Trang

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Phương pháp giảng dạy của Đức Phanxicô

Phương pháp giảng dạy của Đức Phanxicô

Một trong các điểm mạnh trong các lời giảng dạy của Đức Phanxicô là đơn giản, tìm cách để người nghe dễ nắm vững các điều ngài giảng dạy và do đó, dễ nhớ, dễ đem ra áp dụng. Ngài đặc biệt muốn các giảng viên giáo lý áp dụng phương pháp này. Bởi thế trong loạt bài nói về phương pháp giảng dạy của Đức Phanxicô, trước nhất, chúng tôi mời độc giả nghe chính bài nói chuyện của ngài với các giảng viên giáo lý tham dự Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý Quốc Tế tại Rôma ngày 27 tháng Chín năm 2013. Trong bài nói chuyện này ngài đặc biệt giới thiệu phương pháp ba điểm hết sức cổ điển của Dòng Tên. Ngoài ra, nhân các lời giảng dạy của ngài mà một số người cho là cấp tiến, khó nghe, chúng tôi xin trình bầy một khía cạnh khác trong phương pháp giảng dạy của Đức Phanxicô: lúc nào, ngài cũng dựa vào Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.

1. Bài nói chuyện với Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý Quốc Tế năm 2013

Các giảng viên giáo lý thân mến, chào các con!

Cha rất vui khi cuộc tụ họp này được tổ chức cho Năm Đức Tin. Giáo Lý là cột trụ của việc giáo dục đức tin và chúng ta cần các giảng viên giáo lý tốt! Cha cám ơn các con về việc các con phục vụ cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Ngay trong các thời điểm khó khăn và đòi phải làm việc nhiều, và dù kết quả không luôn như điều ta hy vọng, giảng dạy đức tin là một điều tốt đẹp! Có lẽ đây là di sản tốt nhất ta có thể truyền lại: đức tin! Giáo dục về đức tin, làm nó lớn lên. Giúp các em nhỏ, các người trẻ và người lớn biết và mến Chúa mỗi ngày một hơn là một trong các khía cạnh hứng thú nhất của giáo dục. Nó xây đắp Giáo Hội! “Là” giảng viên giáo Lý! Không “làm việc” như giảng viên giáo lý: việc này không ích lợi gì. Tôi làm việc như một giảng viên giáo lý vì tôi thích dạy [giáo lý]… Nhưng nếu không “là” giảng viên giáo lý, thì các con chẳng ích lợi gì! Các con sẽ không thành công… các con không đem lại hoa trái gì! Giáo lý là một ơn gọi: “là một giảng viên giáo lý”, đó là một ơn gọi, chứ không phải làm việc như một giảng viên giáo lý. Bởi thế, các con hãy ghi nhớ: cha không nói phải làm công việc của giảng viên giáo lý, nhưng phải “là” các giảng viên giáo lý, vì đây là một điều bao trùm trọn cả cuộc sống ta. Nó có nghĩa dẫn người ta tới gặp gỡ Chúa Kitô bằng lời và bằng cuộc sống ta, qua việc làm chứng. Các con hãy nhớ điều Đức Bênêđíctô từng nói: “Giáo Hội không phát triển nhờ việc cải đạo (proselytizing); Giáo Hội phát triển nhờ việc lôi cuốn người khác”. Và điều lôi cuốn người ta chính là chứng tá của ta. Là giảng viên giáo lý có nghĩa làm chứng cho đức tin, nhất quán trong cuộc sống bản thân của ta. Điều này không dễ! Ta giúp, ta dẫn người khác tới Chúa Giêsu bằng lời nói và cuộc sống ta, bằng chứng tá của ta. Cha thích nhắc lại điều thánh Phanxicô thành Assidi hay nói với các tu sĩ của ngài: “Hãy luôn rao giảng Tin Mừng; nếu cần, dùng lời lẽ”. Lời sẽ đến… nhưng chứng tá phải đến đầu tiên: người ta nên nhìn thấy Tin Mừng, đọc Tin Mừng trong cuộc sống ta. “Là” giảng viên giáo lý đòi phải có tình yêu, một tình yêu luôn lớn hơn đối với Chúa Giêsu, một tình yêu đối với dân thánh của Người. Và tình yêu này không thể mua ở các cửa tiệm, dù là tại Rôma. Tình yêu này phát xuất từ Chúa Kitô! Nó là hồng ân của Chúa Kitô! Và nếu phát xuất từ Chúa Kitô, nó cũng khởi đầu với Chúa Kitô, và ta cũng cần khởi đầu mới mẻ với Chúa Kitô, từ tình yêu Người dành cho ta. Khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô có nghĩa gì đối với một giảng viên giáo lý? Đối với chúng con, nhưng cũng đối với cả cha nữa, vì cha cũng là một giảng viên giáo lý? Vậy nó có nghĩa gì?

Cha sẽ nói về ba điều: một, hai, ba, theo cách của các tu sĩ Dòng Tên thời xưa… oẳn, tù, tì!!

1. Trước nhất, [oẳn!], khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô nghĩa là gần gũi với Người, gần gũi với Chúa Giêsu, chính Người nhấn mạnh tới sự quan trọng của điều này với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, khi Người chuẩn bị ban cho ta hồng phúc tình yêu lớn nhất của Người, là hy sinh trên Thánh Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành mà nói: các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy luôn gắn bó với Thầy, như cành gắn bó với cây nho. Nếu chúng ta kết hợp với Người, thì chúng ta sẽ có khả năng đâm trái đâm bông. Đó là ý nghĩa của việc gần gũi Chúa Kitô. Hãy ở trong Chúa Giêsu! Điều này có nghĩa liên tục gắn bó với Người, ở trong Người, ở với Người, chuyện vãn với Người. Hãy ở trong Chúa Giêsu!

Đối với một môn đệ, điều đầu tiên là ở với Thầy mình, lắng nghe Người và học ở Người. Điều ấy đúng và đúng ở mọi thời điểm đời ta. Cha còn nhớ, trong giáo phận, giáo phận kia cơ, tức giáo phận cha phụ trách đầu tiên, cha thường thấy các giảng viên giáo lý kết thúc khóa huấn luyện bằng câu “con có tước giảng viên giáo lý rồi!”. Điều này vô nghĩa, bạn chẳng có gì cả, bạn đã hành trình bao nhiêu đâu. Nó có ích gì cho bạn đâu? Điều sau mới đúng. Là giáo lý viên không phải là một cái tước, nó là một thái độ: ở trong Người, và điều này mới kéo dài cả đời người. Cha hỏi các con: các con ở trước nhan Chúa như thế nào? Khi các con viếng Chúa, khi các con ngắm nhìn nhà tạm, các con làm gì? Không nói gì cả… “Nhưng con có nói, con nói, con suy nghĩ, con suy niệm, con lắng nghe…” Rất tốt! Nhưng các con có để Chúa ngắm các con không? Để Chúa ngắm chúng ta. Người nhìn chúng ta và điều này tự nó đã là một cách cầu nguyện rồi. Các con có để Chúa ngắm các con không? 

Nhưng các con làm điều trên cách nào? Các con nhìn nhà tạm và các con để Chúa ngắm… Đơn giản thế thôi! “Làm thế hơi tẻ nhạt, con phát buồn ngủ”. Thì cứ ngủ đi, ngủ đi! Người vẫn ngắm các con. Nhưng các con hãy biết chắc rằng Người đang nhìn các con! Điều này quan trọng hơn việc có tước giảng viên giáo lý. Nó là một phần của việc “là” giảng viên giáo lý. Điều này làm ấm tâm hồn ta, đốt lên ngọn lửa thân hữu với Chúa, làm các con cảm thấy Người thực sự nhìn các con, Người gần gũi các con và yêu thương các con. Ở Rôma này, nhân một cuộc viếng thăm của cha, trong Thánh Lễ, một người đàn ông còn rất trẻ đến gặp cha mà nói “Thưa cha, gặp cha quả là tuyệt, nhưng con không tin gì cả! Con không có hồng ân đức tin!”. Nhưng anh ta hiểu đức tin là một hồng ân. “Con không có hồng ân đức tin! Cha có gì để nói với con đây?” “Con đừng ngã lòng. Thiên Chúa yêu thương con. Cứ để cho Người ngắm con! Không cần làm gì khác”. Và đó là điều cha muốn nói với các con: Hãy để Chúa ngắm các con! Cha hiểu đối với các con điều này không dễ; nhất là đối với những người đã kết hôn và có con cái, quả là khó mà tìm được một khoảng thời gian dài để yên tĩnh. Ấy thế nhưng, tạ ơn Chúa, không cần mọi người phải hành động cùng một lối như nhau. Trong Giáo Hội, có hàng loạt các ơn gọi và linh đạo khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra lối thích đáng nhất để các con ở với Chúa, và điều đó ai cũng có thể làm được; bất cứ sống bậc sống nào. Bây giờ, mỗi người các con có thể hỏi: con làm sao cảm nghiệm được việc “ở” với Chúa Giêsu? Đây là một câu hỏi cha để các con (tự trả lời): “tôi làm sao cảm nghiệm được việc ở lại với Chúa Giêsu, ở trong Chúa Giêsu? Tôi có tìm được thì giờ để ở trước mặt Người, trong im lặng, để Người ngắm tôi không? Tôi có để ngọn lửa của Người sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu sự ấm áp của Thiên Chúa, của tình yêu Người, của sự dịu dàng của Người không hiện diện trong tâm hồn ta, thì làm sao ta, những kẻ tội lỗi, lại có thể sưởi ấm tâm hồn người khác? Các con hãy nghĩ tới điều đó!

2. Yếu tố thứ hai, tù!, là: khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô nghĩa là bắt chước Người bằng cách để mình lại phía sau và ra đi gặp gỡ người khác. Đây là một cảm nghiệm đẹp đẽ, nhưng khá nghịch lý. Tại sao? Vì khi ta đặt Chúa Kitô vào tâm điểm đời ta, ta không còn trở thành tâm điểm nữa! Các con càng kết hợp với Chúa Kitô và Người càng trở nên tâm điểm đời các con, Người càng dẫn các con ra khỏi các con, dẫn các con ra khỏi việc biến các con thành tâm điểm và mở lòng các con cho người khác. Đây quả là năng động tính đích thực của tình yêu, đây là chuyển động của chính Thiên Chúa! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Người luôn là tự hiến, liên hệ, yêu thương tự ý cho đi… và đó là điều ta sẽ trở nên nếu ta tiếp tục kết hợp với Chúa Kitô. Người sẽ lôi cuốn ta vào tính năng động của tình yêu này. Nơi có sự sống thực trong Chúa Kitô, nơi phát sinh ra sự cởi mở đối với người khác, và do đó có việc ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác nhân danh Chúa Kitô. Và đó là công việc của giảng viên giáo lý: không ngừng ra đi gặp gỡ người khác vì yêu thương, làm chứng cho Chúa Giêsu và nói về Chúa Giêsu, công bố về Người. Điều này quan trọng vì Chúa cũng đã làm thế: chính Chúa đã thúc đẩy chúng ta ra đi. 

Trái tim giảng viên giáo lý luôn đập với chuyển động tâm thu (systolic) và tâm trương (diastolic) này: kết hợp với Chúa Kitô và gặp gỡ người khác. Cả hai điều ấy: tôi là một với Chúa Giêsu và tôi ra đi gặp gỡ người khác. Nếu thiếu một trong hai chuyển động này, trái tim sẽ không đập nữa, nó sẽ không sống được nữa. Trái tim giảng viên giáo lý nhận được hồng phúc sơ truyền (kerygma), thì ngược lại, nó phải hiến tặng điều ấy cho người khác như một hồng phúc. Cái chữ “hồng phúc” nhỏ nhoi này tuyệt xiết bao! Người giảng viên giáo lý ý thức mình đã nhận được một hồng phúc, hồng phúc đức tin, thì đến lượt họ, họ phải cho người khác hồng phúc ấy. Đây quả là một điều đẹp đẽ. Ta sẽ không giữ dù là một phần trăm cho riêng mình! Nhận được bất cứ điều gì, ta phải cho đi! Đây không phải là thương mại! Đây không phải là kinh doanh! Nó là hồng phúc nguyên tuyền: một hồng phúc nhận được và một hồng phúc cho đi. Và người giảng viên giáo lý ở ngay đó, ở ngay tâm điểm của việc trao đổi các hồng phúc này. Đó cũng chính là bản chất của sơ truyền: sơ truyền là hồng phúc phát sinh truyền giáo, thúc đẩy ta ra khỏi chính mình. Thánh Phaolô nói rằng “Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta”, nhưng “việc thúc đẩy” này cũng có thể phiên dịch là “chiếm hữu ta”. Và đúng như thế: tình yêu lôi cuốn ta và sai ta ra đi; nó kéo ta vào và ban ta cho người khác. Sự căng thẳng này là biểu hiệu của trái tim người Kitô hữu, nhất là trái tim người giảng viên giáo lý. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình: có phải đây là điều khiến trái tim đập như một giảng viên giáo lý: kết hợp với Chúa Kitô và gặp gỡ người khác? Với chuyển động của “tâm thu và tâm trương”? Ta có được nuôi dưỡng bằng mối liên hệ của ta với Chúa để ta đem Người tới cho người khác, chứ không giữ lấy cho chính ta không? Cha cho các con hay, cha không hiểu làm thế nào một giảng viên giáo lý lại có thể ngồi một chỗ (stationary), mà không chuyển động như thế. Cha không hiểu!

3. Yếu tố thứ ba, tì ! là như thế này: khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô nghĩa là không sợ cùng đi với Người ra các vùng ngoại biên. Ở đây, cha nghĩ tới câu truyện tiên tri Giôna, một nhân vật thực sự đáng lưu ý, nhất là đối với thời có những thay đổi và bất trắc lớn lao như ngày nay. Giôna là một người đạo hạnh, có một nếp sống thanh thản và ngăn nắp khiến ông có lối nhìn rõ ràng đối với sự vật và phán đoán mọi sự và mọi người theo lối nhìn đó. Ông hình dung sẵn hết: đây là sự thật! Quá cứng cỏi! Do đó, khi Chúa gọi ông và bảo ông ra đi giảng dạy Thành Ninivê, một thành ngoại giáo, Giôna không thích. “Đến đó ư? Nhưng ở đây, tôi có trọn sự thật mà!” Ông không thích đi. Ninivê nằm ngoài vùng thoải mái của ông; nó nằm ở ngoại biên thế giới. Nên ông bỏ trốn, lên đường qua Tây Ban Nha; ông chạy trốn và đáp tầu qua đó. Các con hãy đi đọc lại Sách Giôna! Sách này ngắn thôi, nhưng đây là một dụ ngôn đầy tính giáo huấn, nhất là đối với chúng ta trong Giáo Hội.

Tất cả các chi tiết trên dạy ta điều gì? Chúng dạy ta đừng sợ vượt qua vùng thoải mái của ta để bước chân theo Chúa, vì Chúa luôn thúc đẩy, luôn thúc ép ta tiến bước. Nhưng các con có biết điều này không? Chúa không sợ! Các con có hiểu điều đó không? Người không sợ. Người luôn lớn hơn lối nhìn sự việc của chúng ta! Chúa không sợ các vùng ngoại biên. Nếu các con ra các vùng ngoại biên, các con sẽ thấy Người ở đó. Chúa luôn trung tín và sáng tạo. Nhưng, thực sự, liệu có giáo lý viên nào mà lại không có tinh thần sáng tạo đâu? Tính sáng tạo là điều nâng đỡ các giảng viên giáo lý chúng ta. Chúa là Đấng sáng tạo, Người không khép kín, và do đó, Người không bao giờ cứng ngắc. Thiên Chúa không cứng ngắc! Người đón chào chúng ta; Người gặp gỡ chúng ta; Người hiểu chúng ta. Trung thành, sáng tạo; ta cần khả năng biết thay đổi. Thay đổi! Nhưng tại sao tôi phải thay đổi? Để tôi thích ứng với các hoàn cảnh trong đó, tôi phải công bố Tin Mừng. Muốn gần gũi Thiên Chúa, ta cần biết cách lên đường, ta không được sợ lên đường. Nếu một giảng viên giáo lý đầu hàng sợ sệt, thì họ là một người nhát đảm. Nếu một giảng viên giáo lý dễ dãi với sợ sệt, thì kết cục họ sẽ trở thành một bức tượng trong viện bảo tàng. Chúng ta có cả hàng đống những thứ này! Xin các con làm ơn, đừng chất thêm những bức tượng như thế nữa vào viện bảo tàng! Nếu một giáo lý viên mà cứng ngắc, họ sẽ khô héo và tàn tạ. Cha hỏi các con: có ai trong các con muốn làm người nhát đảm, một bức tượng trong viện bảo tàng, khô héo và tàn tạ không? Có phải đó là điều các con muốn không? [các giảng viên giáo lý thưa: không]. Không sao? Các con có chắc chắn không? Tốt! Cha sẽ nói lại một điều cha vốn đã nói nhiều lần trước đây, nhưng nó phát xuất từ trái tim cha. Bất cứ khi nào, chúng ta, người Kitô hữu, tự khép kín mình trong các nhóm của mình, trong các phong trào của mình, trong các giáo xứ của mình, trong các thế giới nhỏ bé của mình, ta sẽ mãi khép kín và điều xẩy ra cho ta cũng là điều xẩy ra cho bất cứ điều gì bị khép kín: khi căn phòng khóa kín, nó bắt đầu ẩm ướt. Nếu ai bị khóa kín trong căn phòng như thế, họ sẽ bị bệnh! Bất cứ khi nào người Kitô hữu khép kín trong các nhóm, các giáo xứ hay các phong trào của mình, họ sẽ lâm bệnh. Nếu một Kitô hữu ra ngoài phố, hay ra các khu ngoại biên, họ dám gặp cùng những điều thông thường vẫn xẩy ra cho bất cứ ai ở ngoài đó: tai nạn. Ta thường thấy biết bao tai nạn trên đường phố! Nhưng cha bảo các con: cha thích một Giáo Hội bầm tím ngàn lần nhiều hơn một Giáo Hội bệnh hoạn! Một Giáo Hội, một giảng viên giáo lý, có can đảm liều bước ra ngoài, chứ không phải một giáo lý viên chăm chỉ, biết mọi sự, nhưng luôn khép kín: người như thế không khỏe. Và đôi khi không khỏe cả ở trong đầu… 

Nhưng xin các con cẩn thận! Chúa Giêsu không nói: Ra ngoài và muốn làm gì thì làm, tùy ý. Không! Đó không phải là điều Người nói. Điều Chúa Giêsu nói là: Hãy đi, vì Thầy ở với các con! Đó là điều rất đẹp đối với chúng ta; đó là điều hướng dẫn chúng ta. Nếu ta ra ngoài, mang theo Tin Mừng của Người trong yêu thương, trong tinh thần tông đồ đích thực, trong parrhesia (mạnh dạn), thì Người sẽ bước đi với chúng ta, bước trước chúng ta, Người sẽ đến đó trước nhất. Như chúng tôi thường nói trong tiếng Tây Ban Nha primerea (người đến trước nhất). Đến đây, các con biết cha muốn nói gì. Cũng cùng là điều Sách Thánh dạy chúng ta. Trong Sách Thánh, Chúa dạy: Ta như hoa hạnh nhân. Tại sao? Vì đó là hoa đầu tiên nở trong mùa xuân. Người luôn là người thứ nhất! Đây là điều nền tảng đối với chúng ta: Thiên Chúa luôn ở trước ta! Khi ta nghĩ tới việc đi xa, tới những khu tận cùng ngoại biên, ta hơi sợ sệt, nhưng thực ra, Chúa đã ở đó rồi. Chúa Giêsu đang chờ ta trong trái tim anh chị em ta, trong thân xác đầy thương tích của họ, trong các khó nhọc của họ, trong cảnh thiếu đức tin của họ. Nhưng xin để cha cho các con hay một trong các “vùng ngoại biên” làm tan nát tâm hồn cha. Nó xẩy ra tại giáo phận đầu tiên của cha. Đó là các trẻ em đến thánh giá cũng không biết làm. Ở Buenos Aires, có rất nhiều trẻ em không biết làm dấu thánh giá. Đó là một trong các “khu ngoại biên”! Nhưng Chúa Giêsu đã ở đó, chờ các con tới giúp đứa trẻ đó làm dấu thánh giá. Người luôn ở đó trước nhất.

Các giảng viên giáo lý thân mến, cha đã đưa ra ba điểm. Các con hãy luôn khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô! Cha cám ơn các con về mọi điều các con đang làm, nhưng trên hết, vì các con là thành phần của Giáo Hội, dân lữ hành của Thiên Chúa, và các con đồng hành với dân Chúa trong cuộc lữ hành này. Chúng ta hãy luôn ở với Chúa Kitô, ở trong Chúa Kitô, và hãy cố gắng trở nên một với Người. Chúng ta hãy bước theo Người, hãy bắt chước Người trong chuyển động yêu thương của Người, trong việc Người ra đi gặp gỡ nhân loại. Chúng ta hãy ra đi và mở cửa. Chúng ta hãy mạnh dạn đánh dấu các nẻo đường mới để công bố Tin Mừng.

Xin Chúa chúc lành cho các con và xin Mẹ Diễm Phúc ở bên cạnh các con luôn luôn. Cha cám ơn các con! Đức Maria là Mẹ chúng ta, Đức Maria luôn dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu! Ta hãy đọc cho nhau một kinh kính Đức Mẹ [Kính mừng Maria], [Phép lành] Cha cám ơn các con rất nhiều!

II. Phương pháp ba điểm của Đức Phanxicô


Linh mục James V. Schall, Dòng Tên, chú ý tới phương pháp ba điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài huấn giáo của ngài, mà rõ ràng nhất là trong bài nói chuyện của ngài với Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý Quốc Tế năm 2013 tại Rôma, mà chúng ta đã trích dẫn trên đây.

Cha Schall đồng ý với Đức Phanxicô ở điểm phương pháp của các tu sĩ Dòng Tên xưa là luôn chia bài nói chuyện của họ làm ba phần. Và theo cha, gần như nói gì, Đức Phanxicô cũng chia làm ba phần. Bài nói chuyện với Đại Hội Giảng Viên Giáo Lý thế giới cũng thế. 

Phần đầu, ngài nói tới việc khởi đầu từ Chúa Kitô là phải gần gũi với Người, ở lại trong tình yêu của Người, học hỏi nơi Người, để Người ngắm ta, không cần nói. Để Người sưởi ấm cõi lòng ta. Không có hơi ấm của Người, kẻ tội lỗi như ta làm sao sưởi ấm lòng người khác? 

Phần thứ hai, ngài nói tới việc mô phỏng Chúa Kitô, ra khỏi con người mình và gặp gỡ người khác. Vì Thiên Chúa luôn cho đi. Ta tiếp nhận nhưng không hồng ân đức tin, đến lượt ta, ta phải cho người khác hồng ân đức tin ấy. Như trái tim con người đập theo hai nhịp tâm thu (systolic) và tâm trương (diastolic) thế nào, trái tim giảng viên giáo lý cũng thế, đập theo hai nhịp cùng một lúc: lấy Chúa làm trung tâm và ra đi gặp gỡ người khác.

Phần thứ ba, ngài đề cập tới việc ra các khu ngoại biên, ra khỏi vùng thoải mái của mình, một việc thường gây sợ sệt. Nhưng giảng viên giáo lý không sợ, vì Chúa luôn ở đó trước chúng ta. Dù trong bất cứ hoàn cảnh tan nát cõi lòng nào, đáng thất vọng bao nhiêu, Chúa cũng vẫn ở đó trước ta! Chúa chờ ta ở đó, dù chỉ là để dạy một em bé làm dấu thánh giá. 

Jared Dees cũng lưu ý tới phương pháp ba điểm của Đức Phanxicô trong các bài giảng và diễn văn của ngài: ngài chú trọng tới 3 chữ, 3 vấn đề hay 3 ý tưởng, một phương pháp mà theo ông, mọi thầy cô, mọi giảng viên giáo lý và các nhà truyền thông đều có thể sử dụng.

Ông đưa ra rất nhiều điển hình. Thứ nhất, ngay trong bài giảng đầu tiên với các vị Hồng Y ngày được bầu, ngài đã chú trọng tới 3 chữ: hành trìnhtuyên xưng và xây dựng.

Ba chữ trong Ánh Sáng Đức Tin

Cũng 3 chữ trên đã xuất hiện như một điệp khúc trong thông điệp đầu tiên của ngài, đó là thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei): hành trình, tuyên xưng, xây dựng. 

Hành Trình

Trong tất cả các chủ đề được lặp đi lặp lại trong các trước tác và diễn văn của Đức Phanxicô, ý tưởng hành trình là nổi hơn cả. Thí dụ, trong bài nói chuyện với các giám mục Ba Tây tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngài nói tới câu truyện hai môn đệ trên đường Emmau và khuyến khích các nhà lãnh đạo Giáo Hội hãy cùng bước đi với người khác trong hành trình của họ: “Ta cần một Giáo Hội có khả năng bước đi cạnh người ta, biết làm nhiều hơn là chỉ lắng nghe họ; một Giáo Hội đồng hành với họ trong cuộc hành trình của họ…”. 

Trong Ánh Sáng Đức Tin (ASĐT), ngài sử dụng hình ảnh hành trình để giải thích lý do tại sao ta cần tới ánh sáng đức tin. Ánh sáng này giúp ta thấy đường đi phía trước. Không có đức tin, ta đi trong bóng tối. “Những ai tin, đều thấy; họ thấy bằng ánh sáng chiếu rọi trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Kitô sống lại, là sao mai không hề bao giờ lặn” (ASĐT, số 1).

Theo Đức Phanxicô, đức tin không còn được người ta coi như ánh sáng cho cuộc hành trình mà như việc thiếu ánh ánh sáng, những bước nhẩy của ánh sáng do xúc cảm mù quáng và ý kiến chủ quan hướng dẫn. Trong Ánh Sáng Đức Tin, mục đích của ngài là phục hồi ánh sáng trở lại với cái hiểu đúng đắn của nó trong cuộc hành trình của ta, nếu không, đối với những người không hướng về ánh sáng đức tin, cuộc hành trình sẽ rất khó khăn. 

"Thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; ta không thể phân biệt được tốt và xấu, hay con đường dẫn tới đích và những con đường đưa ta đi luẩn quẩn bất tận, không đi tới đâu" (ASĐT số 3).

Thay vào đó, đức tin cung cấp cho ta một viễn kiến. Giúp ta nhìn thấy:

"Thị giác cung cấp viễn kiến cho khắp hành trình và giúp định vị hành trình trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa; không có viễn kiến này, ta chỉ còn lại những phần không nối kết với nhau của một toàn bộ không ai biết đến" (ASĐT số 29). 

"Đức tin không phải là thứ ánh sáng tản mạn khắp trong đêm tối của ta, mà là ngọn đèn hướng dẫn bước ta đi trong đêm đen và đủ cho cuộc hành trình" (ASĐT số 56). 

Tuyên xưng

Trong chương 3 của Ánh Sáng Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho ta cái nhìn tóm lược về Kinh Tin Kính, lời tuyên xưng đức tin của ta, và các khía cạnh khác của đức tin ta. Ngài sử dụng 4 phần trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo để trình bày một cái hiểu nền tảng về kinh tin kính, các bí tích, việc cầu nguyện và luân lý. Trong chương này, ngài cũng đề cập tới bốn đặc điểm của Giáo Hội, được dùng kết thúc Kinh Tin Kính Nixêa. 

Chính trong phần này, ngài tập chú vào chữ thứ hai, tức tuyên xưng. Ngài đưa ra một nhận định đáng lưu ý về việc tuyên xưng đức tin, qua hai điểm chủ yếu: 1) khi tuyên xưng đức tin, ta làm nhiều hơn là chỉ thuận theo các tín lý và 2) tuyên xưng đức tin thay đổi ta vì nó giúp ta bước vào mầu nhiệm được ta tuyên xưng. 

Đặc biệt, khi viết về kinh tin kính, ngài nói: 

"Kinh tin kính không những bao hàm việc ta nhất trí với một bộ chân lý trừu tượng; đúng hơn, khi ta đọc nó, toàn bộ đời ta được cuốn hút vào một mầu nhiệm hướng tới việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa hằng sống. Ta có thể nói được rằng trong kinh tin kính, các tín hữu được mời gọi bước vào mầu nhiệm được họ tuyên xưng và được nó biến đổi. 

"Tín hữu tuyên xưng đức tin của mình được hội nhập, có thể nói như thế, vào sự thật đang được tuyên xưng. Họ thực sự không thể đọc lời lẽ của kinh tin kính mà lại không được thay đổi…" (ASĐT số 45). 

Ta được thay đổi, vì ta tham dự vào lịch sử lâu dài của việc hợp nhất với Thiên Chúa. Ta đáp lại hồng ân yêu thương của Thiên Chúa một cách thích đáng, theo cung cách được Giáo Hội truyền lại. 

Đức tin là điều được nghe. Nó được người khác truyền lại và chia sẻ với ta, và do đó, ta cũng tuyên xưng đức tin thành lời, để người khác nghe thấy. 

"Lời của Chúa Kitô, một khi được nghe thấy, do chính sức mạnh bên trong của nó làm việc trong tâm hồn Kitô hữu, sẽ trở thành một đáp trả, một lời được nói lên, một tuyên xưng đức tin. Như Thánh Phaolô từng nói 'ta tin trong lòng… và tuyên xưng ngoài miệng' (Rm 10:10). Đức tin không phải là việc tư riêng, một ý niệm hoàn toàn có tính cá nhân chủ nghĩa hay một ý kiến cá nhân: nó phát xuất từ việc nghe, và nó muốn được phát biểu thành lời và được tuyên xưng" (ASĐT số 22). 

Xây dựng

Phần lớn người Công Giáo sống tại các nước nói tiếng Anh quen thuộc với bài thánh ca nổi tiếng “Let Us Build the City of God” (Ta Hãy Xây Dựng Thánh Thánh Thiên Chúa). Đây chính là chủ đề được Đức Phanxicô tập chú ở chương chót của Ánh Sáng Đức Tin.

"Đức tin không chỉ được trình bày như một cuộc hành trình, mà còn như một diễn trình xây dựng, chuẩn bị một nơi để con người nhân bản có thể cư ngụ với nhau" (ASĐT số 50).

Trọng điểm của ngài là gì? Đức tin là một thiện ích chung cho toàn thể nhân loại, không riêng cho người Kitô hữu như thể họ tách biệt với thế giới. Đức tin là một hồng phúc nhận được, được tuyên xưng và chia sẻ với người khác. Đức Thánh Cha viết:

"Đức tin thực sự là một thiện ích đối với mọi người; nó là thiện ích chung. Ánh sáng của nó không chỉ chiếu rõi nội thất Giáo Hội, cũng không phục vụ duy một việc xây dựng thành thánh vĩnh cửu ở đời sau; nó còn giúp ta xây dựng các xã hội của ta một cách giúp chúng cùng hành trình hướng về một tương lai đầy hy vọng" (ASĐT số 51). 

Đức tin giúp ta nhận ra phẩm giá người khác, thấy họ như một chúc phúc: 

"Đức tin dạy ta nhận ra mọi người nam nữ đều tượng trưng cho một phúc lành đối với tôi, ánh sáng nhan thánh Thiên Chúa chiếu rõi trên tôi qua gương mặt anh chị em tôi.

"Biết bao ơn phúc đã được cái nhìn của đức tin Kitô Giáo mang tới cho kinh thành con người vì cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, ta tiến tới chỗ hiểu được phẩm giá độc đáo của từng người, một điều ít khi được nhận rõ ở thời thượng cổ" (ASĐT số 54). 

Ba chữ trong các bài nói nổi tiếng của Đức Phanxicô

Ngoài ra, Jared Dees còn liệt kê 3 chữ hay 3 ý tưởng chủ yếu của Đức Phanxicô trong nhiều bài nói chuyện khác:

1) Chúa Nhật Hiện Xuống năm 2013: Mới mẻ, Hoà Hợp, Sứ Mệnh.

2) Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013: Ra đi, Đừng Sợ Hãi, Phục Vụ.

3) Bài giảng về đề phòng ma quỉ: 3 tiêu chuẩn:
* Chúa Giêsu đánh ma quỉ.
* Ai không đi với Chúa Giêsu là chống lại Người.
* Tỉnh táo canh giữ tâm hồn ta vì ma quỉ rất tinh quái


4) Diễn văn với tuổi trẻ Giáo Phận Piacenza: đẹp, tốt, thực (mỹ, thiện, chân).

5) Diễn văn với các học sinh Dòng Tên: cao thượng, tự do, và phục vụ.

Và gần đây nhất, theo tin Đài Phát Thanh Vatican ngày 22 tháng Ba năm 2015, khi đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khuyên tín hữu phải phát biểu đức tin bằng hành động qua 3 điểm:

* Luôn nhớ sứ điệp Tin Mừng (Tin Mừng);
* Luôn nhớ hình ảnh Chúa chịu đóng đinh (Tượng Chịu Nạn);
* Luôn nhớ phải làm chứng cho đức tin (Chứng Tá)


Cách dùng ba chữ trong các bài giáo lý

Jared Dees trình bầy một số gợi ý giúp các giảng viên giáo lý theo gương Đức Phanxicô tổ chức bài dạy quanh 3 chữ, 3 ý tưởng hay 3 chủ đề.

1.Mục tiêu bài học: Không nên có hơn ba mục tiêu cho một bài dạy. Lý tưởng là ba mục tiêu này xây dựng trên nhau. Ba mục tiêu này có thể là ôn tập, hiểu rõ bài học, suy nghĩ có phê phán. Mỗi lãnh vực nên có một mục tiêu.

2. Cho biết trước cách tổ chức bài học: Khi giới thiệu bài học, làm ba việc sau đây: cho các em biết đã học gì, sẽ học gì, và tổ chức nội dung sẽ học ra sao.

3. Trình bày nội dung bài học: bám vào 3 chữ, 3 câu hỏi hay 3 ý tưởng của bài. 

4. Phát tờ rời: có thể trao cho các phụ huynh một tờ giấy với 3 câu hỏi để phụ huynh hỏi các em trên đường từ trường về nhà. 

5. Luật ở lớp: Chỉ nên ra 3 qui luật cho các em trong lớp, càng giản giện càng hay. 

Xin xem thêm tại http://www.thereligionteacher.com 

III. Nói gì cũng dựa vào Sách Giáo Lý


Đức Phanxicô, trong bài phỏng vấn của tạp chí America, cho biết rõ: “Trong chuyến bay từ Rio de Janeiro trở về, tôi nói rằng nếu một người đồng tính có thiện chí và đi tìm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán họ. Nói như thế là tôi chỉ nói điều Sách Giáo Lý dạy”. 

Để chứng minh cho câu nói của ngài, ký giả Tom Hoopes đi tìm nhiều nhận định khác của Đức Phanxicô, từng gây bối rối cho nhiều người, xem thực sự câu nói của ngài có giá trị hay không. 

1. Tự do của người ta

“Mỗi người chúng ta có viễn kiến riêng về tốt hoặc cả xấu nữa. Chúng ta phải khuyến khích họ hướng tới điều họ cho là tốt”.

Câu trên được coi là dịch đúng lời nói của Đức Phanxicô không như trong tường trình của tờ La Republica rằng “mọi người đều có ý niệm riêng của mình về tốt xấu và phải chọn theo điều tốt và bỏ điều xấu theo quan niệm của mình”. 

Điều trên nghe có vẻ duy tương đối… Nhưng thực ra, tự do căn để của con người và niềm tín thác rằng Thiên Chúa sẽ hướng dẫn nó, là điểm chủ chốt trong mục 6 phần ba của Sách Giáo Lý, nói về lương tâm luân lý. Đoạn chủ yếu là:

Đoạn 1778: Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. 

2. Đoàn chiên vô ngộ? 

“Và mọi tín hữu, xét như một toàn thể, đều vô ngộ trong các vấn đề thuộc đức tin, và họ bày tỏ tính infallibilitas in credendo này, tức tính vô ngộ trong khi tin, qua một cảm thức (sense) siêu nhiên của đức tin nơi mọi tín hữu cùng bước đi với nhau”. 

Ngài nói như thế trong cuộc phỏng vấn của tờ America. Nếu rà trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ta sẽ thấy đoạn này;

Đoạn 889: Ðể gìn giữ đức tin tinh tuyền do các tông đồ truyền lại, Chúa Ki-tô muốn cho Hội Thánh Người tham dự vào sự bất khả ngộ của chính Người, vì Người là Chân lý. Nhờ "cảm thức siêu nhiên về đức tin", Dân Thiên Chúa "gắn bó không sai lầm với đức tin" dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền sống động của Hội Thánh (LG 12; DV 10).

Chính Đức Bênêđíctô XVI, trong bài nói chuyện với Ủy Ban Thần Học Quốc tế ngày 7-12-2012, cũng nhắc lại giáo huấn của Vatican II trongLumen Gentium (số 12) rằng “toàn bộ tín hữu… không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin”. 

3. Hãy tuyên xưng Chúa Giêsu, chứ đừng tuyên xưng “những qui luật hẹp hòi”

“Giáo Hội đôi khi tự khóa mình vào những điều nhỏ mọn, những qui luật hẹp hòi. Điều quan trọng hơn cả là tuyên xưng thứ nhất: Chúa Giêsu Kitô đã cứu vớt bạn. Và các thừa tác viên của Giáo Hội, trên hết, phải là các thừa tác viên của lòng từ bi”.

Câu cuối cùng trên đây gần như là một tuyên ngôn về sứ vụ của Đức Phanxicô, và việc ngài nhấn mạnh tới lòng từ bi vốn gây ngỡ ngàng cho một số người. Họ sợ rằng lòng từ bi, trên thực tế, sẽ trở thành sự “dửng dưng đối với tội lỗi”. Đây là cuộc tranh luận từng diễn ra từ thời người anh cả của Đứa Con Hoang Đàng tới cuộc tranh cãi chung quanh việc Đức Gioan Phaolô II tiếp đón ông Kurt Waldheim, Tổng Thống Áo mới đây.

Nhưng Đức Phanxicô hoàn toàn đúng khi quả quyết ở đây rằng, Giáo Hội có nhiệm vụ tuyên xưng Chúa Giêsu trên hết mọi sự, chứ không bao giờ tuyên xưng luật lệ trên Chúa Giêsu. Cả tiết nói về phúc âm hóa trong Sách Giáo Lý giúp ta hiểu rõ việc này. Chỉ xin trích dẫn một số câu đầu của các đoạn: 

• Đoạn 425: Truyền đạt đức tin Ki-tô giáo, trước tiên là loan báo Ðức Giê-su Ki-tô, để dẫn đưa mọi người đến chỗ tin vào Người… 

• Đoạn 426: Trọng tâm của huấn giáo là một Con Người, con người của Ðức Giê-su Na-da-rét, Con Một của Chúa Cha ...

• Đoạn 427: Trong huấn giáo, ta giảng dạy về Ðức Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa; tất cả những điều khác được giảng dạy quy chiếu về Người

• Đoạn 428: Người nào được mời gọi "giảng dạy về Ðức Ki-tô" trước hết phải tìm "mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Ki-tô"; phải "mất hết. .. để được Ðức Ki-tô và được kết hợp với Người"…

• Đoạn 429: Việc nhận biết Ðức Ki-tô và tâm tình yêu mến sẽ khơi dậy nơi chúng ta khát vọng loan báo về Người, phúc âm hóa và giúp mọi người tin vào Ðức Giê-su Ki-tô…

Thực ra Đức Bênêđíctô XVI cũng không nói khác: “chúng ta đừng để đức tin của ta bị khô cạn bởi quá nhiều thảo luận liên miên, về những chi tiết vụn vặt, nhưng đúng hơn, luôn để mắt trước nhất tới sự cao cả của Kitô Giáo.

“Tôi còn nhớ, hồi còn năng trở lại Đức trong hai thập niên 1980 và 1990, tôi thường được yêu cầu phỏng vấn và tôi luôn biết trước các câu hỏi. Họ thường hay hỏi về phong chức phụ nữ, ngừa thai, phá thai và những vấn đề cứ lặp đi lặp lại hoài.

“Nếu ta để mình bị lôi kéo vào các cuộc thảo luận này, thì Giáo Hội sẽ đồng hóa với một số giới răn hay cấm cản; ta cho người ta cảm tưởng ta là các nhà mô phạm luân lý với những xác tín đôi chút lỗi thời, không một chút gợi ý nào cho thấy sự cao cả thực sự của đức tin. Bởi thế, tôi luôn cho là điều chủ yếu việc ta làm nổi bật sự cao cả của đức tin ta, một cam kết mà ta không được để cho các tình thế kia làm sao lãng”

4. Tình yêu, chứ không vụ luật pháp

“Nếu Kitô hữu là người duy phục chế, hay duy luật pháp, nếu họ muốn điều gì cũng sáng sủa và an toàn, thì họ sẽ không tìm thấy điều gì cả. Truyền thống và tưởng nhớ quá khứ phải giúp ta có can đảm mở ra các khu vực mới cho Thiên Chúa. Ngày nay, những ai luôn đi tìm các giải pháp kỷ luật, những ai mong mỏi sự ‘an toàn’ tín lý quá đáng, những ai ương ngạnh cứ nhất định cố gắng phục chế một quá khứ vốn không còn nữa, là đã duy trì một tầm nhìn tĩnh tụ và hướng nội nhiều quá. Với cái nhìn ấy, đức tin trở thành một ý thức hệ giữa nhiều ý thức hệ khác”. 

Bác bỏ ý thức hệ, kể cả ý thức hệ tôn giáo, hiện là một giáo huấn quan trọng nữa của Đức Phanxicô. Và đó là một giáo huấn cực kỳ quan trọng đối với thời đại ta, một thời đại chuyên biến mọi sự thành ý thức hệ. Đây cũng là một bài học của Sách Giáo Lý. 

Đoạn 1972: Luật mới được gọi là luật yêu thương vì dạy ta hành động theo tình yêu mà Thánh Thần thông ban cho, hơn là vì sợ hãi. Luật mới được gọi là luật ân sủng, vì nhờ đức tin và các bí tích, chúng ta nhận được sức mạnh của ân sủng để hành động. Luật mới là luật tự do (x. Gcb 1,25; 2,12) vì giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc về nghi thức và pháp lý cũ, giúp chúng ta hành động theo sự thôi thúc của đức mến, và sau hết nâng chúng ta từ tình trạng tôi tớ "không biết việc chủ làm", lên bậc bạn hữu của Ðức Ki-tô "vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy thì Thầy đã tỏ cho anh em biết" (Ga 15,15) và còn biến anh em thành con thừa tự nữa (x. Gl 4,1-7. 21-31; Rm 8,15). 

5. Một Giáo Hội có thể thay đổi?

“Việc con người tự hiểu về chính mình thay đổi với thời gian, và do đó, ý thức nhân bản cũng được thâm hậu hóa. Ta hãy nghĩ về thời điểm khi chế độ nô lệ được chấp nhận hay án tử hình được cho phép một cách không thắc mắc. Do đó, chúng ta đã phát triển trong việc hiểu chân lý. Các nhà chú giải và các nhà thần học giúp Giáo Hội trưởng thành trong các phán đoán của mình. Ngay các khoa học khác và việc chúng phát triển cũng giúp Giáo Hội trong việc trưởng thành về hiểu biết của mình. Có những luật lệ và giới răn của Giáo Hội trước đây hữu hiệu, nhưng nay chúng đã mất giá trị hay ý nghĩa”. 

Lời lẽ trên đây của Đức Phanxicô có thể bị coi như lời chỉ trích đối với các tín điều, nhưng thực ra chúng nói lên các biểu thức chính dòng của niềm tin Công Giáo về sự phát triển học lý Kitô Giáo. Như chính Sách Giáo Lý quả quyết:

Đoạn 94: Nhờ Thánh Thần trợ giúp, sự hiểu biết về các thực tại và các lời thuộc kho tàng đức tin có thể tăng trưởng trong đời sống Hội Thánh: 

-"Nhờ suy niệm và học hỏi của những tín hữu hằng gẫm suy trong lòng những thực tại và lời nói ấy" (DV 8); đặc biệt "việc nghiên cứu thần học giúp đào sâu hiểu biết về chân lý mặc khải" ( x. GS 62, 7; x. 44, 2; DV 23, 24; UR 4 );

-"Nhờ sự hiểu biết nội tâm mà các tín hữu cảm nhận được những điều thiêng liêng" (DV 8); "Lời Chúa lớn lên cùng với người đọc" ( Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giảng về Ed 1, 7, 8);

-"Nhờ lời rao giảng của các vị trong hàng Giám Mục đã nhận được đặc sủng chắc chắn về chân lý " 
( DV 8).


Vũ Van An3/29/2015(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét