Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Vấn đề luân lý (12): Giải thích câu chuyện ba nhà chiêm tinh viếng Chúa và việc cấm thực hành chiêm tinh của Giáo Hội

Vấn đề luân lý (12): Giải thích câu chuyện ba nhà chiêm tinh viếng Chúa và việc cấm thực hành chiêm tinh của Giáo Hội

Christmas-Background-Hinh-Giang-Sinh-Tin-Lanh-cdnvn-2015-4Hỏi: Tin Mừng có thuật lại câu chuyện các nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu khi Ngài vừa mới sinh. Dựa theo tình tiết của câu chuyện, chẳng phải chính nhờ chiêm tinh mà các vị ấy mới biết được có một Vị Vua mới sinh và đến kính viếng hay sao. Vậy tại sao Giáo Hội là không cho phép thực hành và tin vào chiêm tinh?
Đáp:
Cảm ơn bạn đã dành cho chúng tôi một câu hỏi rất hay và cũng rất “thiết thực”. Chúng tôi nhận thấy nơi câu hỏi của bạn một khao khát ngay chính muốn hiểu hơn về giáo huấn của Giáo Hội, cũng như mối liên kết của các giáo huấn ấy với Kinh Thánh. Hẳn là có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, bận tâm về điều này, muốn biết câu trả lời xác đáng, vừa để giúp mình sống đạo tốt hơn, vừa để đối thoại với bạn bè ngoại đạo. Để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết, tôi xin tóm lược giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc chiêm tinh. Sau đó, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đoạn Kinh Thánh có nhắc đến chuyện các đạo sĩ từ phương xa đến viếng Hài Nhi Giêsu. Tiếp đến, chúng ta sẽ tìm ra lý do vì sao Giáo Hội không đồng tình với việc các tín hữu Công Giáo tin vào chiêm tinh. Cuối cùng sẽ là một vài phản tỉnh liên quan đến vấn đề này.
Giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc chiêm tinh
Điều răn thứ nhất trong Thập Điều mà Thiên Chúa dạy là phải “thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.” Sở dĩ ta phải tuân giữ điều này là vì chỉ có Thiên Chúa là chủ tể duy nhất của vũ trụ, là Đấng tạo dựng muôn loài, là nguồn cội và là cùng đích của chúng ta. Xuất phát từ lệnh truyền này của Thiên Chúa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), số 2116 dạy rằng: “Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Điều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa”.
Trước đó, ở số 2115, sách GLHTCG có giải thích: “Thiên Chúa có thể cho các ngôn sứ hay các thánh nhân biết về tương lai. Tuy vậy, thái độ đúng đắn của Kitô hữu là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Quan Phòng những gì thuộc về tương lai và từ bỏ mọi thứ tò mò thiếu lành mạnh trong lãnh vực này. Thế nhưng, ai không tiên liệu là người thiếu trách nhiệm.”
Như thế, việc ta phải vun đắp cho tương lai của mình ngay từ giây phút này là điều phải làm, nếu không, sẽ bị coi là “thiếu trách nhiệm”. Tuy nhiên, chúng ta cũng được mời gọi để phó thác tương lai của mình trong tay Chúa. Chúng ta phải phó thác vào Chúa, đặt trọn cuộc đời mình cho Chúa, chứ không ở những thủ thuật và niềm tin sai lệch.
Câu chuyện các vị chiêm tinh đến viếng Hài Nhi
Câu chuyện thú vị này được Thánh Sử Matthêu thuật lại ở chương 2, từ câu 1 đến câu 12, trong Tin Mừng của mình. Chuyện kể rằng khi Đức Giêsu được hạ sinh ở Bêlem, trong khi vua và dân trong thành Giêsusalem gần đó chẳng bận tâm gì thì có một số vị từ phương xa tìm kiếm Ngài để bái lạy Ngài và dâng tặng Ngài những vật phẩm. Ta không biết có bao nhiêu người trong phái đoàn, nhưng dựa vào việc họ dâng ba lễ phẩm (vàng, nhũ hương, mộc dược – x. câu 11), người ta đoán là có thể họ có ba người. Ta gọi họ là đạo sĩ nhờ căn cứ vào tình tiết được thuật lại trong câu chuyện. Họ nói với Vua Hêrôđê rằng họ đã thấy “ngôi sao của Người [Hài Nhi mới sinh]” (x. câu 2); rồi sau đó, khi tiếp tục hành trình, họ lại “mừng rỡ vô cùng khi thấy ngôi sao” (x. câu 10). Nhờ vào yếu tố “ngôi sao”, ta đoán rằng họ là các nhà chiêm tinh, những người đã dùng hiểu biết của mình trong việc quan sát các tinh tú, chòm sáng trên trời để dự đoán các sự kiện.
Tạm thời không nói đến những suy tư thần học về đoạn Tin Mừng này, ta có thể có những suy đoán nào về con người và hành trình tìm đến với Đức Giêsu của các vị ấy?
Các vị đạo sĩ này hẳn phải rất xác tín về những gì mình thấy được “trên bầu trời”. Bởi nếu không xác tín, họ đã chẳng chịu vất vả đường xa, tốn công tốn sức, đối diện những hiểm nguy rình rập trên cuộc hành trình để tìm cho ra một nhân vật mà họ cho là có một không hai. Hơn nữa, khi đã đến thành Giêrusalem, họ vào thẳng hoàng cung để hỏi Vua Hêrôđê và hỏi rằng: “Ðức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”(Mt 2,2). Phải rất xác tín và tin vào những gì mình biết, họ mới khảng khái như vậy. Chứ nếu còn nghi ngờ, hẳn là họ sẽ lân la hỏi dò người dân bình thường, kiểu như: “Tôi nghe nói là có vị hoàng tử vừa mới sinh phải không? Có thật là thế không?”… Họ có một xác tín rất mạnh rằng vị hoàng tử mới sinh là “Đức Vua dân Do Thái”, nên mới vào hoàng cung để hỏi, vì đó là nơi dành cho hoàng thân quý tộc. Ngoài ra, sau khi được ngôi sao dẫn đến chỗ Hài Nhi, các ông không hề ngạc nhiên, do dự hay thắc mắc rằng tại sao một thằng bé nghèo nàn, rách rưới này lại là Đức Vua dân Do Thái, nhưng đã ngay lập tức “sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2,11). Những chi tiết này cho thấy, họ thật sự không có chút nghi ngờ gì về những gì họ làm. Họ đang tin vào một điều gì đó được mặc khải cho họ.
Điều gì đã được mặc khải cho họ khiến họ có thể xác tín đến như vậy? Chúng ta hoàn toàn không biết gì về thuật chiêm tinh của họ vào thời điểm đó. Họ đã sử dụng những kiến thức nào, phương pháp nào để biết chắc là có một nhân vật trọng đại vừa mới sinh? Và liệu trong cuộc đời họ, họ có thực hiện một cuộc hành trình nào khác để viếng thăm những vị vua mới sinh ở những nơi khác không, vì hàng ngày, hàng giờ, các hoàng tử chào đời ở khắp nơi? Chẳng lẽ cứ có một hoàng tử chào đời, thì trên trời xuất hiện một ngôi sao lạ, rồi họ cứ cất công lên đường kính viếng sao? Điều này là không thể! Vậy thì có điều gì đặc biệt nơi Hài Nhi Giêsu so với các vị hoàng tử khác trên thế giới? Dù không chắc chắn, nhưng ta có quyền đưa ra giả thuyết rằng có thể họ đã được mặc khải bởi Thiên Chúa theo một cách thức thần nhiệm nào đấy đến độ khiến họ không thể nghi ngờ gì nữa. Sở dĩ ta có quyền suy đoán điều này là vì sau khi được báo mộng trong giấc mơ là đừng quay về tìm Hêrôđê, họ đã tin vào giấc mơ ấy (x. câu 12), chứ không nghĩ ngợi hay đắn đo hay gạt sang một bên.Có thể họ đã từng có một giấc mơ tương tự như thế trước đây, nên bây giờ không còn thấy lạ lẫm nữa.
Tất cả những gì vừa nói trên đây chỉ là suy đoán. Tuy nhiên, ta có thể chắc chắn một điều: họ là những con người trung tín và khao khát tìm chân lý. Trung tín là bởi vì, khi đã hứa là sẽ quay lại để báo cho vua Hêrôđê về Hài Nhi Giêsu, họ đã có ý định sẽ quay lại thật chứ không nuốt lời. Bởi nếu họ “làm biếng” hoặc không muốn quay về với Hêrôđê như lời đã hứa, thì Thiên Sứ đã chẳng mất công hiện ra với họ trong giấc mơ để dặn dò hãy đi theo hướng khác mà về sứ sở mình. Còn khao khát đi tìm chân lý của họ được thể hiện trong thái độ và nỗ lực của họ trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện cuộc hành hương của mình. Có một điều mà chúng ta phải lưu ý, đó là: họ là những người ngoại đạo, họ không biết gì về Mười Điều Răn, họ không biết gì về Ngũ Thư, Luật Môsê hay bất cứ một điều gì khác về Thiên Chúa.
Sự khác biệt giữa chiêm tinh của các đạo sĩ này với chiêm tinh theo kiểu mê tín hiện nay
Dựa vào những gì Thánh Sử Matthêu kể lại, Giáo Hội đánh giá cao tấm lòng thành và mẫu gương nỗ lực đi tìm chân lý của các đạo sĩ. Sống trong một môi trường hoàn toàn ngoại đạo, không biết gì về những giới răn và chỉ dẫn của Thiên Chúa, họ chỉ biết sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của tiền nhân truyền lại để tìm kiếm chân lý. Họ sử dụng những điều ấy là vì họ không có phương tiện nào khác để dùng. Trong lúc loay hoay giữa bóng tối để tìm minh đạo, tấm lòng thành của họ đã được Thiên Chúa cho toại nguyện khi Ngài ban cho họ những dấu chỉ hữu hình, giúp họ tìm đến với Giêsu.
Còn chúng ta, chúng ta đã có Lời Chúa và Thánh Thể soi đường. Chúng ta có sự trợ giúp của Giáo Hội để biết mình cần phải làm gì, đi đến đâu để gặp Chúa. Chúng ta không cần phải loay hoay tìm kiếm nữa vì mọi thứ đã được bày biện ra sẵn trước mắt chúng ta rồi. Bởi thế, khi ta tìm đến và tin vào chiêm tinh, cũng có nghĩa là ta cho rằng Lời Chúa là xạo, Thánh Thể là ảo, Giáo Hội không đáng tin. Ta háo hức với những gì huyền bí, muốn biết vận mệnh tương lai… rốt cuộc cũng chỉ thỏa mãn tính tò mò và ước muốn muốn làm chủ thời gian của ta. Điều đó nói lên một điều, rằng: ta không xem Chúa là tất cả của mình, ta không tin vào sự quan phòng của Chúa, ta không tin là Chúa quyền năng và yêu thương mình, sẽ dành cho mình những điều tốt đẹp nhất. Cũng như Eva trong vườn Địa Đàng năm xưa, từ sự “không tin” này, ta bắt đầu buông trôi đời sống và gạt Chúa ra một bên, tự tay “hái trái cấm” và hãnh diện về hành vi ấy của mình.
Như thế, các đạo sĩ thì không biết nên đi tìm và gặp được (họ từ thấp hướng lên cao). Còn ta thì đã gặp được rồi, lại chê bai và đi kiếm chỗ khác (từ trên cao xuống thấp). Hai chuyển động này hoàn toàn ngược chiều nhau và khác nhau ngay tự bản chất. Lý do khiến Giáo Hội không cho phép con cái mình tìm đến với chiêm tinh là vì khi làm điều ấy, họ đã đặt trọng tâm đời mình sai chỗ.
Một vài phản tỉnh liên quan
Nhiều tín hữu biện minh rằng con người mình yếu đuối, nhiều khi do bị quá nhiều vận rủi kéo đến, ta mới phải tìm thầy để xem bói hay chiêm tinh, chứ mình vẫn đi lễ đọc kinh lần chuỗi bình thường mà. Giáo Hội nên thông cảm hơn là trách tội họ.
Thực ra thì Giáo Hội chẳng dám trách tội ai, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đó. Điều mà Giáo Hội làm là chỉ ra cho con cái mình biết đâu là điều sai, đâu là điều đúng. Hiển nhiên là Giáo Hội thông cảm (và chắc chắn là cả Thiên Chúa cũng thông cảm nữa) cho những ai vì yếu đuối hay tò mò mà sa vào những điều này, nhưng sự thông cảm không thể thay đổi một sự thật là họ đã sai. Khi con cái của bạn vì ham chơi và nghe theo lời dụ dỗ của đám bạn xấu mà bỏ học hay hỗn hào với bạn, bạn có thể vì tình thương mà thông cảm và tha thứ cho đứa con ấy, nhưng điều đó không thay đổi được sự thật là nó đã sai. Sự “sai” của nó khác với sự “thông cảm” của mình. Bởi thế, Chúa và Giáo Hội đã nỗ lực để vạch ra lộ trình đúng cho các tín hữu, và luôn tha thiết mong muốn các tín hữu hãy đi trên con đường đó mà tìm về bến hạnh phúc. Còn những ai vì yếu đuối mà lầm đường lạc lối thì nên quay về với Giáo Hội đang giang rộng vòng tay mời gọi, chứ đừng lấy sự yếu đuối của phận người mà biện minh cho hành động sai trái của mình và ở lì trong tội.
Trong Mt 6,25 – 34, Đức Giêsu dường như cũng hiểu được nỗi lòng của những con người yếu đuối như chúng ta, nên đã căn dặn rằng chúng ta đừng lo lắng thái quá vào ngày mai. Lý luận của Đức Giêsu như sau: một con chim bé xíu hay một cánh hoa dại mà còn được Cha trên trời yêu thương lo lắng, chẳng lẽ Ngài lại bỏ rơi chúng ta? Chúng ta chẳng phải quý giá hơn những thứ kia gấp trăm triệu lần à? Chính chúng ta – những con người – mới mang hình ảnh Thiên Chúa, chứ những loài khác đâu có được đặc ân này. Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến độ không thiết gì, lẽ nào Ngài bỏ mặc chúng ta? Trời đất muôn vật to lớn và phong phú dường ấy, Ngài chỉ cần phán một tiếng là có tất cả, chẳng lẽ Ngài không đủ quyền năng để chăm lo cho ta? Tương lai là một cái gì đó rất mơ hồ. Ta tìm đến với chiêm tinh mong biết tương lai để làm gì? Có chắc là tương lai của ta sẽ như những gì chiêm tinh nói không? Giả như nó đúng, thì ta có thể làm gì được nó, ta có thể thay đổi nó không? Nếu có thể thay đổi, ta sẽ thay đổi như thế nào?… Trí óc ta không đủ để tính toán hết những chuyện ấy. Nhưng Thiên Chúa là Đấng toàn tri và toàn năng, lại yêu thương ta hết mực, Ngài thừa biết nên để chuyện gì  xảy ra, chuyện gì không xảy ra, vì ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.
Còn việc bạn cho rằng bạn tin vào chiêm tinh nhưng bạn cũng đi lễ đọc kinh, như thế cũng là chu toàn bổn phận của người tín hữu rồi. Quan niệm như thế, xem ra bạn đã khinh thường Chúa quá! Khi nào có thể, bạn hãy dành ít phút ngẫm nghĩ mà xem: chúng ta tin vào Chúa thì Chúa được cái gì? Chúa cần những lời kinh và đồng tiền xin lễ của ta à? Hãy đọc lại lời Thánh Vịnh 49: “Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy, này Ít-ra-en, Ta dẫn chứng tố ngươi. Ta là Thượng Ðế, là Chúa ngươi thờ. Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ; lễ toàn thiêu của ngươi hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày. Bò của ngươi, Ta nào có thiết; chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham! Vì thú rừng là của Ta hết thảy, cả ngàn muôn loài vật núi đồi. Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ, động vật nơi hoang dã thuộc về Ta. Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay, vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ. Thịt bò há là thức Ta ăn? Máu chiên há là đồ Ta uống? Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Ðấng Tối Cao. Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển danh Ta.”
Thiên Chúa là Đấng toàn bích toàn mỹ, Ngài đâu thiếu thốn gì. Việc ta tin hay không tin vào Ngài, đối với Ngài, cũng chẳng mất mát hay thiệt thòi chi. Thậm chí cả những điều tốt ta làm, ta cứ cỡ là làm cho Ngài, nhưng Ngài cũng có được thêm hay bớt gì đâu. Ngài yêu ta bằng một tình yêu nhưng không, và Ngài muốn ta cũng hãy yêu Ngài bằng một tình yêu trọn vẹn và nhưng không như vậy. Giữ điều Chúa dạy, chẳng phải là vì Chúa, mà chính là vì ta. Đừng bố thí cho Chúa vài câu kinh rồi tưởng mình đã là thánh và đòi Chúa phải biết ơn mình, thỏa đáp ước vọng của mình. Nhưng hãy dâng lên Ngài trọn vẹn tấm lòng, chất chứa niềm tin và tình yêu của ta, dù tấm lòng ấy có khi có nhiều loang lỗ, niềm tin của ta cứ bấp bênh, còn tình yêu thì chập chờn sóng nước.
Khi bố mẹ dạy con cái mình phải biết hiếu thảo, đó không phải là vì bố mẹ, nhưng chính là vì đứa con ấy. Chắc là ta cũng không muốn con cái mình đến với mình chỉ vì gia sản hay miếng đất hay tài khoản kếch sù trong ngân hàng, nhưng là vì tình yêu thương nó dành cho mình. Chúa cũng như thế đấy. Nếu các bạn muốn thấy phép lạ, các bạn phải có niềm tin vào Chúa (x. Mt 13,58), chứ không phải tin vào chiêm tinh.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ



 http://dongten.net/noidung/46889



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét