Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Vũ Trụ Có Khởi Đầu Không? (phần 1)

Vũ Trụ Có Khởi Đầu Không? (phần 1)

universe_wallpaper_hd2
Dẫn nhập
Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế bắt đầu với cụm từ “Lúc khởi đầu” (St 1,1). Vũ trụ này có “khởi đầu” không? Triết học trả lời thế nào cho câu hỏi này? Thời Trung Cổ, hai vị thánh, triết gia, thần học gia là Augustine và Thomas Aquinas đã trả lời vấn nạn này cách khá hấp dẫn. Hơn nữa, cách giải thích của các ngài có liên hệ thế nào với đức tin, triết học và khoa học?
1) Nỗ lực của triết lý và cánh cửa của đức tin
Trước hết, việc lược qua bối cảnh văn hoá là cần thiết. Dân tộc Do Thái nằm trong văn hoá Semite. Người Hy Lạp và người La Mã thuộc nền văn hoá Ấn-Âu. Nền văn minh châu Âu có gốc rễ từ cả hai nền văn hoá này.[i] Người Ấn-Âu có một quan niệm tuần hoàn về lịch sử: lịch sử phát triển theo đường tròn, không có khởi đầu, không có kết thúc.[ii] Người Semite có quan niệm tuyến tính về lịch sử: lịch sử như một đường thẳng, có khởi đầu, có kết thúc.[iii] Ki-tô giáo xuất phát từ văn hoá Semite, nhưng lại hình thành và phát triển trong văn hoá Hy Lạp. Vì thế, thánh Thomas Aquinas cố gắng làm cho triết học của Aristotle tương thích với đức tin Ki-tô giáo, tương tự như thánh Augustine đã làm với triết học Plato.
  • Quan niệm của thánh Augustine
Khi suy tư, phản tỉnh, suy niệm và chiêm ngắm thực tại, Plato đã nhìn thấy thực tại trong cõi thâm sâu của nó. Đến nỗi, ông dường như gọi thế giới mau qua này là “ảo”, còn cõi thực tại thâm sâu kia mới là “thực”, và đặt tên cho nó là “thế giới Ý Niệm”. Cái “ảo” và “thực” ấy, cái “qua đi trong thời gian” và “tồn tại trong vĩnh cửu” ấy cứ đong đầy qua lại.[iv] Hòa vào dòng chảy này, Augustine tin rằng, trước khi Chúa sáng tạo vũ trụ, các “ý niệm” nằm trong tâm thức của Chúa. Như vậy, ngài đã đặt các “ý niệm” của Plato vào trong Chúa và bằng cách đó, ngài đã bảo toàn quan niệm của Plato về các ý niệm vĩnh cửu.[v] Hơn nữa, Augustine cố gắng phân biệt quan niệm về vĩnh cửu và thời gian.
Vĩnh cửu không hề biến đổi, còn thời gian luôn biến đổi. Thời gian có sự vận chuyển kế tiếp; trong khi với vĩnh cửu, tất cả là hiện tại.[vi] Vì Chúa là vĩnh cửu, tạo nên thời gian, nên Ngài có trước thời gian, và tất cả với Ngài là hiện tại. Trước khi tạo thành trời đất, chưa có thời gian, vậy làm sao có thể hỏi: trước “lúc ấy”.[vii]
Mặt khác, học thuyết của ngài tương phản với học thuyết của Plato, vì theo Plato, thế giới không được “tạo thành” mà Đấng Tạo Hoá nặn các sự vật từ khoảng chứa có sẵn bằng cách kết hợp các hình thức.[viii] Augustine trình bày:
Chúa không như nhà nghệ sĩ lấy một vật làm nên một vật, theo khả năng của ông áp đặt một hình dạng nào đó. Vì nếu như nhà nghệ sĩ lấy một vật có sẵn để tạo nên vật khác, thì Chúa tạo nên ngay cả vật liệu “có sẵn” ấy, Ngài cũng tạo nên khả năng của nhà nghệ sĩ với thân xác và linh hồn của ông ta nữa. Như thế, Ngài không có sẵn vật gì trong tay để tạo nên vũ trụ, vì tất cả do Người tạo nên, không có vật thể nào trước khi có trời đất.[ix]
Hơn nữa, Augustine không theo thuyết Tân-Plato của Plotinus. Theo Plotinus, vũ trụ như là sự phát toả “tự nhiên tất yếu” từ Thiên Chúa. Vì đối với Augustine, vũ trụ là kết quả của hành vi tự do của Thiên Chúa.[x]
Trước khi tạo dựng trời đất, Chúa không làm gì.[xi] Chúa tạo dựng là do Ngài muốn. Ý muốn này không phải là tạo vật, mà có trước tạo vật, vì nó thuộc về bản thể Ngài.[xii]
Một cách cụ thể, Augustine giải thích niềm tin của ngài vào Kinh Thánh. Cách lý giải này vừa hài hòa với triết lý, vừa sáng tỏ trong niềm tin, nhưng có lẽ không theo lối hiểu của khoa học thực nghiệm hiện đại.
Trong tất cả những thứ hữu hình, vũ trụ là lớn nhất; trong tất cả những gì vô hình, Thiên Chúa là lớn nhất. Chúng ta thấy vũ trụ, còn Thiên Chúa thì chúng ta tin. Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, chúng ta không thể tin ai chắc chắn cho bằng tin chính Thiên Chúa. Và không đâu chắc chắn cho bằng Kinh Thánh: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa tạo thành trời và đất” (St,1,1).[xiii] Trước khi có vũ trụ, không có thời gian. Trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa không làm gì, vì nếu Ngài làm gì thì làm “lúc khởi đầu”. Như thế, vũ trụ được tạo thành không phải là trong thời gian, mà cùng với thời gian.[xiv]
  • Quan niệm của thánh Thomas Aquinas
Triết học Aristotle giả thiết sự tồn tại của một vị Chúa Trời, Ngài là nguyên nhân làm cho tất cả quá trình thiên nhiên hoạt động.[xv] Aristotle cho rằng, Thiên Chúa tạo dựng từ vĩnh cửu, và Thomas nhận định: trên bình diện triết học, không thể kết luận được vũ trụ đã tồn tại từ vĩnh cửu, hay được tạo dựng. Thật không dễ để cùng một lúc vừa nói về một khởi đầu, vừa nói về tính vĩnh cửu.[xvi]
Trong kinh nghiệm, thật khó để phủ nhận tính bất tất của con người, loài vật, cây cối. Tất cả hiện hữu này đều có sinh có tử. Thế nhưng con người lại mơ ước về sự bất tử. Mặt khác, nếu hỏi về tính bất tử của vật chất như đất đá, thì cũng thật là khó. Cho dù chúng thay đổi theo thời gian, nhưng chúng “không sống”. Nếu thế, có ý nghĩa gì khi bàn về tính vĩnh cửu của chúng. Xa hơn nữa, câu hỏi về tính vĩnh cửu được đặt cho vũ trụ này. Trước hết, thánh Thomas dùng phương pháp loại suycủa Boethius để cho thấy rằng:
Dù vũ trụ luôn hiện hữu thì cũng không thể vĩnh cửu như Thiên Chúa, vì vũ trụ không hiện hữu toàn thể một trật như Thiên Chúa, nhưng hiện hữu có sự kế tiếp.[xvii] Ngoài Thiên Chúa, không có gì hiện hữu từ vĩnh cửu. Việc hiện hữu của vũ trụ phụ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, và Thiên Chúa không nhất thiết muốn rằng, vũ trụ phải hiện hữu từ vĩnh cửu; nên không chứng minh được, vũ trụ luôn hiện hữu hay không.[xviii]
Hơn nữa, Thomas cũng chỉ ra, dù Aristotle cố gắng lý giải: vũ trụ vẫn hằng hiện hữu, nhưng ông không thành công vì lý lẽ của ông không phải là lý lẽ dành cho việc chứng minh, và công việc này vượt quá khả năng của trí khôn.
Thứ nhất, trong cuốn Physic VIII, cũng như cuốn De Caelo I, Aristolte đưa ra những lý lẽ đầy mâu thuẫn. Thứ hai, khi chứng minh, ông nại đến chứng tá của cổ nhân, là những chứng tá chỉ có giá trị khuyến khích, không có giá trị chứng minh. Thứ ba, ông nói rõ trong quyển Topic I rằng, chúng ta không có giải pháp hữu lý cho vấn đề “vũ trụ vĩnh cửu hay không”.[xix]
Một cách cụ thể, Thomas Aquinas lựa chọn theo mặc khải Kinh Thánh. Ngài cũng đồng ý với thánh Augustine rằng: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư không, bằng hành vi tự do.[xx] Bởi vì Thiên Chúa là Nguyên Nhân đệ nhất của vũ trụ, nên các hữu thể hữu hạn phải xuất phát từ Ngài qua tạo dựng. Hơn nữa, tạo thành phải được tạo dựng từ hư không. Nếu các thụ tạo được tạo thành ngoài chất thể tiền hiện hữu, thì chất thể này hoặc phải là Thiên Chúa hoặc là một cái gì khác. Nhưng Thiên Chúa không thể là chất thể của tạo thành, cũng không thể có cái gì độc lập với Nguyên Nhân đệ nhất. Do đó, Ngài là nguyên thuỷ tuyệt đối. Không có nguồn hiện hữu độc lập nào ngoài Thiên Chúa.[xxi]
Chỉ nhờ đức tin mà ta công nhận rằng, vũ trụ không luôn hiện hữu, tức là có khởi đầu, chứ không thể chứng minh được. Tuy nhiên, ý muốn của Thiên Chúa có thể giãi bày cho con người bằng mặc khải, nên việc vũ trụ có khởi đầu là khả tín, chứ không phải là điều có thể chứng minh.[xxii] Một cách cụ thể: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa tạo thành trời và đất” (St 1,1) xét được trong ba ý nghĩa. Thứ nhất, vũ trụ không hiện hữu từ vĩnh cửu, mà có lúc khởi đầu. Thứ hai, việc tạo thành chỉ có một khởi đầu là chính Thiên Chúa, chứ không có hai khởi đầu: một của những điều thiện, một của những điều ác. Thứ ba, Thiên Chúa tạo thành trời đất, tức là tất cả, chứ không phải là Ngài dùng những vật thiêng liêng để tạo nên những vật hữu chất.[xxiii]
  • Đối chiếu hai quan niệm
Có thể nói, quan niệm của thánh Augustine và Thomas giống nhau về hai nét chính: một là, vũ trụ này có khởi đầu vì được Thiên Chúa tạo thành từ hư không; hai là, Thiên Chúa tạo thành do ý muốn tự do của Ngài. Điểm khác nhau là các triết gia mà các ngài đối thoại, và cách đưa ra giải pháp của các ngài. Đối với Augustine, ngài vừa đồng ý vừa tương phản với Plato, tương phản với Plotinus. Đối với Thomas Aquinas, ngài gần như thừa nhận Boethius, Aristotle, và dùng chính cách của họ để chỉ ra điểm khó khăn của chủ đề. Nhưng ngài không dừng lại vị trí của họ, mà ngài tiến vào niềm tin trong Kinh Thánh. Cách phân tích của Augustine nhấn mạnh hơn tới ý chí, tới những bước chuyển động trong tâm hồn, tới ngôn ngữ ẩn dụ. Trong khi đó, cách phân tích của Thomas nại nhiều hơn vào trí khôn, vào lập luận chặt chẽ, vào ngôn ngữ có tính khái niệm…
(còn tiếp)
Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[i] X. Jostein Gaarder, Thế giới của Sophie, Trần Minh Châu dịch, (Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2006), tr. 188.
[ii] X. Jostein Gaarder, Thế giới của Sophie, tr.191.
[iii] X. Jostein Gaarder, Thế giới của Sophie, tr.193.
[iv] X. “Phúng dụ cái hang” và “Lý thuyết đường chia” của Plato, trong Nền Cộng Hòa (The Republic), quyển VII; x. Allan Bloom, The Republic of Plato, 2nd edition, (Basicbooks, 1991).
[v] X. Jostein Gaarder, Thế giới của Sophie, tr. 222.
[vi] X. Thánh Augustine, Tự Thuật (Les Confessions), Quyển 11, Đoạn XI, (Nxb Tôn Giáo, 2007), tr. 674.
[vii] X. Thánh Augustine, Tự Thuật (Les Confessions), Quyển 11, Đoạn XII.XXVII, tr. 676.709.
[viii] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề; Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy diên dịch; Nguyễn Việt Long hiệu đính, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004), tr. 120; x. Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volume I, (Continuum, London – New York, 2006), p. 247; x. Plato, the Timaeus, (30a3-5; 47e- 48a2).
[ix] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển 11, Đoạn IV-VI, tr. 664-667.
[x] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, tr. 120; x. Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volume I, p. 466-467; x. Plotinus, theEnneads, (351.352.516.743).
[xi] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển 11, Đoạn XI-XII, tr. 672.675.
[xii] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển 11, Đoạn X, tr.673.
[xiii] X. Saint Augustine, The City of God; Book XI, translated by Marcus Dods; introduction by Thomas Merton, (Modern Library Paperback Edition, 2000), p. 374.
[xiv] X. Saint Augustine, The City of God; Book XI, p. 350.
[xv] X. Jostein Gaarder, Thế giới của Sophie, tr. 229.
[xvi] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, tr. 154.
[xvii] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, (Thiên Chúa Tạo Thành và các thiên thần, Phần I, vấn đề 44-64); phiên dịch và dẫn nhập: Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. và một số cộng tác viên; (Tu viện thánh Alberto Cả, Tp. HCM, 2001), vấn đề 44, tr. 113; [Trong những trích dẫn tiếp theo liên quan đến Tổng luận Thần học, chúng tôi chỉ sử dụng cuốn sách này, nên xin phép được ghi tắt Tổng luận Thần học, thay vì viết đầy đủ]; x. St. Thomas Aquinas, The Summa Theologica, translated by Fathers of the English Dominican Province, (Benziger Bros. edition, 1947).
[xviii] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, tr. 99.
[xix] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, tr. 99.
[xx] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các luận đề, tr. 154.
[xxi] X. Frederick Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volume II, (Doubleday – NewYork, 1993), p.363.
[xxii] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, tr. 111.
[xxiii] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, tr. 119.
 http://dongten.net/noidung/46948

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét