Trang

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

VỤ ÁN GIÊSU



 




Vụ án Giêsu
Trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được thực hiện như một phóng sự tóm tắt, dẫn đưa khán thính giả từ phòng Tiệc ly đến chân đồi Canvê. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là một vụ án dân sự vô tiền khoáng hậu và bất bình thường: thời gian xét xử quá nhanh, diễn ra từ chiều thứ Năm đến chiều thứ Sáu, không có luật sư bào chữa, bị cáo không được thanh minh, mặc dù quan niệm và luật lệ thời bấy giờ cũng cho phép bị cáo tự bào chữa trước khi có tuyên án của toà (x. Ga 7,51). Chứng nhân trong vụ án là một đám đông hừng hực căm thù và a dua ùa theo dư luận quần chúng. Những lời tố cáo là những lời vu khống, xuất phát từ sự căm hờn. Công nghị Do Thái làm việc từ tảng sáng (x. Lc 22,66), dường như để xét xử chiếu lệ cho xong một cách vô trách nhiệm. Chúa Giêsu ở đó, một mình trước đám đông. Những người thân thiết đã lánh mặt, hoặc có hiện diện thì cũng từ xa âm thầm theo dõi.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng được trình bày như một vở kịch. Vở kịch này có nhiều nhân vật. Có những người đại diện cho luật pháp dân sự như Hêrôđê và Philatô. Có những người lãnh đạo tôn giáo như vị Thượng tế và các kỳ mục. Có những người đại diện cho truyền thống Do Thái như các kinh sư và biệt phái. Bên cạnh họ là một đám đông mà lập trường của họ bất nhất, dễ đổi thay. Họ bị kích động trước nhóm người đang tìm cách tố cáo vu oan vị ngôn sứ thành Nagiarét. Họ cố tình xuyên tạc những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, để cắt nghĩa từ một giáo huấn thiêng liêng có ý nghĩa tượng trưng thành những âm mưu chính trị và hành động phá hoại.

Khi suy tư biến cố thập giá, người tín hữu được mời gọi nhận ra mình là một trong số những nhân vật của vụ án Giêsu. Có thể chúng ta là những người có chức quyền trong Đạo ngoài đời, mà hèn nhát nhu nhược hoặc thiên vị trong cách xử sự, để người vô tội bị oan ức và công lý không được thực thi. Có thể chúng ta là những người học hành hiểu biết uyên thâm như những kinh sư, biệt phái, nhưng không dùng sự hiểu biết ấy để bênh vực và góp phần thăng tiến con người, trái lại, còn lợi dụng kiến thức để đặt những gánh nặng lên vai người khác. Có thể chúng ta giống những dân dư thành Giêrusalem hôm đó, bàng quan dửng dưng trước vụ án Giêsu, như thể điều đó chẳng liên quan đến mình. Cũng có thể chúng ta như đám quần chúng ồn ào, ùa theo phong trào, lợi dụng cơ hội để thoả chí tò mò hoặc thoả lòng căm giận tư thù cá nhân.

Nếu ý thức mình là một trong những nhân vật của trình thuật Thương khó, mỗi chúng ta đều nghe thấy sứ điệp mà Thập giá đang nhắn nhủ. Vụ án Giêsu kêu gọi con người hãy ngưng bạo lực, hãy tôn trọng sự thật và phẩm giá của tha nhân. Vụ án Giêsu không chỉ là một câu chuyện xa xưa đã đi vào dĩ vãng, nhưng còn là câu chuyện của ngày hôm nay. Quả vậy, Đức Giêsu đang vác thập giá đi ngang qua cuộc đời này. Người đang hiện diện nơi khuôn mặt của những chị em đau khổ bất hạnh, nơi những người lang thang không cửa không nhà. Người đang vác thập giá qua những gia đình tan vỡ, những mối tương quan bằng hữu bị đổ vỡ và qua sự dửng dưng vô cảm của con người trước cái ác đang lộng hành. Người kêu mời chúng ta hãy nhận ra Người nơi những mảnh đời bất hạnh, bị dồn vào cùng đường, không tìm thấy lối thoát. Tất cả những hành động nhằm nâng đỡ những người đau khổ, là nâng đỡ ủi an dành cho chính Chúa.

Thập giá Chúa Giêsu cũng là nguồn nghị lực cho mỗi chúng ta. Chúa Giêsu đến trần gian không huỷ bỏ thập giá, nhưng chính Người đã vác thập giá của mình lên đồi Canvê. Và, trong cuộc sống hôm nay, chính Người đang vác thập giá với con người, để từ đây, nỗi vất vả nặng nhọc của con người có sự nâng đỡ của Chúa. “Tất cả hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách ta và hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an. Vì ách của ta êm ái, gánh của ta nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Đến với Chúa Giêsu để được Người nâng đỡ bổ sức, gánh nặng đời ta sẽ trở nên nhẹ nhàng. Những vết thương tâm hồn thể xác sẽ được chữa lành, hận thù sẽ được thay thế bằng yêu thương, nước mắt sẽ biến đổi thành nụ cười và đau khổ sẽ thành niềm vui hạnh phúc.

Dù tin Chúa hay không, mỗi chúng ta đều có thập giá trong đời. Dù chấp nhận hay từ chối, thì thập giá vẫn hiện hữu. Vác thập giá là một điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Nhiều người ảo tưởng khi nghĩ rằng họ có thể chọn Chúa Giêsu mà không chọn thập giá. Đó sẽ là chọn lựa của ích kỷ, giống như người muốn đạt phần thưởng trong cuộc chạy đua mà không muốn hy sinh khổ luyện. Không đón nhận thập giá, chúng ta sẽ giống như những người cổ võ, những “fan” ủng hộ các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc hay bóng đá. Đó chỉ là sự cổ võ cho vui, nhằm giải trí. Giữa những ngôi sao ấy và đời sống chúng ta, chẳng có mối liên quan nào và không giúp cho đời ta nên hoàn thiện.

Nhiều nơi có truyền thống tổ chức lễ nghi Tuần Thánh rất ồn ào với những đội trống đội kèn sầm uất, mà quên đi khía cạnh nội tâm của các nghi lễ. Thánh Luca kể lại, khi Chúa Giêsu vừa tắt thở trên thập giá, “viên đại đội trưởng (là một người ngoại) cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: ‘Người này đích thực là người công chính’. Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23,47-48).

Cái chết của Chúa Giêsu hôm ấy đã đánh động viên sĩ quan ngoại giáo và những người đến xem vì tò mò, đến mức họ đấm ngực sám hối và cất tiếng tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. Nghi thức Tuần Thánh mà chúng ta cử hành có đem lại tác động cụ thể nơi mỗi tín hữu và có để lại dư âm tốt lành nơi những người lương dân xung quanh chúng ta hay không? Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta, những tín hữu xác tín rằng ơn Cứu độ loài người khởi đi từ thập giá, từ vụ án Giêsu.
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét