Trang

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Thời khắc Gioan Phaolô II của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Thời khắc Gioan Phaolô II của Đức Giáo hoàng Phanxicô


 Thomas J. Basile
«Phong cách BergoglioThời gian vừa qua, giáo hoàng Phanxicô đã truyền một ý nghĩa phấn chấn mới cho Giáo hội Công giáo và một trong những cơ chế lâu đời nhất trên thế giới, cương vị Giáo hoàng. Ngài đã chiếm được cả lòng và trí của hàng triệu người, không phải chỉ bởi những lời nói về đức tin nhưng còn là việc thực sự đi theo những bước chân Chúa Kitô bằng cách sống noi gương Ngài. Dù là việc không ở Dinh thự Tông Đồ mà dọn đến một căn hộ khiêm tốn hơn, hay không dùng các xe giáo hoàng, tự mình trả hóa đơn tiền phòng, cầu nguyện với các tù nhân, hay giải tội nơi công cộng, giáo hoàng Phanxicô đã nhanh chóng được nhìn nhận là ‘giáo hoàng của dân’.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu dai dẳng do các nhóm quân sự Hồi giáo khủng bố hàng triệu người khắp thế giới, đã khiến Đức Thánh Cha có một sứ mạng có lẽ là quan trọng nhất triều giáo hoàng của mình, là thăng tiến lòng khoan dung tôn giáo như một cách để bảo vệ tất cả những người có đức tin khỏi những kinh hoàng của chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Vatican đã có bước tiến rõ nét nhất khi gởi đi một lời kêu gọi trực tiếp đến các lãnh đạo Hồi giáo hãy từ mặt ISIS và các nhóm man rợ khác đang nhận là mình hành động vì Hồi giáo.
Tuyên bố của Vatican là, ‘Cảnh ngộ của các Kitô hữu, người Yezidi và các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác . . . đòi hỏi một lập trường dũng cảm và dứt khoát của các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là về phía Hồi giáo. . . Tất cả phải đồng tâm nhất trí trong việc lên án rõ ràng những tội ác này và phải vạch mặt những ngụy biện dựa vào tôn giáo của chúng. . . Các lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi hãy dùng ảnh hưởng của mình lên các nhà cầm quyền để chấm dứt những tội ác này, để trừng phạt những kẻ thủ ác và vãn hồi vai trò của luật pháp. . . Và các lãnh đạo này cũng không được bỏ qua việc nhấn mạnh rằng những ủng hộ, về tài chính và vũ khí cho chủ nghĩa khủng bố là một vi phạm đạo đức nặng nề.’
Đó chính là cách giáo hoàng dấn tới và chiến đấu chống lại sự dữ giữa chúng ta. Chúng ta nên hi vọng đây là mở đầu cho một chiến dịch dài hơi khắp toàn cầu của Đức Thánh Cha để thúc ép những người cầm quyền hãy bám chặt con đường khoan dung và chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố núp bóng danh Thiên Chúa.
Thư gởi tín hữu Corintho 3, 17 đã nói rõ rằng, ‘Ở đâu có Thần khí Thiên Chúa, ở đó có tự do.’ Tự do tôn giáo là cột trụ nền tảng cho tất cả mọi quyền và tự do khác của con người. Nếu chính phủ hay các thế lực khác trong xã hội như các nhóm cực đoan chẳng hạn, không cho người ta được thờ phượng Thiên Chúa của mình cho đúng theo đạo của mình, thì người ta chẳng thể hi vọng có được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do kinh tế và những tự do cá nhân khác.
Nếu trong một xã hội, tự do tôn giáo bị chà đạp hay không tồn tại, thì những tự do cá nhân khác, nói đơn giản là cũng không thể có được. Và rồi từ đó, xã hội trở thành một hệ thống phân cấp, hay tệ hơn nữa là một sự đồng nhất cưỡng ép, nơi sự sống chẳng có mấy giá trị. Hăm dọa, cô lập, đàn áp và cuối cùng là hủy diệt, đã là những mục tiêu được biện luận của các thế lực đen tối này.
Pope Francis during the Regina Coeli prayer in Saint Peters Square, in Vatican City, 6 april 2015. ANSA/ALESSANDRO DI MEO
Một giáo hoàng như Phanxicô có thể đem lại một thông điệp và một hứng khởi để thay đổi, không chỉ trong lòng những kẻ chặt đầu cả trẻ em vô tội, nhưng còn là những người có quyền lực, để họ chăm lo nhiều hơn và có hành động thực sự.
Giáo hoàng có thể đánh thẳng vào quân thù. Trong tông thư Divini Redemptoris (Thiên Chúa Cứu chuộc), giáo hoàng Pius XI đã đánh thẳng vào hệ tư tưởng Cộng sản rằng, ‘Hơn nữa, chủ nghĩa cộng sản tước đoạt tự do của con người, cướp đi tất cả phẩm giá của nhân tính con người, và loại bỏ tất cả những giữ gìn đạo đức vốn kìm hãm các cơn bốc đồng mù quáng. Và nó chẳng nhìn nhận bất kỳ quyền cá nhân nào trong mối liên hệ với tập thể, chẳng nhìn nhận quyền tự nhiên nào chiếu theo nhân tính con người, vốn bị xem chỉ là một bánh răng cưa trong hệ thống Cộng sản.’ Năm 1937, đó là tất cả những gì một giáo hoàng có thể làm để tác động đến các quốc gia và con người ta, nhưng đó là một lời khiển trách trực tiếp dành cho Liên bang Xô-viết và các đồng minh của nó.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã vận dụng tiềm lực ngôi sao của mình trên vũ đài thế giới, một gương mặt tươi mới, trẻ trung và ăn ảnh của Giáo hội Công giáo, để trở thành một lực lượng hùng mạnh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Các nhà sử học tin rằng thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khích lệ phong trào Đại kết ở Ba Lan và các nỗ lực khác của thường dân chiến đấu chống lại Liên bang Xô-viết.
Gioan Phaolô II, cũng như Reagan và Thatcher, sẵn sàng nói thẳng về mối đe dọa Xô-viết. Và không phải bằng thứ ngôn ngữ ngoại giao với tính hay thay đổi và những nhận định úp mở của nó. Mà họ nói với một giọng chắc chắn không đổi, chống lại tai ương Cộng sản. Họ bị phê phán vì sử dụng ngôn từ trực tiếp như thế. Nhưng họ không quan tâm nhiều về chuyện này.
Gioan Phaolô II không ngại ngần gọi Matxcơva là một thế lực đi ngược lại với tự do căn bản. Ngài biết lời nói việc làm của ngài có tác động, và đạo binh giáo hoàng, là các tín hữu, đã đáp lời.
Giáo hoàng Phanxicô cũng nói về tự do tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan như thế. Bây giờ đang cần đến điều này hơn bao giờ hết.
Jorge Mario Bergoglio, Francis, John Paul IINăm 2010, trang Pew đã phát hành một báo cáo gây sốc cho thấy gần 75% dân số toàn cầu sống ở những nước mà chính phủ hạn chế rõ ràng tự do tôn giáo. Nhiều nước trong số này khủng bố các Kitô hữu.
Todd Johnson của Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo Toàn cầu tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell, hồi năm ngoái đã cho Hãng Tin Công giáo biết rằng, nghiên cứu của ông cho thấy rõ ràng rằng việc bách hại các Kitô hữu đặc biệt đang ngày càng tăng nhanh, bởi Kitô giáo đang ngày càng phát triển ở những nơi bị bách hại. Nghiên cứu của ông ước tính rằng khoảng 1/5 hay khoảng 500 triệu Kitô hữu đang sống ở những nước mà có vẻ Kitô hữu đang bị bách hại.
Vấn đề này không chỉ gói gọn trong cảnh ngộ ngày càng mất người của các Kitô hữu ở Thánh địa, hay nhóm Yazidi ở Irắc. Nó cũng không chỉ là việc 10 ngàn người Hồi giáo bị giết mỗi năm bởi chính tay những người Hồi giáo khác, hay xu thế bài Do Thái ngày càng tăng ở châu Âu. Việc này cần đến sự gìn giữ tự do căn bản của tinh thần nhân loại, một tự do mà tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ tin rằng do Thiên Chúa ban tặng.
Ở Hoa Kỳ này đã thấy những cuộc tấn công chống lại tự do tôn giáo, nhưng sự dã man không thể tả của ISIS phải cho quốc gia này và thế giới thấy rõ rằng, cho dù Nhà trắng có muốn điều khiển suy nghĩ người dân thế nào đi nữa, thì cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo vẫn đang phải dấy lên.
Với một giáo hoàng hiểu biết về truyền hình, truyền thông xã hội, và sức mạnh của truyền thông đại chúng, hệt như vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II vậy, thì đã đến lúc chín muồi cho một tiếng kêu lớn vang vọng rõ ràng chống lại những tàn ác của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đủ kiểu đang áp bức những người có đức tin
Thời cơ lớn của giáo hoàng Phanxicô là đứng ra bảo vệ mạnh mẽ toàn bộ thế giới Kitô giáo khỏi những kẻ như ISIS, các nhà nước đóng kịch, và các lãnh đạo tôn giáo mang sự thù ghét và bất dung dưới vỏ bọc tôn giáo. Đường biên giới quốc gia không còn có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là khi chủ nghĩa Hồi giáo đã vươn đến nó cùng với một thứ triết học chẳng thấy gì là sai trái ngay cả khi giết hại phụ nữ và chặt đầu trẻ em.
Khi Ronald Reagan qua đời năm 2004, Đức Gioan Phaolô II đã gởi một điện tín đến Nancy Reagan rằng, ‘Tôi nhớ lại với lòng tri ân sâu sắc sự tận tâm không chút dao động của cố tổng thống … vì tự do, cũng như nhớ đến đức tin bất di bất dịch của ông vào con người và các giá trị thiêng liêng vốn bảo đảm một tương lai đoàn kết, công bằng và hòa bình trong thế giới chúng ta.’ Thế giới đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô hãy đứng lên vì tự do tôn giáo trước mũi giáo của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống George Bush đã cho rằng việc thiếu sự tự do ở Trung Đông là một con đường dài phải vượt qua để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Những người phái tự do ở Hoa Kỳ đã cười nhạo chuyện này. Obama không bao giờ có ý định hành động vì chuyện này.
Bất hạnh thay, trong khi Gioan Phaolô có những người bạn và đồng minh thực sự là Reagan và Thatcher, thì các đối tác cường quốc của Đức Phanxicô lại phản ứng rụt rè với mối đe dọa toàn cầu này vốn không thua gì Cộng sản thế hệ trước.
Với sự giúp sức và động viên của Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho ‘giáo hoàng của dân’ sẽ dẫn dắt mạnh mẽ trong lời nói việc làm để bảo vệ tất cả mọi tín hữu. Ngày nay, có lẽ hơn bất kỳ ai khác, Đức Phanxicô có được tín nhiệm và sự hùng hồn để đứng vào vai trò lãnh đạo đang bỏ trống. Ngài có thể vận dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để khiến thế giới biết chú tâm và hành động để bảo đảm cho mọi người đều có được cơ hội thờ phượng Đấng Tối Cao mà không phải e dè sợ hãi.
 628x471
Thomas J. Basile là Cộng tác viên của tờ Forbes, nhà bình luận chính trị và là người dẫn chương trình SiriusXM Patriot Radio.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét