Đức Giêsu viết – Tội Giuđa – Đi tu
Đức Giêsu đã viết gì trên cát? Tội Giuđa là thế nào? Muốn đi tu thì phải có điều kiện gì?
Con muốn hỏi:
1. Trong đoạn tin mừng Chúa Jêsu viết trên cát con hỏi Chúa viết gì trên đó mà lâu thế? Tại sao dân lại để cho Chúa viết.
2. Tại sao Giuđa cũng ăn năn cũng sám hối tội của ông đâu nặng bằng của Phêrô vậy mà Giuđa lại bị trừng phạt nặng đến vậy?
3. Con đang tìm hiểu một dòng nhưng nhiều khi con thấy Đi tu mà nặng chưa xác tín đủ thì thật khó. Vậy nếu để từ bỏ và để xác tín thì con phải làm sao?
1. Trong đoạn tin mừng Chúa Jêsu viết trên cát con hỏi Chúa viết gì trên đó mà lâu thế? Tại sao dân lại để cho Chúa viết.
2. Tại sao Giuđa cũng ăn năn cũng sám hối tội của ông đâu nặng bằng của Phêrô vậy mà Giuđa lại bị trừng phạt nặng đến vậy?
3. Con đang tìm hiểu một dòng nhưng nhiều khi con thấy Đi tu mà nặng chưa xác tín đủ thì thật khó. Vậy nếu để từ bỏ và để xác tín thì con phải làm sao?
(dang thi thu Ngan <anhsuongmai032008@...)
----------------------
Chị Thu Ngan,
Xin trả lời các câu hỏi của chị.
1.- Chúa Giêsu viết trên cát: người viết gì mà lâu thế? Tai sao dân lại để cho Chúa viết?
(1) Thánh Giêrônimô cho rằng Đức Giêsu đã viết tội của những người tố cáo người phụ nữ. Ngài nghĩ như thế vì dựa trên Gr 17,13;
(2) Theo J.D.M. Derrett, người chồng đã lập mưu với các người chứng để bắt quả tang vợ phạm tội; do đó dựa theo c. 6, Đức Giêsu đã viết lên đất câu Xh 23,1b: “(để làm chứng gian)”, và dựa theo c. 8, Người đã viết Xh 23,7a. Với lại sách Đanien đã quy chiếu về câu Xhnày trong truyện bà Susanna (Đn 13,53);
(3) T.W. Manson lưu ý rằng trong cách thực hành của Luật Rôma, trước tiên vị thẩm phán viết bản án ra, rồi mới đọc to lên. Như thế, hẳn là c. 6 cho thấy Đức Giêsu đã viết bản án ra, rồi công bố ở c. 7; rồi ở c. 8, Người lại viết những gì sẽ công bố ở c. 11;
Nhưng cách giải thích hợp lý nhất, đó là Đức Giêsu chỉ vạch các đường nét trên mặt đất trong khi Người suy nghĩ, hoặc muốn tỏ ra không nao núng hay kềm hãm các cảm giác chán ngán về sự hăng hái đầy gian ác của những người tố cáo. E. Power ghi lại nhiều trường hợp từ nền văn chương Ả-rập cho thấy thói quen Sê-mít vẽ trên đất khi không muốn can thiệp vào vụ việc nào đó. Dù sao, chúng ta có cảm tưởng là nếu là chuyện quan trọng hơn, thì nội dung của những nét vẽ đó đã được kể lại.
Người ta để cho Đức Giêsu viết, vì không những dân chúng mà cả giới lãnh đạo Do thái giáo vẫn tôn kính Người như là vị tôn sư (x. các lời thưa gửi với Người: Mt 19,16; Mc 12,2832 và các đoạn song song; Ga 1,49; 3,2), và lúc này người ta đang chờ Người tuyên bố một giải pháp cho “bài toán” các kinh sư và người Pharisêu đề ra.
2.- Giuđa cũng ăn năn sám hối mà lại bị trừng phạt nặng quá?
Cứ dựa vào bốn sách Tin Mừng, chúng ta khó mà nói rằng Giuđa đã ăn năn sám hối. Trong các Tin Mừng, ông được nói đến 20 lần, nên phải nói là các tác giả quan tâm đến ông. Tuy ông được nêu tên ở cuối danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10,14 và song song), các tác giảTin Mừng nêu bật rằng Giuđa Ítcariốt là “một trong Nhóm Mười Hai” (Mt 26,14; Mc 14,10; Mt26,47 và các đoạn song song; Mc 14,20; Ga 6,71) hoặc “một người trong số Mười Hai” (Lc22,3; x. Cv 1,17).Trong bài tường thuật Thương Khó, việc phản bội của Giuđa được kể ba cách: cuộc thương thảo với các thượng tế (Mt 26,14-16 và các đoạn song song), lời loan báo của Đức Giêsu (Mt 26,20-23 và các đoạn song song), chính việc phản bội (Mt 26,45-46 và các đoạn song song).
Sau khi phản bội, ông đã bị cắn rứt, chứ không ăn năn (từ ngữ Hy-lạp metamelêtheis), và lời ông thú nhận: “Tôi đã phạm tội”. và không phải là Thiên Chúa đã trừng phạt ông quá năng. Lời Đức Giêsu: Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24 và các đoạn song song) nói đến tầm mức của chính hành vi Giuđa đã làm, hơn là số phận đời đời của ông. Dù sao, cũng đừng biến ông thành một vị tử đạo của lịch sử cứu độ, với kiểu lý luận là đại khái nhờ ông, Thiên Chúa mới có thể thực hiện chương trình cứu độ, y như thể không có ông thì Thiên Chúa đành bó tay!
Đối với Giuđa thì rất khác. Người ta vẫn còn suy đoán để tìm biết những động lực tâm lý nào đã đẩy ông đến chỗ làm một hành vi như thế. Phải chăng vì ông cảm thấy bị lạc lõng trong nhóm? Phải chăng là vì ông thất vọng? Hay là ông chỉ là một kẻ tham lam và giả hình? Người ta vẫn chưa thể đi sâu vào trong những mê cung phức tạp trái ngang đó được.
Tất cả những gì chúng ta biết, đó là ông hay lợi dụng cái quỹ nghèo nàn chung của nhóm. Chính tác giả Ga cho biết như thế: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp; y giữ tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (12,6).
Dường như ngay từ khi bước vào cuộc phiêu lưu theo Thầy Giêsu cùng với mười một anh em kia, trong quan hệ giữa Giuđa và Đức Giêsu đã có một chỗ “bỏ lửng” bí mật rồi, hoặc ít ra chỗ “bỏ lửng” đó đã có khá sớm, trước khi xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng với những người Pharisêu và giới lãnh đạo Do-thái giáo. Các tương quan giữa ông và Đức Giêsu có một vùng bóng tối: một phần bản thân ông từ chối dấn thân vào; ông không “chơi” trọn vẹn. Khi những biến cố Giêrusalem xảy ra (vào thành, các lần tranh luận...) là những biến cố cho thấy tình hình rất căng thẳng rồi, thì “khe nứt” trong tương quan giữa Giuđa và Đức Giêsu lại toác ra thêm; vùng tăm tối ấy lan rộng thêm nữa. Ông lên một kế hoạch tinh ranh: Phải thủ lợi cho mình bằng bất cứ giá nào (Il faut tirer les marrons du feu!). Đây là một quyết định ông lấy dưới sự thôi thúc của một khuynh hướng quy ngã ngày càng rõ nét và ngày càng co quắp lại.
Kể từ lúc đó, mọi sự xảy ra trong bóng tối, hoặc với một vẻ mập mờ, khiến ta thấy nơi Giuđa có một tình trạng thiếu an toàn tâm cảm thật sâu xa. Ở chương 13, khi Giuđa rời phòng tiệc, thánh Gioan ghi thêm: “Và trời đã tối”. Trời tối bên ngoài, điều đó không có gì quan trọng. Ở đây, “trời đã tối” trong tâm hồn Giuđa.
Giuđa đã thực hiện hành vi phản bội như thế nào?
Giuđa đã dẫn theo một cơ binh cùng với đèn đuốc và khí giới tới bắt Đức Giêsu: Khi con người phải sử dụng đèn đuốc, tức là họ đang ở trong bóng tối, và phải sử dụng khí giới, tức là dựa vào quyền lực của thế gian.
Đức Giêsu, Ánh sáng thế gian, và Giuđa, hiện thân của bóng tối, đã gặp nhau; ánh sáng đối diện với bóng tối, tại thửa vườn này. Tác giả Ga không gọi đích danh là vườn Ghếtsêmani, là nhằm so sánh thửa vườn này với vườn địa đàng ngày xưa. Tại thửa vườn ở sách Sáng thếchương 3, con người đã bất tuân lệnh Chúa và đã đem tội vào thế gian; nay Giuđa lại sắp tái diễn hành vi đó.
Ba lần tác giả Ga nhắc lại câu trả lời của Đức Giêsu, “Chính là Ta” (Je suis). Đây là công thức diễn tả Danh Yhwh (Giavê), qua đó Thiên Chúa tự mạc khải cho Dân Người rằng Người yêu thương và luôn sẵn sàng cứu giúp họ. Nhưng Giuđa vẫn không hồi tâm, ôngvẫn đứng chung với nhóm kia, ông vẫn ở lì trong quyền lực của bóng tối, của sự dữ. Theo TM Mtvà Lc, Giuđa đã hôn Chúa để làm dấu chỉ điểm (Mt 26,49; Lc 22,47-48). Như thế, Giuđa đã lựa chọn dứt khoát: khước từ Đức Giêsu để ở hẳn bên phe đối thủ của Người.
Làm xong hành vi tày trời, Giuđa biến mất. Không hiểu ông biến đi đâu... Nhưng khi chứng kiến những hậu quả lô-gích của hành vi của ông, hậu quả mà dường như ông chưa hề nghĩ tới, ông đâm ra kinh hoàng khắc khoải. Trong khi Phêrô chỉ sợ cơn giận dữ của người Do-thái thôi, Giuđa lại sợ tứ phía. Nhất là khi ông nghe các Thượng tế và kỳ lão trả lời: “Mặc kệ anh, can gì đến chúng tôi...” (Mt 27,4), thì đầu óc ông hoàn toàn rối beng, hỗn độn. Cảm thấy bị săn đuổi tứ phía, sống tội mình như một ngõ cụt thê thảm, ông quẫn trí, đi thắt cổ. Khó có thể cho rằng Giuđa đã khóc, nghĩa là đã mềm lòng. Tình trạng của ông là như một cơn chóng mặt làm ông xây xẩm, rồi nỗi hoang mang khắc khoải ùa vào làm tê liệt mọi suy nghĩ và mọi phản ứng có tính nhân linh. Do đó, về phương diện tâm lý, chuyện ông tự tử là lô-gích, theo nghĩa là nó phù hợp với tâm trạng của một người âu lo, trốn chạy và bị phân tán. Giuđa tự hủy diệt bản thân.
Tuy nhiên, nói tất cả những điều trên là nhờ dựa vào các thông tin của Tin Mừng. Còn về số phận đời đời của ông, không con người trần thế nào biết được, và cũng không ai được phép tuyên bố gì về số phận đời đời của ông, ngoại trừ phó thác ông cho lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa.
3.- Đi tu mà nặng nề chưa xác tín đủ?
Chúng ta không nên thánh rồi mới đi tu, mà đi tu là để nên thánh, nhưng cũng không phải là đi tu để chỉ lo cho mình nên thánh. Như vậy vấn đề đi tu nằm ở chỗ khác: cảm thấy Đức Giêsu thu hút đến mức sẵn sàng bỏ mọi sự để nhận lấy Người làm lý tưởng sống, theo cung cách của Đấng sáng lập một hội dòng, để làm cho Hội Thánh nên phong phú và xinh đẹp (xem Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Ánh sáng muôn dân, số 44). Ngày qua ngày, chính việc cố gắng sống như Đức Giêsu sẽ đưa ta đến chỗ từ bỏ nhựng đam mê xác thịt, làm những việc của Tu hội…và xác tín tiệm tiến.
Nhưng cũng không thiếu những trường hợp Thiên Chúa đưa người ta đi qua một vài gia đình tu sĩ, để nhận được một số vốn liếng, để sau đó đưa họ ra sống như những tín hữu giữa đời, mà phục vụ Giáo Hội và thế giới, với số vốn liếng đã có.
Chào chị.
Lm PX Phan Long, ofm
http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=2812
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét