Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

8 Điều Tìm hiểu Tập tục Giáng sinh


Tìm hiểu Mùa Giáng Sinh

  8 Điều Tìm hiểu Tập tục Giáng sinh

Lm. Đoàn Quang, CMC
1. Danh từ Giáng sinh:

Danh từ Giáng sinh để chỉ Ngôi Hai Chúa Trời sinh xuống trần gian. Người Anh-Mỹ gọi là Christmas  lễ của Chúa Kitô.

Không ai biết rõ ngày sinh của Chúa Kitô. Giáo hội bên Đông mừng lễ Chúa Giáng sinh vào 6 tháng 1 dương lịch.
Giáo hội bên Tây (Công giáo Rôma) từ thời Đức Thánh Giáo hoàng Juliô I (năm 350) chọn vào ngày 25/12 để thay thế cho ngày người ngoại giáo thời đó mừng thần Mithra, thần Ánh sáng, thần Mặt trời. Chúa Kitô thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi muôn dân trong tăm tối như thánh Gioan đã viết: Ánh sáng đã chiếu soi trong đêm tối (Ga 1,5).

Trong Mùa Giáng sinh không kể người Công giáo, người Tin lành giáo, mà ngày nay mọi người yêu thích lễ Giáng sinh đều mừng lễ theo phương cách của mình. Các nhà thương mại sản xuất thiệp Giáng sinh đủ loại, hang đá, máng cỏ, thiên thần, đồ chơi...

Các nhạc sĩ khắp thế giới đua nhau sáng tác ca nhạc giáng sinh mừng Chúa Hài đồng trong muôn điệu du dương...các băng, đĩa nhạc giáng sinh bày bán khắp các tiệm, nhiều đại hội nhạc giáng sinh được trình diễn mừng Chúa giáng trần.


2. Hang đá và máng cỏ 

Hang đá đầu tiên: Thánh Phanxicô Assisi được coi như người đầu tiên có sáng kiến làm hang đá, máng cỏ để nhớ lại sự khó nghèo của Chúa Cứu thế, vào năm 1223 tại Greccio nước Ý. Ngài mượn một hang đá trên sườn núi, rồi nhờ người dùng bò lừa thật như để thổi hơi ấm cho Chúa Hài nhi. Giữa đêm, hàng ngàn người cầm đuốc tiến lên hang đá dự lễ nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh. Thánh Phanxicô mặc áo phó tế giảng về tình thương Chúa giáng sinh làm người cứu chuộc muôn dân rất hùng hồn cảm động (Antôn, Thánh Phanxicô, NSTTĐM, tr.273). 
Lời Kinh thánh theo Tin mừng theo Thánh Luca nói về Hang đá, máng cỏ: )Lc 2, 11-)

2,11     Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít,Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  2,12    Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người, anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ".

 2,13    Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng, 2,14    Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiệm tâm.  2,15    Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau, "Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết". 2,16     Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

Máng cỏ thật  Chúa Hài đồng đã nằm xưa hiện nay được giữ trong đại thánh đường Đức Bà Cả ở Roma.

Ðêm 24/12 các Nhà thờ trên thế giới đều có hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng, tượng Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Cứu thế, chung quanh có những mục đồng, những con bò, con lừa, các tượng Ba Vua, một số Thiên thần. Trên mái nhà có ánh sáng, chiếu từ một ngôi sao hướng dẫn 3 vua tìm đến với Chúa. Mọi người đều hướng về Chúa nhân từ, cầu nguyện Chúa ban ơn cứu độ,  cho nhân loại bớtđược bình an, mọi người được sống hạnh phúc.

Năm 1945, nhạc sĩ Hải Linh (người gp Phát diệm, nhưng tu tại gp Bùi chu) đã sáng tác ra bài Hang Belem để mừng Chúa sinh ra đời trong mùa Đông lạnh. Bài ca này đã phổ thông trong khắp các xứ đạo Công giáo Việt nam. Khi hát mừng Chúa Giáng sinh, người ta nghĩ ngay và dễ dàng cất lên lời: Đêm Đông lạnh lẽo...Có người không để ý đến lịch sử, hay tại miền Nam VN khí hậu nóng nên người ta đổi là Hát khen mừng Chúa giáng sinh, nghe không hay và không đúng ý tác giả.

" Đêm đông lạnh lẽo Chúa giáng sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng. Ðàn hát, réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa. Ðây Chúa Thiên Toà Giáng sinh vì ta..Người hỡi, hãy kíp bước tới, Đến xem, nơi hang Be Lem. Ôi Chúa Giáng sinh khó khăn thấp hèn.

Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Belem thiên thần xướng ca: Thiên Chúa vinh Danh, chúng nhân an hòa.

3. Nhà thờ Giáng sinh:

Nhà thờ giáng sinh: Tại Belem,  ngày nay là nhà thờ  cổ nhất nơi Đất thánh dài 170 bước, rộng 80 bước, xây phủ hang đá. Du khách  chỉ còn thấy ngôi sao trên nền đất, ghi dấu nơi Chúa sinh xưa, chung quanh là đèn treo lủng lẳng theo kiểu trưng bày của đạo Chính thống... 
  
4. Ngôi sao Giáng Sinh: 
(ngôi sao đánh dấu chính nơi hang đá Chúa Giáng sinh xưa)

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt, ngôi sao xuất hiện trên trời, chỉ đường cho 3 nhà đạo sĩ (bác học, vua nhỏ). Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía Đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, 3 vua nhỏ hiểu biết sự lạ, tìm theo ánh sáng ngôi sao, đã tìm thấy nơi sinh Vua Trời. Theo tục Đông phương, ba vua vào thăm và quì lạy dâng lên Chúa Hài Đồng các phẩm vật là vàng, trầm hương và mộc dược là thổ sản quí của địa phương mình. 


5. Cây thông

Năm 1660, thời Trung cổ, người công giáo nước Đức trưng bày hoạt cảnh vườn Địa đàng, trong đó có "cây biết lành biết dữ". Họ lấy cây thông là cây sống xanh tươi trong khí hậu băng giá mùa Đông, tượng trưng cho cây biết lành biết dữ. Họ trưng bày tại nhà riêng cũng như nhà thờ trong mùa Giáng sinh.

Đến thế kỷ thứ 19, phong tục này dần dần lan ra khắp Âu châu rồi ra khắp nơi trên thế giới. Nhiều nơi, trang trí thêm những đèn điện, những giây hoa vàng bạc óng ánh và những gói quà bọc giấy mầu rực rỡ, những tấm thiệp gắn nhạc giáng sinh, nghe vui tai và coi đẹp mắt. 

Lá thông màu xanh, màu của hi vọng, màu chờ đợi Chúa Kitô, rất hợp cho mùa Vọng và mùa Giáng sinh.

6. Ông già Noel (Nikolaus)

Hình ảnh quen thuộc nhất trong mùa Giáng Sinh là ông già Noel mà ai cũng biết. Ông mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ kiểu xứ lạnh, đi giầy đen, tóc bạc phơ và râu trắng như tuyết. Nikolaus có từ thế kỷ thứ 3 sau Chúa Giáng Sinh. Ông chào đời tại quận Patara thuộc phần đất của Turkey (Thổ), người ta biết đến ông chính là giám mục Nicola thương người nghèo.

Ông già Noel theo tiếng Pháp Père de Noel, tiếng anh Santa Claus, tiếng Hòa-Lan Sinterklass.

Theo tài liệu, Nicola là con nhà giầu có, nhưng khi cha mẹ chết, ông đã đem của cải riêng mình phân phát cho những người nghèo khổ và trẻ con. Ông biến những giấc mơ của họ thành sự thực, bằng cách mua quà bánh cho họ, đem lại cho họ niềm vui bất ngờ. 

Sau khi được phong thánh, Nikolaus trở thành người đỡ đầu của các thương nhân, thủy thủ và trẻ con. Ông qua đời vào ngày 6 tháng 12 không rõ năm. Ngày 6/12 hàng năm để tưởng nhớ thánh Nicola, người đạo đức, giàu lòng nhân từ bác ái . Hình ảnh người mặc áo màu đỏ của  Nikolaus đến từng nhà có trẻ con thăm viếng, chia bánh kẹo trong đêm Giáng Sinh.

Theo truyền thuyết ông già Noel trở lại trần gian, theo đường ống khói lò sưởi vào mỗi gia đình, để đồng tiền hay bánh kẹo vào trong chiếc vớ hay chiếc giày treo gần giường ngủ hay lò sưởi, đem lại giấc mơ đẹp cho tuổi thơ trong đêm Giáng Sinh.  Bởi thế Cha mẹ thường mua quà bỏ vào đôi vớ để cạnh lò sưởi, lúc trẻ con thức dậy vui mừng với món quà của ông già Noel tặng. Phong tục này khuyến khích trẻ em nên làm điều thiện để được ông già Noel tặng quà 

7. Bài ca Ðêm Thánh vô cùng (Silent Night)

Có xuất xứ từ Ðức với tựa đề: "Stille Natch, Heiligo Natch". Khi cuộc chiến Ðức - Áo - Phổ vừa kết thúc, trưa ngày 24-12-1818, linh mục Joseph Mohr, phó xứ đạo Oberndorff (nước Austria- Áo), trở về nhà thờ của mình sau một thời gian di tản và gấp rút chuẩn bị đêm Giáng sinh. Thật không may, cây đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng, các tập bài hát đã bị thiêu rụi. Linh mục Joseph Mohr cấp tốc sáng tác một bài thơ bằng tiếng Ðức với tựa đề "Stille Natch, Heiligo Natch" (Ðêm yên tĩnh, đêm lành thánh, vì đã ngưng tiếng súng vào đêm Chúa giáng sinh).
Linh mục đem bài thơ đó đến nhờ ông giáo làng Franz Xaver Gruber (1787-1863), người vẫn chơi phong cầm cho nhà thờ, phổ nhạc. Hai người đã cùng hát bài thánh ca mới soạn lúc ban chiều vào đúng nửa đêm Giáng sinh 24-12-1818. Bài ca hay đến nỗi linh mục chánh xứ và giáo dân sững sờ. Sau lễ Giáng sinh, một thợ sửa đàn được mời về sửa cây đàn phong cầm. Khi thử đàn, thấy bản nhạc Stille Nacht quá hay, ông xin phép chép lại cho ban nhạc của các con ông tập. Các con ông đã soạn thành 4 bè tổng hợp. Và năm sau, tại Vienne (nước Austria), ban hợp xướng này đã đoạt giải nhất kỳ thi trình diễn thánh ca Giáng sinh với bài "Stille Nacht Heiligo Nacht".

Từ đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp các nước. Sang tới Hoa Kỳ, John Freeman Young thuộc giáo phái Tin Lành Methodists đã dịch bài hát trên sang tiếng Anh "Silent Night, Holy Night". 20 năm sau, kể từ khi bài thánh ca ra đời, giáo phái Methodists cử người sang Oberndorff (nước Áo) để xin trả tiền tác quyền cho tác giả, nhưng linh mục Josept Mohr đã qua đời.

Bản Stille Nacht đã trở thành bất hủ và được dịch ra gần 100 thứ tiếng. Đây là tiếng Việt do nhạc sĩ Hùng Lân chuyển lời:

1.Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ đồng; Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đền.

2. Ôi Chúa Thiên đàng cảm mến cơ hàn, nhấp chén phiền vương phong trần, Than ôi Chúa thương người đến quên mình. Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai ham sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. 

3. Tinh tú trên trời. Sông núi trên đời, với Thánh Thần mau kết lời, Cao rao Hóa công đã khéo an bài . Sai con hiến thân mong cứu nhân loài. Hang chiên máng rêu tạm trú bốn bề tuyết sương mịt mù.
 

8. Phụng vụ Lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh:

Lễ Giáng sinh: được cử hành trọng thể trong toàn Giáo hội, gồm lễ Vọng chiều 24, lễ Nửa đêm, lễ Sáng, lễ chiều.

- Trong khi hát kinh Tin kính, phải bái gối câu:"Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người", nếu đọc, chỉ cần cúi đầu. 

- Tiếp theo lễ Giáng sinh là một tuần 8 ngày (bát nhật) kéo dài lễ Giáng sinh, để tôn kính mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thánh lễ trong tuần bát nhật có kinh Vinh Danh.

Mùa Giáng sinh: bắt đầu từ  chiều vọng lễ Giáng sinh (24/12) đến Chúa nhật lễ Chúa  chịu Phép Rửa. Trong mùa này có những lễ kính thánh Têphanô tử đạo tiên khởi, thánh Gioan Tông đồ, các thánh Hài nhi, lễ Thánh gia, lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ Chúa Hiển linh (Chúa tỏ mình cho các đạo sĩ), kết thúc sau lễ Chúa Chịu Rửa.

- Trong mùa Giáng sinh,Chủ tế mặc áo lễ trắng, trừ lễ Thánh Têphanô và lễ các Thánh Hài nhi tử đạo (chủ tế mặc áo đỏ).

- Ca đoàn hát những bài vui theo tinh thần Giáng sinh.

- Được làm lễ cưới trọng thể.

- Trong mùa Giáng sinh ta tiếp tục "cầu nguyện, hy sinh, yêu mến" là ý nghĩa lễ vật 3 nhà đạo sĩ dâng kính Chúa Hài đồng.

1-Vàng tượng trưng cho đức mến (mến Chúa yêu người).

2-Nhũ hương tượng trưng lời cầu nguyện,

3- Mộc dược tượng trưng cho hy sinh, hãm mình;

- Mùa Giáng sinh kéo dài tâm tình cảm tạ Thiên Chúa giáng trần.   

Nguồn: tinmung.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét