Trang

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

ĐÔI ĐIỀU VỀ BẢN DỊCH KINH THÁNH (KPB) NHÓM CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ ĐANG THỰC HIỆN

ĐÔI ĐIỀU VỀ BẢN DỊCH KINH THÁNH (KPB)
NHÓM CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ ĐANG THỰC HIỆN
Từ nhiều năm nay, cộng đồng người Công Giáo Việt Nam đã khá quen với những phần khác nhau trong bản dịch Kinh Thánh do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (NPD/CGKPV) thực hiện. Bản dịch toàn bộ bản văn Kinh Thánh của Nhóm cũng đã được ấn hành vài lần (xin tạm gọi là KPA). Vì vậy, khi nghe chúng tôi nói tới việc tham gia khoá làm việc tập trung vào mùa hè, hầu hết các bạn bè thân hữu đều bày tỏ sự ngạc nhiên. Bài viết này xin được đề cập tới một vài điểm liên quan tới cách thức làm việc cũng như mục đích của bản dịch mới (xin tạm gọi là KPB) mà Nhóm vẫn đang thực hiện.
Nét mới trong phong cách làm việc nghiêm cẩn
Trước khi đi du học tại Châu Âu, khoá làm việc tập trung cuối cùng mà chúng tôi tham gia với Nhóm là khoá mùa hè năm 2005, vẫn với tư cách là quan sát viên. Khi trở về Việt Nam vào cuối năm 2013, chúng tôi vẫn tiếp tục được mời tham gia các khoá làm việc tập trung vào mùa hè, nhưng với tính cách là thành viên chính thức của Nhóm. Vậy là vào những tuần cuối tháng 7 năm 2014 và 2015, chúng tôi lại có dịp cùng làm việc với các anh chị em trong Nhóm. Trở lại với Nhóm sau một khoảng thời gian cách biệt, chúng tôi nhận thấy phong cách làm việc vừa có tính liên tục lại vừa mang những nét mới mẻ.
Điều rõ nét nhất chúng tôi có thể nhận thấy là phong cách làm việc của Nhóm không hề thay đổi : Nhóm vẫn làm việc chung theo tổ, mỗi tổ từ ba đến bốn thành viên ; cách thức làm việc vẫn cẩn trọng, cân nhắc xem xét từng câu từng chữ. Chúng tôi không còn sốt ruột khi cả một ngày làm việc, một tổ ba đến bốn người chỉ dịch được chừng mươi mười lăm câu Kinh Thánh. Một điều nữa mà chúng tôi ghi nhận là Nhóm vẫn duy trì được sự đa dạng, vì các thành viên thuộc nhiều dòng tu khác nhau, bằng cấp và độ tuổi cũng khác nhau rất nhiều.
Bên cạnh những nét ổn định vừa nêu, NPD/CGKPV cũng có những nét mới mẻ trong thời gian gần đây. Điều dễ nhận thấy là tuổi tác của những thành viên thuộc thế hệ đầu tiên của Nhóm đã khá cao, một số vị đã ra đi, một số vị vẫn còn làm việc, nhưng sức khoẻ đã suy giảm rất nhiều. Những mái đầu xanh thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba dần dần đảm nhận công việc của thế hệ trước. Những anh chị em thuộc thế hệ trẻ hầu hết học chuyên về Kinh Thánh. Nét mới này có lẽ phù hợp hơn với công việc của Nhóm hiện nay là thực hiện một bản dịch tương đối sát với bản văn gốc.
Vì sao NPD/CGKPV phải thực hiện một bản dịch mới ?
Như vừa nói, công việc hiện nay mà NPD/CGKPV đang tiến hành là hoàn tất một bản dịch gần hơn với nguyên bản.
Thật ra, bản dịch của Nhóm vẫn được dùng phổ biến lâu nay là bản dịch trực tiếp từ các bản văn gốc và trung thành với bản văn gốc. Tuy nhiên, vì muốn cho bản văn Kinh Thánh trở nên dễ hiểu với mọi giới, đồng thời mang những sắc thái của tiếng Việt, rất nhiều khi các dịch giả không thể truyền tải nguyên vẹn những hình ảnh, những lối diễn tả đặc trưng của các bản văn gốc. Điều này dĩ nhiên hết sức bình thường khi làm công việc dịch thuật, nhưng lại gây ra không ít khó khăn cho công việc giảng dạy và cho những ai muốn nghiên cứu kỹ lưỡng hơn bản văn Kinh Thánh. Do vậy, khi giảng dạy hay giúp sinh viên tìm hiểu những bản văn cụ thể, chính các thành viên trong Nhóm thường cũng phải tự dịch một bản văn riêng.
Chúng tôi xin nêu ra đây một ví dụ cụ thể từ bản văn G 31,9-10.
KPA :

        9 Nếu tôi để lòng mê theo phụ nữ

      hay rình rập ngoài cửa nhà tha nhân,

      10  thì vợ tôi phải kéo cối xay cho người khác

      và thân xác nàng bị người ta chiếm đoạt.
Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn :

        9  Nếu lòng tôi bị một người đàn bà mê hoặc,

      và rình rập nơi cửa người hàng xóm,

      10  thì xin để vợ tôi xay cối cho kẻ khác,

      và kẻ khác hãy chiếm hữu nó.
KPB :

        9  Nếu lòng tôi bị mê hoặc vì một người đàn bà

      và tôi có rình rập trước cửa nhà của bạn bè tôi,

      10  thì người đàn bà của tôi sẽ kéo cối xay cho người khác

      và những người khác sẽ quỳ trên nàng.
Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy rằng bản dịch KPA và cả bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn đều sáng sủa và dễ hiểu hơn. Cả hai bản dịch đều diễn đạt lại bản văn gốc một cách tương đối trung thành. Tuy nhiên, chúng tôi có vài ghi nhận như sau :
– Từ ´iššâ (hV'ai) ở câu 9 được dịch là phụ nữ (KPA) và người đàn bà (cha Nguyễn Thế Thuấn), sang câu 10 lại được dịch thành vợ ở cả hai bản dịch. Cách dịch này là chính xác, nhưng lại phần nào làm mất đi nét thần học về sự báo ứng (theology of retribution) mà nền văn chương khôn ngoan muốn diễn tả.
– Từ rë`a ([:rE) cũng ở câu 9 được dịch là tha nhân (KPA) và người hàng xóm (cha Nguyễn Thế Thuấn) là chính xác, nhưng nghĩa đầu tiên của từ này là bạn. Từ này xuất hiện trong Lv 19,18, cũng là câu được Mc 12,31 và Lc 10,27 dẫn lại theo bản LXX, trong đó từ này được dịch thành plêsion (plhsi,on). Việc dịch theo nghĩa đầu tiên và việc so sánh các bản dịch có thể giúp ta hiểu rõ hơn từ này, đồng thời thấy được phần nào vấn đề trong câu hỏi ở Lc 10,29.
– Động từ Kära` ([r:K') ở câu 10 được dịch thành chiếm đoạt (KPA) và chiếm hữu (cha Nguyễn Thế Thuấn) thật ra có nghĩa là uốn gối, cúi mình, quỳ gối ; ở đây động từ này diễn tả hành động tính giao.
Việc so sánh trên đây ít nhiều có thể cho chúng ta thấy rằng các bản dịch KPA và của cha Nguyễn Thế Thuấn đều tương đối sáng sủa và dễ hiểu, nhưng lại phần nào làm mất đi các góc cạnh cũng như các sắc thái ngôn ngữ, văn hoá, hình ảnh của bản văn gốc. Công việc giảng dạy và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bản văn đòi hỏi một bản dịch sát với bản văn gốc hơn về cấu trúc và cách thức diễn đạt, đó là công việc mà NPD/CGKPV đang thực hiện, với tên gọi là bản dịch KPB.
Sự bất lực trước vẻ đẹp của bản văn gốc
Một điều cần phải nói thêm là khi làm công việc vừa nêu, rất nhiều khi chúng tôi cảm thấy bất lực vì không thể truyền tải nguyên vẹn vẻ đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp tu từ của bản văn gốc. Tiếng Híp-ri có những lối diễn đạt vừa phong phú về hình ảnh, ý nghĩa, vừa đặc sắc về cách thức sắp đặt ngôn từ, nhất là nghệ thuật song đối (chiasme). Khi dịch bản văn Kinh Thánh sang các ngôn ngữ khác, hầu như người ta không thể nào giữ được vẻ đẹp đặc sắc của bản văn tiếng Híp-ri.
Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ từ bản văn G 36,6.
KPA :

        6  Người không để cho kẻ gian tà được sống,

      Người xử công minh với ai nghèo hèn,
Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn :

      6a  Người chẳng để quân ác nhân sống còn,

      7a  Người không ngoảnh mặt khỏi người chính trực,

      6b  Và Người trả công chính cho kẻ nghèo khó.
KPB :

        6  Người không để cho kẻ gian ác được sống,

      Người đem lẽ công minh cho những người nghèo khổ.
Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây nguyên văn trong bản Híp-ri, cùng với bản Nova Vulgata và bản tiếng Việt dịch sát theo từng chữ (bản La-tinh và bản tiếng Việt được sắp xếp theo trật tự của bản văn Híp-ri) :
Trong câu văn tiếng Híp-ri, ý niệm then chốt là sự xét xử công minh của Thiên Chúa – từ miš•Pa† (jPv.mi) nghĩa là sự xét xử, lẽ công minh, quyền lợi – được đặt ở trung tâm của cấu trúc song đối ; kẻ gian ác và những người nghèo khổ được đặt đối xứng nhau ở liền hai bên của ý niệm then chốt này ; hai động từ được đặt ở hai đầu của câu văn. Chúng tôi nhận thấy trong số các bản dịch, chỉ có bản Vulgata và bản Nova Vulgata còn giữ được tương đối cấu trúc song đối này. Cũng phải nói thêm rằng văn chương tiếng Híp-ri nói chung và văn chương Kinh Thánh nói riêng rất ưa dùng cấu trúc song đối. Đây có thể nói là trường hợp hiếm hoi mà bản dịch Nova Vulgata vẫn lưu giữ được nét song đối : “Non vivere faciet impium, sed iudicium pauperibus tribuit”.
Trên đây, chúng tôi đã ghi lại một vài nhận xét về cách thức làm việc của NPD/CGKPV, đồng thời chúng tôi cũng trình bày nhu cầu phải có một bản dịch rất sát với văn bản gốc nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công việc giảng dạy và nghiên cứu Kinh Thánh tại Việt Nam. Thật ra, để nghiên cứu bản văn một cách bài bản và kỹ lưỡng, người ta buộc phải đọc bản văn gốc. Điều này lại đòi hỏi ít nhất những ai muốn nghiên cứu phải bỏ công sức học tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp. Rất tiếc, ngay trong giới linh mục và tu sĩ cũng không có nhiều người chịu làm công việc này. Một bản dịch rất sát với bản văn gốc xem ra vẫn là một giải pháp tốt để nhiều người có cơ hội tìm hiểu sâu hơn bản văn Lời Chúa.
Phát Diệm, 17-8-2015
Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét