Sứ điệp không thể lãng quên (phần 06)
Quả thật, Ta bảo với anh:
Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng
(Lc 23,43).
Lời thứ hai này của Chúa Giê-su nằm trong mạch văn nói về người gian phi sám hối (Lc 23, 39-43). Trước đó, Lu-ca diễn tả về hai nhóm người chế giễu và nhục mạ Chúa Giê-su (Lc 23, 35-38). Nhóm thứ nhất là những người thủ lãnh. Họ đã chế nhạo người: “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23, 35). Cũng thuộc về nhóm những người thủ lãnh, Mát-thêu nêu rõ ràng hơn, đó là các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục. Họ chế nhạo Chúa như sau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa!’” (Mt 27, 42-43).
Hùa theo các thủ lãnh, các lính tráng cũng nhục mạ Chúa, nhưng với cách thức khác. “Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”. Phía dưới đầu Người, có bản án viết: ‘Đây là vua người Do-thái’” (Lc 23, 36-38). Ngoài sự sỉ nhục của hai nhóm người này, Chúa Giê-su còn đón nhận một lời sỉ nhục, một lời thách thức của một người tử tội đang cùng bị đóng đinh, mà truyền thống thường nói là người trộm bên trái: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23, 39).
- Thử nhìn đến người trộm bên trái.
ĐHY Fulton đã có một cái nhìn rất sống động và mạnh mẽ về anh trộm bên trái này. Trước hết, ngài đã so sánh hai anh trộm bị đóng đinh chung với Chúa đều có tội, nhưng hai người lại nhìn sự đau khổ khác nhau: “Một thi sĩ đã viết: ‘Hai người ngồi tù cùng nhìn qua cửa sổ, một người nhìn thấy trăng sao, kẻ khác nhìn thấy bùn nhơ’. Cũng thế, trên thế gian, có những linh hồn nhìn bông hoa hồng và nói: ‘thật là khổ, trên cành hoa đầy gai’. Nhưng linh hồn khác: ‘thật là phấn khởi trên cành gai có những bông hoa’. Hai thái độ ấy biểu lộ sự khác nhau giữa kẻ trộm lành và dữ chịu đóng đanh cùng Chúa Giê-su trên ngọn đồi Calvario. Người trộm bên phải đại diện cho những ai nhìn đau đớn có ý nghĩa. Người bên trái không nhận ra có ý nghĩa gì, tức đau khổ không được thánh hóa.
Trước hết, chúng ta suy gẫm người bên trái: Hắn ta chịu đớn đau không nhiều hơn người bên phải, nhưng khởi sự và kết thúc cực hình của mình bằng lời nguyền rủa. Chẳng có giây phút nào hắn liên kết đau khổ của mình với Chúa Giê-su. Lời cầu xin tha thứ của Chúa không hiệu quả hơn một bóng chim bay…Bởi lẽ hắn không tiêu hóa được đớn đau và làm cho nó trở nên lương thực của linh hồn. Đó là nguyên nhân khiến hắn nguyền rủa Chúa, Đấng đáng lẽ là mục tử chăn dắt hắn vào thiên đàng bình an. Thế giới ngày nay đầy rẫy những con người như vậy. Đau khổ, cực hình chẳng có ý nghĩa nào cho họ. Không biết chi hết về ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su, nên họ không quan tâm làm cho đớn đau trở thành ích lợi…
Như vậy, bài học của người trộm bên tả Chúa Giê-su đã rõ ràng. Đau đớn tự nó không làm cho người ta khá hơn. Ngược lại có cơ hội làm người ta xấu hơn. Chẳng linh hồn nào trở nên tốt hơn nguyên chỉ vì hắn bị đau tai! Đau khổ không được thánh hóa chẳng làm cho con người tiến bộ, trái lại, làm cho hắn thoái hóa. Kẻ trộm bên tả Chúa không tốt hơn khi chịu đóng đinh. Nó làm cho hắn khô héo, cháy rụi và linh hồn mờ tối. Từ chối liên hệ đau khổ với bất cứ mục tiêu nào, đương sự cuối cùng chỉ nghĩ đến mình và đến những ai sẽ mang xác mình khỏi thập giá. Đó là điều những người mất đức tin vào Thiên Chúa thường làm. Đối với họ Chúa Giê-su trên thập giá chỉ là một biến cố trong lịch sử đế quốc Rôma. Chúa không phải là sứ giả của hy vọng, bằng chứng của tình yêu. Họ có được một dụng cụ quý giá trong tay mình, nhưng đã 5 phút trôi qua mà không thấy sự hữu ích của nó. Họ sống nhưng không hề tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Họ chẳng có mục tiêu để sống. Những đau khổ chỉ làm họ cay đắng, đầu độc họ, và cuối cùng cơ may to lớn của cuộc sống trượt mất khỏi bàn tay. Cánh cửa cứu rỗi khép lại sau lưng và giống như người trộm bên trái, họ tiến vào đêm tối không được chúc phúc”.[i]
Như thế, với ĐHY Fulton, người trộm bên trái đã không ý thức được trách nhiệm cho phần rỗi linh hồn của bản thân, anh ta chỉ nhìn mình và cái lợi trần thế cho mình, nghĩa là anh sợ hãi đau đớn, sợ hãi cái chết trước mắt, cuộc đời anh ta vẫn bám chặt vào trần thế này, đến nỗi đôi mắt thân xác và đôi mắt tâm hồn của anh mờ tối với đời sống mai hậu, mờ tối với Đấng Cứu Độ. Phần Chúa Giê-su, thì Ngài vẫn giữ vững tinh thần yêu thương và nhân hậu của Ngài, ngay trong hoàn cảnh Ngài bị sỉ nhục và chế diễu. Pagila chia sẻ như sau: “Chúa tha thứ và đón nhận người trộm lành bên phải, nhưng Chúa không bỏ rơi anh trộm ở bên trái và Ngài cũng không kết an anh ta. Từ ngữ ‘nghi ngờ’ một ai đó, ‘nghi ngờ’ nhóm người nào đó, hay ngay cả ‘nghi ngờ’ đối với một người tội lỗi nhất, không có chỗ trong ngôn từ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đến để gieo rắc mầm hy vọng vào trong trái tim của những người khổ đau, những người bị bỏ rơi, những người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, và những người đau khổ đến tận cùng bởi những thảm kịch không thể hiểu được. Đối với Chúa, không có bất cứ ai là không xứng đáng với Tin Mừng, với ơn cứu rỗi và với Nước Thiên Đàng. Ngược lại, tất cả chúng ta được tạo dựng nên để hưởng nước Thiên Đàng. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ là người kết án. Trong mọi sự chỉ có chúng ta tự mình bộc lộ ra, và tự mình tránh xa Thiên Chúa, tự mình từ chối lời mời của tình yêu, lời mời trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, và như thế chúng ta tự kết án mình. Từ các nguyên nhân rất rõ rệt này, chúng ta tự lãnh trách nhiệm thật lớn lao…Chúng ta phải có ý thức bộc lộ ra trách nhiệm lớn, nếu chúng ta muốn xếp đặt đời mình đúng thực sự theo tinh thần nhân bản, như chính Chúa mong ước. Thầy Do-thái giáo sống cùng thời với Chúa Giê-su là Hillel đã nói rằng: ‘Nếu thế giới này bất nhân, thì phần bạn – bạn hãy cố gắng là một con người đúng nghĩa’.”[ii]
Thật vậy, là một con người đúng nghĩa như anh trộm bên phải sám hối ăn năn, chứ không phải như anh trộm bên trái, người đã vô trách nhiệm và đui mù nói ra những lời chế nhạo và sỉ nhục Chúa. Những lời sỉ nhục này của anh ta cũng như của các nhóm người khác còn mang sự thách thức Chúa, và hơn nữa trong chiều sâu thì sự chế nhạo, sỉ nhục và thách thức này còn tiềm ẩn một câu hỏi dày vò chính họ. Đó là hai từ “tại sao”. Tại sao Chúa không chịu xuống khỏi thập giá? Tại sao Chúa lại không muốn chứng tỏ quyền lực của Chúa, nếu Chúa thực là Chúa?
- Hai chữ tại sao trước Thánh Giá Chúa.
Những người sỉ nhục không hiểu được tại sao Chúa Giê-su, Đấng đã từng làm nhiều phép lạ để cứu biết bao kẻ bất hạnh, giờ đây lại không cứu nổi mình. Nếu Ngài thực là Con Thiên Chúa, tại sao Ngài lại sẵn sàng chịu sỉ nhục như thế? Và tại sao Thiên Chúa không cứu Ngài? Ngoài nhóm người sỉ nhục Chúa, cũng có đám đông dân chúng đứng đó thương tiếc Chúa, đau cho Chúa. Có lẽ họ cũng hỏi tại sao Chúa lại đón nhận cái chết nhục nhã như thế. Trước những lời chế nhạo và sỉ nhục của nhiều nhóm người khác nhau, trước hai từ “tại sao” của nhiều hạng người gián tiếp hay trực tiếp đã đặt ra, Chúa Giê-su phản ứng như thế nào? Chúa có xuống khỏi Thánh Giá theo lời chế nhạo và sỉ nhục của họ không? Chúa có trả lời họ điều gì không?
Theo Đức Cố Hồng Y Martini, thì Chúa Giê-su có thể sẽ trả lời hai chữ tại sao như sau: “Con hãy suy nghĩ xem coi người ta coi Thầy là ai? Khuôn mặt Thiên Chúa mà họ vẽ lên mang dáng vẻ nào? Một vì Thiên Chúa như là một anh hùng thời đại, với chiến thắng, với vinh quang, với quyền lực chính trị, và chẳng sợ chi tới bạo lực, miễn là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ mà thôi? Còn với Thầy, thì khuôn mặt Thiên Chúa chỉ còn là một Thiên Chúa đón nhận sự yếu đuối của mình, đón nhận những đau đớn người ta chất lên vai mình. Một Thiên Chúa can đảm tự ‘đặt mình’ vào sự tự do của con người, để họ muốn làm gì Ngài thì làm. Như vậy, làm sao Thầy có thể xuống khỏi Thánh Giá được. Xuống khỏi Thánh Giá không phải là chiến thắng đâu! Thầy đã được Cha trao phó cho sứ mạng đem lại Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn người. Hôm nay, Thầy cần thi hành sứ mạng này cách trọn vẹn. Vì thế, dù con người có nghĩ gì, dù con người có thất vọng về Thầy, về Thiên Chúa, thì Thầy cũng không rời khỏi Thánh Giá. Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa vô biên. Vì vậy, Thầy cũng không thể tự nói với mình rằng: ‘Ta đã đến để cứu độ, đã thử biết bao nhiêu phương cách để hoán cải và chuộc lại con người. Nhưng chúng rất cứng đầu. Bây giờ đã đủ rồi. Cố gắng của Ta đã chấm dứt. Ta sẽ làm cho chúng coi quyền lực của Ta lớn hơn tội lỗi của chúng, và sự chết không thể rờ đến Ta’.”[iii]
Chúa Giê-su vẫn nằm đó trên Thánh Giá! “Chúa không xuống khỏi Thánh Giá, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian cho điều đó, là bị đóng đinh vào Thánh Giá cho chúng ta. Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Ôi một lời yếu tin biết bao”.[iv] Trước lời thách thức yếu lòng tin đó, Chúa không bị lay chuyển, Ngài chẳng nói năng chi, chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả. Ngài không xuống khỏi Thánh Giá như nhiều người thách thức, và Ngài cũng không đáp lời họ. Đó là một thái độ thật tuyệt vời của Chúa Giê-su. Không cần hao công tốn sức với những lời sỉ nhục mang tính bất nhân và hiểm ác, nghĩa là không để cho những lời đó có ảnh hưởng gì trên Ngài, ảnh hưởng trên sứ mạng mà Ngài nhận được từ Cha trên trời. Sứ mạng của lòng nhân hậu giành cho những tâm hồn biết ăn năn như người trộm lành.
[i] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[ii] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.30-31.
[iii] MARTINI, C.M., Seht, welch ein Mensch, Herder Verlag, Freiburg 1999, t. 152.
[iv] Marc commenté par Jérome et Jean Chrysostome, traduites par Marie-Hélène Stébé et Marie-Odile Goudet, Editions Desclée de Brouwer, Paris 1986, t.153.
http://www.thanhlinh.net/node/85455
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét