Trang

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Luật tự nhiên - luật cũ - luật mới

Luật tự nhiên - luật cũ - luật mới
Luật tự nhiên trong tiếng Việt tương đương với lex naturalis trong tiếng Latinh, (loi naturelle tiếng Pháp, natural law tiếng Anh); và cũng có thể dịch là luật thiên nhiên hay bản nhiên.

LUẬT TỰ NHIÊN – LUẬT CŨ – LUẬT MỚI
(Lex Naturalis, Loi Naturelle, Natural Law)

(Thời sự Thần học – số 19 – Tháng 03/2000, tr. 5-18) 

 
Tsth__ 
 
A. LUẬT TỰ NHIÊN 
 
Luật tự nhiên trong tiếng Việt tương đương với lex naturalis trong tiếng Latinh, (loi naturelle tiếng Pháp, natural law tiếng Anh); và cũng có thể dịch là luật thiên nhiên hay bản nhiên. Trải qua lịch sử, có nhiều quan niệm khác nhau về luật tự nhiên. 
 
I. LỊCH SỬ 
 
1. Vấn đề của luật tự nhiên bắt đầu từ các triết gia Hylạp cổ thời. Tại đây cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới, những người cầm quyền tự coi mình thay Trời trị dân. Thế nhưng không thiếu lần họ ra những luật lệ chẳng hợp ý Trời chút nào hết. Để phản đối lại các quyết định độc đoán ngạo mạn ấy, Antigone, Socrate khẳng định rằng các nhà cầm quyền không thể tự đồng hóa với Trời được: các luật lệ mà họ ra có thể là phi pháp nếu đi ngược với luật của Trời. Các triết gia gọi quy chuẩn tối cao ấy là luật tự nhiên. Thế nhưng, khi giải thích bản chất và nguồn gốc của luật tự nhiên thì có rất nhiều thuyết khác nhau. Platon thì đặt nó trong thế giới của ý luận, và chỉ có các triết gia mới khám phá được. Còn Aristote thì đặt nền tảng của luật tự nhiên trong chính bản tính của con người (natura humana). 
 
2. Trong khi mà tại Hylạp vấn đề luật tự nhiên được đặt ra để kháng cự lại những luật bất công của nhà nước, thì tại Rôma, vấn đề được đặt ra hơi khác. Tại đây, các công dân Rôma được điều hành do dân luật (ius civile, ius civium); thế còn tương quan với các dân khác sẽ do luật gì chi phối? Các pháp gia trả lời: do luật chư dân (ius gentium). Nói khác đi, ngoài dân luật do nhà cầm quyền đặt ra và có giá trị trong nước, còn có một luật khác có tính cách phổ quát hơn, chi phối tất cả các dân trên thế giới. 
 
3. Các giáo phụ Kitô giáo đã lấy lại tư tưởng của các triết gia Hylạp và Rôma (Seneca, Cicéron), nhưng lồng trong khung cảnh mới của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Luật tự nhiên được coi như là một hình thức mạc khải tự nhiên của Thiên Chúa, nhờ đó con người biết được điều tốt điều xấu để mà làm hay tránh. Thánh Augustinô (và các học phái tiếp theo) đồng hóa luật tự nhiên với lương tâm, theo nghĩa là ý thức về những bổn phận phải làm hay phải tránh; luật tự nhiên là nền tảng cho các luật lệ chế định (lex posivita). Luật tự nhiên đã được Chúa mạc khải cho con người ngay từ buổi tạo dựng; nhưng sau đó do tội nguyên tổ, con người dần dần mất ý thức về luật ấy cho đến lúc Chúa Kitô, nhờ công cuộc cứu chuộc, đã lập lại nó. Luật tự nhiên được tu chính bởi Phúc âm. 
 
4. Qua Thời trung cổ, thánh Tôma Aquinô quan niệm luật tự nhiên cách khác. Dĩ nhiên, theo truyền thống của các giáo phụ, Tôma cũng coi luật tự nhiên như là biểu thị của đường lối Thiên Chúa đối với con người. Tuy nhiên Tôma không quan niệm rằng đó là một bộ luật đã được Chúa ban hành cho nhân loại vào hồi sơ khai trước khi phạm tội. Tôma hiểu luật tự nhiên như là luật dựa trên bản tính con người do Thiên Chúa tạo dựng. Con người, nhờ lý trí, có thể khám phá ra bản tính ấy, biết được điều gì hợp với bản tính, và điều gì trái với nó. Thực vậy, con người không những đã có khuynh hướng về điều thiện nói chung, nhưng còn có khả năng nhận biết điều thiện hảo cho bản thân, chủng loại (tỉ như bảo vệ sự sống cá nhân, truyền sinh và giáo dục con cái, sống hòa hợp với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân trong xã hội). Tưởng cũng nên biết là theo Tôma, luật tự nhiên chưa phải là một mớ những mệnh lệnh chi tiết rõ ràng, bất biến. Đúng hơn, nó bao gồm một số giá trị phổ quát; và sau đó, lý trí con người sẽ tìm cách ứng dụng vào những hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, khi áp dụng những giá trị phổ quát vào những điều kiện cụ thể, con người không tránh khỏi những do dự và sai lầm. 
 
5. Occam đã đảo lộn thứ tự vừa nói: Occam hạ giá của lý trí xuống, không nhìn nhận cho nó cái khả năng để khám phá ra sự thực. Đối lại, Occam đề cao vai trò của ý chí trong luật lệ: điều tốt hay xấu không phải là tự bản chất của nó tốt hay xấu, nhưng là chỗ có hợp với ý chí của nhà lập pháp hay không. Occam đi tới lý luận cực đoan như thế này: nếu Chúa truyền cho mình ghét Chúa thì mình cũng phải vâng theo. Trong bối cảnh đó, không lạ gì mà Occam quan niệm rằng luật tự nhiên là những mệnh lệnh mà Thiên Chúa đã ấn định cho con người. Vai trò của lý trí là đi từ những quy tắc nguyên thủy ấy để rút ra những quy chuẩn khác để mà hành động. 
 
6. Trong thời cận đại, quan điểm về luật tự nhiên lại thay đổi. Tuy vấn đề luật tự nhiên vẫn còn được sử dụng để đối kháng lại các luật lệ bất công của nhà nước, nhưng các triết gia về pháp luật không còn quan niệm nó như tiếng nói của Trời nữa, nhưng là đi từ bản chất của con người, trong trạng thái tự nhiên trước khi kết ước sống thành xã hội. Tuy rằng thuyết này đã được dùng làm nền tảng cho bản Tuyên ngôn các quyền tự do con người vào thời cách mạng Pháp, nhưng quan niệm luật tự nhiên như là luật mà con người sống trong tình trạng sơ khai đã làm giảm giá nó khá nhiều, khi người ta tự hỏi: Tại sao con người ở thời đại vẫn minh lại phải trở về tình trạng cổ lỗ man rợ làm gì? Đây là luận cứ của bao nhiêu chế độ độc đoán muốn loại bỏ luật tự nhiên, để dễ áp đặt các luật lệ mà họ đặt ra, coi như là tối cao tuyệt đối rồi. Thế nhưng, như chúng ta đã biết, trước những tội ác của các chế độ phát xít quân phiệt của thời đại chúng ta, công luận đã nhận thấy rằng cần phải có những quy tắc nào cao hơn để kiểm soát và chế tài các luật lệ của nhà nước. Một lần nữa, giống như thời thượng cổ Hylạp, cần phải tìm về luật tự nhiên. Nhưng luật tự nhiên là gì? Đây là những vấn đề đặt ra cho thần học luân lý. 
 
II. NHỮNG VẤN ĐỀ THẦN HỌC CHUNG QUANH LUẬT TỰ NHIÊN 
 
Kinh thánh có nói đến luật tự nhiên hay không? Dĩ nhiên, có lẽ trong Kinh thánh ta không thấy xuất hiện từ ngữ ấy, và nhất là Dân Do thái cũng như Dân Kitô giáo tìm thấy mẫu mực hành động nơi Giao ước chứ không phải chỉ nơi luật tự nhiên. Thế nhưng, tư tưởng về luật tự nhiên không phải là không có trong Kinh thánh. Không thiếu học giả Kinh thánh coi 10 điều răn của Chúa là những quy định của luật tự nhiên. Thêm vào đó, thánh Phaolô, đặc biệt trong thư gửi Rôma, nhìn nhận rằng dân ngoại đã được Chúa ban cho luật luân lý để biết đường cư xử; tiếc rằng chẳng mấy ai tuân theo cả. Dựa vào đó, Luther và các tác giả Tin lành không đánh giá luật tự nhiên, bởi vì theo họ, con người đã sa đọa mù quáng, nên không còn biết luật tự nhiên là gì nữa. 
 
Trong thần học luân lý công giáo ngày nay, ta có thể nói được là vấn đề luật tự nhiên được đặt lên dưới ba khía cạnh sau đây, tương đương với ba cách hiểu tiếng “natura, naturalis": 
 
a) luật tự nhiên đối lại với luật siêu nhiên; 
b) luật tự nhiên đối lại với luật chế định; 
c) là luật nằm trong bản chất của sự vật. 
 
1. Tự nhiên (naturalis), đối với với siêu nhiên (super-naturalis). Luật tự nhiên được coi như sự mạc khải tự nhiên, nghĩa là tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Hiểu như vậy, có thể coi luật tự nhiên như là tiếng lương tâm, thôi thúc con người hành động có trách nhiệm, sử dụng lý trí của mình để nhận biết đường ngay nẻo chính. Dưới khía cạnh này, luật tự nhiên là nơi mà các tín hữu Kitô giáo có thể gặp gỡ đối thoại với các người thuộc các tôn giáo khác, cũng như cả với những người không theo tín ngưỡng nào, để cùng tìm ra một cách thế cư xử luân lý. 
 
2. Tự nhiên (naturalis) đối lại với chế định (hay thiết định, thực tại, positiva). Luật tự nhiên khắc trong tâm khảm con người, đối lại với những luật lệ thành vẫn của các nhà cầm quyền. Dưới khía cạnh này cũng có thể coi luật tự nhiên như là lương tri: con người cần phải biết sử dụng lý trí của mình để xét đoán phải trái, nhờ đó không những có thể phê phán về các hành động của mình mà cả những luật lệ của xã hội nữa, xem chúng có hợp với luân lý, với công bằng hay không. 
 
3. Tự nhiên (naturalis) theo nghĩa là thiên nhiên hay bản chất (natura). Trong hai khía cạnh trên đây, chúng ta thấy rằng luật tự nhiên phần nào đồng hóa với lương tâm. Còn khía cạnh thứ ba thì nhấn mạnh đến một tiêu chuẩn khách thể. Thực vậy, lương tâm, lương tri hay lý trí là cơ quan để nhận định điều phải điều trái; thế nhưng, dựa vào tiêu chuẩn gì để mà phán đoán nhận định. Câu trả lời là tìm nơi bản chất của sự vật (natura rei), tức là hoặc qua sự tìm hiểu thiên nhiên vũ trụ, hoặc là học hỏi chính bản tính của con người. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì chúng ta biết rằng sự hiểu biết của khoa học về thiên nhiên và về vũ trụ vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu: cứ xem các tiến bộ của các khoa thiên vẫn, vật lý, hóa học thì biết. Điều tương tự cũng có thể nói về sự hiểu biết về bản chất của con người, với những tiến bộ không những về tâm lý mà còn về y học, sinh vật học. 
 
Dưới khía cạnh thứ ba này, có vấn nạn sau đây được đặt lên chung quanh sự “hiểu biết” về luật tự nhiên. Chúng ta chấp nhận rằng có một luật tự nhiên, do chính Đấng Tạo Hóa xếp đặt; nhưng những gì mà chúng ta học biết từ xưa tới nay đã phản ánh trung thực tới mức nào của luật tự nhiên? Nói cách nôm na hơn: sự hiểu biết của chúng ta ngày hôm nay về luật tự nhiên thực sự phản ánh bao nhiêu phần trăm cái luật tự nhiên? Có thể xảy ra chuyện rằng hiện thời chúng ta lầm tưởng rằng mình đã biết tới 90% rồi, nhưng sang thế kỷ tới, hậu thế sẽ chê chúng ta chưa biết hết luật tự nhiên, thì thử hỏi Giáo hội có quyền giảng dạy luật tự nhiên cách vô ngộ hay không? Đó là những câu hỏi được nêu lên chung quanh các phương pháp ngừa thai: thế nào là phương pháp hợp với thiên nhiên, thế nào là đi ngược với thiên nhiên; rồi từ đó lan ra các câu hỏi khác về luân lý phái tính (tỉ như đồng tính luyến ái) và ngày nay trong khía cạnh y học (thụ thai nhân tạo). 
 
Tuy nhiên, dầu rằng đang khi mà trong nội bộ Giáo hội có những cuộc tranh luận về thẩm quyền của Quyền giáo huấn đối với luật tự nhiên, thì về phía đối ngoại, ai ai cũng đồng ý rằng Giáo hội phải lên tiếng nhiều hơn nữa để bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ nhân quyền. Thế nhưng nhân quyền dựa vào đâu nếu không phải trên bản tính của con người, những quyền lợi bất khả xâm phạm, dựa trên bản tính và phẩm giá của con người? Dù sao thì nhân quyền chính là một ngôn ngữ mới của luật tự nhiên vậy. 
 
B. LUẬT CŨ - THẬP GIỚI 
 
Trong tiếng Việt, chúng ta quen gọi là “Thập giới, Thập điều giới răn, 10 giới răn hay 10 điều răn”. Trong Kinh thánh thì được gọi là “10 lời” (Đệ nhị luật 4,13; 10,4), từ đó dịch ra tiếng Hylạp là “dekálogos”, và tiếng Latinh “decalogus”. Gọi là “mười lời” vì hiểu đây là 10 lời ngôn sứ, công bố ý định của Thiên Chúa, chứ không có nghĩa là “lệnh truyền” như ta quen hiểu. Tại sao mà không phải 9 hay 11? Theo một số học giả, con số 10 không có nghĩa là “thập toàn” nhưng có lẽ vì lý do sư phạm: người ta có thể tính nhẩm trên đầu 10 ngón tay để nhớ thuộc lòng. Chúng tôi xin tạm gọi là “Thập giới” cho gọn. 
 
Trong Cựu ước chúng ta có hai bản vẫn về Thập giới: Xuất hành 20,2-17 và Đệ nhị luật 5,6-21. Giữa hai bản vẫn có tới 20 sự khác biệt. Tỉ như: về lý do giữ ngày Sabat, thì Xuất hành lấy lẽ vì nhắc lại việc Chúa nghỉ sau khi hoàn tất sự tạo dựng, còn Đệ nhị luật thì muốn nhắc lại sự giải phóng khỏi nô lệ Ai cập; Đệ nhị luật tách sự ước muốn vợ khỏi sự ước muốn tài sản của người láng giềng, còn Xuất hành gộp làm một. Riêng về lối hành vẫn, chúng ta có thể ghi nhận 3 điểm dị biệt trong thể thức phát biểu của 10 điều răn: 
 
a) Trong hai giới răn đầu, xem ra như lời Chúa phán trực tiếp ở ngôi thứ nhất; còn các giới răn còn lại xem ra như lời của một ngôn sứ bày tỏ ý định của Thiên Chúa (ở ngôi thứ ba). 
 
b) Chỉ có hai điều phát biểu tích cực (nghỉ ngày Sabat và kính cha mẹ), còn các điều khác có tính cách tiêu cực (ngăn cấm không được làm). 
 
c) Một số điều chỉ phát biểu cộc lốc, một số điều viện dẫn lý do của lệnh truyền. 
 
Từ những nhận xét vừa rồi, các học giả cho rằng có lẽ vào lúc đầu có một bản vẫn nguyên khởi, rắt vắn tắt, rồi dần dần được phát triển qua hai bản vẫn như thấy trong Kinh thánh. Liệu có thể đi ngược dòng thời gian, để tìm lại bản vẫn nguyên khởi hay không? Các tác giả đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc sơ khởi, hoặc của tất cả Thập giới, hoặc của sự hình thành tiệm tiến từ đôi ba điều răn cho tới con số 10. Tuy nhiên, những giả thuyết ấy đều có tính cách chủ quan. Một đường lối xem ra hợp lý hơn là khảo sát nội dung các điều răn bằng cách đối chiếu hai bản vẫn hiện tại, cũng như những bối cảnh của các bản vẫn ấy, để tìm hiểu ý nghĩa của chúng trải qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử Dân Chúa, chúng tôi tạm chia ra ba giai đoạn như sau: 
  • Giai đoạn khởi nguyên, 
  • Giai đoạn thành vẫn Cựu ước, 
  •  Giai đoạn Tân ước. 
 
I. GIAI ĐOẠN KHỞI NGUYÊN 
 
Trong giai đoạn khởi nguyên, các điều răn ra đời trong khung cảnh của một xã hội nông nghiệp, trong đó người nông dân có quyền sở hữu không những là nhà cửa, đất đai, súc vật, mà cả nô lệ nữa. Thêm vào đó, con người tụ họp thành bộ tộc, với chế độ gia trưởng, gồm nhiều thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà. Chúng ta thử đọc các điều răn trong khung cảnh đó. 
 
Thứ nhất, “ngươi không được thờ các thần nào khác”. Vào thời buổi sơ khai, dân Israen vẫn còn tin rằng Giavê là chúa của riêng họ, còn các dân khác cũng có chúa riêng. Trên thực tế, Israen đã bị cám dỗ nhiều lần chạy theo các thần khác; vì vậy điều răn này nhắc nhở Israen hãy trung thành với kẻ đã cứu họ, đã giải thoát họ. - Tiếp theo, “ngươi không được tạc ngẫu tượng”, lúc đầu, được coi như giới răn riêng, giới răn thứ hai, xem ra nhắm bài trừ ma thuật, khi con người tin rằng sức mạnh của thần cô động ở nơi cái tượng; đang khi mà Thiên Chúa là Đấng tự do, không bị giới hạn vào khuôn khổ nào nhất định; về sau điều răn này được nới rộng và gắn với điều răn thứ nhất, nghĩa là không được thờ lạy các thần ngoại. 
 
Thứ hai, “ngươi không được đọc tên Giavê cách vô lý”, xem ra muốn bài trừ tục thề gian, lấy tên Chúa để thề điều gian dối; về sau nhằm bài trừ mọi hình thức dị đoan ma thuật, dùng tên Chúa như lời bùa chú. 
 
Thứ ba, “nghỉ ngày sabat”. Lúc đầu, xem ra có tính cách lao động, có ngày làm việc có ngày nghỉ ngơi, nhất là khi đối xử với các nô lệ tá điền. Về sau, mới thêm động lực tôn giáo, nghĩa là: một đàng dựa trên lý do tôn giáo (tức là nhớ đến việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau 6 ngày tạo dựng, cũng như nhớ đến công cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập), và đàng khác, dành ngày nghỉ vào công việc thờ phượng. 
 
Thứ tư, “ngươi hãy tôn kính cha mẹ”, cách riêng khi họ già nua tuổi tác, không được bỏ rơi họ. 
 
Thứ năm, “chớ giết người”, hiểu là giết người (cách riêng người vô tội), có chủ mưu và bất hợp pháp, chứ không nói tới việc tàn sát trong trường hợp chiến tranh hay khi phải lên án tử hình. 
 
Thứ sáu, “đừng ngoại tình”, nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không được xâm phạm đến vợ của người khác. Vào thời ấy, chưa cấm tục đa thê, cũng như chưa nói tới việc những trai gái chưa lập gia đình. 
 
Thứ bảy, “đừng trộm cắp”, nhằm bảo vệ tài sản của tha nhân. 
 
Thứ tám, “đừng làm chứng dối”, hiểu là khi được gọi ra tòa, đừng khai gian, vu khống. 
 
Hai điều răn chót lúc đầu chỉ là một, “đừng ước ao” vợ hay tài sản của tha nhân; ước ao không phải theo nghĩa là thèm thuồng, nhưng là mưu toan chiếm đoạt. Vào thời cổ, bà vợ cũng được xếp chung với khối tài sản. Về sau, khi hai điều răn thứ nhất và thứ hai được gộp lại làm một, khi điều răn chót về sự thèm thuồng được tách làm hai: thứ chín nói về vợ, và thứ mười nói về tài sản của tha nhân. 
 
II. GIAI ĐOẠN THÀNH VẪN TRONG CỰU ƯỚC 
 
Ta có thể nhận thấy vào lúc đầu các điều răn được đặt ra nhằm bảo đảm trật tự xã hội, cách riêng trong việc tôn trọng sinh mạng và tài sản của tha nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn thành hình các sách của Cựu ước, nó được lồng trong khung cảnh của Giao ước giữa Thiên Chúa với Israen. Thập giới được coi như là “Mười lời” của Thiên Chúa dành cho Israen. Chúng được coi như là những điều lệ để được gia nhập vào Giao ước ấy. Thập giới không phải chỉ là những luật lệ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong cộng đồng, nhưng tiên vàn là biểu tượng của sự tự do. Thập giới được dẫn nhập bởi tuyên ngôn như sau: “Ta là Giavê, Chúa của ngươi, kẻ đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi nhà nô lệ” (Đnl 5,6; Xh 20,2). Thiên Chúa đã giải phóng Israen khỏi cảnh nô lệ, và đã cho Israen được ơn tự do; và trong ơn tự do ấy, Ngài đã ban Mười Lời. Bởi vậy Thập giới không phải là cái ách lề luật đặt cho Israen, nhưng là những phương tiện để sống tự do. Tự do khi không làm nô lệ các thần khác; tự do khi không tước đoạt tự do của tha nhân, gây thiệt hại cho họ bất cứ cách nào (danh dự, tính mạng, tài sản của họ). 
 
III. GIAI ĐOẠN TÂN ƯỚC 
 
Tiếc rằng dần dần Israen quên đi động lực căn bản của Giao ước ấy, mà chỉ nhìn đến các mệnh lệnh, với con số càng ngày càng tăng, khiến cho đời sống đạo đức trở nên nặng nề, nếu chưa nói là vụ hình thức. 
 
Khi đọc Phúc âm, ta có thể nhận xét thái độ của Chúa Giêsu đối với các giới răn như sau: 
 
1) Thứ nhất, Ngài coi rằng các giới răn vẫn còn bắt buộc. Khi có người đến hỏi rằng phải làm gì để được nên trọn lành, Chúa Giêsu trả lời hãy giữ các giới răn (Mc 10,17-21; Mt 19,16-22; Lc 18,18-23). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đọc một mạch tất cả 10 điều răn từ đầu đến cuối, mà chỉ kể ra một vài điều thôi, tỉ như: Đừng giết người, đừng tà dâm, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ. 
 
2) Thứ hai, Chúa Giêsu muốn cho con người đi sâu vào tinh thần của giới răn chứ không phải chỉ dừng lại ở chữ đen. Trong Bài giảng trên núi (Mt 5,21-48), Ngài đã đối chiếu một đàng là “các ngươi đã nghe nói như thế này... còn Ta, Ta bảo các ngươi...”. Hơn thế nữa, Ngài không chỉ muốn con người chú ý đến ý nghĩa của từng giới răn một, song hãy cố gắng khám phá ra mục đích của tất cả các giới răn. Thực vậy, tất cả các giới răn chỉ là những cách thức cụ thể để diễn tả một giới răn tối thượng và duy nhất, đó là “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí, hết sức; và ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Mc 12,28-34; Mt 22,34-40; Lc 10,25-28). Việc thực hành các giới răn không phải chỉ nhằm sự tuân hành một mệnh lệnh, nhưng nhằm tới việc diễn tả một lý tưởng đó là “hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đầng trọn hảo” (Mt 5,48). 
 
Trong các thư của thánh Phaolô, ta nhận thấy hai điểm đáng chú ý sau đây: a) Thứ nhất, Ngài coi tất cả các giới răn tóm lại trong sự yêu thương: sự yêu thương được coi như “toát yếu” và là “sung mãn” của các giới răn (Rm 13,9-10); b) thứ hai, thánh Phaolô nhiều lần chỉ trích thái độ của những người tuân giữ lề luật với ý định cố gắng tự coi mình là công chính. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến vai trò của ơn thánh Chúa, đến vai trò của Thánh Thần được ban cho chúng ta để sống trong tình con thảo, phát triển những hoa trái của tình yêu. 
 
Những nhận xét trên đưa ta đến ba kết luận sau đây, khi nói về vai trò của Thập giới trong đời sống người Kitô hữu. 
 
1) Thập giới không phải là một bộ luật với những từ ngữ cố định bất biến; nó là những hình thức cụ thể nhằm diễn tả cách-thế đáp ứng lại với tiếng nói của Thiên Chúa, dựa vào từng thời từng nơi khác nhau. Chính vì vậy mà Quyển Giáo lý Công giáo mới xuất bản, tuy dựa trên Thập giới, nhưng không dừng lại ở việc chú giải các từ ngữ của bản vẫn Cựu ước, song cố gắng tìm cách áp dụng vào những hoàn cảnh của thời đại chúng ta. 
 
2) Chúng ta đừng bao giờ quên rằng giới răn quan trọng tối thượng hơn cả là thương yêu. 
 
3) Đời sống người tín hữu không phải chỉ tóm lại trong việc tuân hành các giới răn: luân lý Kitô giáo còn bao gồm ơn thánh sủng, các bí tích, các linh ân của Chúa Thánh Thần nữa. 
 
C. LUẬT MỚI 
 
Trong cố gắng trình bày đặc tính mới mẻ của Luân lý Kitô giáo, không những sánh với luân lý của các triết thuyết hay của các tôn giáo khác mà kể cả sánh với Cựu ước, các nhà thần học đã cố gắng tìm một công thức để diễn tả nó. Đã có nhiều công thức được đề ra, ví dụ như: luân lý thương yêu (hoặc bác ái), luân lý của đức Kitô (hay: theo chân đức Kitô), luân lý các nhân đức, luân lý của các mối phúc thật, v.v... Một công thức do thánh Tôma đề nghị và được Sách Giáo lý Công giáo du nhập là “Luật Mới” (Lex Nova). Lợi điểm của nó ở chỗ có nền tảng Kinh thánh, và làm nêu bật những giai đoạn tiệm tiến trong chương trình mạc khải của Thiên Chúa, đi từ lúc tạo dựng (luật tự nhiên), sang giao ước cũ (Luật cũ) và Giao ước mới (luật mới). Thế nhưng luật mới là gì? 
 
I. KINH THÁNH 
 
Trong Cựu ước, khi nói về một giai đoạn mới của Giao ước giữa Thiên Chúa với Dân tuyển, các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Êdêkien đã mô tả đặc trưng của luật mới như là luật nội tâm. Luật ấy sẽ không còn ghi khắc trên bia đá, nhưng là sẽ in trong con tim (Gr 31,32-34), do tác động của Thánh Thần Chúa. Thánh Thần sẽ biến đổi con tim của con người, khiến cho nó biết nhạy cảm, ngoan ngoãn hơn để tuân giữ giới răn của Chúa (Ed 11,19-20; 36,25-28), thực thi công lý vẹn toàn (Is 32,15-18). 
 
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc giữ luật trong lòng, trong con tim, chứ không phải chỉ căn cứ vào chữ (Mt 5,3.8.28; 6,19-23); nhất là, Chúa Giêsu cho thấy giới răn quan trọng hơn cả là yêu thương, nghĩa là kính mến Chúa hết lòng, và diễn tả tình thương vô biên của Chúa ra những hành vi liên hệ tới tha nhân. 
 
Thánh Phaolo tiếp tục giáo huấn ấy về sự thương yêu; thêm vào đó, Phaolô đã dành rất nhiều chỗ trong các thư để khai triển vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Kitô hữu: người tín hữu không những chỉ có một ý tưởng mới để quy chiếu, (tức là đức Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì thương yêu), nhưng còn nhận được Thánh Thần tình yêu để dạy dỗ, huấn luyện, Ngài thay đổi cái nhìn phán đoán, con tim của ta họa theo tiêu chuẩn mới, và đồng thời ban cho ta khả năng để sống và hành động theo tiêu chuẩn ấy. Do đó, luật sống của người Kitô hữu có thể tóm lại như là “Luật của Thánh Thần sự sống trong đức Kitô Giêsu” (Lex Spiritus vitae in Christo Jesu: Rm 8,2). Phàm ai biết để cho Thánh Thần hướng dẫn, đi theo luật của thương yêu, luật nội tâm, thì sẽ được tự do khỏi lề luật của bên ngoài. Dĩ nhiên, thánh Phaolô không hiểu tiếng tự do theo nghĩa là phóng túng, nhưng theo nghĩa là không còn thấy sự nặng nề cưỡng bách từ ngoại lực. Con người biết sống theo Thánh Thần sẽ thực thi lề luật của Chúa cách thoải mái, coi như cách tự phát vậy. 
 
Vai trò của Thánh Thần và thương yêu cũng được nói tới nhiều trong các tác phẩm của thánh Gioan. Ta chỉ cần ghi nhận một điểm: khi so sánh các chế độ của Cựu ước và Tân ước trong chương đầu của Phúc âm, Gioan nói rằng luật được ban qua Môsê, còn ân sủng và chân lý thì được ban qua đức Kitô. Nói cách khác, luật của Tân ước là luật của ân sủng (Ga 1,16.17). 
 
II. LỊCH SỬ THẦN HỌC 
 
Dựa trên các bản vẫn Tân ước, các thánh Giáo phụ đã nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Kitô hữu. Luật của Giao ước mới là luật của Chúa Thánh Thần, không những theo nghĩa là Giao ước mới được công bố vào lễ Thánh Thần Hiện xuống, nhưng nhất là theo nghĩa là Thánh Thần đã viết nó vào con tim của ta, biến nó thành sự thâm tín nội tại, đồng thời Ngài ban cho ta khả năng để tuân hành nó. 
 
Trong lịch sử thần học, hai thánh Augustinô và Tôma Aquinô đã dành một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của mình để trình bày mạch lạc về Luật mới. Để đối lại Pelagio nhấn mạnh đến sự cố gắng của con người trong việc tuân giữ luật Chúa, thánh Augustinô trình bày sự cần thiết của ơn thánh và Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu. Trong tác phẩm De Spiritu et Littera (tinh thần và chữ viết), Augustinô nói rằng Thánh Thần không những ban sức cho ta để giữ luật, nhưng chính Ngài là luật của ta. Nói khác đi, trong khi mà Pelagio coi luật là ân sủng Chúa ban cho ta, thì Augustinô nói ngược lại: ân sủng là luật của ta; luật của người Kitô hữu hệ tại ân sủng, tức là Thánh Thần hiện diện và tác động trong ta.- Thánh Tôma đã đề cập đến luật mới trong nhiều tác phẩm khác nhau, đặc biệt khi chú giải các thư của thánh Phaolô, và sau cùng Ngài đã tóm lại trong cuốn Thần học tổng luận (Summa Theologiae) I-II, q.106-108. Nên biết là về danh xưng, ngoài tiếng “luật mới ” (lex nova), Tôma còn dùng nhiều từ khác nữa, tựa như: lex Christi (luật của đức Kitô), luật Tân ước (lex Novi Testamenti), luật Phúc âm (lex Evangelii) hay gọn lỏn: “Phúc âm” (Evangelium), luật Thánh Thần (lex Spiritus), luật tự do (lex libertatis), luật đức tin (lex fidei), luật bác ái (lex caritatis), luật ân sủng (lex gratiae), v.v... Qua những hạn từ khác nhau như vậy, Tôma phần nào đã phát biểu bản chất của luật mới, mà ta có thể tóm như sau. Trong luật mới Tôma đi theo cấp bậc hệ trật, từ căn bản chính yếu đến các điều thứ yếu. 
 
- Cốt yếu của luật mới là ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Thần được ban cho nhân loại do hiệu năng của công trình cứu chuộc của đức Kitô, và được đổ xuống trên từng người chúng ta nhờ việc lãnh nhận đức tin vào đức Kitô. Tác động của Thánh Thần biểu lộ nơi chúng ta qua đức tin và đức ái. Căn bản của luật mới là Thánh Thần ngự trong ta: Ngài là luật khắc vào con tim của ta. 
 
- Ngoài cái cốt tủy đó, luật mới còn bao gồm một vài hành vi và mệnh lệnh, hoặc là nhằm chuẩn bị để lĩnh nhận ơn thánh, hay là để làm triển nở ơn thánh. Để chuẩn bị lĩnh nhận ơn thánh, con người phải hoán cải trở về với Chúa, đồng thời sử dụng những phương tiện để lĩnh ơn thánh (tỉ như các bí tích). Để làm triển nở ơn thánh, không những con người phải tránh những hành vi tội lỗi, nhưng còn phải thực hiện những công hiệu của ơn thánh (tỉ như những hành vi bác ái, và các nhân đức khác). Thánh Tôma lưu ý rằng khi so sánh với luật cũ, thì luật mới rất ít những giới luật bên ngoài. Lý do vì, như đã nói, các mệnh lệnh chỉ giữ vai trò thứ yếu, chúng chỉ có tính cách phương tiện, xét vì cốt yếu là luật nội tại (tức là Thánh Thần). Cũng vì lý do đó, mà các giới luật bên ngoài này có tính cách uyển chuyển, làm sao để tìm cách phát biểu đời sống ơn thánh trong những hoàn cảnh trường hợp khác nhau. Tưởng cũng nên nói thêm, là Tôma tổ chức thần học luân lý trên bối cảnh ấy, nghĩa là dựa trên các nhân đức, được phát triển đến mức tối đa qua các mối phúc thật dưới tác động của ơn Chúa Thánh Thần. 
 
III. SÁCH GIÁO LÝ CÔNG GIÁO 
 
Luật mới đã được bàn tới trong các số 1965-1974 trong sách Giáo lý công giáo (sau khi đã nói tới luật tự nhiên và luật cũ). Luật mới, cũng được gọi là luật Phúc âm, được xét tới dưới hai khía cạnh: một đàng đối chiếu với luật cũ, và một đàng là xét trong chính bản chất của nó. Các giáo huấn đều dựa trên Kinh thánh, với những quy định khá nhiều đến Phúc âm thánh Matthêô và thư thánh Phaolô. 
 
1) So sánh với luật cũ, luật mới được gọi là kiện toàn luật cũ: luật mới không xóa bỏ các điều truyền của luật cũ, nhưng rút ra những tiềm năng của nó. Luật mới không đặt thêm điều truyền bên ngoài, nhưng là cải tổ con tim của con người, nơi quyết định điều phải điều trái, nơi phát xuất các nhân đức; đồng thời, luật mới đưa luật cũ đến chỗ trọn hảo qua sự bắt chước Cha trên trời là Đấng trọn hảo. 
 
2) Xét trong chính nó, Luật mới có hai nguồn gốc: thứ nhất đức Kitô, vì Ngài đã dạy dỗ chúng ta qua đời sống và lời giảng, đặc biệt là Bài giảng trên núi; thứ hai là Thánh Thần, Đấng tác động trong ta qua tình yêu, dạy dỗ chúng ta theo con đường mà Chúa Kitô đã vạch, ban cho ta ơn thánh nhờ các bí tích ngõ hầu ta có thể chu toàn. Xét về nội dung của luật mới, ngoài việc kiện toàn các điều răn của luật cũ như đã nói trên đây, luật mới còn cho ta thấy những con đường dẫn vào nước Trời, tựa như các mối phúc thật, các lời khuyên Phúc âm. Tất cả luật mới tóm lại trong giới răn yêu thương: chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã thương yêu ta. 
 
Tóm lại, luật mới được tóm lại qua ba đặc trưng sau đây: luật thương yêu, luật ân sủng và luật tự do. Gọi là Luật thương yêu, vì nó thúc đẩy ta hành động vì thương yêu mà Thánh Thần ban cho ta, chứ không vì sợ sệt. Luật ân sủng, vì nó ban cho ta ân sủng nhờ đức tin và các bí tích để ta hành động. Luật tự do vì nó giải thoát ta khỏi những giới điều lễ nghi và pháp lý của luật cũ, hướng chúng ta hành động một cách tự nguyện do bác ái thúc đẩy, biến chúng ta từ nô lệ sang con cái Chúa.
 

Nguồn tin: tsthdm.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét