Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG GIA ĐÌNH

“Mối tình huynh đệ được hình thành trong gia đình giữa con cái, nếu xảy ra trong một môi trường giáo dục rộng mở cho tha nhân, là trường học lớn về tự do và hòa bình. Trong gia đình, giữa anh chị em, chúng ta học cách chung sống giữa con người, như chúng ta phải sống trong xã hội.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 18 tháng 2 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về giá trị của tình huynh đệ trong gia đình..

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Trong cuộc hành trình giáo lý về gia đình của chúng ta, sau khi đã dề cập đến vai trò của người mẹ, người cha và con cái, hôm nay đến lượt các anh chị em. “Anh em” và “chị em” là những từ mà Kitô giáo yêu thích. Và, nhờ kinh nghiệm gia đình mà chúng cũng thành những từ mà tất cả mọi nền văn hóa và mọi thời đại đều hiểu.

Mối dây liên hệ huynh đệ có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân Thiên Chúa, là lịch sử nhận được sự mặc khải của Ngài giữa kinh nghiệm của nhân loại. Tác giả Thánh Vịnh ca tụng vẻ 

đẹp của mối tình huynh đệ “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” (Tv 132:1). Và điều này tốt đẹp biết bao! Đức Chúa Giêsu Kitô đem ngay cả kinh nghiệm là anh chị em của nhân loại này đến hoàn thành, bằng cách nhận nó vào tình yêu Ba Ngôi cùng củng cố nó để nó vượt qua những mối liên hệ họ hàng và có thể vượt qua mọi bức tường của sự xa lạ.

Chúng ta biết rằng khi mối liên hệ huynh đệ bị tiêu tan, thì nó mở đường cho những kinh nghiệm đau thương về tranh chấp, phản bội và hận thù. Câu chuyện trong Thánh Kinh về Cain và Abel là một thí dụ điển hỉnh của kết cuộc tiêu cực này. Sau cái chết của Abel, Thiên Chúa hỏi Cain, “Abel, em con ở đâu?” (St 4:9a). Đó là một câu hỏi mà Chúa tiếp lặp lại trong mỗi thế hệ. Và thật đáng buồn, trong mọi thế hệ, người ta cũng không ngừng lặp lại câu trả lời bi thảm của Cain: “Con không biết. Con là người giữ em con sao?” (St 4:9b). Việc cắt đứt mối tình huynh đệ giữa anh chị em là một điều rất tồi hại cho nhân loại. Ngay cả trong gia đình, có bao nhiêu anh chị em tranh chấp nhau vì những chuyện nhỏ nhặt, hoặc vì việc thừa kế, và sau đó không còn nói chuyện với nhau nữa, không còn chào hỏi nhau nữa. Điều này thật tồi hại! Tình huynh đệ là một điều cao quý khi chúng ta nghĩ rằng tất cả các anh chị em đã ở trong bụng của cùng một người mẹ chín tháng, tất cả đều từ nhục thể của mẹ! Và chúng ta không thể cắt đứt tình huynh đệ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: tất cả chúng ta đều biết những gia đình có những anh chị em bị chia rẽ, những anh chị em đã tranh chấp; chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các gia đình ấy - có lẽ trong gia đình chúng ta cũng có một số trường hợp như thế - để giúp anh chị em kết hợp với nhau, để cải tổ gia đình. Đừng để cho tình huynh đệ bị cắt đứt, và khi bị cắt đứt thì điều gì đã xảy ra cho Cain và Abel cũng sẽ xảy ra cho chúng ta. Khi Chúa hỏi Cain là em ông đang ở đâu thì ông trả lời: “Nhưng, con không biết, con không cần phải bận tâm về em con.” Điều này thật tệ, nó là một điều rất, rất đau đớn khi nghe thấy. Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta hãy luôn luôn cầu nguyện cho những anh chị em bị chia cách.Mối tình huynh đệ được hình thành trong gia đình giữa con cái, nếu xảy ra trong một môi trường giáo dục rộng mở cho tha nhân, là trường học lớn về tự do và hòa bình. Trong gia đình, giữa anh chị em, chúng ta học cách chung sống giữa con người, như chúng ta phải sống trong xã hội. Có lẽ chúng ta không luôn ý thức điều này, nhưng chính gia đình đưa tình huynh đệ vào thế giới! Từ kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi những tình cảm và sự giáo dục của gia đình, cách sống huynh đệ tỏa sáng như một lời hứa trên toàn thể xã hội và trên các mối liên hệ giữa các dân tộc.

Phúc lành mà Thiên Chúa đổ xuống trên mối dây huynh đệ này trong Đức Chúa Giêsu Kitô, làm cho nó bành trướng một cách không thể tưởng tượng được, làm cho nó có khả năng vượt qua tất cả những khác biệt về dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và ngay cả tôn giáo.

Anh chị em hãy nghĩ xem mối liên hệ giữa con người , dù rất khác nhau, sẽ trở nên cái gì khi họ có thể nói với nhau: “Người này thật sự như một anh em đối với tôi, người này cũng thật sự như một người chị chị em đối với tôi”! Và điều này tuyệt đẹp! Hơn nữa, lịch sử đã cho thấy cách đầy đủ rằng sự tự do và bình đẳng, nếu không có tình huynh đệ, có thể bị lấp đầy bằng chủ nghĩa cá nhân và xu thời, cùng tư lợi.

Tình huynh đệ trong một gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi chúng ta thấy sự ân cần, kiên nhẫn, tình thương bao bọc một đứa em trai hay em gái nhỏ yếu đuối, bệnh tật, hoặc tật nguyền. 

Có rất nhiều anh chị em đang làm điều này khắp nơi trên thế giới, và có thể chúng ta không thể hiểu thấu giá trị của lòng quảng đại của họ. Và khi có rất nhiều anh chị em trong một gia đình - hôm nay, tôi đã đón tiếp một gia đình có chín người con: người con lớn nhất giúp cha mẹ chăm sóc các em nhỏ. Và việc giúp đỡ nhau giữa các anh chị em là điều thật tốt đẹp.

Có một anh em, một chị em yêu thương mình là một kinh nghiệm sâu sắc, vô giá, không thể thay thế được. Điều này cũng xảy ra cho tình huynh đệ Kitô hữu. Những người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất, phải làm cho chúng ta nhạy cảm: họ có “quyền” bắt lấy linh hồn và con tim chúng ta. Phải, họ là anh chị em của chúng ta và chúng ta cũng phải yêu thương và đối xử với họ như vậy. Khi điều này xảy ra, khi những người nghèo cảm thấy tự nhiên như ở nhà, thì chính tình huynh đệ Kitô của chúng ta được sống trở lại. Thực ra, các Kitô hữu đi ra gặp gỡ những người nghèo khổ và yếu đuối không phải để thực thi một chương trình theo ý thức hệ, nhưng vì Lời Chúa và gương của Chúa bảo chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là anh em. Đây là nguyên tắc của tình yêu Thiên Chúa và của tất cả sự công bằng giữa con người. 

Tôi đề xin nghị một điều: trước khi kết thúc, tôi còn một vài dòng, trong im lặng mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ về anh em của mình, chị em của mình, và âm thầm cầu nguyện cho họ tận đáy long mình. Một phút cầu nguyện âm thầm.

Đó, với lời cầu nguyện này, chúng ta đã đem tất cả anh chị em, bằng tư tưởng và bằng con tim của mình, đến đây nơi quảng trường này để nhận được phép lành.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải mang tình huynh đệ vào trung tâm của xã hội kỹ thuật và quan liêu của chúng ta: rồi ngay cả tự do và bình đẳng cũng sẽ có được ngữ điệu thích đáng của chúng. Cho nên, chúng ta đừng nhẹ dạ vì kinh ngạc hay sợ hãi mà đánh mất vẻ đẹp của kinh nghiệm về một tình huynh đệ phong phú giữa con cái trong gia đình. Và chúng ta đừng đánh mất niềm tin vào chiều rộng của chân trời mà đức tin có thể rút ra từ kinh 
nghiệm này, được chiếu soi bởi phúc lành của Thiên Chúa.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

http://giaoly.org/vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét