời Chúa đã phán:
Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Vậy
chúng ta phải hiểu thế nào về lời nói của Chúa Giêsu? Đâu là ý tưởng của Ngài?
Dĩ nhiên Chúa không bảo chúng ta tuân giữ một đức khiêm nhường bề ngoài, một sự
khiêm nhường giả hiệu, chẳng hạn như khi đi dự tiệc, là phải chọn ngay mâm
cuối, để rồi sẽ được chủ nhà mời lên mâm trên. Căn bản của thái độ này chính là
kiêu ngạo, sự trá hình. Chúa không bảo chúng ta hãy lợi dụng chỗ thấp để làm
cho mình được vinh dự, trái lại, chúng ta phải có tâm tình khiêm nhường, sẵn
sàng chấp nhận những công việc khiêm tốn, những địa vị kém cỏi. Chúa là Đấng
phân định công nghiệp của chúng ta, chính Ngài sẽ chỉ cho chúng ta đứng vào địa
vị xứng hợp.
Chúng ta
sống trên trần gian, không phải là để thống trị mà là để phục vụ kẻ khác như
lời Ngài đã phán: Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ và hiến
thân vì người khác. Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ. Đó chính là bài
học mà chúng ta không bao giờ được quên lãng, vì Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và
yêu thương người khiêm nhường.
Một nữ
tu kia có tiếng hát rất hay. Sơ biết điều đó và thường hãnh diện mỗi khi hát
trong nhà nguyện của cộng đoàn. Sau khi sơ ấy chết đi, thánh nữ, Gertrude nhìn
thấy linh hồn của sơ ấy quằn quại trong lửa luyện ngục. Trước cảnh tượng kinh
hoàng ấy, thánh nữ đã khóc thương, nhưng Chúa hiện ra và phán: Vị nữ tu này
đang đền bù, tẩy xoá tính kiêu ngạo. Hãnh diện vì tiếng hát, sơ ấy đã đi tìm
những lời khen phù phiếm thay vì phụng sự thánh danh Ta.
Phải
chăng chúng ta cũng đã tình cờ trở nên giống vị nữ tu trước những tài năng mà
Chúa đã ban? Hãy dùng những khả năng của mình để phụng sự Chúa và anh em, nhờ
đó mà chúng ta sẽ sống tâm tình khiêm nhường đích thực, vì ai hạ mình xuống, sẽ
được không phải là người đời, mà chính là Chúa nâng lên.
Khiêm nhường
Chúng ta
có thể xác quyết: Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta tới quê
hương Nước Trời.
Thực
vậy, tội của ông bà nguyên tổ là gì, nếu không phải là sự kiêu căng, muốn trở
nên bằng Thiên Chúa, từ chối không chịu để cho Ngài hướng dẫn, bằng cách giơ
tay ngắt trái cấm mà ăn. Tội của Lucifer, vị thần mang ánh sáng, là gì, nếu
không phải là tính kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa nữa.
Từ đó,
chúng ta thấy mình chỉ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nếu biết
trở nên như trẻ nhỏ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, người cha
đầy yêu thương và giàu lòng thương xót.
Dưới mắt
Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như có một sự đảo lộn giá trị: Ai tự nâng mình
lên cao thì sẽ bị hạ xuống thấp, và trái lại ai hạ mình xuống thấp thì sẽ được
nâng lên cao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: Ai muốn làm lớn thì phải trở
thành kẻ rốt hết và làm đầy tớ phục vụ cho mọi người…Ai trở nên giống trẻ nhỏ,
thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời…
Để nuôi
đám đông dân chúng trong hoang địa, Chúa Giêsu đã không làm cho manna từ trời
rơi xuống, nhưng Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ.
Và trong
cuộc sống, Ngài đã sử dụng những phương tiện tầm thường nhất. Thực vậy, để
thiết lập Giáo Hội, Ngài đã không chọn lựa những tiến sĩ luật và những nhà
thông thái, trái lại, Ngài đã kêu gọi những con người đơn sơ và dốt nát.
Tại
phòng tiệc ly, mặc dù luôn ý thức quyền năng của mình, thế nhưng Ngài đã quì
xuống rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục
vụ.
Trong
công cuộc cứu độ nhân loại, Ngài đã không sử dụng tới uy quyền của một vị Thiên
Chúa, nhưng đã cúi đầu chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã diễn tả:
Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.
Ngài
cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài: các con hãy học cùng Ta, vì Ta
hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Đoạn Tin
Mừng hôm nay đưa ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt của một bậc thầy, một tiến
sĩ luật và khuôn mặt của một người tôi tớ, một người hèn mọn.
Kẻ kiêu
căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và
coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời
và yêu thương. Họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, trái lại lúc nào cũng ghen
tức vì hấy người khác được thành công. Một kẻ như vậy thì làm sao có thể gặp
được Thiên Chúa.
Trong
khi đó, người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị
và danh dự. Họ biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời họ biết
quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, họ
được dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và
được chính Thiên Chúa đón nhận, vì tâm hồn họ trống rỗng, không có những
vướng mắc và níu kéo.
Kytô
giáo của chúng ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường, như lời thánh Bernađô
đã xác quyết: Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm
nhường.
Và thánh
Phanxicô Assie cũng nói: Thiên Chúa thấy tôi tội lỗi hơn hết mọi người, nên
Ngài đã chọn tôi để làm những công việc trọng đại.
Còn
thánh Phanxicô Xaviê thì bảo: Trên dấu chân của Đức Kitô, chúng ta chỉ thực sự
được nâng lên, một khi đã thực sự hạ xuống.
Để kết
luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau dây của ông Gandhi: Nếu chúng ta
nghĩ rằng mình là một cái gì đó, thi chúng ta đã đặt một hàng rào để ngăn cách
với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, thì chúng ta sẽ
trở nên một với Ngài.
Thuốc chủng ngừa
bệnh biệt phái
Achille
Degeest.
(Trích
trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Bài đọc
này tiết lộ một trong những lý do căn bản khiến người biệt phái đối đầu với
Chúa Giêsu. Bài đọc cũng chất vấn chúng cả chúng ta ngày nay nữa, vì vấn đề đặt
ra là sự thành thực của cuộc sống đối với Đức tin. Chúa Giêsu kết án người biệt
phái cắt nghĩa lề luật mà sắp đặt theo sở thích của mình. Và thay vì có lương
tâm khiêm nhường của tội nhân trước mặt Thiên Chúa, họ có lương tâm của kẻ tự
mãn. Cần lưu ý Chúa Giêsu không hề đả kích quyền uy của các thày thông giáo
giảng dạy giáo lý Do thái ở thời Ngài; nếu dùng bài đọc này biện minh cho việc
phản kháng quyền hành trong dân Thiên Chúa quả là lạm dụng. Điểm chính xác mà
Chúa Giêsu nhắm đến là sự phù hợp phải có giữa lời nói và việc làm; Ngài cũng
tố cáo thái độ mong được người chú ý hơn là sống theo ý Thiên Chúa. Bởi đó những
người nhận quyền hành có bổn phận, phải làm gương cụ thể những điều họ giảng
dạy. Đồng thời việc chấp nhận ngay thẳng lời giáo huấn đến từ các vị có quyền
buộc tín hữu thi hành những điều họ tin. Một vài điều xác định về bài đọc. Các
thẻ kinh ở đây là những hộp vuông nhỏ bằng giấy hay bằng da bò màu đen, trong
đựng những đoạn ghi chép các câu Kinh thánh nói về tnh1 chất linh thiêng của lề
luật. Các người Do thái mộ đạo đeo trên trán hay buộc vào cánh tay trái để đọc
vào kinh sáng; những biệt phái bị Chúa trách cứ có lẽ lúc nào cũng mang bên
mình. Các tua áo và cả các túm đính vào bốn góc áo choàng có giá trị dấu hiệu
tôn giáo để nhắc nhở tuân giữ lề luật. Các lời chào hỏi có tầm quan trọng lớn
lao ở Đông phương, cử chỉ và lời dùng để chào nói lên phẩm giá xã hội người
mình chào. Những người biệt phái rất thích được người ta thưa: “Bẩm thày đạo
sư, nguyện chúc Ngài khang an”. Để suy gẫm:
1) Họ
buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ
ngón tay lay thử. Câu nói của Chúa tố cáo một cố tật của mọi kẻ nắm giữ quyền
hành, mọi người cắt nghĩa luật pháp và ở đây chúng ta giới hạn trong phạm vi
tôn giáo. Có một thứ am tường luật pháp, để tránh né các đòi buộc mà lương tâm
vẫn yên ổn. Người ta cắt nghĩa sao cho kẻ khác buộc phải giữ còn mình thì
thoát. Một cố tật khác là, cắt nghĩa luật pháp theo những ý tưởng và quyền lợi
mà mình muốn bảo vệ. Cắt nghĩa Phúc âm cách sao để biện minh cho một số chủ
trương “bảo thủ”, hay “cách mạng” là một việc giả hình, biệt phái cũng đáng kết
án như việc giảng dạy Phúc mà tìm cách để khỏi thi hành. Trong cả hai trường
hợp, đều có sự dối trá. Một bên biến Phúc âm thành gánh nặng cho người khác,
một bên đặt thêm vào gánh nặng mà Phúc âm không có. Cả hai bên đều có việc tráo
quan niệm nhân loại vào chỗ thánh ý Thiên Chúa.
2) Làm
sao có được thuốc chủng ngừa bệnh biệt phái? Các người chỉ có một Thày, một
Cha, một Đấng chỉ đạo. Chúa Giêsu nhắc nhở người Kitô hữu rằng Đấng duy nhất
xét đoán lương tâm họ là Thiên Chúa, dầu họ ở mức độ quyền bính hay tuân phục
nào đi nữa. Họ phải thực hành điều họ dạy, điều họ tin. Sự ngay thẳng nội tâm
trước mặt Thiên Chúa sẽ khiến họ ý thức mình là kẻ có tội. Khi cần, nó có thể
khơi dậy một sự tìm kiếm trong lòng những người khác. Họ sẽ không thuộc số
những kẻ hành động có ý cho người ta thấy. Họ sẽ hành động cách nào để khi thấy
việc họ làm, người ta sẽ ngợi khen Cha ở trên trời (Mt 5,16)
Hãy dâng cho Thiên
Chúa chỗ nhất và không để cho một người nào khác
(Trích
trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Những
người con thường gọi cha mẹ của chúng là cha mẹ, mặc dù Chúa Giêsu đã nói đừng
gọi ai dưới đất là “cha”. Những vị dạy dỗ trong trường học chấp nhận tước hiệu
“thầy” mặc dù Chúa Giêsu nói: “Tránh gọi ai là Thầy”. Điều đó sẽ là ngớ ngẩn
nếu duy trì những điều thực hành này khi những điều này trái với hướng dẫn của
Chúa Giêsu. Hiển nhiên là ý nghĩa của nó không phải là nghĩa chữ. Mặc dù đúng
hơn qua những điều giống như ra lệnh này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta rằng
chúng ta đừng trao cho người nào chỗ nhất trong đời sống của chúng ta, mà chỗ
này chỉ thuộc về mình Thiên Chúa.
Chúng ta
là con cái của cha mẹ chúng ta. Một số người đã được chúc phúc bởi cha mẹ mình
và một số khác thì hoàn toàn không. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lên thiên
đàng để tìm thấy những Đấng cha mẹ hoàn hảo, một người tuyệt vời không thể
tưởng tượng được đó là Cha của Chúa Giêsu Kitô, và Đấng đó đã trở thành Cha của
chúng ta nữa. Chúng ta không thể cho phép ai chiếm mất chỗ của Thiên Chúa trong
đời sống của chúng ta.
Tất cả
chúng ta phải có những vị thầy trong những khoảnh khắc khác nhau từ lúc chúng
ta sinh ra trong suốt thời gian ở trường, khi chúng ta có một công việc, và
thật sự xuyên qua toàn bộ đời sống của chúng ta, có một người có thể dạy dỗ
chúng ta về mọi chân lý căn bản nhất của đời sống, cả đời này và cả đời sau, là
Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể cho phép bất cứ ai hơn Chúa Giêsu trong
việc Chúa Giêsu trở nên Thầy dạy chúng ta về những giá trị của đời sống.
Thiên
Chúa đã nói qua lời của tiên tri Malakia trong bài đọc I của Chúa Nhật hôm nay.
Bài đọc tuyên bố: “Quả Ta là vua lớn lao”. Có ai trong đức tin chối điều đó
không? Thiên Chúa đòi hỏi câu trả lời trong câu hỏi của Ngài: “Các ngươi có
chấp nhận rằng các ngươi không được đặt ai vào chỗ của Ta như là Chúa các đạo
binh của các ngươi không?”. Chúng ta phải trả lời: “Amen”.
Tuy
nhiên có lẽ trong trường hợp của chúng ta thì không khác biệt mấy với những
người dân mà tiên tri Malaki đã rao giảng sứ điệp của ông. Họ là những người
dân Do Thái đang trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon, họ thấy quê nhà của họ đã bị
xâm chiếm bởi một dân tộc khác, dân tộc đó không chia sẻ tôn giáo và những giá
trị như họ. Hoàn cảnh là một thách đố đức tin cho cả hai, thành phần là tư tế
và dân chúng. Đó là lý do vì sao tiên tri Malaki đã rao giảng cho họ một bài
giảng khẩn cấp và lớn lao như vậy.
Đó là lý
do vì sao Phúc Âm của Chúa Nhật có một ý nghĩa lớn lao đối với chúng ta. Chúng
ta sống một xứ sở, xứ sở đó đã được thúc đẩy bởi những nguyên tắc chủ nghĩa cá
nhân, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, mà không phải bởi những giá trị
của tôn giáo. Hầu hết mọi người mà chúng ta có thể nói rằng họ tin vào Thiên
Chúa, nhưng sự cám dỗ thời đại trong xứ sở của chúng ta là sống mà Thiên Chúa
không hiện hữu. Sự cám dỗ đó có thực đối với chúng ta, tuy nhiên nó có thể tinh
tế hay mờ nhạt khi chúng ta đang ngồi trong nhà thờ.
Có lúc
nhà thờ sẽ là nơi cư ngụ của chúng ta, là ngôi nhà tinh thần của chúng ta trên
mặt đất này. Nơi đây trả sự chú ý cho Chúa Giêsu, vị Thầy dạy của chúng ta, khi
chúng ta lắng nghe lời Người tuyên bố trong Thánh Kinh. Chúng ta tuân theo giáo
huấn của Ngài bằng việc cầu nguyện với Thiên Chúa như là ‘Cha của chúng ta”,
không chỉ trong lời kinh Lạy Cha, nhưng qua Thánh Lễ. Chúng ta nối kết với
Người trong hy tế của Chúa Giêsu Kitô để hiểu rằng. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo
và là vị Vua cao cả của chúng ta, là Đấng mà chúng ta dâng lời ngợi khen và cảm
tạ.
Hơn nữa,
chúng ta sẽ tìm thấy một dân và với dân đó chúng ta chia sẻ những giá trị trong
đời sống, dân mà họ sẽ nâng đỡ chúng ta trong đức tin và là dân mà chúng ta sẽ
sẵn lòng giúp đỡ trong mọi lúc họ cần. Người Do Thái trở về một miền đất có vẻ
giống như là ngoại quốc đối với họ. Chúng ta sẽ không bao giờ có cảm giác là
mình không có chỗ trong một nhà thờ Công giáo. Chúng ta phải tìm thấy nơi mỗi
người, dân tộc được dâng hiến, là dân muốn theo những giá trị của Chúa Giêsu,
Đấng là Con Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta.
Quyền bính để phục vụ
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Lời Chúa
hôm nay thật mạnh mẽ, khiến ta bàng hoàng, chới với. Phải chăng Chúa muốn phá
đổ tất cả những cơ chế trong xã hội và trong Giáo Hội? Phải chăng tất cả chúng
ta đều sai lầm? Có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen của mặt chữ nhưng phải hiểu
theo tinh thần. Qua chân lý: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, Chúa muốn
dạy ta phải sống những quan hệ với xã hội theo một tinh thần mới gồm 3 khía
cạnh sau đây.
1- Mọi
người đều bình đẳng. Mọi người bình đẳng trong xã hội vì tất cả đều là người.
Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng
trước mặt Chúa. Vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh
Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Mọi người đều là con của Cha
trên trời và đều là anh em với nhau. Nên mọi người đều phải vâng phục Thiên
Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.
2- Chức
vị chỉ là một phân công. Một xã hội phải có tổ chức. Có tổ chức nên có nhiều
công việc. Phân công để công việc chung được trôi chảy. Hơn nữa phải hiểu rằng
mọi quyền lực đều đến từ Thiên Chúa. Làm cha mẹ là được thông phần vào quyền
làm Cha của Thiên Chúa. Làm người lãnh đạo là được dự phần vào quyền cai trị
của Thiên Chúa. Con người không tự mình chiếm đoạt được chức vị, nên phải khiêm
nhường nhận biết ơn Chúa ban vì lợi ích của tập thể.
3- Chức
vị là để phục vụ. Hãy nhìn vào một gia đình. Trong gia đình cha mẹ là quan
trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều
nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ
không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ
con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người
có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh
em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ
của mình.
Không ở
đâu ta có thể tìm gương mẫu cho những lời Chúa dạy hôm nay bằng tìm nơi chính
Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể.
Bí tích
Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn
đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi
Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng
phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy
đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Quyền bính để phục vụ. Không còn minh họa
nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống
rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính
Chúa đã làm gương trước.
Bí tích
Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Trở thành tấm bánh
là để trở thành lương thực nuôi con người. Không trở thành một tượng đài uy
nghi để mọi người cung kính. Không trở thành một trang sức quý giá để mọi người
trân trọng. Nhưng trở thành tấm bánh để phục vụ con người. Trở thành lương thực
là trở thành những gì gần gũi nhất. Trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ
sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác
được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một
mẫu gương về quyền bính phục vụ. Thiên Chúa phục vụ con người. Người Cha hy
sinh cho hạnh phúc của con cái. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ
tạo.
Như thế,
bí tích Thánh Thể thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người. Quyền bính là
để phục vụ. Nếu hiểu và thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, ta sẽ biến đổi bộ mặt
thế giới. Thế giới sẽ trở nên một gia đình ấm cúng chan chứa tình người. Xã hội
sẽ tươi đẹp vì sống theo nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.
Năm
Thánh Thể đã kết thúc, nhưng mầu nhiệm Thánh Thể phải tiếp tục mãi mãi trong
cuộc đời chúng ta. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm phục vụ anh chị
em. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa xã
hội, giữa cuộc đời chúng ta. Hiện diện đó là một tấm bánh bẻ ra cho một thế
giới phát triển, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực
sự.
Lạy Chúa
Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong tình yêu
thương.
GỢI Ý
CHIA SẺ
1- Tại
sao mọi người đều bình đẳng?
2- Chức
vị chỉ là một phân công trong Giáo Hội, bạn hiểu điều này thế nào?
3- Quyền
bính là để phục vụ. Bạn thấy điều này đã ứng dụng ở đâu?
4- Bạn
phải làm gì để sống bí tích Thánh Thể theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay?
Hãy sống trong sự thật
(Trích trong ‘Niềm Vui
Chia Sẻ’)
Đêm kia
tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một
người nhà giàu để thả lưới. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì bị người giàu phát
hiện. Người này cho gia nhân bủa đi khắp nơi quanh cái hồ mênh mông của mình để
bắt cho bằng được tên trộm.
Đám gia
nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong
khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc
cây gần đó y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.
Sau
nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi
dưới gốc cây đang đắm mình trong suy tư và cầu nguyện. Chỉ một ngày hôm sau
tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên
bờ hồ của nhà phú hộ.
Thế là
thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành.
Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp tuôn đổ
tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu
hành mới nhủ thầm trong bụng: Thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá
suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành,
ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Anh chị
em thân mến, “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Người đánh cá bất đắc dĩ phải
trở thành vị tu hành trên đây có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối
với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng sơn vẽ cho mình một nước áo
đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình như những Luật Sĩ và Pharisêu
giả hình mà hôm nay Chúa Giêsu kịch liệt chống đối. Họ thường phô trương, tự
phụ, tranh giành địa vị, tìm kiếm danh vọng. Họ chép những câu Kinh Thánh đeo
lên trán, buộc vào cổ tay, để chứng tỏ họ ghi nhớ và tuân giữ luật hơn bất cứ
ai khác. Khi đi dự tiệc, họ phải ngồi vào chỗ danh dự. Ở Hội đường, họ phải
ngồi chỗ nhất và ở nơi công cộng, họ đòi được chào kính, xưng hô là Thầy. Họ
muốn tôn mình lên cao hơn mọi người.
Ngược
lại với thái độ đạo đức giả và kiêu căng tự phụ của những Luật Sĩ và Pharisêu.
Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ và cũng là cho cộng Kitô hữu chúng ta, một
thái độ sống chân thật: đó là phong cách thể hiện tình huynh đệ, sự bình đẳng
và tinh thần phục vụ. “Anh em chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.
Anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời. Còn tất cả anh em đều là anh em với
nhau”. Vì thế, “trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm đầy tớ anh em”.
Thưa anh
chị em, đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tất cả Giáo Hội của Chúa Kitô, từ giáo
hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân phải bình tâm suy nghĩ. Những lời
Chúa nói trước các Luật sĩ và Pharisêu ngày xưa phải có tiếng vọng đến chúng ta
ngày nay. Pharisêu không còn, nhưng não trạng pharisêu chưa chết, vẫn còn sống
mãi. Giáo Hội qua các thời đại phải nhìn nhận rằng những phô trương lòe loẹt,
chủ nghĩa hiếu thắng trần tục (triomphalisme) đã đi vào trong hàng ngũ Giáo
Hội. Những chức tước, áo mũ cân đai, cờ quạt, kiệu rước… đã làm hoen ố đi hình
ảnh một Giáo Hội chân thật, một “Giáo Hội nghèo của người nghèo”. Công Đồng Vatican
II đã bỏ đi nhiều những điều phù phiếm đó và muốn cho Giáo Hội mang khuôn mặt
đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn, phục vụ.
Đức Cha
Bernard Topel (1903-1986) Giám Mục giáo phận Spokane, Wa. Hoa Kỳ, đã viết trên
báo của Giáo phận: “Trong thời kỳ họp Công Đồng, các Giám Mục thường hay nói về
Giáo Hội như Giáo Hội của người nghèo, tôi nghe mà sinh bối rối, vì tôi chưa
thấy chúng ta là Giáo Hội của người nghèo chút nào cả!” Từ cái bối rối này, Đức
Cha Topel đã thực thi Công Đồng cách quyết liệt gần như Thánh Phanxicô Assisi
thực thi Tin Mừng: Đức Cha đã bán Tòa Giám Mục, nhẫn vàng, thánh giá, giây đeo
và gậy cẩn ngọc thạch để lấy tiền giúp người nghèo. Với bốn ngàn đô, Ngài mua
một căn nhà ở ngõ cụt để làm tư dinh. Sau giờ làm việc, Ngài về làm vườn, trồng
rau, xin đầu cá nấu ăn. Nhiều người không tán đồng, họ nói: “Vua thì phải sống
cho ra Vua, Chúa thì phải sống cho ra Chúa, Giám mục thì phải sống cho Giám
mục”. Nguyên là thạc sĩ toán học, Đức Cha trả lời: “Không phải là kết toán làm
thành bài toán. Bài toán chúng ta là phải trừ, chia và nhân: phải bớt tiêu xài
xa hoa, để chia sẻ với những người nghèo khó và nhân thêm niềm hy vọng sống
xứng đáng cho họ”.
“Trong
anh em, ai lớn hơn cả phải là người tôi tớ phục vụ”. Trong Nước Trời, không ai
có quyền thống trị kẻ khác, tất cả chúng ta đều là anh em. Ngay cả việc hành xử
quyền bính, cho dù thuộc phạm vi dân sự hay tôn giáo, cũng chỉ là một hình thức
phục vụ: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng tự nhận
là “Tôi tớ của các tôi tớ” (Servus servorum). Người cha, người mẹ trong gia
đình, sở dĩ được các con cái quý mến là vì biết tận tụy phục vụ, hy sinh cho
con cái. Càng cho đi, càng được nhận lại, càng cho đi nhiều, càng được nhận lại
nhiều hơn. Chúa Giêsu đã dạy và cho các môn đệ. Ngài đã tự hạ, vâng phục cho
đến chết trên thập giá vì yêu thương loài người chúng ta. Chính vì thế, Ngài đã
được siêu tôn là Đức Chúa: “Ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. Ai tự tôn
mình lên, sẽ bị hạ xuống”.
Anh chị
em thân mến, Chúa Giêsu tỏ ra thông cảm và khoan dung đối với mọi người tội
lỗi, mọi hèn yếu của con người. Nhưng Ngài lại có thái độ khe khắt đối với thói
giả hình của những người Pharisêu. Ngài không ngừng kêu gọi các môn đệ của Ngài
cẩn thận giữ mình kẻo vướng lây phải thói tật đáng ghét này. Chúng ta giữ đạo,
nhưng có lẽ chưa sống đạo. Có khi chúng ta mang lớp sơn đạo đức bên ngoài mà
thiếu thực chất của một lòng đạo đức chân thật bên trong. Hãy sống trong sự
thật trước mặt Chúa và anh chị em. Nhờ khiêm tốn và phục vụ, chúng ta sẽ sống
theo đúng đường lối của Chúa và dễ dàng sống với anh em như đòi hỏi của đức ái:
mến Chúa - yêu người
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét