Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 2

Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 2


CHƯƠNG II

THÁNH KINH VÀ KHOA HỌC
VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI

I. PHẢI CHĂNG VŨ TRỤ VẬT CHẤT TỰ HỮU VÀ VĨNH CỬU

VẤN ĐỀ 4:
 Vũ trụ vật chất tự nhiên mà có và vĩnh cửu chứ không do Chúa và Thần Thánh nào tạo nên.

GIẢI ĐÁP 

A. TRÌNH BÀY

VỀ THUYẾT DUY VẬT BIỆN CHỨNG
Đây là lập trường của Thuyết Duy vật biện chứng về nguồn gốc vũ trụ vật chất của Engels như sau:

1) Vũ trụ vật chất tự hiện hữu và hằng có: Mọi thực tại đang hiện hữu trong thiên nhiên đều là vật chất và đều do vật chất mà phát sinh. Vũ trụ vật chất ta đang sống đây đã tự hiện hữu, vẫn có từ đời đời và sẽ còn tồn tại mãi mãi, chứ không do thần thánh nào sáng tạo ra cả. Ngay ý thức và tư tưởng mà người ta gọi là tinh thần, dù có đặc tính siêu việt, cũng chỉ là sản phẩm thượng đẳng của cơ thể vật chất. “Vật chất cũng như hình thức hiện hữu của vật chất là sự chuyển động, đều không thể được sáng tạo ra: Tự nó mà nó hiện hữu.” (Engeis: Anti-Duhring).

2) Ý thức và tư tưởng cũng phát xuất từ vật chất: “Thực tại duy nhất là thế giới vật chất có thể tri giác được bằng giác quan của con người chúng ta cũng thuộc về thế giới vật chất ấy. Ý thức và tư tưởng của chúng ta, mặc dù có siêu việt tính, nhưng chỉ là sản phẩm của cơ thể vật chất là thể xác, khối óc... Như vậy, tinh thần chỉ là sản phẩm thượng đẳng của vật chất mà thôi.” (Engels: Ludwing Fuerbach).

Tóm lại, vật chất là tinh tuý của mọi thực tại, là nền tảng tuyệt đối của vũ trụ, là hạ tầng cơ sở của vạn sự vạn vật. Như vậy, vật chất đóng vai trò thay thế cho Thiên Chúa, là căn nguyên tuyệt đối của mọi sự.

3) Tiến hoá theo tiến trình biện chứng: để cắt nghĩa về sự tiến hoá của vũ trụ thiên nhiên. Thuyết Duy vật biện chứng nêu ra một tiến trình biện chứng như sau: Mọi thực tại đang hiện hữu đều có chứa sẵn trong mình những khía cạnh mâu thuẫn gọi là “mâu thuẫn nội tại”. Nhưng mâu thuẫn ấy luôn luôn tìm cách tự dung hoà bằng cách vượt hẳn lên cao, nhờ đó mà có sự tiến bộ. Nói cách khác, sự tiến hoá diễn tiến theo 3 giai đoạn: CHÍNH ĐỀ, PHẢN ĐỀ và HỢP ĐỀ. Thực tại là chính đề. Những khía cạnh mâu thuẫn của thực tại là phản đề, hợp đề vượt lên trên chính đề và phản đề, là tổng hợp những ưu điểm của chính đề và phản đề. Sau đó hợp đề lại thành chính đề, giai đoạn thứ nhất của một tiến trình biện chứng mới và cứ thế tiến hoá lên mãi...

PHÊ BÌNH THUYẾT NÀY

Lập trường thuyết duy vật biện chứng về nguồn gốc của vũ trụ vật chất ngày nay không đứng vững trên cả bình diện khoa học cũng như triết học:

I. TRÊN BÌNH DIỆN KHOA HỌC
Khoa học hiện đại đã chứng minh: Vũ trụ vật chất có khởi thủy và chung cục chứ không tồn tại vĩnh cửu:

Thực vậy,

1) Khoa học chỉ mới chỉ có các giả thuyết: Để cắt nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ vật chất nói chung và thái dương hệ (trong đó có mặt trời và trái đất nói riêng), thì cho tới nay các nhà bác học mới chỉ nêu ra được những giả thuyết phỏng đoán thiếu chắc chắn. Những giả thuyết ấy khác nhau nhiều ít tùy theo lập trường đức tin tôn giáo của các vị lập ra giả thuyết. Những giả thuyết này vì không thể kiểm chứng được nên muôn đời cũng chỉ là giả thuyết.

2) Vũ trụ nói chung có khởi điểm và kết thúc: Phần lớn các nhà bác học hiện nay đều chấp nhận vũ trụ có khởi điểm và chung cục chứ không vĩnh cửu, căn cứ vào khuynh hướng giảm dần năng lượng của vũ trụ: khinh khí đổi thành Hélium và sự hoán đổi ấy luôn theo một chiều thoái hoá. Dần dần sự thoái hoá sẽ đến lúc kết thúc để đi đến tình trạng trung hoà bất biến. Trạng thái trung hoà năng lượng này có lẽ là lúc chung cục của toàn thể vũ trụ.

Hiện nay các nhà bác học cũng đã đi đến kết luận chung là vũ trụ vật chất đã thành hình cách đây khoảng 15 tỷ năm và số lượng khinh khí dùng để biến đổi thành Hélium và phát sinh năng lượng (là ánh sang và sức nóng) cứ theo đà hiện nay thì chắc chắn sẽ đến lúc cạn kiệt hết. Còn trước thời gian xuất hiện thì vũ trụ là gì, và sau khi đã tiêu hao hết năng lượng, vũ trụ sẽ ra sao, thì người ta không đồng quan điểm với nhau.

3) Về nguồn gốc và vận mệnh riêng của Thái dương hệ: Mặt trời và trái đất đã có thời gian xuất hiện và sẽ có ngày bị tiêu tan.

Với những viễn vọng kính không gian và các phương pháp đo phóng xạ của ánh sáng mặt trời, người ta đã nêu ra giả thuyết về sự cấu tạo và tuổi của mặt trời như sau:

a) Về sự hình thành của mặt trời

Đầu tiên trong không gian có một đám rất lớn khí thể và bụi vũ trụ, gồm nhiều nhất là chất khinh khí, tự đông đặc lại thành khối lớn là mặt trời. Từ mặt trời phát ra ánh sang và sức nóng đi khắp nơi trong không gian mênh mông vô tận. Người ta có thể ví mặt trời như là một lò nguyên tử khổng lồ: ở trung tâm cứ mỗi giây, dưới sức nóng 15 triệu độ sẽ có 800 triệu tấn khinh khí bị nấu chảy thành Hélium, phát ra một năng lực khủng khiếp là ánh sang và sức nóng. Phản ứng nguyên tử ấy được tóm tắt trong công thức: 4H----1He + Q (4 nguyên tử khinh khí (H) trong điều kiện N nhiệt độ cao sẽ liên kết với nhau thành một nguyên tử mới là Hélium (He), đồng thời phát sinh một năng lượng là ánh sáng và sức nóng (Q). Người ta ước tính mặt trời đã nấu chảy như vậy khoảng 6 tỷ năm nay, và còn đủ chất khinh khí để tiếp tục nấu chảy như vậy trong thời gian 5 tỷ năm nữa. Sau đó ánh sáng sẽ tắt và dĩ nhiên tất cả các hành tinh thuộc thái dương hệ, trong đó có trái đất sẽ trở thành những hành tinh lạnh lẽo băng giá và tăm tối. Đó chính là lúc chung cục của thái dương hệ.

b) Về nguồn gốc của trái đất như thế nào? 

Nói về trái đất được thành hình thề nào, thì cho tới nay, khoa học cũng chỉ nêu ra những giả thuyết không thể kiểm chứng nên không thể đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, mọi nhà bác học đều công nhận trái đất không có từ đời đời và đã có thời gian xuất hiện:

Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp định tuổi của vật chất, gọi là phương pháp “Radio Activity”. Công việc định tuổi khởi từ nhận xét của hai vợ chồng nhà bác học Curie, về sự phát ra tia sáng của một số vật liệu gọi là phóng xạ. Công việc nghiên cứu kế tiếp của Rutherford và Holmes cho biết rằng: vật liệu phóng xạ đó sẽ tự hủy biến dần để thành một chất khác theo một số năm nhất định. Chẳng hạn: một lượng A Uranium, khi tự huỷ thành một lượng B chì, thì đòi phải có một thời gian nhất định là T. Vậy nếu T càng dài ra thì lượng A sẽ mất dần và lượng B đương nhiên sẽ tăng lên. Từ đó muốn biết thời gian T của một vật, người ta sẽ đo phóng xạ phát ra từ vật đó so sánh với một hằng số nguyên thuỷ, rồi theo một công thức có sẵn để tính ra thời gian nó xuất hiện.

Từ những hòn đá lấy trên địa cầu hay lấy từ mặt trăng đem về, các nhà bác học đã phỏng đoán tương đối chính xác (với ít nhiều sai số), về thời gian xuất hiện của chúng: Trái đất của chúng ta xuất hiện cách đây khoảng 5 tỷ năm, và mặt trăng khoảng từ 4 đến 6 tỷ năm.

c) Tương lai của trái đất và mọi vật trên mặt đất, kể cả con người sẽ ra sao?


- Trước hết về số phận của sinh vật: Sinh vật, trong đó có con người chỉ có thể sống được nếu có đủ điều kiện về khí hậu, ánh sang, nhiệt độ, thực phẩm... Ngày nào ánh sáng và sức nóng mặt trời sút giảm hoặc tắt hẳn thì ngày ấy không sinh vật nào còn có thể tồn tại.

- Còn về số phận của trái đất trong tương lai: Các nhà bác học nêu 3 giả thuyết:

+ Giả thuyết về địa cầu trương nở: Địa cầu ngày càng nở lớn thêm ra, khiến cho nhiều nơi bị toạc vỡ, giống như một quả bong bóng đang được bơm hơi và nở ra cách chậm chạp. Theo B. Heezen, đáy biển Ấn Độ Dương đang bị toạc nứt liên tục và rất sâu. Hiện nay, vết thương ấy ngày càng loét to ra, và quả đất có thể bị huỷ diệt vì những vết thương như vậy.

+ Giả thuyết về địa cầu xáo trộn: Hiện nay ở lớp vỏ địa cầu có một dòng đối lưu đẩy các lục địa rời xa nhau hay đổ xô vào nhau. Mọi di chuyển như thế sẽ khiến vỏ địa cầu bị dồn nén nổi lên thành những ngọn núi mới, đồng thời lại bị toạc ra thành những hố sâu ở nơi khác, do tính chất bở giòn của vỏ trái đất. Có ngày trái đất sẽ bị vỡ ra.

+ Giả thuyết về địa cầu chảy lỏng: Sẽ có ngày quả đất bị dồn nén với một áp xuất khủng khiếp, làm cho chảy lỏng ra toàn diện, như nó đã từng chảy ra trong thời vô sinh. Càng ngày áp suất càng mạnh đến dộ bị vỡ tung ra. Những vân thạch trong không gian chẳng phải là những mảnh vỡ của các hành tinh khác đã bị vỡ ra là gì? Quả đất cũng phải trải qua giai đoạn vỡ tung đó. Nếu thuyết sau cùng này đúng, thì ta sẽ được chứng kiến một cuộc tận thế thật nhanh chóng.

TÓM LẠI: VỚI NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ SỰ THOÁI HOÁ NĂNG LƯỢNG, KHOA HỌC ĐÃ CHỨNG MINH VŨ TRỤ NÓI CHUNG VÀ THÁI DƯƠNG HỆ TRONG ĐÓ CÓ TRÁI ĐẤT NÓI RIÊNG ĐỀU CÓ THỜI GIAN BẮT ĐẦU VÀ SẼ TỚI LÚC KẾT THÚC. Trái lại, NHỮNG NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG VŨ TRỤ VẬT CHẤT VĨNH CỬU ĐÃ KHÔNG THỂ DÙNG KHOA HỌC CHỨNG MINH ĐƯỢC LẬP LUẬN CỦA MÌNH, NGOÀI VIỆC NÊU RA MỘT GIẢ THUYẾT MƠ HỒ THIẾU BẰNG CHỨNG THUYẾT PHỤC CỤ THỂ.

II. TRÊN BÌNH DIỆN TRIẾT HỌC

1) Lý thuyết của Engels cho rằng: “Vật chất tự nhiên hiện hữu chứ không do thần minh nào sáng tạo...” không đứng vững vì những lý do sau:

- Theo nguyên tắc nhân quả: “CÁI GÌ HIỆN HỮU CŨNG PHẢI CÓ NGUYÊN NHÂN.” Chẳng hạn: khi thấy khói là đương nhiên đã phài từ lửa phát ra, thấy lửa là đương nhiên phải phát ra từ một vật nào đó có thể cháy được... Thế thì có vật chất, đương nhiên ta phải công nhận một nguyên nhân nào đó đã phát sinh ra nó.

- Hơn nữa, khoa học ngày nay đã có thể phân tích vật chất thành phân tử, phân tử thành nguyên tử, nguyên tử thành âm, dương điện tử... và người ta còn tiếp tục phân tích các điện tử ấy ra những yếu tố nhỏ hơn nữa... Từ đó ta suy ra: 1 vật gì có thể phân tách ra được tức là có thể bị tiêu diệt (trong khả thể). Mà cái gì bị tiêu diệt thì không vĩnh cửu, không hằng hữu.

- Khoa học cũng đã khám phá ra một hình thức khác của vật chất gọi là: “PHẢN VẬT CHẤT” (Anti matière), có năng lực làm đảo lộn, tiêu huỷ những chất khác. Khám phá mới lạ này càng chứng tỏ vật chất không thể vĩnh cửu: vật chất không thể vẫn có từ đời đời, mà đã có thời gian xuất hiện và chắc chắn sẽ có ngày bị tiêu vong.

Như vậy, vũ trụ vật chất ta đang sống do được cấu tạo bằng vật chất có thể bị huỷ diệt, nên không vĩnh cửu, không thể tự hữu, mà đã phải do một nguyên nhân nào đó không phải vật chất phát sinh ra. Nguyên nhân ấy chính là Thiên Chúa. Phải công nhận có Thiên Chúa thì mới có thể giải thích được cách hợp lý về sự hiện hữu và tiến hoá của vũ trụ vạn vật.

2) Về sự tiến hoá của vật chất: Vật chất không thể tự tiến hoá như thuyết duy vật biện chứng vì những lý do

a) Theo các nhà khoa học:
 Muốn cho một vật biến hoá sang một vật khác, thì cần có sự can thiệp của một động lực thứ 3 từ bên ngoài. Chẳng hạn: Muốn cho nước biến thành hơi nước, thì cần phải có nhiệt lượng từ bên ngoài làm cho nước nóng lên và bốc hơi. Muốn hạt giống đâm rễ thành cây, thì cần hội đủ điều kiện ảnh hưởng đến việc nảy mộng hạt giống như: ánh sáng, nhiệt độ, khí hậu, nước, đất tốt... Như vậy: sở dĩ vũ trụ vật chất có sự tiến hoá chính là do có một nguyên nhân khác đã ảnh hưởng tới nó. Nguyên nhân ấy được gọi là Thiên Chúa.

b) Đàng khác, vật chất cũng không luôn tiến hoá theo cùng chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương, mà còn có lúc đã tiến hoá theo chiều đi xuống nữa: Chẳng han:

+ Vào giữa thời kỳ trung sinh (cách đây từ 50 - 200 triệu năm), trong nhóm động vật có xương sống “bò sát” đã xuất hiện những loài vật rất lớn mà đến nay chỉ còn lại những bộ xương khổng lồ như: Lôi long (cao 5m, dài 20m và nặng 30 tấn), Khủng long (cao 6m, dài 10m, có đầu rất to, quai hàm mạnh và răng bén), Ngư long (dài 2m, sống dưới nước), Điểu long (bộ cánh rộng hơn 2m, là loài cá sấu biết bay)... Theo thuyết tiến hóa tương đối thì lẽ ra các con vật to lớn này sẽ phải biến hóa thành những loài khác mạnh khỏe to lớn hơn nữa, nhưng thực sự đến nay chúng đã hoàn toàn bị diệt chủng!

+ Khi so sánh cơ thể con người văn minh ngày nay với người cổ đại ngày xưa, khoa cổ sinh vật học cho biết đã có sự thoái hóa đi xuống thay vì lẽ ra phải tiến hoá theo chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương: cơ thể con người hiện tại yếu hơn thời xưa và chắc chắn không sống lâu hơn người xưa.

+ Ngay cả về phạm vi văn minh, con người cũng có thoái hóa ở một số lĩnh vực: khi quan sát các công trình xây cất của người Ai Cập cổ đại (như các kim tự tháp vĩ đại giữa sa mạc) các kiến trúc sư ngày nay cũng phải thán phục và khó lòng hiểu rõ kỹ thuật của người xưa...

TÓM LẠI

VŨ TRỤ VẬT CHẤT MÀ CHÚNG TA ĐANG SỐNG CÓ KHỞI ĐIỂM VÀ CHUNG CỤC CHỨ KHÔNG VĨNH CỬU XÉT CẢ TRÊN BÌNH DIỆN KHOA HỌC THỰC NGHIỆM CŨNG NHƯ TRIẾT HỌC SUY TƯ. VŨ TRỤ ẤY PHẢI DO MỘT NGUYÊN NHÂN SIÊU VẬT CHẤT VĨNH CỬU VÀ BẤT BIẾN SÁNG TẠO RA. NGUYÊN NHÂN ẤY LÀ THIÊN CHÚA. CHÍNH NGÀI ĐÃ TẠO RA VẬT CHẤT VÀ CAN THIỆP ĐỂ CÓ SỰ TIẾN HOÁ KHÔNG NGỪNG THEO CẢ HAI CHIỀU LÊN XUỐNG, TIẾN THOÁI.

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA: 
"Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất." (St 1,)

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa Cha tòan năng chí ái! Xin cho chúng con tin vào quyền năng và tình thương quan phòng của Cha đã tạo thành và an bài cho vũ trụ vạn vật được tồn tại và tiến hóa trong vòng trật từ. Xin cho chúng con biết mở miệng ta ơn Cha và ngợi khen quyền năng cao cả của Cha khi chiêm ngưỡng những kỳ công Cha đã thực hiện vì yêu thương lòai người chúng con. Xin cho chúng con biết tích cực góp phần làm cho trái đất chúng con đang sống luôn “xanh - sách - đẹp” và ngáy càng tiến hóa phát triển theo thánh ý Cha hướng tới một “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1) viên mãn sau này. AMEN.

II. PHẢI CHĂNG THÁNH KINH VỀ VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI 

ĐỀU VÔ LÝ VÀ PHẢN KHOA HỌC?


VẤN ĐỀ 05: Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh đều sai lạc và phản khoa học. Khoa học ngày nay đã khám phá ra nguồn gốc vũ trụ ngược hẳn với những điều ghi chép trong sách Thánh Kinh.
GIẢI ĐÁP

A. TRÌNH BÀY


1) Phải chăng Thánh Kinh vô lý và phản khoa học?
Ngày nay khi đọc 2 chương đầu của sách Sáng Thế thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước, nói về viện Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ ( St 1,1-31; 2,1-4) và tạo dựng con người ( St 2,4-25) nhiều người bất mãn, vì xem ra Thánh Kinh nói nhiều điều vô lý và phản khoa học. Chẳng hạn:

a) Thiên Chúa thiêng liêng vô hình lấy đâu ra miệng lưỡi để nói? Lấy tay đâu để nặn đât sét thành hình người rồi thổi hơi vào ? Không có xác thì sao lại phải nghỉ mệt ngày Thứ Bảy?

b) Trong 3 ngày đầu tiên, khi chưa có mặt trời thì dựa vào đâu để xác định thời gian: “ Thế là hết một buổi chiều và một buổi sáng?”

c) Trước khi có mặt trời thì dựa vào đâu để xác định ngày đêm, sáng chiều?

d) Thiên Chúa lại làm những việc ngược đời, phản khoa học như: Dựng nên ánh sang trước khi sáng tạo nên mặt trời, vậy thì ánh sang ấy từ đâu phát ra? Dựng nên cây cối trước khi dựng nên mặt trời, thì cây cối ấy làm sao sống được? Thánh Kinh còn nói Thiên Chúa tạo dựng tất cả trong thời gian 6 ngày, đang khi khoa học khám phá ra vũ trụ được hính thành trong thời gian mấy tỷ năm!

Các vấn nạn sẽ chồng chất lên mãi nếu người ta cứ hiểu bản văn hoàn toàn theo nghĩa đen như trên… Vậy ý nghĩa đích thực mà tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả trong mấy chương đầu sách Sáng Thế như thế nào?

2) Thực ra, Thánh Kinh không vô lý và phản khoa học vì những lý do

a) Trước hết, Thánh Kinh là sách dạy tôn giáo chứ không nhằm dạy khoa học cho lòai người. Khi viết hai chương đầu trong sách Sáng Thế, tác giả Sách Thánh chỉ muốn ghi sâu vào tâm trí loài ngưới những chân lý Đức Tin như sau:

- Vũ trụ vạn vật không tự nhiên xuất hiện như có người lầm tưởng, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không (St 1,1). Công việc Ngài làm rất tốt đẹp, và loài người có bổn phận phải nhận biết, tỏ lòng biết ơn bằng sự tôn thờ yêu mến và cầu xin Ngài (St 1,4.12.25.31; 2,3).

- Trong số các tạo vật của Thiên Chúa, loài người có giá trị nhất vì được tạo dựng cuối cùng, được Thiên Chúa trực tiếp thổi hơi phú ban cho có linh hồn thiêng liêng bất tử “giống hình ảnh Thiên Chúa” và còn được trao quyền cộng tác với Chúa để làm chủ vũ trụ nữa (St 1,26).

- Người nữ không phải là tôi tớ của người nam như quan niệm của dân ngoại thời bấy giờ, nhưng là bạn ngang hàng, có cùng một bản tính người ngang hàng với người nam. Tư tưởng này được diễn tả qua việc Thiên Chúa lấy xương sườn của Ađam làm thành Evà, rồi liên kết hai người thành vợ chồng cùng “một xương một thịt” (St 2,18-24).

- Để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, loài người phải dành trọn ngày cuối trong một tuần lễ để nghỉ các việc làm ăn thường lệ và dành thì giờ làm việc phụng thờ Ngài. Đó là ngày Thứ Bảy “Sabát” (St 2,2-3).

b) Những chân lý ấy vì được nói trước tiên với người Do Thái đương thời, là những người có trình độ văn minh thấp kém, nên tác giả Thánh Kinh đã phải dùng lối văn kể chuyện cụ thể dễ hiểu, phải sử dụng những kiểu nói bình dân, phù hợp với những điều mắt thấy tai nghe. Giả sử tác giả trình bày việc hình thành vũ trụ theo cách nói của các nhà khoa học ngày nay, thì chắc chắn sẽ làm rối trí khán giả cách vô ích, và khó lòng thuyết phục họ chấp nhận tin thờ Thiên Chúa. Ngày nay, dù đang sống giữa thời đại văn minh khoa học, thế mà trong câu chuyện thường ngày, người ta vẫn thường dùng kiểu nói như: "Mặt trời mọc ở phương Đông vào mỗi buổi sáng và lặn ở phương Tây vào mỗi buổi chiều. Bầu trời hôm nay thật trong xanh…" mà không thấy ai lên tiếng phê bình phản đối. Thế thì tại sao một số người lại dựa vào một vài kiểu nói bình dân trong Thánh Kinh để cho rằng Thánh Kinh nói những điều vô lý và phản khoa học được?

TÓM LẠI

Những điều tôn giáo dạy về nguồn gốc vũ trụ và con người trong Thánh Kinh không đối lập hay phản khoa học, vì Sách Thánh không nhằm dạy khoa học về nguồn gốc vũ trụ thiên nhiên, nhưng chỉ muốn trình bày những chân lý Đức Tin tôn giáo cho loài người. Tuy nhiên, vì được nói trước tiên với người xưa, nên tác giả Kinh Thánh đã sử dụng lối văn kể chuyện sao cho dễ hiểu, phù hợp với kiến thức và trình độ hiểu biết khoa học của người đương thời với các ngài, nhằm giúp họ dễ dàng mở lòng đón nhận đức tin hơn. 

Hồng y LIÉNART đã nói: “Thực là sai lầm nếu có ai muốn đối chiếu trực tiếp Kinh Thánh và khoa học, vì họ đã không nhận ra rằng: Kinh Thánh và khoa học không đứng trên cùng một bình diện và không đồng một thể loại. Kinh Thánh theo đuổi một mục đích khác với mục đích của khoa học. Không khoa nào có thể phủ nhận khoa nào.”

3. Khi tường thuật công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,1-2,3): tác giả Sách Thánh trình bày công việc sáng tạo nhằm dạy giáo lý đức tin hơn là dạy kiến thức mang tính khoa học như sau: 

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được tác giả Sách Thánh trinh bày theo một thứ tự riêng chứ không theo thứ tự của khoa học. Chẳng hạn: 3 ngày đầu Ngài tạo dựng để phân biệt, và 3 ngày sau tạo dựng để trang điểm cho 3 ngày đầu như sau:

Tạo dựng để phân biệt

a) Ngày thứ Nhất Thiên Chúa tạo dựng nên ánh sáng và phân biệt ánh sáng với bóng tối. Anh sáng được gọi là ngày và bóng tối được gọi là đêm (St 1,3-5).

b) Ngày thứ Hai Thiên Chúa dựng nên cái vòm giữa khối nước. Ngài phân biệt nước phía dưới vòm với nước phía trên làm thành bầu trời (St 1,6-8).

c) Ngày thứ Ba Thiên Chúa truyền cho nước phía dưới trời tụ lại, làm cho chỗ cạn nhô lên. Ngài gọi chỗ cạn là “đất” phân biệt với khối nước tụ lại gọi là “biển”. Ngài cho đất phát sinh thảo mộc hoa trái (St 1,9-13). 

Tạo dựng để trang điểm

d) Ngày thứ Tư Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Nhất: Ngài dựng nên hai vầng sáng giúp phân định ngày giờ năm tháng. Ngài gọi vầng sáng lớn chiếu sáng ban ngày là mặt trời, và vầng sáng nhỏ soi chiếu ban đêm là mặt trăng. Ngài cũng dựng nên các vì tinh tú (St 1,14-19).

e) Ngày thứ Năm Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Hai: Ngài dựng nên chim bay trên bầu trời và cá lội dưới lòng biển (St 1,20-23).

g) Ngày thứ Sáu Thiên Chúa trang điểm cho ngày thứ Ba: Ngài dựng nên các loài thú vật và cuối cùng dựng nên lòai người và trao quyền loài người quyền làm chủ trái đất (St 1,24-31).

Thánh hoá ngày thứ bảy

h) Ngày Thứ Bẩy Thiên Chúa nghỉ việc để thánh hóa ngày này nêu gương cho loài người cũng phải nghỉ việc để dành thời gian làm việc thờ phượng Thiên Chúa (St 2,1-3).

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh  đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” (2 Tm 3,16)

2) LỜI CẦU 

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái! Cha đã linh hứng cho các tác giả Sach Thánh hiểu biết thánh ý Cha là muốn cứu độ loài người và đồng thời giúp các ngài dùng kiến thức và ngôn ngữ của mình mà trình bày về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Cha cho con cái loài người chúng con. Xin cho chúng con khi đọc Thánh Kinh biết nhận ra thánh ý của Cha và quyết tâm làm theo lời Cha dạy để góp phần làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.  AMEN.

III. VẤN ĐỀ LINH HỒN NƠI CON NGƯỜI

VẤN ĐỀ 06: 
Trong con người không có yếu tố nào gọi là linh hồn thiêng liêng cả mà chỉ có thân xác vật chất thôi. Tư tưởng của con người là sản phẩm do óc não bài tiết ra, giống như gan trong bụng bài tiết ra mật vậy.

GIẢI ĐÁP

A. TRÌNH BÀY

Ngày nay, môt số người chủ truơng duy vât: chỉ công nhận những gì là vật chất mà người ta có thể thấy, sờ hay cân đo đong đếm được, đồng thời phủ nhận tất cả những gì vô hình được gọi là tinh thần, linh hồn nơi con người, hay những thực tại thiêng liêng siêu nhiên như Thượng Đế, Thiên Chúa, thần linh nơi vũ trụ thiên nhiên. Theo họ, mọi thực tại đang hiện hữu đều là vật chất, đều do vật chất mà phát sinh. Con người cũng chỉ thuần là vật chất như bao vật khác. Ngay cả ý thức, tư tưởng mà người ta gọi đó là tinh thần… cũng chỉ là sản phẩm của vật chất không hơn không kém, do óc não bài tiết ra giống như gan trong bụng bài tiết ra mật vậy.

Engels viết: Chỉ có một thực tại duy nhất, đó là thế giới vật chất mà con người có thể tri giác được bằng giác quan… Ý thức và tư tưởng của chúng ta mặc dù có siêu việt tính, nhưng cũng chỉ là sản phẩm của cơ thể vật chất (thể xác, khối óc…). Tinh thần chỉ là sản phẩm thượng đẳng của vật chất (Engels: ludwiffucrbach)

Nhưng hầu hết những người có lương tri đều không chấp nhận lập trường duy vật nói trên. Bất cứ ai cũng cảm thấy rằng: con người không chỉ là vật chất, vì ngoài thể xác vật chất, còn có một yếu tố khác siêu vật chất, làm cho con người khác hẳn vật chất, đồng thời vượt trên mọi động vật khác trong thiên nhiên. Yếu tố siêu vật chất ấy được gọi là linh hồn.

Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khác biệt giữa con người và vật chất, giữa con người với các loài vật khác, chứng tỏ con người không chỉ thuần là vật chất vì có linh hồn, và tư tưởng của con người thực sự không phải chỉ là sản phẩm của óc não vật chất, nhưng chính là một hoạt động của linh hồn qua trung gian óc não.

1. CON NGƯỜI TUY LÀ VẬT CHẤT, NHƯNG KHÁC VẬT CHẤT VÌ CÓ LINH HỒN

1) CON NGƯỜI LÀ VẬT CHẤT


Nếu đem con người đi phân chất thì kết quả cho thấy: con người cũng chỉ là vật chất, được cấu tạo bằng vật chất tầm thường như bao vật khác. Gần đây, một nhà bác học Hoa Kỳ đã phân tích và đánh giá thân xác con người như sau:

“Trong con người có một số nước đủ giặt một chiếc khăn bàn; máu đỏ chứa đựng chất sắt có thể làm được 7 cái đinh đóng móng ngựa. Xương cốt có một số chất vôi có thể dùng để quét được một bức tường nhỏ. Nếu đem đốt con người ra than thì có thể dùng số than ấy làm ra được 65 cây viết chì. Ngoài ra con người còn có một ít chất phốt phát đủ làm một hộp diêm và chừng mấy muỗng cà phê chất muối. Đem tất cả nhưng thứ đó bán chỉ được 98 xu, không được một Mỹ kim!”

Đó là giá trị của con người vật chất. Nhưng may mắn thay, con người còn có linh hồn. Chính linh hồn đã làm cho con người có giá trị hơn mọi vật trong vũ trụ thiên nhiên. Sau đây là những lý chứng cho thấy con người không thuần là vật chất vì còn có linh hồn siêu vật chất nữa.

2) CON NGƯỜI KHÁC VẬT CHẤT

a) Vật chất thì bất động, khác hẳn với con người sống động vì có linh hồn

- Thực vậy, vật chất chỉ biến đổi từ tình trạng này sang tình trạng kia chứ không sống động và xê dịch được như con người: vải vóc là vật chất, theo định luật lý hoá thì sau một thời gian, sẽ trở nên cũ hơn và bị mất màu do tác động của ánh sáng, không khí… Rượu nho là vật chất sẽ bị ốc xít hoá biến thành giấm chua nếu tiếp xúc với không khí một thời gian… Tuy có sự biến đổi, nhưng vật chất nói trên không tự mình di dời sang chỗ khác được, không thể tự hấp thụ đồ ăn để tăng triển dần lên… như các sinh vật khác.

- Nguyên lý của sự sống được gọi là hồn với 3 cấp bậc: từ đơn sơ đến phức tạp, từ tầm thường đến cao quý như sau:

+ SINH HỒN: Có đặc tính sống động, tự dinh dưỡng và tăng triển. Sinh hồn xuất hiện nơi các loài thảo mộc cây cối.

+ GIÁC HỒN: Vừa có các đặc tính của sinh hồn nói trên, mà còn có thêm cảm gíac, có thể chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác… Giác hồn có trong các loài động vật và hoạt động theo một qui luật thiên nhiên gọi là bản năng như: bản năng tự vệ, bản năng sinh tồn…

+ LINH HỒN: Sự sống trở nên phức tạp. Vì vừa có tất cả các đặc tính của các lòai sinh vật động vật, lại vừa có cả lý trí biết suy nghĩ và ý chí quyết định cách tự do nữa. Sự sống đặc biệt này chỉ có nơi con người và được gọi là linh hồn. Như vậy, con người tuy là vật chất, nhưng khác hẳn vật chất vì có linh hồn.

b) Vật chất thì vô tri, khác với con người ý thức về mình

- Theo các nhà bác học: con người có thân xác vật chất, được cấu tạo bằng những tế bào vật chất, và chỉ trong thời gian 7 hoặc 8 năm, khi mọi tế bào trong thân xác biến đổi tăng triển, thì thân xác con người cũng sẽ biến đổi hoàn toàn nên một người mới.

- Vậy ngoài phần thân xác vật chất thay đổi nói trên, con người đã phải có một yếu tố siêu vật chất và tồn tại mãi khi vật chất thay đổi, để có thể nhận ra mình vẫn là mình từ sơ sinh cho đến lúc chết. Yếu tố thiêng liêng siêu vật chất ấy được gọi là LINH HỒN.

Claude Bernard, Giáo sư Y khoa Đại học Paris, nhân viên Hàn lâm viện Khoa học Pháp, đã trình bày vấn đề này như sau: “Thân xác con người là một tổ hợp những chất luôn thay đổi theo định luật biến hoá không ngừng. Mỗi ngày bạn mất một ít calori của thể xác, và cái phần mất ấy sẽ được bù lại và tăng triển biến đổi nhờ những thực phẩm mới hấp thụ. Như thế trong khoảng thời gian 8 năm, thịt xương của bạn hiện nay sẽ được thay thế bằng thịt mới xương mới. Bàn tay bạn đang cầm bút viết hôm nay không phải bàn tay trước đây 8 năm. Cái sọ của bạn không chứa đựng chất óc như cách đây 8 năm, vì tất cả các tế bào óc não đều đã biến đổi hết. Nhưng tại sao bạn vẫn nhớ được những điều đã xem, đã làm, đã học cách đây 8 năm? Nếu tư tưởng là những hình ảnh được in vào các ô xếp trong óc thì những hình ảnh ấy làm sao tồn tại được nếu các ô tế bào trong óc đã đổi mới hết? Như vậy, trong con người phải có một cái gì khác với vật chất, không phải vật chất, luôn tồn tại mãi và biệt lập với thân xác vật chất. Cái đó chính là LINH HỒN vậy.”

c) Vật chất thì cố định, hạn hẹp trong không gian và lệ thuộc vào thời gian, khác với con người có khả năng vượt trên không gian thời gian

- Con người tuy có thân xác vật chất: sống trong thời gian và chiếm môt vị trí bé nhỏ trong không gian, nhưng con người lại trổi vượt hơn hẳn vật chất, vì có khả năng lục xét mọi thời đại: quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời còn có thể nghiên cứu được mọi vị trí trong không gian. Chẳng hạn: bạn đang ngồi trong lớp học, nhưng bạn có thể không ý thức đang làm gì mà lại để tâm nghĩ đến cha mẹ ở nhà, hoặc sống lại giây phút thần tiên của buổi đi chơi xa trong tuần qua…

- Như vậy, trong con người, ngoài phần vật chất thể xác, còn phài có một nguyên lý linh thiêng siêu vật chất, biệt lập với vật chất để có thể vượt ra ngoài không gian và thời gian hiện tại. Nguyên lý linh thiêng ấy được gọi là LINH HỒN.

TÓM LẠI
Con người tuy là vật chất, nhưng có những đặc tính khác hẳn vật chất, vượt lên trên vật chất để trở thành một loài có giá trị đặc biệt. Nếu con người chỉ thuần là vật chất, hoàn toàn lệ thuộc và ở trong thế giới vật chất… thì trí khôn họ làm sao xuất hiện? Nếu chỉ là vật chất thì tại sao con người lại ý thức được mình đang bị cột chân xuống thế giới vật chất? Nếu không vượt được ra ngoài vật chất thì làm sao thống trị được vật chất? Hơn nữa, trong con người có lương tâm luân lý với nhiệm vụ phê phán các hành động của chính mình: Khi làm được một việc tốt, con người sẽ cảm thấy vui sướng tự hào… trái lại, sẽ cảm thấy hổ thẹn với bản thân, sẽ bị lương tâm cáo trách giày vò, nếu làm một việc sai trái không tốt. Như vậy, lương tâm ấy có phải vật chất, có tuỳ thuộc vật chất hay không?

Khi so sánh con người với các hiện tượng thiên nhiên vật chất, ÉTIENNE BERNE đã viết: “Hiện tượng người có liên quan chặt chẽ với thiên nhiên… Con người không phải chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, vì họ đã phát sinh ra khoa học để tra vấn, lục xét thiên nhiên và ý thức mình là một chủ thể tự do. Khoa học càng tiến bộ, người ta càng nhận thấy mối tương quan mật thiết giữa con người với thiên nhiên, nhưng đồng thời người ta cũng nhận thấy con người có khả năng tách biệt ra khỏi thiên nhiên hỗn mang. Chính hai sự kiện trái nghịch nhau trong con người như thế là yếu tính của con người.” ( E.Borne: Dieu n’est pas mort).

2.  CON NGƯỜI TUY GIỐNG CON VẬT, NHƯNG VẪN KHÁC VÌ CÓ LINH HỒN

1) CON NGƯỜI GIỐNG CON VẬT: Khi so sánh con người với một số động vật thượng đẳng, người ta thấy dường như có sự giống nhau nào đó, khiến cho nhiều người lầm tưởng: con người cũng chỉ là con vật, và không có cái gì gọi là linh hồn nơi con người. Người ta đã nêu ra một số điểm giống nhau giữa con người và một số lòai vật như sau:

a) Về hình dạng thân thể: Loài khỉ vượn có khuôn mặt, thân hình, tay chân và các bộ phận nằm sâu trong cơ thể… rất giống con người. Khi một con khỉ bị bệnh, người ta cũng có thể chữa trị với cùng một cách thức như chữa bệnh cho con người. Ngoài ra, con khỉ còn có cảm giác đau đớn, sợ hãi… giống như con người, nên có người đã đi đến kết luận: “Nhân sao vật vậy”...

b) Về sự hiểu biết: Con vật cũng có sự hiểu biết tương tự như trí khôn con người. Chẳng hạn, con chó có thể phân biệt được chủ hay khách lạ. Một võ quan thú y kể rằng: mấy con ngựa cũng biết giả bộ bị què đi khập khiễng để khỏi phải ra mặt trận là nơi trước đó nó đã từng bị thương.

Nhà bác học KOHLER đã làm một thí nghiệm để thử trí thông minh của loài khỉ Chimpazé, như sau: Ông treo một nải chuối lên trên cao, và không quên để sẵn nhiều dụng cụ cho loài khỉ này có thể sử dụng để với tới nải chuối mà nó rất ưa thích. Ông nhận xét: Con khỉ lần lượt thử lấy chuối bằng dụng cụ này rồi dụng cụ khác. Sau cùng nó cũng biết cắm hai khúc tre vào nhau cho dài ra để khều được chuối. Cũng có lần nó biết chồng các hộp vuông lên nhau, trèo lên để lấy chuối xuống ăn.

c) Về sự tài khéo: Nhiều con vật khi được tập luyện cũng có sự tài khéo tương tự như con người. Chẳng hạn: có những con khỉ biết đi xe đạp, biết nhào lộn, đá banh. Loài cá heo cũng có sự hiểu biết tương đương với một đứa trẻ 1-2 tuổi: nó biết gật đầu chào khách, biết tuân theo hiệu lệnh của huấn luyện viên để nhảy xuống nước hay ngoi lên bờ… Nếu hỏi các huấn luyện viên loài chó thì họ sẽ kể cho chúng ta nghe về vô số tài khéo đặc biệt của những con chó đã được huấn luyện.

Tuy nhiên, tất cả những sự tương tự nói trên vẫn không đủ đễ kết luận con người hoàn toàn chỉ là con vật như bao loài vật khác, vì con người còn có những yếu tố siêu việt mà lòai vật không bao giờ có được. Ngay trong những điều tưởng chừng giống nhau, cũng vẫn có khác biệt về trình độ cao thấp giữa con người với con vật.

2) CON NGƯỜI KHÁC CON VẬT

a) Khác biệt về trình độ cao thấp

- Cơ thể con người tuy rất giống với loài khỉ, nhưng nếu quan sát kỹ ta vẫn thấy có khác biệt: Thân xác con người đẹp đẽ, tinh vi… khác hẳn tình trạng xấu xí, thô kệch của lòai vượn. 

- Con vật có sự hiểu biết, nhưng cái biết ấy là do bản năng thiên nhiên phú bẩm chứ không học hỏi để mỗi ngày tiến bộ thêm như sự hiểu biết của con người.

+ Sự hiểu biết ấy thiếu thích nghi và có tính cách máy móc: Tò vò trước khi đẻ trứng sẽ bắt một con sâu, chích một phát cho sâu bị tê liệt, rồi bỏ sâu vào một lỗ trong tổ. Sau đó, tò vò leo lên miệng lỗ, đẻ vào lỗ một cái trứng, rối vít cửa lỗ lại, để khi tò vò con nở ra sẽ có sẵn đồ ăn tươi ngon. Nhưng nếu bạn lấy con sâu và cái trứng mà tò vò mẹ vừa đẻ ngay trước mặt nó, tò vò mẹ vẫn vít cửa lỗ lại như không có gì xảy ra. Làm như vậy có khác gì một cỗ máy vô tri vô giác.

+ Sự hiểu biết ấy vẫn luôn có sẵn trong con vật và không đổi mới: khi quan sát, so sánh các tổ chim, các nhà sinh vật học cho biết: mỗi loài chim có một loại tổ riêng, và trong mỗi loại, mọi con chim đều có cách dựng tổ giống y như nhau, dù con chim ấy được nuôi riêng biệt tách khỏi đàn, không trông thấy các con chim khác làm tổ bao giờ. Loài chim sẻ xưa kia làm tổ thế nào thì con cháu của chúng sau này cũng làm tổ y như vậy, nhưng không có bất cứ thay đổi nào. Như vậy, sự hiểu biết ấy của con vật là do bản năng thiên phú, khác hẳn với sự hiểu biết của con người luôn có sự tiến bộ do học hỏi và không ngừng thay đổi thích nghi với hoàn cảnh chung quanh.

- Con vật có tài khéo, nhưng sự tài khéo ấy chúng không thể tự tập luyện, mà phải do con người khổ công tập luyện cho. Chẳng hạn: Con khỉ sở dĩ biết chơi bài là vì người ta đã dùng miếng ăn để huấn luyện thành thói quen cho nó bằng cách dính thịt bít-tết vào các quân bài, khi muốn ăn bít-tết, con khỉ phải lật bài lên. Cứ làm đi làm lại mãi sẽ thành thói quen. Rồi đến một ngày kia dù không có bít tết, con khỉ vẫn có khả năng lật bài theo ý của huấn luyện viên.

b) Khác biệt về trí khôn, lòng muốn và trực giác

- Con người có trí khôn, nghĩa là có tư tưởng tổng quát trừu tượng, có óc sáng tạo và tiến bộ, đang khi con vật không bao giờ có những điều này: một vị bác sĩ đã làm thí nghiệm để chứng minh trí khôn con người có những đặc tính khác hẳn với cái biết sơ thiểu nơi con vật. Ông cho một con khỉ lớn khôn và đứa con nhỏ hai tuổi của ông chơi chung một số hộp bánh kẹo được đậy nắp kín. Lúc đầu khỉ thành công hơn đứa con ông: nó cầm hộp lắc, cạy lung tung và lâu lâu lại may mắn mở được một hộp bánh, và lại tiếp tục cạy lắc với những hộp bánh còn lại. Còn đứa con ông tuy lúc đầu chậm hơn, nhưng khi đã mở được một hộp nào rồi, thì những hộp khác có hình dạng tương tự, nó đều mau chóng mở được. Sở dĩ đứa trẻ mở được mau lẹ là do có ý niệm tổng quát trừu tượng, biết nhận ra những điểm giống nhau giữa các hộp bánh kẹo.

Ngoài ý niệm tổng quát trừu tượng nói trên, con người còn biết chế biến các dụng cụ làm tăng khả năng và sức lực của mình lên gấp bội, đang khi con vật chỉ biết sử dụng thân thể làm khí cụ chuyên biệt mà thôi: Con cá dùng vây làm mái chèo và bánh lái để bơi, chim thì dùng cánh giang rộng để lướt bay trên không trung, con voi dùng ngà và vòi làm khí giới tự vệ… Duy chỉ có con người là có khả năng sáng tạo để làm được những việc vượt quá khả năng tự nhiên giới hạn của mình: Tuy không thể sống dưới nước như loài cá nhưng con người đã sáng chế ra tàu ngầm để lặn sâu và ở dưới đáy biển lâu hơn mọi lòai cá biển; con người tuy không có cánh để bay nhưng đã chế tạo ra máy bay có khả năng bay tít tận trời cao với tốc độ nhanh gấp mấy lần âm thanh mà không loài chim nào sánh bằng; Con người chỉ là một loài yếu đuối nhỏ bé hơn nhiều động vật khác, nhưng đã biết sử dụng trí khôn làm ra khí giới tối tân để tự vệ cách hữu hiệu, gấp trăm ngàn lần những loài vật mạnh mẽ nhất...

Cũng chính vì có trí khôn trổi vượt khác hẳn con vật mà loài người đã tiến bộ và tiến thật nhanh. Ngày xưa đã có thời kỳ con người rất gần con vật: họ phải vừa lo kiếm ăn, lại vừa lo chống lại kẻ thù và truyền sinh nòi giống… Nhưng chính vì có trí khôn, nên chỉ duy con người có sự tiến bộ vượt mức về mọi phương diện (văn hoá tinh thần, khoa học kỹ thuật…) như hiện nay. Trái lại, con vật do chỉ có bản năng thiên phú nên không tiến bộ và cũng không thể truyền lại cho con cháu những gì đã đắc thù nhờ sự tập luyện giống như con người. Tổ tiên con khỉ ngày xưa đã sống hoang dã thế nào thì con cháu của chúng ngày nay cũng sống y như vậy, chứ không tiến bộ như con người.

- Ngoài phần trí khôn nói trên, con người còn khác hẳn con vật vì có ý chí tự do: Con người biết lựa chọn điều tốt và lọai bỏ điều xấu, miễn là có lợi cho bản thân. Còn con vật hoạt động phần lớn do bản năng chứ không có tự do lựa chọn và tự chủ như con người. Chẳng hạn: Một con chó khi đứng trước miếng thịt thơm ngon sẽ không thể tự kiềm chế được sự ham ăn. Nó chỉ không dám ăn là do bản năng tự vệ, sợ bị chủ đánh đòn. Bao lâu sự sợ mạnh hơn cái đói thì nó còn chịu đứng nhìn chảy nước dãi. Nhưng nếu cái đói lấn át sự sợ hãi, nó sẽ nhào đại vào ăn miếng thịt bất chấp roi đòn của chủ. Đang khi trong hoàn cảnh đó, nhiều người có lòng tự trọng và ý chí mạnh sẽ thà chịu chết đói hơn là chịu khuất phục vì miếng ăn, như những nhà đấu tranh cho công lý đã từng thực hiện.

- Cuối cùng, trong lĩnh vực tinh thần, con người còn trổi vượt loài vật vì có tư tưởng và ý thức về chính mình: con người có khả năng nhận biết ngoại giới nhờ giác quan giống như con vật, nhưng con người còn có khả năng nhận biết những thực tại siêu thực nghiệm dù mắt không thấy, tay không sờ, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm… vượt hẳn con vật. Đó là khả năng tư duy, suy luận và trực giác… Chẳng hạn, loài người chúng ta có thể tin vào những điều mà người khác đã nhìn thấy nói ra… nếu điều ấy hữu lý, đáng tin vì có bằng chứng xác đáng. Hoặc khi trông thấy khói, chúng ta suy luận đã phải có lửa dù mắt ta không nhìn thấy lửa cháy;  khi trông thấy một quả xoài, ta biết đã phải có cây xoài… dù mắt ta không thấy cây xoài. Về trực giác cũng vậy, trực giác là một cảm nghiệm trực tiếp, không qua trung gian của giác quan. Người phụ nữ chỉ cần thấy mặt một người là có thể “trực giác” biết đó là hạng người nào, tốt xấu ra sao và có đáng tín hay không. Trực giác đó được gọi là giác quan thứ sáu, điều mà con vật không bao giờ có.

Như vậy, có thể nói: con người tuy giống con vật về thân xác vật chất, nhưng lại khác biệt về trí khôn, ý chí tự do và suy tư trực giác. Những hoạt động tinh thần ấy chứng tỏ con người ngoài phần thể xác vật chất còn có phần linh thiêng hơn hẳn loài vật gọi là LINH HỒN.

3. TƯ TƯỞNG KHÔNG LÀ SẢN PHẨM CỦA ÓC NÃO VẬT CHẤT, NHƯNG LÀ MỘT HOẠT ĐỘNG CỦA LINH HỒN

1) Một số người đã nêu ra nhận xét về ảnh hưởng giữa thể xác và linh hồn: thay đổi bộ óc tức cũng thay đổi con người, cắt đi một hai lá óc, con người có thể không còn cảm giác đau, có thể bị câm không nói được, không đọc được hiểu được, có thể quên quá khứ… Tâm tính con người cũng tùy thuộc vào hệ thống tuyến giáp và thần kinh hệ. Do bao tử bị đau có thể làm cho người ta ra khó tính; gan yếu có thể phát sinh sự cau có khó chịu; một người nát rượu say xỉn có thể trở thành đần độn, không nhớ được mình là ai? Mình đã nói hay đã làm gì trong lúc say… Từ những nhận xét ấy, có người đã kết luận: không có linh hồn nào trong con người, tư tưởng siêu hình cũng chỉ là sản phẩm của óc não, là một hình thức của vật chất do óc não bài tiết ra, giống như mật do gan tiết ra vậy.

2) Thực ra, những nhận xét nói trên không đủ bằng chứng kết luận: óc não vật chất sản sinh ra tư tưởng được. Đồng ý là thân xác có ảnh hưởng đến tâm hồn, nhưng cũng đừng quên: tâm hồn cũng ảnh hưởng đến thân xác nữa. Chẳng hạn, khi một người nóng giận, mặt họ có thể đỏ ửng lên; khi sợ hãi thì mặt mũi tái mét; khi quá xúc động trái tim sẽ đập nhanh và té xỉu, thần trí có thể rơi vào hôn mê bất tỉnh. Chỉ nghĩ đến me chua cũng có thể làm cho nước miếng trong miệng ta chảy ra…

3) Tuy bộ óc con người có ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, nhưng điều đó chỉ minh chứng rằng: óc não là điều kiện để con người hiểu biết và ước muốn. Không thể dựa vào lý do óc não ảnh hưởng đến tư tưởng, để kết luận tư tưởng là sản phẩm của óc não được vì những lý do như sau:

- Nếu óc não sinh ra tư tưởng thì bộ óc to, dĩ nhiên tư tưởng phải nhiều. Vậy tại sao nhiều người có đầu óc thật to mà lại dốt nát ngu muội? Óc bò cũng được cấu tạo bằng những tế bào giống như óc người, thế mà người ta vẫn thường nói: “Ngu như bò!”

- Nếu óc sinh ra tư tưởng thì óc phải giống như một thư viện chứa đựng tư tưởng. Mỗi tư tưởng sẽ chiếm một chỗ riêng: hỏng chỗ nào thì những tư tưởng nơi đó sẽ bị mất đi. Thế nhưng trong thực tế: những người bị hư màng óc tuy có quên các điều đã biết trong một thời gian nào đó. Rồi sau khi bộ óc đã được chữa trị bồi bổ, khi những tế bào mới đã mọc ra thay thế cho những tế bào cũ bị hư hại thì họ lại có thể nhớ được những gì đã quên khi bị bệnh trước đó. Như vây, chứng tỏ rằng óc không phải là “nguyên nhân sản xuất” mà chỉ là “phương tiện sản xuất” ra tư tưởng, qua “dụng cụ trung gian” là óc não. Chúng ta có thể ví linh hồn con người giống như một người đánh máy chữ. Người này muốn sản xuất ra tư tưởng là các hàng chữ trên mặt giấy, cần phải sử dụng dụng cụ trung gian óc não như chiếc máy đánh chữ. Cũng như khi máy chữ bị hư hỏng làm cho người đánh máy không thể đánh ra các hàng chữ thế nào, thì khi bộ óc con người bị hư hại, linh hồn cũng không thể sản xuất ra tư tưởng thế ấy. Rồi sau khi máy đã sửa xong, khi bộ óc đã được chữa lành, người đánh máy lại có thể sản xuất ra các hàng chữ, người bệnh lại có thể nhớ lại được những gì đã quên khi bị bệnh trước đó.

- Đàng khác, nói rằng: óc não sinh ra tư tưởng là điều vô lý, vì theo nguyên tắc triết học: “Không ai cho kẻ khác điều mình không có”, và trong thực tế, loài nào chỉ sinh ra sản phẩm mang những đặc tính của loài đó. Chẳng hạn, cây mít vật chất chỉ có thể sinh ra quả mít cũng là vật chất; gan trong bụng là vật chất cũng chỉ sinh ra mật là vật chất… Thế thì óc não vật chất làm sao có thể sinh ra tư tưởng siêu vật chất, với phẩm chất vượt không gian, thời gian mà vật chất không bao giờ có được? Vậy tư tưởng do đâu mà phát sinh nếu không bắt nguồn từ một nguyên nhân linh thiêng mà chỉ duy loài người mới có. Nguyên nhân ấy là LINH HỒN.

KẾT LUẬN
Tất cả những lý lẽ viện ra để phủ nhận linh hồn đều không đứng vững trên bình diện triết lý cũng như khoa học. Ta phải cùng với mọi người có lương tri ngay thẳng mà quả quyết rằng: CON NGƯỜI KHÁC HẲN CON VẬT VÌ CÓ LINH HỒN THIÊNG LIÊNG SIÊU VIỆT, LINH HỒN ẤY CHÍNH LÀ NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH TƯ TƯỞNG VÀ MỌI HOẠT ĐỘNG SIÊU VIỆT, THÔNG QUA TRUNG GIAN LÀ ÓC NÃO. Pascal đã viết: “Tất cả mọi thể xác, bầu trời và các vì tinh tú, trái đất và các quốc gia trên trái đất… cũng không có giá trị bằng một tinh thần nhỏ mọn nhất. Vì tinh thần ấy biết những vật kia và biết cả chính mình, còn thể xác và các vật kia không hiểu biết gì cả. Từ hết mọi thể xác gom lại cũng không thể làm phát sinh được một tư tưởng nhỏ mọn, vì tư tưởng ở một cấp bậc khác hẳn, cấp bậc thiêng liêng tinh thần.”

B. PHÚT HỒI TÂM
1) LỜI CHÚA: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2,7)

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa Giêsu! Xin thổi Thần Khí của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con luôn ý thức lòai người không những là thân xác vật chất có sinh có diệt, mà còn là hồn thiêng bất tử do Thiên Chúa phú ban và sẽ tồn tại vĩnh hằng. Xin cho chúng con luôn sống tình hiếu thảo với Chúa Cha bằng lời cảm tạ tri ân và nhìn nhận mọi người là anh chị em, là con cùng một Cha Chung trên trời. Nhờ đó chúng con hy vọng sau khi chết linh hồn chúng con sẽ được về Trời với Chúa hưởng hạnh phúc muôn đời. AMEN.

IV. PHẢI CHĂNG CHẾT ĐI LÀ HẾT?

VÂN ĐỀ 07: Tôi đã ở bên rất nhiều người sắp chết, mà khi họ chết tôi chẳng thấy có linh hồn nào bay ra cả. Các nhà tôn giáo lợi dụng bản năng muốn tồn tại mãi của con người nên đã bày đặt ra linh hồn thiêng liêng bất tử để làm tiền những người ngu dốt tin theo. Thực sự chết đi là hết.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. CON NGƯỜI CÓ LINH HỒN, NHƯNG THIÊNG LIÊNG NÊN TA KHÔNG THẤY ĐƯỢC


1) Giác quan con người có giới hạn
Trong vũ trụ thiên nhiên, có nhiều vật hiện hữu thực sự, nhưng lại vượt quá tầm tiếp nhận của giác quan con người. Chẳng hạn, mắt ta đâu có xem thấy dòng điện, đâu nhìn thấy được quang tuyến X, tia xích ngoại tuyến hay tử ngoại tuyến… nhưng ai dám quả quyết không có điện, không có những tia kia? Giả như Tạo Hoá cho mắt con người xem được 4.000 tỷ rung động của ánh sáng trong 1 giây đồng hồ, thì bộ mặt thực chung quanh ta sẽ thay đổi hẳn: chúng ta sẽ chỉ còn thấy các bộ xương người đeo đồng hồ tòn ten ở cổ tay đi lang thang ngoài đường phố; tai cũng thế, nó chỉ có thể tiếp nhận âm thanh trong một giới hạn nào đó; tai của loài chó được huấn luyện có thể nghe được tiếng còi siêu âm của chủ, đang khi tai con người đành chịu bất lực không thể nghe được.

Như vậy, KHÔNG XEM THẤY LINH HỒN BAY RA NƠI MỘT NGƯỜI CHẾT, KHÔNG PHẢI LÀ YẾU TỐ ĐỦ ĐỂ QUẢ QUYẾT CON NGƯỜI KHÔNG CÓ LINH HỒN.

2) Con người có linh hồn có đăc tính thiêng liêng 

Con người có linh hồn, nhưng sở dĩ ta không thấy được vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng vô hình khác hẳn vật chất. Cũng như dù không trông thấy dòng điện nhưng ta vẫn công nhận có điện, khi thấy được hiệu quả của nó làm sáng bóng đèn, làm quay máy quạt thế nào, thì cũng vậy, dù mắt ta không trông thấy linh hồn thiêng liêng nhưng vẫn công nhận có linh hồn, nhờ thấy được hiệu quả của linh hồn làm cho thân xác sống động, và là nguyên nhân phát sinh  tư tưởng và ý chí tự do qua trung gian óc não con người.

2. CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

Con người vốn có 2 phần: thân xác vật chất và linh hồn thiêng liêng siêu hình. Chết là khi thân xác không còn sống động, không ăn uống, đi đứng, nói năng suy nghĩ... Nói cách khác, chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Khi ấy thân xác chỉ còn là một khối vật chất, gồm những tế bào không liên kết chặt chẽ với nhau như khi còn sống, vì thiếu sợi dây kết hợp là linh hồn. Xác con người sẽ theo định luật biến hoá của vật chất như bao vật khác: thịt xương sẽ bị thối rữa do ảnh hưởng của nhiệt độ, không khí, vi trùng… để trở thành những chất khác.

Chết đi không phải là hết như có người lầm tưởng, vì linh hồn con người không tiêu tan theo thể xác, nhưng sẽ còn tồn tại mãi vì những lý do như sau:

1) Vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng

Linh hồn là nguyên lý sự sống của thân xác con người. Người ta chỉ có thể nhìn thấy hiệu quả của sự sống với hai tài năng là trí khôn và ý chí, nhưng không thể thấy được vì có đặc tính thiêng liêng vô hình. Vì linh hồn không phải vật chất cũng không bị biến hoá do ảnh hưởng của hoàn cảnh vật chất theo các định luật tiến hoá , nên linh hồn bất diệt và luôn tồn tại mãi mãi.

2) Vì là một điều hợp lý

a) Nhìn vào vạn vật trong vũ trụ thiên nhiên, ta nhận thấy có một sự xếp đặt trật tự hoàn hảo, vật dưới phải phục vụ cho vật trên, vật này làm thoả mãn vật khác. Chẳng hạn, mắt có khả năng và nhiệm vụ xem thì trong thực tế đã có ánh sáng, hình thể, màu sắc… đáp ứng với khả năng xem ấy; tai có khả năng và nhiệm vụ nghe thì thực sự đã có âm thanh, tiếng đông làm thoả mãn khả năng nghe ấy. Con cá có khả năng và nhu cầu sống dưới nước, thì khi thấy ở đâu có cá, đương nhiên ta cũng thấy có nước là thoả mãn nhu cầu cần nước ấy… Cũng thế, về phạm vi tinh thần, hầu như mọi người đều tự nhiên muốn đươc tồn tại mãi mãi, đều có nhu cẩu được trường sinh bất tử… thì thực tế cũng phải có đời sống vĩnh cửu sau khi chết để đáp ưng ước vọng chung tự nhiên ấy mới hợp lý.

b) Giả như bạn có thể nói chuyện với một bào thai, thì bạn sẽ nói với nó vê một đời sống tương lai của bào thai mà chính bạn đã có kinh nghệm và thực sự đang sống như sau: “Hỡi bào thai, đời sống của mày ngắn ngủi nhưng tiếp theo còn một đời sống khác thực sự và lâu dài.”

Vậy bào thai sẽ trả lời bạn ra sao? Nếu thiếu suy nghĩ thì chắc nó sẽ trả lời:

- Tôi chỉ công nhận có thực những gì tôi trông thấy và kiểm nghiệm được. Do đó chỉ có một đời sống hiện tại tôi đang sống, còn đời sống khác như ông nói chỉ là sự bịa đặt mê tín, không thể tin được.

Nhưng nếu có chút trí khôn suy nghĩ chắc bào thai sẽ cho rằng bạn có lý và tự nhủ: 

- Ừ nhỉ, đây tôi có hai tay, mỗi ngày một phát triển hoàn bị thêm, Thế mà tôi chẳng cần dùng tới nó chút nào cả. Tôi cũng không thể duỗi chúng ra được! Nhưng tại sao tôi lại có hai cánh tay? Chắc là để dành cho một chặng đường tương lai mà sau này tôi sẽ cần đến chúng. Chân tôi cũng mọc dài ra mà tôi cũng phải buộc co gấp chúng. Vậy có chân làm gì trong khi hiện giờ tôi không cần mà mỗi ngày nó một phát triển thêm? Chắc là tôi sẽ phải sống ở một hoàn cảnh khác mà ở đó tôi sẽ phải sử dụng chân để bước đi. Tại sao có hai mắt? Trong căn phòng tối tăm dày đặc này thì có mắt cũng như mù. Vậy có mắt để làm gì? Chắc là tôi sẽ bước sang một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng và khi ấy tôi sẽ cần sử dụng tới đôi mắt…

Tóm lại, nếu bào thai có thể suy nghĩ về sự tiến triển của nó, thì nó sẽ hiểu rằng: Phải có một đời sống khác ngoài bụng mẹ, đời sống mà hiện nay nó chưa có chút kinh nghiệm, nhưng chắc chắn phải có vì hợp với nhu cầu phát triên tự nhiên của nó.

- Đối với linh hồn con người với hai tài năng là trí khôn và lòng muốn cũng vậy: khi còn trẻ, chúng ta thường suy xét thiếu khôn ngoan. Nhưng với năm tháng, dần dần trí óc học hỏi mở mang theo và con người mỗi ngày càng tăng thêm vốn liếng hiểu biết, khôn ngoan. Thế rồi khi chưa sử dụng sự khôn ngoan được bao lâu, thì thần chết lại đến dẫn đưa chúng ta xuống mồ. Như vậy, trí khôn thêm hiểu biết khôn ngoan làm gì nếu thực sự chết đi là hết? Vậy cũng như tay chân, mặt mũi dần dần xuất hiện với bào thai là để đề phòng cho đời sống ngoài đời thế nào, thì tâm hồn con người dần dần thêm kiến thức khôn ngoan, cũng là để nhằm đến đời sống khác thiêng liêng vĩnh cửu sau khi chết vậy.

- Hơn nữa, nếu chết là hết thực sự thì người tốt có khác gì kẻ xấu? Kẻ ăn trộm, tiểu nhân với những bậc vĩ nhân quân tử có gì là khác biệt? Nếu chết là hết thì cần chi phải kêu gọi từ bi hỉ xả, đề cao sự lương thiện công bằng? Chết mà hết thực sự thì ai làm lành là ngu, nhân từ là nhu nhược, bác ái là dại dột. Chết mà hết thì sống trên đời cứ việc giết người cướp của thật nhiều, hưởng thụ khoáí lạc cho đã, cần chi phải đề cao tinh thần nhân đạo? Chết mà hết thì tại sao phải cử hành giây phút mạc niệm anh linh những liệt sĩ ? Dựng đài tưởng niệm hoặc dâng hương trước di ảnh người quá cố? Nhưng may mắn thay, hầu hết nhân loại đều không thưa nhận chết là hết, mà mọi người đều tin chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết.

SOCRATE, nhà hiền triết Hy Lap thế kỷ 5 trước Công nguyên, khi được một người bạn hỏi ý kiến về việc chôn cất ông như thế nào, ông trả lời: "Anh có thể vùi thân xác tôi như thế nào tuỳ ý… nhưng còn chính tôi, anh không thể chôn vùi được.” Câu nói ấy đã chứng tỏ Socrate tin tưởng linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết.

Nghiên cứu những di tích thơi kỳ tiền sử ta thấy một điểu chắc chắn là mọi dân tộc đều tin có đời sống trường cửu sau khi chết. Thực vậy, từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam, ở Úc cũng như ở Mỹ hoặc Trung Hoa, đâu đâu cũng có những dấu tích chứng minh con người tin tưởng một đời sống bất diệt khi họ để khí giới, dụng cụ, lương thực trong tầm tay người chết là có ý để họ có thể sử dụng ở thế giới bên kia. Trong mộ chôn của người Ai Cập hầu hết đều có thuyền bồng, là để cho người quá cố đi sang kiếp khác. Ngày nay dân Picmê, một dân tộc sống trong thâm sơn cùng cốc ở Phi châu, Úc châu tượng trưng cho cố nhân ngày xưa còn tồn tại, cũng tin linh hồn bất tử. Nói đâu xa, nếu ai đó muốn điều tra về lòng tin tưởng linh hồn bất diệt của con người thời đại ngày nay như thế nào, thì cứ ra nghĩa trang trong những ngày lễ các linh hồn, hoặc ngày lễ Vu Lan… sẽ biết.

Ngay những người ngoài miệng tuyên bố không tin, nhưng trong thực hành vẫn làm những việc chứng tỏ lòng tin vào lúc sắp chết, nhiều người đã bỏ lập trường của mình để quay về với niềm tin: Điển hình hơn cả là cái chết của VOLTAIRE, một người chống đối tôn giáo say mê nhất. Với ngòi bút sắc bén, ông đã cố hạ bệ Thiên Chúa và đánh đổ Giáo hội. Châm ngôn của ông là "phải tiêu diệt đứa quái gở" (tiếng dùng để ám chỉ Thiên Chúa). Không một lời gian dối nào mà ông tởm gớm, không một lời cáo gian nào mà ông ghê sợ. Ông chiêu mộ một nhóm người lấy tên là nhóm “Anh em Beelzebuth” với mục đích tìm cách hạ bệ Thiên Chúa. Năm 1753, ông đã tuyên án cho Thiên Chúa như sau: "20 năm nữa Thiên Chúa có thể hồi hưu, vì không còn ai thèm phục vụ Ngài nữa." Đúng 20 năm sau, năm 1773, Voltaire đã tắt thở cách thê thảm trên giường bệnh. Khi gần chết, ông trông thấy những hình ảnh rùng mình ghê rợn đến nỗi ông la lên: "Một bàn tay đang lôi kéo tôi đến với Đức Chúa Trời… Đây quỷ muốn tôi… Tôi trông thấy hoả ngục ghê quá." Rồi ông tru tréo gầm thét như thú vật hung dữ, lấy móng tay cấu xé thịt mình và rứt ra từng miếng. Một bà già chuyên giúp đỡ những người hấp hối sau khi chứng kiến cái chết của Voltaire đã nói: “Khi ấy tôi ở gần giường Voltaire đang hấp hối. Tôi không còn muốn chứng kiến một người vô đạo chết nữa.” Một người khác cũng đã nói thêm: “Nếu quỷ có thể chết được thì chắc cũng không chết dữ như Voltaire.”

3) Vì chính Thiên Chúa đã mạc khải cho biết có đời sống vĩnh cửu    

Ngoài những lý lẽ suy luận của trí khôn nói trên, những người Thiên Chúa giáo còn có một lý chứng chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết dựa vào mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt là lời giảng dạy của Đức Giêsu về đời sống của con người sau khi chết: "Linh hồn con người sẽ chịu xét xử về công việc của mình đã làm khi còn sống. Đến ngày tận thế, mọi xác chết đều được Thiên Chúa dùng quyền phép của Ngài mà cho sống lại để cùng chịu phán xét và chung số phận với linh hồn."

Để chứng minh lời dạy bảo về việc kẻ chết sống lại, Đức Giesu đã dùng quyền năng riêng của Người để tự sống lại sau khi chết chưa đủ 3 ngày. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, trước khi về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

Thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Nếu việc kẻ chết sống lại mà không có thì Đức Kitô cũng chẳng sống lại. Và nếu Chúa Kitô không sống lại, tất nhiên lời tôi giảng cũng uổng công và đức tin của chúng ta cũng hoá ra vô ích. Nếu những người chết không sống lại thì Thiên Chúa đã không cho Người sống lại…"

KẾT LUẬN
Với những lý lẽ do sự suy luận của trí khôn con người, với những lời mạc khải của Thiên Chúa về một đời sống vĩnh cửu sau khi chết, linh hồn con người không bị tiêu huỷ nhưng sẽ tồn tại mãi mãi… Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ lầm lẫn: CHẾT ĐI KHÔNG PHẢI LÀ HẾT, CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ TRỞ VỀ VỚI HƯ VÔ NHƯNG LINH HỒN SẼ TỒN TẠI MÃI ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC BẤT DIỆT HAY SẼ PHẢI TRẦM LUÂN NƠI HOẢ NGỤC MUÔN ĐỜI, TUỲ THEO ĐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHI CÒN SỐNG Ở TRẦN GIAN NÀY.

B. PHÚT HÔI TÂM

1) LỜI CHÚA: Chúa phán: “Linh hồn Thầy buồn phiền đến nỗi chết, anh em ở lại đây và tỉnh thức với Thầy..." (Mc 14,28-31). “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa Giêsu! Qua lơi Chúa câu nguyện, chúng con xác tín rằng: mỗi người chúng con đều có một linh hồn thiêng liêng bất tử, làm cho thân xác sống động. Chết là khi linh hôn lìa ra khỏi xác về với Thiên Chúa, Đấng đã thổi hơi ban linh hồn cho thân xác bằng bùn đất của Ađam xưa. Xin cho chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa, để sau này chúng con được Chúa đón nhận vào Nước Chúa muôn đời. Amen.

Lm. Đan Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét