Trang

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

HƯỚNG VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG THẾ GIỚI VỀ GIA ĐÌNH

HƯỚNG VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG THẾ GIỚI VỀ GIA ĐÌNH


Ngay khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Phanxicô đã cho biết hai chương trình lớn mà ngài muốn thực hiện ngay: 

• Cải tổ Giáo Triều và các cơ quan phụ thuộc, trong đó có ‘ngân hàng Vatican’.

• Tìm cách đáp ứng những thách đố về gia đình hầu đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng.

Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề thứ hai, tức là chủ đề về ‘Mục Vụ Gia Đình’. Theo Đức Phanxicô, đây là ‘chủ đề mục vụ rất quan trọng, liên hệ đến toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội’, nên ngài quyết định:

• THĐ thứ 13, tháng 10. 2014 năm nay (từ 5-10), chỉ nhằm mục đích thẩm định và đào sâu các dữ kiện do các HĐGM hay các Giáo Hội địa phương gửi về.

• THĐ thứ 14,, tháng 10. 2015 năm sau, sẽ đề ra những đường hướng thực hành cho mục vụ gia đình.

Do đó, hôm nay tôi chỉ trình bày với quý vị một số điểm tương quan đến THĐ 13, từ 5 đến 10. 10. 2014 tới. 

A. TÀI LIỆU CHUẨN BỊ VÀ TÀI LIỆU LÀM VIỆC.

1. Tài liệu thăm dò và tài liệu làm việc.

• Trước tiên Ban chuẩn bị THĐ đã soạn thảo một tài liệu thăm dò (Lineamenta) với 39 câu hỏi, gửi đến các Hội Đồng Giám Mục và Công Nghị của các Giáo Hội Đông Phương, cũng như các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh. Hạn chót trả lời là 31.01.2014. 

• Sau đó, một Hội Đồng gồm 15 Hồng Y và giám mục với sự trợ giúp của Văn Phòng Tổng Thơ Ký THĐ và các chuyên gia đã dựa vào các tài liệu từ bốn phương gửi về, soạn thảo một tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) dài 75 trang chia thành 159 đoạn. Tài liệu này sẽ được dùng làm căn bản để thảo luận trong các buổi hội của THĐ tháng 10 tới. Tài liệu này đã được gửi đến các nghị phụ sẽ tham dự THĐ, và đã được giới thiệu với báo chí ngày 26.6.2014 vừa qua.

2. Tài liệu làm việc gồm 3 phần.

• Phần I: Nói về việc ‘thông truyền Tin Mừng trong gia đình hiện nay’ và chia làm 4 chương. - Ch 1, ‘Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình’. – Ch. 2, Sự hiểu biết và đón nhận Kinh Thánh và các văn kiện về hôn nhân - Ch. 3, Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên. – Ch. 4, Gia đình và ơn gọi của con người trong Chúa Kitô.

• Phần II: Nói về ‘mục vụ gia đình trước các thách đố hiện nay’ và gồm 3 chương. – Ch. I, Trước tiên là các đề nghị liên quan đến mục vụ gia đình. – Ch. 2, Những thách đố về mục vụ gia đình hiện nay. – Ch. 3, Những hoàn cảnh khó khăn trong mục vụ gia đình.

• Phần III : Bàn về ‘sự cởi mở đón nhận sự sống và trách nhiệm giáo dục’ và gồm 2 chương: - Ch. 1, Những thách đố mục vụ đối với việc cởi mở đón nhận sự sống. – Ch. 2, Giáo Hội và gia đình đứng trước thách đố giáo dục.

B. NHỮNG NGUYÊN NHÂN TẠO NÊN KHÓ KHĂN VÀ NHỮNG ĐIỂM NÓNG CỦA MỤC VỤ HÔN NHÂN HIỆN NAY.

Chúng ta không thể đi vào chi tiết của mỗi chương của ba phần tóm lược ở trên. Chúng ta chỉ dừng lại ở hai điểm sau đây: 

• Những nguyên do tạo nên các khó khăn trong sinh hoạt mục vụ gia đình ngày nay, nhất là sự ít hiểu biết và ít đón nhận giáo huấn của Giáo Hội.

• Mấy vấn đề nóng bỏng.

I. Những nguyên do …

Dưới đây là tóm lược những nhận xét, những đề nghị, đôi khi là những than phiền của các HĐGM khắp nơi gửi về Ban chuẩn THĐGM.

1. Biết và hiểu về các văn kiện của Giáo Hội.

• Chỉ những người chuyên môn trong lãnh vực thần học và luân lý gia đình ….

• Rất ít ỏi giáo dân biết đến… Nhiều giáo dân coi những giáo huấn đó xa vời cuôc sống thực tế của họ…

• Ngay các linh mục, vì không được chuẩn bị, nên các ngài gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn giải cho giáo dân. Nội dung của văn kiện nhiều khi khó nắm bắt. 

2. Cần có những linh mục và thừa tác viên được chuẩn bị.

• Theo sự phán đoán của một số giáo dân thì nhiều khi chính các mục tử không hiểu rõ các vấn đề hôn nhân gia đình trong các văn kiện, và cũng không có những tài liệu để khai triển những văn kiện này.

• Chính các mục tử tự cảm thấy mình không thích hợp và không được chuẩn bị để bàn về các vấn đề liên quan đến tính dục, sự thai ngén và sinh sản…

• Người ta hoang mang và phàn nàn về : thái độ dửng dưng, những ý kiến bất đồng giũa các mục tử … về giáo huấn luân lý của Giáo Hội…

• Cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các linh mục, phó tế và một số giáo dân có trách nhiệm mục vụ, nắm vững và biết cắt nghĩa văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình.

3. Giáo dân đón nhận không đồng đều các giáo huấn của Giáo Hội.

• Nhiều HĐGM nhận xét: Nơi nào mà phương tiện truyền thông của Giáo Hội hay thái độ ‘tốt lành’ của nhà nước về phạm vi truyền thông, thì giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân được phổ cập nhiều hơn, phần lớn giáo dân hồ hởi đón nhận… với tinh thần đức tin, vì sự tốt lành và giá trị luân lý của giáo huấn hơn vì tò mò muốn biết Giáo Hội nghĩ gì về tính dục…

• Tùy theo hoàn cảnh văn hóa, phong tục, luân lý của mỗi địa phương … mà giáo dân đón nhận ‘với mức độ khác nhau’ các giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt về các vấn đề: ngừa thai, ly dị, tái hôn, đồng tình luyến ái, đa thê … 

• Nói riêng về ảnh hưởng của các kỹ thuật mới, về chủ nghĩa ‘duy khoái lạc’, ‘tưong đối’, ‘trào lưu tục hóa’, ‘một xã hội buông thả’ …

• Riêng giáo huấn của Giáo Hội về phẩm giá và sự kính trọng sự sống thì được giáo dân đón nhận rộng rãi…

4. Để cổ võ sự hiểu biết và đón nhận giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình.

• Cần thiết phải tìm ra những phương thức mới để truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội.

• Cần xét lại những truyền thống không hợp thời, cần tạo sức năng động, và vận động khả năng tài chánh cho việc phổ biến.

• Cần đào tạo nhận sự (linh mục, phó tế, giáo dân) cách thích đáng…, cần thiết lập các ủy ban cấp giáo phận và cấp quốc gia vừa quy củ vùa hiệu lực…

• Cần tổ chức những khóa học hỏi cho giáo dân có gia đình, đặc biệt trong chương trinh chuẩn bị hôn phối….

II. Ba vấn đề nóng bỏng…

Trong phần II, tài liệu làm việc nói nhiều về những thách đố trong mục vụ gia đình hiện nay, cách riêng về những tình trạng không hợp giáo luật, mà nổi bật nhất là ‘những người ly dị tái hôn dân sự’ – và ‘những người đồng tình luyến ái’. 

1. Những người ly dị và tái hôn dân sự.

• Có hai loại người với hai tâm trạng bất mãn: 1) Đa số sống ‘bất cần’ đối với Giáo Hội, không thèm nghĩ đến việc lãnh bí tích hòa giải và việc rước lễ nữa. 2) Một số nhỏ khác ‘cảm thấy bị gạt ra khỏi Giáo Hội’ và tự hỏi ‘tại sao những tội khác được thứ tha mà tội ly dị tái hôn thì không’, họ cảm thấy việc Giáo Hội cấm lãnh nhận các bí tích như một hình phạt, một hình thức loại trừ.

• Nhiều HĐGM yêu cầu có những phương thế mới để có thể thực thi lòng từ bi, khoan dung và ân xá đối với những vụ tái hôn như thế.

• Tuy đã có những trường hợp linh mục có thể cho phép lãnh nhận các bí tích trong một giới hạn nào đó. Tuy thế, người ta vẫn cảm thấy không được chấp nhận công khai trong đời sống Giáo Hội, và vẫn là ‘tín hữu bị loại trừ’.

• Nhiều HĐGM đề nghị đơn giản hóa thủ tục ‘việc cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu’ (có cần sự đồng thuận của cả hai cấp bậc tòa án?).

• Cần tăng thêm số tòa án hôn phối, cần đào tạo những người vừa có khả năng giáo luật, vừa có tinh thần và kinh nghiệm mục vụ’ làm việc trong các tòa án.

• Tài liệu làm việc nêu rõ rằng: trong những trường hợp khó khăn, Giáo Hội không được có thái độ quan tòa lên án, nhưng là thái độ của một người mẹ luôn đón nhận con cái mình và nhấn mạnh rằng: ‘sự kiện không được lãnh nhận các bí tích không có nghĩa là bị loại khỏi đời sống Kitô và quan hệ với Thiên Chúa’.

• Các linh mục, đặc biệt các cha sở phải biết vui vẻ tiếp đón và ân cần giúp đỡ những người ly dị tái hôn… 

• Có thể khuyến khích họ đi tham dự các ‘khóa gặp gỡ chuyên biệt’ cho những người ly dị và tái hôn.

2. Những người đồng tình luyến ái.

• Tất cả các HĐGM đều chống lại việc ban hành luật lệ cho phép ‘hôn nhân đồng tình luyến ái’ cũng như cho phép ‘nhận con nuôi’. 

• Tuy nhiên phải có thái độ tôn trọng và không phán đoán đối với những người đồng tình luyến ái. 

• Cần có một chương trình mục vụ thích hợp cho những người đồng tình luyến ái.

• Nếu họ xin rửa tội cho trẻ em, thì phải đón nhận, dịu dàng… và chăm sóc chúng như mọi đứa trẻ Công Giáo khác.

3. Cởi mở đối với sự sống và trách nhiệm giáo dục.

• Đây là nội dung của phần III trong tài liệu làm việc gồm 2 chương. 

• Ch. I, Cởi mở đón nhận sự sống, đạo lý này của Giáo Hội ít được đôi vợ chồng ý thức đến chiều sâu của nó. 

• Ch II, Thách đố mục vụ: - Người ta cho rằng ‘giáo huấn của Giáo Hội xen vào đời sống riêng của vợ chồng, và hạn chế quyền tự quyết của lương tâm của vợ chồng… - Họ cho rằng các phương pháp ngừa thai tự nhiên không ‘hiệu lực’, không ‘thực tế’. Túi cao su thực tế để tránh bệnh liệt kháng… - Thậm chí các chính quyền không chấp nhận, giới truyền thông chế nhạo lập trường của Giáo Hội… 

• Kết luận của phần III: Mong Giáo Hội cho những câu trả lời có nền tảng, đi xa hơn là ‘lời kết án chung chung’… Các linh mục phải được học hỏi kỹ lưỡng về các vấn đề này.

Paris, ngày 31 tháng 08 năm 2014

Lm Giuse Mai Đức Vinh

-----------------------

Cần đọc và tham khảo:

1. Thánh Kinh: Hôn nhân được thiết lập theo ý muốn của Thiên Chúa: - St. 1,27-28; - St 2,18-25. – Tb 8,6-7; - Mt 19,3-9; - Mc 10,1-12; - 1Cr 6,16; - 1Tm 4,3.

2. Hiến chế Niềm Vui và Hy Vọng (GS): Phẩm giá của Hôn Nhân và Gia Đình, ss 47- 52.

3. Giáo Luật : Bí tích Hôn Nhân, Đ 1055-1057, - Săn sóc mục vụ Đ 1063-1067.

4. Sách Giáo Lý Công Giáo: Ý muốn của Thiên Chúa, s.372 – Hôn nhân trong ý định củ Thiên Chúa ss 1601-1602, Trong trật tự sáng tạo, 1603-1605, Nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly: 1610, 1616-1617.

5. Tài liệu khác: Hôn nhân giữa hai người đồng phái, một xúc phạm đến chương trình của Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét