Trang

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Nỗi khắc khoải của Thánh Âu-tinh trong tác phẩm Tự Thuật

Nỗi khắc khoải của Thánh Âu-tinh trong tác phẩm Tự Thuật

“Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” TT 1,I,1[1]0104Saint_Augustine
Tác phẩm “Confessions” được Âu-tinh viết năm 397, khoảng 10 năm sau cuộc hoán cải của mình và là 1 năm sau khi được bầu chọn làm giám mục thành Hippo.[2] Điều này có thể cho phép chúng ta tra vấn tại sao lại viết sau đó mãi 10 năm mà không phải là ngay sau khi hoán cải (năm 387). Chắc hẳn đây phải là thời kỳ đặc biệt cho một tác phẩm đặc biệt ra đời: địa vị giám mục, quan điểm triết học và thần học… Dẫu chúng ta có thể tra vấn nhiều điều từ chi tiết này, nhưng dầu sao, ý định của tác giả cần được trân trọng. Thế nhưng, đâu là ý định của tác giả? Có lẽ tựa đề tác phẩm có thể tỏ lộ điều gì chăng? Từ Confessions có gốc La-tinh là confiteri với hai ý nghĩa: xưng thú tội lỗi mình và tuyên xưng cùng ngợi khen tình yêu Thiên Chúa.[3] Sự lưỡng nghĩa nơi tựa đề này gợi mở thấp thoáng ý định và trạng thái tâm hồn của tác giả. Ngay từ đề tựa đoạn đầu của tác phẩm, đọc giả đã như thể được đặt giữa mối giằng co bẽn lẽn nào đó: “Con người muốn ngợi khen Thiên Chúa, nhưng lại lưỡng lự về hình thức kinh nguyện của mình”. Có lẽ sẽ không thiếu những truy vấn tại sao lại thế và hình thức kinh nguyện là gì? Và rồi ngay những dòng tiếp theo của đoạn này, tác giả đã tuyên tín: “Chính Chúa thúc giục con người tìm sự vui thỏa trong việc ngợi khen Ngài, vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con áy náy không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.” TT 1,I,1 Hai từ “áy náy” xin được dịch lại thành “khắc khoải” hầu có thể lột tả được sự lưỡng nghĩa nơi nhan đề “Confessions” như đã nói trên.[4] Và vì vậy, phải chăng kinh nguyện mà Âu-tinh muốn đề cập là “nỗi khắc khoải” này?[5] Như thế, “khắc khoải” là thế nào?  
  1. Xác định từ ngữ “khắc khoải”
Trước hết, “khắc khoải” không là cảm giác áy náy, hối tiếc về quá khứ đã qua, cũng không là nỗi băn khoăn, âu lo, xao động trước hiện tại ngổn ngang và tương lai mịt mờ. Không là áy náy bởi Âu-tinh không sợ hãi khi nhớ lại tội mình vì biết Chúa đã thứ tha. TT 2,VII,15 Không là băn khoăn âu lo xao động vì hy vọng nơi sự tín trung của Thiên Chúa, Đấng sẽ không để Âu-tinh phải quá sức chịu đựng. TT 10,V,7 Điều này hợp với sự lưỡng nghĩa nơi nhan đề Confessions của tác phẩm. “Khắc khoải” cũng không là một tình trạng giằng co giữa “hai ý muốn”. Vì dẫu trong “khắc khoải” không thiếu vắng giằng co, nhưng giằng co giữa “hai ý muốn” chỉ là mảnh phần của sự khắc khoải bởi “hai ý muốn” chỉ xuất hiện gắn với gương trở lại của Victorimus. TT 8,V,10 Hơn thế, có lẽ có thể nói “khắc khoải” ở đây là một thực tại xa mà gần; xa vì không sờ đụng được nhưng lại gần vì rất thật, thật đến không thể chối bỏ. Nó không loại trừ quá khứ và ôm trọn cả hiện tại lẫn tương lai.
“Khắc khoải” đúng hơn là thực trạng ôm ấp hành động. Đó cũng không phải là một hành động đơn lẻ nhưng là cả một tiến trình. “Khắc khoải” là một tiến trình thao thức kiếm tìm: biết rõ rằng mình phải kiếm tìm nhưng lại không rõ điều đang kiếm tìm. Một thao thức không ngơi nghỉ vì biết mình không thể không kiếm tìm nếu không muốn đời ra vô nghĩa lý. Thao thức không ngơi nghỉ bởi vốn dĩ là một “hữu-thể-bị-thôi-thúc”, chủ thể ở trong sự thúc bách liên lỉ không ngừng nghỉ bởi mối giằng co phải là chính mình với trọn vẹn ý nghĩa và cùng đích của hiện hữu. Bởi lẽ “chính Chúa thúc giục con người tìm sự vui thỏa trong việc ngợi khen Ngài, vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” TT 1,I,1 Nỗi khắc khoải như thế hoàn toàn phù hợp với lời kinh mà Âu-tinh muốn dâng lên Thiên Chúa, một lời kinh cuộc đời vốn không loại trừ quá khứ và ôm trọn hiện tại lẫn tương lai. Nếu vậy, có thể thử nói đôi điều về nỗi khắc khoải này chăng?
  1. Một nỗi khắc khoải “siêu hình”
Nỗi khắc khoải nơi Âu-tinh là nỗi khắc khoải của một “hữu-thể-bị-thôi-thúc”. Phải chăng là hơi quá khi nói rằng cả đời Âu-tinh không ngừng khắc khoải lần mò, dò dẫm tìm kiếm ý nghĩa và cùng đích tồn hữu mình? Trước hết, với Âu-tinh, ý nghĩa đời sống chắc hẳn phải đặt trên danh thơm tiếng tốt. Từ những năm đầu của đời sống học tập, Âu-tinh đã nhắm bước theo tiếng gọi của thời cuộc để dấn mình vào cuộc tìm kiếm trau dồi thuật hùng biện vốn có thể xem là “cùng đích” của lối giáo dục thời đó. x.TT 1,XVIII Đây cũng là điều góp phần thúc đẩy Âu-tinh bỏ trường ở Carthage để đi Rôma hầu đạt được địa vị và danh vọng cao hơn.[6]
Tiếp theo, Âu-tinh khát mong câu trả lời trước những đau khổ trong đời sống. Nỗi đau tột cùng sau cái chết của người bạn chí cốt khiến Âu-tinh gần như hoàn toàn suy sụp[7] bởi “…sự mất sống của kẻ chết làm chết kẻ còn sống.” TT 4,IX,14 Khắc khoải tìm biết chân lý về sự dữ đã đẩy đưa Âu-tinh tìm đến với phái Manes hầu mong tìm được điểm tựa cho ý nghĩa tồn hữu của phận người. x. TT 3,VI-VII
Sau cùng nỗi khát khao minh triết đưa Âu-tinh lần bước dò dẫm khắp nơi để kiếm tìm chân lý. Nỗi khát khao được bùng lên khi Âu-tinh đọc sách của Ciceron đến phần về Hortensius: “nó kích thích con, thúc đẩy con, thiêu đốt con phải yêu mến, tìm tòi, thủ đắc, chiếm hữu và nắm chắc lấy, không phải học thuyết này hay môn phái kia, mà chính sự khôn ngoan, bất cứ là thế nào.” TT 3,IV,8 Nỗi khắc khoải của một “hữu-thể-bị-thôi-thúc” thúc đẩy Âu-tinh rảo bước lần tìm từ Kitô giáo, đến thuyết Ma-ni-kê khi không mong tìm được chân lý nơi Giáo Hội Chúa, x. TT 5,X,19 qua Hoài Nghi khi nhận ra thuyết Ma-ni-kê không khoa học, x. TT 3,V,6 đến Tân-Platô vì được gợi mở soi sáng,[8] và cuối cùng trở về với Kitô giáo vì gặp được chân lý đích thực. x.TT 10,XLII-XLIII
Có thể nói rằng nếu như đời Dante mang một “cơn khát tự nhiên không bao giờ vơi[9]thì cuộc sống của Âu-tinh là một nỗi khắc khoải không ngừng nghỉ. Khắc khoải không ngơi nghỉ bởi vốn dĩ là một “hữu-thể-bị-thôi-thúc”, chủ thể ở trong sự thúc bách liên lỉ, không ngừng nghỉ bởi mối giằng co đung đưa, bởi “cách nào đó con người lúc nào cũng bị thôi thúc hướng về phía hữu thể trọn vẹn”.[10] Một thao thức không ngơi nghỉ vì biết mình không thể không kiếm tìm nếu không muốn đời ra vô nghĩa lý. Đâu đích thực là nghĩa lý cuộc đời? Nói cách khác, đâu đích thực là nguồn cội của hiện hữu, của thôi thúc khắc khoải? Phải chăng là minh triết?
  1. Một nỗi khắc khoải trong đức tin
Dẫu minh triết có sức thổi bùng lên lòng yêu mến nơi Âu-tinh, TT 3,IV,8 dẫu có rực sáng đến mấy, tốt đẹp đến mấy, cuốn hút đến mấy, minh triết cũng không là cùng đích của nỗi khắc khoải của “hữu-thể-bị-thôi-thúc” ấy. Bởi lẽ minh triết không hoàn toàn thỏa mãn được Âu-tinh vì “…nếu không có danh thánh đó [Chúa Kitô] thì bất cứ sách nào, văn hoa, thanh nhã và chính xác đến đâu, cũng không hoàn toàn thỏa mãn được con.” TT 3,IV,8. Nếu vậy, điều gì mới thỏa mãn, nói cách khác, điều gì mới là nguồn cội và cùng đích của khắc khoải nơi Âu-tinh?
a. Khắc khoải Thiên Chúa
Âu-tinh ví nỗi khắc khoải của mình như sự đói khát. Thế nhưng đó không phải là sự đói khát các sự vật vật chất, hay thậm chí các sự vật thiêng liêng, mà là sự đói khát chính Thiên Chúa. “Nhưng con đói khát không phải các sự vật thiêng liêng đó, mà là chính Chúa.” TT 3,V,10 Nỗi đói khát này không là điều gì đó tùy thuộc nhưng là bản chất không thể thay thế, chối bỏ hay chống chế bởi “những kẻ tìm xa Chúa và chống lại Chúa đều bắt chước Chúa một cách ngược đời. Nhưng khi bắt chước Chúa như vậy họ chứng tỏ Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và như vậy người ta không thể có cách nào lìa hẳn được Chúa.” TT 2,VI,14 Nếu không thể có cách nào xa Chúa, họ có thể có cách nào khả dĩ giúp gặp Chúa?
b. Biện chứng tìm kiếm-gặp gỡ
Âu-tinh đã khắc khoải, đã đi tìm và đã găp gỡ. Thế nhưng, chính lúc tưởng như đã gặp, Âu-tinh lại phải tiếp tục cất bước dò dẫm kiếm tìm;[11] chính lúc tưởng chừng không thể hy vọng vào việc kiếm tìm, Âu-tinh đã gặp điều tưởng chừng không thể gặp thấy.[12] Để rồi cuối cùng Âu-tinh tìm được bến nghỉ ngơi cho hữu-thể-khắc-khoải của mình. Biện chứng ấy là biện chứng giữa xa xôi lạ lẫm và gần gũi thân quen, giữa ngoại quan và nội quan: “Chúa vốn ở trong con mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài.” TT 10,XXVII,38 Đó cũng là biện chứng giữa kẻ kiếm tìm và người mời gọi, giữa tự do đón nhận và ân sủng trao ban: “Chúa đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa mùi hương của Chúa ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa; Chúa đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Chúa.” TT 10,XXVII,38 Với biện chứng ấy, khắc khoải kiếm tìm và gặp gỡ cứ thế được đẩy lên cao trào, hết cao trào này đến cao trào khác. Vậy, đâu là cao trào của gặp gỡ đích thực?
c. Khắc khoải tình yêu
Nỗi niềm khắc khoải tình yêu nơi Âu-tinh là cả một sự hòa quyện của trọn vẹn tâm tình của trọn cả hiện hữu: như một điều khấn nguyện, một lời than trách, một nỗi hờn yêu, một sự giãi bày, một câu tuyên xưng, một tâm tình đón nhận: “Xin ban Chúa cho con, lạy Chúa, xin trả Chúa lại cho con. Này con yêu mến Chúa, nếu còn ít, thì chớ gì con yêu mến Chúa nhiều hơn. Con không thể đo lường cho biết tình yêu của con còn thiếu cái gì cho đầy đủ, để đời sống con chạy ôm lấy Chúa, cho đến khi con được ẩn nấp trong mầu nhiệm của nhan thánh Chúa.” TT 13,VII,9 Có lẽ bởi quá khắc khoải cho được tình yêu Chúa nên khi đã gặp được tình yêu ấy rồi Âu-tinh vẫn còn thốt lên: “Ôi, con yêu Chúa quá muộn màng!” TT 10,XXVII,38 Có lẽ chỉ cần những lời ấy trong bối cảnh ấy thôi đã đủ để cho thấy nỗi khắc khoải là mênh mông bao la và da diết dường nào, đó phải là trọn vẹn chứ không thể chỉ là mảnh phần của hữu thể.
Hóa ra, “khắc khoải” không là một tình trạng nhưng là hành động, không là một hành động đơn lẻ nhưng là cả một tiến trình, là một tiến trình thao thức kiếm tìm, một thao thức không ngơi nghỉ vì biết mình không thể không kiếm tìm, thao thức không ngơi nghỉ bởi luôn có sự thúc bách liên lỉ, không ngừng nghỉ, bởi có sự giằng co bởi lẽ mình “không là bên này cũng không là bên kia, nhưng dẫu vậy vẫn phải là tất cả trong khi thật ra không là tất cả”. Có lẽ đó như những lay động đến từ “âm giai nền cơ bản”, từ “nỗi chán ngán thẳm sâu” của một Dasein trong “khung trời nguyên hữu” theo Heidegger hay theo Claude Romano, của một Đáo Nhân (Advenant) trong “cả một lịch sử và một tiền sử mênh mông bao la bất tận vốn mãi bất khả đạt thấu và đảm nhận”; hay những lay động từ “nỗi niềm hoài hương” của nhà thơ Novalis. [13] Để rồi, phải chăng nỗi “khắc khoải” ấy chỉ được lấp đầy khi gặp được Minh Triết của mọi minh triết, Hiện Hữu của mọi hiện hữu, Sự Trọn Vẹn của mọi trọn vẹn, Tình Yêu của mọi tình yêu, Côi Nguồn và Cùng Đích của mọi cội nguồn và cùng đích, như chính Âu-tinh đã chân nhận: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”? TT 1,I,1 Và phải chăng có thể nói rằng trong Tự Thuật, Âu-tinh không chỉ còn là một hữu thể mang nỗi khắc khoải nhưng là một hữu-thể-khắc-khoải?
Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] Các trích dẫn bài viết này được trích từ Augustine, Confessiones, bản dịch Việt ngữ của ĐGM. Micae Nguyễn Khắc Ngữ (lưu hành nội bộ) căn cứ trên bản dịch Pierre de Labriolle, cổ La ngữ và Pháp văn, in lần thức 5, năm 1950 và bản dịch của Louis de Mondadon, Pháp văn, in năm 1947.  Một bản tương tự khác có thẩm quyền hơn (có nhà xuất bản): St. Augustin, Tự Thuật (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007). Tuy nhiên người viết bài này không chọn bản sau vì cách đánh số không chi tiết như bản trước: chỉ có số Chương và Đoạn mà không có đánh số dưới đoạn (các đoạn nhỏ hơn) 
[2] x. Frederick Copleston, S.J., A History Of Philosophy, II (Image Books Doubleday, New York, London, Toronto, Sydney, Auckland, 1993), 44-45.
[3] “One does not read far in the Confessions before he recognizes that the term “confess” has a double range of meaning. On the one hand, it obviously refers to the free acknowledgment, before God, of the truth one knows about oneself–and this obviously meant, for Augustine, the “confession of sins.” But, at the same time, and more importantly, confiteri means to acknowledge, to God, the truth one knows about God. To confess, then, is to praise and glorify God; it is an exercise in self-knowledge and true humility in the atmosphere of grace and reconciliation.” AUGUSTINE: CONFESSIONSNewly translated and edited by ALBERT C. OUTLER, Ph.D., D.D. This book is in the public domain. Scanned by Harry Plantinga, whp@wheaton.edu, 1994.
[4] Sau khi đối chiếu với bản AUGUSTINE: CONFESSIONS Newly translated and edited by ALBERT C. OUTLER, Ph.D., D.D. This book is in the public domain. Scanned by Harry Plantinga, whp@wheaton.edu, 1994, người viết xin đề nghị dịch lại là “khắc khoải” tương ứng với từ “restless” dùng trong nguyên câu văn “Thou hast prompted him, that he should delight to praise thee, for thou hast made us for thyself and restless is our heart until it comes to rest in thee.”
[5] Retractations, II, 6 “My Confessions, in thirteen books, praise the righteous and good God as they speak either of my evil or good, and they are meant to excite men’s minds and affections toward him.” AUGUSTINE: CONFESSIONS Newly translated and edited by ALBERT C. OUTLER, Ph.D., D.D.
[6] x. Frederick Copleston, S.J., A History Of Philosophy, II (Image Books Doubleday, New York, London, Toronto, Sydney, Auckland, 1993), 42.
[7] TT, 4,IV-IX
[8] x. TT 7, IX-XVII ; x. Copleston, S.J., A History Of Philosophy, II, 43.
[9] “Cơn khát siêu hình ‘cơn khát tự nhiên không bao giờ vơi này’ thúc đẩy lý trí con người muốn giải thích các ẩn ngữ của thực tại. (Purgatosio XXI, 1) Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R., Những Nẻo Đường Hữu Thể I, 29.
[10] Trích từ bài giảng Hữu Thể Luận của Lm Đậu Văn Hồng, khóa học 2014-2015, tại Học viện Dòng Tên Thủ Đức
[11] x. TT 3,IV,8 ; 3, V, 6 ; 3, VI-VII ; 4, IX ; 5, X,19
[12] x. TT 7, IX-XVII ; 10, XLII-XLIII
[13] Các câu và từ trong “ ” dựa theo bài giảng Hữu Thể Luận của Lm Đậu Văn Hồng, khóa học 2014-2015, tại Học Viện Dòng Tên Thủ Đức.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét